Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Luật Pháp và Chính Quyền

Mục tiêu bài học: Phân biệt vai trò và chức năng của luật pháp và chính quyền.
Câu hỏi thảo luận: Chính quyền căn cứ trên quyền hạn nào để làm luật và thi hành luật pháp? Công dân phải tuân theo luật pháp đến chừng mực nào, nếu một đạo luật bị xem là bất công?
I. Dẫn nhập
Con người sinh ra, lớn lên và chết đi trong luật pháp, nào là giấy khai sinh, thẻ căn cước và rồi cuối cùng là giấy khai tử. Luật pháp bao trùm lên sinh hoạt của con người trong xã hội dân sự (để phân biệt với xã hội trong tình trạng thiên nhiên), đến nỗi chúng ta mặc nhiên chấp nhận luật pháp, hay những quyết định của chính quyền, mà không thường đặt vấn đề xem những luật lệ hay quy định đó có hợp tình, hợp lý và nhất là có hợp pháp không.[1] Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm và mục đích của luật pháp, các hệ thống luật pháp đang được áp dụng tại các nước, tương quan giữa luật pháp và chính quyền, và thảo luận về khái niệm pháp trị trong bối cảnh của Việt Nam.
II. Hệ thống Luật Pháp
Cho đến nay chưa có một định nghĩa nào về Luật Pháp được các triết gia về luật học cùng đồng ý. Do đó, chúng ta sẽ không đi vào các tranh biện mang tính triết lý về định nghĩa “luật pháp là gì” (xem thêm bài Luật Pháp Là Gì của Lý Ba), mà sẽ chú trọng đến các đặc tính của một hệ thống luật pháp.
Thế nào là một hệ thống luật pháp? Tài liệu “Chương trình Giáo dục Công dân Cơ bản” của CIVITAS (1991) đưa ra các đặc tính sau:
1. Một tập hợp các luật, lệ của một cơ cấu chính trị;
2. Các luật, lệ này mang tính cưỡng bách thi hành;
3. Viên chức chính quyền tuyên xưng thi hành và cùng chịu sự chi phối của những luật, lệ này.
Một hệ thống luật pháp gồm bốn loại luật lệ: Thứ nhất là luật quy định hành vi có tính chất ngăn cấm, như cấm hối lộ, cấm gian lận, hay có tính mệnh lệnh, như công dân phải thi hành nghĩa vụ quân sự hoặc đóng thuế, hoặc ấn định các phương thức hay thủ tục, như luật bầu cử, thủ tục lập cơ sở kinh doanh, vân vân. Luật thuộc loại này có tính chất cưỡng hành bởi tòa án và cơ quan công lực. Thứ hai là luật xác định tính hợp pháp của luật. Không phải cứ hễ một đạo luật do quốc hội thông qua đương nhiên được coi là hợp pháp, nếu đạo luật đó không theo đúng một thủ tục hay phương thức đã được ấn định từ trước; do đó, các luật lệ này giúp cho viên chức chính quyền phân biệt tính hợp pháp của một đạo luật. Thứ ba là luật để thay đổi luật quy định rõ rệt cách thức và cơ quan nào có thẩm quyền thay đổi các đạo luật hiện hành, hay thêm vào bộ luật hiện hành một đạo luật nào đó (điều này hàm ý là luật pháp không thể bị tùy tiện thay đổi và bất nhất). Và cuối cùng là luật dùng giải thích các luật hiện hành quy định rõ rệt cơ quan nào có thẩm quyền và theo một thủ tục như thế nào để quyết định các tranh biện xảy ra khi áp dụng một đạo luật. Các luật này ấn định một quy trình độc lập với quy trình lập pháp.
Căn cứ trên các đặc tính này, luật pháp tại các nước Tây phương thường được phân chia ra như sau:
1. Luật Hiến pháp (constitutional law): Hiến pháp được quan niệm là bộ luật cao nhất của một nước, cơ quan lập pháp dựa trên đó để làm luật. Hiến pháp, trước hết minh định cấu trúc chính trị, quyền lực, và thẩm quyền hợp pháp của một chế độ. Hiến pháp còn là cơ sở pháp lý tối cao được tòa án dùng để giải thích các luật lệ khi được áp dụng trong thực tế. Điều này còn được gọi là Giám sát pháp lý (judicial review), và được tòa án dùng để duyệt xét xem một đạo luật có hợp hiến hay vi phạm các nguyên tắc pháp lý căn bản hay không. Vì tính chất tối cao của hiến pháp, các quyết định của tòa, đặc biệt là tối cao pháp viện, khi duyệt xét tính hợp hiến của một đạo luật, là những quyết định không thể đảo ngược bởi cơ quan lập pháp hay hành pháp. Các quyết định từ giám sát pháp lý chỉ có thể bị thay đổi bởi chính tòa tối cao, hay tu chính hiến pháp mà thôi.[2]
2. Luật thành văn (statutory law):bao gồm tất cả các đạo luật được cơ quan lập pháp tạo thành, điển chế hóa thành các bộ luật và được cơ quan hành pháp thông báo rõ ràng trước khi được áp dụng. Tất cả các đạo luật thành văn đều có tính chất cưỡng chế thi hành.
3. Luật bất thành văn – Thông luật (non-statutory law-common law): dù tên gọi là bất thành văn, nhưng tại hầu hết các nước theo truyền thống luật của Anh quốc đều có các bộ luật “bất thành văn” để làm căn bản cho việc áp dụng và giải thích luật pháp. Luật bất thành văn bao gồm phong tục, truyền thống, và nhất là các án lệ, tức là quyết định của các vụ án trong quá khứ dùng làm tiền lệ để giải thích và áp dụng các luật hiện hành. Truyền thống luật pháp Tây phương áp dụng khái niệm stare decisis, nghĩa là cứ quyết định theo như án lệ cũ khi sự việc hiện tại tương tự với sự việc đã được tranh tụng và quyết định trong quá khứ. Dĩ nhiên, khi có những lý do hoặc chứng cứ mới, quan tòa có thể không áp dụng án lệ trong quyết định của mình, và luật sư cũng có thể dùng các chứng cứ mới để phản bác việc áp dụng án lệ. Tóm lại, luật bất thành văn gồm cả truyền thống, phong tục và án lệ. Tại các nước Tây phương, đại đa số các bộ sách luật dày cộm trong các văn phòng luật sư là các bộ án lệ, các bộ luật thành văn hiện hành chỉ chiếm một vị trí khá khiêm nhượng trong tủ sách luật mà thôi.
4. Luật Hành chính: bao gồm các luật lệ thành văn, các quyết định của tòa quy định thẩm quyền điều hành của các cơ quan hành chính, và các quy định do các cơ quan hành chính ban hành. Các quy định này cũng được xem như luật và có tính cách cưỡng hành, nếu không trái với luật do cơ quan lập pháp ban hành. Người dân có quyền khiếu kiện các quy định hành chính tại tòa về tính chất hợp pháp của các quy định này. Ngoài ra để bảo đảm tính hợp lệ, các cơ quan ban hành quy định hành chính cũng phải thông qua một thủ tục tư pháp về hành chính (administrative due process) được ấn định từ trước.
III. Chức năng của luật pháp
John Marshall, chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, năm 1821 đã nói: “Nhân dân tạo ra hiến pháp, và nhân dân cũng có thể phá bỏ nó. Hiến pháp là vật thọ tạo của ý chí tập thể, và chỉ sống được bằng ý chí tập thể mà thôi.” Như đã trình bày ở trên, hiến pháp là nền tảng của quốc gia và của luật pháp, thể hiện ý chí tập thể của toàn dân.[3] Chủ quyền tối thượng của quốc gia, nhà nước hay các cơ quan chính quyền, thực sự nằm trong tay nhân dân. Chức năng lập pháp được nhân dân ủy nhiệm cho quốc hội; một cách cụ thể, luật pháp có các chức năng sau:
1. Quy định quan hệ: luật pháp định nghĩa và quy định quan hệ về mọi mặt của xã hội, từ quan hệ giữa các cá nhân với nhau, đến các giao dịch kinh tế, vân vân. Luật pháp minh định rõ ràng các loại hành vi nào được phép làm và bị cấm làm; thí dụ, cấm song hôn, cấm các hành vi công xúc tu sỉ…, các quyền nào được bảo vệ, và các bổn phận công dân phải thi hành.
2. Giữ trật tự, trị an: luật pháp quy định quyền lực và thẩm quyền của nhà chức trách để thực thi luật pháp, kể cả quyền dùng bạo lực để bắt giữ và giam giữ.
3. Điều giải xung đột: luật pháp quy định các phương thức giải quyết xung đột về quyền lợi hoặc bất kỳ loại xung đột nào khác giữa các cá nhân với nhau, ngay cả giữa cá nhân với chính quyền.
4. Cải cách xã hội: ngoài chức năng giữ trật tự và trị an, luật pháp còn chức năng cải cách xã hội, hoặc do chính quyền đề xuất, hoặc do nguyện vọng của nhân dân. Thí dụ luật chống kỳ thị chủng tộc, luật giúp đỡ các sắc dân thiểu số, vân vân.
5. Xác định và giới hạn quyền lực của nhà nước: mặc dù nhà nước có quyền lực để thi hành luật pháp, nhưng quyền lực này không phải là quyền lực vô giới hạn mà nhà nước có quyền tùy tiện áp dụng. Luật pháp, do đó, còn có chức năng ấn định ranh giới và mức độ nhà nước có thể áp dụng quyền lực tới đâu. Khi nhà nước áp dụng quyền lực vượt quá giới hạn do luật pháp quy định, người dân có quyền khiếu kiện trước tòa án.
IV. Tương quan giữa luật pháp và chính quyền – Pháp Trị
Có lẽ bài toán nan giải nhất của con người là giải quyết sự mâu thuẫn giữa luật pháp và chính quyền; một đằng chính quyền là pháp nhân thi hành luật pháp, đằng khác chính quyền lại bị chính luật pháp giới hạn để không thể tùy tiện lạm dụng quyền hành. Trong thời phong kiến, quân chủ, bậc quân vương ban hành luật pháp và đứng trên luật pháp. Người dân chỉ trông chờ vào đức độ và sự anh minh của bậc quân vương ban hành luật pháp có lý có tình. Nếu gặp phải hôn quân thì đành chịu! Tư tưởng gia Hàn Phi Tử, nhân vật tiêu biểu của Pháp Gia thời cổTrung Hoa, cũng không giải quyết được mâu thuẫn này. Tới giữa thế kỷ 18, James Madison, một trong những “cha đẻ” ra Hoa Kỳ đã viết: “Nếu con người là thần thánh thì không cần đến chính quyền. Nếu thần thánh cai trị con người thì cũng không cần đến chính quyền…” Vậy thì con người phải làm thế nào để bảo đảm rằng nhà cầm quyền không lạm dụng quyền hành? Các tư tưởng gia Tây phương đã nghĩ ra cách “phân quyền,” không để quyền lực tập trung vào một cá nhân hay một tập đoàn, như ta thấy ngày nay là chính quyền được chia làm hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, trong ba ngành của chính quyền, hành pháp luôn luôn nắm giữ nhiều quyền lực nhất, nhất là quyền sử dụng vũ lực, và sẽ chẳng khó khăn gì khi hành pháp muốn trấn áp hai ngành còn lại. Do đó, “tam quyền phân lập” chỉ là phương tiện, một dụng cụ không hơn, không kém, như Madison đã cảnh báo là “một thứ rào cản bằng giấy.” Tam quyền phân lập chỉ hữu hiệu khi tất cả mọi người, gồm cả viên chức chính quyền và cả người lãnh đạo chấp nhận “thượng tôn pháp luật,” chấp nhận pháp trị, hay chịu sự cai trị của luật pháp. Không có tinh thần pháp trị thì luật pháp sẽ trở thành một dụng cụ của nhà cầm quyền dùng để đàn áp nhân dân. [Đọc thêm bài Pháp Trị Là Gì? của Lý Ba trong phần bài đọc thêm.]
V. Kết luận
Luật pháp là một nhu cầu không thể thiếu khi con người bắt đầu sống quần tụ với nhau. Luật pháp giúp con người sống với nhau trong trật tự và an sinh với các quyền cơ bản được bảo đảm. Xã hội càng văn minh thì đời sống càng nhiều luật lệ, không những để thiết lập trật tự, quy định quan hệ, điều giải xung đột, cải cách xã hội, luật pháp còn là một phương tiện để xác định và giới hạn quyền lực của nhà nước. Chức năng này đòi hỏi không những nhân dân mà cả nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật, chấp nhận Pháp trị. Nghĩa là không một ai được quyền đứng trên hay đứng ngoài pháp luật. Không có tinh thần pháp trị hay chỉ có pháp trị trên hình thức, thì luật pháp sẽ trở nên một phương tiện nhà cầm quyền dùng để bức chế con người. Để kết luận, câu nói của John Marshall đã dẫn ở trên cảnh báo rằng nếu không có sự tham dự của nhân dân trong sinh hoạt xã hội (thể hiện và đòi hỏi thực thi pháp trị) thì ý chí tập thể sẽ chết, dẫn theo cái chết của hiến pháp và sự sụp đổ của nền tảng pháp luật.
© Học Viện Công Dân 2006
Ghi Chú:
[1] Xem thêm về xã hội dân sự tại tiểu mục Xã hội Dân Sự trên website của ICEVN.
[2] Tại một số nước, thẩm quyền giám sát pháp lý này được minh thị trong hiến pháp. Riêng tại Mỹ, thẩm quyền giám sát pháp lý này được suy diễn từ điều 3 và 4 của hiến pháp, và chỉ được coi như chính thức sau vụ Marbury kiện Madison năm 1803.
[3] Xem thêm khái niệm về Ý chí Tập thể và Hội đồng Tối cao, Rousseau, Khế ước Xã hội, chương 1, quyển II trên website của HVCD
Hiến Pháp Trị
Greg Russell
“Tự do của con người trong một chế độ cai trị có nghĩa là sống theo một luật lệ bền vững, chung cho cả mọi người trong xã hội; luật lệ này phải được quy định bởi quyền lập pháp đã được thiết lập trong chế độ đó”
John Locke Second Treatise, Ch. 4
[Luận thuyết về Chính quyền Dân sự, Tập 2, Chương 4]
Hiến pháp trị hay pháp trị có nghĩa là quyền lực của các người lãnh đạo và của các cơ quan chính quyền phải được hạn chế. Hiến pháp trị, như một chủ thuyết về chính trị hay về luật pháp, nói về một chính quyền mà nhiệm vụ trước hết là phải nhằm phục vụ cho toàn thể mọi người và bảo vệ quyền cá nhân. Chế độ cai trị theo hiến pháp dựa theo các tư tưởng chính trị tiến bộ, xuất phát từ tây Âu và Mỹ nhằm bảo vệ quyền sống và quyền tư hữu của cá nhân cũng như là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Để bảo đảm các quyền đó các nhà soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh các yếu tố như kiểm soát quyền hạn của các ngành trong chính quyền, bình đẳng trước pháp luật, tòa án không thiên vị và tách rời quyền lực tôn giáo và quyền lực nhà nước. Những người tiêu biểu cho môn phái này gồm thi sĩ John Milton[1], các nhà luật học Edward Coke[2] và William Blackstone[3], các chính khách như Thomas Jefferson[4] và James Madison[5], và các triết gia như Thomas Hobbes[6], John Locke[7], Adam Smith[8], Baron de Montesquieu[9], John Stuart Mill[10], và Isaiah Berlin[11].
Các vấn đề trong việc cai trị theo hiến pháp của thế kỷ 21 có lẽ sẽ là các vấn đề hiện hữu ngay trong các chính quyền được coi là dân chủ. Hiện nay có hiện tượng là các “chế độ dân chủ phi tự do”[12] càng ngày càng được coi là hợp pháp và do đó càng ngày càng mạnh hơn; lý do là vì các chế độ đó có vẻ như khá dân chủ. Chế độ dân chủ phi tự do — nghĩa là chế độ dân chủ trên danh nghĩa nhưng lại thiếu phần chủ nghĩa tự do theo hiến pháp — là một chế độ không những thiếu sót mà lại còn nguy hiểm bởi vì nó sẽ dẫn tới sự băng hoại quyền tự do, lạm dụng quyền hành, chia rẽ chủng tộc thậm chí có thể gây ra chiến tranh nữa. Sự quảng bá dân chủ trên thế giới thường không đi đôi với sự quảng bá của chế độ tự do theo hiến pháp. Một số các nhà lãnh đạo được bầu lên theo thể thức dân chủ đã dùng quyền lực của mình để giới hạn các quyền tự do.
Ngoài việc có bầu cử công bằng và tự do hay gia tăng cơ hội phát biểu về chính trị, một truyền thống sinh hoạt tự do chính trị thực sự còn phải cống hiến những yếu tố khác nữa. Chế độ dân chủ tự do còn phải đặt nền tảng pháp lý cho việc phân chia quyền hành để gìn giữ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng và quyền tự do sở hữu tài sản.
Pháp Trị Là Gì?
Bo LI (Lý Ba)
“Chúng ta được tự do vì chúng ta sống với dân luật”
–Charles de Secondat Montesquieu–
“Pháp trị” là một trong những khái niệm luôn được nói tới nhưng hiểu biết rất ít trong truyền thông đại chúng và đối thoại hàng ngày ở Trung Quốc hiện nay. Vậy pháp trị là gì? Tầm mức quan trọng của nó ra sao? Phải chăng có pháp trị là không có “nhân trị”? Pháp trị có những điều kiện thể chế và hàm lượng văn hóa gì? Làm sao để chúng ta đạt được nền pháp trị? Tôi dự định giải đáp những thắc mắc vừa nêu với một loạt bài tiểu luận. Trong bài này, tôi sẽ chú trọng đến ý nghĩa và giá trị của pháp trị. Trong tiểu luận kế (phát hành số tháng 6 của Perspectives), tôi sẽ bàn tới vấn đề thực thi pháp trị.
Khởi đầu, tôi muốn lưu ý rằng ngày nay khi nói đến “pháp trị”, chúng ta nói đến một vấn đề hoàn toàn khác hẳn với quan niệm “pháp trị” như một phương tiện của các pháp gia thời thượng cổ trong lịch sử Trung Hoa. Ngày nay khi nói tới “pháp trị”, chúng ta muốn mô tả bộ phận chủ yếu của nền trật tự xã hội và chính trị tìm thấy tại Hoa Kỳ và các nước tự do dân chủ thời đại hiện tại. Nói cách khác, bàn tới “pháp trị”, chúng ta muốn nói tới một truyền thống Tây phương phát xuất từ cộng hòa La Mã và đã được phát triển toàn vẹn bởi thuyết hiến pháp trị tự do, mà đặc điểm của nó, qua lời của Max Weber, là “ưu thế của luật pháp”.
Khác biệt giữa “dụng pháp trị” [*] và “pháp trị” thật quan trọng. Sống dưới “dụng pháp trị,” luật pháp là một công cụ của chính quyền, và nhà cầm quyền ở trên pháp luật. Trái hẳn lại, sống dưới “pháp trị,” không một ai vượt qua luật pháp, kể cả chính quyền. Cốt lõi của “pháp trị” là một cơ chế luật pháp độc lập. Theo pháp trị, quyền hạn của luật pháp không lệ thuộc quá nhiều vào tính chất phương tiện của luật, mà vào mức độ độc lập của luật, tức là tùy vào mức độ khác biệt và biệt lập giữa pháp luật với những cơ cấu tiêu chuẩn khác như chính trị và tôn giáo. Là một trật tự luật pháp độc lập, pháp trị có ít nhất ba ý nghĩa. Thứ nhất, pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực của chính phủ. Thứ hai, pháp trị là sự bình đẳng trước pháp luật. Thứ ba, pháp trị là thẩm quyền tài phán phải tuân theo thủ tục tố tụng đã được ấn định trước. Chúng ta sẽ bàn về từng ý nghĩa này của pháp trị.
Thứ nhất, là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai nhiệm vụ: giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền của chính phủ, đồng thời khiến cho chính phủ trở nên sáng suốt và chính sách của nhà nước khôn ngoan hơn.
Đối lập của pháp trị là nhân trị. Có hai loại nhân trị. Loại thứ nhất là “thiểu số trị”, chẳng hạn như độc tài chuyên chế và tập đoàn chuyên chế. Loại thứ hai là “đa số trị”, thí dụ tiêu biểu là nền dân chủ Hy Lạp thượng cổ. Yếu tố chung của nhân trị là đặc trưng cho rằng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Thế nên, dưới nhân trị, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo (chính quyền) có thể làm.
Luật Pháp Là Gì?
Lý Ba
Perspective, số 4, bộ 2
Gần đây có rất nhiều thảo luận về việc thiết lập nền móng pháp trị tại Trung Hoa. Muốn xây dựng pháp trị ở Trung Hoa, theo tôi, thì cải cách tòa án không thôi cũng chưa đủ mà còn phải cải cách cả cách thức làm luật. Để tìm hiểu lập luận này, chúng ta cần phải hiểu bản chất của luật pháp là gì.
Trong hai mươi năm vừa qua, Trung Quốc đã ban hành hàng nghìn điều luật. Trong nhiều lãnh vực, đã có khuynh hướng “quá tải lập pháp” (over-legislate). Ví dụ, trong luật hành chính, một số bộ luật vô hiệu quả với tầm nhìn hạn hẹp đã được, hoặc nhanh chóng sẽ được, ban hành. Những luật này gồm có: Luật tố tụng hành chính (1989), Luật quốc gia về bồi thường (1993), Luật trừng phạt-xử lý hành chính (1996), Luật bồi thường hành chính (1999), Luật hành pháp (lập pháp) (2000), Luật cưỡng chế hành chính (đang được thảo), Luật cấp giấy phép, Luật thủ tục hành chính (đang được xem xét), Luật về mua của nhà nước (đang được xem xét) v.v…Tệ hại hơn nữa, những luật chung chung-phổ thông này đan xen với hàng trăm sắc lệnh hành chính và nghị định ở trung ương, tỉnh và địa phương, thường gây ra sự rối rắm và bất định, và một số những luật này dùng ngôn ngữ được viết với ý nghĩa rất hạn hẹp và có thể bị luồn lách dễ dàng. Một số lớn những luật này không được soạn thảo kỹ càng và có phẩm chất kém, và rất nhiều luật không được (áp chế) thi hành; do đó, cả công chức lẫn thường dân đều không thèm đếm xỉa đến. Sự việc này góp phần vào việc thiếu tôn trọng luật pháp nói chung ở Trung Quốc. Rất nhiều những luật như vậy là kết quả của nếp suy nghĩ “đau đâu chữa đấy.” Cách thức làm luật “quá tải” “hạn hẹp”này cần phải được thay đổi nếu chúng ta muốn thiết lập pháp trị ở Trung Quốc. Ban hành hàng nghìn đạo luật (sắc lệnh) chưa hẳn là thiết lập được pháp trị. Điều chúng ta cần không phải là bất cứ khi nào tiện lợi thì ra luật, mà là ban hành pháp luật trong khuôn khổ của pháp trị.
Về cơ bản, sự “quá tải-lập pháp” bắt nguồn từ sự nhận thức sai lầm về bản chất của luật pháp. Luật pháp là gì? Để trả lời câu hỏi này, cần phải tiến hành một cuộc thí nghiệm trong tư tưởng. Hãy thử tưởng tượng ra một trạng thái nguyên thủy theo như mô hình của Locke [nhà triết học Anh], trong đó không có nhà nước, không có chính quyền, và không có cả xã hội con người. Điều đó có nghĩa là không có luật pháp trong trạng thái nguyên thuỷ không? Câu trả lời là không. Vẫn có luật trong trạng thái nguyên thuỷ chứ; người ta vẫn phân biệt được cái gì sai và cái gì đúng. Chúng ta có thể gọi những luật này là quy luật thiên nhiên hoặc những quy luật luân lý. Vấn đề là, trước hết, không có tòa án công bằng để bắt người ta tuân theo luật pháp, thứ nhì là, người ta có thể hiểu về luật rất khác nhau (mặc dù sau những sự bàn cãi và tranh luận công khai một cách cẩn thận và hợp lý người ta có thể đồng ý về một số luật cơ bản). Hai vấn đề này lại sản sinh ra nhiều vấn đề trực tiếp hơn cho đời sống con người. Thứ nhất, không có trật tự mà là sự rối rắm. Thứ nhì, không có công lý vì những kẻ mạnh về thể lực và quyền hành đàn áp những người yếu đuối và không có quyền hành gì. Thứ ba, “không có công lý,” còn được hiểu theo nghĩa: những việc tố tụng giống nhau không được xử như nhau. Cuối cùng, không có hiệu quả kinh tế vì có quá nhiều sự bất định cho nên không thể có hoạt động kinh tế hiệu quả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét