Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Kỹ năng thấu hiểu bản thân

Kỹ năng thấu hiểu bản thân.

Thấu hiểu bản thân không những giúp bạn phát triển bản thân, phát triển con cái mà còn phát triển nhân viên, công ty và những gì liên quan đến bạn. Để thấu hiểu bản thân bạn cần trả lời những câu hỏi sau: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Tôi sinh ra để làm gì? Điểm mạnh, niềm đam mê của tôi là gì?...

Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu cách khám phá niềm đam mê của bản thân.

Khám phá niềm đam mê của bản thân.

Có một câu ngạn ngữ khá nổi tiếng: “Sống là để học hỏi, để yêu thương và để lại gì đó cho đời sau”. Nếu bạn thật sự muốn làm điều gì đó lớn lao trong cuộc sống, bạn cần phải có niềm đam mê và lòng nhiệt huyết phi thường. Để thành công trong bất cứ công việc gì cũng cần phải thấu hiểu bản thân, biết được niềm đam mê của mình là gì.

Không có ngọn lửa đam mê, mọi việc cứ diễn ra một cách đều đều nhàm chán, cuộc sống sẽ thiếu đi những khoảnh khắc kỳ diệu. 

Với niềm đam mê, bạn sẽ có một phẩm chất can trường cần thiết, để không bao giờ khuất phục trước mọi khó khăn. Yêu thích những việc mình làm, bạn sẽ làm việc một cách hăng say hơn, nỗ lực nhiều hơn, khả năng giải quyết công việc tốt hơn. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng với những thành tích đạt được. Những lúc như thế này bạn sẽ cảm thấy cuộc sống vô cùng thú vị. Có nghĩa là bạn đang sống cho chính bản thân mình một cuộc sống đích thực.

Nếu bạn đã được xem chương trình truyền hình thực tế “Thử thách cùng bước nhảy 2012”, bạn sẽ thấy được sức mạnh phi thường của niềm đam mê. Khi thấy Hoa Đức Công biểu diễn với gương mặt biểu cảm cùng với những bước nhảy nhẹ nhàng thanh thoát, không ai có thể tin rằng anh đang bị suy thận ở giai đoạn cuối. Hình ảnh Đức Công nằm yên với đủ các thiết bị máy móc bên giường bệnh với một Đức Công cháy hết mình trên sân khấu làm khán giả không thể kìm được nước mắt. Nếu không có tình yêu và sức mạnh của niềm đam mê đối với các điệu nhảy, chắc không tài nào Công có thể làm được những điều phi thường như vậy. 
a. Khám phá niềm đam mê.
Nhưng làm thế nào để thấu hiểu bản thân, để tìm thấy niềm đam mê của mình? Chắc chắn không hề đơn giản, nhưng không phải không thể khám phá. Bạn tìm đến một nơi nào đó thật yên bình tĩnh lặng để suy ngẫn và tự hỏi bản thân mình những câu hỏi như thế này: 
  • Sứ mạng của bản thân, mình có mặt trên đời này để làm gì?
  • Nếu được làm một việc trong đời, bạn muốn làm gì nhất?
  • Điều gì đạt được mà bạn cảm thấy tự hào nhất?
  • Điều gì khiến bạn say mê tới mức không quan tâm đến giờ giấc?
  • Công việc nào khiến bạn thích thú đến nỗi sẵn sàng làm việc không công?
  • Bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian mà thể lực và tinh thần sung mãn nhất?
  • Loại công việc nào có thể khiến cho bạn bị cuốn hút với nó mà không quan tâm đến thứ khác, cho dù những thứ khác có khả năng mang lại những lợi ích cao hơn?
  • Nếu có thể trở thành một trong những thần tượng của mình, bạn muốn bạn là ai?
Trong trường hợp xấu nhất, cho dù bạn đã cố gắng nhưng vẫn không biết được niềm đam mê của bản thân mình là gì, thì cách tốt nhất là luôn tự hỏi “Niềm đam mê của mình là gì, tiềm thức ơi hãy giúp ta?” vào những lúc trước khi đi ngủ. Đến một lúc nào đó “tiềm thức” sẽ giúp bạn.

b. Phát huy thế mạnh.
Hãy nghĩ về những ưu điểm của mình và luôn tìm cách phát huy chúng. Thay vì tìm điểm yếu để khắc phục bạn hãy tìm điểm mạnh để phát huy. Khắc phục điểm yếu sẽ là một việc vô cùng khó khăn và phức tạp vì chẳng ai hứng thú với điểm yếu của mình. Mặc dù bạn rất quyết tâm và tốn nhiều thời gian, công sức nhưng chắc chắn kết quả không đạt được như mong đợi. Trong khi, phát huy thế mạnh bạn sẽ làm việc trong trạng thái hân hoan và tràn đầy nhiệt huyết. Phát huy điểm mạnh của mình mà người khác không có, đến một lúc nào đó bạn sẽ thật sự nổi bật. Khi bạn làm được một điều gì đó có giá trị thì không ai để ý đến điểm yếu của bạn làm gì. 
Hãy nghĩ đến những khả năng đặc biệt của bản thân, những khả năng giúp bạn đạt được thành tích cao nhất. Hãy tìm ra những công việc mà bạn làm tốt nhất, những công việc giúp bạn cảm thấy tự hào về bản thân. Những công việc nào mà bạn có thể tham gia một cách dễ dàng nhất? Hãy nghĩ đến thành quả tốt đẹp bạn sẽ nhận và niềm vui khi được làm công việc mà mình yêu thích.
c. Duy trì niềm đam mê
Khi đã tìm thấy được đam mê, có nghĩa là phần nào thấu hiểu bản thân mình, thì phải bắt tay vào hành động để duy trì niềm đam mê, vì chúng cũng có thể lu mờ theo thời gian. Nếu không hành động, bạn sẽ không thể thấy hay cảm nhận được những niềm vui, những điều thú vị trong công việc. ĐAM MÊ – HÀNH ĐỘNG – THÀNH QUẢ tạo thành móc xích khép kín và hỗ trợ lẫn nhau. Khi quyết tâm hành động thì bạn sẽ thấy được thành quả, thấy được thành quả của mình càng giúp bạn đam mê hơn, kích thích bộ não làm việc tích cực hơn và sẽ đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo nhất.
Không ngừng suy nghĩ về những điều mà bạn yêu thích. Hãy luôn luôn nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê bừng cháy trong tim bạn. 
Đừng bao giờ có suy nghĩ việc đó thấp hèn hay cao sang, cho dù là cái đinh vít đi chăng nữa nhưng nếu làm tốt nhiệm vụ vẫn tốt hơn là một cái máy hiện đại phức tạp nhưng hoạt động không hiệu quả. Chỉ cần bạn tìm ra động lực cao quý cho những việc mình đang làm và cống hiến cho công việc đó bằng tất cả trái tim và khối óc. Khi đó, thành công và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
Một trong những cách nuôi dưỡng niềm đam mê là  bạn thường xuyên hình dung ra những hình ảnh sống động, những hình ảnh mà bạn sẽ gặt hái được khi thành công. Hãy thường xuyên đọc sách về gương Danh nhân và những cuốn sách đề cập đến lợi ích của niềm đam mê. 

http://www.thauhieuvaphattrien.com/tintuc/2426/Ky_nang_thau_hieu_ban_than 

Trích từ sách "Thấu hiểu & Phát triển Bản thân"

*************
Luôn đặt câu hỏi và tìm cách trả lời

Mặc dù đến lớp đều đều, nhưng khi thầy giảng bài mà bạn cứ để đầu óc bay bổng hay lo nghĩ một vấn đề nào khác mà không tập trung vào bài giảng thì được xem như không học. Ngược lại, không đến lớp đều nhưng luôn suy nghĩ để giải đáp bài toán khó, hay một vấn đề phức tạp thì lúc đó là lúc bạn đang học. Vì vậy đặt câu hỏi và tìm cách trả lời là cách học và rèn luyện bộ não tốt nhất. Khi đặt câu hỏi có thể lúc đó chưa có câu trả lời nhưng nhờ vậy bộ não sẽ tích cực làm việc, luôn luôn suy nghĩ, tìm thông tin ở sách, báo internet hay nhờ ai đó giải đáp. Nếu thường xuyên đặt câu hỏi và tìm cách giải đáp, đến một lúc nào đó, vốn kiến thức của chúng ta sẽ rất lớn và đó là nền tảng để sáng tạo những điều mới mẻ.

http://www.thauhieuvaphattrien.com/tintuc/2434/Ky_nang_hoc_va_tu_hoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét