THUYẾT ÂM - DƯƠNG, NGŨ HÀNH
1) Triết học Âm – Dương
- Triết học Âm - Dương có thiên hướng suy tư về nguyên lý vận hành đầu tiên và phổ biến của vạn vật; đó là sự tương tác của hai thế lực đối lập nhau là Âm và Dương.
+ "Âm" là một phạm trù rất rộng, phản ánh khái quát những thuộc tính phổ biến của vạn vật như: nhu, thuận, tối, ẩm, phía dưới, phía phải, số chẵn (2,4,6...).
+ "Dương" là phạm trù đối lập với "Âm", phản ánh khái quát những tính chất phổ biến của vạn vật như: cương, cường, sáng, khô, phía trên, phía trái, số lẻ (1,3,5...).
- Hai thế lực Âm - Dương không tồn tại biệt lập mà là thống nhất với nhau, chế ước lẫn nhau theo ba nguyên lý căn bản:
+ Âm - Dương thống nhất trong Thái cực (Thái cực được coi là nguyên lý của sự thống nhất của hai mặt đối lập là âm và dương). Nguyên lý này nói lên tính toàn vẹn, chỉnh thể, cân bằng của cái đa và cái duy nhất. Chính nó bao hàm tư tưởng về sự thống nhất giữa cái bất biến và cái biến đổi.
+ Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Nói lên khả năng biến đổi Âm - Dương đã bao hàm trong mỗi mặt đối lập của Thái cực.
+ Sự khái quát đồ hình Thái cực Âm - Dương còn bao hàm nguyên lý: Dương tiến đến đâu thì Âm lùi đến đó và ngược lại; đồng thời "Âm thịnh thì Dương khởi", "Dương cực thì Âm sinh".
- Để giải thích sự biến dịch từ cái duy nhất thành cái nhiều, đa dạng, phong phú của vạn vật, phái Âm - Dương đã đưa ra lôgíc tất định:
+ Thái cực sinh Lưỡng nghi (Âm - Dương);
+ Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái Dương - Thiếu Âm - Thiếu Dương - Thái Âm)
+ Tứ tượng sinh Bát quái ( Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn - Đoài);
+ Bát quái sinh vạn vật (vô cùng vô tận).
- Tư tưởng triết học về Âm - Dương đạt tới mức là một hệ thống hoàn chỉnh trong tác phẩm Kinh Dịch, trong đó gồm 64 quẻ kép. Mỗi quẻ kép là một động thái, một thời của vạn vật và nhân sinh, xã hội như: Kiền, Khôn, Bĩ, Thái, Truân...; Sự chú giải Kinh Dịch là của nhiều bậc trí thức ở nhiều thời đại khác nhau với những xu hướng khác nhau. Điều đó tạo ra một "tập đại thành" của sự chú giải, bao hàm những tư tưởng triết học hết sức phong phú và sâu sắc.
2) Tư tưởng triết học về Ngũ hành:
- Có xu hướng đi vào phân tích cấu trúc của vạn vật và quy nó về những yếu tố khởi nguyên với những tính chất khác nhau, đó là năm yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
+ Kim: tượng trưng cho tính chất trắng, khô, cay, phía Tây, v.v.;
+ Mộc: tượng trưng cho tính chất xanh, chua, phía Đông, .v.v.;
+ Thủy: tượng trưng cho tính chất đen, mặn, phía Bắc, v.v.;
+ Hỏa: tượng trưng cho tính chất đỏ, đắng, phía Nam,.v.v.;
+ Thổ: tượng trưng cho tính chất vàng, ngọt, ở giữa,.v.v.
- Năm yếu tố này không tồn tại biệt lập tuyệt đối mà trong một hệ thống ảnh hưởng sinh - khắc với nhau theo hai nguyên tắc:
+ Tương sinh (sinh hóa cho nhau): Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ.v.v.
+ Tương khắc (chế ước lẫn nhau): Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa; Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc và Mộc khắc Thổ.v.v.
- Sự hợp nhất giữa tư tưởng triết học Âm - Dương và Ngũ hành đã làm cho mỗi thuyết có sự bổ túc, hoàn thiện hơn, thể hiện điển hình ở chỗ: các quẻ đơn (Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn - Đoài) đều được quy về Ngũ hành để biện giải và ngược lại, Ngũ hành cũng mang tính cách Âm - Dương. Chẳng hạn: Kiền - Đoài thuộc hành Kim; chấn - Tốn thuộc hành Mộc v.v. và Kim cũng có Kim Âm và Kim Dương; Mộc cũng có Mộc Âm và Mộc Dương.
https://www.facebook.com/TrietHoc/photos/a.654459561240059.1073741836.387088117977206/970681196284559/?type=1&permPage=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét