Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Tư duy logic: Nền tảng cơ bản

Ta có thể bắt gặp trong hầu hết các thông báo tuyển dụng của các công ty về việc ứng viên phải có “Tư duy logic”.  Vậy người có tư duy logic là người như thế nào? Hình như bản thân nhà tuyển dụng cũng còn khá mập mờ trong việc đánh giá một ứng viên liệu có tư duy logic không. Nếu ai đó hỏi bạn câu này thì bạn sẽ trả lời ra sao? Bạn thực sự có tư duy logic không? Làm sao bạn biết được rằng bạn có tư duy logic hoặc không có tư duy logic?
Người không có tư duy logic là người tư duy phi logic. Trong loạt entry về thuật ngụy biện ta tiếp cận rất nhiều phương pháp ngụy biện khác nhau. Ngụy biện chỉ là tên gọi khác của phi logic. Ta có thể sử dụng ngụy biện với người khác hoặc chính chúng ta tự ngụy biện; thậm chí ta ngụy biện mà  ta không nhận ra. Nếu ta không nhận ra là ta đang ngụy biện thì ta có tư duy phi logic.

1.Chúng ta sử dụng tư duy logic khi nào?
Khi chúng ta đánh giá: 
Chúng ta có ngũ giác bao gồm Thính giác, xúc giác, thị giác, vị giác, khứu giác. Các cơ quan chỉ có tiếp nhận thông tin bên ngoài truyền tới não. Theo phản xạ tự nhiên ta sẽ xử lý thông tin này, chính là ta đang đánh giá.
Ví dụ ngay khi nhìn thấy một cái ô tô bạn sẽ có đánh giá về hình dáng, màu sắc, giá tiền, người chủ của ô tô,…
Kết quả của đánh giá sẽ dẫn tới suy nghĩ và hành động tương ứng.
Khi chúng ta giải quyết vấn đề
Việc tìm nguyên nhân sau đó giải pháp đều liên quan tới logic cả. Khi ta hỏi “Tại sao vấn đề này xảy ra” chính là ta tìm mắt xích phía trước. Khi ta hỏi “Hậu quả của của vấn đề này là gì?” là ta đang tìm mắt xích phía sau.
Yêu cầu “phải có tư duy logic” chính là để làm điều này.
Khi giao tiếp
Bạn đã bao giờ nghe một người nói và cuối cùng chẳng hiểu người đó nói gì chưa? Có hai trường hợp hoặc là người đối diện trình bày các ý lộn xộn chẳng theo quy luật nào cả hoặc là trí óc bạn tiếp nhận không kịp các ý được trình bày do suy nghĩ của bạn không kịp liên kết các thông tin lại với nhau.
Với tư duy logic, người nói sẽ trình bày vấn đề đơn giản, dễ hiểu, có mối liên kết. Nếu bạn đếm 1,2,3,4,5,6,7,8,9 thì rất dễ nhưng cứ thử đếm 1,5,4,2,3,6,7,9,8 mà xem; đọc đã khó nói gì tới nhớ.
2.Các khái niệm cơ bản:
Chủ quan và Khách quan
Hãy nhìn xung quanh, bạn thấy gì? có ti vi, có chương trình phát trên ti vi, có cuốn sách, có cái bàn,…. Tivi, sách, bàn,… gọi là sự vật. Tivi đang phát chương trình “hãy chọn giá đúng” gọi là sự kiện. Sự vật và sự kiện tồn tại vốn nó vẫn vậy gọi là khách quan.
Bar Luxury bốc cháy tối qua là một sự kiện; Bar luxury là một sự vật. Nước Mỹ là sự vật, Mỹ không kích IS ở syria hôm qua là sự kiện.
Trời hôm nay rất mát, bài hát đang nghe rất hay, cô gái kia rất xinh, công việc này rất khó, máy in này in rất nhanh, Mỹ sai lầm trong việc tấn công IS. Các phát biểu này đều là chủ quan.
Tu duy logic - p1 chu the va khach theMột hiện tượng khách quan được giác quan con người tiếp nhận sinh ra suy nghĩ dựa vào ý thức của mỗi người để trở thành chủ quan.
Nếu một ai đó phát biểu rằng “Các quyết định của tôi là hoàn toàn khách quan” thì chắc chắn sai vì quyết định là dựa trên ý thức của mỗi người khác nhau nên nó luôn luôn là Chủ quan.
Một mô tả khách quan phải là mô tả vốn nó vẫn vậy. Ví dụ: cái máy in này có kích thước (Dài x rộng x cao)  là 30cmx30cmx20cm. Nếu mô tả  “Cái máy in này rất cồng kềnh” thì mặc dù vẫn là mô tả nhưng là mô tả chủ quan.
Chủ thể và khách thể
“Quan” là quan sát; “thể” là bản thể. Chủ thể là chính là con người, là chủ của ý thức, con người sử dụng ý thức của mình để biến khách quan thành chủ quan.
Khách thể chính là sự vật, sự kiện. Khách thể không có ý thức, nó tồn tại như nó vốn vậy. Con người quan niệm con mèo, con gà, con cá,… không có ý thức nên không xếp nó vào chủ thể.

Khái niệm
Khái niệm là phản ánh một sự vật, hiện tượng tồn tại độc lập so với nhận thức của chúng ta. Nếu như một sự vật, hiện tượng không có khái niệm gì cả ta sẽ không thể trao đổi thông tin với nhau được.
Một số sự vật, hiện tượng ta đã trực tiếp trải nghiệm nên khi nhắc tới nó ta ngầm hiểu nó là gì thậm chí ngay cả khi ta không phát biểu được thành ngôn ngữ rằng nó là gì. Ví dụ khi nói tới cái bảng phấn, ai cũng hiểu nó là cái gì nhưng phát biểu lên chưa chắc đã phát biểu được. Giống như các cảm xúc của ta, chỉ có thể cảm nhận mà không thể phát biểu nó là cái gì.
Một số sự vật, hiện tượng ta trải nghiệm qua trung gian. Ví dụ ta có thể chưa nhìn trực tiếp thấy núi lửa nhưng ta đã nhìn nó trên ti vi vì vậy khi nhắc tới núi lửa ta biết nó là gì. Ngày nay, hầu hết các sự vật, hiện tượng ta trải nghiệm qua trung gian.
Sự kiện “Quán bar Luxury” cháy rụi ta biết nó qua vnexpress mà không trực tiếp nhìn thấy nó. Khi nhắc tới sự kiện này ta lập tức hình dung ra nó, tất nhiên là theo mô tả của trung gian và trong khi chém gió với bạn bè ta có thể phát biểu mạnh mẽ giống như chính mắt ta được chứng kiến vậy.
Một số sự kiện, hiện tượng không có cách hiểu rõ ràng, mỗi người hiểu một kiểu khác nhau. Ví dụ như hỏi Thế nào là Quản trị? chắc chắn 10 người trả lời thì có 10 khái niệm khác nhau. Nó không phải là thứ có thể quan sát, sờ nắm được nên mỗi người sẽ hiểu về nó khác nhau.
Marketting là gì? cũng có hàng chục câu trả lời; ngay cả các chuyên gia trong ngành cũng hiểu nó không thống nhất. Vì vậy một số trường hợp người ta chấp nhận một sự vật, hiện tượng có nhiều khái niệm.
Khái niệm bản chất là phản ánh chủ quan của một thực tại khách quan. Một thực tại khách quan tồn tại vốn nó vẫn vậy, việc ta khái quát về nó không thực sự phản ánh đúng về nó. Ví dụ  “Một cái bảng phấn là một tấm gỗ được quét sơn đen hoặc xanh dùng để cho giáo viên ghi các nội dung bài giảng thường được đặt trong các lớp học”. Ta thấy là cho dù khái niệm có dài tới mấy thì nó cũng không thể phản ánh đúng bản chất của cái bảng phấn.




Chúng ta học các khái niệm cơ bản ở đâu?
Nếu ta muốn tìm hiểu các khái niệm về một lĩnh vực nào thì tìm văn bản pháp luật của lĩnh vực đó, thường là Luật của quốc hội, nghị định của chính phủ. Thông thường nó sẽ ở ngay mấy trang đầu, nguyên nhân là muốn luật được thi hành đúng với ý đồ của người tạo ra nó thì các khái niệm phải được hiểu một cách thống nhất giữa những người chịu ảnh hưởng.
Các khái niệm phổ biến trong xã hội có rất nhiều trong luật dân sự. Nên tìm và đọc Luật dân sự.

Chân lý
Khi ta nói một cái gì đó là chân lý thì có nghĩa là nó hiển nhiên đúng, được mọi người chấp nhận.
Chân lý bao gồm hai loại là Chân lý bản thể và Chân lý logic. Cái bàn,con mèo, cái cốc, cái bút,… là chân lý bản thể. Nó thực sự tồn tại, không ai có thể bảo với tôi là cái cốc trước mặt tôi không tồn tại được.
Chân lý logic là một lập luận, một phát biểu hiển nhiên đúng. Nó chỉ là ngôn ngữ mà không phải là một thực thể như Chân lý bản thể. Ví dụ “cái cốc được đặt trên cái bàn làm việc của tôi” là một chân lý vì rõ ràng là cái cốc trước mặt tôi được đặt trên cái bàn.
Chân lý đóng vai trò quan trọng trong logic. Nếu như ta phát triển ý logic trên một thứ không phải chân lý thì đương nhiên ta sẽ nhận một kết quả sai.
Một công dân khai rằng thời điểm trước khi quán bar luxury cháy có một người đã xách một vật rất có khả năng là một can xăng vào quán bar. Sự kiện này có thể đúng hoặc sai vì nó là phản ánh chủ quan của một sự kiện. Nếu sự kiện sai, có nghĩa nó không phải chân lý thì sẽ dễ tới kết quả sai hoặc các điều tra dựa vào nó sau đó là vô nghĩa.
Ví dụ đơn giản hơn:
– “Iphone 6 là một sản phẩm của hãng Apple” là một phát biểu chân lý hoặc chân lý đúng
– “iphone 6 là một sản phẩm của hãng Samsung” là một phát biểu không phải chân lý hoặc chân lý sai



Thuật ngữ
– “Tư duy” chỉ đơn giản là “Cách nghĩ”. Tư duy logic là cách nghĩ logic, nó là thứ có thể học được.
– Logic học là khoa học về những quy luật và hình thức cấu tạo của tư duy chính xác.
– Từ khi con người biết suy nghĩ thì họ đã biết đến logic rồi. Nhưng bắt đầu thành một tên gọi của một môn khoa học bởi Aristote (384 – 322 trước công nguyên).
– Đối tượng của logic học là những quy luật và Hình thức của tư duy chính xác.




Mỗi khái niệm đều có Nội hàm và Ngoại diên:
Nội hàm của khái niệm là tập hơp tất cả các dấu hiệu chung của lớp đối tượng được phản ánh trong khái niệm
tu duy logic noi hamNgoại diên của khái niệm là tập hợp tất cả các đối tượng có các dấu hiệu chung được phản ánh trong khái niệm
Ví dụ: Khái niệm con mèo
Mèo nhà là (a)động vật có vúnhỏ và (b)ăn thịt, (c)sống chung với loài người, (d)được nuôi để săn vật gây hại hoặc làm thú nuôi.
a,b,c,d là nội hàm của khái niệm con mèo.
Tập hợp tất cả các đối tượng nào có đủ 4 đặc điểm trên thì gọi là ngoại diên của khái niệm con mèo.
Giả sử như thêm đặc điểm e. lông dài và f. đuôi dài thì nội hàm của khái niệm con mèo sẽ có a,b,c,d,e,f và số đối tượng thỏa mãn cả 6 nội hàm này sẽ ít đi vì vậy ngoại diên sẽ thu hẹp (rõ ràng là có rất nhiều con mèo có lông ngắn và đuôi ngắn sẽ bị loại ra ngoài)
– > Nội hàm càng rộng thì ngoại diên càng thu hẹp ( vì số đối tượng thỏa mãn hết các đặc điểm càng ít đi)
– Một sự vật/sự kiện có thể được mô tả bởi nhiều khái niệm. Nếu như ngoại diên của khái niệm trùng nhau thì hai khái niệm đó là đồng nhất
– Nếu ngoại diên của khái niệm A nằm trong ngoại diên của khái niệm B thì B là khái niệm rộng hơn của khái niệm A. Ví dụ mèo nhà cũng chỉ là mèo được thuần dưỡng vì vậy khái niệm của mèo sẽ bao trùm lên khái niệm mèo nhà.
– Nếu có một số phần tử thuộc cả A và cả B nhưng A hay B không phải là tập hợp con của nhau thì hai khái niệm A và B có quan hệ giao nhau.
– Nếu không có phần tử nào của ngoại diên khái niệm A thuộc ngoại diên của khái niệm B và ngược lại thì hai khái niệm này là tách rời
Ví dụ chúng ta có 20 cái bút bi trên bàn bao gồm 5 cái bút màu xanh, 10 cái bút màu đen và 5 cái bút màu đỏ.
Ngoại diên của bút màu đen = 5
Ngoại diên của bút màu xanh = 10
Ngoại diên của bút màu đỏ =5
Khái niệm bút màu đen và xanh giao với khái niệm bút màu đỏ và xanh
Khái niệm bút màu đen và xanh bao trùm khái niệm bút màu đen.
Khái niệm bút màu đen tách rời với khái niệm bút màu xanh

Thực sự thì ai trong chúng ta đều có tư duy logic, chỉ khác nhau ở cấp độ. Khi một nhà tuyển dụng yêu cầu là “phải có tư duy logic” thực ra là yêu cầu không rõ ràng đổi với ứng viên và họ thường không quan tâm tới điều này. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng có thể đo đếm cấp độ tư duy logic thông qua phỏng vấn, các bài kiểm tra. Họ không thể phát biểu được cấp độ nhưng họ có thể đo đếm được nó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét