Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Thế nào là người tri thức?

Tôi đã từng gặp những người thợ mà nếu ở một môi trường qui củ hơn, họ đã được cấp tới 6, 7 bằng sáng chế, mà họ chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện người khác nghĩ mình thuộc lớp người nào. Tôi cũng đã từng gặp hàng trăm, hàng nghìn người được đào tạo trong các đại học, học viên và các cấp cao hơn nhiều nữa luôn tự nhận mình là thành phần trí thức, dù thực tế họ chẳng có chút kiến thức nào đáng kể, hay nếu có thì những thứ đó cũng chẳng bao giờ được sử dụng để đóng góp một chút giá trị nào cho xã hội.

Tôi còn nhớ hồi năm 2008, lúc còn cộng tác với Hội trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, có một lần tôi tham gia một hội nghị về vấn đề trí thức. Buổi hội nghị này thật ra chả có gì đặc biệt trừ phần bàn xem làm sao thống nhất thế nào là "trí thức". Ý tưởng đầu tiên nêu ra là trí thức là người đã học tối thiểu tới bậc cao đẳng, đại học. Nghe ra thì cũng có vẻ chặt chẽ và ghê gớm lắm, ấy thế nhưng lại có nhiều người (mà tôi cho rằng đều là trí thức) thắc mắc là thế người không học chính qui mà vẫn có kiến thức tốt thì sao, hay người có học mà kiến thức không được sử dụng hợp lý thì sao... Cái chuyện này tranh cãi thì dài mà tôi nghĩ đến giờ vẫn khối người tranh cãi. Xét cho cùng, chẳng có quốc gia nào trả lương hay đặt chế độ xã hội riêng cho một số người chỉ vì lí do họ được coi là trí thức, bất kể sau đó họ làm cái gì. Thế nên việc phân chia ra một chuẩn mực cụ thể chẳng giải quyết được gì cả.

Chuẩn mực có chăng là ở cách mỗi người chọn cộng sự của mình. Anh là người làm công việc liên quan tới tri thức, là lãnh đạo các trí thức, anh tất phải biết cách nhìn nhận ra người mình cần và tự đặt ra những chuẩn mực phù hợp cho công việc của mình. Còn giả như anh không thể phân biệt mà phải dựa vào những chuẩn mực do một hội nghị nào đó (hay có thể nếu hội nghị thành công thì sẽ là cả một thông tư, nghị quyết nào đó) đặt ra thì bản thân anh đã chẳng phải người trí thức, và công việc của anh tất sẽ thất bại không cần bàn cãi nhiều.

Ở đây, trong bài viết ngắn ngủi này, tôi cũng chẳng có ý định tranh cãi với ai về cái chuẩn mực trí thức chính xác ra sao, hay có ý định đề xuất một ranh giới giữa trí thức và phi trí thức, vì như trên đã nêu nó là một ranh giới không thể định lượng. Tôi chỉ muốn nêu vài gợi ý về giá trị của một người trí thức, những gì làm nên một con người trí thức. Bạn đọc có thể tự đối chiếu với chính mình, với các cộng sự của mình ... xem sao.

Tôi còn nhớ là trong hội nghị tôi tham gia như nêu trên, thì vế đầu của câu đầu tiên trong cái định nghĩa sơ bộ về trí thức là "trí thức là người mang tri thức". Ái chà, có vẻ khá vòng vo vì chúng ta sẽ lại phải xét tới thế nào là tri thức.

Thực ra tôi cũng đã đọc một số nhà phân tích từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư phân tích cái từ "tri thức" này bằng cách phân tách ý nghĩa Hán-Việt của hai từ đơn là "tri" và "thức". Đây là một cách khá cổ điển và mang lại hiệu quả trong rất nhiều trường hợp, nhưng không phải tất cả các trường hợp. Trong một số trường hợp việc phân tích ngữ nghĩa từng từ đơn hợp thành từ ghép là điều vô ích nếu bản thân khái niệm ra đời trong một bối cảnh xã hội khác và sau này được ứng dụng trong những bối cảnh khác với bối cảnh ban đầu. Xin nêu ra hai ví dụ trong môn thiên văn học (là ngành mà tôi biết rõ các thuật ngữ nhất).

Ví dụ 1: từ "tinh" theo ngôn ngữ Hán - Việt là "sao". Ngày xưa khi chưa thấy trong vô số đốm sáng trên bầu trời đêm có một số đốm sáng chuyển động khác thường thì người phương Đông thời đó gọi chúng là hành tinh (ngôi sao vận hành) để phân biệt với hằng tinh (ngôi sao cố định). Ngày nay dù đã biết các hành tinh không phải “sao”, nhưng chúng ta vẫn có quyền gọi Sao Hỏa, Sao Mộc  (viết hoa cả chữ “S”) cũng như giữ nguyên chữ “tinh” trong “hành tinh”, vì phân tích ngữ nghĩa để nói các thuật ngữ đó là sai là điều ngớ ngẩn. Ở đây, các từ nêu trên đã trở thành các định nghĩa mới, không còn phụ thuộc vào các từ đơn thành phần.

Ví dụ 2: Có lần, một bạn trẻ phản đối khi tôi nói chòm sao Taurus (tiếng Việt thường dịch là “Kim Ngưu”) là chỉ một con bò, bạn trẻ đó cho rằng nó là con trâu. Trong văn hóa của người phương Tây, con bò là giống vật rất gần gũi và phổ biến, còn con trâu có rất ít liên hệ với họ. Quan trọng hơn là nguồn gốc của nó liên quan tới một truyền thuyết về "một con bò". Có lẽ bạn trẻ này cho rằng nó là con trâu chỉ vì chữ "ngưu" trong từ "Kim Ngưu" mà không hiểu rằng đó không phải thuật ngữ gốc mà chỉ là một tên gọi do cách dịch không chính xác ban đầu. Sau thời gian dài được sử dụng, thiết nghĩ việc tiếp tục gọi chòm sao này là Kim Ngưu cũng không sai gì, nhưng nếu phân tách một thuật ngữ không phải thuật ngữ gốc ra để lí giải ý nghĩa thì là điều ngớ ngẩn.

Có lẽ bạn đọc khá sốt ruột với hai ví dụ khá dài dòng của tôi chỉ để quay lại vấn đề khái niệm của tri thức và trí thức. Chính xác là như vài phân tích nêu trên, trong trường hợp này tôi không có ý định đưa ra một định nghĩa cũ kĩ theo cách truyền thống nêu trên về khái niệm "tri thức", mà sẽ định nghĩa nó theo bối cảnh hiện đại của xã hội.


Trí thức, trước hết, là người có tri thức
Để định nghĩa thế nào là "tri thức", tôi sẽ so sánh nó với hai khái niệm khác là "thông tin" (information) và "kiến thức" (knowledge).

- Thông tin là tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy, có thể nghe thấy, đọc được hay cảm giác được. Tức là từ việc Hệ Mặt Trời có bao nhiêu hành tinh tới việc ai là tổng thống Mỹ hay thậm chí hôm nay rau muống bao nhiêu tiền một mớ đều là các thông tin. Bất cứ ai ở bất cứ lứa tuổi, ngành nghề, trình độ học vấn, thành phần xã hội nào cũng có thể có các thông tin này nếu họ dù vô tình hay hữu ý nghe/nhìn/đọc được.

- Kiến thức là những thông tin đã được chọn lọc và xử lý. Ví dụ tôi là người nghiên cứu thiên văn, tôi chủ động tìm hiểu các thông tin về thiên văn học, và cố gắng hiểu hết chúng, ghi nhớ chúng. Như vậy tôi là người có kiến thức về thiên văn học. Các bà nội trợ có thông tin về giá cả các mặt hàng hàng ngày, nhưng nếu không hiểu vì sao hôm nay thịt đắt hơn hôm qua còn rau lại rẻ hơn và không thể dự đoán tình hình ngày mai thì họ chỉ là người có thông tin về chợ búa chứ chưa phải có kiến thức về nó.

- Tri thức là sự kết hợp của kiến thức và trí tuệ (intellect). Tức là người có tri thức là người không chỉ có kiến thức mà còn phải sử dụng khả năng tư duy bản thân để phân tích, phát triển và ứng dụng những kiến thức đó. Ví dụ anh kĩ sư hay anh thợ máy tự cải tiến những cỗ máy cho ra năng suất làm việc cao hơn, nhà sư phạm sau nhiều năm quan sát thì đưa ra những phương pháp dạy học tốt hơn. Nếu những kiến thức có được không được sử dụng hợp lý thì nó sẽ không thể trở thành tri thức.

Trong tiếng Anh tôi không tìm thấy từ nào dùng cho khái niệm "tri thức" nêu trên, nhưng người "trí thức" thì thường gọi là intellectual hay intelligentsia, tức là bản thân nó đã nói rõ đó là người có trí tuệ (intellect).

Như vậy thì chúng ta có thể hình dung qua về khái niệm "người mang tri thức". Tuy nhiên đó mới là một điều kiện cần. Quan trọng hơn là tri thức đó dùng để làm gì.


Vai trò của trí thức
Tôi quen khá nhiều người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hay cao hơn nữa với những tấm bằng khá là đẹp đẽ, thậm chí nhiều trong số họ còn làm những cái nghề cao quý của xã hội như nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở các cơ quan nòng cốt của đất nước. Nhưng chỉ một ít người trong số họ là có tri thức, còn lại đều là những kiến thức chết, hay thậm chí chết lâu quá nó đã trở về dạng thông tin chưa được xử lý. Đó là những người làm việc trong những văn phòng mà ngày nào cũng chỉ "làm vài chén" rồi ngồi tán gẫu đến hết buổi, có chăng công việc của họ là trả lời vài câu với nhân dân nếu có ai hỏi, đóng vài ba con dấu, kí vài ba chữ. Đó là những thầy giáo , cô giáo hàng chục năm chỉ nói đi nói lại một bài như cái máy thu âm mà chẳng khi nào thèm quan tâm xem những gì mình nói có còn đúng hay không. Đó là những anh mang danh kĩ sư nhưng chả có việc gì khác ngoài việc cầm thước đi đo hay chỉnh sửa thông số ở những bản vẽ có sẵn. Những kĩ năng đó tôi tin rằng một em học sinh tốt nghiệp cấp 3 chỉ cần đào tạo 1 tháng là làm được chứ cần chi phải học những 4, 5 năm đại học cho mệt mỏi, tốn tiền gia đình và công đào tạo của nhà nước rồi khoác lên mình cái danh hão, cứ tưởng mình là trí thức.

Tôi cũng từng gặp người thợ đã sáng chế ra xấp xỉ chục chiếc máy phục vụ các thao tác kĩ thuật hay phục vụ đời sống con người, thạo cấu tạo của hàng đống máy công nghiệp và những yếu tố vật lý ảnh hưởng tới sản phẩm tạo ra dù anh ta chẳng có nổi tấm bằng trung cấp...

Nói tới đây sẽ có bạn đọc định bảo: "Ừ thì biết thế nhưng thằng học đại học vẫn có cái hiểu biết sâu sắc hơn là anh thợ điện chứ". Cái đó đúng, đúng lắm khi họ còn ở tuổi trẻ (khoảng 20-25 gì đó). Nhưng sau đó thì e là không chắc. Như tôi đã nói, kiến thức mà không được sử dụng thì nó không những không chuyển hóa thành tri thức mà còn trở về dạng thông tin chưa xử lý. Bản thân người học trong các trường đào tạo chỉ là người được cung cấp thông tin có hệ thống hơn và có những phương pháp tốt hơn để chuyển nó thành kiến thức hay thậm chí là tri thức. Nếu họ không liên tục thực hiện quá trình chuyển hóa thì thông tin đó sẽ mãi chỉ là thông tin. Ngược lại người không được cung cấp các phương pháp đó nhưng có một trí tuệ tốt và tinh thần nâng cao nhận thức thì sẽ tự khám phá ra cách chuyển hóa thông tin, cho dù trong hầu hết các trường hợp nó có phần chậm hơn đôi chút.

Ngoài ra, người trí thức, theo tôi không chỉ mang trong mình những tri thức không ngừng được chuyển hóa và hoàn thiện đó, mà còn phải là người có tinh thần đóng góp cho xã hội: trước hết là của cải vật chất, cao hơn là tầm tư tưởng.

Trí thức còn phải biết chiến đấu
Một ý cuối cùng nữa, nhưng không thể thiếu trong bối cảnh xã hội ngày nay. Đó là người trí thức là người phải biết đấu tranh cho chân lý. Người trí thức không thể hùa vào số đông để cảm thấy mình hòa đồng hay tự tách mình ra mà "mặc kệ đời". Người trí thức, như trên đã nói, mang nhiệm vụ đóng góp cho sự đi lên của xã hội. Xã hội thì không thể đi lên từ sự thiếu hiểu biết, từ những ngộ nhận.
Vậy nên, người trí thức còn cần dám chiến đấu để bảo vệ chân lý. Dù mang bao nhiêu tri thức trong mình nhưng không dám tiến lên, không dám đấu tranh để bảo vệ tri thức mình có và đưa nó đến với xã hội, thì chắc chắn vẫn chưa phải là người trí thức.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

http://dangvutuanson.info/thao-luan/119-the-nao-la-nguoi-tri-thuc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét