Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Trình bày một vấn đề

Trình bày một vấn đề

Sau hai ngày cuối tuần nghỉ giải lao, hôm nay mình trở lại với “nhật ký học ngu” bằng bài viết chia sẻ cách trình bày một vấn đề. Mình nghĩ đây là một kỹ năng quan trọng bởi vì ai cũng phải có lúc đứng ra diễn giải, trình bày một điều gì đó trong đời. Ví như Einstein muốn trở nên vĩ đại cũng phải có người hiểu được “thuyết tương đối” của ông chứ nhỉ?

Dưới đây là kỹ thuật trình bày bằng ba từ khóa WHAT, WHY và HOW mà nhóm “học ngu” sử dụng. Bạn cũng có thể hiểu đây là “họ hàng” của 5W1H cũng được, chẳng qua là sự tinh giản và vận dụng mà thôi. Dù mỗi người có thể có phong cách riêng khi thuyết trình xét cho cùng thì cũng quay về với các yếu tố cơ bản sau đây:

1. WHAT (Cái gì): Vấn đề bạn đang muốn trình bày là gì vậy? Vấn đề đó có mấy phần? Nó phức tạp hay đơn giản? Nó có mang nhiều góc nhìn hay không? Trong phạm vi nào thì ta được bàn về vấn đề này?...

Nói một cách đơn giản thì WHAT là việc xác định vấn đề trọng tâm, đồng thời vạch ra phạm vi và giới hạn của vấn đề để trình bày. Việc xác lập “ranh giới”ngay từ đầu sẽ giúp người nghe hình dung được cái mà mình sẽ nghe. Thời gian đầu thực hành, thầy rất hay hỏi “con đang nói cái gì vậy?”, “rút cục thì bài viết này muốn nói cái gì?” bởi vì mình không nắm bắt được vấn đề. Những lúc đó mình đều phải quay lại đọc bài, tìm những ghi chú trong sách.

2. WHY (Tại sao): Mục đích của bài viết là gì? Tại sao cần phải có nội dung này?
Từ WHY này chỉ đơn giản là “mục đích” nhưng mình đánh giá đây là yếu tố quan trọng bậc nhất để một “sản phẩm” (nói chung) có ý nghĩa. Kể cả “nói cho vui” thì “cho vui” cũng đã là WHY rồi. Thường thì WHY được hình thành do nhu cầu lịch sử, một niềm tin nào đó bị “đổ vỡ” hoặc cái gì đó sẵn có đã không còn phù hợp nữa. Trong chữ WHY này mình có thể kết hợp chữ WHEN (lúc nào), WHERE (ở đâu) và WHO (đối tượng).

*Giữa hai từ WHAT và WHY này đôi khi có thể thay thế cho nhau về thứ tự, tùy người thuyết trình quyết định. Mình để ý nếu dùng WHY trước WHAT thì bài nói sẽ “mềm” hơn vì có cảm giác như ta đang kể chuyện.

3. HOW (Như thế nào): Vấn đề này đang được dẫn dắt như thế nào? Tiến trình của tác giả ra sao? Những câu hỏi nào đã được đặt ra để dẫn đến kết luận cuối cùng?

Tóm lại chữ HOW hướng đến cách thức, quy trình mà tác giả sử dụng để bóc tách vấn đề. Ví dụ như khi đọc triết học Kant ta sẽ thấy cách mà Kant sử dụng là đặt câu hỏi đến tận cùng. Cứ mở ra một câu hỏi rồi sẽ lại có thêm câu hỏi khác cứ hỏi như thế cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng mà ông muốn
.
Trên đây là cách trình bày [đơn giản] cho một vấn đề. Mình không gặp khó khăn khi học lại kỹ thuật trình bày bởi vì thời gian học ở trường phổ thông mình cũng đã quen rồi. Chỉ có điều khác với các bài học văn, sử, địa thông thường thì giờ đây đối tượng thuyết trình của mình đã thay đổi thành triết học nên mình chưa quen với thuật ngữ, khái niệm mới. Điều đó cũng cho thấy dù là lĩnh vực nào thì cốt lõi trình bày vẫn như nhau. Chỉ cần nắm bắt được những nền tảng căn bản ta sẽ có cách để “xoay chuyển” cho phù hợp với đối tượng.

Viết đến đây thì cũng đã tới giờ mình đi “học ngu” rồi. Các bài viết sau mình sẽ đi sâu vào một số vấn đề cơ bản của “học ngu”, cụ thể là trong quyển “Trò chuyện triết học” của thầy Bùi Văn Nam Sơn. Nếu bạn có hứng thú thì có thể tìm đọc cùng mình nhé. 


 https://www.facebook.com/photo.php?fbid=872063469514778&set=a.868961836491608.1073741968.100001333980465&type=3&permPage=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét