Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

HỌC CÁCH ĐỌC - PHẦN 1 - PHẦN 2 - PHẦN 3

Học cách đọc (Phần 1)

Hiện tại, quy trình của “học ngu” là đọc tài liệu, tóm lược và trình bày nội dung đã đọc cho các thành viên trong nhóm. Việc phải thuyết trình trước các bạn bắt buộc mình phải đảm bảo rằng mình nắm được những gì sẽ nói. Từ đó, vấn đề đặt ra là: làm sao để việc đọc đạt hiệu quả cao nhất (“hiệu quả” theo nghĩa người đọc hiểu tài liệu một cách rõ ràng, mạch lạc). Mình chiachuyên đề đọc thành nhiều phần bởi vì “đọc” ngó vậy thôi chứ không hề đơn giản. Học cách đọc quan trọng không kém học tiếng Việt, hai cái học ấy bổ sung cho nhau và mỗi ngày nhóm “học ngu” vẫn phải liên tục rèn luyện.

Hôm nay mình có cơ hội học hỏi cách đọc từ thầy P. Chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi, sử dụng một quyển sách minh họa, thầy P đã dạy mình một số điểm cốt lõi của việc đọc. Nay mình sẽ lần lượt chia sẻ lại với cả nhà các điểm ấy qua loạt bài về cách đọc.

Lưu ý khi đọc: phạm vi của bài viết đang bàn đến đọc sách, chưa bàn đến các dạng tài liệu khác. Mình cũng xin nhắc luôn là quyển sách đang được minh họa là sách triết học nên sẽ có một số điểm đặc thù chỉ dành cho thể loại sách này.

TRƯỚC KHI ĐỌC SÁCH

Đầu tiên, trước khi đọc sách, nhứt thiết phải biết mình sắp đọc cái gì. Tựa đề sách không chỉ là cái tên để phân biệt mà nó còn ẩn chứa tư duy của tác giả. Thầy có lấy ví dụ tên sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (Trần Ngọc Thêm) để phân tích. Khi nói “tìm về” thì tác giả đã xem “bản sắc văn hóa” là một thực thể và nó có tồn tại. Giống như khi ta đi tìm một món đồ bị thất lạc trong nhà, ta biết nó ở đâu đó nên ta đi “tìm”. Từ đó ta sẽ phân ra nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ, vv để “tìm” tương tự như cách tác giả đã chia ra các mảng văn hóa để phân tích, chứng minh. Ngoài ra tựa đề sách còn cho ta biết sách thuộc thể loại nào: tiểu thuyết, triết học, khoa học, tản văn,.. vv để lựa chọn cách đọc phù hợp.

Thứ hai, sau khi đọc tựa đề sách ta nên đọc lời nói đầu, lời chú giải dẫn nhập của người dịch hoặc mục lục của sách để biết cách tác giả khai triển ý tưởng. Nếu có thể thì vẽ lại sơ đồ “xương sống” của sách bằng cách dùng các từ khóa ngắn và các ký hiệu. Có sơ đồ trong tay ta sẽ không bị lạc trong lúc đọc. Đồng thời, ta cũng cần thiết phải tìm ra câu hỏi mà sách đang tìm cách giải đáp. Đó là nền tảng cho ý tưởng của tác giả khi viết sách. Đặc biệt những lúc bị “loạn”, chỉ cần nhớ lại mục đích của sách là gì, nhớ lại câu hỏi hoặc giả định của người viết, ta sẽ thấy lại con đường.

Thứ ba, ở mức độ cơ bản, đọc sách là để lấy thông tin. Do vậy đôi khi không nhất thiết phải đọc hết từng câu từng chữ mà có thể chỉ cần tìm ra những chỗ ta cần. Công cụ hỗ trợ cho việc đọc lúc này là bút chì, thước, bút highlight, giấy ghi chép. Bút và thước để gạch chân các ý, bút hgihlight đánh dấu những từ khóa, giấy để vẽ sơ đồ, vv. Đặc biệt, thầy P nhấn mạnh cần phải rút ra các từ khóa để vẽ nên sơ đồ. (Mình sẽ nói kỹ hơn ở các bài sau).

Cuối cùng, đọc sách không phải là hành động thụ động mà nó là một “hành trình leo núi” chủ động theo cách ví von của thầy P. Bấy lâu nay mình đọc sách với tâm thế của một độc giả bình thường, một người học hỏi nhưng thầy lại mở ra cho mình một hướng suy nghĩ mới: đọc sách như là người dạy – dạy chính mình. Thầy gợi ý có thể tưởng tượng mình đang là một người thầy cần phải giảng bài cho sinh viên. Do vậy phải đọc sách để lấy thông tin rồi sơ đồ hóa kiến thức. Nhìn vào các sơ đồ ấy, “người thầy” đó sẽ trình bày lại nội dung mình đã đọc. Tuy nhiên sẽ có khi “người thầy” cảm thấy “kỳ kỳ”, “rõ ràng mình hiểu phần đó rồi sao lại không thể nói ra?”; lúc đó ta biết mình thiếu từ vựng [của sách] hoặc cách diễn đạt còn yếu. Ta sẽ đọc lại sách một lần nữa, ghi chép bổ sung rồi lại giảng lại cho đến khi nào ta nắm vững nội dung, có thể tự dạy lại “bài” cho mình mới thôi. Hơn nữa, với tâm lý “đi dạy”, người đọc sẽ có trách nhiệm hơn với việc đọc của mình. Đó là lý do nhóm “học ngu” luôn có tiết mục thuyết trình mỗi khi đọc xong tài liệu.

Trên đây là những việc cơ bản nên làm trước khi đọc sách. Mình tâm đắc nhất là việc chuyển đổi tâm thế từ người đọc thành người dạy. Hướng suy nghĩ mới mẻ này làm mình cảm thấy việc đọc trở nên thú vị hơn. Thiệt ra thì dạo này mỗi lần đọc một cuốn sách hay mình luôn nghĩ “nếu trình bày lại cho người khác thì sao”, ý nghĩ đó phần nào giúp mình chuyên tâm đọc hơn. Tuy vậy để có thể “dạy” một cách trơn tru thì cần phải có các kỹ thuật khác hỗ trợ trong và sau lúc đọc mà mình xin hẹn ở các bài viết sau. .
#nhatkyhocngu

  https://www.facebook.com/photo.php?fbid=869949159726209&set=a.868961836491608.1073741968.100001333980465&type=1


Học cách đọc (Phần 2)

Nối tiếp #2 bàn về những việc nên làm trước khi đọc [sách], hôm nay mình chia sẻ một số cách hỗ trợ việc đọc. Mình cũng xin lưu ý lại là phạm vi bài viết đang bàn đến đọc sách chứ không phải các dạng tài liệu khác. Quyển sách đang được minh họa là sách triết học nên sẽ có một số điểm đặc thù chỉ dành cho thể loại sách này. Bạn tự điều chỉnh cách đọc cho phù hợp với từng loại tài liệu nhé.

TRONG LÚC ĐỌC SÁCH

1. Trước hết, khi đã bắt đầu đọc thì nên chuyên tâm. Tính mình đôi khi dễ bị phân tâm nên có mấy bận thầy P phải nhắc mình đọc sách đi. Mình nghĩ nhiều người sẽ đồng ý kiến với mình rằng sự tập trung là quan trọng, không chỉ cho việc đọc mà còn nhiều việc khác nữa. Thế nên sẽ là dư thừa nếu tiếp tục bàn về sự tập trung ở đây. Mình chỉ muốn nói thêm là nếu bạn dễ bị mất tập trung như mình chẳng hạn thì nên tìm một góc yên tĩnh, đủ ánh sáng và không nên mở nhạc để đọc. Tất nhiên đó là kinh nghiệm của mình thôi nha.

2. Thứ hai, không phải sách nào phải cũng đọc từng câu từng chữ, phải dựa vào câu hỏi, mục đích, vấn đề đang được đặt ra để dò thông tin cần dùng. Sẽ thật tiện lợi nếu sách bạn đọc có các đề mục rõ ràng cho từng chương, từng phần bởi vì tiêu đề của các phần nhỏ thường sẽ ẩn chứa gợi ý để tìm thông tin. Mình thấy cách đọc này giống “Scan and Skim”, tuy nhiên vẫn phải luôn giữ tâm thế mình là “người dạy” lúc đọc để ta không dừng lại ở mức độ “tìm đáp án”.

3. Thứ ba, để hỗ trợ cho cách đọc đã nêu trên, bạn nên có bút chì, thước kẻ, bút highlight khi đọc sách. Những vật dụng này giúp chúng ta duy trì sự tập trung và đánh dấu những điểm quan trọng hỗ trợ cho việc trình bày sau này (nếu có). Mình để ý trong sách của thầy hay gạch/ đánh dấu những chỗ này nè:

- Khoanh tròn các từ “là”, “rằng”, “tức là”, “có nghĩa là”,…: sau các từ này thường là định nghĩa, khái niệm của các thuật ngữ. Một thói quen của người đọc là hay hiểu nghĩa thuật ngữ theo cách của mình mà không dùng góc nhìn của tác giả. Ví dụ từ “phản biện” rất hay được hiểu theo nghĩa cãi ngược lại, chê trách, phán xét. Tuy vậy, từ “phản biện” (tiếng Hy Lạp: criticos) có nghĩa đúng là biện biệt, làm cho rõ ràng các vấn đề cái gì đúng, cái gì sai. Phải chăng sự liên tưởng [không cần thiết] và thói quen đoán từ đã tạo ra sự khác biệt ghê gớm này?

- Khoanh tròn từ “tin rằng”, “cho là”, “tin”, “nghĩ rằng”: đây là các từ khóa gợi ý nền tảng mà tác giả đang sử dụng (hay còn gọi là “tiền giả định”). Bất kỳ một nội dung nào khi được viết đều có một nền tảng niềm tin, tìm ra được tiền giả định ta sẽ thực sự bước vào cuộc hội thoại với tác giả.

- Gạch hai gạch cho các ý quan trọng của đoạn văn/ chương. Đây thường là các luận điểm của tác giả. Nếu bài viết có nhiều luận điểm thì mình dễ gặp mấy từ khóa như “thứ nhất là”, “đầu tiên”, “thứ hai”, “kế đó”, “thứ đến”, “vậy”, “mặt khác”, “đồng thời”, “trái lại”,… Đây đồng thời cũng là các từ liên kết giúp nội dung mạch lạc. Nương theo mạch ý của tác giả cũng là một cách hay nếu như ta phải thuyết trình sau đó.

- Gạch chân các ý quan trọng hoặc highlight các từ mới (để tra từ điển). Mình thấy thầy mình gạch từ khóa là chủ yếu, nếu phía trước có các từ thuộc dạng khoanh tròn thì không cần phải gạch nhiều.

- Với các câu có nội dung phủ định hoặc bác bỏ thì có thể gạch chồng lên nội dung. Mình để ý thấy cách gạch này rất ấn tượng vì nhìn vô thì tự khắc sẽ liên tưởng đến điều gì đó bị “xóa” đi.

- Một số đoạn dài nhưng quan trọng thì dùng ngoặc hoặc đường kẻ dài để đánh dấu là nó quan trọng, thầy mình làm vậy đó.

4. Nếu có thể thì bạn chuẩn bị vài tờ giấy hoặc nếu sách còn chỗ thì vẽ thẳng lên đó những sơ đồ tóm lược nội dung bạn đã đọc. Nội dung tóm lược của từng chương, từng phần. Thầy dặn mình nên sơ đồ hóa nội dung, nhất là những nội dung quá dài, quá phức tạp. Dĩ nhiên là bạn dùng từ khóa thôi nha, tránh phải ghi chép quá nhiều cho sơ đồ.

5. Đối với một số sách có các cấu trúc câu phức tạp, chẳng hạn như sách triết học thì nên dùng dấu “/” để phân tách các thành phần của câu cho dễ hiểu. Tưởng tượng câu “Thất kinh nàng chửa biết là làm sao” (Truyện Kiều) mà bị phân tích sai cấu trúc thì sao nhỉ? *cười*

6. Câu văn tiếng Việt rất hay sử dụng các đại từ như “nó”, “đó”, “chúng nó”, “chúng”,… để thay thế cho chủ từ đã dùng trước đó. Tuy vậy với những đoạn có nhiều đối tượng thì đại từ lại trở nên dễ nhầm lẫn một chút. Mẹo ở đây là bạn có thể dùng bút chì ghi lại từ/ cụm từ chỉ đối tượng được thay thế ở kế bên.

7. Nếu có thể thì lúc đọc nên trang bị từ điển bên cạnh. Mình biết là ý tưởng tra từ điển tiếng Việt nghe rất ngộ nghĩnh cơ mà khi chưa làm chủ được tiếng mẹ đẻ thì nên nương vào những nguồn tài liệu sẵn có. Còn việc dùng từ điển nào thì mình sẽ chia sẻ ở một bài khác.

Trên đây là một số kỹ thuật hỗ trợ việc đọc sách (cụ thể trong trường hợp này là sách triết học). Ở bài sau mình sẽ chia sẻ những gì mình làm sau khi đọc. Khoảng thời gian đầu khi phải học lại cách đọc mình thấy khó chịu lắm. Mình nghĩ “đọc thôi mà, sao lại nhiều ‘trò’ quá vậy”. Hóa ra đến lúc cần phải trình bày hoặc đơn giản là kể lại cho bạn nghe về một quyển sách mình lại không tài nào nhớ được ý. Từ dạo luyện tập cách đọc chủ động này mình rèn được tính cẩn thận, sự tập trung và nhất là mỗi lần cần thuyết trình thì chỉ cần “liếc” lại trang sách, bao nhiêu ý tự nhiên nổi lên hết à.


 Học cách đọc (phần 3)

Sau khi đã thực hiện các quy trình trước và trong lúc đọc, bây giờ mình chia sẻ những gì ta có thể làm sau khi đọc. Mình nhắc lại một lần nữa là phạm vi của bài viết đang là sách, cụ thể là sách triết học. Tuy vậy bạn hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt các kỹ thuật đọc này theo từng loại tài liệu và cả khả năng, sở thích của mình nữa nhé.

SAU KHI ĐỌC SÁCH 

Giống như một câu chuyện cổ tích, có “khắc nhập” thì ta sẽ có “khắc xuất”. Sau khi đã đọc sách với tâm thế mình là người dạy, mình nghĩ ta có thể thử “xuất” bằng cách thuyết trình lại những gì đã “nhập”. Thông qua việc trình bày ta có thể kiểm tra mức độ “hiểu” của mình về nội dung đã đọc cũng như bộc lộ những điểm yếu về tư duy, cách dẫn dắt, cách dùng từ,… để khắc phục và hoàn thiện. Đặc biệt, các sơ đồ được vẽ trong lúc đọc là một trợ thủ đắc lực mỗi khi “xuất”. (Bạn xem lại ở #3 nha).

Thầy P gợi ý cho mình 3 giai đoạn của việc “xuất”, mình ghi lại hết ở đây nè:

1. Giai đoạn 1: Bạn gấp sách lại, nhìn vào sơ đồ (gồm các từ khóa và các ký hiệu thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố) và trình bày những gì bạn có thể khai triển được. Thường ở giai đoạn này chúng ta sẽ có cảm tưởng là mình hiểu nội dung nhưng “nó cứ sao sao”, mình muốn trình bày ra lắm cứ thấy khó khăn thế nào. Có thể bạn đang thiếu từ ngữ để diễn tả, hệ thống ý chưa mạch lạc hoặc một số chi tiết chưa rõ ràng.

Lúc này bạn đừng hoảng mà hãy bình tĩnh giở lại những phần còn thiếu sót. Quan trọng nhất là nhìn vào hệ thống từ vựng mà tác giả đang sử dụng để “mượn” những từ đó khi thuyết trình. Mình không nghĩ việc mượn từ của tác giả là một hành động bắt chước hay đạo văn bởi vì ta đang trình bày cho người nghe quan điểm của tác giả đó cơ mà. Đối với hệ thống ý chưa mạch lạc thì nhứt thiết phải xem lại các sơ đồ của mình đã chặt chẽ hay chưa. Lúc này bạn sẽ thấy sự lợi hại của việc gạch/ khoanh/ bôi lúc độc. Lắm lúc mình có cảm giác như chữ nhảy lên khỏi trang sách vậy.

2. Giai đoạn 2: Với những “đổ vỡ” của giai đoạn 1, sang đến bước này ta có thể trình bày nội dung trơn tru hơn một chút và bắt đầu “nhập” vào tác giả để trình bày. Dĩ nhiên là trong lúc đọc ta có những suy tưởng của riêng mình nhưng trước hết hãy làm rõ những luận điểm của tác giả, mình nghĩ đây là hành động thể hiện sự “tôn trọng”. Ta tôn trọng công sức người viết, tôn trọng thành quả “cày bừa” với các trang sách của mình, tôn trọng người nghe và tôn trọng tính khách quan của việc học. Có thể ta không đồng tình với tác giả nhưng trước khi tranh luận nhứt thiết phải hiểu ĐÚNG và trình bày ĐÚNG suy nghĩ của tác giả.

Tuy nhiên ở giai đoạn này có thể bạn vẫn còn gặp một số trở ngại về từ vựng, chi tiết chưa rõ ràng hoặc thiếu sự liên kết giữa các phần. Thế là ta [lại] giở sách ra và bổ sung vào các phần thiếu đó.

3. Giai đoạn 3: Lúc này ta đã có thể làm chủ kiến thức mình đã đọc và trình bày một cách lưu loát. Đồng thời với những suy tưởng khi đọc ta có thể “đối thoại” với tác giả bằng những luận điểm của mình. Có thể đến đây bạn đã thuộc bài nhưng vai trò của các sơ đồ vẫn rất quan trọng, nhất là khi ta lỡ quên một số chi tiết. Kinh nghiệm của mình là nên viết chữ to, rõ và không viết tắt trong sơ đồ. Thầy P có chia sẻ nếu được thì ta nên chuẩn bị một ít giấy để ghi chép, mình thì dùng sổ hoặc giấy note có keo dán.

Trên đây là các bước để trình bày nội dung quyển sách đã đọc. Con số “ba” thực ra có thể linh hoạt thay đổi tùy vào năng lực của mỗi cá nhân. Thầy cũng lưu ý mình là nên nói to để nghe được giọng mình khi nói đã lưu loát chưa, có thành thục từ ngữ chưa. Quan trọng hơn cả là phải liên tục rèn luyện để hình thành thói quen đọc sách chủ động.

Đến đây thì loạt bài về cách đọc sách cũng đã hoàn tất với những kỹ thuật cơ bản nhất. Đây cũng là những gì mình được học trong một buổi sáng cùng thầy P. Kết thúc khóa học ngắn hạn này, thầy chỉ dặn đi dặn lại mình là phải luyện tập bởi vì đa phần kiến thức ta sử dụng lấy từ việc đọc. Do vậy, song song với việc làm chủ tiếng Việt (thứ ngôn ngữ ta đang dùng để tư duy) thì đảm bảo cách “nhập” đúng cũng rất quan trọng. Xem ra hành trình “học ngu” vẫn còn rất dài…
#nhatkyhocngu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét