Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

TRÍ THỨC LÀ NGƯỜI CÓ TINH THẦN PHÊ PHÁN!

"TRÍ THỨC" !?

      Ông Nguyễn Trần Bạt định nghĩa về "Trí Thức" :

   "TRÍ THỨC LÀ NGƯỜI CÓ NĂNG LỰC PHẢN XẠ MỘT CÁCH TỰ NHIÊN TRƯỚC NHỮNG SỰ VÔ LÝ CỦA XÃ HỘI mà đặc trưng là nhà cầm quyền. Cho nên, tiêu chuẩn để phát hiện một cách chính xác và nhanh nhất người trí thức chính là tính đối lập và các phản ứng của họ đối với nhà cầm quyền. Và tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể trí thức, giữa các nhóm trí thức là mức độ đối lập của nó đối với nhà cầm quyền. Trạng thái đối lập cực đoan là trạng thái đối kháng. Trạng thái đối lập khôn ngoan, phải chăng và tích cực là trạng thái không đối kháng. Ở MỌI THỜI ĐẠI, TẤT CẢ NHỮNG TRÍ THỨC VĨ ĐẠI ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỐI LẬP TÍCH CỰC". 

   Trong sách "VỀ TRÍ THỨC NGA" có định nghĩa : 

   "TRÍ THỨC LÀ NGƯỜI CÓ TINH THẦN PHÊ PHÁN".

   Theo đó, một anh thợ giày mà có "tinh thần phê phán" đối với chính công việc làm giày của mình, thì sẽ có khả năng "phản tỉnh", từ đó có khả năng học tập, cải tiến khiến cho tay nghề ngày càng thuần thục hơn, làm ra những đôi giày ngày càng hoàn thiện hơn, mang lại lợi ích cho chính mình và xã hội ngày càng nhiều hơn ..., thì vẫn có thể là "Trí Thức" ; còn hơn là những kẻ "sách vở đầy nhà", "bằng cấp đầy mình" mà chỉ biết bưng tai "nghiêm cẩn" nghe theo "khuôn vàng thước ngọc" của "tiền nhân", chỉ biết bịt mắt "cúc cung" làm theo "chủ trương đường lối" của những "chủ nghĩa", "ý thức hệ", "kim chỉ nam", "hòn đá tảng" ... lỗi thời, phản động ..., chẳng giúp ích được gì cho chính mình và xã hội, hoặc nếu có thu vén được chút ít lợi ích cho riêng mình thì lại gây hại quá nhiều cho xã hội ...

   Do đó, tôi nghĩ, dùng từ "phê phán" sẽ có nghĩa rộng hơn từ "đối lập". 

   "Đối lập", nghĩa đen là "đứng về một phe, một nhóm, một bên ... khác, ngược lại", đã mang sẵn nghĩa "đối kháng" ...

   "Phê phán" mang nghĩa "phê bình", "phán xét","phản biện", "phản tỉnh" ..., và do đó, sẽ phù hợp với nhận định của ông Nguyễn Trần Bạt về "Trạng thái đối lập khôn ngoan, phải chăng và tích cực là trạng thái không đối kháng. Ở MỌI THỜI ĐẠI, TẤT CẢ NHỮNG TRÍ THỨC VĨ ĐẠI ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỐI LẬP TÍCH CỰC". Công dân trong một đất nước hoàn toàn có thể "độc lập", "đơn lập, hay "đa lập", "liên lập", nghĩa là "đứng cùng hay không đứng cùng một phe, một nhóm, một bên ... với nhau" mà vẫn hoàn toàn có thể "phê bình", "phán xét","phản biện", "phản tỉnh" ... với nhau, nhằm giúp nhau cùng tiến bộ, hợp sức đưa đất nước phát triển ...

   Ngày xưa, nhớ đài phát thanh thường có câu "kính thưa đồng bào và các đồng chí ...", sau này có thêm, thành "kính thưa đồng bào, đồng chí và các bạn ...". "Bạn", hoàn toàn có thể là người không phải là "đồng bào", "đồng chí", có thể không cùng chí hướng, mục đích ; hay thậm chí cùng chí hướng, mục đích, nhưng khác quan điểm, phương tiện với "Ta", nhưng vẫn có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung, cả trong tinh thần lẫn vật chất ...

   Chính vì cái "lập trường địch - ta" ấu trĩ và cực đoan của những người cộng sản đã khiến cho mọi "phê phán" đều bị đẩy về phía "đối lập", "đối kháng" ..., cần phải "triệt tiêu", chỉ còn lại "đồng chí", "đồng ý", "đồng thuận" theo nghĩa hẹp nhất, hẹp đến nỗi chỉ còn là một đàn cừu ...

   Ngay trong triết học Marx, vẫn coi "quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin, là hạt nhân của phép biện chứng. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng"

   Có nghĩa, mâu thuẫn là tồn tại khách quan, là động lực của sự phát triển trong các sự vật hiện tượng ... Vậy mà những người cộng sản lại muốn triệt tiêu mâu thuẫn. Vậy họ là cái gì !? "Độc tài" hay "quái thai" !?

   Engels phát biểu :

"Giai cấp vô sản và sự giàu có là hai mặt đối lập, với tính cách như vậy chúng hợp thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thống nhất ; chế độ tư hữu với tư cách là sự giàu có buộc phải duy trì vĩnh viễn ngay cả sự tồn tại của mặt đối lập của nó là giai cấp vô sản".

   Vậy dựa vào điều gì, những người cộng sản tiến hành "cải cách ruộng đất", "cải tạo tư sản" ở miền Bắc ; "học tập cải tạo", "cải tạo công - thương nghiệp", "cải tạo tư bản - tư doanh" ở miền Nam !? "Ngu dốt" hay "khát máu" !?




      Có lần, liếc ngang ti-vi, thấy phim Việt Nam, chẳng biết phim gì, xây dựng hình ảnh một anh chàng "trí thức" lỏng khỏng lẻo khẻo "trói gà không chặt", với vẻ "hiền hiền", "tồi tội", ngậm ngùi ngâm :

   "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
   Người khôn người kiếm chốn lao xao" ...

   Hai câu ấy nằm trong bài Cảnh Nhàn của Trạng Trình - Trình Tuyền Hầu - Trình Quốc Công - Tuyết Giang Phu Tử - Bạch Vân Cư Sĩ - Nguyễn Bỉnh Khiêm :

   Một mai, một cuốc, một cần câu
   Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
   Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
   Người khôn, người kiếm chốn lao xao
   Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
   Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
   Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
   Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao

   Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491–1585 ), là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà chính trị, hiền triết, tiên tri, văn hóa, giáo dục có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều ( Lê-Mạc phân tranh ), học trò của ông có nhiều người hiển đạt sau này như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính ( con trai cả của ông ) ... Ông thi đậu Trạng Nguyên khoa thi Ất Mùi ( 1535 ) và làm quan dưới triều Mạc trải qua các chức vụ Đông các hiệu thư, Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại, Thái phó ..., cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, khi theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn, vua Mạc tôn kính ông như bậc quân sư ... Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình. Ba câu sấm có thể được coi là "An Bang Định Quốc" của ông là : "Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế" giúp nhà Mạc, "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" giúp chúa Nguyễn, "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong" giúp vua Lê chúa Trịnh. Khi ông mất, vua Mạc Mậu Hợp cử người được vua coi như cha là Phụ chính Đại thần Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về lễ tang để tỏ sự trọng thị. Triều đình lại sai cấp ruộng tự điền trăm mẫu, đồng thời cấp ba nghìn quan tiền để lập đền thờ ông tại quê nhà, đích thân vua đề chữ lên biển gắn trước đền thờ là “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ”. Ông cũng được coi là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam một cách có ý thức nhất thông qua các văn tự của ông còn lưu lại đến ngày nay. Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo Sĩ hay Thanh Sơn Chơn Nhơn.

   Với một công nghiệp lẫy lừng như thế, ta có thể tưởng tượng ra, khi ngâm bài thơ trên, hẳn Trạng Trình cũng thâm trầm và hào sảng lắm ...

   Người Việt mang nặng cái mặc cảm "Võ cường Văn nhược", nên trong các phim, kịch mới hay xây dựng hình ảnh "trí thức" theo cái kiểu "hiền hiền", "tồi tội" ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Hàn lâm Học sĩ Trương Hán Siêu viết Bạch Đằng Giang Phú ... !? ... 

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Thừa chỉ Học sĩ Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Sách, Đại Cáo Bình Ngô ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Tú tài Cao Bá Quát viết Tài Tử Đa Cùng Phú ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Thi sĩ Quang Dũng viết Tây Tiến ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Thi sĩ Hữu Loan viết Cũng Những Thằng Nịnh Hót ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Thi Nhạc sĩ Văn Cao viết Đồng Chí Của Tôi ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Thi sĩ Trần Dần viết suốt cuộc đời với khí phách "Văn cách là nhân cách", "Tôi khóc những chân trời không có người bay, lại khóc những người bay không có chân trời", "Đố ai chọc mắt các vì sao" ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Ca Khúc Da Vàng ... !? ...

   Làm sao có thể "hiền hiền", "tồi tội" được khi Học giả Nguyễn Hiến Lê khẳng khái từ chối mọi ân thưởng của chính quyền ... !? ...

...

   Như ông đặng xuân khu - trường chinh - sóng hồng cũng đã từng kêu gọi một cách cực đoan :

   Là Thi Sĩ

   Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
   Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây",
   Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây,
   Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu ;

   Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
   Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
   Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
   Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ ;

   Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
   Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
   Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
   Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc ;

   Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm vóc
   Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
   Véo von ca cho át tiếng kêu than
   Của nhân loại cần lao đang giãy giụa ;

   Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa
   Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
   Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
   Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược ;

   Uốn gối trước cường quyền và mong được
   Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày ;
   Khiến loài người đắm đuối và mê say,
   Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ.

   Không, không được ! Hỡi các nhà văn nghệ,
   Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
   Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
   Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt !

   Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
   Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
   Ca tự do, tiến bộ với tình yêu-
   Yêu nhân loại, hòa bình và công lý -

   Cao giọng hát những bài ca chính khí
   Của anh hùng đã vì nước quên mình,
   Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
   Của Bãi Sậy, Thái Nguyên và Yên Bái ...

   Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
   Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng,
   Ðể tâm hồn dào dạt với Chi Lăng,
   Làm bất tử trận Ðống Đa oanh liệt,

   Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
   Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông ;
   Thả trái tim hòa nhịp với Ðô Lương,
   Với Lục Tỉnh, Bắc Sơn và Ðình Cả.

   Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
   Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
   Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
   Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
   Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
   Mỗi vần thơ : bom đạn phá cường quyền,
   Và lúc cần, quẳng bút lấy Long Tuyền.


   Hỡi thi sĩ ! Hãy vươn mình đứng dậy !
   Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
   Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
   Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
   Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
   Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
   Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
   Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

   ( Ngoại thành Hà Nội, tháng 6-1942 )

   Thực ra, "Trên tay người nghệ sĩ chân chính không phải là một "cán cuốc cong" của quan điểm Dân Túy, cũng không phải là một "thanh gươm cùn" của quan điểm Nghệ Sĩ - Chiến Sĩ, mà là một "Ngọn Đuốc Trí Tuệ", không phải để chỉ đường, mà để soi sáng sự vô minh ... Nhân loại thoát ra khỏi sự vô minh sẽ tự tìm thấy đường và tự đi ... "Ngọn Đuốc" ấy giống như Trái Tim Danko, Ngón Tay Phật Thích Ca, Thánh Tâm Chúa Jesus ..." 

   Nhưng rồi cái xã hội do ông sóng hồng ấy góp tay dựng lên lại bịt miệng thi sĩ, bẻ bút trí thức qua các "vụ án" Nhân Văn - Giai Phẩm, Xét Lại - Chống Đảng ..., muốn biến trí thức thành một đám "hiền hiền", "tồi tội" ...

   Không, Trí Thức chân chính thì ngang tàng và ngạo nghễ ... Một lời hịch, một câu văn, một ý thơ, một bài ca, một tấm ảnh, một thước phim ... nhiều khi có sức mạnh hơn một đạo quân, có thể "thắng nhi bất chiến", "bất chiến tự nhiên thành", giúp giảm thiểu máu xương, sức người sức của ...

   Võ có "Cương" có "Nhu", Văn có "Hùng" có "Diễm" ...

   Võ có những "Võ Tướng" "ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương", lúc dùng trường trận, khi dụng đoản binh, xông pha chiến địa, chém tướng đoạt thành ... ; đồng thời cũng có những "Nho Tướng" "kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung", ngồi trong màn trướng thảo hịch, định kế ... mà quyết được sự thắng thua, thành bại ngoài trăm dặm ...

   Văn có những "Văn Thần" "trong lang miếu ra tài Lương Đống", xông xáo trên "trường văn trận bút", "bút chiến" lẫy lừng, "cầm chính đạo để tịch tà cự bí, hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên" ... ; đồng thời cũng có những "Tao Nhân Mặc Khách" "nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn ...", "tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn", "mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới" mà "ngâm hoa vịnh nguyệt", "gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh", "phù thế giáo một vài câu thanh nghị" ...

   Không thể nhận định phiến diện, chủ quan là "Võ cường Văn nhược", mà "nhất trọng nhất khinh" ... Xưa nay "nhược tồn cương chiết", "nhược thắng cường" không hiếm ... ! ...

   Tất cả, Văn và Võ, Cương - Nhu - Hùng - Diễm, đều cần thiết và có giá trị hỗ tương, hình thành nên tính cách của một con người, hình thành nên tính cách của một dân tộc, "dân tộc tính" ...

   Mà, "TÍNH CÁCH LÀM NÊN SỐ PHẬN" !!!

   Đến bao giờ thì dân Việt mới có thể nhận chân được tính cách "TRỌNG VÕ KHINH VĂN", "HIẾU CHIẾN", tiềm ẩn trong "dân tộc tính" của mình ... !? ... !? ... !? ...

   ... Để có thể cải đổi số phận "NHƯỢC TIỂU" của Dân Tộc Việt Nam, Đất Nước Việt Nam ... !? ... !? ... !? ...

   ĐẾN BAO GIỜ ... !? ... !? ... !? ...




      Tiến sĩ Giáp Văn Dương đã tìm cách giải thích nguyên nhân thành công và thất bại của Fukuzawa Yukichi ( Nhật Bản ) và Nguyễn Trường Tộ ( Việt Nam ) trong công cuộc cải cách canh tân, ông cho rằng vì :

   -   Fukuzawa là "TRÍ THỨC ĐỘC LẬP" : "Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình", viết sách truyền bá để khai sáng cho đại chúng.

   -   Nguyễn Trường Tộ là "TRÍ THỨC CẬN THẦN" : "Sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua".

   Đây cũng chỉ là một trong những nguyên nhân chủ quan của cá nhân mà thôi, còn những nguyên nhân khách quan của xã hội nữa ...

   Nhưng, 

   Cho đến ngày nay, những kẻ gọi là "sĩ phu trí thức - văn nghệ sĩ" của Việt Nam, cứ sau những bài diễn văn hợm hĩnh hoa hòe nhạt nhẽo, lại vẫn cứ kết bằng cái câu : xin đảng và nhà nước cùng các ban ngành đoàn thể quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi ... ! ...

   Nghe muốn ói !!!

   Đã muốn "ăn cơm chúa" thì phải "múa tối ngày" theo ý chúa chớ. Làm con người tự do không muốn, lại muốn làm con cừu bị chăn dắt ... ! ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét