Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA , CHÍNH TRỊ CỦA NGUYỄN TRÃI

TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA CỦA NGUYỄN TRÃI
TS. Nguyễn Minh Hoàn
Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Trong truyền tư tưởng của người Việt Nam, tư tưởng nhân nghĩa là một trong những tư tưởng cốt lõi phản ánh vào đó một hệ thống các quan điểm về triết lý nhân sinh, triết lý xã hội, triết lý chính trị, triết lý quân sự, triết lý ngoại giao,... Tư tưởng nhân nghĩa đạt đến một bước phát triển mới ấy đã được thể hiện trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. Cũng chính tư tưởng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đã phát triển ấy từ truyền thống tư tưởng nhân nghĩa trong văn hoá Trung Hoa đã góp vào việc nâng tầm tư duy truyền thống của người Việt Nam hướng đến chủ nghĩa nhân đạo.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi (1380–1442) được hình thành từ một hệ thống các quan điểm của triết lý nhân sinh, triết lý xã hội, triết lý chính trị, triết lý quân sự, triết lý ngoại giao,. . . và là tất cả những triết lý trong một thể thống nhất ấy lại được bao trùm bởi cả một vũ trụ quan ông. Như vậy, tư tưởng của Nguyễn Trãi là sự thống nhất giữa đạo trời và đạo người thể hiện chung ở chủ nghĩa nhân đạo. Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Nguyễn Trãi là kết quả của sự kế thừa quan điểm triết học truyền thống phương Đông nói chung, của dân tộc nói riêng. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã trở thành một tư tưởng nhân nghĩa tiêu biểu nhất của truyền thống tư tưởng dân tộc, bởi nó chính là sự hội tụ những tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc truyền lại, rồi tiếp tục lưu chảy trong truyền thống tư tưởng nhân nghĩa của người Việt Nam sau này.
Tư tưởng nhân nghĩa ấy của Nguyễn Trãi đã được thể hiện trong một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Quân trung từ mệnh tập,Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí.
Trước hết, tư tưởng nhân nghĩa vẫn luôn thể hiện tư tưởng nhân nghĩa truyền thống, bởi nhân nghĩa vẫn là cái gốc của đạo trời, nên "Bại nghĩa thương nhân, trời đất cơ hồ muốn dứt" (Bình Ngô đại cáo). Nhân nghĩa cũng vẫn là cái gốc của đạo người lãnh đạo, người cai trị dân, vì: "Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc"; cho nên đó cũng chính là cái gốc của sự ứng xử của người lãnh đạo, của bậc quân vương đối với người dân: "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, viện công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu" (Lại thư trả lời Phương Chính). Mục đích "an dân" được thực ở người quân tử theo đạo trời để bảo vệ sự sống (an dân), rằng: "đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân" (Thư dụ hàng (các tướng sĩ) thành Bình Than). Phải chăng đây vẫn là sự thể hiện tư tưởng mà trong Kinh dịch, Hệ từ hạ đã viết (thiên địa chi đại đức viết sinh).
Lòng nhân nghĩa đó trong tư tưởng của Nguyễn Trãi chính là sức mạnh bảo vệ quốc gia dân tộc, được thể hiện bởi vai trò của bậc trung quân ái quốc. Đây cũng là tư tưởng đã được thể hiện trước đó ở thời kỳ chống sự xâm lược của nhà Nguyên. Hịch tướng sĩ (Dụ chư tì tướng hịch văn) cũng nhấn mạnh: "Tự cổ các bậc nghĩa sĩ trung thần đã từng diệt thân để cứu nước" (Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tử quốc hà đại vô chi).
Trong thực tiễn của lịch sử dân tộc Việt Nam, lúc tình huống càng nguy cấp trước sự xâm lược, thì càng là lúc mà lòng nhân nghĩa thể hiện được sức mạnh to lớn, và vẫn tất yếu giành được thắng lợi: "Chính lúc cờ nghĩa nổi lên, đương khi thế giặc mạnh" (nghĩa kỳ sơ khởi chi thời, chính tặc thế phương trương chi nhật, Bình Ngô đại cáo); "kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều". Lý do này cũng là ở sức mạnh của nhân nghĩa, vì "yếu" chỉ là kém hơn sức mạnh quân sự, nhưng mạnh hơn bởi sự hợp lực đức nghĩa của "kẻ nhân giả". Còn "ít" chỉ là nhỏ hơn về số người, nhưng mạnh hơn cũng bởi sự hợp lực sức mạnh lòng nhân của "kẻ nghĩa giả". Quả đúng là đức nhân và việc nghĩa là một sức mạnh: (cường nhi nghĩa); (đồng lực, độ đức; đồng đức, độ nghĩa); và (nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim).
Nhưng tư tưởng nhân nghĩa truyền thống Việt Nam, còn là việc dùng sức mạnh nhân nghĩa để chống bạo tàn: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân làm biến đổi cường bạo" (Bình Ngô đại cáo). Sức mạnh nhân nghĩa được thực hiện bằn thu phục nhân tâm của kẻ xâm lược: "công tâm". Mặc dù đây là tư tưởng trước đó đã được nói đến ở thời Tam Quốc (tâm vi thượng, công thành vi hạ; tâm chiến vi thượng, binh chiến vi hạ). Nhưng tư tưởng "công tâm" mà Nguyễn Trãi nhấn mạnh đã được nâng thành tư tưởng có tầm chiến lược và được sử dụng như một nghệ thuật.
Việc vận dụng quan điểm nhân nghĩa như một nghệ thuật trong tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện ở chỗ nhân nghĩa vừa là phương tiện vừa là mục tiêu. Nhưng cũng chính vì là nghệ thuật dùng nhân nghĩa trong điều kiện thực tiễn lịch sử phải là sức mạnh được tập trung vào công cuộc giải phóng dân tộc, đó là: "dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội". Đặc biệt, trong hoàn cảnh đó phải thực hiện cả "quyền mưu làm gốc để trừ kẻ gian tà"; và "nhân nghĩa làm gốc để giữ vững bờ cõi" (Quyền mưu bản thị dụng trừ gian; nhân nghĩa duy trì quốc thế an). Cũng chính vì nhân nghĩa để thắng hung tàn, mà quyền mưu thì dùng trừ gian, do đó "quyền mưu" chính là nhân nghĩa trong thời kỳ chống xâm lược.
Tư tưởng nhân nghĩa thể hiện theo tinh thần trên còn bao hàm cả sự khoan dung. Khi Nguyễn Trãi soạn Chiếu thư cho vua Thái tổ đã giải quyết tốt tình huống bang giao với phương Bắc ngay sau khi nước nhà giành độc lập:
Lúc ấy, các Tướng sĩ và nhân dân ta, đều thâm thù sự tàn bạo của người Minh, nên đều mật khuyên Hoàng đế nhân dịp giết chết cả đi. nhưng ngài dụ rằng:
"Việc phục thù trả oán, là tình thường của mọi người, nhưng không ưa giết người, là bản tâm của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết, thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc, để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới đời sau, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người, để dứt mối chiến tranh tới muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử sách, tiếng thơm sẽ truyền tới ngàn thu, há chẳng đẹp lắm ư?". Các bầy tôi đều bái phục độ lượng khoan hồng của Hoàng đế."
Lấy việc thực hiện tinh thần nhân nghĩa thời kỳ này so với thời trước đó vào thời Trần thì tinh thần nhân nghĩa trên đây trong tư tưởng Nguyễn Trãi là đỉnh cao phát triển tư tưởng nghĩa.
"Trong lịch sử đời Trần có vụ sau khi nhà Nguyên thất trận hai lần nên phải chịu hòa hiếu bang giao với nước ta. Vua Nhân Tôn liền sai quan đưa bọn tướng tá tù binh Mông Cổ về Tàu như Tích Lệ, Cơ Ngọc, Phàn Tiếp. Riêng tướng Mã Nhi là tên đã giết hại nhiều người Việt, để rửa hận cho nhân dân Việt nên vua mới dùng mưu của Trần Hưng Đạo đem ra giữa bể rồi sai người đánh đắm thuyền cho chết đuối. Về sau vua Dực Tôn (1829–1883) xem hồ sơ vụ này có phê bốn chữ "Bất nhân phi nghĩa".
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của việc thực hiện nhân nghĩa chính là để "an dân". Nhưng chưa hết, thực hiện phương tiện nhân nghĩa để thực hiện mục tiêu an dân đã tạo một nấc thang mới trong sự phát triển tư tưởng nhân nghĩa thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, khi mà việc nhân nghĩa không phải chỉ tuyệt đối hoá ở mệnh trời, được thể thông qua người quân tử như trong tư tưởng truyền thống, mà ở Nguyễn Trãi thì: "việc nhân nghĩa cốt ở an dân", cần được hiểu rằng: cốt ở yên dân (yếu tại an dân) là nhân nghĩa xuất phát từ chính việc người thay cho mệnh trời, mà ở đây chính là dân lành? Xuất phát từ quan điểm đó là tư tưởng thể hiện lòng biết ơn dân: "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày". Tất nhiên, lòng biết đã có trong tư tưởng Nho giáo: "Bách tính không đủ ăn thì vua đủ ăn sao được" (bá tính bất túc quân thục dữ túc, Luận Ngữ, Nhan Uyên), nhưng lòng biết ơn dân cũng là mục đích an dân, vì dân, lo cho dân, để rồi: "nơi thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu".
Ngay trong thời đại của mình vào thế kỷ XV, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã được thực tiễn trả lời những giá trị của nó, không dừng lại ở đó, cho đến nay những tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn:https://www.facebook.com/285683768173940/photos/a.638490192893294.1073741839.285683768173940/641843592557954/?type=1
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TƯ TƯỞNG NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Ts. Nguyễn Hùng Hậu

Tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện qua những tác phẩm của ông, chẳng hạn như Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, v.v.

Quan niệm về quốc gia, dân tộc ở Nguyễn Trãi đã tiến lên một bước quan trọng khi ông xác định "Quốc" bằng lãnh thổ, văn hoá, phong hoá,và lịch sử.

- Về lãnh thổ, ông cho rằng ngay từ xưa Giao Chỉ đã không phải lãnh thổ Trung Quốc, ở ngoài cương giới Trung Quốc. Ông chỉ rõ: "Nước An Nam xưa bị Trung Quốc xâm chiếm là từ Tần, Hán trở đi. Phương chi trời đã phân cách Nam Bắc có núi cao sông lớn, bờ cõi rành rành".

- Về văn hiến, theo ông, tuy An Nam ở ngoài Ngũ Lĩnh mà có tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài giỏi đời nào cũng có.

- Về văn phong, tập quán là hoàn toàn khác Trung Quốc từ hàm răng mái tóc, cách thức ăn mặc cho đến cưới xin, ma chay, giỗ tết, đình đám, hội hè, cách làm ăn sinh sống. Ông nói: "Người nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước" (Dư địa chí).

- Lịch sử dân tộc ta rất oai hùng qua nhiều triều đại với những hoàng đế riêng và nhiều anh hùng hào kiệt. Nước ta là một quốc gia độc lập. Ai xâm phạm tới, trước sau sẽ chuốc lấy sự thất bại.

"Xét nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến
Bờ cõi sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi đàng làm đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu".

Đây là quan niệm rõ ràng và tương đối hoàn chỉnh về quốc gia dân tộc, về chủ quyền ngang hàng với phương Bắc của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ. Đây cũng là bản tuyên ngôn độc lập hào hùng của dân tộc ta ở thế kỷ XV.

Vấn đề con người trong tư tưởng Nguyễn Trãi được tập trung ở khái niệm nhân nghĩa và đạo làm người.

- Nhân nghĩa ở ông là một đường lối, chính sách cứu nước và dựng nước, trong kháng chiến chống giặc cũng như trong xây dựng hoà bình. "Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều", "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân làm thay đổi cường bạo", cao hơn nữa, nhân nghĩa còn là cơ sở của đường lối, chuẩn mực của ứng xử, giải quyết mọi việc, nó là phương pháp luận cho mọi suy nghĩ, hành động. "Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của"; "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu". (Lại thư trả lời Phương Chính).

Nhân nghĩa còn thể hiện ở việc tha cho hàng binh để tuyệt mối chiến tranh sau này, để tiếng thơm muôn thuở.Tư tưởng nhân nghĩa còn thể hiện ở việc lên án chiến tranh, yêu hoà bình: "Đồ binh khí là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến".

Tư tưởng nhân nghĩa của ông còn thể hiện ở tư tưởng lấy dân làm gốc: "Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân","Dân như nước", "Theo ý mình mà ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận". Từ đó "Dân tâm" (lòng dân) đã trở thành cơ sở cho chủ nghĩa nhân đạo của ông.

Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã đạt đến tư tưởng nhân đạo cao cả.

Chủ nghĩa nhân đạo này dựa trên một số tư tưởng có tính chất duy vật ở ông, chẳng hạn "Đói rét thiết thân thì không đoái gì đến lễ nghĩa" (Tấu cầu phong), "Một buổi không có ăn, cha con hết tình nghĩa" (Lại thư cho Vương Thông), khiến cho nó mang tính hiện thực, tích cực, toàn diện. Chính vì vậy, ông chủ trương dẹp xong quân giặc, chia nửa số quân về làm ruộng.

- Đạo làm người ở ông là phải vươn tới mẫu người quân tử, hào kiệt, đại trượng phu, phải có ba đức tính: nhân, trí, dũng.

Đạo làm người của ông được phát triển từ đạo làm người của Nho, nhưng lại khác Nho ở chỗ trung không phải là trung với một triều đại, một ông vua, mà là trung với nước, nhân không phải là lòng thương người chung chung mà là hướng vào người nghèo khổ, là yêu dân, cứu dân. Như vậy, ông đã phát triển đạo làm người của Nho giáo trong điều kiện giữ nước và dựng nước lúc bấy giờ.

Ông đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa các sự vật hiện tượng, đặc biệt khi phân tích nguyên nhân của chúng. "Phúc hay hoạ đều có manh mối từ lâu, không phải gây nên bởi một ngày". Ông nói: "Xem việc làm như thế nào, xét duyên do vì sao lại như thế, sự vui vẻ do đâu mà có. Thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng không thể che dấu được" (Lại thư cho Vương Thông, Sơn Thọ).

Ông đã nhìn thấy và giải quyết tốt mối liên hệ chằng chịt giữa cái nhỏ và cái lớn, giữa việc gần và việc xa, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, khi ông nói: "Không thấy việc nhỏ mà hại việc lớn, không lấy nhìn gần mà lãng nhìn xa" (Lam Sơn thực lục). Sự vật, hiện tượng, con người luôn biến đổi (mệnh không thường), việc đời phức tạp (trời khó khăn) nên phải nghĩ chỗ khó mà mưu việc dễ. Công khó thành mà dễ hỏng nên phải cẩn thận lúc đầu mà tỉnh về sau. "Phải coi chừng mối hoạ loạn có khi do yên ổn mà nên. Phải đón ngăn ý kiêu sa có khi do sung sướng mà đến". Nếu cần phải "nghĩ giữ nước từ khi chưa nguy", "Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau, phải làm nên việc lớn từ việc nhỏ".

Giữa chủ quan (lòng người, ý người, ý dân, sức người, sức dân) và khách quan (lẽ trời, vận trời, sức trời, lòng trời - xu thế lịch sử khách quan, xu thế thời đại) có mối liên hệ biện chứng. "Trên hợp lòng trời. Dưới hợp lòng người". Trong hai cái đó, mặc dù dưới dạng thần bí nhưng ông đã thấy ra cái thứ hai là cơ sở quy định cái thứ nhất. "Phải thuận được lòng trời mới hợp được lòng người". Khi đã hiểu ra cái thứ hai thì phải lượng sức mình, hiểu đúng thực lực của mình, từ đó nâng cao tính năng động để đạt đến mục đích. Chẳng hạn như Lê Lợi dựng nước cơ nghiệp là do "Biết người biết mình, hay yếu hay mạnh", "đã do trời mà biết thời, lại có trí để công thành" (Phú núi Chí Linh). Chính cái này đã chống lại chủ nghĩa duy tâm về mệnh trời thần bí trong Nho giáo.

Chính vì phân tích mối liên hệ chủ quan và khách quan đúng đắn mà ông tìm ra, phát hiện thời cơ. Thời là lúc hoàn cảnh khách quan thuận lợi để hoạt động chủ quan con người đạt đến kết quả không ngờ. Ông kêu gọi "Thời sao, thời sao! Thực không nên lỡ". Từ hiểu thời, thời mới thông biến. Đó là điều đáng quý ở người quân tử. Mặt khác, phải tạo dựng lực lượng chủ quan để đón thời, tức tạo "thế", vì có thời mà không có thế thì thời cơ đến sẽ bỏ lỡ mất. "Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hoá ra yếu, yếu lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Cho nên "Điều đáng quý ở người tuấn kiệt là biết thời thế hiểu sự biến mà thôi".

Từ sự phân tích thời thế, chủ quan khách quan ông đã đưa ra phương pháp lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, và đã thành công. Điều đó chứng tỏ tư duy lý luận của ông ở thời đó là hoàn toàn đúng đắn và nó vẫn còn có ý nghĩa lý luận về sau.

(temple.edu)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA NGUYỄN TRÃI

Gs.Ts. Trần Phúc Thăng
Hồ Chí Minh National Political Academy

Tư tưởng chính trị của Nguyễn Trãi được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của ông mà điển hình là trong "Cáo bình Ngô", một áng văn bất hủ, bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Việt Nam. Tư tưởng chính trị của Nguyễn Trãi mang tính triết lý sâu sắc, phản ánh kiến thức uyên bác của ông về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo cũng như về lịch sử, văn hoá dân tộc, cuộc sống của nhân dân.

Có thể xem Nguyễn Trãi là người đầu tiên nêu lên những yếu tố cơ bản của một quốc gia có chủ quyền. Trong các bức thư gửi cho tướng giặc, Nguyễn Trãi luôn khẳng định Đại Việt là một quốc gia độc lập nằm ngoài lãnh địa Trung Quốc, có một nền văn hoá riêng. Trong Cáo bình Ngô, ông khẳng định:

"Xét như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến
Bờ cõi sông núi đã riêng
Phong tục Bắc nam cũng khác".

Như vậy, quan niệm về quốc gia dân tộc, ở Nguyễn Trãi đã được hiểu với một nghĩa đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn nhiều so với giai đoạn lịch sử trước.

Tư tưởng chính trị nổi bật ở Nguyễn Trãi còn là tư tưởng "nhân nghĩa". Mặc dù "nhân", "nghĩa" là phạm trù mà Nho giáo đã sử dụng, song ở Nguyễn Trãi "nhân nghĩa" lại có những nét riêng, độc đáo và trở thành một phạm trù chính trị – xã hội rõ rệt.

Nguyễn Trãi viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Vì vậy, mục đích của các cuộc chiến tranh của Việt Nam không phải để "đánh chém" mà muốn "để người ta sống" làm cho "dân yên".

Quan niệm về "dân" trong tư tưởng của Nguyễn Trãi được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những dân cày, những điền nô, gia nô, tôi tớ, những người lao khổ trong xã hội.

Nguyễn Trãi kể tội quân giặc, trước hết là tội
"Treo dân đen trên lò bạo ngược
Hầm con đỏ dưới hố tai ương"

Vì vậy mà phải dùng binh, nhưng "binh cốt để bảo vệ dân". Dân trong tư tưởng Nguyễn Trãi không chỉ là những người cần phải cứu vớt mà sức mạnh của dân còn là sức mạnh cơ bản, là nền tảng của quốc gia. Vì dân "Như con sông chở thuyền và lật đổ thuyền cũng lại là dân". Theo ông "Dân mà không tin thì nước không thể đứng vững được. Chính nhân dân đã góp công góp của cho chiến tranh để tạo nên một đội quân hùng mạnh: "Gươm mài đá núi cũng mòn. Voi uống nước, nước sông phải cạn". Nhờ vậy mà có chiến thắng.

Tư tưởng "yên dân" là tư tưởng cốt yếu của nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa còn là dùng nhân nghĩa để chiến thắng, tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi viết:

Trọn hay,
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cườn g bạo.

Vì vậy, mặc dù sức mạnh như "chẻ tre", Nguyễn Trãi vẫn kêu gọi tướng giặc cầu hòa, ông không muốn để những người dân vô tội phải chết uổng... Khi quân giặc đã thất bại, chúng vẫn được cấp cho 500 chiếc thuyền và 10 cỗ xe ngựa cùng đầy đủ lương thực, thực phẩm để về nước được chu toàn.

Cũng với tư tưởng nhân nghĩa này, Nguyễn Trãi đã chủ trương xây dựng một chính quyền trong sạch, chống tham quan ô lại để có được cuộc sống yên vui cho người dân ở tận các nơi thôn dã. Nhà nước theo ông phải có kỷ cương, có luật lệ nghiêm chỉnh nhưng đồng thời cũng phải là nhà nước "nhân chính" vì pháp lệnh phải "để lòng vào nhân nghĩa." Nhờ theo tư tưởng đó mà đất nước Đại Việt thế kỷ XV đã trở thành một quốc gia giàu mạnh khiến "người phương xa sợ uy, mến đức đều đến tỏ lòng thành thực để xem cảnh tượng thái bình".

(temple.edu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét