Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Tưởng tượng quan trọng hơn tri thức, tri thức giới hạn ta trong tất cả những gì ta hiểu và biết, còn tưởng tượng bao quát toàn bộ thế giới và tất cả những gì sẽ được hiểu và biết”. Với trí tưởng tượng siêu đẳng và trực giác bẩm sinh, Einstein đã làm đổ vỡ nền móng của vật lý cổ điển bằng lập luận khoa học xác đáng phủ nhận hai cái tuyệt đối của vật lý cổ điển (không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối) bằng Thuyết tương đối bất hủ của mình.
Khoa học đã chứng minh rằng, những hình ảnh được lưu trữ trong não bộ không phân biệt giữa hình ảnh do tưởng tượng hay do quá trình trải nghiệm thực tế. Bạn có thể thay đổi, hiệu chỉnh và sửa sai trong quá trình hình dung, tưởng tượng mà không tốn bất kỳ một khoản chi phí nào. Đồng thời bạn cũng có thể kiểm soát những hình ảnh được lưu trữ trong tâm trí. Bạn có thể tưởng tượng ra bất kỳ điều gì mà mình thích. Vận dụng ưu điểm này, bạn có thể rèn luyện một số kỹ năng nhờ vào hình dung tưởng tượng. Ví dụ: bạn muốn rèn luyện kỹ năng thuyết trình. Bạn hãy tưởng tượng ra bức tranh toàn cảnh của buổi thuyết trình “Số lượng khán thính giả rất đông. Bạn diễn thuyết quá thuyết phục, tất cả mọi người chăm chú lắng nghe bạn nói, họ có những biểu hiện cảm xúc giống như những gì bạn mong đợi. Bạn di chuyển và làm chủ khán thính phòng. Các thiết bị trong phòng đầy đủ, hỗ trợ tốt buổi thuyết trình…” Khi hình dung tưởng tượng, bạn phải luôn gắn liền hình ảnh, màu sắc và cảm xúc của buổi thuyết trình. Nếu thường xuyên hình dung như vậy, khi tiếp xúc với thực tế bạn sẽ cảm thấy mọi thứ rất đỗi quen thuộc, mà không còn hồi hộp hay lo sợ nào cả.
Những người thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng thường xuyên sử dụng kỹ năng hình dung tưởng tượng của mình. Một số ca sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng trên thế giới đã hình dung ra chính xác những gì mà họ sẽ thể hiện khi thi đấu hay khi biểu diễn. Thậm chí với những công việc phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao như phẫu thuật cơ thể con người thì hình dung tưởng tượng cũng mang lại giá trị. Một bác sĩ phẫu thuật đã nói: “Trước khi tiến hành một ca mổ lớn, tôi đã cho chạy “một bộ phim nháp” trong đầu về cảnh mình sẽ thực hiện từng bước ra sao. Tôi hình dung từ nhát rạch dao đầu tiên đến mũi khâu cuối cùng. Trong quá trình tưởng tượng nếu gặp phải một khó khăn đột xuất, tôi liền nghiên cứu thêm để xử lý chuyện đó. Đó là phương cách cực kỳ quan trọng vì nó giúp tôi tin tưởng và an tâm khi tiến hành phẫu thuật”.
Trích từ "Thấu hiểu & Phát triển Bản thân"
___________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét