Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

NGHỆ THUẬT ĐẶT CÂU HỎI

1. ĐẶT CÂU HỎI, trước hết là một nghệ thuật.
Einstein từng nói 1 câu:  “Tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê” và “Quan trọng là người ta không ngừng hỏi”. Đó là trích dẫn đầu tiên mà tôi ấn tượng từ cách mở đầu của anh Phan Tất Thứ. Nhận thức của con người được tích lũy và gây dựng nên bởi những câu hỏi, bởi chính sự tò mò. Chẳng cớ gì mà tự nhiên Carl Max nói rằng "Hoài nghi tất cả". Cá nhân mình luôn tâm niệm, mọi thứ đến với chúng ta, những gì chúng ta hàng ngày nhìn- nghe- sờ thấy, chúng ta luôn nên đặt 1 sự hoài nghi, luôn nên đặt những câu hỏi. Vì câu hỏi TẠI SAO chính là câu hỏi đi đến bản chất của vấn đề.
Anh Lê Quốc Vinh chia sẻ từ khi anh làm MC cho chương trình "Nói ra đừng sợ", anh đã học cách để "đặt câu hỏi" sao cho chuyên nghiệp, sao cho kỹ năng ấy trở thành một công cụ để phát triển câu chuyện của mình liền mạch từ những câu hỏi thông minh.
Như vậy, đặt câu hỏi đâu dừng lại ở những lời nói vu vơ theo cảm hứng nhất thời bộc phát, đặt câu hỏi là cả 1 nghệ thuật, mà mỗi chúng ta đều cần phải rèn luyện kiên trì. Vậy liệu ĐẶT CÂU HỎI có phải là 1 tố chất bẩm sinh, hay nó xuất phát từ lòng đam mê và sự tò mò kì diệu như Einstein đã nói?

2. ĐẶT CÂU HỎI, đó chưa bao giờ  là một tố chất bẩm sinh: 

Suy nghĩ cá nhân: Con người ta rất hay so sánh, những người giỏi hơn ta, ta thường nghĩ họ có tố chất hơn người. Nhưng đâu phải đâu. Ngày hôm nay bạn ngưỡng mộ 1 diễn giả nó vì có tài ăn nói trước đám đông siêu quần, nhưng bạn mải chăm chú vào cái tài năng sáng chói của họ quá, nên bạn không tự ĐẶT RA CÂU HỎI rằng, điểm xuất phát họ từ đâu? Và họ đã cố gắng gian nan rèn luyện như thế nào?

Tôi tâm đắc với câu chuyện điều tra tội phạm anh Thứ kể. Thay vì hỏi cung rằng "mày có phải tội phạm không?", hãy đặt câu hỏi mang tính chất khẳng định "Mày đã phạm tội như thế nào?". Mình tâm đắc lắm, vì câu hỏi thứ nhất cũng tương tự như việc họ hàng hỏi bạn ngày Tết "mày có người yêu chưa?" khi mà từ "chưa" nằm ngay trong câu hỏi dành cho câu trả lời --> họ nên hỏi "mày có người yêu được bao lâu rồi?" :))). Rất nguy hiểm đúng không?
Như 1 cách khẳng định ngầm, Vô thức nếu không tỉnh táo sẽ dễ dàng bị đánh lừa bởi những chi tiết nhỏ nhặt như vậy. Để tinh tế trong từng chi tiết như vậy, tôi tin rằng phải rèn luyện, phải học hỏi và trài nghiệm, chứ không thể dựa dẫm vào cái gọi là "tố chất bẩm sinh" được!

Anh Vinh tiếp theo có nhắc tới một vấn đề mà hẳn nhiều nhà giáo trăn trở: "Tại sao học sinh ngày càng lười đặt câu hỏi?". Tôi chợt nghĩ tới chính bản thân mình và những người bạn xung quanh tôi, cớ làm sao mà hồi bé chúng ta có "10 vạn câu hỏi vì sao" như thế, mà càng lớn tư duy phản biện và đặt câu hỏi của ta lại càng trở nên mai một. Dường như chúng ta dè dặt hơn trong mỗi lời nói, dường như chúng ta sợ sai và không dám phát biểu, dường như tư duy ấy theo thời gian ngày càng trở nên thụ động.     Tôi luôn khâm phục những bộ não phản xạ nhanh trước mọi tình huống, tôi tin rằng họ có những kỹ năng "đặt câu hỏi" cho chính mình và những người xung quanh tuyệt cú mèo. Vậy cớ làm sao mà những bộ não được "lập trình" kiểu đó ngày càng ít, hay môi trường giáo dục ở Việt Nam đang bào mòn sức sáng tạo của ta?
Đến đây tôi lại nghe được 1 điều thú vị từ anh Phan Tất Thứ: Giáo dục Việt Nam, thầy cô vốn đã quen trả lời 1 cách rõ ràng, mạch lạc cho học sinh, mà ít khi tự đặt ra câu hỏi ngược trở lại.  Bạn cứ hình dung như cỗ máy tìm kiếm google vậy, bạn nghĩ rằng mọi thông tin bạn muốn tìm đều có trên goolgle, vậy nên bạn chẳng cần mất thời gian để tự đặt câu hỏi cho chính mình vậy.
Tôi nghĩ việc đặt câu hỏi cho mình là 1 điều hết sức quan trọng, nếu não bạn thỏa mãn với tất cả những thứ xung quanh, bạn cần đi khám thần kinh.
 Đặt câu hỏi cho người khác đã khó, nhưng đặt câu hỏi cho chính mình còn khó hơn rất nhiều.
Vậy làm thế nào để đặt câu hỏi hay? Thế nào thì bị coi là 1 câu hỏi dở?

3. Hay dở nằm ở tư duy:
Một câu hỏi hay, theo chia sẻ của anh Vinh và anh Thứ, là những câu hỏi đúng bối cảnh, đúng tình huống, đúng lúc và đúng chỗ
Môt câu hỏi hay là một thắc mắc khiến cho người được hỏi cảm thấy bối rối khi phải trả lời những câu chưa sẵn sàng nói.
Một câu hỏi hay là một băn khoăn tìm được lời giải đáp cuối cùng
Muốn có 1 câu hỏi hay, 1 câu hỏi trúng đích, trước hết mỗi chúng ta cần xác định mình mong muốn điều gì từ cuộc hội thoại đó. Tiếp theo, hãy thử đặt câu hỏi, liệu bạn đã tìm hiểu đủ những thông tin về đối tượng được phỏng vấn hay chưa? "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Cứ thử tưởng tượng bạn là 1 phóng viên và bạn có 2 phút để đặt câu hỏi với thủ tướng, bạn sẽ thấy mình cần kỹ năng đặt câu hỏi như thế nào.
 Nếu bạn không hiểu người đang đối thoại với mình, bạn sẽ bắt đầu "hỏi bừa" và có những thắc mắc ngớ ngẩn không chủ đích, điều này sẽ gây lãng phí thời gian cho cả bạn và chính người đang được hỏi.
Anh Thứ có đưa ra 1 ví dụ về quy trình đám cưới "Dạm ngõ ---> ăn hỏi" khi nói về quy trình khảo sát thị trường và nghiên cứu khách hàng trong marketing. "Dạm ngõ" chính là khâu mà bạn thâm nhập, tìm hiểu, tạo không gian và gần gũi với khách hàng của mình. Chắc chắn cách đó hay hơn nhiều việc bạn "nhảy bộp" vào "xin phép anh chị ch em hỏi đôi điều" ?! :D
Khi xác định được điều bạn muốn, hãy thu hẹp phạm vi câu hỏi lại. Cách bạn đặt câu hỏi sẽ quyết định thông tin bạn thu được. Câu hỏi càng chi tiết, càng sâu sắc thì thông tin nhận được càng chính xác và rõ ràng. Hãy nhớ, câu hỏi của bạn chung chung thì người trả lời sẽ giải đáp theo cách chung chung :))
Tư duy, tư duy, tư duy!

4. Sờ cằm - Nhân quả - Giải pháp - hành động ~ 4 bước cơ bản để giải quyết 1 vấn đề - chia sẻ từ anh Phan Tất ThứSờ cằm: Liệu có thực sự là có vấn đề không? Hay đấy chỉ là vấn đề do người trong cuộc tưởng tượng ra.
Nếu có, hãy GỌI TÊN vấn đề
Nhân quả: Vấn đề từ đâu mà ra? Nếu nó xảy ra thì diễn biến sẽ ra sao, gây hậu quả gì?
Giải pháp: Ngó xem thiên hạ giải quyết vấn đề tương tự như ta đang gặp phải như thế nào?
Nếu thiên hạ có cách giải quyết, ta áp dụng luôn. Nếu chưa thì tiếp tục nghĩ các phương án
Hành động: Khi đã có phương án, hãy tư duy nên hành động như thế nào? Hay nói cách khác là đi từ lý thuyết ra thực tế bằng cách hiện thực hóa

5. 5W+1H - triết lý muôn thuở:
WHY là câu hỏi đi sâu và bản chất. Nhưng WHO, WHAT, WHEN, WHERE, HOW cũng không kém phần quan trọng. 5W và 1H có mối quan hệ chặt chẽ, khi đặt câu hỏi chớ tách chúng ra khỏi nhau để tư duy được trọn vẹn. Anh Thứ chia sẻ về Độ khó của các câu hỏi trên, và Bố trí những câu hỏi ấy trên khuôn mặt:
- Sờ cằm: Yes/No -> Tình huống đóng khi mọi chuyện rắc rối (ví dụ: Tán mãi 1 cô không đổ, quá ư mệt mỏi, chàng trai chốt lại câu cuối cùng: "Rốt cuộc, em có đồng ý yêu anh không hử?")
- Sờ tai: What, Who dễ hơn When, Where
- Sở đỉnh đầu: Đỉnh đầu gần những vì sao  trên trời nhất, nên ta đặt câu hỏi VÌ SAO.

Ở đây anh Vinh chia sẻ thêm về tâm lý người Việt Nam, nếu hỏi 1 bạn rằng "mày bị gay ah?" - chắc chắn 99% bạn này sẽ trả lời là Không, khác với sự thẳng thắn của nhiều người nước ngoài. Câu chuyện ở đây là ta cần nắm rõ tâm lý người được hỏi, biết cách đặt câu hỏi để đi lòng vòng quanh vấn đề, rồi từ lúc nào không hay, câu trả lời mà người hỏi muốn lại xuất hiện lúc nào không hay (những câu dồn vào chân tường :D)

6. Câu hỏi từ nhà tuyển dụng:
Anh Vinh nói rằng nếu là người tuyển dụng, anh sẽ chẳng bao giờ xem CV. Hoàn toàn đồng ý với tư duy tuyển dụng ấy. CV chỉ là 1 sấp giấy ngăn nắp từ phía ứng viên, người tuyển dụng muốn biết năng lực thực sự của ứng viên thường chú trọng cách mà ứng viên trả lời, và tư duy "có phù hợp" với công ty không?!
Nghe anh Thứ nói bị hấp dẫn bởi những câu hỏi hay ho kiểu như:
- Tại sao bạn nghĩ bạn phù hợp với công việc này?
- Nếu bạn đang hứng khởi khi kể điểm mạnh của bạn, tôi bất chợt hỏi: "Thế điểm yếu của bạn là gì? " (và ngược lại)
- Nếu bạn trúng tuyển, vậy bạn định khi nào rời khỏi công ty tôi :)) ~ mình thực sự rất khoái câu này. haha. Với nạn "nhảy việc" phổ biến hiện nay ở 1 lớp nhân viên của 1 số công ty - câu hỏi này thực sự gây bất ngờ.
Như vậy, ĐẶT CÂU HỎI giờ đây được coi là 1 công cụ sắc bén của nhà tuyển dụng để kiểm tra tư duy và năng lực của ứng viên.

Buổi ngày hôm nay chắc chắn còn nhiều bài học xoay quanh vấn đề "ĐẶT CÂU HỎI". Đó là liên tưởng thú vị về việc câu cá của anh Thứ (link: http://on.fb.me/XBwaDX), là câu chuyện nhỏ về việc bán máy phát điện của Anh Quốc, về Steve Jobs - thầy phù thủy tạo ra nhu cầu của tương lai, và cũng là những bí ẩn xoay quanh chủ đề "marketing intelligence" mà anh Thứ có nói sẽ chia sẻ dài hơi hơn ở những lần gặp tiếp theo.
 Trong phạm vi trí nhớ của mình, xin dừng vài dòng chia sẻ tại đây! :)
Thực tình sau buổi này học được nhiều nhiều lắm, cảm ơn 2 bậc tiền bối đi trước là anh Lê Quốc Vinh và anh Phan Tất Thứ đã tận tình chia sẻ !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét