Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Lãnh thổ thực của Trung Quốc hình thành như thế nào?

Lãnh thổ thực của Trung Quốc hình thành như thế nào?
Nền văn minh cổ đại của Trung Quốc xuất hiện sớm nhất và ổn định lâu dài trên lưu vực sông Hoàng Hà. Vào thời khuyết sử, các bộ tộc, bộ lạc và liên minh bộ lạc trong quá trình gặp gỡ, đồng tồn tại, tiêu diệt và thôn tính lẫn nhau, thì chưa thể xác định lãnh thổ cụ thể được. Trên cơ sở cư trú hoàn toàn tự nhiên thì lãnh thổ của nền văn minh đó là lưu vực sông Hoàng Hà.
Qua hết Tam Hoàng, Ngũ Đế, trải qua nhà Hạ, nhà Thương, cho đến Tây Chu, lãnh thổ của quốc gia cổ đại này chưa mở rộng khỏi lưu vực sông Hoàng Hà.
Trong thời Chu, ở lưu vực sông Trường Giang, nhiều bộ tộc cư trú ở đó độc lập phát triển đã hình thành nên các quốc gia của họ, tiêu biểu là các nước Sở, Ngô và Việt. Sử kí của Tư Mã Thiên còn ghi rõ rằng giai đoạn đầu nước Sở ở phương Nam vì không phải là đất phong của nhà Chu nên không tôn Chu, đã “tiếm hiệu” xưng vương và sai người đến hỏi đỉnh nhà Chu nặng nhẹ ra sao. Chi tiết này rất quan trọng vì nó chỉ ra tính chất độc lập rõ rệt của các nước vùng lưu vực sông Trường Giang mà nước Sở là đại diện trong dấu hiệu tranh giành thiên hạ với nhà Chu.
Trải qua thời Xuân Thu – Chiến Quốc, khi nước Ngô, nước Việt dần dần lớn lên, thay nhau làm bá chủ chư hầu, đến Việt Vương Câu Tiễn sau khi đánh bại Ngô Vương Phù Sai và thôn tính nước Ngô thì có thể nói đến một khu vực ổn định thứ hai trong quá trình hình thành lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên câu chuyện Khuất Nguyên và lòng yêu nước của ông đã chỉ ra một cách hiển nhiên tính chất độc lập trong ý thức của cư dân vùng thứ hai đó.
Phải tới Tần Thuỷ Hoàng, lần đầu tiên Trung Quốc mới đạt tới một sự thống nhất thực sự về lãnh thổ. Đương nhiên những vùng đất phía Nam, Tây Nam, Bắc, Tây Bắc và Đông Nam Trung Quốc ngày nay đều nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Thuỷ Hoàng đế. Cũng trong đời Tần Thuỷ Hoàng, xuất hiện một lời tâu của Vương Quán, Phùng Kiếp và Lý Tư: “Ngũ đế ngày xưa, đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của Man Di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không sao cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh… bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ tới nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng” [2] . Cả việc lấy hiệu là “Thuỷ Hoàng đế” cũng chứng tỏ rằng đó là vị vua đầu tiên thực sự có sự chi phối đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cổ đại.
Bắt đầu từ thời kỳ này trở đi, các vua chúa Trung Quốc có ý thức tự giác mở rộng quyền kiểm soát của vương triều ra các vùng đất mới khác. Về mặt hành chính, từ Tần-Hán, diễn ra một quá trình quận huyện hoá đối với các vùng đất ổn định và quá trình thần thuộc hoá đối với các vùng đất xa lạ không kiểm soát trực tiếp được. Đối với các vùng đất “xa ngoài Ngũ Lĩnh”, tứ di, nghĩa là các vùng đất mà cư dân không phải là người Hoa và chế độ hành chính không thể quận huyện hoá được, các hoàng đế Trung Quốc đặt ra lệ triều cống, buộc chính quyền ở các vùng đó xưng thần, chấp nhận uy quyền của “thiên triều”. Để làm được điều đó, họ sử dụng cả hai phương thức: gia ân và thị uy, hai thủ đoạn muôn thuở, kinh điển của “nghệ thuật thống trị”. Có thể nói đây là hình thái không hoàn chỉnh, tuy nhiên, lại sớm nhất trên thế giới của chủ nghĩa thực dân của các đế chế Trung Hoa phong kiến. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chủ quyền quốc gia của các bộ tộc, các vùng cư dân xung quanh đã nổ ra quyết liệt và dần dần thu được thắng lợi triệt để. Các vùng đó hình thành các quốc gia hoàn chỉnh và được chính hoàng đế Trung Quốc thừa nhận (các sắc phong cho vua Việt Nam, vua Triều Tiên v.v. đều có chữ “quốc vương”). Để có thể sống yên ổn bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc nên tất cả các nước này đều buộc phải triều cống, phải xưng thần, tuy không bao giờ nhà nước và cư dân các vùng đó coi đất mình là đất Trung Quốc, cư dân mình là cư dân Trung Quốc cả.
Nhưng lịch sử đã không diễn ra chỉ một chiều: sự “đe nẹt” một chiều của các vua chúa Trung Quốc, mà ngược lại, lục địa Trung Hoa liên tiếp là bãi chiến trường của các quốc gia kế cận: các bộ tộc bị coi là di, địch liên tiếp tổ chức nhiều đợt tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc nhất là các bộ tộc, các quốc gia phía Bắc, và rất nhiều trường hợp, các vua chúa Trung Quốc đành “buông xuôi xã tắc”. Điển hình nhất là sự thống trị của nhà Nguyên và nhà Mãn Thanh. Về phương diện lãnh thổ, chính sự thống trị của hai triều đại này đã đưa lại một sự mở rộng thêm và củng cố sự ổn định của lãnh thổ Trung Quốc, và hai vị hoàng đế có công nhất trong lịch sử Trung Quốc về phương diện này chính là hai ông vua ngoại tộc: Hốt Tất Liệt (triều Nguyên) và Khang Hi (triều Mãn Thanh).
Trải qua gần ba chục thế kỷ thịnh suy trị loạn đắp đổi về lãnh thổ, Trung Quốc có một số đặc điểm:
1. Có một vùng là cái nhân ổn định, đó là lưu vực hai con sông nói trên. Trong vùng này, tình trạng cát cứ là thường trực. Tuy có sự thống nhất về danh nghĩa, mà trên thực tế là không thể giải quyết được mâu thuẫn nội tại. Cơ cấu hành chính Trung Quốc mặc dù có chấn chỉnh thay đổi một số lần đã không có cách gỡ khắc phục tình trạng đó. Lịch sử Trung Quốc có vô số những cuộc bạo loạn, cuộc khởi nghĩa ở bất kì vùng nào trong cái nhân đó, nhằm chống lại chính quyền trung ương, và tình trạng giằng co níu kéo nhau đó, cái trạng thái cân bằng kì quặc và mong manh đó chưa hề được giải quyết một lần nào đáng kể. Do kết cấu đặc thù của một xã hội nông nghiệp ở một khu vực rộng lớn mà không có một cuộc xáo động dân cư nào đáng kể, do trình độ phát triển hết sức hạn chế và què quặt của chính quyền chuyên chế, nên hiện thời ở Trung Quốc còn tồn tại 49 phương ngữ trong một dân tộc Hán, mà những người sử dụng các phương ngữ khác nhau lại phải thông qua dịch thuật mới hiểu nhau, nên đã có nhiều người cho rằng đó là các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Bắc Kinh (tiếng phổ thông) không trở thành tiếng nói của đa số cư dân Trung Quốc. Cả 4 tiêu chuẩn kinh điển để khảo sát sự hình thành quốc gia dân tộc (L’ Etat- national) đều khiếm khuyết, dang dở, vị thành niên và vị thành niên một cách nghiêm trọng.
2. Chưa bao giờ có đường biên giới xét trên toàn cục. Chỉ có ở một số vùng, đường biên giới được hoạch định bằng các văn kiện nhà nước, trong đó các đoạn biên giới vì nhiều lí do mà được tạo ra sớm nhất, có sự ổn định tương đối và lâu dài nhất ấy có biên giới Trung Quốc – Việt Nam. Chính sử Trung Quốc cũng như chính sử Việt Nam đều ghi lại nhiều lần ở các triều đại khác nhau từ Lý, Trần cho đến nhà Nguyễn về sự kiện sứ bộ của hai nước đàm phán để hoạch định rõ ràng cương vực giữa hai nước và sự khẳng định về tính chất độc lập, rõ ràng về phương diện lãnh thổ đã thấm nhuần vào thơ văn, vào sử sách từ thời Lý Thường Kiệt cho tới Nguyễn Trãi, từ Trần Quốc Tuấn tới Ngô Thì Nhậm, tới tận ngày nay. Trong thời kì phong kiến, văn bản pháp lí cuối cùng có giá trị lịch sử là hiệp định biên giới kí kết giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh. Mặc dù từ xưa đến nay, các chính thể ở Trung Hoa không muốn có biên giới – mà lý do chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau – thì trên thực tế đường biên giới lịch sử đã được tạo ra và dần dần ổn định ở từng giai đoạn một. Nhưng cho đến tận thời kì Thanh Mạt, Trung Quốc vẫn chưa ổn định lãnh thổ của mình và giữ nguyên tình trạng đó, Trung Quốc bước vào thời kì cận hiện đại, bị các nước đế quốc thực dân phương Tây xâu xé, bị các nhóm quân phiệt khác nhau tranh hùng, cát cứ. Từ thời nhà nước Quốc dân Đảng trở đi, đã xuất hiện nhiều tấm bản đồ như ta đã biết.
3. Từ năm 1949 trở đi, khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, có hai nhu cầu khách quan về lãnh thổ, đó là việc thống nhất quốc gia (giải phóng Đài Loan cùng những thành phố nhượng địa như Ma Cao, Hương Cảng và tổ chức hành chính lại ở bên trong nội địa Trung Quốc), và việc hoạch định biên giới với tất cả các nước láng giềng. Rất nhiều hiệp định biên giới được kí kết và nhiều tuyên ngôn về lãnh thổ được công bố, trong đó có thể nêu lên những tuyên bố long trọng của Chu Ân Lai tại hội nghị Băng Đung năm 1955 và nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng khác giữa chính phủ Trung Quốc với các nước kế cận, trong đó nổi bật một nguyên tắc là chấp nhận đường biên giới lịch sử. Thế nhưng, sau ba mươi năm, cả hai vấn đề đã không được giải quyết: những phát ngôn về lãnh thổ của Trung Quốc rất thất thường, mâu thuẫn, và trong hoạt động thực tiễn, Trung Quốc đã gây xung đột với hầu khắp các nước, trong đó đã gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Miến Điện, Afghanistan, Liên Xô, Mông Cổ, Việt Nam, nghiêm trọng nhất là chiến tranh Trung – Ấn 1962, Trung – Xô 1969 và Trung – Việt 1979. Không nghi ngờ gì nữa, tình trạng “vị thành niên” về mặt lãnh thổ của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, cả bên trong lẫn bên ngoài, và trong tình hình thế giới hiện đại, Trung Quốc vẫn là nước phải gấp rút hoàn thành nhiều công việc về lãnh thổ phức tạp, vấn đề là họ sẽ hoàn thành theo hướng nào. Phải nói rằng trong thời kì Trung Hoa Dân quốc và thời kì Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tồn tại, người cầm quyền của các nhà nước này đã, vì nhiều nguyên nhân, mở rộng địa bàn kiểm soát ra một số vùng đất không thuộc lãnh thổ Trung Quốc trước kia, và trong cuộc chiến tranh Trung – Ấn, Trung Quốc đã chiếm một vùng đất khá lớn vốn trong truyền thống thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Ai cũng biết Trung Quốc vẫn còn nan giải trong việc hợp pháp hoá những vùng họ chiếm đóng trái phép đó. Có thể nói nhiều vùng khác trên đất Trung Quốc hiện thời không cùng lịch sử với vùng đất ổn định. Trong lịch sử, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc bị áp bức, bị chà đạp, bị bóc lột và bị coi rẻ, bị làm nhục. Số phận các dân tộc ít người ở Trung Quốc hiện nay cũng đang chưa thoát khỏi tình trạng nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc đó và cuộc đấu tranh cho sự hoà hợp bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn là vấn đề thời sự Trung Quốc hiện nay.
VĂN MINH TRUNG QUỐC
Lãnh thổ Trung Quốc ngày nay rộng mênh mông nhưng Trung Quốc thời cổ đại nhỏ hơn bây giờ nhiều. Địa hình Trung Quốc đa dạng, phía Tây có nhiều núi và cao nguyên, khí hậu khô hanh, phía đông có các bình nguyên châu thổ phì nhiêu, thuận lợi cho việc làm nông nghiệp.
Trong hàng ngàn con sông lớn nhỏ ở Trung Quốc, có hai con sông quan trọng nhất là Hoàng Hà và Trường Giang (Dương Tử). Hai con sông này đều chảy theo hướng tây-đông và hàng năm đem phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng ở phía đông Trung Quốc.
Trung Quốc gồm nhiều dân tộc nhưng đông nhất là người Hoa-Hạ. Người Hoa ngày nay tự cho tổ tiên họ gổc sinh sống ở ven núi Hoa thuộc tỉnh Thiểm Tây và sông Hạ thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay.(Dân núi Hoa sông Hạ).
Trong gần 100 dân tộc hiện sinh sống trên đất Trung Quốc ngày nay, có 5 dân tộc đông người nhất là Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng.
Con người đã sinh sống ở đất Trung Quốc cách đây hàng triệu năm. Dấu tích người vượn ở hang Chu Khẩu Điếm ( gần Bắc Kinh) có niên đại cách đây hơn 500 000 năm. Cách ngày nay khoảng hơn 5000 năm, xã hội nguyên thuỷ ở Trung Quốc bước vào giai đoạn tan rã, xã hội có giai cấp, nhà nước ra đời.
Giai đoạn đầu, lịch sử Trung Quốc chưa được ghi chép chính xác mà chỉ được chuyển tải bằng truyền thuyết. Theo truyền thuyết, các vua đầu tiên của Trung Quốc là ở thời kì Tam Hoàng ( Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông ) và Ngũ Đế ( Hoàng đế, Cao Dương đế, Cốc đế, Nghiêu đế, Thuấn đế ). Theo các nhà nghiên cứu, thực ra đây là giai đoạn cuối cùng của thời kì công xã nguyên thuỷ.
Thời Tam đại ở Trung Quốc trải qua ba triều đại:
Nhà Hạ từ khoảng thế kỉ XXI - XVI TCN. Nhà Thương ( còn được gọi là Ân-Thương) từ thế kỉ XVI - XI TCN. Nhà Chu về danh nghĩa từ thế kỉ XI - III TCN, nhưng thực chất nhà Chu chỉ nắm thực quyền từ thế kỉ XI TCN đến năm 771 TCN ( thời Tây Chu ). Còn từ năm 771, ( sau loạn Bao Tự ) đến năm 221 TCN, Trung Quốc ở vào thời loạn. Giai đoạn lịch sử này được ghi lại trong hai bộ Xuân thu sử và Chiến quốc sách.
Thời phong kiến:
Nhà Tần ( 221-206 TCN): Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đánh bại các nước khác thời Chiến quốc, thống nhất đất nước, tạo điều kiện thống nhất chữ viết, đo lường, tiền tệ.
Nhà Hán ( 206 TCN - 220 ): Lưu Bang lập nên nhà Hán. Giai đoạn đầu, nhà Hán đóng đô ở phía tây Trung Quốc - Tây Hán. Sau loạn Vương Mãng, nhà Hán dời đô sang phía đông - Đông Hán.
Thời Tam quốc (220 - 280 ), đây là thời kì Trung Quốc bị chia xẻ ra làm ba nước Nguỵ, Thục, Ngô.
Nhà Tấn ( 265 - 420 ). Năm 265, cháu Tư Mã Ý ( tướng quốc nước Nguỵ ) là Tư Mã Viêm bắt vua Nguỵ phải nhường ngôi, lập ra nhà Tấn.
Nam - Bắc triều ( 420 - 581 ). Thời kì này, Trung Quốc lại chia làm hai triều đình riêng biệt, đến năm 581 Dương Kiên mới thống nhất lại được.
Nhà Đường ( 618 - 907 ), đây là thời kì phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Thời kì Ngũ đại - Thập quốc ( 907 - 960 ), hơn 50 năm này lại loạn lạc , ở miền Bắc có 5 triều đại kế tiếp nhau tồn tại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Tần, Hậu Chu ). Ở miền Nam chia thành 9 nước đó là: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở Mãn, Nam Bình, (và một nước nữa chưa rõ tên ).
Nhà Tống ( 960 - 1279 ). Giai đoạn đầu nhà Tống đóng đô ở phía bắc ( Bắc Tống ), sau bị bộ tộc Kim tấn công quấy phá phải chạy về phía nam ( Nam Tống ). Đến năm 1279 thì bị nhà Nguyên diệt.
Nhà Nguyên ( 1279 - 1368 ). Sau khi diệt Tây Hạ, Kim, Nam Tống, Hốt Tất Liệt thống nhất toàn bộ Trung Quốc và lập ra nhà Nguyên.
Nhà Minh ( 1368 - 1644 ). Năm 1368, Chu Nguyên Chương đã lãnh đạo người Hoa khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Nguyên, lập ra nhà Minh.
Nhà Thanh (1644 - 1911 ). Người Mãn vốn là một nhánh của tộc Nữ Chân, năm 1636 họ lập nước Thanh. Năm 1644, nhân sự loạn lạc ở vùng Trung Nguyên, người Mãn đã kéo quân vào đánh chiếm Bắc kinh, lập ra triều đại cuối cùng của phong kiến Trung Quốc.
Những thành tựu chủ yếu của văn minh Trung Hoa
Trung Quốc là một trong những nơi xuất hiện nền văn minh sớm thời cổ -trung đại. Văn minh Trung Hoa thời cổ-trung đại có ảnh hưởng rất lớn tới các nước phương Đông.
Chữ viết:
Từ đời nhà Thương, người Trung Hoa đã có chữ Giáp cốt được viết trên mai rùa, xương thú, được gọi là Giáp cốt văn. Qua quá trình biến đổi, từ Giáp cốt văn hình thành nên Thạch cổ văn, Kim văn. Tới thời Tần, sau khi thống nhất Trung Quốc, chữ viết cũng được thống nhất trong khuôn hình vuông được gọi là chữ Tiểu triện.
Văn học:
Kinh thi là tập thơ cổ nhất ở Trung Quốc do nhiều tác giả sáng tác thời Xuân-Thu, được Khổng tử sưu tập và chỉnh lí. Kinh thi gồm có 3 phần: Phong, Nhã, Tụng.
Thơ Đường là thời kì đỉnh cao của nền thơ ca Trung Quốc. Trong hàng ngàn tác giả nổi bật lên ba nhà thơ lớn đó là Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.
Tới thời Minh-Thanh, tiểu thuyết lại rất phát triển với các tác phẩm tiêu biểu như: Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, Thuỷ hử của Thi Nại Am, Tây du kí của Ngô Thừa Ân, Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần...trong đó Hồng lâu mộng được đánh giá là tiểu thuyết có giá trị nhất.
Sử học:
Người Trung Hoa thời cổ rất có ý thức về biên soạn sử. Nhiều nước thời Xuân-Thu đã đặt các quan chép sử. Trên cơ sở quyển sử nước Lỗ, Khổng Tử đã biên soạn ra sách Xuân Thu.
Tới thời Hán, Tư Mã Thiên là một nhà viết sử lớn đã để lại tác Phẩm Sử kí, chép lại lịch sử Trung Quốc gần 3000 năm, từ thời Hoàng Đế đến thời Hán Vũ Đế.
Tới thời Đông Hán, có các tác phẩm Hán thư của Ban Cố, Tam quốc chí của Trần Thọ, Hậu Hán thư của Phạm Diệp .
Tới thời Minh-Thanh, các bộ sử như Minh sử, Tứ khố toàn thư là những di sản văn hoá đồ sộ của Trung Quốc.
Khoa học tự nhiên và kĩ thuật:
Toán học:
Người Trung Hoa đã sử dụng hệ đếm thập phân từ rất sớm. Thời Tây Hán đã xuất hiện cuốn Chu bễ toán kinh, trong sách đã có nói đến quan niệm về phân số, về quan hệ giữa 3 cạnh trong một tam giác vuông.
Thời Đông Hán, đã có cuốn Cửu chương toán thuật, trong sách này đã nói đến khai căn bậc 2, căn bậc 3, phương trình bậc1, đã có cả khái niệm số âm, số dương.
Thời Nam-Bắc triều có một nhà toán học nổi tiếng là Tổ Xung Chi, ông đã tìm ra số Pi xấp xỉ 3,14159265, đây là một con số cực kì chính xác so với thế giới hồi đó.
Thiên văn học:
Từ đời nhà Thương, người Trung Hoa đã vẽ được bản đồ sao có tới 800 vì sao. Họ đã xác định được chu kì chuyển động gần đúng của 120 vì sao. Từ đó họ đặt ra lịch Can-Chi. Thế kỉ IV TCN, Can Đức đã ghi chép về hiện tượng vết đen trên Mặt trời. Thế kỉ II, Trương Hành đã chế ra dụng cụ để dự báo động đất.
Năm 1230, Quách Thủ Kính (đời Nguyên) đã soạn ra cuốn Thụ thời lịch, xác định một năm có 365,2425 ngày. Đây là một con số rất chính xác so với các nhà thiên văn Châu Âu thế kỉ XIII.
Y dược học:
Thời Chiến Quốc đã có sách Hoàng đế nội kinh được coi là bộ sách kinh điển của y học cổ truyền Trung Hoa. Thời Minh có cuốn Bản thảo cương mục của Lí Thời Trân. Cuốn sách này được dịch ra chữ Latinh và được Darwin coi đây là bộ bách khoa về sinh vật của người Trung Quốc thời đó. Đặc biệt là khoa châm cứu là một thành tựu độc đáo của y học Trung Quốc.
Kĩ thuật:
Có 4 phát minh quan trọng về mặt kĩ thuật mà người Trung Hoa đã đóng góp cho nhân loại, đó là giấy, thuốc súng, la bàn và nghề in. Giấy được chế ra vào khoảng năm 105 do Thái Luân. Nghề in bằng những chữ rời đã được Tất Thăng sáng tạo vào đời Tuỳ.
Đồ sứ cũng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Từ thế kỉ VI, họ đã chế ra diêm quẹt để tạo ra lửa cho tiện dụng.
Hội hoạ:
Hội hoạ Trung Quốc có lịch sử 5000 - 6000 năm với các loại hình: bạch hoạ, bản hoạ, bích hoạ. Đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh thuỷ mạc, có ảnh hưởng nhiều tới các nước ở Châu Á. Cuốn Lục pháp luận của Tạ Hách đã tổng kết những kinh nghiệm hội hoạ từ đời Hán đến đời Tuỳ.
Điêu khắc
Ở Trung Quốc cũng phân thành các ngành riêng như: Ngọc điêu, thạch điêu, mộc điêu. Những tác phẩm nổi tiếng như cặp tượng Tần ngẫu đời Tần, tượng Lạc sơn đại Phật đời Tây Hán ( pho tượng cao nhất thế giới ), tượng Phật nghìn mắt nghìn tay.
Kiến trúc
Cũng có những công trình rất nổi tiếng như Vạn lí trường thành ( tới 6700 km ), Thành Tràng An, Cố cung, Tử cấm thành ở Bắc Kinh.
Triết học, tư tưởng:
Thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành, Âm dương gia:
Âm dương, bát quái, ngũ hành, là những thuyết mà người Trung Quốc đã nêu ra từ thời cổ đại để giải thích thế giới. Họ cho rằng trong vũ trụ luôn tồn tại hai loại khí không nhìn thấy được xâm nhập vào trong mọi vật là âm và dương ( lưỡng nghi).
Bát quái là 8 yếu tố tạo thành thế giới: Càn (trời), Khôn (đất), Chấn (sấm), Tốn (gió), Khảm (nước), Ly (lửa), Cấn (núi), Đoài (hồ). Trong Bát quái, hai quẻ Càn, Khôn là quan trọng nhất.
Ngũ hành là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Đó là 5 nguyên tố tạo thành vạn vật. Các vật khác nhau là do sự pha trộn, tỉ lệ khác nhau do tạo hoá sinh ra. Sau này, những người theo thuyết Âm dương gia đã kết hợp thuyết Âm dương với Ngũ hành rồi vận dụng nó để giả thích các biến động của lịch sử xã hội .
Về tư tưởng:
Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, ở Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều những nhà tư tưởng đưa ra những lí thuyết để tổ chức xã hội và giải thích các vấn đề của cuộc sống( Bách gia tranh minh ).
Nho gia: Đại biểu cho phái Nho gia là Khổng Tử. Nho gia đề cao chữ nhân, chủ trương lễ trị, phản đối pháp trị. Nho gia đề cao Tam cương, Ngũ thường, cùng với tư tưởng Chính danh định phận và đề cao tư tưởng Thiên mệnh. Giá trị quan trọng nhất trong tư tưởng của Khổng Tử là về giáo dục. Ông chủ trương dạy học cho tất cả mọi người.
Tới thời Hán Vũ Đế (140-87 TCN), chấp nhận đề nghị của Đổng Trọng Thư, Hán Vũ Đế đã ra lệnh “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”, Nho gia đã được đề cao một cách tuyệt đối và nâng lên thành Nho giáo.
Đạo gia:
Đại biểu cho phái Đạo gia là Lão Tử và Trang Tử . Hai ông đã thể hiện tư tưởng của mình qua hai tác phẩm Đạo đức kinh và Nam Hoa kinh. Theo Lão Tử, “Đạo” là cơ sở đầu tiên của vũ trụ, có trước cả trời đất, nằm trong trời đất. Qui luật biến hoá tự thân của mỗi sự vật ông gọi là “Đức”. Lão Tử cho rằng mọi vật sinh thành, phát triển và suy vong đều có mối liên hệ với nhau.
Tới thời Trang Tử, tư tưởng của phái Đạo gia mang nặng tính buông xuôi, xa lánh cuộc đời. Họ cho rằng mọi hoạt động của con người đều không thể cưỡng lại “đạo trời”, từ đó sinh tư tưởng an phận, lánh đời.
Phái Đạo giáo sinh ra sau này khác hẳn Đạo gia, mặc dù có phái trong Đạo giáo tôn Lão Tử làm “Thái thượng lão quân”. Hạt nhân cơ bản của Đạo giáo là tư tưởng thần tiên. Đạo giáo cho rằng sống là một việc sung sướng nên họ trọng sinh, lạc sinh.
Pháp gia:
Ngược hẳn với phái Nho gia, phái Pháp gia chủ trương “pháp trị”, coi nhẹ “lễ trị”. Tiêu biểu cho phái Pháp gia là Hàn Phi Tử, một kẻ sĩ thời Tần Thuỷ Hoàng.
Theo Hàn Phi Tử, trị nước chỉ cần pháp luật nghiêm minh, rõ ràng, dễ hiểu với mọi người, không cần lễ nghĩa. Ông cho rằng trị nước cần nhất 3 điều:
• Pháp: đó là phải định ra được pháp luật nghiêm minh, rõ ràng, dễ hiểu, công bằng với mọi người, không phân biệt đó là quí tộc hay dân đen.
• Thế: Muốn thực thi pháp luật thì các bậc quân vương phải nắm vững quyền thế, không chia xẻ cho kẻ khác.
• Thuật: đó là thuật dùng người. Thuật có 3 mặt: bổ nhiệm, khảo hạch và thưởng phạt. Thuật bổ nhiệm là khi chọn quan lại chỉ căn cứ vào tài năng và lòng trung thành, không cần dòng dõi, đức hạnh. Khảo hạch là phải kiểm tra công việc thường xuyên. Thưởng phạt thì chủ trương “ai có công thì thưởng, ai có tội thì trừng phạt thật nặng, bất kể là quí tộc hay dân đen”, trọng thưởng, trọng phạt.
Mặc gia:
Người đề xướng là Mặc Tử (Khoảng giữa thế kỉ V TCN đến giữa thế kỉ IV TCN ). Hạt nhân tư tưởng triết học của Mặc gia là nhân và nghĩa.
Mặc Tử còn là người chủ trương “ thủ thực hư danh” (lấy thực đặt tên). Tư tưởng của phái Mặc gia đầy thiện chí nhưng cũng không ít ảo tưởng. Từ đời Tần, Hán trở về sau, ảnh hưởng của phái Mặc gia hầu như không còn đáng kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét