Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

BA CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

BA CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
Giữa tháng 6/2005, một bài phát biểu ở lễ trao bằng tốt nghiệp của trường ĐH danh tiếng Stanford (Mỹ) đã gây chấn động lớn ở các giảng đường ĐH và được đăng tải ở các báo giáo dục và kinh doanh trên thế giới, loan rộng trên internet. Chủ nhân bài phát biểu này là ông Steve Jobs, Giám đốc điều hành của tập đoàn máy tính Apple Computer và xưởng sản xuất phim hoạt hình Pixar Animation Studio.

Không hàm chứa những lời hô khẩu hiệu giáo điều, bài phát biểu của ông Jobs đơn giản là một chuỗi các tự truyện của một doanh nhân thành đạt đã trải qua một cuộc đời nhiều sóng gió và bất ngờ: bỏ học ĐH, mày mò lắp ráp máy tính, bị đuổi khỏi công ty do chính mình sáng lập để rồi cuối cùng lại quay về thống trị…

Đặc biệt hơn cả, thay vì chúc các tân cử nhân Stanford một sự nghiệp thành công, tương lai chói lọi như thường các đại biểu vẫn làm ở lễ tốt nghiệp, Jobs đã nói: “Hãy cứ đói khát và dại dột” (Stay hungry. Stay foolish”). Bởi vì chỉ có mạo hiểm, mơ ước, và sống đúng với đam mê của mình, mới có thể thật sự thành công và mãn nguyện".

Xin giới thiệu bài phát biểu của Steve Jobs (mà ông gọi là ba câu chuyện cuộc đời mình) với hy vọng thêm một góc nghĩ cho các bạn trẻ Việt Nam trước những cuộc thi căng thẳng và những quyết định lớn của cuộc đời.

Câu chuyện đầu tiên - “kết nối các sự kiện”

Tôi bỏ học ở trường ĐH Reed sau sáu tháng nhưng vẫn ở lại loanh quanh đến tận 18 tháng nữa mới thực sự ra đi. Tại sao tôi lại chọn bỏ học?

Mọi thứ bắt đầu từ lúc tôi chào đời. Mẹ đẻ của tôi là một SV trẻ mới tốt nghiệp ĐH, chưa chồng. Vì thế, bà quyết định mang tôi cho làm con nuôi. Bà tin rằng nên để những người có bằng ĐH mang tôi về nuôi và đã sắp xếp sẵn mọi thủ tục cho con với 2 vợ chồng luật sư. Chẳng thể ngờ, đến lúc tôi chào đời, họ lại đổi ý muốn có con gái.

Thế là, bố mẹ tôi bây giờ, lúc đó đang trong danh sách chờ đợi, nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm: “Có một bé trai mới sinh chưa ai nhận. Ông bà có muốn nhận không?” Họ vui mừng đồng ý ngay. Khi mẹ đẻ mới biết bố mẹ tôi chưa bao giờ tốt nghiệp ĐH, thậm chí cha tôi còn chưa tốt nghiệp cấp ba, bà nhất định không ký giấy cho con nuôi và chỉ nhượng bộ khi bố mẹ tôi hứa sau này sẽ cho tôi vào ĐH.

17 năm sau, tôi vào ĐH thật. Nhưng tôi lại ngu ngốc chọn một trường đắt tiền ngang với Stanford, và toàn bộ số tiền ít ỏi của bố mẹ tôi, những người lao động chân tay, đổ vào trả tiền học.

Sau sáu tháng, tôi thấy việc đầu tư như vậy thật vô nghĩa. Tôi không biết mình muốn làm gì và cũng không biết trường ĐH sẽ giúp mình như thế nào. Thế mà tôi vẫn ngồi đây, tiêu tốn những đồng tiền bố mẹ bỏ bao mồ hôi công sức cả đời mới kiếm được. Tôi quyết định bỏ học và tin rằng, mọi thứ rồi cũng được thu xếp ổn thoả. Lúc đó thật sự rất run, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng, đấy là quyết định đúng đắn nhất của đời mình. Ngay khi quyết định bỏ học, tôi đã bỏ những môn bắt buộc mà mình không thích và bắt đầu kiếm các lớp có vẻ thú vị hơn.

Tôi không được ở KTX, vì vậy tôi ngủ ở sàn nhà phòng các bạn, trả vỏ lon Coca để lấy 5 cent mua thức ăn, và đi bộ hơn 10 cây số dọc thành phố vào các ngày chủ nhật để đến ăn một bữa làm phúc hàng tuần của đền Hare Krishna. Tôi thật sự thích cuộc sống đó. Và chính những gì đã xem, nghe, thấy, khám phá bằng trí tò mò và tri giác của tuổi trẻ…lúc đó đã biến thành những kinh nghiệm quý báu cho tôi sau này.

ĐH Reed lúc đó có trường học dạy thiết kế thư pháp, có lẽ là đỉnh nhất trong cả nước. Mọi mẫu chữ trên các poster, biển hiệu… xung quanh trường đều rất được thiết kế rất đẹp.

Lúc ấy, coi như đã bỏ học và không phải học những môn bắt buộc nữa, tôi quyết định chọn lớp học về mẫu chữ mỹ thuật để tìm hiểu cung cách thiết kế. Tôi đã tìm hiểu về các mẫu chữ serif, san serif, về các khoảng cách khác nhau giữa các mẫu chữ, về các phương cách làm cho kiểu in (typography). Những kiểu cách vẽ chứ đó thật gợi cảm, tinh tế, giàu lịch sử. Chúng mê hoặc tôi từ lúc nào không hay.

Những thứ viển vông này chắc chẳng đem lại một ứng dụng thực tế nào cho cuộc đời tôi. Thế nhưng 10 năm sau, khi bắt đầu thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả quay trở lại. Chúng tôi đã dồn hết kiến thức của mình vào thiết kế chiếc Mac này. Đó là chiếc máy đầu tiên có kiểu chữ rất đẹp.

Nếu tôi đã không bước chân vào lớp học thiết kế chữ hồi ĐH, chiếc Mac bây giờ sẽ không bao giờ có các kiểu dáng chữ và các phông chữ có khoảng cách đều nhau như thế này. Và vì thế, có lẽ cũng chẳng máy tính cá nhân nào trên thế giới có các kiểu chữ này (vì Windows cóp hoàn toàn từ Mac). Nếu không bao giờ bỏ học, tôi đã không đi học lớp thiết kế chữ này, và các máy tính cá nhân cũng không có được những mẫu chữ tuyệt diệu hôm nay. Dĩ nhiên, khi còn ngồi ghế nhà trường, làm sao tôi có thể kết nối các sự việc theo hướng như vậy? Nhưng 10 năm sau nhìn lại, tất cả đều rất rõ ràng.

Dĩ nhiên, các bạn không thể kết nối các sự việc khi nhìn về phía trước, chỉ có thể làm như vậy khi ta nhìn lại một quãng đường. Vì vậy, các bạn phải tin tưởng rằng các hành vi, sự kiện của hiện tại có một mối liên quan nào đó đến tương lai. Bạn phải tin tưởng vào một điều gì đó - linh tính, số phận, cuộc đời, thuyết nhân quả…bất kỳ cái gì. Lối suy nghĩ này chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và chính nó đã tạo nên tất cả những khác biệt trong cuộc đời mình.

Câu chuyện thứ hai: Tình yêu và sự mất mát

Tôi đã rất may mắn khi tìm thấy điều mình thực sự yêu thích khi còn trẻ tuổi. Woz và tôi bắt đầu thiết kế máy Apple trong gara ô tô của bố mẹ tôi hồi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, và trong vòng 10 năm sau, Apple đã trưởng thành. Từ một bộ sậu chỉ có 2 người biến thành một tập đoàn trị giá 2 triệu đô la với hơn 4.000 nhân viên. Chúng tôi đã cho ra đời sản phẩm đỉnh cao nhất của mình -máy Macintosh - năm trước đó, lúc tôi mới bước sang tuổi 30.

Rồi tôi bị đuổi việc. Làm sao có thể bị đuổi việc khỏi một công ty bản thân mình sáng lập nên? Chuyện là thế này. Khi Apple mở rộng, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để điều hành công ty cùng mình. Một hai năm đầu, mọi thứ đều ổn. Nhưng rồi những định hướng tương lai có điểm bất đồng, cuối cùng, chúng tôi cãi nhau. Hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, tôi thì ra khỏi công ty, khi 30 tuổi.

Tâm huyết của cả một thời kỳ đã tiêu tan, tôi hoàn toàn tuyệt vọng.

Một vài tháng sau đó, không biết phải làm gì, tôi cảm thấy đã không phải với các bậc tiền bối, đã bỏ lỡ cơ hội khi nó đến tầm tay. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce và cố gắng nói lời xin lỗi vì đã làm hỏng mọi chuyện. Là một trường hợp thất bại mà công chúng đều biết đến, thậm chí tôi còn nghĩ đến việc bỏ chạy khỏi thung lũng nơi mình sống.

Nhưng rồi có một điều mà dần dần tôi nhận ra - tôi vẫn rất yêu những việc mình làm! Những biến đổi ở Apple đã không hề làm giảm sút niềm đam mê đó. Tôi đã bị từ chối, nhưng vẫn yêu. Vì thế, tôi quyết định làm lại.

Lúc đó, tôi không thể nhận thức được rằng, chính việc bị đuổi khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất đã diễn ra trong đời. Những gánh nặng của vinh quang được thay thế bởi cảm giác nhẹ nhõm khi bắt đầu lại từ đầu và không chắc chắn về mọi thứ. Tôi được tự do bước vào thời kỳ sáng tạo nhất của cuộc đời.

Trong vòng 5 năm sau đó, tôi bắt đầu một công ty tên là NeXT, một công ty khác tên Pixar, và đem lòng yêu một người phụ nữ tuyệt vời sau này đã trở thành vợ tôi.

Pixar bắt đầu sản xuất các phim hoạt hình sử dụng công nghệ máy tính đầu tiên của thế giới, bộ phim Câu chuyện đồ chơi (Toy Story), và bây giờ đã trở thành một trong những xưởng sản xuất phim hoạt hình thành công nhất thế giới.

Vật đổi sao dời, cuối cùng thì Apple lại mua lại NeXT và tôi trở về Apple, sử dụng chính những công nghệ đã phát triển ở NeXT vào phục hưng lại cho Apple. Tôi và Laurence đã cùng nhau xây dựng một gia đình đầm ấm.

Tôi tin chắc rằng, những điều kỳ diệu trên đã không xảy ra nếu tôi không bị đuổi khỏi Apple. Đó là một liều thuốc đắng, nhưng đúng là bệnh nhân cần có nó. Đôi lúc cuộc đời quẳng một cục gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin.

Tôi tin rằng, điều duy nhất tiếp sức cho mình là việc tình yêu những việc mình làm. Bạn cũng vây, phải tìm thấy niềm đam mê của mình. Đối với công việc hay với người tình đều thế cả. Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự toại nguyện là làm được những điều bạn nghĩ là vĩ đại nhất. Và cách duy nhất để làm được những điều vĩ đại là yêu việc mình làm. Nếu chưa tìm thấy thì bạn cứ tiếp tục tìm đi. Đừng bằng lòng với sự ổn định. Giống như trong tình yêu vậy, bạn sẽ biết ngay khi bạn tìm thấy nó. Và cũng giống như trong bất kỳ mối quan hệ nào, nó sẽ chỉ tốt đẹp thêm theo năm tháng mà thôi. Bạn cứ tìm đến khi bao giờ thấy, đừng dừng lại.

Câu chuyện thứ ba: Cái chết

Khi 17 tuổi, tôi đọc một câu rằng: “Nếu ngày nào bạn cũng sống như thể đó là ngày tận thế của mình, đến một lúc nào đó bạn sẽ đúng”. Câu nói đó để lại ấn tượng lớn với tôi, và trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi ngày để tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối của đời mình, liệu mình có muốn làm những việc hôm nay mình sắp làm không?” Và khi nhận ra câu trả lời là “không” ngày này qua ngày khác, tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó.

Ghi nhớ rằng "một ngày nào đó gần thôi, mình sẽ chết đi" là một bí quyết vô cùng quan trọng giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn trong đời.

Bởi vì hầu hết mọi thứ - những mong đợi của người khác, lòng kiêu hãnh, nỗi lo sợ xấu hổ khi thất bại - tất cả đều phù phiếm trước cái chết, để lại những gì thật sự quan trọng. Luôn nhớ rằng mình sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh sa vào cái bẫy suy nghĩ rằng mình không muốn mất đi cái gì đó. Ta đã hoàn toàn vô sản rồi. Chẳng có lý gì để không đi theo tiếng gọi trái tim.

Một năm trước đây, tôi bị chẩn bệnh ung thư. Tôi đi soi người lúc 7h30 sáng và phát hiện có một khối u trong tuyến tuỵ. Lúc đó, tôi còn chẳng hiểu tuyến tuỵ là gì. Bác sĩ bảo rằng chắc là một loại ung thư không chữa được, và tôi chỉ sống được 3-6 tháng nữa thôi. Bác sĩ khuyên tôi về nhà sắp xếp lại mọi công việc, có thể ngầm hiểu như thế là chuẩn bị mọi thứ trước cái chết. Có nghĩa là phải gói gọn những điều muốn nói với các con trong 10 năm tới trong vòng một vài tháng. Có nghĩa là đảm bảo mọi thứ được sắp xếp ổn thoả để cả mọi thứ đều dễ dàng suôn sẻ khi tôi ra đi.

Cả ngày hôm đó tôi nghĩ đến lời chẩn bệnh. Tối đó tôi lại ngồi khám, người ta cho đèn nội soi vào cổ họng xuống dạ dày và ruột non, lấy kim châm vào tuyến tuỵ để lấy ra một số tế bào từ khối u. Lúc đó tôi rất bình thản, nhưng vợ tôi kể lại lúc đó khi các bác sĩ soi các tế bào dưới kính hiển vi họ đã bật khóc vì phát hiện ra đây là một trông số rất ít loại u ác tính có thể chữa bằng phẫu thuật. Tôi đã qua phẫu thuật và giờ thì khoẻ rồi.

Không ai muốn chết cả. Kể cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết ở đó. Thế mà cái chết lại là điểm đến của tất cả chúng ta. Không ai có thể trốn khỏi nó. Có lẽ đó cũng là điều hợp lẽ, bởi Cái chết là sản phẩm tuyệt vời nhất của Cuộc sống. Nó là yếu tố làm thay đổi cuộc sống. Nó gạt bỏ cái cũ và mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ “cái mới” là các bạn, nhưng không xa nữa bạn sẽ trở thành cái cũ và bị loại bỏ. Thứ lỗi cho tôi nếu nói như thế là quá gay cấn, nhưng mà đúng như vậy đấy.

Thời gian của các bạn là có hạn, nên đừng phí phạm bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng rơi vào bẫy của sự độc đoán, giáo điều của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh đánh chìm tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy có dũng cảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và linh tính. Chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu thôi.

Khi tôi còn trẻ, có một tuyển tập tuyệt diệu tên là Catelogue toàn trái đất, được coi như cuốn sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi. Một tác giả tên Stewart Brand đã viết cuốn sách này, và ông đã làm cho nó vô cùng sống động bằng những chấm phá lãng mạn của mình trong đó. Đó là những năm cuối thập kỷ 60, khi chưa có máy tính cá nhân, nên được tạo nên hoàn toàn bằng máy chữ, kéo, và máy chụp ảnh polaroid. Nó giống như một Google trên giấy vậy: rất lý tưởng, tràn đầy các công cụ hay ho và ý tưởng vĩ đại.

Steward và nhóm của ông đã cho ra đời một vài số Catelog toàn trái đất. Số cuối cùng ra vào giữa những năm 70, lúc đó tôi bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở bìa sau cuốn tuyển tập có bức ảnh một con đường ở nông thôn vào một sớm mai, cảnh vật rất thích hợp cho những người thích phiêu lưu tự đi bộ du hành. Ở dưới có dòng chữ: “Hãy dấn thân. Hãy khao khát” (Stay foolish. Stay hungry). Đó là lời tạm biệt của họ trước khi kết thúc. Và tôi luôn ước muốn điều đó cho bản thân. Và bây giờ, khi các bạn tốt nghiệp và bước đến những chân trời mới, tôi cũng chúc các bạn như vậy.


______________________________________________

NHỮNG BÀI HỌC KHỞI NGHIỆP TỪ TRUNG NGUYÊN 

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu được người Việt ưa thích nhất theo khảo sát B& Company Việt Nam và Nikkei BP Consultancy. Nếu thống kê các thông tin báo chí cũng như theo dõi từng bước đi của họ, có thể khách quan công nhận rằng Trung Nguyên là một trong rất ít thương hiệu Việt Nam tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho người tiêu dùng

Một tờ nhật báo của Đức đã đăng tải thông tin về chuyến công tác của đoàn Trung Nguyên đến Neuhaus Neotec, công ty chuyên cung cấp máy chế biến cà phê hàng đầu châu ÂuTrong một bài viết trên tạp chí nổi tiếng Financial Times vào cuối năm 2011, Giáo sư Morgen Witzel của trường đại học kinh doanh nổi tiếng Exeter tại Anh Quốc có nhận xét rằng: “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng, người Việt có thể sản xuất được những loại cà phê sành điệu, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Thế là vào những năm 1990, nhãn hiệu Trung Nguyên ra đời với một nhà máy và một chuỗi quán cà phê. Đưa ngành cà phê Việt Nam vượt ra khỏi mặc cảm là cà phê chất lượng thấp, giá rẻ”.

Quá trình phát triển của thương hiệu Trung Nguyên đã gợi ý nhiều bài học về khởi nghiệp, trong đó tiêu biểu là 3 bài học thú vị sau:

Nghĩ lớn và dũng cảm theo đuổi con đường mới

Xây dựng một thương hiệu cao cấp trong thị trường đang phát triển dường như là một sự trái ngược. Nhưng Trung Nguyên đã làm được việc này.

Vào những năm 90, tại thị trường đang phát triển của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 250 USD (số thống kê vào năm 2011 là 1.200 USD), nhưng Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn thu hút thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Để làm được điều này, trước tiên Trung Nguyên cần phải thuyết phục người tiêu dùng nội địa sử dụng sản phẩm cao cấp, cũng như thuyết phục thị trường quốc tế rằng Việt Nam có thể sản xuất những loại cà phê cao cấp và chất lượng không thua kém “các tay chơi lớn”.

Làm thế nào để chinh phục thị trường với một hệ thống phân phối nội địa kém hiệu quả như lúc bấy giờ? Ông chủ hãng cà phê lúc ấy đã có câu trả lời, thiết lập một hệ thống quán cà phê có kiểu mẫu một phần tương tự như Starbucks, nơi có thể giới thiệu và bán cà phê cho người tiêu dùng.

Kế hoạch xây dựng thương hiệu cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu đa quốc gia như Nescafe, và định vị nhãn hiệu như một phần văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Ngày nay, có rất nhiều quán cà phê sành điệu tại thị trường Việt Nam, nhưng ai cũng nhớ hình ảnh người tiên phong này.

Chọn đối thủ lớn và cam kết ganh đua

Rất nhiều doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chính mình và doanh nghiệp. Điều đó cũng tốt, vì những mục tiêu khả thi sẽ giúp doanh nghiệp mới bảo toàn vốn và phát triển một cách an toàn.

Điều đặc biệt có thể thấy từ Trung Nguyên là luôn chọn những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều để tuyên bố cạnh tranh, như Nescafe, Vinacafe. Và kết quả là thị trường cà phê hòa tan Việt Nam được chia thành thế chân vạc rõ rệt. “Cuộc chiến” cũng đang diễn tiến thú vị và bất phân thắng bại.

Michael Dell, người sáng lập tập đoàn Dell từng phát biểu: ”Khi chọn đối thủ lớn, tuyên bố cạnh tranh với lòng tự trọng sẽ giúp bạn luôn suy tư và tìm ra chiến lược tối ưu”.

Khác biệt, ẩn dụ và lòng trung thành

Nếu bạn hỏi "Thương hiệu cà phê nào gắn liền với hai chữ “khác biệt”?", câu trả lời dễ dàng nhận được là "Trung Nguyên".

Trung Nguyên đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia vào sản phẩm, vào thương hiệu, đã thật sự thu hút tầng lớp trung lưu, và thay đổi thị trường cà phê Việt Nam.

Khác với nhiều thương hiệu khác chỉ xoay quanh chiến lược tạo cảm xúc hằng ngày cho người tiêu dùng. Trung Nguyên đưa vào thương hiệu những cảm xúc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia một cách đậm nét như một lời cam kết và luôn tạo nên tính thời sự cho thị trường.

Những thông tin liên quan Trung Nguyên luôn được người tiêu dùng chú ý và truyền miệng một cách rất nhanh chóng. Xét ở nhiều góc độ khác nhau, điều này cho thấy thương hiệu Trung Nguyên có ý nghĩa với rất nhiều người.

Guy Kawasaki, đã viết trong cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “Khởi nghiệp” rằng: “Rất nhiều người khi lập ra công ty thì nghĩ ngay đến lợi nhuận, họ sẽ đạt được điều đó nhưng chỉ sẽ là lợi nhuận ngắn hạn. Hãy tạo ý nghĩa cho công ty bạn, ý nghĩa với chính bạn và với người tiêu dùng. Ý nghĩa ở đây không nói đến tiền, quyền lực hay uy tín. Đó cũng không phải là tạo ra một nơi làm việc tốt đẹp. Mà là tạo ra một mục tiêu, một động lực, một hình ảnh mà chính bản thân mình, cộng sự của mình, cũng như khách hàng của mình cùng có cảm xúc, cùng ủng hộ, cùng xây dựng. Điều đó sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng. Khi khách hàng và tất cả các bên liên quan khác cùng tập trung xung quanh doanh nghiệp như một “đội thập tự chinh”, bạn có thể đánh bật nhiều đối thủ ra khỏi thị trường, đây là lợi nhuận to lớn và dài hạn”


____________________________________________

HAI BÀI HỌC KINH ĐIỂN CỦA CÁC TỶ PHÚ MỸ
Napoleon Hill (Sinh ngày 26 tháng 10 năm 1883 - mất ngày 8 tháng 11 năm 1970) là một tác giả người Mỹ, một trong những người sáng lập nên một thể loại văn học hiện đại đó là môn "thành công học" (là khoa học về sự thành công của cá nhân). Tác phẩm được cho là nổi tiếng nhất của ông có tên "Suy nghĩ và làm giàu" (Think and Grow Rich) là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.

Trong sự nghiệp của mình, ông cũng từng được trở thành một cố vấn cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Câu nói nổi tiếng thể hiện tư tưởng của ông là "Điều gì mà tâm trí có thể nhận thức và tin tưởng thì tâm trí có thể hoàn thành". Napoleon Hill được xem là người có ảnh hưởng rộng rãi nhất, mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực thành công cá nhân.

Ông đã giúp cho hàng triệu người trên thế giới thành công và những quyển sách của ông có một ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của rất nhiều doanh nhân thành công của Mỹ.

Sau đây là hai bài học kinh điển mà Napoleon Hill đã truyền đạt cho bao thế hệ tỷ phú trên thế giới:

Bài 1: Không ai có thể thành công nếu phó mặc cuộc sống cho số phận

Bạn chẳng cần phải là nhà chiêm tinh hay tiên tri mới đoán trước được tương lai của một ai đó. Bạn có thể nhìn thấy tương lai người khác bằng cách đặt cho họ một câu hỏi đơn giản: “Chính xác thì mục đích sống của bạn là gì - và bạn có kế hoạch gì để đạt được mục đích đó?”.
Nếu bạn đặt câu hỏi này cho 100 người, thì 98 người sẽ trả lời đại loại thế này: “Tôi muốn kiếm được nhiều tiền và thành đạt hết mức có thể”.

Xét bề ngoài thì câu trả lời này nghe rất có mục đích, nhưng nếu nghĩ sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy người trả lời thuộc tuýp người sống phó mặc cho số phận, họ sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì trong cuộc sống trừ những thành quả còn sót lại từ những người thực sự thành đạt - những người có một mục đích sống rõ ràng và có một kế hoạch cụ thể để đạt được mục đích đó.

Để thành công, ngay lúc này, bạn cần xác định chính xác các mục tiêu của bạn là gì và vạch ra các bước đi để đạt được những mục tiêu đó.

Nhiều năm về trước, tôi làm việc với một cộng sự tên là Stuart Austin Wier, người thành phố Dallas, Texas, Mỹ. Anh là cộng tác viên cho một tạp chí và chỉ sống từ công việc đó. Có thể anh sẽ vẫn tiếp tục công việc viết lách với mức lương còm cõi đó nếu như câu chuyện mà anh viết về một nhà phát minh không bất ngờ thôi thúc anh thay đổi cuộc đời mình.

Những người quen biết anh đều hết sức ngạc nhiên khi nghe anh tuyên bố sẽ từ bỏ nghề báo và tiếp tục con đường học vấn để trở thành luật sư về bằng sáng chế. Stuart không đặt mục tiêu trở thành một luật sư về bằng sáng chế thường thường bậc trung, mà trở thành “một luật sư giỏi nhất về bằng sáng chế tại Mỹ”. Anh hăng hái thực thi kế hoạch của mình và đã hoàn thành khóa học trong một khoảng thời gian kỷ lục.

Khi bắt đầu đi vào công việc mới, Stuart tìm những vụ kiện khó giải quyết nhất. Danh tiếng của anh nhanh chóng lan rộng trên khắp nước Mỹ. Dù giá phí anh đưa ra rất cao nhưng số người đề nghị anh tư vấn, tranh tụng mà anh phải từ chối (vì anh không có đủ thời gian cho tất cả) còn nhiều hơn số khách hàng được anh chấp nhận.

Người nào hành động có mục đích và có kế hoạch thường có nhiều cơ hội thành công. Làm sao cuộc đời có thể đem lại cho bạn điều gì nếu bản thân bạn không biết bạn muốn gì. Làm sao người khác có thể giúp bạn thành công nếu bản thân bạn cũng chưa xác định được mình phải thành công bằng cách nào. Chỉ khi có mục đích rõ ràng, bạn mới có thể vượt qua những thất bại và nghịch cảnh cản trở đường đi của bạn.

Một trong những doanh nhân sở hữu “nhượng quyền kinh doanh” (franchise) đầu tiên và thành công nhất tại Mỹ là Lee Maranz - một người biết rõ mình muốn gì và làm thế nào để đạt được điều mình muốn.

Là một kỹ sư cơ khí, Maranz đã phát minh ra máy làm kem tự động có thể làm ra kem mịn. Ông mơ ước có một chuỗi những cửa hàng kem trên khắp các bờ biển, và đã vạch ra một kế hoạch để biến ước mơ thành hiện thực.

Cũng như nhiều cá nhân khác cùng thời, Maranz đã gặt hái thành công cho mình bằng cách giúp người khác thành công. Ông đã giúp nhiều người mở cửa hàng bán kem bằng việc nhượng quyền kinh doanh. Đây là một ý tưởng mang tính cách mạng vào thời đó. Ông đã bán những chiếc máy làm kem theo giá vốn và kiếm lời từ việc bán máy trộn kem.

Kết quả ra sao? Đó chính là sự ra đời của chuỗi cửa hàng mà Maranz đã quyết tâm xây dựng trên toàn nước Mỹ. Ông nói: “Nếu bạn có một niềm tin mãnh liệt vào bản thân, vào những việc bạn đang làm, và việc bạn muốn làm, thì không có trở ngại nào là không thể vượt qua”.

Nếu bạn muốn thành đạt, hãy chọn hôm nay làm ngày chấm dứt kiểu sống phó mặc cho số phận. Hãy xác định một mục tiêu rõ ràng cho mình. Hãy viết mục tiêu đó ra giấy và khắc cốt ghi tâm nó. Hãy xác định rõ bạn cần lên kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Hãy bắt đầu bằng việc ngay lập tức biến kế hoạch thành hành động.

Tương lai của bạn là do bạn tạo nên. Ngay lúc này, hãy là người quyết định tương lai mình.

Chính sự lựa chọn - chứ không phải cơ hội, quyết định số phận bạn!

Bài 2: Học cách sống cuộc đời của chính mình

Tâm hồn bạn sẽ chẳng bao giờ thanh thản nếu để người khác sống hộ cuộc đời bạn.
Một thực tế không thể chối cãi là Đấng Sáng tạo đã ban cho chúng ta một đặc quyền trọn vẹn. Đó là đặc quyền làm chủ một thứ, và chỉ một thứ duy nhất: trí tuệ của chính chúng ta.

Hẳn là khi ban cho chúng ta đặc quyền này, Đấng Sáng tạo muốn khuyến khích chúng ta sống cuộc đời của chính mình, có những suy nghĩ của riêng mình và không để người khác can thiệp vào. Chỉ bằng cách sử dụng đặc quyền này vào việc kiểm soát trí tuệ và cuộc sống của mình, bạn mới có thể tiến tới những nấc thang thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Nếu thiên tài là người kiểm soát và định hướng được hoàn toàn trí óc mình thì đây cũng là phương cách có thể giúp bạn trở thành thiên tài.

Chúng ta từng nghe những câu chuyện về những con người nổi tiếng từng biến nghịch cảnh thành yếu tố thuận lợi. Họ đã vượt qua trở ngại để trở nên giàu có và nổi tiếng. Họ là những Henry Ford, Thomas Edison, Andrew Carnegie, Wilbur và Orville Wright… Tuy nhiên, còn nhiều người khác tuy không sánh bằng các vĩ nhân trên, nhưng họ cũng không chấp nhận thất bại.

Nhiều năm trước đây, một thanh niên trẻ tuổi từng phục vụ trong quân đội đến gặp tôi để xin việc. Anh ta kể rằng anh ta đang hết sức bất mãn và chán nản; rằng anh ta chỉ mong có cái để ăn và một nơi để ngủ qua đêm. Ánh mắt anh ta đờ đẫn vô hồn - một ánh mắt khiến tôi nghĩ rằng đối với anh ta, mọi hy vọng đều đã chết. Chàng trai này, nếu thay đổi thái độ sống, hoàn toàn có thể trở nên giàu có.

Tôi hỏi anh ta: “Anh có nghĩ cách để trở thành triệu phú không? Tại sao anh lại chấp nhận một cuộc sống nghèo khổ trong khi anh hoàn toàn có thể kiếm được hàng triệu đô la?”.

Anh ta đáp lại: “Ông đùa à? Tôi đang chết đói đây, và tôi chỉ cần một việc làm thôi”.

Tôi trả lời: “Tôi không đùa đâu anh bạn. Tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy. Anh có thể kiếm được hàng triệu đô la, chỉ cần anh sẵn lòng sử dụng những tài sản mà anh đang có”.

Anh ta thốt lên: “Ông nói tài sản nghĩa là thế nào? Tôi chẳng có tài sản gì ngoài bộ quần áo trên người!”.

Dần dần, qua câu chuyện, tôi biết được anh ta từng là nhân viên bán hàng của công ty Fuller Brush nổi tiếng tại Mỹ trước khi gia nhập quân đội. Trong thời gian tại ngũ, anh làm công việc nấu nướng và nấu ăn khá giỏi. Nói cách khác, bên cạnh hai đặc điểm trời cho là một cơ thể khỏe mạnh và tư duy có thể thay đổi theo hướng lạc quan, tài sản của người thanh niên này còn bao gồm việc anh ta có thể nấu ăn và có khả năng bán hàng.

Tất nhiên, cả việc bán hàng lẫn nấu ăn đều không hứa hẹn đưa bạn vào hàng ngũ các triệu phú, nhưng điều cần lưu ý là chàng thanh niên này lại tự tách mình ra khỏi nhịp sống thường nhật của xã hội. Và anh ta hãy còn khá lạ lẫm với nguồn trí lực sẵn có của mình.

Trong hai giờ trò chuyện với người thanh niên này, tôi nhận ra sự chuyển biến ở anh ta từ một người bi quan, thất vọng thành một người có suy nghĩ lạc quan hơn. Sự thay đổi lớn đó có được là nhờ sức mạnh từ một ý tưởng bất chợt: “Tại sao ta lại không tận dụng khả năng tiếp thị của mình để thuyết phục các bà nội trợ mời hàng xóm láng giềng của họ đến dự một bữa tối tại gia, rồi nhân cơ hội đó bán đồ dùng nhà bếp cho họ?”.

Tôi đã cho anh ta vay một số tiền đủ để mua vài bộ quần áo và trao cho anh ta bộ đồ dùng nhà bếp đầu tiên, sau đó mọi việc do anh ta tự quyết định. Trong tuần lễ đầu tiên, anh chàng bán sạch bộ đồ dùng nhà bếp bằng nhôm trị giá gần 100 đô la. Tuần kế tiếp, doanh thu tăng gấp đôi. Sau đó, anh ta bắt đầu hướng dẫn những nhân viên bán hàng khác bán những đồ dùng nhà bếp tương tự.

Bốn năm sau, anh ta kiếm được hơn một triệu đô la mỗi năm và bắt tay vào thực hiện một kế hoạch bán hàng táo bạo, mở ra một ngành công nghiệp dịch vụ mới cho nước Mỹ.

Khi những điều ràng buộc tâm trí con người được tháo gỡ, và con người làm chủ được hoàn toàn chính bản thân mình thì tôi cho rằng mọi nỗi lo sợ sẽ biến mất và người đó sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống!


_________________________________________

Học khởi nghiệp từ nhà sáng lập The Body Shop
Anita Roddick không chỉ sở hữu một sự nghiệp kinh doanh thành công vang dội trên nhiều lĩnh vực (từ nhà hàng, khách sạn tới mỹ phẩm), mà còn bởi triết lý kinh doanh sâu sắc và những bài học kinh nghiệm quí giá bà đã thu thập và chia sẻ ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Dừng đúng lúc

Anita Roddick được công nhận là nhà tiên phong thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm thân thiện môi trường với sản phẩm "The Body Shop". Khá lâu trước khi thành công thương hiệu này, Anita Roddick đã khởi nghiệp với công việc kinh doanh khách sạn. Khi đó, bà cùng đối tác Gordon đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khiến công việc kinh doanh thua lỗ nặng.

Ngay cả khi đã bán khách sạn để trả nợ, Anita và Gordon vẫn gần như trắng tay. Thất bại đầu tiên đã giúp Anita hiểu ra chân lý: Đừng bao giờ dấn thân quá sâu vào những lĩnh vực mà sự hiểu biết của bạn chỉ dừng ở mức cơ bản, cũng như phải luôn biết điểm dừng.

Nhanh chóng, Anita và Gordon gác lại dự án về khách sạn và tiến hành kế hoạch kinh doanh thứ hai, một nhà hàng Ý với các món ăn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, lại một lần nữa, thất vọng tràn ngập trong nhà hàng của Anita. Sau nhiều đêm ngẫm nghĩ, Anita và Gordon nhận ra họ đã mở một cửa hàng Ý sang trọng ngay giữa một thị trấn chỉ toàn "trứng gà và cát sỏi".

Anita và Gordon đã chuyển từ thực đơn sang trọng với các món ăn tốt cho sức khỏe sang bít tết, burger và khoai tây chiên. Thay đổi này nhanh chóng biến nhà hàng của họ thành địa điểm nổi tiếng nhất trong thị trấn.

Một vài năm sau thành công với nhà hàng bình dân, Anita tiếp tục với ý tưởng "The Body Shop", một cửa hàng mỹ phẩm nơi không có những gói hàng cầu kì, không thử nghiệm trên động vật và hoàn toàn thiên nhiên. "The Body Shop" được đánh giá là dự án chứa đựng tâm huyết và triết lý kinh doanh của Anita Roddick. Theo đó, bà cho rằng những doanh nhân thành đạt phải làm cho thế giới trở nên tốt đẹp, an toàn và văn minh hơn.

Quá trình thành lập "The Body Shop" cũng là một khoảng thời gian đáng nhớ với Anita. Sau khi tích lũy được một số khái niệm cơ bản về ngành kinh doanh mỹ phẩm, Anita cần đến 4.000 bảng để bắt đầu. Dĩ nhiên, bà đã tìm đến ngân hàng để xin giúp đỡ. Tuy nhiên, với vẻ ngoài tuềnh toàng (quần jean, áo T – shirt), chiếc xe tải cũ đỗ ở bên ngoài, dù đã thể hiện một cách đầy cảm hứng ý tưởng của mình với người quản lý ngân hàng, dự án "The Body Shop" của bà vẫn bị bác bỏ. Lại thêm một bài học mới cho Anita Roddick.

Niềm say mê chưa phải là tất cả. Nếu bạn muốn gây ấn tượng với một nhà quản lý danh mục đầu tư ngân hàng, bạn sẽ cần tới một kế hoạch kinh doanh, và diện mạo của một nhà kinh doanh. Lần trở lại tiếp theo trong bộ dạng tề chỉnh, Anita đã nhận được khoản cho vay.

Kinh nghiệm từ những lần kinh doanh không mấy dễ dàng trước đã giúp Anita thấu hiểu tầm quan trọng của marketing và quảng bá công chúng.

Thay đổi kịp thời

Khi cửa hàng "The Body Shop" đầu tiên được mở ra, cái tên của cửa hàng đã vấp phải một số lời chỉ trích và dọa dẫm kiện lên tòa. Thay vì nhanh chóng đóng cửa và thay tên hiệu, Anita đã lợi dụng vụ kiện này để quảng bá cho thương hiệu của mình. Bà đã sử dụng đến truyền thông và các phương tiện báo đài để cái tên "The Body Shop" được truyền đi xa.

Từ cửa hàng nhỏ tại Brighton (Anh quốc), sự nghiệp kinh doanh mỹ phẩm của Anita sớm khởi sắc, phát triển với qui mô toàn thế giới. Từ năm 1978 đến năm 1982, trung bình mỗi tháng, Anita Roddick mở thêm hai cửa hàng mới. Đến năm 1985, The Body Shop được niêm yết trên thị trường chứng khoán London. Từ đó đến nay, The Body Shop liên tục chiếm lĩnh thị trường thế giới. Hiện tại, vòng quay vốn một năm của The Body Shop vào khoảng 1 tỷ USD.

Tổng kết về quá trình kinh doanh, Anita Roddick cho rằng: "Bài học quan trọng nhất đối với những người mới bắt đầu kinh doanh là nếu bạn phạm phải sai lầm, hãy thừa nhận và đưa ra ngay các biện pháp để thay đổi tình thế".


Tiểu sử tóm tắt

Cuộc đời Sinh ngày 23 tháng 10 năm 1942 – mất ngày 10 tháng 9 năm 2007
Kết hôn với T. Gordon Roddick vào năm 1970
Con cái Justine sinh năm 1969, Samantha sinh năm 1971
Cháu Maiya Hopi năm 1994, Atticus-Finch năm 1998, Osha Sophia Bluebell năm 1998
Học vấn Trường nữ trung học Maude Allen , Littlehampton; đaị học Newton Park , xứ Bath


_____________________________________

10 NHÂN VẬT BỎ HỌC NỔI TIẾNG THẾ GIỚI
Trong xã hội hiện đại, việc theo học tại các trường CĐ, ĐH dường như là con đường cần thiết để thành công vì cử nhân của những trường danh tiếng sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác. Nhưng có những người dù bỏ học nhưng vẫn thành công hơn người.

Tạp chí Time vừa đưa ra danh sách 10 người bỏ học giữa chừng thành công nhất ở Mỹ. Những người tài năng này đã không đi theo cách thức truyền thống là trải qua quá trình học tập tại trường ĐH, CĐ. Tuy vậy, với những nỗ lực không ngưng nghỉ, giờ đây họ đã với tới những đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực.
Dưới đây là danh sách 10 người Mỹ nổi tiếng thế giới và chưa từng tốt nghiệp ĐH:
1. Bill Gates - sinh năm (SN) 1955, sáng lập tập đoàn Microsoft
Tờ báo của ĐH Harvard “Harvard Crimson” đã gọi Bill Gates là "Người bỏ học nổi tiếng nhất của Harvard". Trong khi đó, thế giới tôn vinh ông là “Người giàu nhất thế giới” trong hơn một thập kỷ. Hiện nay, dù không ở vị trí đầu bảng, ông vẫn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Bill Gates vào học Harvard trong mùa thu năm 1973. Hai năm sau, ông bỏ học để thành lập Microsoft cùng với người bạn Paul Allen. Năm 2007, Bill Gates nhận được bằng tiến sỹ danh dự của trường Harvard.
Tại buổi lễ phát bằng, Bill Gates phát biểu: "Tôi là một người gây ảnh hưởng xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời đến dự lễ tốt nghiệp của các bạn. Nếu tôi phát biểu tại lễ nhập học của các bạn, có lẽ số người dự buổi lễ tốt nghiệp hôm nay sẽ ít hơn".

2. Steve Jobs - SN 1955, tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính Apple
iPad, iPod và thậm chí cả cảnh sát vũ trụ Buzz Lightyear (ngôi sao đồ chơi trong truyện Toy Story của hãng Disney) có thể sẽ không tồn tại nếu Steve Jobs vẫn ở lại trường. Do gặp khó khăn về tài chính, Jobs phải thôi học ở Trường cao đẳng Reed chỉ 6 tháng sau khi nhập học.
Sau đó, ông thành lập hãng Apple, NeXT Computer và Pixar, đây là những hãng có ảnh hưởng đáng kể trong sự phát triển của công nghệ và văn hóa hiện đại.

Steve Jobs vẫn nghĩ rằng thời gian học ngắn ngủi tại Trường cao đẳng Reed không phải là vô ích. Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp năm 2005 tại Trường đại học Stanford, Jobs thừa nhận lớp học thư pháp mà ông dự tại Trường cao đẳng Reed đã tạo cho ông những nền tảng của kiểu in được sử dụng trong thế hệ máy tính Macintosh đầu tiên.

3. Frank Lloyd Wright - SN 1867, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng nhất trong nửa đầu thế kỷ 20

Là kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Mỹ, Wright dành nhiều thời gian cho việc thiết kế những trường đại học hơn là dự những lớp học ở đó.

Nhập học Trường đại học Wisconsin-Madison năm 1886, một năm sau Wright bỏ học. Ông chuyển đến Chicago và sau đó trở thành thợ học việc của Louis Sullivan, "cha đẻ của kiến trúc hiện đại".

Những tác phẩm đồ sộ của kiến trúc sư Wright bao gồm hơn 500 công trình mà trong đó những công trình nổi tiếng nhất là biệt thự được xây trên thác nước mang tên Fallingwater và Bảo tàng Solomon R. Guggenheim của TP New York.

4. Buckminster Fuller - SN 1895, kiến trúc sư, nhà thiết kế và nhà sáng chế nổi tiếng

Hai lần bị đuổi học khỏi trường Harvard, kiến trúc sư - nhà sáng chế Buckminster Fuller không gặp suôn sẻ thời gian đầu sau đó: Ông trải qua nhiều lần thất bại trong kinh doanh và những đau buồn sau cái chết của con gái.

Khi Fuller vào tuổi 32, cuộc đời ông bắt đầu sang trang. Những ý tưởng khác thường của ông đã thu hút sự chú ý của công chúng và cấu trúc mái vòm hình cầu đã mang đến cho ông sự nổi tiếng và công nhận trên thế giới.

5. James Cameron - SN năm 1954, đạo diễn điện ảnh tên tuổi, từng làm phim Titanic

Có vẻ như đạo diễn đoạt giải Oscar James Cameron đã đi đường vòng để đến Hollywood. Sinh ra và lớn lên ở Canada, Cameron cùng gia đình chuyển đến California, Mỹ năm 1971. Ông học ngành Vật lý ở Trường cao đẳng Fullerton trong thời gian không lâu lắm. Sau khi bỏ học, Cameron cưới một nữ hầu bàn và trở thành công nhân lái xe buýt cho trường học địa phương.

Đến năm 1977, sau khi xem phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), Cameron quyết định chuyển nghề và dấn thân vào ngành phim ảnh. Trong 30 năm tiếp theo, ông tạo ra một số bộ phim khoa học viễn tưởng tuyệt vời nhất (và tốn kém nhất) của giai đoạn cuối thế kỷ 20.

6. Mark Zuckerberg - SN 1984, tổng giám đốc điều hành của Facebook
Mark Zuckerberg từng là sinh viên trường Harvard. Hồi còn học trường ĐH danh tiếng này, Mark Zuckerberg đã phát triển Facebook trong phòng ký túc xá với ý định cho sinh viên trong trường Harvard sử dụng. Giờ đây Facebook đã trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Khi sự ưa chuộng dành cho Facebook bùng nổ, Zuckerberg thôi học và chuyển công ty tới California.

Đến nay quyết định của anh chàng 8X đã tiến triển khá tốt đẹp. Theo tạp chí Forbes, Zuckerberg là tỷ phú trẻ tuổi nhất trên thế giới với tài sản ròng năm 2010 lên tới 4 tỷ USD.

7. Tom Hanks - SN 1956, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng
Tom Hanks từng đoạt 2 giải Oscar cho cho các vai diễn trong phim Philadelphia và Forrest Gump. Khi còn trẻ, Tom Hanks đã bỏ học để làm tập sự toàn thời gian tại công ty rạp hát Great Lakes Theater Festival ở Cleveland, bang Ohio. Những kinh nghiệm thu được khi làm việc tại rạp hát đã đặt nền móng cho sự nghiệp của Hanhks ở Hollywood.

Là một trong những ngôi sao điện ảnh, nhà sản xuất, đạo diễn và nhà viết kịch bản có quyền lực nhất, Hanks chưa bao giờ lãng quên cuộc sống trước đây của mình. Năm 2009, Hanks đã hỗ trợ việc quyên tiền để xây dựng lại rạp hát Cleveland nơi anh khởi nghiệp.

8. Harrison Ford - SN 1942, ngôi sao điện ảnh
Harrison Ford, nổi tiếng với bộ phim Star Wars và Indiana Jones, đoạt giải Quả cầu vàng. Ông từng học chuyên ngành Triết học tại Trường cao đẳng Ripon nhưng đã bỏ học ngay trước khi tốt nghiệp. Sau đó ông đóng một vài vai nhỏ trong một số phim của Hollywood.

Không thỏa mãn với việc là một diễn viên không được chú ý, Ford chuyển sang làm thợ mộc chuyên nghiệp. Gần 10 năm sau, ông có cơ hội được đóng vai chính trong phim Star Wars năm 1977 và phim này đã mang đến cho ông sự nổi tiếng ngay lập tức.

9. Lady Gaga - SN 1986, ca sĩ, nhạc sĩ pop/dance
Ngôi sao ca nhạc Lady Gaga có tên thật là Joanne Angelina Germanottav. Lady Gaga đăng ký học trường Nghệ thuật Tisch danh tiếng thuộc đại học New York nhưng đã bỏ học một năm sau đó để toàn tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Năm 2008, Lady Gaga ra mắt album “The Fame” và kể từ đó toàn thế giới biết đến Gaga.

10. Tiger Woods - SN năm 1975, một trong những vận động viên golf thành công nhất mọi thời đại
Không giống như một số tài năng thể thao khác đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, Woods đã chọn con đường chơi golf không chuyên tại Trường đại học Stanford khi là sinh viên chuyên ngành Kinh tế học.


Sau hai năm học tại trường Stanford, Woods chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp và chính thức chấm dứt việc học. Sau đó anh trở thành một trong những vận động viên được trả lương cao nhất trên thế giới, kiếm hàng năm hơn 100 triệu USD khi đứng trên đỉnh cao sự nghiệp.



________________________________________

Bài học lập nghiệp từ những người thành công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét