Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

KỸ NĂNG GIÁO DỤC (ge-tvl.com)

KỸ NĂNG GIÁO DỤC


Tất cả mọi người trong xã hội đều đã, đang hoặc sẽ làm Anh, làm Chị, làm Cha, làm Mẹ, làm Ông, làm Bà, trong số họ cũng có người làm Chủ, hoặc làm nghề Dậy Học. Bản thân những vai trò này đã xác định chức năng giáo dục của họ.  Vì vậy, tất cả đều cần phải trang bị cho mình KỸ NĂNG GIÁO DỤC để hoàn thành nhiệm vụ.




Sống là một quá trình tiến hoá, các sinh vật phải tự trang bị kinh nghiệm cá nhân cho mình để có thể tồn tại và phát triển. Do nhu cầu truyền giống để sinh tồn, các sinh vật cũng truyền lại kinh nghiệm cá nhân của mình cho những thế hệ nối tiếp; hành động này chúng ta gọi là “dây dỗ”. Ở trình độ tiến hoá cao nhất trong các sinh vật trên hành tinh này, con người tổ chức dậy dỗ một cách có hệ thống, gọi là Giáo Dục.
 Giáo Dục là một trong trong những vấn đề trọng đại, cốt lõi quyết định sự tiến thoái, sống còn của loài người. Giáo dục là nguyên nhân cơ bản của tất cả những nguyên nhân tạo nên tình trạng con người và xã hội. Nó là một vấn đề vừa rộng vừa sâu, đến mức mỗi một khía cạnh của  Giáo Dục phải được nâng lên tầm “vấn đề quốc gia” thì mới có thể giải quyết tương đối thoả đáng và tương xứng với tầm mức quan trọng của nó. Nó phải được nghiên cứu, lên kế hoạch, giải quyết mọi vấn đề trong bối cảnh chung  phù hợp và đồng bộ với mọi ngành hoạt động khác.

rong lãnh vực Giáo Dục, chúng ta chỉ có thể đào tạo các nhân tài, còn thiên tài thì phải tuỳ thuộc vào “tố chất” bẩm sinh của mỗi người quyết định. Kỹ Năng Giáo Dục là một trong những chìa khoá chính của Giáo Dục, đây  là giai đoạn cơ bản ban đầu .  Chúng ta có thể hướng dẫn phổ biến cho mọi người để sau đó, tuỳ thuộc vào năng lực và nỗ lực của mỗi cá nhân mà họ có thể phát triển thành Nghệ Thuật Giáo Dục.
Trong khuôn khổ hạn chế của trang mục này mục đích chúng ta muốn đạt được là  thái độ chịu tiếp thu một cách tích cực của người học,  thuộc cả hai lãnh vực Được giáo dục và Tự giáo dục.
Về nội dung: Khi nói đến Giáo Dục, thường ta thường nghĩ ngay đến nhà trường, Thầy Cô giáo, sách giáo khoa, là chủ yếu. Nói cách khác Giáo Dục gần như được gắn chặt với khái niệm trường lớp, người dậy, nội dung và chương trình truyền thụ …Chúng ta hầu như quên đi tiếng ru con đầu đời của mẹ :

Ầu ơ,
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học
Ầu ơ,
Mẹ đi trường đời.

Lời ru nhắc nhở chúng ta rằng xã hội là một môi trường để học và ứng dụng cái học ở nhà trường. Môi trường học này khó khăn, khắc nghiệt và tàn nhẫn, vì mỗi lần “không thuộc bài” chúng ta không bị ai bắt quỳ gối, chép phạt hay đánh đòn; nhưng cuộc sống có những bài học mà chúng ta phải tự tìm ra mà học lấy, tự thuộc lòng để tránh sai lầm, vì cái giá phải trả có khi là sức khoẻ, tiền bạc, tình yêu hay sự nghiệp, thậm chí là cả mạng sống của một đời người.
Như vậy, nội dung Giáo dục không chỉ nằm ở trong nhà trường mà còn cả ở ngoài xã hội.

Vấn đề bức xúc của chúng ta hiện nay là, trong gia đình cha mẹ không dậy bảo được con cái, anh chị không hướng dẫn được các em. Ngoài xã hội, thầy, cô giáo không còn uy lực với học trò, trường lớp không đủ sức giữ chân trẻ nhỏ, các em bỏ học không chỉ vì lý do nghèo khó !

Nếu ở trong học đường, chúng ta không cần quan tâm mấy đến sự “bướng bỉnh” của các bạn trẻ, bởi kỷ luật học đường, hệ thống giáo dục chính quy với bằng cấp và sự công nhận của xã hội, đã là ‘con tem’ bảo đảm cho việc giáo dục. Sự “ngang ngạnh” của một số cá thể bị mài mòn, chặn đứng trong tập thể. Họ bị buộc phải học hành, đỗ đạt vì tương lai cuộc sống của chính bản thân mình. Nhưng, giáo dục ngoài học đường với đề tài thuộc các lãnh vực khác, nhất là những chủ đề nhậy cảm, tuỳ thuộc nhiều vào sự chọn lựa cá nhân như Tình Yêu, Hôn Nhân, Nghề Nghiệp,  hay Quan Điểm Sống,… người dậy không dễ thuyết phục được đối tượng của mình, nếu như đó là ý kiến trái chiều nhau.

Tại sao chúng ta thường thất bại trong việc giáo dục “ngoài học đường”? Lý do đơn giản là : Nhà Trường là tiếng nói chính thức của Giáo Dục, nhưng những vấn đề như vậy không được chính thức hoá thành các bộ môn cần học tập ở nhà trường. Mọi quan điểm về các vấn đề này đều bỏ ngỏ, không có kết luận đúng sai xấu tốt cho bất kỳ  quan điểm nào. Do sự bỏ ngỏ này, “hươu” tự chạy không cần ai vẽ đường, mà nếu có vẽ đường, hươu không thích cũng chạy theo đường khác.
Điều nhận định trước tiên ở đây, là sự khiếm khuyết trong nội dung giáo dục nhà trường của loài người. Giáo dục chính quy bỏ trống quá nhiều vấn đề quan trọng của con người, nên họ buộc lòng phải đi theo những “loại hình giáo dục” không chính quy khác ngoài nhà trường như các phong trào, các xu hướng, các quan điểm đang được mọi người hưởng ứng, dư luận xã hội v.v... Với các loại hình giáo dục kiểu này, thì sự chính chắn và đúng đắn rất là…may rủi !

Đối với những lãnh vực còn bỏ ngỏ, nhà trường chỉ nêu ra những khẩu hiệu rất “chung chung” là phải làm điều đúng, điều tốt mà không đưa ra được những định nghĩa và  quy chuẩn cụ thể rõ ràng.(thế nào là đúng, thế nào là tốt)
Định nghĩa và quy chuẩn là những yếu tố vô cùng quan trọng để xác định một từ ngữ. Thiếu hai yếu tố này, mỗi xã hội, mỗi địa phương, mỗi cá nhân đều có thể có những tiêu chuẩn của riêng mình. Cũng giống như người lưu thông trên đường, kẻ ngược người xuôi, nhưng ai cũng thấy mình đi…bên phải, kẻ ngược lại với mình đang đi…bên trái !
( Chúng ta thấy điều này càng rõ nếu nghĩ về những cuộc Thánh Chiến. Các địch thủ lao vào nhau trong một cuộc hỗn chiến quyết liệt và không mệt mỏi để phụng sự cho lý tưởng cao đẹp (theo định nghĩa và quy chuẩn của riêng mỗi bên). Nếu họ có chung một tiếng nói về “Lý Tưởng Cao Đẹp” chắc chắn họ đã không đánh nhau một cách mòn mỏi như thế !)

Trở lại nội dung giáo dục ngoài học đường, những người có nhiệm vụ giáo dục như Cha, Mẹ, Anh, Chị khó lòng dậy dỗ Con, Em mình bởi những lý do sau:

§ Người học không yêu thương  hay kính trọng người dậy
§  Người học không đủ tin tưởng ở uy tín, năng lực người dậy
§ Ảnh hưởng giáo dục “ngoài luồng” mạnh hơn người dậy
§ Người học chống đối quan điểm người dậy bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau

Đối với việc Giáo Dục, chúng ta phải quan niệm đây là cuộc chiến đấu giữa người dậy và người học. Giáo dục chỉ thành công khi người dậy thuyết phục được người học theo mình.
Muốn thành công trong giáo dục “những vấn đề nhà trường còn bỏ ngỏ”; trước nhất, người dậy phải xác định tính đúng đắn của nội dung giảng dạy  theo các tiêu chuẩn sau:

§ Phù hợp với lợi ích chung của loài người
§ Phù hợp với tính công bằng và nhân đạo
§ Phù hợp với đạo đức bản thân và xã hội
§ Phù hợp với trình độ tiến hoá của thời đại.

Vì, thành công trong việc giáo dục đúng hướng đem lại sự thành công bền vững trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống, nên, chúng tôi CHỈ ủng hộ những nội dung giảng dậy tuân theo bốn tiêu chí vừa được nêu lên.

Bí Quyết Giáo Dục là những kinh nghiệm cụ thể sống động về Giáo Dục đem lại hiệu quả thực tế nhưng chưa được phổ biến rộng rãi để cùng thực hiện. Chúng tôi sẽ trình bày ở đây để nó trở thành biện pháp chung của xã hội khi cần đối trị với những trường hợp ngang bướng, lì lợm, khó dậy  để chúng ta hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình.
Nguyên tắc của tất cả mọi bí quyết là dựa trên những đặc điểm tâm lý phổ biến của con người. Theo đó, chúng ta có những “chiến thuật” sau:

1.    Chiến thuật “LÙA VỊT”
2.    Chiến thuật “LỪA PHỈNH”
3.    Chiến thuật “DỤ DỖ”
4.    Chiến thuật “KÉO-ĐẨY”
5.    Chiến thuật “ĐẢ THẢO KINH XÀ”.

Chúng ta có thể dùng các chiến thuật trong những tình huống và đối tượng khác nhau, có khi phải phối hợp nhiều chiến thuật cùng lúc hay trong từng giai đoạn của giáo dục.

http://www.ge-tvl.com/?php=product&cat=220#.VgKMBtKqqkp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét