Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Lợi ích của việc đọc sách

Lợi ích của đọc sách
Sách là nguồn tri thức vô tận được viết bởi những người trí thức, họ muốn chia sẻ và lưu truyền cho thế hệ sau. Đọc những cuốn sách có nội dung tốt giúp bạn nâng cao nhận thức, hiểu biết và có thể biến đổi tâm hồn theo hướng tích cực hơn. Người thành công là người có thể vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức, kinh nghiệm học được từ sách vở vào công việc cuộc sống.



Từ hai bàn tay trắng, Andrew Carnegie đã có một sự nghiệp kinh doanh vô cùng đáng nể. Cách đây gần trăm năm, ông đã là tỷ phú đô la với những tài sản kếch sù.  Thông qua hệ thống sản xuất sắt thép khổng lồ của mình, Andrew Carnegie đã có những ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế lúc đó. Andrew Carnegie lớn lên trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Ông vốn là người xứ Scotland, sinh năm 1835 tại vùng Dunfermlin. Vì mưu sinh, năm 1845 gia đình ông nhập cư vào Mỹ, là vùng đất hứa của không ít người châu Âu lúc bấy giờ. Andrew Carnegie không được đến trường như những đứa trẻ khác mà phải làm việc ngay từ nhỏ. Ông đã phải làm rất nhiều việc vượt qua cả sức của một cậu bé mới hơn 10 tuổi. Tuy vậy, Andrew là một cậu bé rất sáng dạ và đặc biệt ham học. Andrew Carnegie dành mọi thời gian rỗi để tự học, để học hỏi những người lớn tuổi hơn, hiểu biết nhiều hơn.
 
Ngay từ nhỏ, Andrew Carnegie đã có một niềm say mê đọc sách hiếm có. Ở chỗ làm, người ta vẫn thấy Andrew thường mang theo sách để đọc vào bất cứ thời gian rảnh rỗi nào. Bao nhiêu sách Andrew Carnegie đọc cũng hết. Không thể có tiền mua sách, Andrew lân la làm quen với tất cả những người có sách để mượn, để xin sách. Ngay từ lúc bấy giờ, nếu đến nhà Andrew, chắc ai cũng phải ngạc nhiên về cái thư viện sách khá phong phú của một chú thợ nghèo.

Khi đã thành đạt, Andrew Carnegie từng nói với nhiều người, những tri thức và hiểu biết của ông đều do tự đọc và tự học qua sách mà có cả. Có lẽ chính vì vậy mà Andrew Carnegie là người yêu sách vô cùng. Lúc bé, ông rất trân trọng cái thư viện gia đình nhỏ của mình và ao ước có một thư viện lớn hơn. Chính vì vậy mà khi đã thành danh, trở thành một nhà doanh nghiệp nổi tiếng, là người cực kỳ giàu có, Andrew Carnegie đã hiến rất nhiều tiền để xây dựng thư viện ở khắp nơi. Có lẽ không có ai có công quyên góp và hiến tặng nhiều thư viện như Andrew Carnegie.

Thư viện đầu tiên, đương nhiên, ông xây dựng tại quê nhà Dunfermline xứ Scotland với giá trị 8.000 USD(một khoản tiền rất lớn thời đó). Sau đó thì liên tục năm nào ông cũng hiến tặng hay chủ động quyên góp xây dựng thư viện ở khắp nơi trên đất Mỹ, Anh, Island, rồi cả ở Canada, Australia... Tổng cộng trong suốt cả đời mình, Andrew Carnegie đã hiến tặng hoặc góp tiền để xây dựng toàn bộ hoặc một phần cho hơn 2.000 thư viện lớn bé khác nhau.

Sáng dạ và cần cù tự học, Andrew Carnegie được ông chủ xưởng dệt cho thôi làm thợ mà chuyển sang làm sổ sách cho công ty. Và chàng trai trẻ, cần cù Andrew đã làm hơn tất cả những gì mà ông chủ mong đợi ở cậu. Nhờ đọc sách và tự học Andrew Carnegie đã biết làm kế toán kép và phân tích tình hình tài chính và kinh doanh thông qua những con số kế toán. Andrew Carnegie đã có những kiến thức phân tích kinh doanh thực tiễn từ đó. (Trích từ Vietbao.vn)

Khi còn đi dạy đại học, tôi có quen với một vị giáo sư mà ai tiếp xúc cũng đều ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của thầy. Có lần tôi hỏi làm sao thầy có được vốn kiến thức khổng lồ như vậy. Thầy bảo kiến thức mà thầy có được từ nhiều nguồn: tự bản thân chiêm nghiệm từ cuộc sống, từ thầy cô, ông bà cha mẹ và những người xung quanh nhưng phần lớn là nhờ đọc sách. Trung bình mỗi tuần đọc một cuốn sách, mỗi năm đọc được khoảng 50 cuốn, vậy sau 10 năm thầy đọc được 500 cuốn sách. Kiến thức của thầy đúc kết từ 500 cuốn sách được viết bởi những người có kiến thức sâu rộng.

Khi tôi yêu cầu người thân hay bạn bè nên thường xuyên đọc sách sẽ có lợi cho kinh nghiệm, kiến thức  và quan điểm sống thì phần lớn đều trả lời là họ không có thời gian. Họ nói rằng họ vô cùng bận rộn, không có thời gian rảnh nói chi đến việc đọc sách. Nếu mỗi ngày bạn giảm bớt thời gian xem tivi và những điều vô bổ thì bạn hoàn toàn có thừa thời gian để đọc sách. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nghe sách nói trong thời gian ngồi xe để di chuyển đến chỗ làm và thời gian về.

Tất cả các bậc thánh hiền, nhà hiền triết, những học giả có kiến thức uyên thâm, phần lớn là do họ thường xuyên đọc sách. Đối với họ, sách là tài sản vô giá, là món ăn tinh thần không thể thiếu và đôi lúc là vật bất li thân. Tuy nhiên đọc sách cũng phải có phương pháp, phải có nghệ thuật, phải hết sức tập trung và phải có mục đích rõ ràng. Cần tránh xa những thói quen vô bổ như: đọc sách để giết thời gian, đọc sách để dỗ giấc ngủ, tuy vẫn thu được kết quả như mong đợi “giết thời gian, ngủ được” còn kiến thức thì gần như không có. Có nhiều người đọc sách mọi lúc mọi nơi, đọc bất cứ tài liệu gì có thể nhưng cũng chẳng nâng cao kiến thức hay kinh nghiệm gì mấy. Bởi vì họ không tập trung, không có chủ đích khi đọc sách. Đọc hết trang, hết chương hay hết sách nhưng không biết mình đang đọc gì? Ý của tác giả muốn gửi đến là gì? 
 
Đọc sách không những cần tập trung hết tâm huyết vào điều mình đang đọc mà còn phải có chính kiến của riêng mình. Phải thấu hiểu, phân tích ý kiến của tác giả để biết đâu là đúng, đâu là sai. Vì tác giả cũng là người chứ không phải thần thánh nên không tránh khỏi những thiếu sót. Đọc sách mà tin tưởng tuyệt đối vào sách thì khỏi đọc còn hơn.
 
(Trích từ sách Thấu hiểu Phát triển Bản thân)

Lợi ích của việc đọc sách
http://www.thauhieuvaphattrien.com/tintuc/2469/Loi_ich_cua_doc_sach

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét