Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Thế nào mới là công bằng?

Thế nào mới là công bằng?
Trong giờ học phát huy năng lực, khai phóng trí tuệ cho trẻ tiểu học (Kids Power), thầy giáo cho học trò đọc một mẫu truyện về “Đàn quạ chia bánh” của tác giả Robert Charles. Câu chuyện được tóm tắt như sau:
“Vào một ngày nắng đẹp, có một con quạ to bay ngang qua nhà cô Hạnh Nhân, nó nhìn xuống thấy một cái bánh nướng được làm từ trái anh đào ngon thật là ngon được đặt trên cửa sổ để làm nguội. Con quạ lượn 1 vòng quan sát thấy nhà không có người, nó liền sà xuống và khung cửa và “tuyên bố chủ quyền” đối với cái bánh. Nó định cắn miếng bánh thì ngay lúc đó có 1 con quạ khác bay tới sà xuống và đòi chia phần. Con thứ hai nói với con thứ nhất:
– Này, đừng ích kỷ như thế chứ. Cậu thấy chắc được là cái bánh to này đủ cho cả hai chúng ta ăn. Và cậu sẽ thấy dễ chịu hơn nếu chia cái bánh này với mình, còn hơn là cậu bị đau bụng vì ăn hết cái bánh một mình đấy.”
Con quạ thứ nhất suy nghĩ một hồi lâu và cuối cùng cũng đồng ý chia cái bánh ra làm hai phần bằng nhau theo lời đề nghị của con thứ hai. “Chia như thế thật công bằng đúng không nào?” Con thứ hai nói.
Câu chuyện tạm dừng lại một chút để cả lớp thảo luận về khái niệm “công bằng”. Thầy giáo hỏi:
– Này các con. Hai con quạ kia chia cái bánh như vậy có công bằng không?
Cả lớp đồng thanh đáp:
– Dạ có ạ.
– Vậy, công bằng là gì hả các con? (Thầy giáo hỏi tiếp)
Một cậu học trò tên Nguyên Cát giơ tay trả lời:
– Dạ, thưa Thầy ! Công bằng là mình chia đều bất kỳ thứ gì đó thành những phần bằng nhau cho những người có góp công tham gia vào phần đó.
– Có phải là mình chia cái bánh ra làm hai phần bằng nhau cho hai con quạ giống như trong câu truyện vừa rồi và chia đều như vậy là công bằng phải không? (Thầy giáo tiếp lời)
– Dạ đúng.
– Vậy, Thầy hỏi tiếp, nếu nhà con có hai anh em cùng giúp mẹ một việc. Trong khi con lớn tuổi hơn em của con và có sức khỏe nhiều hơn, con làm việc nhiều hơn em của con nhưng cuối cùng mẹ thưởng cho mỗi đứa là 5 cây kẹo bằng nhau. Như thế có công bằng không?
– Dạ, công bằng ạ. (Nguyên Cát đáp).
Công bằng là mình chia đều bất kỳ thứ gì đó thành những phần bằng nhau cho những người có góp công tham gia vào phần đó.
Một cậu học sinh khác tên là Xuât Phát không đồng ý:
– Dạ, theo con là không công bằng vì con lớn tuổi hơn và làm việc nhiều hơn em của con nên con phải được nhiều kẹo hơn em của con mới là công bằng.
Có lẽ cậu học sinh này quan niệm công bằng là “Cư xử bình đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ”[1]
Ngay lúc đó, Nguyên Phương – một học sinh nữ trong lớp liền giơ tay phản biện lại quan điểm của Xuân Phát:
– Con thì nghĩ khác, con thấy như vậy là công bằng vì ai cũng làm hết sức của mình, vả lại, mình có sức khỏe nhiều hơn bởi vì mình lớn tuổi hơn nên mình phải nhường cái phần hơn đó cho em của mình, như vậy mới công bằng.
Hay công bằng là cư xử bình đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ?
Theo cô học trò này, phải chăng công bằng còn mang cả một ý nghĩa đạo đức là nhường nhịn? Hay công bằng nghĩa là làm hết năng lực trong khi năng lực của tôi chỉ mới được 9 nhưng tôi cũng được hưởng một phần bằng với người có năng lực làm việc là 10 bởi vì tôi làm hết sức mình chứ tôi không lười biếng. Nếu giả sử tôi lười biếng và không làm việc hết năng lực có sẵn trong tôi thì lúc đó tôi mới được hưởng đúng cái phần tương xứng với cái năng lực mà tôi đã bỏ ra để làm. Đây là một vấn đề triết học hóc búa, xin dành cho các bậc phụ huynh trả lời.
Thầy giáo nói tiếp:
– Trong câu chuyện này Thầy thấy không công bằng. Ở chỗ, trước hết, chiếc bánh thuộc quyền sở hữu của con thứ nhất vì nó chiếm được. Công bằng ở đây có nghĩa là, “phần của ai người nấy hưởng” nhưng con quạ thứ hai đã đến đòi chia phần. Thứ hai, mặc dù con thứ nhất đồng ý chia sẻ cho con thứ hai với một phần bằng với phần của mình nhưng con thứ nhất thấy cái bánh khá to, mình nó không thể ăn hết cả cái bánh và sợ đau bụng nếu ăn một mình. Con thứ hai hù dọa, gây áp lực tâm lý cho con thứ nhất. Thế là con thứ nhất đành chia sẻ vì nó sợ (ăn không hết và đau bụng) chứ không phải nó chia sẻ vì tự nguyện. Ở đây không có sự tự nguyện về mặt đạo đức mà do ép buộc cho nên điều đó không công bằng và đồng thời con thứ hai cũng vi phạm quy tắc “phần của ai người nấy hưởng” nhưng nó lại dành về phần của mình cho dù nó dùng tiểu xảo để xin dự phần.
Câu truyện tiếp tục:
“Ngay khi hai con quạ vừa cắt xong cái bánh ra làm hai phần bằng nhau thì có hai con quạ khác vỗ đôi cánh phành phạch sà xuống cũng đòi chia phần. Hai con trước cũng đồng ý chia bánh vì chia sẻ là một việc làm tốt. Chúng chia thành bốn phần bằng nhau cho cả bốn con. Khi chúng chưa kịp ăn thì có bốn con quạ đói ăn khác cũng sà xuống xin chia phần bánh. Thế là cả bọn hội ý nhau và thống nhất chia cái bánh thành tám phần bằng nhau và cả đàn ăn cái bánh một cách vội vã và ngấu nghiến trước khi chúng phải chia thành những miếng nhỏ hơn nữa”.
Kết thúc câu truyện, thầy giáo hỏi:
– Các em có thấy những chú quạ này làm một việc tốt đó là chia sẻ cái bánh của mình cho người khác không?
– Dạ có ạ, cả lớp đáp, vì chia sẻ là một việc làm tốt.
– Đúng vậy, chia sẻ là một việc làm tốt, thầy giáo đồng tình. Nhưng trong trường hợp này lại không tốt bởi vì những chú quạ chia sẻ cái phần mà mình ăn cắp được chứ không phải là cái phần mà tự mình làm ra. Cái mà tự mình làm ra khi đem chia sẻ cho người khác mới là việc tốt.
Ngay lúc đó có một cậu học trò đeo mắt kiến là Minh Trí liền giơ tay phát biểu ý kiến với một giọng nói ngập ngừng:
– Nhưng…thưa Thầy, có con quạ nào mà không làm như vậy hả Thầy? Bởi vì nếu nó không làm như vậy thì nó biết lấy gì mà nuôi sống bản thân?
Nghe xong, thầy giáo “té ngửa” vì câu nói quá hay đến từ một cậu học trò hiếu động nhất và tưởng rằng ngờ nghệch nhất lớp. Đúng thế! Loài quạ không có suy tư về đạo đức, không có suy nghĩ thế nào là một hành động đúng nên làm và thế nào là một hành động sai không nên làm. Chúng chỉ là các loài vật, chúng chỉ hành động theo bản năng sinh vật của mình. Nếu giả sử đàn quạ khi hành động cũng suy nghĩ liệu hành động đó đúng hay là sai thì chúng có khác gì là con người đâu. Có lẽ cậu học trò này đã biết được rằng bản chất của loài quạ là như vậy, chúng đang ăn cắp cái bánh từ cô Hạnh Nhân (trong câu truyện) nhưng chúng không ý thức được rằng hành vi của mình là ăn cắp và chúng hành động theo bản năng chứ không suy nghĩ về đạo đức giống con người. Trong toàn bộ cuộc đối thoại giữa thầy và trò, thầy giáo đã đem quy chuẩn của loài người áp đặt cho loài quạ là không tương thích. Nhưng trong câu truyện “Đàn quạ chia bánh”, tác giả đã đem quy chuẩn của loài quạ (chia sẻ là một việc làm tốt, nhưng không phải hành động chia sẻ nào cũng là việc làm tốt nếu như những thứ đem chia sẻ đã xâm phạm đến lợi ích của người khác. Ví dụ như cướp của người giàu chia cho người nghèo) áp dụng cho con người lại là điều càng sai trái, vì mỗi loài khác nhau có một quy tắc sống khác nhau, không thể đem quy tắc sống của con người áp đặt cho con vật và ngược lại. Hoặc giả, cùng là loài người nhưng các nền văn minh khác nhau sẽ có một loại quy tắc sống cho riêng mình. Đối với nền văn mình này, một hành động hay việc làm nào đó có thể họ cho là bất công, là điều sai trái, nhưng đối với nền văn minh khác, đó là công bằng, là việc đúng nên làm. Và cũng không có một nguyên lý chung về công bằng cho tất cả mọi trường hợp, trong trường hợp này là công bằng nhưng trong trường hợp khác lại là bất công. Và…thế nào mới là phải trái, đúng sai cũng vậy.
Trần Thanh Phương
[1] Dr. Mortimer J. Adler, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, tr60.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét