Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

ÓC SÁNG SUỐT - Thu Giang, Nguyễn Duy Cần (phongthuyquan.com)

Phần lớn nhất trong các tai họa của nhân loại đều do cái sổ khổng lồ của những khối óc sai ngoa, trong nhóm trí thức cũng như trong đám quần chúng.
La plus grande partie des malheurs de l’humanité vient du nombre énorme d’esprits faux, dans l’élite comme dans la foule
A.FAVRE
Tiểu dẫn
Người xưa có nói : Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.
Sự thật dĩ nhiên như vậy. Thiếu một trong hai điều kiện trên đây thì không thể bàn đến hạnh phúc được. Vả lại, có được một thân thể tráng kiện mà không có tinh thần sáng suốt thì có xứng đáng gọi là người chưa ? Đối với con người mà có một điều kiện vật chất thôi, không đủ.
Có một định luật về sinh lý mà không một ai tránh khỏi là : bất kí một cơ quan nào thiếu tập luyện, thiếu hoạt động sẽ trở thành phế vật. Mà khối óc ta cũng là một cơ quan như các cơ quan khác có làm cách gì tránh khỏi được cái công lệ tự nhiên ấy. Nếu không tập luyện, nhứt là không hoạt động, lâu ngày rồi nó cũng sẽ thành phế vật không sai.
Nhưng bảo rằng không hoạt động có quá đáng không ? Vậy chớ ai là người không tư tưởng, không phán đoán ? Vậy chớ hằng ngày ta không thấy họ bàn bạc cãi lẫy nhau đến đánh đập nhau, tương tàn tướng sát nhau sao ? Có lẽ họ tư tưởng nhiều hơn họ ăn, ngủ, thở, hát…nữa kia. Thế mà bảo khối óc họ thiếu hoạt động là nghĩa lý gì ? Không. Muôn vàn lần không. Nào ai dám bảo là họ không tư tưởng. Nhưng có điều là họ tư tưởng theo kẻ khác, họ tư tưởng theo giai cấp họ, họ tư tưởng theo sách vở, theo báo chí, theo radio, theo đảng phái hay theo tôn giáo họ. Họ đâu có tư tưởng. Hiện thời thuật nhổi sọ đã đến một trình độ cực kỳ tinh vi, người ta chỉ còn là một bộ máy mặc tình ai sai-sử dụng cách nào cũng được. Cái hiểm tượng há không phải là một ác mộng cho cả thảy chúng ta ngày nay sao ?
Nếu ta nhận cho cái định nghĩa về con người của Pascal là đúng( ), thì để cho khối óc ta thành phế vật hay không săn sóc đến sự huấn luyện nó là một việc hết sức ô nhục cho cái nhân phẩm mình.
Có được một khổi óc sáng suốt là có được một lợi khí chắc chắn để gìn giữ địa vị ưu thắng trên trường đời, luôn cả cái phẩm cách con người của mình. Thật vậy, một kẻ mà khối óc u mê tăm tối, hỗn độn mù mờ chắc chắn sẽ không làm nên trò trống gì nếu không đi làm tay sai cho kẻ khác, hay sống nhờ nơi kẻ khác họ dìu dắt nâng đỡ cho.
Cũng là « đầu đen máu đỏ » như ai, thế sao lại phải ỷ lại vào kẻ khác họ « nâng niu ẵm bế » mình như một đứa bé lên hai trong khi mình cũng có đủ điều kiện tinh thần vật chất như họ ? Vậy, tập luyện cho mình có một khối óc sáng suốt để có thể tự lập và định đoạt lấy mạng vận của mình đầu phải chỉ để mưu hạnh phúc cho mình mà thôi đâu, mà đó là cả một vấn đề nhân phẩm của mình nữa.
Giờ muốn có được một khối óc sáng suốt, ta phải làm thế nào ?
Có thể trông cậy nơi giáo dục ở nhà trường không ? Chắc chắn là không thể hoàn toàn trông cậy nới đó được. Có nhiều duyên cớ mà có lẽ duyên cớ nầy là quan trọng nhứt : chương trình quá nặng nề mà thời gian để tiêu hóa rất ngắn ngủi. Trong ba bốn năm mà bắt đầu óc phải chứa đựng không biết bao nhiêu điều mà có lẽ suốt đời ta, nếu thật thông minh, cũng không đủ để tiêu hóa. Ta nên nhớ : một sự hiểu biết gì mà không phải tự mình tìm ra, không phải là hiểu biết. Huống chi, bắt người ta phải thâu nhận những điều người ta chưa muốn thâu nhận để thi cử thì cái biết ấy hoàn toàn không ích lợi gì cho khối óc thông minh của mình cả. Đó chẳng qua là một sự nhồi sọ mà thôi. Những cấp bằng ấy là những cấp bằng trí nhớ, một lối trí nhớ cơ giới (mémoire mécanique) không thể hoàn toàn đảm bảo sự thông minh trí thức của họ được như có nhiều người lầm tưởng. Phần đông những kẻ có cấp bằng trung học hay đại học mà làm nên một kỳ công đại nghiệp gì đều nhờ cái học tiếp tục của họ sau khi ra trường. Những thí sinh qua khỏi cuộc thi rồi, không bao lâu họ sẽ trả lại nhà trường cả và chỉ giữ lại một ít hiểu biết vụn vặt, những cái hiểu biết ngoài da hết sức dở dang, chỉ đủ làm một phận sự thơ lại trong các công sở mà phận sự không cần đến thông minh, chỉ biết cúi đầu làm theo những gì mà bề trên đã sẵn sàng vạch trước. Một anh tú tài vừa tách ghế nhà trường có thể có một cái biết của một nhà thông thái, nhưng mà là một thứ biết không ra hồn : cái gì cũng biết mà không có một thứ gì thật biết. Phải nói : người ta « ăn nhiều quá », nhưng « chưa kịp tiêu ». Vấn đề văn hóa là một vấn đề thời gian. Bỏ thời gian thì công trình văn hóa phải dở dang hư hỏng cũng như phải có thời gian hoa mới có thể nở, trái mới có thể chín, cây mới có thể mọc… vậy. Bởi thế nói đến công trình văn hóa ở nhà trường thật khó mà trông mong một cách ổn thỏa được.
Những phương pháp giáo dục ở nhà trường, đứng về phương diện trí dục đành là khuyết điểm rồi, nhưng về phương diện đức dục và cách thức cư xử ở đời thì hoàn toàn lại càng khuyết điểm hơn nữa. Thanh niên ra đời, sau khi rời bỏ nhà trường, thật bỡ ngỡ lạ thường… Bởi vậy, như tôi đã nói ở trên, phần nhiều những kẻ lập nên kỳ công đại nghiệp gì ở đời đều nhờ nơi công phu tự học cả. Muốn được thế họ phải trải qua không biết bao nhiêu gian lao khổ cực để tìm lấy cho mình một lề lối, một kỷ luật để tự dìu dắt trên con đường tu tập. Nhưng tiếc thay, đâu phải hojluoon luôn đều được may mắn cả đâu : một phần đông vì thiếu thời giờ bởi vấn đề sinh kế mà phải « bán đồ nhi phế », hoặc thiếu tài liệu vì thời cuộc mà phải đành buông trôi ý chí của mình…
Quyển sách nầy viết ra đây là vì những bạn trẻ ấy.
Đây là tinh hoa của rất nhiều bộ sách về phép huấn luyện trí não của các bực vĩ nhân hiền triết đông-tây mà tôi đã đọc qua và tóm tắt cho các bạn, luôn cả những kinh nghiệm của tôi trong thời gian tự học… Cốt cầu được đơn giản và rõ ràng, bao giờ tôi cũng nhắm về thực tiễn hơn là lý thuyết suông.
Người ta thường dung cái danh từ « đa văn quảng kiến » để chỉ những bực tài hoa xuất thế đâu phải là không có lý do. Nhãn quan và thính quan là nguồn gốc của một phần rất lớn trong sự hiểu biết của ta. Kẻ nào khéo điêu luyện giác quan thì kinh nghiệm của họ về việc đời càng thêm phong phú và sâu rộng. Trái lại có nhiều kẻ đi trên đường đời như người mơ ngủ : họ có mắt nhưng không biết xem, họ có tai nhưng không biết nghe… Những người như thế chắc chắn khối óc họ luôn luôn lù mù, tinh thần họ luôn luôn tăm tối có khác nào kẻ đui người điếc đâu.
Nhưng quan sát mà được tinh vi đúng đắn là nhờ khéo biết tập trung tư tưởng. Thiếu tập trung tinh thần thì các quan năng đặc biệt như trí nhơ, trí phán đoán hay suy luận đều không thể phát triển được. Trong phép điêu luyện tinh thần, phải lấy nó làm gốc. Bởi vậy, trong quyển nầy tôi đã phải dành cho nó và thuật quan sát một địa vị tương đương và quan trọng nhất.
Trong khi quan sát, ta còn phải để ý đặc biệt về yếu tố này: trí tưởng tượng. Sỡ dĩ trong khi quan sát mà thường bị sai lầm là vì nhận xét không tinh và vì óc tưởng tượng quá mạnh nhưng không qui củ. Trong khi quan sát không gì nguy bằng để cho trí tưởng tượng chen vào, nó thường làm cho ta thấy sự vật, không phải y như sự vật ấy đã xảy ra, mà là theo ý của ta muốn cho sự vật ấy phải xảy ra như thế nào. Trái lại, nếu biết huấn luyện nó cho có qui củ thì trí tưởng tượng sẽ là một lợi khí giúp ta tìm chân lý một cách hết sức đắc lực. Những bực thông thái đã phát minh được những gì đều nhờ biết dùng trí tưởng tượng tạo ức thuyết để dẫn đường trong con đường tìm chân lý. Thiếu trí tưởng tượng, là thiếu một cơ năng quí báu nhứt của tinh thần. Nó là tinh lực của tư tưởng. Thiếu nó, con người không sáng tạo được gì cả mà đời sống cũng không còn gì là hứng thú.
Biết quan sát cho tinh, biết tưởng tượng cho đúng cũng chưa đủ gọi là sáng suốt. Tư tưởng mà đúng đắn, trước hết là nhờ tư tưởng có trật tự và có một trí nhớ trung thành. Thiếu sự tổ chức tư tưởng thì không thể nào có được trí nhớ trung thành, mà không có trí nhớ trung thành thì chắc chắn không làm gì tư tưởng cho có đầu đuôi minh bạch được. Trí nhớ đây, không còn là một thứ trí nhớ cơ giới nữa, mà là một thứ trí nhớ của tinh thần hoạt động điều hòa.
Vì nhứng lẽ nói trên, tôi chia công phu huấn luyện tinh thần làm năm phần, sắp theo thứ tự sau đây:
A – Thuật quan sát;
B – Thuật tập trung tinh thần;
C – Thuật tưởng tượng;
D – Thuật tổ chức tư tưởng;
E – Thuật nhớ lâu;
Một chương trình như thế tuy đơn giản thật nhưng cũng có thể tạm gọi là vừa đủ cho các bạn muốn đào tạo cho mình một khối óc sáng suốt, hoặc không được thế, thì ít ra cũng không đến nỗi mù mờ như xưa nữa.
Những bạn nào muốn lên một từng cao hơn, hãy đọc tiếp quyển sách kế tiếp của nó, quyển THUẬT TƯ TƯỞNG.
Ta có thể gọi quyển này là quyển nhập môn cho Thuật Tư Tưởng cũng nên.
Đọc xong quyển này, các bạn nếu thực hành ngay từng nguyên tắc, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thấy đổi mới, tinh thần bạn sẽ thấy minh mẫn hơn xưa nhiều. Và được bấy nhiều cũng đã nhiều rồi...
Nguyễn Duy Cần
Nguồn :THƯ VIỆN EBOOK

Chương I
I.TƯ TƯỞNG LÀ GÌ?
TRƯỚC khi bàn qua những phương pháp tư tưởng cần định nghĩa tư tưởng là gì?
Tư tưởng là một chữ khó định nghĩa, vì nó có cái nghĩa vừa rộng rãi, vừa thay đổi. Thử lấy một vài trường hợp đặc biệt mà người ta thường đem chữ ấy ra dùng:
A.__ Người ta hay dũng chữ « tư tưởng » để chỉ « bất kỳ là thứ gì thoáng qua trong đầu óc ». Cái định nghĩa này thật hàm hồ... là vì, sự thật, phàm tư tưởng một điều gì, tức là để tâm đến điều ấy, tuy rằng để tâm một cách sơ sài hay sâu rộng cũng vậy.
B. __ Tư tưởng cũng dùng để chỉ « những ý nghĩ ở ngoài sự nhận thức của giác quan ». Ta tư tưởng những vật gì ta không thể thấy, nghe, hay rờ rẫm được.
C. __ Tư tưởng lại cũng dùng để chỉ « những ý kiến căn cứ đàng hoàng trên một số bằng cớ chắc chắn », về định nghĩa này, có 2 loại như sau đây, cần phải để ý phân biệt:
a) có khi ta chỉ nhận suông một ý kiến nào, không cần đòi hỏi hay tìm kiếm những lý lẽ hay bằng cứ để làm cơ sở cho ý kiến ấy.
b) có khi trái lại, ta chỉ nhận một ý kiến, khi nào ta tìm thấy nó có cơ sở vững vàng, bằng cứ chắc chắn. Lối này, là lối tư tưởng chính đính (pensée réfléchie). Chỉ có lối tư tưởng này là có giá trị thôi. Cho nên nó là trụ cột của quyển sách này vậy.
Sau đây, ta thử phân tích rộng ra, những lối tư tưởng trên đây cho dễ hiểu hơn.
A. __ Tư tưởng lông bông, không phải là tư tưởng.
Những cảm xúc thoáng qua, những ký ức mơ màng, những mộng tưởng bâng quơ lảng vảng trong đầu óc những khí nhàn rồi... đó là lối tư tưởng mà ta không nên vì nó đỡ phải mất thời giờ vô ích. Trái lại, tư tưởng đính chính là một sự liên lạc chặc chẽ, chớ không phải là một sự tiếp tục hoang mang những ý nghĩ không đầu đuôi, không dính líu với nhau đâu. Bắt đầu từ ý này sang ý kia, bắt từ ý kia sáng ý nọ không dính dấp gì với nhau cả, đó không phải là tư tưởng đính chính. Tư tưởng là khi nào mỗi ý nghĩ đều để lại một dư nghĩa, dùng làm chỗ nối cho một ý nghĩa khác theo sau và cuồn cuộn như dòng nước chảy...
B. __ Tư tưởng dùng để chỉ vào « những sự vật ở ngoài nhận thức của giác quan » cũng chưa phải là tư tưởng hoàn toàn được.
Một người kia thuật cho ta nghe một câu chuyện. Nếu ta hỏi họ có thật nghe thấy chuyện ấy như thế không, thì có khi người đó sẽ trả lời: đó toàn là sự ước định mà thôi: « Tôi nghĩ nó như thế... » Đây, người ấy không tư tưởng theo quan sát mà một phần do nơi sự « sáng tạo » mà ra. Những việc người ấy thuật cho ta nghe có thể hữu lý lắm, cái này ăn chịu với cái kia, chằng chịt ráo riết như sự thật vậy. Lối tư tưởng này, nếu được liên lạc nhau, cũng có phần na ná với lối tư tưởng chính đính. Thường lối tư tưởng này để chỉ có những người có óc luận lý họ bày ra được thôi. Đó là lối tưởng tượng đi tiền đạo cho lối tư tưởng chính đính sẽ bàn sau nầy.
C.__ Lối tư tưởng « chỉ nhận suống một ý kiến, mà không tìm coi nó có cơ sở hay bằng cứ chắc chắn không », cũng không phải là tư tưởng hoàn toàn.
Khi ta nói: « Người ta tin rằng trái đất hình giẹp » hoặc: « Tôi tưởng anh không có ở nhà »... v.v., đó là ta đã tỏ ra một « ý kiến ». Ta tuy đã quả quyết, đã chứng minh một việc, những tư tưởng lối này có thể là những ức thuyết chưa kiểm tra, ngẫu nhiên phát sanh ra trong đầu óc ta. Ta cũng không lo tìm kiếm những lý lẽ, những bằng cứ để làm cơ sở cho nó. Ta chỉ thu nhặt nó, vô tâm đem sáp nhập nó vào tâm trí ta một cách thờ ơ lơ đễnh... Lối tư tưởng này là lối tư tưởng theo tập quán, theo giáo dục, hòa lẫn với dục vọng bồng bột của ta. Ta gọi là « thành kiến » vì nó không căn cứ vào một lẽ hiển nhiên nào cả.
Trái lại, « tư tưởng chính đính » là « kết quả của một sự khám xét chặt chẽ, dày dặn, tinh mật một ý kiến nào; và có thêm rất nhiều bằng cứ, lý lẽ chính đính làm cơ sở cho nó ».Tỉ như trước kia, người ta đều tin rằng « trái đất hình giẹp »...Người ta tin suông như thế...
Đến sau Christophe Colomb cho nó là hình tròn. Ở đây không còn phải là một lối tin tưởng suông như trước nữa, trái lại, nó là kết quả của một quan sát rất chu đáo những sự thực đã xảy ra: ông đã suy đi xét lại sự hiển nhiên trước mắt ông cho đến khi ông không thấy còn chỗ nào nghi ngờ nữa, bấy giờ ông mới quả quyết tin là nó là thế ấy.
Hoài nghi đối với bất kỳ là cái chi do cựu lệ truyền lại, ông không chịu thối lui trước sự khó nhọc để quan sát, để kiểm tra những điều ông nghe thấy, ông tìm kiếm đủ bằng cứ để chứng minh điều ông suy nghĩ, chừng ấy mới chịu tin ý kiến mình là phải. Dầu kiết luận của ông có sai lầm đi nữa, ý kiến của ông đã nhận là một ý kiến rất khác xa ý kiến kia của những người « tin suông » trước ông: ý kiến ông là kết quả của lối « tư tưởng chính đính ».
Tóm lại, « tư tưởng chính đính » là tư tưởng có bằng cứ chắc chắn, không phải lối tư tưởng vu vơ, bổng lổng thêu lêu, không gốc rễ.
II. ĐIÊU LUYỆN TINH THẦN
MUỐN có được một tư tưởng chính đính, điều kiện đầu tiên là phải có một tinh thần đầy đủ, một trí tuệ hoạt bát.
A.__ « Trí tuệ » là gì? Là sự tổng hợp của 3 quan năng này: Giác cảm, Trí Nhớ và Trí Phán Đoán.
a) Giác cảm đứng đầu. Nhờ có mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi..., ta mới biết được hình trạng cùng vị trí tương quan của mọi vật. Nếu ngũ quan của ta khéo điêu luyện thì sự hiểu biết của ta về ngoại giới sẽ đặng dồi dào phong phú hơn. Nếu rủi mà tai ta lảng, mắt ta mờ... lại là một cái cớ ta cần phải chuyên tâm huấn luyện nó hơn ai cả thảy, để bù vào chỗ thiếu sót của ta. Vậy, sự hiểu biết của ta về sự đời, nếu không có mắt thấy, tai nghe... ta sẽ tưởng tượng nó sẽ ra như thế nào? Huống chi có mắt mà không biết xem, có tai mà không biết lóng, thời có hơn gì kẻ đui người điếc bao nhiêu. Vậy bước đường đầu để điêu luyện trí tuệ là phải tập quan sát.
b) Nhưng, nếu những cảm giác ấy như cái bóng phớt qua tường, không để lại một chút ấn tượng gì cả, thì những cảm giác ấy có ích gì cho ta không? May thay, trí não ta, tạo hóa sanh ra tự nhiên có được cái tính ghi nhớ, dẫu không thèm muốn nhớ. Cái đó, ta gọi là « ký ức »: Ký ức được vững vàng phong phú bao nhiêu, thì đời sống tinh thần của ta được dồi dào ý vị bấy nhiêu: ta sở dĩ hiểu được hiện tại và lo liệu được tương lai, vẫn nhờ nơii tài liệu của cảm giác đã qua mà ta còn khăng khăng nơi lòng. Trí Nhớ mà được dẻo dai, trung thành rất cần thiết cho sự phát triển của Trí Tuệ. Vậy, bước đường kế đó, là phải tập Trí Nhớ cho dẻo dai.
c) Có cảm giác, có trí nhớ, nhưng không biết dùng nó cho trúng thời trúng tiết theo những trường hợp bất ngờ trong đời sống hằng ngày của ta, thì những cảm giác và trí nhớ ấy cũng không ích lợi gì cho ta cả. Phải biết sắp đặt lại những tư tưởng của mình cho có trật tự, nhiên hậu mới có thể suy luận một cách sáng suốt và đích xác được. Có suy luận được một cách sáng suốt và đích xác mới có thể phán đoán không sai sót. Không có Trí Phán Đoán thì không tìm thấy được cái trật tự, cái liên lạc trong mớ tư tưởng hỗn độn của mình. Vậy, thiếu Trí Phán Đoán thì giàu cảm giác, giàu trí nhớ bao nhiêu cũng thành ra vô dụng.
B.__ "Tinh thần" là gì? Là sự tổng hợp của Tình cảm, Trí tệ và Ý chí.
Lấy tình cảm để làm nguyên động lực cho Trí tuệ, dụng Ý chí để đem Trí tuệ dìu dắt lại Tình cảm... đó là căn bản của sự đào luyện Tinh thần.
Tinh thần cần phải tự do mới được hoàn toàn phát triển đặng. Đành rằng nói đến Tinh thần tự do là đã nói dư tiếng, vì đã gọi là tinh thần thì bản thể nó là tự do rồi. Tinh thần không tự do, không còn gọi là "tinh thần" nữa. Tuy nhiên, tinh thần loài người bị dục vọng mờ ám, làm cho nó mất cả sự tự do hoạt động, nên phải nói đến tự do, tức là giải phóng nó ra khỏi cái vòng hắc ám của Dốt nát và Dục vọng.
Điêu luyện tinh thần, tức là giải thoát Tinh thần. Tinh thần mà bị Dục vọng làm mờ ám, thì tư tưởng phải sai ngoa thiên lệch. Tinh thần được giải thoát, tư tưởng mới sáng suốt đúng đắn. Cho nên điêu luyện tinh thần, mà không giải thoát nó, lại còn đem nó làm tôi tớ cho một khuôn mẫu nào, xiềng trói nó vào một tôn chỉ hay chủ nghĩa nào, là đã đi sai cả tôn chỉ của ta rồi.
Bị giam hãm trong cảnh đói lạnh, lầm than khổ sở mấy muôn đời, trí thức loài người lần lần giải phóng ra khỏi cảnh lù mù của sự Dốt nát và Ich kỷ. Người cổ lỗ, trí tưởng tượng của họ hẹp hòi nô lệ bao nhiêu còn người văn minh ngày nay, trí tuệ của họ rộng rãi tự do bao nhiêu, đủ cho ta thấy rằng "tự do tinh thần" không phải là một việc an bài của Tạo hóa, mà là một chinh phục cao quí nhất của loài người. Tất cả danh dự con người là nơi đó.
C.__ Tinh thần tư tưởng con người sở dĩ không đặng tự do, vì 3 nguyên nhân sau này:
1/ bị nô lệ lấy những cảm giác ngoại giới nó lôi cuốn tinh thần ta như chiếc ghe không lái, trôi giạt tha hồ theo luồng sóng...;
2/ bị nô lệ lấy dục vọng bên trong, làm cho tinh thần ta mờ ám hỗn độn, hành động ta vô tâm như bộ máy;
3/ bị nô lệ lấy cái bã của danh từ.
Giải thoát tinh thần tư tưởng là giải thoát nó ra khỏi ba loại xiềng xích nầy vậy.
Giờ, thử bàn rộng ra những ba nguyên nhân đã nói trên:
1.__ Cảm giác bên ngoài:
Những việc xảy ra chung quanh ta hằng ngày thật hết sức phức tạp. Nó dồn dập như sóng bể, lớp sau theo lớp trước... khiến cho tinh thần ta tản mát đảo điên không khác nào con thuyền trôi chơi vơi trên mặt bể. Thử lấy ngay đời sống hằng ngày của một người mà ta thường gọi là trí thức, ta sẽ thấy rõ ràng sự tản mác tinh thần hơn. Sáng sớm dậy, nếu không phải bị radio nhồi cho một mớ tin tức lặt vặt không đâu, thì lại có báo chí họ cung phụng cho. Rồi đến phiên đi làm... nơi công sở hay hãng buôn để làm cho một công việc như bộ máy, không cần phải dùng đến trí phán đoán gì cả. Đến trưa hay tối về nhà, thì sống cái đời sống bằng phẳng tầm thường của gia đình: vợ chồng, anh em, bè bạn xúm nhau bàn bàn tán tán những cấu chuyện nhảm... bên Tây bên Tàu, chuyện giặc giả, chuyện nhà người. Khó mà thoát khỏi cái ạn báo chí kích thích bồn phương: kẻ nói nọ, người nói kia, những tin tức không thực, những lý lẽ vụng về, những lập luận hấp tấp... bấu xé đầu óc, làm cho tinh thần mình như chiếc lá khô quây cuồng theo con gió trốt. Tinh thần không tập trung được... cho nên không có cái gì mình nhận thức rõ rệt được, hay suy nghĩ đính chính được.
Sống giữa luồng sóng gió, mà tự mình không có một phương hướng nào nhất định, thì sự nhận thức của mình về mọi vật chung quanh không khác nào một cái bóng phớt ngang tường, không để lại được chút gì là dấu vết cả. Hơn nữa, phần đông con người chỉ biết chiều theo dục vọng để suy nghĩ, chớ không chịu nhọc công tìm hiểu sự vật theo cái thực diện của nó. Môt mặt thì bị trôi giạt theo làn sóng của cảm giác bên ngoài; một mặt lại bị sự nung nấu của tình dục bên trong, thảo nào tinh thần ta không như chiêc thuyền bị thả trôi theo dòng nước.
Muốn cho tinh thần khỏi bị lôi cuốn tha hồ theo những cảm giác bên ngoài, ta phải biết "Quan Sát". Có biết quan sát, thì minh fmowis thoát khỏi cái ách hỗn độn của cảm xúc bên ngoài, mình mới làm chủ được nó một cách vững vàng.
2.__ Trí thức loài người đời xưa, không phải để dùng vào sự Hiểu Biết, mà chỉ để dùng tự vệ, tranh đấu với những nguy hiểm rình rập quanh mình hằng giờ. Hành động của họ chỉ là một phản động như bộ máy, hễ ngộ lấy một cảm xúc nào thì nó tung ra như cái "ruột gà" ( ) không suy nghĩ , không dè dặt gì cả. Tinh thần trí não họ như của đứa trẻ thơ, mừng giận thương vui đều phát hiện liền bằng những cử động sát một bên với xúc động. Hay nói một cách khác cho dễ hiểu hơn: giữa cái "cảm xúc" và "cử động" không có cái gì chen ngăn cả. Hễ giận thì thét, thích thì cười, thuận thì sướng, nghịch thì khổ. Lần lần, trí khôn mới phát hiện ra, chen ngăn giữa "cảm xúc" và "cử động". Bấy giờ con người thông minh, biết lấy Ý chí mà "cưỡng lại sự phản động quá vội vàng" kia lại, nghĩa là sau khi "cảm xúc", thay vì "cử động" liền, họ biết suy nghĩ cân nhắc lợi hại rồi mới "hành động". Đó là bắt đầu phát sanh ra sự "suy nghĩ", trí khôn ngoan biết tư tưởng.
Tuy nhiên, cái gốc "hung hăng" của ông cha ta, đã di truyền lại cho ta tự mấy ngàn đời, ẩn núp nơi đáy lòng, là một mối tai hại, làm cho sự giải phóng tinh thần rất khó khăn hết sức. Tiếp theo, là cái tính tự đắc điên cuồng...Người cổ lỗ sợ chê thích khen: dư luận đối với họ có một thế lực phi thường. Sỡ dĩ họ dám hy sinh cả đời sống họ, chịu lắm sự khổ cực mà không nao lòng, chỉ vì một cái tính "hiếu danh". Than ôi! Đó là tình trạng trí thức của người cổ lỗ, sống toàn trong thiên tính, thế nhưng, người bây giờ phần đông tự gọi là văn minh tiến bộ hơn nhiều, trong cách hành động suy nghĩ hằng ngày cũng đâu có xa cho mấy. Người bây giờ, suy được cái vỏ ngoài là văn minh, nhưng thật sự bên trong hãy còn mang lấy cái di tính của người bản khai: thích khen sợ chê, tự đắc, hiếu danh... ai ai cũng muốn thiên hạ phục mình, nên không chịu nhọc công suy nghĩ chính đính chi cho mất thời giờ, họ thích hoạt động mau lẹ, quyết đoán một cách cẩu thả. Sự phản động của họ đối với những kích động của ngoại giới rất lẹ như bộ máy, không có chút dấu vết gì là tư tưởng cả. Lý luận của họ là lối lý luận của tình cảm, của dục vọng. Lại nữa, đầu óc bạc nhược, không đủ sức tập trung tư tưởng vào một vấn đề nào cho ráo riết, họ để tha hồ bên trong dục vọng làm chủ, bên ngoài giác cảm lôi cuốn, tinh thần bị rời rạt, đảo điên như ngọn đền chon dưới gió.
Trái lại, kẻ biết tự chủ lấy tình dục bên trong, giác cảm bên ngoài, là kẻ biết vận dụng tư tưởng để vào một việc gì mà không xao lãng.
Napoléon là tiêu biểu hạng người này, De Pradt nói đến ông như vầy: "Trong khi ông chú ý vào một việc nào, thì ngoài việc ấy, ông không còn biết có cái gì khác nữa: chính là một cuộc săn đuổi mà không còn có cái chi đổi hướng được nữa..." "Trong lúc ông đang làm bộ Dân luật (Code civil), những tin may mắn hoặc rủi ro của trận giặc Égypte đưa đến cho ông hằng ngày, cũng không làm cho ông xao lãng ra ngoài công việc ông đang làm...Sức chú ý của ông thật là bền vững, mãnh liệt hết sức". Nước ta, có Phạm Ngũ Lão, trong khi ông ấy đang suy nghĩ về một vấn đề gì, ông không hay có đạo binh của Hưng đạo vương đi qua, đến có tên lính cầm giáo đâm vào đùi mà ông cũng không để ý tới...Câu chuyện có không chẳng rõ, nhưng ý vị của câu chuyện thật hay: những bực vĩ nhân sở dĩ khác người là chỗ đó. Théodule Ribot nói: "Sỡ dĩ có thể phân biệt được trình độ tiến hóa của loài thú và loài người là nhờ căn cứ nơi sự Chú ý..." "Chú ý là khí cụ duy nhứt để giải thoát tinh thần vậy.
3.__ Danh từ là cái dấu hiệu con người bày ra, để trao đổi ý kiến với nhau. Cái hay của nó không biết nói sao là cùng: nhờ nó ta giải thoái được sự hỗn độn của nội tâm, vừa lại giải thoát được sự loạn tạp của ngoại cảnh. Danh từ mà được rõ ràng tinh tế chừng nào, là bằng cứ con người được tiến bộ chừng nấy. Bởi thế, Jules Payot nói: "Tư tưởng và Lợi nói, là một sự giải phóng". Thiếu danh từ, tư tưởng con người sẽ hoang mang mờ tỏ: không ai có thể hiểu mình, mà mình cũng không thể hiểu ai, cùng nhau sống chung mà không khác nào một mình lẻ loi trong chốn rừng sâu, giữa loài hoa cỏ. Trí thức con người như bị chôn chặt trong vòng tăm tối.
Tuy nhiên, đã có hay thì cũng phải có dở. Nếu danh từ giúp cho tinh thần ta giải thoát ra khỏi cái vòng hỗn độn của nội giới, cái loạn tạp của ngoại cảnh, có khi nó cũng nô lệ tinh thần ta lại một cách gắt gao nếu ta để cho nó hội hợp với tánh lười biếng, kiêu căng và hung dữ của ta. Thật vậy, phải chi tiếng nói của ta không biểu diễn được một cách rõ ràng sự vật, cũng không hại gì mấy. Trái lại, có khi nó phản cái sứ mạng nó đi: có nhiều tiếng, nếu đọc lên nghe kêu vang như sấm nổ, mà thực sự thì trống rỗng như cái thùng không. Người ta dùng nó không đúng với cái nghĩa của nó. Có khi vì muốn lừa gạt, nhồi sọ kẻ khác, người ta đem nó dùng vào những chỗ không nên dùng, làm cho con người suy nghĩ sai hẳn với sự thật. Hơn nữa, quen suy nghĩ theo danh từ ấy muốn ám chỉ nữa. Có nhiều kẻ dùng toàn lời là lời, tuyệt không có hàm một ý tứ nào là đúng đắn cả. Tôi thấy có nhiều nhà văn, viết báo viết sách, bàn đến Tự Do, Bình Đẳng, Giáo Dục, Chân Lý, v.v..., nhưng chính họ không biết rõ thế nào là Tự Do, Bình Đẳng, Giáo Dục, Chân Lý... Cũng như có lắm nhà thi sĩ (!) tả những cảnh "tuyết rơi mai rụng", mà chính họ từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy tuyết ra thế nào cả... Cách giáo dục ở nhà trường, cốt sao cho học sinh học cho được nhiều sách mà không thiết gì đến sự thật, đào tạo cho chúng ta ngày nay một lũ người "ngụy trí thức" (esprits faux), "bác học nửa mùa" (demi-savants) rất tai hại cho xã hội ngày nay không biết bao nhiêu mà kể. Chữ nghĩa của bọn nầy thì nhiều lắm, họ biết đủ thứ...nhưng chỉ để mà nói, mà viết... chớ dùng vào những việc thực tế trong đời, họ là bọn người không dùng vào đâu được cả. Bọn nầy, nếu chính phủ không dùng, thì họ không còn biết cách nào xoay trở mà sống được cả: họ không nuôi sống nổi họ bằng một anh thợ máy. Thế là họ đâm ra làm cách mạng: bất kỳ là chủ nghĩa xã hội quá khích nào đều được họ làm tên lính tiền phong trung thành và nhiệt liệt hơn hết. Chính hạng người này là lũ người đem những chủ nghĩa không tưởng rỗng tuếch về xã hội, dắt dẫn quần chúng vào những cái hố sâu không đáy của sự lầm than, của chiến tranh và trộm cướp. Danh từ mà dùng không đúng với sự thật của nó, Leibnitz gọi là "danh từ rơm" (la paille des mots) ( 1) . J. Payot gọi nó là "giấy bạc giả", chỉ có hình sắc mà không có thực giá. Ông lại nói: "Nguy hiểm thay cho những xứ dân quyền, chỗ mà thiên hạ đều lấy cái tài miệng lưỡi làm cái phẩm giá duy nhứt của nhà dẫn đạo, chỗ mà ai ai cũng tin tưởng rằng "với ba tấc lưỡi khoon khéo, có thể xoay chuyển cả cuộc diện của xã hội như chơi". Người ta, thay vì dùng lời nói để khêu gợi tư tưởng, họ dùng để khêu gợi dục vọng và nịnh nọt dân chúng. "Dân chúng họ thích những lời nói rườm rà, kích thích tình cảm hơn là tìm sự thật trong đó. Vì thế, những nhà chánh trị, những nhà làm báo hay dùng những danh từ trống rỗng mà kêu to để kích thích dục vọng của quần chúng một cách rất hiệu quả. Họ có kể gì đến tinh thần của quần chúng, họ chỉ làm sao thỏa đợc lòng tham muốn của họ thôi và lấy quần chúng làm nấc thang để đưa họ lên địa vị cao sang quyền quí của họ ao ước là đủ rồi." ( 2)
Danh từ, không phải tự nhiên thuộc về khách quan. Hồi nguyên thủy, người ta dùng lời nói để "ra lệnh", "dọa hẩm", hoặc để tự vệ hay than thở, cầu xin... Bởi vậy, danh từ ban sơ thuần thuộc về chủ quan, thuần nhuộm màu của dục vọng. Về sau, lần lần Lý trí nẩy nở, những danh từ ấy được cởi bớt lần cái màu chủ quan đi, biến thành những danh từ khách quan. Đó là con đường tiến hóa của nhân loại vậy.
Ngày nay, thay vì dùng tiếng nói để chỉ sự thật của mỗi sự mỗi vật, người ta thay đổi xác thể của nó đi: họ đem nó hòa lẫn với quyền lợi, với tính tự đắc, lòng yếm ổ cùng thiên kiến... Té ra, danh từ ngày nay lại thối về nguồn gốc của nó tự ngàn xưa: tư tưởng con người cũng theo cái chiều đó mà thối hóa.
Đó là tư cách rất trái ngược với tư cách nhà khoa học chân chính. Nhà khoa học ức chế cả sự ưa thích riêng của mình, không bao giờ chịu dùng đến lý luận của dục vọng (logique passionnelle), rất nhẫn nại dò xét sự thật một cách chu đáo, tìm đủ bằng cớ rồi mới chịu tin, nhất là không bao giờ vội vàng trong sự phán đoán. Trái lại, các nhà làm báo, các nhà chính trị, những bọn mị dân chủ nghĩa... họ làm cho danh từ biến thể, cốt dùng lời nói để lôi cuốn, phấn khởi quần chúng (passionner la foule), đào tạo những hạng người hung hăng đầy dục vọng để làm tay sai cho họ.
Vậy, ta cần phải biết suy nghĩ lấy một mình, biết "làm thinh" khi nào không biết và nhứt là phải coi chừng đừng để bị lôi cuốn theo những danh từ "hổ đầu xà vĩ" " to vóc mà trống ruột", nghĩa là "biết xem sự hùng biện như một sự thiếu lễ đối với kẻ nghe nó" (1). Tại sao dùng sự hùng biện là thiếu lễ đối với kẻ nghe mình? J.Payot trả lời: "Hùng biện là cốt làm cho đê mê óc phê bình đi. Dùng sự hùng biện để dẫn dụ người nào, là tỏ ra mình khinh khi người đó đến bực."( 2)
Tóm lại, muốn tư tưởng cho đúng, phải có một tinh thần độc lập, tự do. Muốn có được một tinh thần độc lập và tự do, phải giải phóng cho nó ra khỏi ba cái xiềng xích đã nói trên, là
1) Những cảm giác hoang mang loạn tạp bên ngoài;
2) Những dục vọng hỗn độn bên trong;
3) Những danh từ “hữu danh vô thực”.
Giải phóng tinh thần khỏi bị lôi cuốn theo những cảm giác lung tung bên ngoài, chính là cách làm cho sự hỗn độn ấy thành ra trật tự: lượt bỏ những cảm giác vô ích và đem cái phụ mà tùng cái chánh. Đem cái hỗn độn về trật tự, là công phu của quan sát, sẽ bàn ở chương sau.
(1) “Thay vì tép lúa đầy hột, danh từ chỉ còn lại là cọng rơm thôi.
(2) Gustave Le Bon. – Psychologie des Foules. Chap II, pp.83-86

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét