Xét theo lẽ tự nhiên, con người ai cũng ham thích nói lý, dùng lý lẽ để khẳng định, lập luận, biện minh cho những ý muốn, hành động của mình. Đồng thời lại rất ưa chuộng tình cảm (cảm tính), nhất là những tình cảm hợp với ước muốn của mình, đặc biệt những khuynh hướng được thúc đẩy do những dục vọng tiềm tàng từ trong vô thức.
Như ai cũng biết, lý trí hay lý tính có nhiệm vụ tìm ra sự thật, tìm ra chân lý để dẫn dắt, soi sáng cho những hành vi của con người khỏi lầm đường lạc lối. Cảm tính, cảm xúc hay tình cảm lại rất cần cho cuộc sống, là động lực thúc đẩy để con người hành động , làm cho đời sống thêm phong phú, sáng tạo, sinh động, tạo nên một tâm hồn có sức sống, nhạy cảm, nhiệt huyết, được chan hòa tới mọi người và mọi vật.
Nhưng để sống cho có tình có lý, nhất là để mọi việc sao cho “thấu tình đạt lý” thì quả là một vấn đề không đơn giản. Nó là một quá trình thông qua nhiều giai đoạn, đi từ nhận thức cảm tính cho đến tư duy trừu tượng, được kiểm chứng bằng thực tế của vấn đề, sự kiện. Nhưng để hiểu được một cách đúng đắn của vấn đề cảm tính và lý tính, con người lại phải qua quá trình giáo dục, rèn luyện, tư duy khoa học, kiểm nghiệm, và nhiều vấn đề còn phải tu dưỡng mới hiểu và khắc phục được những nhận thức sai lầm về sự việc, sự vật, nhất là nhận ra được chân lý.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH THEO TRIẾT HỌC
Trong triết học, người ta phân biệt rất rõ ràng giữa nhận thức cảm tính và lý tính .
* Nhận thức cảm tính:
Là sự nhận thức ở giai đoạn đầu, con người sử dụng các giác quan để tác động vào sự vật nhằm nắm bắt sự vật. Trước tiên các sự vật, hiện tượng tác động trực tiếp vào giác quan của con người, nó phản ánh các thuộc tính riêng lẻ mà con người cảm nhận bằng những cảm giác, cảm xúc.
Từ cảm giác, cảm xúc được tổng hợp thành những tri giác, là sự nhận thức một cách tổng quát về các sự vật hay hiện tượng của vấn đề thông qua giác quan. Từ đó nó trở thành những biểu tượng, nhờ đó con người hình dung ra những sự vật mà không cần nhờ tới giác quan trực tiếp tác động vào.
Người ta nghiên cứu, giai đoạn cảm tính này cũng có trong một số động vật.
* Nhận thức lý tính:
Là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật. Từ đây tìm ra một khái niệm, nói lên sự khái quát, đặc điểm, thuộc tính của sự vật, trở thành cơ sở cho luận lý, suy luận và phán đoán các hiện tượng, sự vật.
Luận lý học hay logic học giúp con con người tư duy theo phương pháp khoa học, tránh được những cảm giác, cảm tính chi phối, bằng cách liên kết những khái niệm với nhau, để so sánh, phân tích và tổng hợp những đặc điểm, thuộc tính của đối tượng, nhằm khẳng định hay phủ định sự việc, sự vật. Từ đây con người có thể suy luận theo diễn dịch hay quy nạp giữa các phán đoán để hình thành một tri thức mới mang tính đặc trưng hoặc phổ quát.
Nhờ nhận thức lý tính, con người mới nhận ra những mối liên hệ, bản chất, yếu tính, thuộc tính của sự vật.
Tuy nhận thức cảm tính và lý tính có sự khác biệt nhau, nhưng chúng không tách biệt nhau mà luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính, không có nhận thức lý tính thì không nhận thức được bản chất, yếu tính thật sự của sự vật.
CON NGƯỜI THƯỜNG SỐNG THEO CẢM TÍNH HAY LÝ TÍNH
Như ai cũng có thể biết, lý tính giúp con người tìm ra chân lý, vì chân lý là những cái tồn tại mang tính bất biến, nó nằm ngoài ý thức của con người. Chân lý có sẵn chứ không do con người tạo ra, là chân lý của các ngành khoa học, những chân lý về tinh thần, tâm linh, siêu hình… Con người nhờ tư duy khoa học hoặc tu dưỡng qua những trải nghiệm về tinh thần, về tâm linh mà nhận biết, phát hiện. Lý tính hay lý trí là ngọn đèn soi dẫn, là ánh sáng dẫn dắt, canh chừng cho những hành vi của con người khỏi lầm đường lạc lối, mà mục đích của nó là định hướng hành vi theo chân lý.
Nhưng thực tế cho thấy, đa số con người chỉ dừng lại ở cảm tính, nếu có lý luận cũng thường do cảm tính dẫn dắt, được thúc đẩy qua những cảm xúc làm chủ thuận theo khuynh hướng riêng. Lý luận thường biện minh, bảo vệ cho ý muốn, mục đích của chủ thể, muốn được hợp thức hóa cho những hành vi của mình. Sự xáo trộn, bất an, mặc cảm, lầm lạc, nhiều sa lầy, bế tắc, bất hạnh, đau khổ… của nhiều người là bằng chứng cho thấy ít người để cho lý tính chân chính hướng dẫn, nếu có thường chỉ bảo vệ cho quan điểm riêng hoặc mưu cầu một ý đồ hay lợi lộc nào đó, có khi biện minh để thỏa mãn cho những dục vọng riêng tư của cá nhân mà thôi. Vì vậy nhiều khi chính mình đang tự lừa dối mình mà không biết.
Con người có nhiều thành kiến về sự vật sự việc, thành kiến về người này người nọ, lại có nhiều yêu ghét về vật này vật nọ, về đối tượng này đối tượng kia, cũng như mang những kỳ thị trong cộng đồng xã hội và bao điều tham lam ham hố ở đời. Tất cả đều bị nó dẫn dắt hướng tới hành động, mà những điều này đều xuất phát từ cảm tính chứ không phải lý tính. Như trong tâm lý học, khoa học trình bày những trạng thái của con người, từ vô thức, tiềm thức cho đến ý thức. Đó là tâm lý tự nhiên của con người vốn có, đã được phú bẩm mà không cần thông qua học hỏi và luyện tập. Ngoài phần ý thức ở trình độ cao, còn hầu hết hành vi của con người đều xuất phát ở phạm vi cảm tính, nên nó chi phối phần lớn cuộc sống con người. Bởi vậy, những thuật xử thế, thuật đắc nhân tâm và những thuật khác liên quan đến con người đều áp dụng tâm lý, tác động vào những cảm giác, cảm xúc của con người để đạt được mục đích.
Những điều trên cho thấy, phần lớn con người đều sống theo cảm tính, bị tình cảm, cảm xúc dẫn dắt, dù rằng lý lẽ vẫn tồn tại, nhưng chẳng qua là biện minh, bảo vệ cho những “ý đồ” của con người.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH LÀ CẶP SONG HÀNH HAY ĐỐI LẬP
Theo nghĩa thông thường người ta vẫn hiểu, lý tính hay lý trí đối lập với tình cảm, cảm xúc, ước muốn, nhu cầu, đam mê. Tuy đối lập nhưng nó luôn song hành với nhau, nó cùng hiện diện nơi con người, hiếm khi nó độc lập hoàn toàn, khó có thể mang tính thuần lý hay thuần cảm tính. Khi tôi yêu điều này, vật này, người này là tôi vận dụng đủ lý lẽ để biện minh cho cái tôi yêu. Còn nếu tôi ghét, tôi cũng có lý lẽ như vậy.
Cũng như khi tôi dùng lý trí để tìm ra một phương án giải quyết công việc, khi thi hành, tôi vẫn bị chi phối bởi sự ưa chuộng, ham thích, hoặc khó chịu, thành kiến, ghét việc này việc nọ, người này người nọ. Nhưng nhiều khi khi lý tính mâu thuẫn với một số mong muốn mà chủ thể có cảm tưởng rằng lý tính tách rời với cảm xúc. Ngược lại, đôi khi con người cảm thấy một cảm xúc mạnh mẽ đã chiến thắng các lý luận một cách phi lý, mặc dù cảm xúc đó đã không còn luận cứ xác đáng nào, hoặc khi nó chưa kịp là chủ đề của lý luận thì hành động đã xảy ra, như trong trường hợp phản xạ chẳng hạn, nó xảy ra trong những tình huống bất ngờ.
Bởi vậy con người mới trở nên phức tạp, nhiều mâu thuẫn ngay chính nội tại, tất cả đều do lý tính và cảm tính không hòa hợp được với nhau. Điều này cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho con người.
Như đã đề cập, chân lý là đỉnh cao của trí tuệ - lý tính – nhưng con người ít quan tâm để sống theo chân lý nên sự xáo trộn và mâu thuẫn cũng xuất hiện. Khuynh hướng con người ham thích được chiều chuộng theo bản năng, lệ thuộc vào “hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục” của những đòi hỏi tự nhiên, nghĩa là đắm mình trong những cảm giác, cảm xúc thuộc về cảm tính mà giác quan nhận được. Vì vậy không chỉ là đối lập giữa cảm tính và lý tính mà trở thành đối đầu, xung khắc làm cho chủ thể luôn luôn thấy bất an, dù bề ngoài có vẻ khoan khoái và sung sướng, nhưng chỉ là nhất thời, giả tạo.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH HOẠT ĐỘNG TRÊN HAI BÁN CẦU NÃO – CHỨC NĂNG
Hoạt động trí tuệ chịu sự khống chế của não, song não lại chia thành hai bán cầu là bán cầu não phải và bán cầu não trái và hai bán cầu này có ưu thế, chức năng khác nhau.
Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian, nó có thói quen phân tích từng bước một.
Bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước, nó có khuynh hướng phân tích trực quan, chỉnh thể vấn đề.
* Người có khuynh hướng về bán cầu não trái:
- Thiên về lý tính, có tính khách quan, tư duy trừu tượng, lý luận chặt chẽ, phán đoán hợp lý, xử lý ý tưởng từng bước.
- Tính logic thông tin và ý tưởng, biết phân tích từng bước sau đó định hình tổng thể, tìm tòi, biết so sánh, chứng minh.
- Biết đặt vấn đề, lập kế hoạch, tập trung bền, có mục tiêu rõ ràng, làm việc có phương pháp, theo nguyên tắc và quy định, tính bền bỉ, kiên trì, quyết đoán. Biết phân bố, làm chủ được thời gian.
- Ngôn ngữ phong phú, dễ nhớ tên hơn hình dáng, có bố cục. Tinh thần độc lập, nghị lực, bản lĩnh, cân nhắc, kín kẽ, sống thực tế, chính xác, cụ thể.
- Có đời sống cứng nhắc, khô cằn, ít sáng tạo, giao tiếp thiếu mềm mại, thiếu tình cảm, khó cảm thông, dễ độc đoán, độc tài, dễ khổ trí.
* Người có khuynh hướng về bán cầu não phải:
- Thiên về cảm tính, nhận xét, phán đoán theo thành kiến, chủ quan.
- Xử lý các ý tưởng cùng một lúc, dùng hình ảnh để nhớ, ít có cảm nhận về thời gian, hay bốc đồng, dễ chán nản, thiếu tính độc lập, thiếu kiên nhẫn, tập trung kém, tản mạn.
- Khó khăn dùng từ ngữ diễn tả, muốn trải nghiệm hơn là dùng tài liệu, thiếu tự tin vào khả năng sáng tạo bản thân, quyết định vội vàng, võ đoán, thiếu hệ thống.
- Thích đụng chạm khi quan sát vật thể, thích được chiều chuộng và lời vuốt ve, sống tình cảm, yêu, ghét, vui, buồn bất chợt tùy theo hứng, bị thần kinh kích động.
- Gặp khó khăn trong việc phân bố tính chất ưu tiên nên thường trễ hạn (giờ) trong công việc và hay thay đổi, thích nghe điều gì sắp nói đến, hướng về tình cảm cao đẹp.
-Trực giác bén nhạy nên không cần thông qua suy luận, có óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo dồi dào, dễ rung động, thích mơ mộng, ít thực tế.
- Năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc, màu sắc, lối nhìn góc cạnh, chi tiết, chu đáo.
- Giao tiếp tốt, tế nhị, mềm dẻo, vị tha, tính cộng đồng nhưng dễ bối rối và khổ tâm.
Người ta phát hiện nhiều chức năng ưu thế, ở mức độ cấp cao đều tập trung ở bán cầu não phải chứ không phải bán cầu não trái, vì bán cầu não phải có cơ năng mang tính chỉnh thể, tổng hợp, sáng tạo, chủ quan trực giác, trí tưởng tượng phong phú, nhạy cảm về thái độ, tình cảm, ý chí của con người.
Tuy rằng mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn hỗ tương lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Vì vậy phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ, giúp quân bình giữa tâm và trí nơi con người. Nói cách khác là có được sự hòa hợp giữa cảm tính và lý tính. (Tham khảo: http://www.tgm.vn/ttgbct-c5-ban-so-huu-bo-nao-cua-mot-thien-tai/ )
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH TRONG VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Cái học ngày nay hầu như người ta chỉ chú trọng về giáo dục lý tính mà quên đi vấn đề cảm tính thể hiện qua những cảm xúc của con người. Nói đến giáo dục là phải nghĩ tới giáo dục con người, bao gồm toàn thể lý tính và cảm xúc, trong đó yếu tố đạo đức, luân lý, là cực kỳ quan trọng. Như Andrew Chrucky, TS. Triết học, Trường Đại học FordhamUniversity, Hoa Kỳ nói: “Giáo dục tổng quát - được hiểu một cách đúng đắn - bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và nếu giáo dục tổng quát được coi như một thứ nằm ngoài phạm vi của luân lý, thì nền giáo dục đó sẽ tạo ra những kẻ ngụy biện, chứ không phải những người biện chứng, biết dùng kỹ năng nhận thức để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc”.
Tất cả các ngành học ngày nay hướng tới phục vụ con người bằng cách sản xuất ra của cải và tiện nghi hưởng thụ. Nó được kích cầu tối đa, tạo ra những nhu cầu mới, kích thích sự thèm khát tiêu thụ như trong quảng cáo, giúp cho nền kinh tế phát triển. Xã hội tiêu thụ - mua sắm những cái không cần thiết và dư thừa - là đỉnh cao của xã hội công nghiệp ngày nay mà nước nào cũng muốn nhắm tới.
Cho nên vấn đề phương pháp, chính xác, hoàn hảo, đắc lực, hiệu quả, vượt thời gian, kỷ lục, cạnh tranh, loại đối thủ… là yếu tố nòng cốt cho mọi kế hoạch thi hành, nên nó rất năng động và sát phạt trong quy trình diễn tiến.
Mục đích của con người đi học để đạt được cái danh và cái lợi, mà đỉnh cao của nó mang tính CHUYÊN: chuyên môn, chuyên gia, chuyên viên, chuyên nghiệp…, và mang tính NHÀ: nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà lý luận, nhà kinh tế, nhà kế hoạch, nhà chính trị… Cũng như thành công trong cuộc sống được đo lường và đánh giá bằng lương tháng, bằng lợi nhuận, bằng tiện nghi… Nó trở thành tiêu chí để đánh giá tài năng hay bất tài, giỏi hay dốt, khôn hay dại, giá trị hay không ở đời.
Chung quy, cái học ngày nay đặt trong bối cảnh có một vị trí thuận lợi trên thị trường lao động, nhắm vào sự thành công về tài chính. Để được vậy, sự học phải được trau dồi những khối lượng kiến thức về lý thuyết, thực tiễn và kỹ thuật. Cho nên vấn đề cảm xúc, luân lý, đạo đức được đặt ra ngoài.
Đây là một lỗ hổng lớn trong vấn đề giáo dục, nhưng nhiều người nghĩ rằng trau dồi những kỹ năng nhận thức là có thể bù lại mọi khiếm khuyết trong giáo dục. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy rằng, thế giới này được cai trị và các nền văn minh được thiết lập bắt nguồn từ những cảm xúc của con người, trong đó có luân lý và đạo đức. Cảm xúc kích thích suy nghĩ và hành động, nên con người chịu ảnh hưởng tình cảm nhiều hơn là lý trí. Óc sáng tạo được chuyển hóa thành hành động là nhờ cảm xúc chứ không phải do lý trí lạnh lùng. Người ta cũng nhận thấy khả năng suy luận xuất chúng chỉ cho ra đời các nhà phát minh, còn trí tưởng tượng tổng hợp với sáng tạo lại cho ra đời các thiên tài, như Blaise Pascal, Albert Einstein là những thiên tài điển hình.
NGƯỜI VIỆT NAM CẢM TÍNH HAY LÝ TÍNH
Hầu hết các nhà nghiên cứu về văn hóa đều công nhận, đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam mang “âm tính”. Như GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: “Có thể coi đó là bản chất của văn hóa truyền thống Việt Nam. Sở dĩ có âm tính, mà còn là âm tính nặng nữa, là vì hoạt động nông nghiệp có đặc điểm là tĩnh hơn hoạt động du mục và công nghiệp. Mà trong nông nghiệp thì trồng lúa nước là tĩnh nhất, vì trồng lúa nước thì bị bó chặt vào đồng ruộng, phụ thuộc vào nước, mức độ phụ thuộc càng cao thì tính âm, tính tĩnh càng mạnh”.
Vì vậy người VN thường sống theo cảm tính, nghĩa là suy nghĩ và hành động để cho tình cảm, cảm xúc dẫn dắt, thay vì căn cứ vào các sự kiện hợp lý để định hướng cho công việc và cuộc sống. Đó là lúc con người sử dụng cảm giác để lý luận, khiến cảm tính trở thành yếu tố quan trọng khi đưa ra những quyết định. Cũng từ đó, trong việc ăn ở đối nhân xử thế tuy có tình nhưng lại thiếu công minh, mặt khác tin vào quyết định mình một cách mù quáng. Trong tổ chức thì thiên vị, tùy tiện và thiếu khoa học. Sự phán đoán theo cảm tính thường sai lạc, không chính xác, thiên lệch, bất công.
TS. Phạm Gia Minh đăng trên tuanvietnam.net, đưa ra “Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay" như sau:
A: An phận thủ thường; Ăn bẩn; Ăn người; Ăn cắp vặt, Ăn hơn, làm kém; Ăn tục nói phét; Ảo tưởng; Ăn xổi ở thì; Ẩu v.v…
B: Bàng quan; Bảo thủ; Bằng cấp giả; Bán trời không văn tự; Bài ngoại; Bắt cóc bỏ đĩa; Bóc ngắn, cắn dài; Bè phái; “Buôn dưa lê”; Bới bèo ra bọ v.v…
C: Cãi nhau to vì chuyện nhỏ; Chen ngang khi phải xếp hàng; Chọc gậy bánh xe; Chụp giật; Chửi bậy, cục súc; Cờ bạc; Coi thường pháp luật; Cù nhầy; Cửa quyền; Cười không đúng chỗ, đúng lúc v.v…
D: Du di; Dị ứng tri thức; Dzô dzô ( ăn nhậu thái quá ) v.v…
Đ: Đâm bị thóc, chọc bị gạo; Để bụng; Đỏ đen; Đố kỵ; Đùn đẩy; Đua xe v.v…
E: Ép buộc; Ép uổng v.v…
G: Gắp lửa bỏ tay người; Gia trưởng; Giả dối; Giàu ghen, khó ghét; Giậu đổ bìm leo v.v…
H: Hách dịch; Hiếu chiến; Hòa cả làng; Hô khẩu hiệu suông; Hứa hão v.v…
I: Ích kỷ hại người v.v…
K: Khoe khoang; Khôn lỏi; Không đúng giờ; Không chính kiến; “ Khuỳnh”; Kỳ vĩ v.v…
L: Làm láo, báo cáo hay; Làm liều; Làm theo phong trào; Lập lờ nước đôi; Lệ làng; Lý nhẹ hơn tình v.v…
M: Mạnh ai nấy chạy; Mất đoàn kết khi sung sướng, đầy đủ; Mê tín v.v…
N: Ném bùn sang ao; Nịnh trên nạt dưới; Nhai to; Nhậu nhẹt triền miên; Nhổ bậy; Nhếch nhác; Nghĩ ngắn hạn ( tư duy nhiệm kỳ ); Ngoáy mũi nơi đông người; Nói dai, nói dài, nói dại; Nói một đằng, làm một nẻo; Nói to nơi công cộng; Nói phách ( nói khoác lác); Nể nang; Nửa vời v.v…
O: Oai hão; Ôm đồm; Ôm rơm rặm bụng; Ông giơ chân giò, bà thò nậm rượu ( thông đồng làm việc khuất tất ) v.v…
P: Phép vua thua lệ làng; “Phong bì” ( hối lộ); Phô trương; Phung phí v.v…
Q: Qua cầu rút ván; Qua loa đại khái; Quan liêu; Quan trọng hóa vấn đề; Quy hoạch treo v.v…
R: Ra oai; Ranh vặt; Rượu chè v.v…
S: Sai hẹn; Sĩ diện hão; Sính ngoại; Sợ trách nhiệm; Sợ người khác giỏi hơn mình v.v…
T: Tâm lý vùng ( địa phương hẹp hòi ); Tiểu nông, tiểu trí; Tiểu xảo; Tiểu khí ( tiểu nhân, hạn hẹp ); Tham nhũng; Thấy kẻ sang bắt quàng làm họ; Thụ động; Tư duy nhiệm kỳ; Tự ti dân tộc nhược tiểu v.v…
U: Ưa xiểm nịnh; Ức hiếp kể yếu; Ừ hữ cho qua; Ương ngạnh v.v…
V: Vặt vãnh; Vẽ vời; Vênh váo; Vị kỷ; Vị nể; Viển vông; Viết, vẽ bậy nơi công cộng; Vòi vĩnh; Vung tay quá trán v.v…
X: Xa dân; Xa rời thực tế; Xả rác nơi công cộng v.v…
Y: Ỷ lại; Ỷ quyền thế; Ý thức tập thể, cộng đồng kém v.v…
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cho rằng, tất cả những tật xấu của người Việt đều có nguyên nhân từ nền văn hóa âm tính, nó nhằm đưa đến sự ổn định, nhưng trở ngại rất lớn cho sự phát triển, cộng với nhiều tật xấu phát sinh.
Ông nói: “Cả giá trị và tật xấu đều do những đặc trưng nhất định của văn hóa truyền thống sinh ra. Chẳng hạn, đặc trưng tính cộng đồng làng xã mang lại những phẩm chất tốt như tình đoàn kết, tinh thần tập thể, lòng yêu quê hương, lòng biết ơn... thì đồng thời cũng là cội nguồn sinh ra những tật xấu như thói bè phái, bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh, bệnh thành tích. Đặc trưng tính linh hoạt mang đến phẩm chất sáng tạo, khả năng thích nghi cao thì cũng là cội nguồn sinh ra thói tùy tiện, cẩu thả, khôn vặt, bệnh thiếu ý thức pháp luật. Tổng hợp các đặc trưng mang đến phẩm chất tinh tế, nhân ái, yêu nước, tinh thần dân tộc cho người Việt thì cũng mang lại luôn cả bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm...”.
Cũng theo ông: "Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp tiến làm gì tới nơi tới chốn”.
Cảm tính của người Việt Nam quá nặng nên nó làm mất quân bình cho cả một dân tộc về con người và sự phát triển của đất nước, cả về mặt tinh thần lẫn tổ chức xây dựng cộng đồng xã hội, ảnh hưởng đến cả trong tín ngưỡng và tôn giáo – về tổ chức và trong sự nhận thức về tâm linh.
SỰ QUÂN BÌNH GIỮA CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH
Luật quân bình là cần thiết cho mọi vật, đặc biệt đối với con người trong lãnh vực tinh thần. Như đã trình bày ở mục chức năng của hai bán cầu não, chung quy, người mang cảm tính nặng chú trọng về tình cảm, mềm dẻo, ý tưởng sáng tạo dồi dào, nhưng làm việc thiếu hệ thống, bấp bênh trong suy nghĩ, trong phán đoán và hành động. Họ hay thay đổi, dễ chán nản, tin vào cảm xúc của mình nên mắc nhiều khiếm khuyết trong quyết định, dễ hỏng việc trong hành xử, có thể đi đến sai lầm. Ngược lại người thiên về lý tính làm việc có kế hoạch, chắc chắn, kiên trì, nhưng dễ bị khô cứng trong lối tư duy, trong suy luận và trong kế hoạch hành động. Họ thiếu sự sáng tạo, ít hòa hợp, khe khắt và khó chọn người cộng tác, căn cứ trên suy luận nên thiếu sự linh động và khó cảm thông với người khác, có thể lệch lạc hoặc nhận định sai lầm trong những cảm xúc của người khác.
Để có được sự quân bình, cần phải biết học hỏi và trau dồi cả về tâm và trí. Cái tâm là toàn thể đời sống nội tâm, bao gồm là ý chí, tình cảm, cảm xúc, tâm linh và những tri giác về thế giới, về con người xã hội trong sự liên đới với nhau. Cái tâm cần được chân lý soi sáng và dẫn dắt chứ không phải tin và căn cứ trên cảm xúc của mình. Cái trí là khả năng phán đoán, khả năng suy luận, đi từ tiền đề (có tính khái niệm), qua từng bước để kết luận vấn để, được kiểm nghiệm bằng thực tế. Theo quy trình phải qua từng bước: quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, đặt giả thuyết, kết luận và chứng minh bằng phương pháp luận lý trên cơ sở khoa học.
Thực ra để học hỏi và trau dồi về tâm và trí cho được quân bình là điều khó, ngay trong những ngành giáo dục, từ tiểu học đến đại học, người ta thường chú trọng về trí là chủ yếu - dù vẫn có những môn học về nhân văn - nên đây là một khiếm khuyết khá lớn trong giáo dục, người đi học cần biết tự trau dồi mới có thể bù đắp cho khoảng trống này. Tây phương có nguồn gốc là du mục nên dương tính nhiều, thiên về trí nên họ rất sắc xảo và phát triển về khoa học, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học thực nghiệm và kỹ thuật. Vì vậy vấn đề cảm tính – cảm xúc – ít hơn.
Người Á Đông có nguồn gốc từ nông nghiệp, nên âm tính rất nhiều, có khuynh hướng thiên về cảm tính, lý tính ít được chú trọng. Để được quân bình, những triết lý của Đông phương đã điều chỉnh giúp con người lấy lại quân bình rất hữu ích, triết học được gọi là Đạo học, tiêu biểu nhất là Khổng, Phật và Lão. Tuy nó cao siêu nhưng ai cũng có thể áp dụng được, từ thấp lên cao, tùy theo căn cơ tu dưỡng của mỗi người. Tuy đây chỉ là vấn đề thuộc tinh thần giúp con người hòa hợp được giữa tâm và trí, tìm được lẽ sống ở đời, dựa vào những chân lý của trời đất.
Trong kinh dịch, con người và vạn vật đều bị chi phối bởi quy luật Âm Dương. Để được quân bình thì âm dương phải hòa hợp, cân bằng, nương tựa vào nhau để tồn tại. Nếu dương thịnh thì phát triển nhưng mạnh quá sẽ đi đến đổ vỡ, ngược lại nếu âm thịnh thì được ổn định nhưng nhiều quá sẽ bị trì trệ và suy thoái. Nó theo quy luật “dương thịnh âm suy” và ngược lại, nên tùy tình hình, tùy thời mà áp dụng cho thích hợp. Cảm tính thuộc về Âm, lý tính thuộc Dương, nên điều chỉnh để áp dụng cho con người và tổ chức xã hội cũng theo quy luật này. Thuần âm hoặc thuần dương là tự hủy diệt, luôn luôn trong âm có dương và trong dương có âm như cái mầm để nuôi sống . Cũng như Âm hoặc Dương nếu đi tới đỉnh điểm của nó sẽ bị biến động bởi luật tương phản là: “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Nhưng nếu để nó tự biến hóa, hẳn con người phải trải qua những gay cấn, nguy khốn khôn lường, một khi không biết lường trước để tự điều chỉnh cho mình cũng như cho như xã hội.
Đức Khổng đã thâu tóm tinh hoa tư tưởng đạo lý của những thế hệ trước để khai mở ra Đạo Trung Dung , nó hợp với mọi tầng lớp và đắng cấp xã hội, từ thứ dân cho tới quan quyền lãnh đạo. Trung là ở giữa, không thiên lệch bên nào, không thái quá (cực đoan, cố chấp…), không bất cập (vô tâm, bất chấp, bất cần…). Dung là giữ thường thường ở một mực không thay đổi, không bị biến thái, biến dạng lúc nặng lúc nhẹ theo cảm tính hay lý tính thiên lệch: “QUÂN TỬ THỜI TRUNG” (Quân tử xử kỷ tiếp vật lúc nào cũng tùy thời mà giữ cho vừa phải và chính đáng).
Nhà Phật có giáo lý gọi là Trung Đạo, là con đường ở giữa, tức là sắc sắc - không không (sắc tức là không, không cũng là sắc – có mà không, không mà có). Nghĩa là không có sự cố chấp hay bám víu vào bất cứ cái gì, không lệ thuộc vào cái có, không nô lệ vào cái không. Nó không cho phép câu nệ, ràng buộc, chấp chiếm, thiên lệch vào bất cứ sự việc sự vật nào. Không mắc vào hai cực đoan “có và không” mà chọn con đường giữa. Hơn nữa nhà Phật còn đề ra ba trụ chính là Bi – Trí – Dũng để củng cố, trau dồi và luyện tập giúp con người vượt lên trên mọi vật, nhận ra và thực hành chân lý chứ không nô lệ vào cảm tính (cảm quan) hay lý tính (sở tri chướng)
Lão tữ thì chủ trương đạo Vô Vi, nó là Đạo giúp con người thoát khỏi những tham vọng làm chủ tâm trí, trong đó, lòng tham và sự yêu ghét là những dục vọng tác hại nhất. Vô Vi là: “vi vô vi, sự vô sự, đại tiêu đa thiểu, báo oán dĩ đức” (làm Mà không làm, lo mà không lo, nếm mà không mùi, xem lớn như nhỏ, coi nhiều như ít, lấy đức báo oán). Và: “Dĩ kỳ bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” (Không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được).
KẾT
Như đã trình bày ở phần đầu, lý trí hay lý tính có nhiệm vụ tìm ra sự thật, tìm ra chân lý để dẫn dắt, soi sáng cho những hành vi của con người khỏi lầm đường lạc lối. Cảm tính, cảm xúc hay tình cảm lại rất cần cho cuộc sống, là động lực thúc đẩy để con người hành động , làm cho đời sống thêm phong phú, sáng tạo, sinh động, tạo nên một tâm hồn có sức sống, nhạy cảm, nhiệt huyết, được chan hòa tới mọi người và mọi vật.
Để được như vậy, yếu tố giáo dục là cực kỳ quan trọng, mà nói đến giáo dục thì phải mang tính toàn diện, từ gia đình, trường học, xã hội, pháp quyền, cách riêng và đặc biệt là trong lãnh vực tôn giáo. Nhưng dường như giáo dục ngày nay có quá nhiều khiếm khuyết, còn nhiều lỗ hổng trong chương trình, trong kế hoạch để xây dựng con người và xã hội được tốt đẹp, hoàn bị cả về Tâm và Trí.
Vì vậy sự xáo trộn, bất an, nhiều hiện tượng xấu luôn xảy ra cho mỗi cá nhân và xã hội. Như GS. Trần Ngọc thêm nhận xét về đất nước: “Nói đến giáo dục phải nói tới một nền giáo dục trọn vẹn, nghĩa là giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, cộng với giáo dục xã hội. Hiện nay giáo dục xã hội không làm tròn được nhiệm vụ của mình vì đứa trẻ ra đường toàn thấy những chuyện xấu xa. Hệ thống truyền thông của chúng ta chưa phải là chuẩn mực. Giáo dục gia đình cũng bị buông xuôi vì con người hiện nay chạy theo kinh tế. Tất cả những cái đó cho thấy hệ thống giáo dục đang bị vỡ ra thành từng mảnh”.
Cũng như Andrew Chrucky, TS. Triết học, Trường Đại học FordhamUniversity, Hoa Kỳ nói: “Giáo dục tổng quát - được hiểu một cách đúng đắn - bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và nếu giáo dục tổng quát được coi như một thứ nằm ngoài phạm vi của luân lý, thì nền giáo dục đó sẽ tạo ra những kẻ ngụy biện, chứ không phải những người biện chứng, biết dùng kỹ năng nhận thức để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc”.
Nếu thuần cảm tính thì gần giống với tâm lý ở các động vật không có lý trí, còn nếu thuần lý tính thì cũng giống như những Robot vô cảm chỉ biết hành động theo lập trình sẵn có. Nó đều nguy hại. Nhưng con người sống cần có tâm hồn, con tim, ý chí và lý trí lành mạnh, quân bình, để sống cho mình, cho người khác và cho cộng đồng xã hội. Đó là sự hòa hòa hợp giữa cảm tính và lý tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét