Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

HÃY LUÔN LÀ MỘT NHÀ PHẢN BIỆN

1. HÃY LUÔN LÀ MỘT NHÀ PHẢN BIỆN
[Thảo luận bàn tròn – #WEGREEN]


Trong một thế giới mở khi mà internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, ngày nay, có lẽ không còn một vấn đề nào có thể được xem là cấm kị hay không thể bàn tán trên các diễn đàn và mạng xã hội. Tuy nhiên, để tìm đến một tiếng nói chung hay một nhận định đúng đắn cho mỗi vấn đề xã hội đau đầu và nhạy cảm mà ai đó đặt ra lại đòi hỏi ở con người những kĩ năng, mà hiện nay ở Việt Nam trường lớp chẳng bao giờ dạy ta. Điều đó dẫn đến một thực trạng bất đồng quan điểm gay gắt mang theo những hệ quả là chửi bới, miệt thị nhau trên các diễn đàn, hoặc qui kết cho người này, người kia là lăng loàn, hay phản động.

Những thực trạng ấy vẫn diễn ra cả ở cuộc sống thật, cũng vì thế, mối quan hệ của con người trở nên quan trọng hơn, những rạn nứt do bất đồng quan điểm không còn là những rạn nứt ảo nữa, và những đánh giá về nhân cách trở thành nghiêm túc hơn rất nhiều.

Mở đầu loạt bài về “Tư duy và phản biện”, TKN xin được thảo luận với bạn đọc một vấn đề xã hội nhạy cảm, không mới, nhưng chưa bao giờ đi đến một kết luận cuối cùng công bằng ở bất kì một diễn đàn nào (theo hiểu biết của tôi). Qua đó, hi vọng chúng ta có cơ hội trao đổi, để trở nên sáng suốt hơn trong mỗi nhận định và đánh giá của mình, mà văn vẻ có thể nói là trở nên minh triết hơn.

Vấn đề đầu tiên tôi xin được đưa ra, đó là tình dục trước hôn nhân - điều xưa nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi, không chỉ trong xã hội Việt Nam, mà cả trên thế giới, đặc biệt là các nước Á Đông có truyền thống Khổng giáo. Nếu như phương tây bàn đến vấn đề này như một tự do cá nhân và là lựa chọn nên hay không nên của mỗi người, thì ở Việt Nam và Á Đông, đa phần chúng ta lại tranh cãi xem điều đó là “hợp đạo đức” hay “không hợp đạo đức”. Cũng như vậy, đối với nhiều người, nhân cách của một người khác lại được đánh giá qua yếu tố này.

Vậy ở đây, trên cở sở tư duy phản biện, vấn đề ấy được xem xét thế nào? Và liệu có thể đi đến một kết luận cuối cùng về nhân cách của con người dựa trên vấn đề tình dục trước hôn nhân hay không? Tôi xin được đưa ra một hướng phân tích.

***
Trong lý thuyết về tư duy phản biện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn tiếp cận sự phản biện mạch lạc, mà bất kì ai cũng có thể gặp phải, nếu không tự phản biện lại chính mình trong mỗi suy nghĩ. Một trong những loại rào cản ấy là TƯ DUY TƯƠNG ĐỐI (relativistic thinking), có nghĩa là mỗi nhận định không có một sự qui chiếu phổ quát, thay vào đó, người phản biện vướng vào hệ qui chiếu của riêng mình, và áp đặt nó cho sự thật khách quan, dẫn đến nhầm lẫn trong kết luận.

Đánh giá đạo đức con người, có vẻ là một đề tài muôn thuở, và cũng là cái mà người ta hay nói nhất, khi ngồi với nhau. Tuy nhiên tư duy nào trong đầu ta đã quyết định đạo đức của một người, và tư duy ấy có thật sự mạch lạc và đáng tin không, thì chưa hẳn tất cả chúng ta đã hiểu rõ. Cách suy nghĩ theo ĐẠO ĐỨC CHỦ QUAN và ĐẠO ĐỨC DỰA TRÊN NỀN VĂN HÓA là hai hình thức tư-duy-tương-đối hay gặp phải khi người ta đánh giá một hành vi đạo đức. Chúng tác động trực tiếp đến nhận định của mỗi người về vấn đề đạo đức, cách nhìn nhận phân tích hầu hết các vấn đề trong cuộc sống, xã hội. Đối với những yếu tố có xảy ra loại tư duy tương đối này, thì niềm tin của một người (hay một nhóm người – rộng hơn là một xã hội) hoàn toàn không quyết định tính đạo đức hay tính đúng đắn của một vấn đề và ngược lại. Xin được dẫn một ví dụ minh họa cho thấy rõ hơn quan điểm này.

Nhận định của một người về đạo đức của một người trong chế độ đa thê ở các nước Ả Rập được xếp vào loại nhận định dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thiên-kiến-chủ-quan-xã-hội. Trước tiên phải nói rằng, đây là một chế độ được chấp nhận ở Ả Rập, nó đúng đắn và hợp đạo đức ở nước này. Một người đàn ông Ả Rập có 2 thậm chí nhiều vợ, vẫn có thể được xem là một người đáng kính trọng trong xã hội; nhưng với quan niệm của các nước khác, đa thê là một hành vi phạm pháp, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, một người đa thê có thể đối mặt với án tù và bị truy tố trước pháp luật. Ta có thể dễ dàng nhận ra, ở đây, nguyên nhân là, vấn đề đa thê không được dùng để xét đoán đạo đức một người nếu tách người đó ra ngoài xã hội, mà niềm tin đạo đức của họ, ở đây ta gọi là chuẩn mực đạo đức tương đối trên phương diện văn hóa của họ qui định. Chúng ta không vướng phải rào cản đó, nên có thể dễ dàng đi đến nhận định cuối cùng này. Ngoài ra, việc tấn công vào chính quan niệm đa thê của toàn xã hội Ả Rập nói chung sẽ là một việc khác, liên quan đến cách mạng và ảnh hưởng tôn giáo nhiều hơn là bản chất việc đánh giá đạo đức con người, tôi xin không bàn đến tại qui mô bài viết này.

Một vấn đề tương tự, là tình dục trước hôn nhân, được xếp vào loại đạo đức được xác định bởi quan điểm đạo đức chủ quan. Do xuất phát từ một xã hội có truyền thống Nho giáo, ở Việt Nam từ lâu đời đã qui định rằng, tình dục trước hôn nhân là một sai trái về đạo đức. Nhưng với sự du nhập của văn hóa tây phương, xã hội Nho giáo nứt vỡ và bị phá hủy, ngày nay, không còn nhiều những nhà Nho chính cống nữa. Những qui chuẩn xã hội được thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn. Tuy nhiên, do thay đổi này diễn ra không đồng đều ở các mặt, dẫn đến độ vênh trong thay đổi quan điểm về đạo đức ở xã hội Việt Nam. Có những người vẫn mang những nhận định của xã hội cũ, trong khi đó, có nhiều người đã cải tiến tư tưởng, thoải mái hơn trong vấn đề tự do tình dục. Như vậy, qui mô về qui chuẩn đạo đức ở đây không mang tầm xã hội (như trong ví dụ về Ả Rập), do bản thân toàn xã hội không có một sự thống nhất (ngầm) nào đó, mà mang tầm con người, nghĩa là qui chuẩn đạo đức được mỗi người tự qui định, thay vì có một chuẩn mực xã hội chung bao trùm. Vì thế, giống như việc đánh giá một người đàn ông đa thê, không thể tách người đó khỏi xã hội của ông ta, là Ả Rập hay không Ả Rập; thì ta KHÔNG THỂ xét đoán một người dựa trên việc họ có quan hệ tình dục trước hôn nhân hay không NẾU tách người đó khỏi quan niệm đạo đức của CHÍNH HỌ về tình dục trước hôn nhân. Có nghĩa là, khi một người tin rằng, tình dục trước hôn nhân mà sai trái, thì anh/cô ta sẽ là một người vô đạo đức nếu anh/cô ta quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ngược lại, nếu một người tin rằng, tình dục trước hôn nhân không sai trái, sẽ là vô lý khi qui kết anh/cô ta là kém đạo đức chỉ vì anh/cô ta quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một người quan niệm tình dục trước hôn nhân là đúng đắn với mình, nhưng lại sai trái với người khác (hoặc ngược lại) thì chỉ có 1 khả năng: tư duy của người đó có khiếm khuyết, khiến cho anh/cô ta không thoát được sự tương đối trong tư duy của mình.

Như vậy, khi đánh giá một vấn đề, cần thoát được tư duy tương đối, và đặt vấn đề ấy vào hệ qui chiếu của chính nó để có được một kết luận công bằng và đúng đắn.

Nói rộng ra, trong mọi trường hợp, để đến được kết luận đúng đắn sau cùng, mỗi người trên chặng đường tư duy tìm chân lý, cần nhận biết và vượt qua được những rào cản tư duy của chính mình, bằng cách tự phản biện chính mình, để đạt đến chân lý gần nhất.

***
Ngoài ra, còn có nhiều loại rào cản khác đối với tư duy phản biện, điển hình nhất là:

- Chủ nghĩa vì lợi ích nhóm (sociocentrism)
- Chủ nghĩa vì lợi ích cá nhân (egocentrism)
- Tư duy trên giả thiết thiếu cơ sở (unwarranted assumption)
- Tư duy chụp mũ (stereotypes)
- Cảm giác kì vọng (wishful thinking)

Những loại rào cản này được trình bày kỹ hơn trong tài liệu tham khảo đính kèm. Bên cạnh đó, là các câu hỏi ví dụ (mini quiz) về các trường hợp được xem là vướng phải rào cản trong tư duy. Mời quí bạn đọc download và xem thêm.

File download dưới đây là tài liệu tham khảo chúng tôi lược dịch từ cuốn “Critical Thinking: A Student's Introduction”, 4th edition của nhóm tác giả Bassham, Irwin, Nardone, và Wallace.

http://www.mediafire.com/download/lsm5es9lima8nka/Những_rào_cản_đối_với_Tư_duy_phản_biện.pdf

Những thắc mắc và thảo luận về bài viết hay vấn đề tư duy phản biện, quí độc giả có thể gửi message hoặc để lại comment dưới bài, chúng tôi rất hân hạnh được trao đổi, nhận những phê bình, đóng góp để chương trình được chất lượng hơn trong những bài viết sau.

------------------
Bài viết và hình ảnh: [Admin TKN]
Bản quyền © Wegreen Vietnam


https://www.facebook.com/WegreenVietnam/photos/a.325882454177234.73308.246214618810685/434625009969644/?type=1

===============================

Tản mạn về TƯ DUY PHẢN BIỆN
[Thảo luận bàn tròn – #WEGREEN]


Ngày xửa ngày xưa, trong một thế giới 2d có một đôi bạn thân, đó là hình vuông và hình tròn. Một ngày kia hình tròn bỏ đi mà không nói lời từ biệt với hình vuông.

Hình vuông đau khổ vì sự ra đi của người bạn thân, nhưng bỗng một ngày hình cầu xuất hiện. Hình vuông vẫn giữ cái nhìn của thế giới 2d và nghĩ rằng hình cầu chính là hình tròn, người bạn thân của mình.

AI LÀ NGƯỜI MÙ?

Câu chuyện xảy ra vào mùa xuân năm ngoái, khi tôi quyết định tận dụng kì nghỉ sau kỳ học mùa xuân của mình ở quê và gặp được một anh Tây có khả năng chém tiếng Việt ở level bá đạo. Và dưới đây là trích đoạn cuộc nói chuyện của hai anh em:

- Em chắc đã nghe kể về câu chuyện thầy bói mù xem voi rồi.
- Anh đang nói về chuyện 5 hay 6 ông thầy mù đi sờ voi và mỗi ông kết luận một kiểu phải không?
- Ừ, về cá nhân anh rất thích câu truyện cổ này của Việt Nam, em nghĩ sao về nó?
- Theo em, nó dạy ta phải có cái nhìn tổng quan trên nhiều mặt để có được kết luận chính xác nhất, giống như trong câu chuyện con voi đầy đủ là tập hợp của tất cả các bộ phận mà mấy ông mù đó sờ thấy. Ngoài ra phải biết bỏ qua những định kiến thì mới có thể thoát ra được cái nhìn thiển cận của cá nhân.
- Vậy sao? Thế làm sao em nghĩ mấy ông mù không thể thấy tất cả toàn diện của một con voi và sao em biết em đã nhìn ra tổng thể của con voi?
- …
- Thế này nhé, các ông ấy có bốn giác quan, em có năm giác quan, nhiều hơn các ông ấy đôi mắt. Nên em nhìn thấy toàn bộ con voi, còn các ông ấy thì không. Hiểu rồi, vậy là khi có một sinh vật phát triển hơn chúng ta và nó có 6 giác quan thì nó sẽ “nhìn” ra con voi đầy đủ hơn chúng ta?
- …

Và đó là bài học đầu tiên của tôi về thứ được gọi là “tư duy phản biện”. Tôi không có những trải nghiệm phong phú như anh bạn ngoại quốc, không phải một chuyên gia nghiên cứu hay đơn giản chưa thể gọi là một cá nhân có tư duy phản biện sắc bén. Nhưng nếu bạn hỏi tôi về tư duy phản biện, ít ra trên khía cạnh cá nhân tôi sẽ nói với bạn đó là một khả năng quan sát một sự vật, sự việc hay lĩnh vực dưới nhiều khía cạnh khác nhau để có thể bao quát hơn và hiểu rõ hơn về vấn đề. Nếu không có điều gì tuyệt đối có thể tồn tại, thì cũng không có đúng nhất, chuẩn xác nhất, chính xác nhất, vì nếu có thì khi đạt được đến “cảnh giới” đó rồichúng ta sẽ không cần mất công đặt ra những câu hỏi, mất công tìm kiếm, học hỏi, nghiên cứu và phát triển. Đơn giản vì chúng ta đã phát triển đến đẳng cấp gọi là “nhất” rồi.

VẬY TẠI SAO CẦN PHẢN BIỆN?

“Một kỹ năng có thể thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội mà một công dân chân chính cần có”.
Nhà tôi có rất nhiều ô tô, rồi quần áo đủ loại, máy móc đủ thứ, thậm chí là la liệt máy bay. Tất cả đều nhờ đôi tay của em trai tôi, mỗi lần về nhà là lại nghe mẹ với cô phàn nàn, kêu nó dẹp cái đống lộn xộn nó bày ra, nhưng tôi với ông lại rất hứng thú với bộ sưu tập của thằng em. Tôi nhớ ngày trước thằng em tôi là một đứa rất biết nghe lời. Chẳng hiểu sao một ngày nó lấy cái kéo của ông và cho ra lò chiếc xe đầu tiên từ một chiếc lá si dài cùng lắm chỉ bằng ngón trỏ của tôi. Thế là từ đấy trở đi mẹ nói không nghe, cô đe không được. Giờ thì “bệnh” của nó nặng hơn, không cây cảnh nào trong vườn của ông thoát được trừ mấy cây hoa mẹ trồng, hết cắt rồi lại chuyển sang vẽ, nhưng khổ nỗi nếu nó chỉ vẽ trên giấy đã may. Đằng này cả con chó Bill cũng vằn vẹo như con chó lai hổ. Đồ đạc đủ mọi hình khối màu sắc, nhiều nơi khiến tôi có cảm tưởng đây là khu vực sinh sống của thổ dân da đỏ.

Bạn có nghĩ rằng đó là một sự khác biệt lớn? Dù sao em tôi vẫn giữ được những thứ tôi đã đánh mất. Tôi không có nhiều hứng thú đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm sự khác biệt dưới mọi góc nhìn, mọi khía cạnh khác nhau của sự vật như thời còn “trẻ trâu”. Chính sự phản biện là nguồn lực lớn nhất thôi thúc chúng ta phải tìm kiếm, phải hoài nghi, giữ cho mỗi chúng ta ham muốn được học hỏi khám phá những điều mà chúng ta quan tâm. Và đó chính là sức mạnh lớn nhất của tư duy phản biện.

ÁP DỤNG TƯ DUY PHẢN BIỆN

Tôi còn nhớ một câu chuyện về nhà sáng chế tài ba lỗi lạc trong lịch sử, đó là Thomas Edison. Ông đã thất bại 2000 lần trước khi chế tạo ra chiếc bóng đèn điện. Khi được hỏi,ông đã nói rằng mình đã tìm ra 2000 cách khác nhau để tạo ra chiếc bóng đèn. Bằng cách nào mà 1999 lần trước Edison biết rằng đây chưa thực sự là chiếc bóng đèn sáng nhất, bởi vì không tồn tại chiếc bóng đèn tốt nhất, sáng nhất.

Bạn có bao giờ tự đặt ra cho mình những câu hỏi đại loại như “Có những cách làm nào khác, làm thế nào để tốt hơn nữa?”.

Muốn áp dụng được tư duy phản biện, bạn không thể không trang bị cho mình những câu hỏi phản biện. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể áp dụng trong quá trình phản biện hay tự phản biện, lưu ý đây chỉ là những câu hỏi phổ thông nhất và không thể sử dụng cho tất cả mọi tình huống.

- Tại sao lại đưa ra được kết luận đó?
- Dựa vào đâu mà bạn có khẳng định điều đó?
- Bạn lấy thông tin này từ đâu?
- Tại sao điều này lại quan trọng?
- Điều gì có thể giải thích cho hiện tượng này?
- Còn những phương án nào khác, làm thế nào để tốt hơn nữa?

Hãy thường xuyên rèn luyện kỹ năng phản biện và đừng quên áp dụng đúng câu hỏi vào đúng lúc, đúng chỗ, đúng tình huống bạn nhé.

***

Thưa quí độc giả, vậy là trong tháng này Wegreen đã 2 lần đề cập đến tư duy phản biện (critical thinking) trong các bài viết của mình. Chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của loại hình hoạt động trí óc này. Vậy vì sao đa phần các bài viết đều cho thấy sự thiếu sót và yếu kém của mỗi chúng ta khi thực hiện tư duy phản biện? Làm cách nào để phát triển năng lực này? Và thứ tư duy ấy liệu có giúp gì cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày, hay chỉ có tác dụng trong học hành, công việc, và thể hiện mình trước người khác?

Với những vấn đề ấy, Wegreen xin được bắt đầu series “Tư duy và phản biện” trong chuyên mục “Thảo luận bàn tròn”, với mục đích giới thiệu cho bạn đọc các kĩ năng của tư duy phản biện, và ứng dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày, cũng như hỗ trợ các bạn trong công việc và học tập.

CRITICAL THINKING vốn là một môn học được giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới. Việc giới thiệu những kĩ năng này, Wegreen không tham vọng so sánh mình với lớp học chuyên về môn này trên thế giới và cả trong nước. Chúng tôi chỉ hi vọng, bằng cách đặt vấn đề gần gũi với cuộc sống của giới trẻ Việt Nam, giới thiệu những kiến thức cơ bản của phương pháp tư duy này nhưng không quá mô phạm và lý thuyết, có thể góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn về một bộ môn còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng lại rất cần thiết cho mỗi người trên con đường của mình trong tương lai; bên cạnh đó là sân chơi, cho chúng ta cùng thảo luận và hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề khúc mắc của cuộc sống.

Wegreen cám ơn sự quan tâm và ủng hộ của quí độc giả, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình, để chuyên mục hoạt động thật sự hiệu quả và giúp ích cho mọi người.

Các phần thảo luận tới của chuyên mục, sẽ được đăng vào mỗi thứ Hai hàng tuần.

Phần 1: Hãy luôn là một nhà phản biện

---------------------
Biên tập và hình ảnh: [Admin TKN] @ Wegreen
Nguồn: http://cocdoc.fpt.edu.vn/


https://www.facebook.com/WegreenVietnam/photos/a.325882454177234.73308.246214618810685/431572243608254/?type=1

1 nhận xét: