Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Vai Trò Công Dân

Mục tiêu bài học: Phân tích và định giá các khái niệm khác nhau về tư cách, quyền công dân, và nghĩa vụ công dân
Câu hỏi thảo luận: Theo bạn, quyền nào và nghĩa vụ nào là quyền và nghĩa vụ quan trọng nhất của công dân?
I. Dẫn nhập
Sau khi điểm qua vai trò, chức năng của các định chế chính trị, chính thức lẫn không chính thức, trong bài này chúng ta sẽ nhận định về vai trò của công dân cũng như những bổn phận và nghĩa vụ mà người công dân phải thực hiện đối với bản thân và xã hội.
II. Tư cách và quyền công dân
Con người ta sinh ra và lớn lên tại một nước nào đó, và đương nhiên trở thành công dân của nước đó. Nhưng nếu một người di cư sang sống tại một nước khác, thì tư cách công dân tại nước nhập cư không còn đương nhiên nữa. Người di dân phải tuân hành một số các thủ tục và làm đơn xin nhập quốc tịch để trở thành công dân của nước đó, thí dụ phải cư trú liên tục tại nước đó trong một thời hạn nhất định trước khi đủ tiêu chuẩn nhập tịch. Công dân một nước, do đó, có thể là người sinh đẻ tại nước đó hay là những người đã xin nhập và được chấp thuận quốc tịch; thí dụ, hiến pháp Việt Nam 1992, điều 49, chương V, quy định “công dân nước CHXHCNVN là người mang quốc tịch Việt Nam.”
Như chúng ta đã biết, trở thành công dân một nước chúng ta có được những quyền lợi mà những người thường trú không có được. Một thí dụ là quyền ứng cử và bầu cử của công dân. Trước hết hãy xét xem thế nào là “quyền,” nhất là thế nào là những quyền “tự nhiên” và thế nào là những quyền hiến định.
1. Quyền tự nhiên: Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam năm 1945 đã trích những câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”[1] Điều 3, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (12/1948) cũng xác định “Mọi người có quyền được sống, hưởng tự do, và được an toàn nhân thân.”[2]
Trước khi phân tích các đặc tính của quyền tự nhiên và quyền hiến định, hãy xét qua một số khái niệm về thế nào là quyền. Khái niệm thứ nhất về quyền là được làm những gì không bị đạo lý hay pháp lý ngăn cấm. Hiểu theo nghĩa này những người khác có thể không bị ràng buộc bởi luật pháp hay đạo đức để phải tôn trọng hay đáp ứng quyền này. Thí dụ, ai cũng có quyền theo học đại học, nhưng không có nghĩa là các đại học phải nhận người đó vào học, nếu không hội đủ những yêu cầu đại học đó đòi hỏi. Khái niệm thứ hai là quyền đi đôi với bổn phận; nghĩa là khi ta có “quyền” về một việc gì, thì những người khác vì đạo lý hoặc luật pháp quy định có bổn phận phải đáp ứng quyền đó cho ta, hoặc không được ngăn trở ta hành xử quyền đó. Thí dụ, công dân có quyền được đi bầu, có quyền được sở hữu, hay là được hưởng trợ cấp y tế khi đau yếu hoặc là các dịch vụ công cộng khác do luật pháp quy định. Hiểu theo nghĩa này, quyền của một người hàm ý rằng một số người nào đó có bổn phận phải đáp ứng hoặc không được ngăn trở. Khái niệm thứ ba về quyền là sự phân biệt giữa quyền thuộc về đạo đức và quyền thuộc pháp lý; nghĩa là những quyền thuộc về đạo lý cũng chỉ có thể đòi hỏi một nghĩa vụ đạo lý mà thôi. Thí dụ, cha mẹ có quyền được con cái tôn trọng. Khái niệm thứ tư về các quyền tự nhiên là những quyền mà thiên nhiên cho mỗi con người. Những quyền này không thể bị bất kỳ một thứ quyền nào khác do pháp luật quy định ngăn trở.
a) Quyền Sống: đây là quyền tự nhiên cơ bản nhất của con người. Quyền này hiện hữu với mọi người trong thiên nhiên và cũng không thể bị vi phạm trong xã hội. Chính quyền không thể vô cớ lấy đi mạng sống của một công dân nếu không vì lợi ích và an ninh chung của cả xã hội (án tử hình, chẳng hạn, đối với những tội phạm nguy hiểm của xã hội); cá nhân, cũng vậy, không thể lấy đi mạng sống của người khác, ngoại trừ trường hợp tự vệ chính đáng khi mạng sống của chính mình đang bị đe dọa. Ngay cả trong chiến tranh, người lính có nghĩa vụ phải thi hành nhiệm vụ dù biết trước rủi ro là có thể bị hy sinh tính mạng; nhưng họ không bị buộc phải tự nguyện lao đầu vào chỗ chết (trong những công tác đặc biệt mà khả năng bị hy sinh tính mạng cao, quân đội thường kêu gọi sự tình nguyện của những người lính.)
b) Quyền Tự Do: hiển nhiên đây là quyền không thể chối cãi được và là căn bản của các yếu tố tạo thành con người. Trong trạng thái thiên nhiên, con người là chủ thể của mình và hoàn toàn được tự do trong mọi hoạt động; tuy nhiên, khi đã chấp nhận sống trong xã hội, con người đã đổi sự tự do này lấy sự tự do “hiến định”, nghĩa là “tự do trong trật tự” và hoàn toàn do sự ưng thuận của chính mình chứ không vì một áp lực nào khác bên ngoài. Trong lãnh vực tư, một nhân viên buộc phải vâng lời người chủ, nhưng chỉ vì người nhân viên đó tự nguyện chấp nhận sự điều hành của người chủ; nếu không thích, nhân viên có thể xin nghỉ việc và không cần phải vâng lời người chủ nữa. Về phương diện chính trị, người dân buộc phải tuân theo luật pháp của chính quyền, vì những luật lệ này đã được chính họ, qua các người đại biểu, soạn và thông qua. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp tư nhân, khi không hài lòng với người chủ hay nơi làm việc, nhân viên hoàn toàn tự do nghỉ việc, công dân cũng có thể và có quyền tự do di cư đến đất nước nào chịu chấp nhận họ.
c) Quyền mưu cầu hạnh phúc: cũng như quyền sống, quyền hưởng tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền tự nhiên của mỗi con người, vì bản tính tự nhiên của con người là, trước hết, lo cho sự sinh tồn của chính mình; từ đó con người có quyền cải thiện và làm tốt đẹp hơn điều kiện sinh sống của chính mình. Khi từ bỏ trạng thái thiên nhiên để cùng sống trong xã hội dân sự, quyền mưu cầu hạnh phúc, vẫn là quyền tự nhiên căn bản của con người, nhưng quyền mưu cầu của hạnh phúc của một cá nhân không thể xâm phạm đến quyền này của những người khác. Trong xã hội dân sự, điểm cần lưu ý là mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, và không ai có quyền ngăn cản, nhưng cũng không ai có bổn phận phải giúp đỡ. Chính quyền có thể giúp cho quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân bằng cách bảo đảm tự do và trật tự, cũng như tạo điều kiện để mỗi người phát triển khả năng và tiềm năng của họ tới mức tối đa có thể được, như cung cấp giáo dục phổ thông cho mọi người, và tài trợ cho giáo dục cao hơn.
2. Quyền hiến định: căn cứ trên những quyền tự nhiên này, nhà nước ấn định các quyền do hiến pháp quy định nhằm bảo đảm các quyền tự nhiên trong một trật tự để, trước hết, không cá nhân nào xâm phạm quyền của những cá nhân khác, và nhất là để ngăn ngừa trường hợp nhà nước lạm quyền. Các quyền hiến định gồm có:
a) Tự do cá nhân: là tất cả những quyền thuộc về lãnh vực cá nhân như bản thân, nhà ở, thư từ, vân vân mà nhà nước không được tùy tiện vi phạm. Trong lãnh vực cá nhân này còn có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, hội họp và phát biểu ý kiến, cũng như quyền được để yên. Các quyền này đều được ghi trong hiến pháp của mọi nước. Tại Việt Nam các quyền tự do cá nhân được ghi trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, và trong tu chính 2001 (HP 1992–chương V từ điều 49 đến 82.)[3] Hiến pháp Mỹ ghi nhận các quyền này trong Đạo luật Dân quyền (Bill of rights). Hầu hết hiến pháp các nước đều có những điều khoản bảo đảm các quyền tự do này, như nhà nước không thể bắt giam hay khám xét tư gia của công dân nếu không có trát của tòa (điều 73, Hiến pháp 1992). Thêm vào đó, truyền thống luật pháp Tây phương quan niệm là mọi người đều được coi là vô tội trước pháp luật (presumed innocent) trước khi bị công tố viện chứng minh là có tội, và nhà chức trách chỉ có thể xin trát tòa để khám xét, bắt giam nếu có nguyên cớ khả tín về tội phạm của bị cáo (probable cause), và kết tội nếu có thể chứng minh với tòa bằng những chứng cớ có căn cứ vượt ngoài sự nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt).
b) Tự do chính trị: trong tất cả các quyền tự do cá nhân, những quyền sau đây được coi là quyền tự do chính trị được ghi nhận và bảo vệ trong hiến pháp. Cụ thể là những quyền như được tham dự vào tiến trình chính trị của nhà nước như bầu cử, ứng cử, kiểm soát các viên chức chính quyền (điều 53, HP 1992); quyền khiếu kiện (điều 74); quyền tự do báo chí, tư tưởng, hội họp và biểu tình trong trật tự (điều 69). Đối chiếu với hiến pháp Mỹ, các quyền tự do chính trị được ghi trong Tu chính án số 1, và không chỉ xác nhận những quyền này, mà còn ngăn cấm quốc hội không được ban hành các đạo luật ngăn trở các quyền này.
c) Tự do kinh tế: chính là một hệ luận của quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền tự do kinh tế cho phép người dân được tham gia các hoạt động kinh tế và tư hữu của cải, vật chất trong phạm vi luật định. Khi các nước tây phương bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhất với phát minh máy hơi nước vào đầu thế kỷ 19,[4] các nhà đại tư bản đã thao túng nền kinh tế để trở nên độc quyền trên thị trường, tạo nên khoảng cách giàu nghèo chênh lệch giữa giới chủ và thợ (dẫn đến chủ trương đấu tranh giai cấp của Marx). Tuy nhiên, các nước kỹ nghệ tiên tiến đã nhận thức được sự nguy hiểm của độc quyền thương mại của những tập đoàn kinh tế đối với sinh hoạt kinh tế của cả nước, nên đã ban hành các đạo luật chống độc quyền, như tại Anh rất sớm vào năm 1415, tại Pháp năm 1791, tại Mỹ năm 1890, và tại Đức năm 1958. Trung Hoa năm 1994 bắt đầu soạn thảo luật chống độc quyền, dự thảo thứ nhất được thông qua năm 2003, và vào tháng 8, 2006 vừa chính thức thông qua đạo luật này.[5] Nói một cách khác, tại các nước theo kinh tế thị trường, tư nhân được tự do kinh doanh và làm giàu, nhưng luật pháp tại các nước này cũng rất chặt chẽ trong việc ngăn chặn các vụ cạnh tranh trái phép, “cá lớn nuốt cá bé” của các tập đoàn kinh tế. Trong mấy năm gần đây tại Mỹ, đại công ty Microsoft cũng đã bị kiện vì vi phạm luật chống độc quyền. Các quyền tự do kinh tế tại VN được quy định trong điều 57 và 58 của HP 1992.
III. Nghĩa vụ công dân
Nghĩa vụ là phần việc mà đạo đức hay pháp luật buộc một người phải thi hành. Sống trong xã hội khi mỗi người được hưởng những quyền do pháp luật quy định, thì mỗi người cũng có trách nhiệm thi hành những nghĩa vụ đóng góp trở lại cho xã hội, cho quốc gia. Tại nhiều nước, hiến pháp liệt kê hẳn bao nhiêu nghĩa vụ người công dân phải làm. Tại một số các nước khác, nghĩa vụ công dân được hiểu ngầm trong hiến pháp, như hiến pháp của Mỹ chẳng hạn. Một cách tổng quát, nghĩa vụ công dân có thể được liệt kê sau đây: (1) Trung thành với tổ quốc; (2) tuân theo và thi hành luật pháp quốc gia; (3) đóng thuế; và (4) thi hành nghĩa vụ quân sự.[6]
Trung thành với tổ quốc hiển nhiên là nghĩa vụ trên hết mà người công dân phải thi hành; tuy nhiên, thế nào là trung thành với tổ quốc, và trung thành với tổ quốc có đồng nghĩa với trung thành với chế độ hay không? Đây là một điểm quan trọng thuộc phạm trù luật học, vì nếu không được định nghĩa rõ ràng theo luật pháp, các hành vi bất đồng chính kiến với chế độ sẽ dễ dàng bị quy chụp là phản quốc. Do đó, các nước quy định rõ ràng thế nào là phản quốc trong bộ luật hình sự của mỗi nước. Tại Mỹ, khi tuyên thệ nhậm chức, tổng thống Mỹ không tuyên thệ trung thành với tổ quốc mà thề sẽ bảo tồn, gìn giữ và bảo vệ Hiến pháp, và thực hiện nghiêm chỉnh chức vụ tổng thống của mình.[7] Các kiều dân khi nhập quốc tịch Mỹ cũng phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp và thi hành các nghĩa vụ công dân như tuân theo luật pháp, nghĩa vụ quân sự trong thời chiến, và tất cả các nghĩa vụ công dân khác.
Nói chung, nghĩa vụ công dân của mọi nước hầu như giống nhau và quan trọng như nhau; nhưng có lẽ, nghĩa vụ quan trọng nhất là tham gia vào sinh hoạt xã hội một cách tích cực, từ những công tác xã hội tại địa phương tới các vấn đề xã hội thuộc tầm vóc quốc gia. Các hoạt động này là nền tảng xây dựng một xã hội dân sự sinh động, trong đó không những quyền lợi của công dân được quan tâm, mà nghĩa vụ của cả dân lẫn chính quyền đều được thực thi một cách minh bạch và có trách nhiệm. Trong Khế ước Xã hội, Rousseau viết: “khi công dân không còn quan tâm đến việc phục vụ công ích nữa, và thích phục vụ quốc gia bằng tiền hơn là chính bản thân họ, thì quốc gia đó sắp sửa tiêu vong.”
IV. Kết luận
Quyền sống, hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc là những quyền căn bản và tự nhiên của mọi người, kể từ trạng thái thiên nhiên sang tới xã hội dân sự. Trong một xã hội dân sự, những quyền tự nhiên này vẫn phải được tôn trọng, nhưng trong khuôn khổ của các quyền hiến định để bảo đảm quyền sống của một cá nhân không phương hại đến quyền sống của kẻ khác; quyền mưu cầu hạnh phúc của một cá nhân không tước đoạt quyền mưu cầu hạnh phúc của kẻ khác (luật chống độc quyền, chẳng hạn). Quyền công dân dược minh thị và bảo đảm trong hiến pháp do chính mỗi công dân viết nên (qua đại biểu của mình) không những để thiết lập trật tự xã hội giữa công dân với nhau, mà còn để ngăn chặn sự lạm quyền của nhà nước. Song hành với quyền lợi là trách nhiệm. Người công dân có bổn phận với bản thân đã đành mà còn có nghĩa vụ đóng góp, và tham gia các công tác xã hội, như đóng thuế, đi quân dịch, vân vân, nhưng hơn thế nữa là thái độ tích cực dự phần vào sinh hoạt xã hội. Những hoạt động công dân như vậy sẽ là nền tảng xây dựng một xã hội dân sự ổn định và sinh động.
© Học Viện Công Dân 2006
Ghi Chú:
[1] “Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam” trên trang web của Văn phòng Chính phủ VN tại:http://www.na.gov.vn/vietnam/tuyenngon.htm
[2] Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền tại:http://www.un.org/Overview/rights.html
[3] Hiến pháp 1946: http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nqnqnqn31n343tq83a3q3m3237nvn

Hiến pháp 1959: http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nqnqn4n31n343tq83a3q3m3237nvn

Hiến pháp 1980: http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nqn4n0n31n343tq83a3q3m3237nvn
Hiến pháp 1992: http://www.na.gov.vn/vietnam/hienphap.html
[4]Cách mạng kỹ nghệ lần thứ nhất bắt đầu bằng sự phát minh ra máy hơi nước vào đầu thế kỷ 19, chuyển sang cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai với sự sáng chế ra máy nổ và điện khí vào khoảng giữa thế kỷ 19, và cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, còn goị là cuộc cách mạng tin học, xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 20.
[5]Đạo luật của Anh thông qua năm 1415 sau vụ xử án Dyer; đạo luật của Pháp mang tên Anti-Cartel ban hành năm 1791; đạo luật của Mỹ mang tên Sherman Act 1890. Đức là một trong những nước kỹ nghệ đầu tiên của Âu châu; trong cả hai cuộc Thế chiến, tài phiệt và tập đoàn kỹ nghệ đứng đàng sau chính quyền nên được luật pháp ưu đãi. Sau khi Đức thua Đệ nhị Thế chiến và khi Tây Đức (1949-1990) được thành lập, kinh tế Tây Đức đứng vào hàng các nước tiên tiến, và chỉ mới ban hành luật chống độc quyền năm 1958.
[6]Nghĩa vụ công dân của Việt Nam được quy định trong các điều sau của Hiến pháp 1992: 55, 59, 78, 79, và 80.
[7]Lời tuyên thệ này được ghi trong Điều 2, Phần 1 của Hiến pháp Mỹ.
(R) HVCD/ICEVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét