Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Trí tuệ cảm xúc là gì và có gì khác với trí tuệ thông minh lý trí? Năng lực cảm xúc bao gồm các khả năng gì?
Thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) do hai nhà tâm lý học Mỹ Peter Salovey và John Mayer đề xuất vào năm 1990. Trí tuệ cảm xúc được hiểu là: sự hiểu biết về các xúc cảm, làm chủ các xúc cảm, tự thúc đẩy, biết nhận biết cảm xúc của người khác, làm chủ những mối liên hệ của con người. Ngày nay trí tuệ cảm xúc được đánh giá bằng chỉ số EQ (Emotional Quotient)
Steve Mcshane và Mary Ann Von Glinow cho rằng trí tuệ cảm xúc chính là khả năng của con người có thể nhận thức và biểu lộ cảm xúc, đồng hóa cảm xúc trong tư tưởng thông suốt, lý luận với cảm xúc và điều hợp cảm xúc cho bản thân và những người xung quanh.
Còn theo Howard Gardner, cha đẻ của thuyết “Đa trí tuệ” thì trí tuệ cảm xúc là khả năng đọc cảm xúc (tôi đang thực sự cảm thấy những cảm xúc gì?) và hiểu cảm xúc (tại sao tôi cảm thấy cảm xúc này? Nó đang ở mức độ nào) của bản thân hay của người khác. Ông nhận định: “IQ không phản ánh được sự đa dạng của trí thông minh và cũng không cho thấy sự tương quan giữa trí thông minh với vô số cách ứng xử của trí tuệ có thể quan sát được trong cuộc sống”.
EQ là khả năng tự nhận thức cảm xúc bản thân, biết đâu là điểm mạnh của mình để phát huy và đâu là điểm yếu của để khắc phục. Đó là yếu tố quan trọng nhất của trí thông minh cãm xúc.
EQ còn là khả năng thấu hiểu cảm xúc, mong muốn và quan điểm của người khác, phân biệt được chúng và sử dụng chúng để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của bản thân. Từ đó biết thông cảm, xây dựng, duy trì tốt các mối quan hệ, biết lắng nghe và quan tâm đến người khác, nên có cuộc sống cởi mở và chân thành. Sự thấu cảm là yếu tố quan trọng thứ hai của trí thông minh cảm xúc. Thông minh cảm xúc giúp ta sống tốt hơn với mọi người, hài hòa hơn với chính mình và trong đối xử với người khác.
EQ là khả năng quản lý cảm xúc giúp đưa ra những quyết định sáng suốt để thúc đẩy bản thân tiến bước và cải thiện các mối quan hệ đối với mọi người làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp, hiệu quả hơn. Người có trí thông minh cãm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.
EQ còn là khả năng tự kiềm chế, không để cảm cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, biết tự điều chỉnh, tự đánh giá, khả năng kiểm soát và chế ngự những khát vọng, đam mê, khả năng kỷ luật tự giác, khả năng tư duy tích cực, tìm ra được nhiều giải pháp để giải quyết công việc. Đặc điểm của sự tự kiểm soát và điều chỉnh bản thân là suy nghĩ chính chắn, chính trực, hợp tình, hợp lý cho mỗi tình huống.
Trí tuệ lý trí (phụ thuộc chủ yếu vào chức năng của bán cầu não trái) không liên quan nhiều đến trí tuệ cảm xúc (phụ thuộc chủ yếu vào chức năng của bán cầu não phải). Người thông minh nhất có khi lại phó mặc cho cảm xúc kiểm soát hành động của mình, dẫn đến những tình thế bất lợi. Trí tuệ xúc cảm là xung lực chủ yếu có ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả năng lực khác bằng cách kích thích hay ức chế chúng, nhờ đó, con người có thể ứng phó linh hoạt, biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân và cả cảm xúc của những người khác. Sức mạnh của trí tuệ cảm xúc là công cụ hữu hiệu khơi dậy những cảm xúc tích cực, đồng thời triệt tiêu các cảm xúc tiêu cực.
Trí thông minh không chưa đủ đảm bảo cho sự thành công của con người. Ở Mỹ có tổ chúc MENSA tập hợp những người có chỉ số IQ cao nhất, nhưng không phải tất cả các thành viên của tố chức đó đều thành công. Chỉ 25% số người thành công là có chỉ IQ cao hơn trung bình. Có IQ cao là một lợi thế trong cuộc sống, nhưng lợi thế đó chỉ phát huy tốt khi được kết hợp với trí tuệ cảm xúc. Người có trí tuệ cảm xúc tốt sống lạc quan, biết lắng nghe để thấu hiểu người khác, dễ thích nghi với ngoại cảnh, linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong công việc, có khả năng chịu áp lực và vượt qua nghịch cảnh. Trí tuệ cảm xúc giúp các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong bầu không khí thoải mái hơn, thuận lợi hơn và hiệu quả hơn, giúp giải quyết ổn thỏa mọi cuộc đàm phán dù là khó khăn, bất kể xuất phát từ nguyên nhân nào như sự thiếu tinh thần cộng tác của đồng nghiệp hay những trục trặc nảy sinh từ phía người thân. Chỉ số EQ mới thật sự là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống.
Có đến 71% quản lý nhân sự cho rằng, họ chú trọng đến chỉ số EQ hơn là chỉ số IQ của ứng viên. 59% người sử dụng lao động thậm chí còn nói rằng, họ sẽ không tuyển dụng người dù có chỉ số IQ cao nhưng EQ lại thấp. Người có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ không tạo được những mối quan hệ hợp tác tốt với đồng nghiệp, với đối tác, khách hàng và ngay cả trong quan hệ gia đình, nên hiệu quả công việc kém. Trí tuệ cảm xúc là một trong những kỹ năng quan trọng cần có và có thể rèn luyện để nâng cao từng bước trong cuộc đời từ tuổi thơ. Ngày nay người ta cho rằng: “với IQ người ta tuyển bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạc bạn”. Vì vậy những người thành đạt nhất không phải là những người có IQ cao nhất.
Antoine de Saint – Exupery rất có lý khi cho rằng : “Với trái tim, người ta có thể nhìn thấy những cái cốt yếu mà đôi mắt không thể nhìn thấy được”. Trí tuệ cảm xúc là một trong những kỹ năng quan trọng cần có và có thể rèn luyện để nâng cao từng bước trong cuộc đời từ tuổi thơ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét