Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Lợi ích của việc đọc sách là gì? Đọc sách thế nào cho hiệu quả?

Quả thật như vậy, sách là kho tàng tri thức vô cùng quý giá của nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận và không bao giờ cạn kiệt. Đọc sách không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn để hoàn thiện nhân cách, phát triển con người. Tuy nhiên, ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc làm cho giới trẻ xa dần thói quen đọc sách. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ với các bạn những tác dụng tuyệt vời của việc đọc sách và cách để đọc sách hiệu quả để phần nào khởi dậy trong bạn đam mê và tình yêu cho việc đọc sách.
I. Tác dụng của việc đọc sách
Kích thích tinh thần: Đọc sách giúp kích thích các dây thần kinh não bộ từ đó làm chậm lại tiến độ của bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, giữ cho bộ não của bạn hoạt động và tham gia ngăn không cho bị mất năng lượng. Cách tập thể dục này giúp cho não bộ của bạn luôn khỏe mạnh và tránh lão hóa. Đồng thời khi đọc sách chúng ta phải suy nghĩ, ghi nhớ làm tăng khả năng liên kết của các noron thần kinh. Việc này được lặp lại nhiều lần sẽ khiến chúng ta trở nên thông minh hơn.
Trau dồi kiến thức: Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được lưu truyền qua hàng ngàn năm. Đọc sách là cách tốt nhất để ta tiếp thu văn hóa trên thế giới, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Ngoài việc đọc sách chuyên môn để củng cố kiến thức, chúng ta cũng nên đọc những quyển sách về các lĩnh vực khác trong cuộc sống để hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình, hoàn thiện bản thân, phát triển tâm hồn để hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Củng cố vốn từ và cách hành văn: Điều này gắn liền với lợi ích thứ 2, khi bạn đọc càng nhiều, vốn từ và cách hành văn sẽ dần đi vào kiến thức của bạn. Từ đó bạn sẽ có thể nói lưu loát, diễn đạt ý một cách rõ ràng, mạch lạc hơn.
VD: Bạn hay viết sai chính tả, viết những câu không đúng ngữ pháp, không đủ chủ ngữ vị ngữ hay bạn dùng câu không phù hợp với ý mình muốn diễn đat khiến người đối diện không hiểu… Đọc sách, đọc càng nhiều sách thì bạn sẽ học được cách tác giả viết câu, diễn giải, chuyển ý khéo léo, đưa vấn đề một cách lôgic. Quá trình đọc lâu dài kèm theo sự tập trung, tinh ý sẽ giúp bạn hình thành được kỹ năng ngôn ngữ. Bên cạnh đó bạn sẽ tự tin giao tiếp với vốn kiến thức tuyệt vời mà bạn tích lũy được qua sách vở.
Tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo: Đọc sách đồng nghĩa với việc bạn đang khám phá những kiến thức, những điều mới mẻ, thú vị. Bạn phải suy nghĩ cùng tác giả, bạn phải tưởng tượng, liên tưởng đến những gì đang diễn ra, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của câu chuyện để học hỏi, trải nghiệm. Ví dụ, bạn đọc sách về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người thì bằng ngôn ngữ phong phú của tác giả bạn sẽ hình dung ra trước mắt mình là khung cảnh của thời tiền sử với mảnh đất hoang sơ, con người sống thành bày đàn trong những hang động, săn bắn hái lượm để sống… Và, khi đọc bạn sẽ tự đặt ra câu hỏi như tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, chúng giống nhau gì, khác nhau gì… Chính điều này giúp hình thành cho bạn tư duy tốt, khả năng nhìn nhận vấn đề logic và toàn diện. Không những thế việc đọc sách còn giúp bạn học được cách phân tích vấn đề của tác giả và áp dụng vào cuộc sống của mình. Khi có nền tảng tốt về tư duy, về nhìn nhận phân tích vấn đề, bạn sẽ có những sáng tạo bất ngờ, thú vị trong những tình huống khó khăn. Đây chính là lợi ích tuyệt vời bậc nhất mà sách đem lại cho con người.
Cải thiện khả năng tập trung: Trong thời buổi công nghệ phát triển chóng mặt như hiện nay thì việc học và làm việc trên máy tính là sự lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ. Đây là việc tốt để cập nhật thông tin, tiếp cận công nghệ nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự tập trung, hiệu quả làm việc của các bạn. Bạn đã từng bao giờ lên mạng để học nhưng lại lan man sang facebook, check mail, đọc tin tức… và nhận ra thời gian trôi qua thật nhanh mà mình chưa học được gì. Khi đọc một cuốn sách thì ít nhất bạn sẽ không có phương tiện để lan man sang những vấn đề khác, tất cả sự tập trung của bạn sẽ hướng vào câu chuyện, vào những tình tiết nhỏ đang thu hút bạn. Thói quen này sẽ hình thành cho bạn khả năng tập trung cao độ trong học tập, làm việc. Hãy dành 15-20 phúp trước khi làm việc để đọc vài trang sách bạn sẽ nhận thấy hiệu quả không ngờ mà nó đem lại.
Hoàn thiện nhân cách: Sách sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu đồng loại, biết chia sẻ những khó khăn với người khác, biết lên án những thói hư tật xấu, những hành vi trái đạo đức. Từ đó hình thành cho ta cách nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, tới lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích của những người xung quanh. Những cuốn sách hay để phát triển nhân cách mà bạn có thể đọc như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quảng nỗi lo đi mà vui sống…
Trên đây chỉ là một và tác dụng tuyệt vời mà đọc sách mang lại, ngoài ra sách còn có thể giúp chúng ta giải trí, giảm stress, tự tin, hòa đồng hơn… Hãy đọc sách để tự mình trải nghiệm những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại.
II. Đọc sách như thế nào?
Ai cũng biết đọc sách sẽ rất tốt nhưng không phải ai cũng biết đọc sách thế nào cho hiệu quả. Vậy chúng ta phải đọc sách như thế nào?
1. Trước khi đọc nội dung cuốn sách
Xác định mục đích của việc đọc sách: Mục đích sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách của các bạn. Xác định được mục đích, bạn sẽ tránh đọc tràn lan tốn thời gian mà chủ yếu tập trung vào nội dung quan trọng bạn muốn tìm hiểu. Mục đích đọc sách sẽ quyết định phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ: Khi đọc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao có bạn tìm hiểu về cách miêu tả, diễn giải của tác giả, có bạn tìm hiểu về chuyên tình của Chí Phèo – Thị Nở, có bạn phân tích hoàn cảnh, cuộc sống của con người thời bấy giờ… Vậy, xác định mục tiêu đọc sách là bước đầu tiên quan trọng mà chúng ta nên làm.
Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách: Bạn nên đọc trang đầu và trang cuối cuốn sách để biết: Tên cuốn sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản…Việc làm này sẽ rất có ích khi bạn muốn giới thiệu với bạn bè một cuốn sách hay mà mình vừa đọc được hay tìm mua hoặc mượn trên kệ sách thư viện.
Xem mục lục: Mục lục phản ánh dàn ý chung, nội dung cơ bản của cuốn sách. Đọc mục lục bạn sẽ hình dung sơ bộ về nội dung cũng như thứ tự các phần được sắp xếp logic theo ý đồ tác giả. Lúc này bạn đặt câu hỏi: Vì sao tác giả lại sắp xếp theo thứ tự này? Từ đó nó tạo cảm hứng cho bạn tìm câu trả lời trong nội dung cuốn sách.
Đọc lời tựa: Bạn nên đọc lời tựa để biết cuốn sách viết về vấn đề gì, áp dụng cho đối tượng nào. Qua lời tựa của tác giả bạn đoán được ý đồ của tác giả, hình dung khái quát nội dung cơ bản, mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn, biết được vấn đề quan trọng nhất mà cuốn sách sẽ đề cập tới.
2. Bắt đầu đọc nội dung của cuốn sách
Để nắm được nội dung của cuốn sách, lĩnh hội được kiến thức thì bạn phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Muốn nghiên cứu cuốn sách một cách hiệu quả bạn phải có phương pháp đọc đúng cách:
Tích cực tư duy khi đọc: Có nhiều bạn đọc rất nhiều sách nhưng đọc hoàn toàn theo hướng thụ động, tiếp thu tất cả theo sự dẫn rắt của tác giả dẫn đến hệ quả số lượng sách bạn đọc tỷ lệ nghịch với kiến thức mà bạn nhận được. Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những hình ảnh, sự vật, sự việc cụ thể, tiến hành so sánh, liên tưởng với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã có để phát hiện ra bản chất của vấn đề, làm rõ những những thắc mắc và tăng vốn hiểu biết của mình. Từ đó bạn sẽ chuyển hóa những kiến thức trong sách thành của mình mãi mãi. Tư duy khi đọc cũng giúp bạn tập thể dục cho não, tăng khả năng ghi nhớ và sự thông minh của mình.
Tập trung khi đọc: Tập trung khi đọc là cách tốt nhất để bạn có thể suy nghĩ cặn kẽ, tư duy tích cực và ghi nhớ được nội dung cuốn sách. Để tập trung thì ngoài nỗ lực, nguồn cảm hứng của bản thân thì bạn nên chọn một không gian đọc yên tĩnh, thoáng mát, có ánh sáng, đọc trong tư thế thoải mái nhưng không nên nằm vì sẽ hại mắt và giảm khả năng ghi nhớ của bạn.
Rèn luyện kỹ thuật đọc: Kỹ thuật đọc là những thao tác bạn sử dụng trong quá đọc. Kỹ thuật phải được rèn luyện thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất. trong khi đọc, có một số điểm bạn cần phải chú ý:
+ Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng.
+ Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.
+ Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc.
+ Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.
+ Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.
+ Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề.
Bạn cũng nên luyện tập để tăng dần tốc độ đọc. Tuy nhiên đọc nhanh không có nghĩa là đọc ngấu nghiến, vội vàng mà đọc nhanh là tóm thật nhanh, đủ, đúng nội dung. Bạn nên phán đoán trước khi đọc, nếu đã có mục đích đọc thì phần nào quan trọng bạn đọc kỹ, phần nào không quan trọng bạn đọc lướt qua, tránh lối đọc chàn lan tốn thời gian. Để rèn tốc độ đọc, bạn hãy lấy một quyển sách, chọn một trang đọc thật nhanh sau đó ghi ra những nội dung mà bạn tóm được. Đọc lại lần nữa để xem mình đã ghi đủ, đúng nội dung chưa. Rèn luyện như thế thường xuyên chắc chắn bạn sẽ nâng cao tốc độ đọc của mình, tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
Ghi chép khi đọc: Ghi chép là khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình đọc sách. Ghi chép sẽ giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ kiến thức, tổng hợp vấn đề. Đặc biệt ghi chép chính là việc bạn tóm gọn nội dung cốt lõi, tâm đắc của cả cuốn sách và sau này khi cần thiết bạn chỉ cần đọc lại những ghi chép đó là có thể hiểu được toàn bộ vấn đề tác giả đề cập trong cuốn sách.
Thế ghi chép như thế nào?
+ Đầu tiên bạn nêu các đề mục cuốn sách.
+ Ghi các luận điểm chính.
+ Ghi những câu nói hay, những đoạn phân tích giá trị, cụ thể, dễ hiểu.
+ Ghi những nhận xét, đánh giá của người đọc về cuốn sách.
+ Ghi những kiến thức mình rút ra được từ cuốn sách, những gì mình còn thắc mắc để có thể tìm câu trả lời ở những quyển sách tiếp theo.
Những phương pháp mà tôi giới thiệu với bạn trên đây chỉ mang tính khái quát, các bạn có thể dựa trên nội dung bài viết này để tìm cho mình một phương pháp phù hợp. Dù đọc sách theo phương pháp nào thì cũng nhằm mục đích tiếp thu kiến thức, phát triển tâm hồn, hoàn thiện bản thân. Vì vậy, bạn hãy tích cực đọc sách để cảm nhận giá trị của cuộc sống.

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay, viết rất dễ hiểu. Xin cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa