Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Học tập, bằng cấp và sử dụng nhân lực

Từ  trước đến nay, các tiêu chuẩn cơ bản để chọn người trong việc sử dụng, đề bạt, tạo nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển đất nước ta có nhiều đổi thay. Suốt giai đoạn dài của thời chiến tranh, người ta chú trọng đến năng lực thực tiễn, khả năng thích ứng và sáng tạo trong việc điều hành và tổ chức quản lý. Trong thời kỳ khó khăn và hoàn cảnh gian khổ ấy, nhiều cán bộ dù không được đào tạo bài bản nhưng với tinh thần, ý chí và nghị lực, bộ máy nhà nước vẫn điều hành vững vàng. Khi đất nước ổn định, thanh bình và với chiến lược quản lý, xây dựng nhà nước lâu dài, việc tuyển chọn nguồn nhân lực đòi hỏi phải tuân theo quy trình chính quy bài bản. Ngoài việc quan tâm đến quá trình cống hiến, kinh nghiệm và lòng nhiệt tình của ứng viên, nhà nước chú ý đến việc đào tạo hoặc đào tạo lại để trang bị thêm kiến thức lý thuyết, kinh viện cho cán bộ. Do vậy, bên cạnh các trường lớp chính quy, các loại hình đào tạo bổ túc, tại chức chuyên tu cũng được mở ra để giúp cán bộ đang công tác nâng cao năng lực của mình.
    Việc dựa vào giá trị thực chất của bằng cấp chuyên môn và xem nó như là điều kiện cần để cất nhắc, đề bạt, sử dụng và điều phối cán bộ là quan niệm đúng đắn. Tuy nhiên nhiều cơ quan, ban ngành  (cố tình hay không chủ ý) xem đây là điều kiện đủ nên dẫn đến tình trạng người ta tìm mọi cách để có bằng cấp và để được tuyển dụng mà lý ra tập hợp những khả năng bao gồm chuyên môn, đạo đức, bằng cấp mới là điều kiện đủ. Thực tế đã xảy ra như sau:
  1. Có một số ngành, số nơi tiêu chí chọn lựa vào các chức vụ này nọ chỉ căn cứ vào mức độ bằng cấp chứ không chú ý nhiều đến lĩnh vực chuyên môn của bắng cấp ấy. Chẳng hạn, để giữ một chức vụ nào đó trong ngành tư pháp hay đối ngoại, đôi lúc người ta chỉ yêu cầu các ứng viên có bằng cử nhân  khoa học hay ngoại ngữ là được.
  2. Chưa chú ý đến hiệu quả kinh tế, năng suất công việc: Những cơ quan, xí nghiệp quen làm việc theo lề thói cũ, quản lý công việc một cách giản đơn, không đòi hỏi nhiều đến các chuyên môn đặc thù, không yêu cầu động não, tư duy. Do đó công việc cứ diễn ra được chăng hay chớ, không ai kêu ca ngoại trừ người dân hay những cá nhân đơn vị có quan hệ công tác. Qua báo chí ta thấy nhiều xí nghiệp quốc doanh, cơ quan nhà nước do không quan tâm đến năng suất, chất lượng dẫn đến thường xuyên thua lỗ, cạnh tranh kém cỏi. Đời sống cán bộ, chuyên viên nơi ấy giảm sút, môi trường kém hấp dẫn nên khó lòng thu hút hay giữ được chân người giỏi.
  3. Tính hiếu danh, ưa làm thầy không ưa làm thợ: Do ảnh hưởng của cung cách thi cử cùng tâm lý "sĩ nông công thương" của thời phong kiến nên thói thường này vẫn còn đè nặng lên suy nghĩ của người dân.
  4. Nội dung học ở trường không đáp ứng được yêu cầu công việc cụ thể trong thực tiễn. Kiến thức người học lạc hậu do chương trình đào tạo khập khiễng, chưa theo kịp tiến bộ xã hội, đặc biệt đối với các ngành khoa học, công nghệ hay quản lý kinh tế. Do vậy người học không mấy thiết tha học hỏi, ghi nhớ, nghiên cứu để vận dụng sau này.
    Với tình hình như vậy, mọi người tìm mọi cách để có bằng cấp: thực học để trau dồi chuyên môn, mở mang trí tuệ hoặc "giả học", học để đối phó miễn xong chương trình để được tốt nghiệp hoặc tìm cách để có mảnh bằng bằng các mối quan hệ phi học thuật. Trên báo chí ta thường gặp các thông tin về tình trạng mua bán bằng cấp. Nạn bằng giả bây giờ không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Ta có thể thấy trong những năm gần đây bên cạnh hệ chính quy, các loại hình đào tạo phi chính quy mở ra khắp nơi: tại chức, chuyên tu, từ xa, hợp đồng... Ngoài một số sinh viên chăm trau dồi nâng cao kiến thức, không ít người học chẳng chú ý đến chất lượng đào tạo, không cần biết họ được trang bị những kiến thức gì để nâng cao năng lực công tác mà điều quan tâm là có được tấm bằng bằng bất cứ giá nào. Tâm lý chung là cố gắng vào cho được đại học còn học kiểu nào thì cũng có thể tốt nghiệp được. Trong lúc ấy một số người dạy cũng muốn thoả hiệp với hiện trạng này cho khoẻ.
    Thời gian qua ngành giáo dục đào tạo được nêu nhiều  trên các phương tiện thông tin đại chúng và chịu sự phê phán mạnh của xã hội. Điều này là tất yếu vì giáo dục là sự nghiệp của toàn dân chứ không chỉ riêng của một ai. Tuy nhiên chỉ riêng ngành GD-ĐT cũng khó lòng xoay chuyển tình thế dù cho có nhiều người tâm huyết vì nó liên quan đến nhiều vấn đề vĩ mô khác. Chuyện trì trệ của giáo dục có nhiều người (vô tình hay hữu ý) cứ đổ cho là tại cơ chế thị trường, buôn bán. Thật ra ở các nước phát triển, người ta theo chế độ kinh tế thị trường từ lâu thế nhưng  để được một nền giáo dục như họ ta phải phấn đấu dài lâu mới tiệm tiến được. Việt Nam theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; theo lý thuyết đó là một nền kinh tế ngoài việc phải tính đến các yếu tố là hiệu quả kinh tế, công việc, sản phẩm làm ra phải có sức cạnh tranh, mỗi người phải có tinh thần tập thể cao, gắn công việc với trách nhiệm cá nhân, còn có thể loại trừ được các yếu tố tiêu cực tự phát nhờ sự tham gia điều phối của nhà nước nên không thể nói đây là nguyên nhân gây nên sự trì trệ trong giáo dục được.    
    Hiện nay các trường đại học trong cả nước đang mở rộng phạm vi, tác động và ảnh hưởng của mình khắp mọi miền của tổ quốc vừa để khuếch trương thanh thế, xây dựng uy tín và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Việc làm này hoàn toàn chính đáng và cần khích lệ nhưng nó cũng có những mặt trái. Ngoài một số cơ sở đào tạo có được sự đầu tư lớn của nhà nước, nằm ở những vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, có một đội ngũ giảng viên hùng hậu và lực lượng quản lý dày kinh nghiệm có thể  thu hút và đào tạo nhân tài của đất nước  với các điều kiện và tiêu chuẩn học tập gần bằng nước ngoài, còn lại, trong bối cảnh hiện nay nhiều trường tự xoay xở bằng những cách khác nhau. Để thu hút được số lượng sinh viên, học viên vào học, thứ nhất người ta hạ tiêu chuẩn và điều kiện nhập học. Kế đến trong quá trình đào tạo người ta cũng yêu cầu dễ dãi hơn để mọi sinh viên đều tốt nghiệp vì hiện nay chưa kiểm định đầy đủ để đánh giá, phân loại cơ sở đào tạo. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đi nhận công tác ở các cơ quan nhà nước thường phải đấu nhau ở những tiêu chí khác còn về kết quả học tập hay cơ sở đào tạo được xem là thứ yếu.
    Như vậy, việc sử dụng nguồn nhân lực thông qua bằng cấp như hiện nay, các trường đại học chưa cần đổi mới chương trình đào tạo, thầy giáo không cần cải tiến phương pháp dạy học. Với tỉ lệ bình quân 40-50 sinh viên/thầy giáo, các trường đại học vẫn tiếp tục cho ra lò hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Dư luận xã hội và báo chí trong thời gian qua luôn báo động tình trạng thừa thầy, thiếu thợ nhưng tiếc thay thầy cũng thuộc dạng nửa vời nên nạn thất nghiệp vẫn tràn lan trong lúc nhu cầu công việc xã hội cũng còn nhiều. Dù vậy tâm lý sính bằng cấp vẫn đang đà phát triển. Quy luật phổ biến "có cầu ắt phải có cung" càng phát huy tác dụng. Như đã nói ở trên, thực tế hiện nay các loại hình đào tạo ngoài chính quy vẫn nở rộ, trường nào cũng muốn thu hút được nhiều học viên, sinh viên vào học nên họ chấp nhận thả nổi về mặt chất lượng đối với các loại hình đào tạo này. Ngoài ra, phần đóng góp, bù đắp vào khoảng kinh phí thiếu hụt của trường do loại hình này mang lại cũng là một nguồn thu đáng kể.
    Trước thực trạng giáo dục ấy, vẫn còn nhiều nhà giáo giữ phẩm chất "giấy rách phải giữ lấy lề", nhưng số giảng viên thôi thì nhắm mắt hoà nhập vào sự hỗn độn của dòng chảy xã hội không phải là ít, chưa kể còn có nhà giáo mất phẩm chất dẫn đến mua bán chữ nghĩa, kinh doanh điểm chác nữa. Nếu các giá trị tri thức, đạo đức bị rẻ rúng và các giá trị khác (vật chất, quan hệ...) được  nâng lên thì thật nguy hiểm cho xã hội.
    Với những thách thức của nhiều vấn đề xã hội hiện nay, ngành giáo dục đào tạo nếu không quyết tâm chấn chỉnh những yếu kém trong việc quản lý, điều phối, dễ dãi trong việc đào tạo sẽ dẫn đến một loạt các hệ quả xấu, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của xã hội như sau:
-         Làm mất giá trị thực chất của bằng cấp với những thuộc tính cao quý của nó.
-         Phá hoại nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi góp phần đưa những kẻ vô tài, không có năng lực nhưng giỏi chạy chọt nắm giữ những chức vụ quan trọng.
-         Coi thường việc học tập, xem nhẹ việc thủ đắc kiến thức chuyên môn, ngành nghề.
-         Lệch hướng đào tạo, số lượng không đồng bộ với chất lượng.
-         Làm nản lòng những nhà giáo dục có tâm huyết, những công dân nặng lòng với sự nghiệp đào tạo và cả người học chân chính.
    Rõ ràng trong các doanh nghiệp tư nhân hay các công ty nước ngoài người ta chọn lựa nhân sự rất kỹ. Bên cạnh các bằng cấp chuyên môn người ta còn phỏng vấn, kiểm tra trực tiếp và có thời gian  thử việc và ký hợp đồng theo từng giai đoạn. Cùng với việc trả lương cao và tạo điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình độ của nhân viên ở các công ty này, nạn chảy máu chất xám tại chỗ sẽ xảy ra: những người giỏi, tâm huyết sẽ hoặc đang làm việc cho cơ quan nhà nước sẽ tìm nơi làm việc mới; những sinh viên tốt nghiệp hạng hai hạng ba… lại đảm nhận những công việc trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước.
    Cần tạo môi  trường bình đẳng cho các cơ sở đào tạo bậc đại học trên cả nước trong việc đầu tư, điều phối ngân sách chế độ,… Chẳng hạn trung ương quy hoạch hệ thống, cơ cấu trường sở, ngành nghề, cấp kinh phí hợp lý, dành một phần ưu tiên cho các tỉnh nhỏ, đưa ra chuẩn tối thiểu về chất lượng đào tạo và thường xuyên có đánh giá, kiểm tra. Các địa phương bổ sung nguồn lực cho các trường nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, sĩ số ngành nghề. Để khuyến khích những người phục vụ ở các tỉnh lẻ, người ta đặt ra chế độ phụ cấp đắt đỏ để động viên cán bộ yên tâm phục vụ.
    Có chính sách tuyển dụng người tốt nghiệp theo mức độ xếp loại học tập và đánh giá năng lực bằng những cách như thử việc, phỏng vấn, ký hợp đồng theo từng giai đoạn. Về mặt xã hội, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế, xã hội của cơ quan mình; không được cất nhắc đề bạt hay chuyển đi cơ quan khác nếu tại đơn vị mình lãnh đạo bị trì trệ, chậm phát triển. Quyền lợi của thủ trưởng gắn bó với thịnh suy của cơ quan mình.
    Các cơ quan sử dụng nhân lực, báo chí cần khách quan trung thực hướng dẫn dư luận xã hội tìm hiểu về năng lực, chất lượng sinh viên qua từng giai đoạn và cần có cái nhìn và đánh giá thật khoa học, vô tư, không rơi vào những sự vụ liên quan đến những nhân vật cụ thể.
     Để xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao, đủ sức giải quyết các vấn đề của công ngghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giáo dục đại học đóng vai trò hết sức quan trọng, phải  là đòn bẩy kích thích, phải có đóng góp xứng đáng…

Nguyễn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét