QUAN NIỆM CỦA WILLIAM JAMES VỀ CHÂN LÝ (*)
William James (1842 - 1910) là một trong những trụ cột của chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Nhà triết học Mỹ đương đại M. White đánh giá vị giáo sư đáng kính của Đại học Harvard “là hành tinh lớn của giới triết học, ông xoay chuyển trên trục của mình và thu hút các vật tỏa sáng khác của chủ nghĩa thực dụng vào trong lĩnh vực hoạt động mạnh mẽ của mình” [1; 5]. Không chỉ dừng lại ở chủ nghĩa thực dụng Mỹ, W.James còn là “nhà triết học sáng chói có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thể triết học hiện đại”[2; tr.195]. Mặc dù những đánh giá chỉ mang tính chất tham khảo, tuy nhiên không thể phủ nhận triết học thực dụng của James giống như những quả bộc phá có sức triệt hủy cao đối với mọi rào cản, mở đường cho sự thăng tiến của con người Mỹ, cho nền văn minh của xã hội Mỹ và cho sự phát triển của nước Mỹ trong hiện tại và tương lai.
Khi nghiên cứu về triết học thực dụng của W.James, có thể nhận thấy trung tâm của toàn bộ di sản tư tưởng phong phú ấy chính là phương pháp thực dụng (pragmatic method), chủ nghĩa kinh nghiệm triệt để (radical empiricism), và học thuyết chân lý (theory of truth). Ba thành tố ấy hợp lại thành “cây đinh ba” sắc bén cắm thẳng vào mảnh đất triết học Mỹ đương thời, tuy màu mỡ nhưng cũng chứa không ít tạp chất, nhằm tìm thấy ở đó những nét đặc trưng trong phương thức suy tư và thực hành triết học của người Mỹ.
Phát triển những quan điểm của Charles Sander Peirce(**) về phương pháp xác định ý nghĩa của tư tưởng trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, James đã xây dựng chủ nghĩa thực dụng thành một học thuyết về chân lý. Mặc dù phải đối mặt với không ít lời phê bình từ bốn phương tám hướng nhưng không thể phủ nhận học thuyết chân lý chính là một đóng góp to lớn của James vào sự phát triển của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
Bài viết này không có tham vọng bao quát toàn bộ triết học phong phú của W.James mà chỉ tập trung phân tích những kiến giải của ông về chân lý, qua đó làm sáng tỏ thêm một trong những khía cạnh lý luận đặc sắc của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
Ngay từ đầu, W.James đã xác định rõ chủ nghĩa thực dụng của ông, về thực chất, là một loại phương pháp khám phá chân lý hay rõ hơn đó chính là một học thuyết về chân lý. Trong Chủ nghĩa thực dụng: Một danh xưng mới cho những lối tư duy cũ, W. James viết: “Chủ nghĩa thực dụng bao gồm: trước hết, một phương pháp; và thứ hai, một học thuyết về cái gì là chân lý”[5; tr.65]. Luôn quán triệt phương pháp thực dụng ấy, W. James đã xây dựng một học thuyết chân lý đầy hấp dẫn đối với nhiều thế hệ con người Mỹ.
Học thuyết chân lý của James được xây dựng trên cơ sở quan niệm về ý nghĩa của Peirce. Trong hai bài viết “Xác lập niềm tin” (The Fixation of Belief, 1877) và “Làm thế nào để ý tưởng của chúng ta sáng rõ (How to Make Our Ideas Clear, 1878), Peirce chỉ rõ mục tiêu của chủ nghĩa thực dụng là nhằm làm cho tư duy của chúng ta sáng rõ và xác định ý nghĩa của quan niệm bằng những hệ quả thực tiễn có thể nhận thức được của nó. W.James không phủ nhận toàn bộ quan niệm của nhà triết học tiền bối nhưng ông cũng nhấn mạnh thêm rằng ngoài ý nghĩa đó thì chủ nghĩa thực dụng còn là phương thức thẩm định giá trị (chân thực hoặc sai lầm) của quan niệm. Với ý hướng ấy, ngay sau khi viết Chủ nghĩa thực dụng (1907), ông đã tiếp tục xuất bản Ý nghĩa của chân lý (The Meaning of Truth, 1909) nhằm khẳng định rõ chủ nghĩa thực dụng, về bản chất, là học thuyết về chân lý. Trong hai tác phẩm này, James đã đưa ra những kiến giải vô cùng đặc sắc về vấn đề chân lý mà không phải nhà triết học đương thời nào cũng làm được như thế. Bây giờ, chúng ta sẽ trở lại với những nội dung đặc sắc trong quan niệm của William James về chân lý.
Trước hết, chân lý không phải là thuộc tính của thực tại mà chẳng qua chỉ là “ý niệm” của chúng ta về thực tại.
Đây là điểm quan trọng thể hiện rất rõ lập trường thế giới quan triết học của ông. “Trong cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa thực dụng và chống chủ nghĩa thực dụng… thì cả hai đều tin vào sự tồn tại của các khách thể, cũng như tin vào những ý niệm của chúng ta về chúng. Tuy nhiên sự khác biệt là ở chỗ những người thực dụng chủ nghĩa xem chân lý chỉ thuộc lĩnh vực các ý niệm, mà cụ thể là tính khả thi của chúng; trong khi chân lý của người chống chủ nghĩa thực dụng dường như chỉ thuộc khách thể” [dẫn theo: 8; tr.355]. Từ lập trường của chủ nghĩa thực dụng, James hiểu chân lý là những ý niệm phù hợp với cái gọi là “thực tại” (reality). Trong Lời mở đầu của Ý nghĩa của chân lý, W.James viết: “Chân lý là một thuộc tính cố hữu của ý niệm. Nó có nghĩa là sự phù hợp của các ý niệm, cũng như sai lầm nghĩa là không phù hợp của các ý niệm với thực tại” [dẫn theo: 8; tr.353]. Theo James, “thực tại” được hợp thành từ ba phần: thứ nhất là, dòng cảm giác (the flux of sensations); thứ hai là, mối liên hệ giữa các loại tri giác tức thời; và thứ ba, những chân lý đã thu được trước đó. Như thế, trong kiến giải của James, hai khái niệm “thực tại” và “tồn tại khách quan” không đồng nhất mà là dị biệt. W.James hiểu “tồn tại khách quan” là thế giới chưa được nhận thức kiểu như “vật tự nó” (Ding an sich) của I. Kant, nghĩa là bản thân chúng không có gì là thật hay giả, thiện hay ác; còn cái gọi là “thực tại” thì lại có mối liên hệ chặt chẽ với bản thân chủ thể, được chủ thể công nhận trên cơ sở niềm tin. James chỉ rõ, nền tảng và khởi nguồn của thực tại đều là tính chủ thể của mỗi cá nhân cụ thể, do đó thực tại cũng nên được hiểu là “thực tại cụ thể” (concrete reality). Chẳng hạn như trước khi được chúng ta nhận biết thì ngôi nhà đã là một tổ hợp nhiều thuộc tính khác nhau, nhưng một khi nó được gọi là “ngôi nhà” thì chẳng qua là do chủ quan chúng ta công nhận những tiện ích và công dụng thực tế của nó. Có lẽ, việc James công khai phủ nhận “phản ánh luận” của chủ nghĩa khách quan cũng xuất phát từ góc nhìn chủ quan này.
Xét ở một khía cạnh khác, nên hiểu như thế nào về sự phù hợp của quan niệm với thực tại? Phải chăng đó là sự thống nhất giữa tư tưởng với hiện thực khách quan? Trong Chủ nghĩa thực dụng, James đã giải thích rõ, sự phù hợp của quan niệm với thực tại xét đến cùng chẳng qua là sự phù hợp năng động của chủ thể với khách thể. Một quan niệm được coi là chân lý không nhất thiết phải xác thực với hiện thực khách quan mà trên thực tế đó là một quá trình chứng thực tính hiệu quả của quan niệm (người viết nhấn mạnh). Điều đó có nghĩa là, một quan niệm được xem là chân lý khi được chứng thực là có hiệu quả thực tế đối với chủ thể, nói cách khác, là thông qua thực tế để chứng thực xem quan niệm ấy có thể đáp ứng nhu cầu của con người, giúp con người đạt được thành công hay không. Cách hiểu chân lý theo hướng giá trị luận này có những điểm hợp lý nhất định, song nếu nhấn mạnh đến cực đoan thì tất yếu sẽ đưa đến thái độ phủ định tiêu chuẩn khách quan của chân lý, thậm chí còn phủ định cả mối quan hệ người, làm cho con người không thể trao đổi tư tưởng với nhau do bởi sự khác biệt quan niệm về tính hiệu quả của các cá nhân.
Để giải quyết vướng mắc trên, James đề xuất khái niệm “chứng thực gián tiếp” (indirect verification). Với chứng thực gián tiếp thì chân lý chủ yếu là một quá trình chứng thực nhưng điều đó không có nghĩa là các quan niệm của con người trong đời sống hàng ngày một khi chưa được chứng thực thì vẫn chưa được thừa nhận là chân lý. Tính gián tiếp thể hiện ở chỗ, những quan niệm dù chưa được chủ thể chứng thực một cách trực tiếp, nhưng nhờ mối quan hệ xã hội giữa người với người nên quan niệm có thể được chứng thực gián tiếp bởi những người có mối quan hệ với chủ thể. Và theo James, chứng thực gián tiếp và chứng thực trực tiếp đều có giá trị như nhau bởi vì dù có thể không được “thấy tận mắt, sờ tận tay” nhưng nếu đã được thẩm định gián tiếp qua những người khác thì xem như quan niệm đó đã được chứng thực. James viện dẫn đến loại chứng thực gián tiếp này trong chế độ tín dụng của thị trường để biện luận cho quan điểm của mình. Ông giải thích, phần lớn chân lý dựa vào một loại chế độ tín dụng để tiếp tục tồn tại giống như tiền tệ lưu thông trong ngân hàng, nên anh có thể tiếp nhận chứng thực của tôi đối với sự vật nào đó, còn tôi cũng có thể tiếp nhận sự chứng thực của anh đối với sự vật khác. Chúng ta mua bán chân lý qua lại như vậy. Nghĩa là, tính chân thực của quan niệm không nhất thiết phải do chính bản thân chủ thể chứng thực mà có thể do người khác chứng thực và tín nhiệm. Chủ thể không cần tự mình chứng thực một quan niệm, tư tưởng mà có thể trao đổi chân lý cho nhau dựa trên nhu cầu của mỗi người. Chúng ta có thể liên hệ trao đổi chân lý này với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó người sản xuất không nhất thiết phải sản xuất ra tất cả các loại hàng hóa mà thông qua thị trường người ta có thể mua bán với nhau để có được những thứ họ cần. Chúng tôi cho rằng, đây là một quan niệm “đặc chất” Mỹ: không chỉ mới mẻ mà còn đầy táo bạo.
Thứ hai, chân lý không phải là lý tưởng phổ quát, tuyệt đối mà là một quá trình cụ thể, tương đối.
Theo James, chân lý là một quá trình trong đó quan niệm được chứng thực hiệu quả thực tế đối với chủ thể - cá nhân. James tuyên bố, trong quan niệm về chân lý thì giữa chủ nghĩa thực dụng và siêu hình học truyền thống tồn tại một hố sâu ngăn cách khó có thể vượt qua. Nếu như siêu hình học truyền thống thường quan niệm chân lý trên một “hệ tĩnh”, cứng đờ, thiếu sức sống, rằng một khi con người quan niệm hợp lý về sự vật thì xem như đã “đến được nơi cần đến”, còn người theo chủ nghĩa thực dụng kiên trì tính cụ thể, năng động của chân lý. James viết: “Tính chân thực của một quan niệm không phải là một thuộc tính trì đọng cố hữu của nó. Chân lý diễn ra với một quan niệm. Nó trở thành chân thực, được kiến tạo bởi các sự kiện. Tính chân thực của quan niệm thực chất là một sự kiện, một quá trình” [6; tr.vi].
Như thế, có thể hiểu chủ nghĩa thực dụng của James không chấp nhận chân lý tồn tại trong hình thức lý tưởng toàn thiện toàn bích kiểu truyền thống. Không một học thuyết nào có thể phản ánh một cách trọn vẹn, đầy đủ hiện thực, vì thế không thể và không bao giờ tồn tại một chân lý tuyệt đối, tối cao. Từ cách hiểu ấy, trong Quan niệm của chủ nghĩa thực dụng về chân lý, James viết: “...chân lý được tạo nên từ các chân lý trước đó, niềm tin của con người trong bất kỳ lúc nào đều do rất nhiều kinh nghiệm tích lũy lại. Nhưng bản thân những kinh nghiệm này lại là một phần trong tổng số kinh nghiệm thế giới, và vì thế nó cũng trở thành tư liệu tích lũy cho tương lai. Chừng nào thực tại còn là thực tại khả nghiệm thì cả nó và các chân lý mà con người đạt được về nó vẫn tiếp tục quá trình biến đổi miên viễn - sự biến đổi này có thể hướng đến một mục tiêu xác định nào đó nhưng đều đang thay đổi” [7; tr.171]. Suy rộng ra, trong đời sống hiện thực khi con người đứng trước bối cảnh mới, sự việc mới thì ngay lập tức vận dụng những tri thức phù hợp đã được tích lũy (dưới dạng kinh nghiệm) từ đó xác lập phương pháp giải quyết vấn đề nhằm đưa lại hiệu quả. Quá trình chân lý đòi hỏi chúng ta phải hướng một bộ phận kinh nghiệm này sang một bộ phận kinh nghiệm khác mới hơn, dùng chân lý cũ để lý giải “thực tại” mới, dùng kinh nghiệm cũ giải thích kinh nghiệm mới hay nói cách khác là gắn sự vật mới lên chân lý cũ, gắn kinh nghiệm mới lên kinh nghiệm cũ để duy trì tính liên tục của quá trình chân lý.
Xuất phát từ quan niệm chân lý không nhất thiết phải là sự phù hợp giữa tư tưởng và hiện thực khách quan, James đã đi đến phủ nhận chân lý khách quan đồng thời xác lập chân lý trên tinh thần chủ quan về lợi ích. Theo ông, tùy vào thời điểm, hoàn cảnh, địa vị, lập trường khác nhau thì có thể có vô số cách nhìn nhận khác nhau về một hiện thực khách quan, và do đó cũng sẽ có vô số chân lý khác nhau tùy thuộc vào quan niệm về lợi ích của chủ thể. Điều đó lý giải vì sao James khẳng định, chân lý không phải là cái gì trừu tượng cố hữu có tính phổ quát cho tất cả mọi người (như quan niệm của siêu hình học truyền thống) mà chân lý luôn luôn là cụ thể, có thể phân biệt rạch ròi chân lý của tôi, chân lý của anh. Vì mang tính cụ thể nên chân lý cũng không phải là “Phổ quát” và “Duy nhất” = “Truth” (chữ T viết hoa) mà là “số nhiều” = “truths” (chữ t không viết hoa và chữ s). Với quan niệm trên đây, James muốn mọi người hiểu rằng số lượng chân lý là không hạn chế, có bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu tập đoàn người thì có bấy nhiêu chân lý. Bất cứ cá nhân, tập đoàn người nào cũng có thể lựa chọn chân lý riêng cho mình. Một tư tưởng nào đó thỏa mãn được nhu cầu vật chất, tinh thần của anh ta, phù hợp với thói quen của anh ta thì tư tưởng đó là chân lý của anh ta. Tuy nhiên, James ghi chú thêm rằng, đó chỉ là những chân lý cấp thấp, còn chân lý cấp cao hơn đó là những chân lý có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài như chân lý của tôn giáo, thần học… Có lẽ việc người ta gọi triết học của William James là chủ nghĩa đa nguyên cũng bắt nguồn từ cách hiểu về chân lý số nhiều này của ông.
Thứ ba, chân lý được xác định dựa trên tính hữu dụng thực tế.
Có thể khẳng định rằng, dựa trên tính hữu dụng thực tế để bàn về chân lý là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa thực dụng “phiên bản W. James” (Jamesian version of Pragmatism). Trong nhãn quan của nhà triết học thực dụng Mỹ, một quan niệm được coi là chân lý khi nó thỏa mãn nhu cầu, ham muốn có ích của con người, có thể làm cho con người đạt được thành công mà không cần phải phí công kiểm chứng sự phù hợp của quan niệm đó với đối tượng phản ánh trong hiện thực khách quan. Hiệu quả và sự thành công của cá nhân là tiêu chuẩn căn bản của chân lý. James đề ra công thức nổi tiếng về chân lý như sau: Chân lý là cái đem lại ích lợi thực tế. Từ khía cạnh tích cực, có thể xem đây là điểm nhấn trong học thuyết chân lý của James thể hiện rõ tinh thần khoan dung của văn hóa Mỹ: bất cứ cái gì hữu dụng thì đều được chấp nhận như là cái hợp lý.
James giải thích thêm, sở dĩ loài người xem việc theo đuổi chân lý là tối cần thiết bởi vì nó thiết thực cho cuộc sống. Một quan niệm nào đó một khi có ích và xa hơn là đem lại thành công cho con người thì bất kể nó phản ánh đúng thực tế khách quan hay không, thậm chí là hoang đường, phản khoa học (tín điều tôn giáo, lừa đảo…) thì đều được xem là chân lý. Ngược lại, một quan niệm mà tự bản thân nó không giúp ích gì cho con người thì dù có phản ánh đúng hiện thực khách quan đi chăng nữa cũng bị coi là hoang đường, là sai lầm. Để chứng minh cho quan điểm của mình, James đã viện dẫn một ví dụ như sau: khi chúng ta bị lạc vào rừng sâu bỗng nhiên thấy một con đường nhỏ có dấu chân bò, lúc ấy cái quan trọng nhất là suy nghĩ nhất định cuối con đường này sẽ có nhà ở. Nếu tôi suy nghĩ như vậy và men dọc theo con đường thì tôi có thể được cứu. “Ở đây tư tưởng chân thực có tác dụng, vì ngôi nhà của đối tượng tư tưởng là có tác dụng. Vì vậy, giá trị thực tế của quan niệm chân thực về cơ bản là do đối tượng của quan niệm xảy ra theo tính chất quan trọng thực tế của chúng ta” [1; tr.105-106].
Nhìn chung, có thể nhận thấy trong triết học thực dụng của James, mọi tính khách quan của chân lý đều bị bác bỏ. Ông tuyên bố công khai rằng, chủ nghĩa thực dụng cho phép mỗi một người đều có chân lý của riêng mình giống như mọi người có thể tùy ý phân chia, lựa chọn các loại sự vật trong dòng ý thức, có thể phán xét tính thật, giả của quan niệm, tư tưởng. Họ có thể chọn ra những chân lý “của riêng mình” tùy vào nhu cầu, ham muốn của bản thân họ. Một quan niệm không cần biết nguồn gốc xuất phát từ đâu, khoa học hay thần học, duy vật hay duy tâm, hễ được chứng minh là hữu ích đối với đời sống thực tế của con người thì nó là xác thực, là chân lý. Nói rõ ra, trong mắt nhìn của James, chân lý và tính hữu dụng luôn song hành với nhau. Cách hiểu chân lý này của James đã có những ảnh hưởng nhất định đến các đại biểu sau này của chủ nghĩa thực dụng Mỹ, nhất là John Dewey(***).
Thứ tư, chân lý luôn hướng đến con người.
Nhà triết học thực dụng nhân bản Châu Âu F.C.S. Schiller (1864–1937) từng tuyên bố: không thể tồn tại thứ chân lý phi nhân vị, tất cả chân lý thực dụng đều mang tính nhân bản, đều hướng đến con người. Chúng tôi cho rằng, đây là một luận điểm đáng suy ngẫm. Bấy lâu nay, có thể do vô tình hay hữu ý, người ta thường nhìn chủ nghĩa thực dụng với một ánh mắt ít thiện cảm; thậm chí có người còn miệt thị nó như là một thứ triết học rẻ tiền, bỏ quên con người để dành chỗ cho những tính toan lạnh lùng. Nhưng sự thật không đơn giản như thế. Phê phán một cái gì xấu thì dễ nhưng chứng minh điều đó một cách thuyết phục mới là điều khó. Vấn đề cần giải đáp ở đây là nếu không có căn bản triết lý thì liệu chủ nghĩa thực dụng có thể có được địa vị đáng nể trong một “thị trường tư tưởng Mỹ” vốn có độ sàng sẩy khắt khe như thế hay không? Với tư cách là một sản phẩm tinh thần của thời đại, chủ nghĩa thực dụng Mỹ không thể thiếu một căn bản triết lý vững chắc và căn bản triết lý ấy, chúng tôi nghĩ rằng, chính là tính hướng đến con người của nó. Quả thực, cái tinh thần nhân bản ấy trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của James. Chính bản thân ông cũng đã từng thừa nhận: điểm xuất phát của chủ nghĩa thực dụng là chủ nghĩa nhân bản (humanism).
Xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa nhân bản, James đề xuất rằng, chân lý do con người sản sinh ra đồng thời lấy kinh nghiệm và cảm giác của con người làm tiêu chuẩn phán xét chân lý. Nói cách khác, học thuyết thực dụng về chân lý của James ra sức nhấn mạnh kinh nghiệm chủ quan của chủ thể đối với ý nghĩa của chân lý. Chân lý chẳng qua chỉ là di sản của “nhân hóa”, gắn liền với con người, với kinh nghiệm đang biến đổi của con người. Toàn bộ chân lý đều do con người dựa vào nhu cầu của mình sáng tạo ra, lấy mức độ thỏa mãn nhu cầu của con người làm thước đo chuẩn. Sự tồn tại và tính chất của chân lý phụ thuộc vào con người, do con người quyết định. Trong Chủ nghĩa thực dụng, James khi nhấn mạnh tất thảy chân lý đều do con người tạo ra nhằm thực hiện mục đích và đáp ứng nhu cầu của mình. Chân lý chẳng qua chỉ là công cụ thỏa mãn dục vọng tình cảm của con người, vì thế xét đến cùng, không có thứ chân lý nào có thể vượt qua con người, rằng giá trị của con người là tuyệt đối, là tối cao mà mọi chân lý không có nhiệm vụ gì khác ngoài phục tùng giá trị tối cao đó. Quan niệm này của James về chân lý bị chỉ trích dữ dội từ phía những người phê phán ông. Trong chuyên luận về James, tác giả Vương Ngọc Bình nhận định: “Sai lầm của James về con người sáng tạo chân lý không phải (ở chỗ - VP) ông chủ trương chân lý có tính năng động của con người mà là ông tuyệt đối hóa điểm này, xóa bỏ cơ sở khách quan của chân lý, thậm chí quy kết toàn bộ thực tại và chân lý do chủ quan con người sáng tạo” [1; tr.122]. Có thể hiểu được thái độ của những người phê phán bởi lẽ, xét ở mức độ nhất định, con người có tính chủ động trong quá trình sáng tạo thế giới nhưng vấn đề căn cốt ở đây là cần hiểu tinh thần chủ động, sáng tạo của con người không phải là tùy tiện, chủ quan mà trên cơ sở những tiền đề của nó và tuân thủ quy luật khách quan. Một khi tách rời những tiền đề và quy luật khách quan ấy thì mọi luận bàn về tính sáng tạo của con người chỉ là ảo tưởng, duy ý chí mà thôi.
Học thuyết chân lý là một trong những nội dung tư tưởng đã tạo dựng nên tên tuổi của William James với tư cách là một đại biểu ưu tú của chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Người ta có lý khi đưa ra nhận định, học thuyết chân lý của ông được xác lập trên lập trường của chủ nghĩa thực dụng đã cung cấp một hướng tiếp cận, một lối kiến giải và một phong cách tư duy mới về một vấn đề “cổ xưa” của truyền thống triết học phương Tây khởi từ kỷ nguyên của các thành bang. Chính tác giả của bộ Lịch sử triết học phương Tây đã khẳng định chủ nghĩa thực dụng của W.James đã đưa ra “một định nghĩa mới về chân lý” [9; tr.816].
Mặc dù học thuyết chân lý của ông bị phê phán khá nặng nề do quá đề cao lợi ích chủ quan của cá nhân và tính bất định trong xem xét chân lý, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận việc James đã kiên quyết phủ nhận mọi hình thức lý tưởng tuyệt đối của chân lý, khẳng định tính chủ thể của chân lý và vai trò của hiệu quả trong nhận thức và hành động. Đó là những giá trị tích cực trong học thuyết chân lý của James cần được tiếp nhận và suy ngẫm.
Với những kiến giải táo bạo thể hiện rõ “chất Mỹ”, học thuyết thực dụng của W.James về chân lý đã cung cấp một bảng hướng dẫn quý giá cho mỗi con người Mỹ đang khao khát tự lập thân trên miền đất hứa vốn dĩ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.
Khi nghiên cứu về triết học thực dụng của W.James, có thể nhận thấy trung tâm của toàn bộ di sản tư tưởng phong phú ấy chính là phương pháp thực dụng (pragmatic method), chủ nghĩa kinh nghiệm triệt để (radical empiricism), và học thuyết chân lý (theory of truth). Ba thành tố ấy hợp lại thành “cây đinh ba” sắc bén cắm thẳng vào mảnh đất triết học Mỹ đương thời, tuy màu mỡ nhưng cũng chứa không ít tạp chất, nhằm tìm thấy ở đó những nét đặc trưng trong phương thức suy tư và thực hành triết học của người Mỹ.
Phát triển những quan điểm của Charles Sander Peirce(**) về phương pháp xác định ý nghĩa của tư tưởng trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, James đã xây dựng chủ nghĩa thực dụng thành một học thuyết về chân lý. Mặc dù phải đối mặt với không ít lời phê bình từ bốn phương tám hướng nhưng không thể phủ nhận học thuyết chân lý chính là một đóng góp to lớn của James vào sự phát triển của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
Bài viết này không có tham vọng bao quát toàn bộ triết học phong phú của W.James mà chỉ tập trung phân tích những kiến giải của ông về chân lý, qua đó làm sáng tỏ thêm một trong những khía cạnh lý luận đặc sắc của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
Ngay từ đầu, W.James đã xác định rõ chủ nghĩa thực dụng của ông, về thực chất, là một loại phương pháp khám phá chân lý hay rõ hơn đó chính là một học thuyết về chân lý. Trong Chủ nghĩa thực dụng: Một danh xưng mới cho những lối tư duy cũ, W. James viết: “Chủ nghĩa thực dụng bao gồm: trước hết, một phương pháp; và thứ hai, một học thuyết về cái gì là chân lý”[5; tr.65]. Luôn quán triệt phương pháp thực dụng ấy, W. James đã xây dựng một học thuyết chân lý đầy hấp dẫn đối với nhiều thế hệ con người Mỹ.
Học thuyết chân lý của James được xây dựng trên cơ sở quan niệm về ý nghĩa của Peirce. Trong hai bài viết “Xác lập niềm tin” (The Fixation of Belief, 1877) và “Làm thế nào để ý tưởng của chúng ta sáng rõ (How to Make Our Ideas Clear, 1878), Peirce chỉ rõ mục tiêu của chủ nghĩa thực dụng là nhằm làm cho tư duy của chúng ta sáng rõ và xác định ý nghĩa của quan niệm bằng những hệ quả thực tiễn có thể nhận thức được của nó. W.James không phủ nhận toàn bộ quan niệm của nhà triết học tiền bối nhưng ông cũng nhấn mạnh thêm rằng ngoài ý nghĩa đó thì chủ nghĩa thực dụng còn là phương thức thẩm định giá trị (chân thực hoặc sai lầm) của quan niệm. Với ý hướng ấy, ngay sau khi viết Chủ nghĩa thực dụng (1907), ông đã tiếp tục xuất bản Ý nghĩa của chân lý (The Meaning of Truth, 1909) nhằm khẳng định rõ chủ nghĩa thực dụng, về bản chất, là học thuyết về chân lý. Trong hai tác phẩm này, James đã đưa ra những kiến giải vô cùng đặc sắc về vấn đề chân lý mà không phải nhà triết học đương thời nào cũng làm được như thế. Bây giờ, chúng ta sẽ trở lại với những nội dung đặc sắc trong quan niệm của William James về chân lý.
Trước hết, chân lý không phải là thuộc tính của thực tại mà chẳng qua chỉ là “ý niệm” của chúng ta về thực tại.
Đây là điểm quan trọng thể hiện rất rõ lập trường thế giới quan triết học của ông. “Trong cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa thực dụng và chống chủ nghĩa thực dụng… thì cả hai đều tin vào sự tồn tại của các khách thể, cũng như tin vào những ý niệm của chúng ta về chúng. Tuy nhiên sự khác biệt là ở chỗ những người thực dụng chủ nghĩa xem chân lý chỉ thuộc lĩnh vực các ý niệm, mà cụ thể là tính khả thi của chúng; trong khi chân lý của người chống chủ nghĩa thực dụng dường như chỉ thuộc khách thể” [dẫn theo: 8; tr.355]. Từ lập trường của chủ nghĩa thực dụng, James hiểu chân lý là những ý niệm phù hợp với cái gọi là “thực tại” (reality). Trong Lời mở đầu của Ý nghĩa của chân lý, W.James viết: “Chân lý là một thuộc tính cố hữu của ý niệm. Nó có nghĩa là sự phù hợp của các ý niệm, cũng như sai lầm nghĩa là không phù hợp của các ý niệm với thực tại” [dẫn theo: 8; tr.353]. Theo James, “thực tại” được hợp thành từ ba phần: thứ nhất là, dòng cảm giác (the flux of sensations); thứ hai là, mối liên hệ giữa các loại tri giác tức thời; và thứ ba, những chân lý đã thu được trước đó. Như thế, trong kiến giải của James, hai khái niệm “thực tại” và “tồn tại khách quan” không đồng nhất mà là dị biệt. W.James hiểu “tồn tại khách quan” là thế giới chưa được nhận thức kiểu như “vật tự nó” (Ding an sich) của I. Kant, nghĩa là bản thân chúng không có gì là thật hay giả, thiện hay ác; còn cái gọi là “thực tại” thì lại có mối liên hệ chặt chẽ với bản thân chủ thể, được chủ thể công nhận trên cơ sở niềm tin. James chỉ rõ, nền tảng và khởi nguồn của thực tại đều là tính chủ thể của mỗi cá nhân cụ thể, do đó thực tại cũng nên được hiểu là “thực tại cụ thể” (concrete reality). Chẳng hạn như trước khi được chúng ta nhận biết thì ngôi nhà đã là một tổ hợp nhiều thuộc tính khác nhau, nhưng một khi nó được gọi là “ngôi nhà” thì chẳng qua là do chủ quan chúng ta công nhận những tiện ích và công dụng thực tế của nó. Có lẽ, việc James công khai phủ nhận “phản ánh luận” của chủ nghĩa khách quan cũng xuất phát từ góc nhìn chủ quan này.
Xét ở một khía cạnh khác, nên hiểu như thế nào về sự phù hợp của quan niệm với thực tại? Phải chăng đó là sự thống nhất giữa tư tưởng với hiện thực khách quan? Trong Chủ nghĩa thực dụng, James đã giải thích rõ, sự phù hợp của quan niệm với thực tại xét đến cùng chẳng qua là sự phù hợp năng động của chủ thể với khách thể. Một quan niệm được coi là chân lý không nhất thiết phải xác thực với hiện thực khách quan mà trên thực tế đó là một quá trình chứng thực tính hiệu quả của quan niệm (người viết nhấn mạnh). Điều đó có nghĩa là, một quan niệm được xem là chân lý khi được chứng thực là có hiệu quả thực tế đối với chủ thể, nói cách khác, là thông qua thực tế để chứng thực xem quan niệm ấy có thể đáp ứng nhu cầu của con người, giúp con người đạt được thành công hay không. Cách hiểu chân lý theo hướng giá trị luận này có những điểm hợp lý nhất định, song nếu nhấn mạnh đến cực đoan thì tất yếu sẽ đưa đến thái độ phủ định tiêu chuẩn khách quan của chân lý, thậm chí còn phủ định cả mối quan hệ người, làm cho con người không thể trao đổi tư tưởng với nhau do bởi sự khác biệt quan niệm về tính hiệu quả của các cá nhân.
Để giải quyết vướng mắc trên, James đề xuất khái niệm “chứng thực gián tiếp” (indirect verification). Với chứng thực gián tiếp thì chân lý chủ yếu là một quá trình chứng thực nhưng điều đó không có nghĩa là các quan niệm của con người trong đời sống hàng ngày một khi chưa được chứng thực thì vẫn chưa được thừa nhận là chân lý. Tính gián tiếp thể hiện ở chỗ, những quan niệm dù chưa được chủ thể chứng thực một cách trực tiếp, nhưng nhờ mối quan hệ xã hội giữa người với người nên quan niệm có thể được chứng thực gián tiếp bởi những người có mối quan hệ với chủ thể. Và theo James, chứng thực gián tiếp và chứng thực trực tiếp đều có giá trị như nhau bởi vì dù có thể không được “thấy tận mắt, sờ tận tay” nhưng nếu đã được thẩm định gián tiếp qua những người khác thì xem như quan niệm đó đã được chứng thực. James viện dẫn đến loại chứng thực gián tiếp này trong chế độ tín dụng của thị trường để biện luận cho quan điểm của mình. Ông giải thích, phần lớn chân lý dựa vào một loại chế độ tín dụng để tiếp tục tồn tại giống như tiền tệ lưu thông trong ngân hàng, nên anh có thể tiếp nhận chứng thực của tôi đối với sự vật nào đó, còn tôi cũng có thể tiếp nhận sự chứng thực của anh đối với sự vật khác. Chúng ta mua bán chân lý qua lại như vậy. Nghĩa là, tính chân thực của quan niệm không nhất thiết phải do chính bản thân chủ thể chứng thực mà có thể do người khác chứng thực và tín nhiệm. Chủ thể không cần tự mình chứng thực một quan niệm, tư tưởng mà có thể trao đổi chân lý cho nhau dựa trên nhu cầu của mỗi người. Chúng ta có thể liên hệ trao đổi chân lý này với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó người sản xuất không nhất thiết phải sản xuất ra tất cả các loại hàng hóa mà thông qua thị trường người ta có thể mua bán với nhau để có được những thứ họ cần. Chúng tôi cho rằng, đây là một quan niệm “đặc chất” Mỹ: không chỉ mới mẻ mà còn đầy táo bạo.
Thứ hai, chân lý không phải là lý tưởng phổ quát, tuyệt đối mà là một quá trình cụ thể, tương đối.
Theo James, chân lý là một quá trình trong đó quan niệm được chứng thực hiệu quả thực tế đối với chủ thể - cá nhân. James tuyên bố, trong quan niệm về chân lý thì giữa chủ nghĩa thực dụng và siêu hình học truyền thống tồn tại một hố sâu ngăn cách khó có thể vượt qua. Nếu như siêu hình học truyền thống thường quan niệm chân lý trên một “hệ tĩnh”, cứng đờ, thiếu sức sống, rằng một khi con người quan niệm hợp lý về sự vật thì xem như đã “đến được nơi cần đến”, còn người theo chủ nghĩa thực dụng kiên trì tính cụ thể, năng động của chân lý. James viết: “Tính chân thực của một quan niệm không phải là một thuộc tính trì đọng cố hữu của nó. Chân lý diễn ra với một quan niệm. Nó trở thành chân thực, được kiến tạo bởi các sự kiện. Tính chân thực của quan niệm thực chất là một sự kiện, một quá trình” [6; tr.vi].
Như thế, có thể hiểu chủ nghĩa thực dụng của James không chấp nhận chân lý tồn tại trong hình thức lý tưởng toàn thiện toàn bích kiểu truyền thống. Không một học thuyết nào có thể phản ánh một cách trọn vẹn, đầy đủ hiện thực, vì thế không thể và không bao giờ tồn tại một chân lý tuyệt đối, tối cao. Từ cách hiểu ấy, trong Quan niệm của chủ nghĩa thực dụng về chân lý, James viết: “...chân lý được tạo nên từ các chân lý trước đó, niềm tin của con người trong bất kỳ lúc nào đều do rất nhiều kinh nghiệm tích lũy lại. Nhưng bản thân những kinh nghiệm này lại là một phần trong tổng số kinh nghiệm thế giới, và vì thế nó cũng trở thành tư liệu tích lũy cho tương lai. Chừng nào thực tại còn là thực tại khả nghiệm thì cả nó và các chân lý mà con người đạt được về nó vẫn tiếp tục quá trình biến đổi miên viễn - sự biến đổi này có thể hướng đến một mục tiêu xác định nào đó nhưng đều đang thay đổi” [7; tr.171]. Suy rộng ra, trong đời sống hiện thực khi con người đứng trước bối cảnh mới, sự việc mới thì ngay lập tức vận dụng những tri thức phù hợp đã được tích lũy (dưới dạng kinh nghiệm) từ đó xác lập phương pháp giải quyết vấn đề nhằm đưa lại hiệu quả. Quá trình chân lý đòi hỏi chúng ta phải hướng một bộ phận kinh nghiệm này sang một bộ phận kinh nghiệm khác mới hơn, dùng chân lý cũ để lý giải “thực tại” mới, dùng kinh nghiệm cũ giải thích kinh nghiệm mới hay nói cách khác là gắn sự vật mới lên chân lý cũ, gắn kinh nghiệm mới lên kinh nghiệm cũ để duy trì tính liên tục của quá trình chân lý.
Xuất phát từ quan niệm chân lý không nhất thiết phải là sự phù hợp giữa tư tưởng và hiện thực khách quan, James đã đi đến phủ nhận chân lý khách quan đồng thời xác lập chân lý trên tinh thần chủ quan về lợi ích. Theo ông, tùy vào thời điểm, hoàn cảnh, địa vị, lập trường khác nhau thì có thể có vô số cách nhìn nhận khác nhau về một hiện thực khách quan, và do đó cũng sẽ có vô số chân lý khác nhau tùy thuộc vào quan niệm về lợi ích của chủ thể. Điều đó lý giải vì sao James khẳng định, chân lý không phải là cái gì trừu tượng cố hữu có tính phổ quát cho tất cả mọi người (như quan niệm của siêu hình học truyền thống) mà chân lý luôn luôn là cụ thể, có thể phân biệt rạch ròi chân lý của tôi, chân lý của anh. Vì mang tính cụ thể nên chân lý cũng không phải là “Phổ quát” và “Duy nhất” = “Truth” (chữ T viết hoa) mà là “số nhiều” = “truths” (chữ t không viết hoa và chữ s). Với quan niệm trên đây, James muốn mọi người hiểu rằng số lượng chân lý là không hạn chế, có bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu tập đoàn người thì có bấy nhiêu chân lý. Bất cứ cá nhân, tập đoàn người nào cũng có thể lựa chọn chân lý riêng cho mình. Một tư tưởng nào đó thỏa mãn được nhu cầu vật chất, tinh thần của anh ta, phù hợp với thói quen của anh ta thì tư tưởng đó là chân lý của anh ta. Tuy nhiên, James ghi chú thêm rằng, đó chỉ là những chân lý cấp thấp, còn chân lý cấp cao hơn đó là những chân lý có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài như chân lý của tôn giáo, thần học… Có lẽ việc người ta gọi triết học của William James là chủ nghĩa đa nguyên cũng bắt nguồn từ cách hiểu về chân lý số nhiều này của ông.
Thứ ba, chân lý được xác định dựa trên tính hữu dụng thực tế.
Có thể khẳng định rằng, dựa trên tính hữu dụng thực tế để bàn về chân lý là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa thực dụng “phiên bản W. James” (Jamesian version of Pragmatism). Trong nhãn quan của nhà triết học thực dụng Mỹ, một quan niệm được coi là chân lý khi nó thỏa mãn nhu cầu, ham muốn có ích của con người, có thể làm cho con người đạt được thành công mà không cần phải phí công kiểm chứng sự phù hợp của quan niệm đó với đối tượng phản ánh trong hiện thực khách quan. Hiệu quả và sự thành công của cá nhân là tiêu chuẩn căn bản của chân lý. James đề ra công thức nổi tiếng về chân lý như sau: Chân lý là cái đem lại ích lợi thực tế. Từ khía cạnh tích cực, có thể xem đây là điểm nhấn trong học thuyết chân lý của James thể hiện rõ tinh thần khoan dung của văn hóa Mỹ: bất cứ cái gì hữu dụng thì đều được chấp nhận như là cái hợp lý.
James giải thích thêm, sở dĩ loài người xem việc theo đuổi chân lý là tối cần thiết bởi vì nó thiết thực cho cuộc sống. Một quan niệm nào đó một khi có ích và xa hơn là đem lại thành công cho con người thì bất kể nó phản ánh đúng thực tế khách quan hay không, thậm chí là hoang đường, phản khoa học (tín điều tôn giáo, lừa đảo…) thì đều được xem là chân lý. Ngược lại, một quan niệm mà tự bản thân nó không giúp ích gì cho con người thì dù có phản ánh đúng hiện thực khách quan đi chăng nữa cũng bị coi là hoang đường, là sai lầm. Để chứng minh cho quan điểm của mình, James đã viện dẫn một ví dụ như sau: khi chúng ta bị lạc vào rừng sâu bỗng nhiên thấy một con đường nhỏ có dấu chân bò, lúc ấy cái quan trọng nhất là suy nghĩ nhất định cuối con đường này sẽ có nhà ở. Nếu tôi suy nghĩ như vậy và men dọc theo con đường thì tôi có thể được cứu. “Ở đây tư tưởng chân thực có tác dụng, vì ngôi nhà của đối tượng tư tưởng là có tác dụng. Vì vậy, giá trị thực tế của quan niệm chân thực về cơ bản là do đối tượng của quan niệm xảy ra theo tính chất quan trọng thực tế của chúng ta” [1; tr.105-106].
Nhìn chung, có thể nhận thấy trong triết học thực dụng của James, mọi tính khách quan của chân lý đều bị bác bỏ. Ông tuyên bố công khai rằng, chủ nghĩa thực dụng cho phép mỗi một người đều có chân lý của riêng mình giống như mọi người có thể tùy ý phân chia, lựa chọn các loại sự vật trong dòng ý thức, có thể phán xét tính thật, giả của quan niệm, tư tưởng. Họ có thể chọn ra những chân lý “của riêng mình” tùy vào nhu cầu, ham muốn của bản thân họ. Một quan niệm không cần biết nguồn gốc xuất phát từ đâu, khoa học hay thần học, duy vật hay duy tâm, hễ được chứng minh là hữu ích đối với đời sống thực tế của con người thì nó là xác thực, là chân lý. Nói rõ ra, trong mắt nhìn của James, chân lý và tính hữu dụng luôn song hành với nhau. Cách hiểu chân lý này của James đã có những ảnh hưởng nhất định đến các đại biểu sau này của chủ nghĩa thực dụng Mỹ, nhất là John Dewey(***).
Thứ tư, chân lý luôn hướng đến con người.
Nhà triết học thực dụng nhân bản Châu Âu F.C.S. Schiller (1864–1937) từng tuyên bố: không thể tồn tại thứ chân lý phi nhân vị, tất cả chân lý thực dụng đều mang tính nhân bản, đều hướng đến con người. Chúng tôi cho rằng, đây là một luận điểm đáng suy ngẫm. Bấy lâu nay, có thể do vô tình hay hữu ý, người ta thường nhìn chủ nghĩa thực dụng với một ánh mắt ít thiện cảm; thậm chí có người còn miệt thị nó như là một thứ triết học rẻ tiền, bỏ quên con người để dành chỗ cho những tính toan lạnh lùng. Nhưng sự thật không đơn giản như thế. Phê phán một cái gì xấu thì dễ nhưng chứng minh điều đó một cách thuyết phục mới là điều khó. Vấn đề cần giải đáp ở đây là nếu không có căn bản triết lý thì liệu chủ nghĩa thực dụng có thể có được địa vị đáng nể trong một “thị trường tư tưởng Mỹ” vốn có độ sàng sẩy khắt khe như thế hay không? Với tư cách là một sản phẩm tinh thần của thời đại, chủ nghĩa thực dụng Mỹ không thể thiếu một căn bản triết lý vững chắc và căn bản triết lý ấy, chúng tôi nghĩ rằng, chính là tính hướng đến con người của nó. Quả thực, cái tinh thần nhân bản ấy trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của James. Chính bản thân ông cũng đã từng thừa nhận: điểm xuất phát của chủ nghĩa thực dụng là chủ nghĩa nhân bản (humanism).
Xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa nhân bản, James đề xuất rằng, chân lý do con người sản sinh ra đồng thời lấy kinh nghiệm và cảm giác của con người làm tiêu chuẩn phán xét chân lý. Nói cách khác, học thuyết thực dụng về chân lý của James ra sức nhấn mạnh kinh nghiệm chủ quan của chủ thể đối với ý nghĩa của chân lý. Chân lý chẳng qua chỉ là di sản của “nhân hóa”, gắn liền với con người, với kinh nghiệm đang biến đổi của con người. Toàn bộ chân lý đều do con người dựa vào nhu cầu của mình sáng tạo ra, lấy mức độ thỏa mãn nhu cầu của con người làm thước đo chuẩn. Sự tồn tại và tính chất của chân lý phụ thuộc vào con người, do con người quyết định. Trong Chủ nghĩa thực dụng, James khi nhấn mạnh tất thảy chân lý đều do con người tạo ra nhằm thực hiện mục đích và đáp ứng nhu cầu của mình. Chân lý chẳng qua chỉ là công cụ thỏa mãn dục vọng tình cảm của con người, vì thế xét đến cùng, không có thứ chân lý nào có thể vượt qua con người, rằng giá trị của con người là tuyệt đối, là tối cao mà mọi chân lý không có nhiệm vụ gì khác ngoài phục tùng giá trị tối cao đó. Quan niệm này của James về chân lý bị chỉ trích dữ dội từ phía những người phê phán ông. Trong chuyên luận về James, tác giả Vương Ngọc Bình nhận định: “Sai lầm của James về con người sáng tạo chân lý không phải (ở chỗ - VP) ông chủ trương chân lý có tính năng động của con người mà là ông tuyệt đối hóa điểm này, xóa bỏ cơ sở khách quan của chân lý, thậm chí quy kết toàn bộ thực tại và chân lý do chủ quan con người sáng tạo” [1; tr.122]. Có thể hiểu được thái độ của những người phê phán bởi lẽ, xét ở mức độ nhất định, con người có tính chủ động trong quá trình sáng tạo thế giới nhưng vấn đề căn cốt ở đây là cần hiểu tinh thần chủ động, sáng tạo của con người không phải là tùy tiện, chủ quan mà trên cơ sở những tiền đề của nó và tuân thủ quy luật khách quan. Một khi tách rời những tiền đề và quy luật khách quan ấy thì mọi luận bàn về tính sáng tạo của con người chỉ là ảo tưởng, duy ý chí mà thôi.
Học thuyết chân lý là một trong những nội dung tư tưởng đã tạo dựng nên tên tuổi của William James với tư cách là một đại biểu ưu tú của chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Người ta có lý khi đưa ra nhận định, học thuyết chân lý của ông được xác lập trên lập trường của chủ nghĩa thực dụng đã cung cấp một hướng tiếp cận, một lối kiến giải và một phong cách tư duy mới về một vấn đề “cổ xưa” của truyền thống triết học phương Tây khởi từ kỷ nguyên của các thành bang. Chính tác giả của bộ Lịch sử triết học phương Tây đã khẳng định chủ nghĩa thực dụng của W.James đã đưa ra “một định nghĩa mới về chân lý” [9; tr.816].
Mặc dù học thuyết chân lý của ông bị phê phán khá nặng nề do quá đề cao lợi ích chủ quan của cá nhân và tính bất định trong xem xét chân lý, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận việc James đã kiên quyết phủ nhận mọi hình thức lý tưởng tuyệt đối của chân lý, khẳng định tính chủ thể của chân lý và vai trò của hiệu quả trong nhận thức và hành động. Đó là những giá trị tích cực trong học thuyết chân lý của James cần được tiếp nhận và suy ngẫm.
Với những kiến giải táo bạo thể hiện rõ “chất Mỹ”, học thuyết thực dụng của W.James về chân lý đã cung cấp một bảng hướng dẫn quý giá cho mỗi con người Mỹ đang khao khát tự lập thân trên miền đất hứa vốn dĩ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vương Ngọc Bình (2004), Uyliam Giêmxơ, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
2. Bochenski, I.M.(1969), Triết học Tây phương hiện đại, Ca Dao xuất bản, Sài Gòn.
3. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng (2009), Triết học Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Lưu Phóng Đồng (2004), Triết học phương Tây hiện đại - Giáo trình hướng đến thế kỷ XXI, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
5. James, William (1907), Pragmatism: A New Name for Some Old Ways of Thinking, Longmans, Green Co., New York, London and Toronto.
6. James, William (1909), The Meaning of Truth, Longmans, Green Co., New York, Bombay and Calcutta.
7. James, William (1948), Essays in Pragmatism, Hafner Publishing Co., New York.
8. Muelder, G.W., Sears, Laurence (1940), The Development of American philosophy: A Book of Readings, Boston: Houghton Mifflin.
9. Russell, Bertrand (1994), History of Western Philosophy, Routledge, London.
2. Bochenski, I.M.(1969), Triết học Tây phương hiện đại, Ca Dao xuất bản, Sài Gòn.
3. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng (2009), Triết học Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Lưu Phóng Đồng (2004), Triết học phương Tây hiện đại - Giáo trình hướng đến thế kỷ XXI, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
5. James, William (1907), Pragmatism: A New Name for Some Old Ways of Thinking, Longmans, Green Co., New York, London and Toronto.
6. James, William (1909), The Meaning of Truth, Longmans, Green Co., New York, Bombay and Calcutta.
7. James, William (1948), Essays in Pragmatism, Hafner Publishing Co., New York.
8. Muelder, G.W., Sears, Laurence (1940), The Development of American philosophy: A Book of Readings, Boston: Houghton Mifflin.
9. Russell, Bertrand (1994), History of Western Philosophy, Routledge, London.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Châu Mỹ ngày nay (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ), số 5, 2013.
(**) Charles Sander Peirce được xem là người sáng lập chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của Peirce không được thuận lợi như W.James. Khi còn sống, Peirce là một nhà triết học có tri thức bách khoa nhưng người ta vẫn chưa nhận thức được vị trí quan trọng của ông trong dòng chảy của triết học Mỹ. Phải đến thập niên 1920, tức là sau khi Peirce qua đời, giới học thuật mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu lại các tác phẩm của Peirce và giật mình nhận ra một sự thật rằng Peirce chính là người đã sáng lập chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
(***) Khi luận bàn về vấn đề chân lý, John Dewey cũng có những kiến giải khá tương đồng với William James. Theo Dewey, phán quyết nào đảm bảo tính hiệu quả cho hành động thì đó là phán quyết đúng đắn. Cái gì cho phép giải quyết thành công những tình huống nan giải thì cái đó được công nhận là chân lý. Tuy nhiên, trong các tác phẩm sau này, nhìn chung Dewey không còn mặn mà với thuật ngữ “chân lý” nữa mà thay bằng thuật ngữ “sự khẳng định có cơ sở”.
(**) Charles Sander Peirce được xem là người sáng lập chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của Peirce không được thuận lợi như W.James. Khi còn sống, Peirce là một nhà triết học có tri thức bách khoa nhưng người ta vẫn chưa nhận thức được vị trí quan trọng của ông trong dòng chảy của triết học Mỹ. Phải đến thập niên 1920, tức là sau khi Peirce qua đời, giới học thuật mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu lại các tác phẩm của Peirce và giật mình nhận ra một sự thật rằng Peirce chính là người đã sáng lập chủ nghĩa thực dụng Mỹ.
(***) Khi luận bàn về vấn đề chân lý, John Dewey cũng có những kiến giải khá tương đồng với William James. Theo Dewey, phán quyết nào đảm bảo tính hiệu quả cho hành động thì đó là phán quyết đúng đắn. Cái gì cho phép giải quyết thành công những tình huống nan giải thì cái đó được công nhận là chân lý. Tuy nhiên, trong các tác phẩm sau này, nhìn chung Dewey không còn mặn mà với thuật ngữ “chân lý” nữa mà thay bằng thuật ngữ “sự khẳng định có cơ sở”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét