1. Triết học là khoa học nghiên cứu về các vấn đề nền tảng và tổng quát, như: thực tại, hiện hữu, nhận thức, các giá trị, lý tính, tinh thần và ngôn ngữ. Triết học được phân biệt với những lối diễn đạt các vấn đề ấy theo cách khác bằng sự tiếp cận phê phán, nhìn chung là có tính hệ thống, của nó và việc nó dựa trên luận cứ thuần lý. Chữ “triết học” có gốc từ chữ φιλοσοφία (philosophia) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa đen là “yêu mến sự minh triết”. Theo lối nói thông thường hơn, “triết học” của cá thể một người có thể dùng để chỉ những niềm tin của người ấy.
2. Những lĩnh vực nghiên cứu
Những lĩnh vực nghiên cứu chính trong triết học ngày nay gồm: siêu hình học, logic học, nhận thức luận, đạo đức học và mỹ học.
2.1. Siêu hình học
Siêu hình học là khoa học nghiên cứu về những đặc điểm phổ biến nhất của thực tại, như: hiện hữu, thời gian, mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác, các vật thể và các thuộc tính của chúng, những cái toàn bộ và các bộ phận của chúng, những sự biến, những quá trình và quan hệ nhân quả. Các bộ phận truyền thống của môn siêu hình học gồm: vũ trụ học, khoa học nghiên cứu về thế giới trong toàn thể của nó, và bản thể học, khoa học nghiên cứu về tồn tại.
Trong bản thân môn siêu hình học có rất nhiều lý thuyết triết học khác nhau. Thuyết duy tâm, chẳng hạn, là niềm tin cho rằng thực tại là do tinh thần kiến tạo hay nói cách khác là phi-vật chất, trong khi đó thuyết duy thực lại cho rằng thực tại, hay ít ra là một phần của thực tại, tồn tại độc lập với tinh thần. Thuyết duy tâm chủ quan mô tả các đối tượng không gì khác hơn là những tập hợp hay những “bó” dữ liệu cảm giác ở người tri giác. Triết gia thế kỷ 18 là George Berkeley thừa nhận rằng hiện hữu về cơ bản là gắn với tri giác bằng thành ngữ Esse est aut percipi aut percipere (Tồn tại là được tri giác hay tri giác”
Tuy nhiên, ngoài những quan niệm được ở trên, trong siêu hình học còn có sự phân đôi bản thể học giữa khái niệm về những cái đặc thù và khái niệm về những cái phổ quát. Những cái đặc thù là những đối tượng được cho là tồn tại trong không gian và thời gian, đối lập với những đối tượng trừu tượng, ví dụ như những con số. Những cái phổ quát là những thuộc tính của nhiều cái đặc thù, ví dụ như màu đỏ hay loài. Kiểu loại tồn tại, nếu có thể nói như vậy, của những cái phổ quát và những đối tượng trừu tượng là một vấn đề bàn luận nghiêm túc trong triết học siêu hình học. Thuyết duy thực là lập trường triết học cho rằng những cái phổ quát trên thực tế là tồn tại, trong khi đó thuyết duy danh là sự phủ định hay phủ nhận những cái phổ quát, những đối tượng trừu tượng, hay phủ nhận cả hai. Thuyết duy khái niệm cho rằng những cái phổ quát tồn tại, nhưng chỉ trong sự tri giác của tinh thần.
Câu hỏi hiện hữu có phải là một thuộc tính hay không đã được bàn luận từ giai đoạn đầu của thời hiện đại. Bản chất là tập hợp các thuộc tính làm cho một đối tượng về cơ bản là chính nó và nếu không có nó thì đối tượng mất đi tính đồng nhất của nó. Bản chất tương phản với tùy thể: một thuộc tính mà bản thể ngẫu nhiên có; nếu không có tùy thể, bản thể có thể vẫn còn trong trạng thái đồng nhất với chính nó.
2.2. Logic học
Logic học là khoa học nghiên cứu các nguyên tắc lập luận đúng. Những luận cứ sử dụng hoặc là lập luận diễn dịch hoặc là lập luận quy nạp. Lập luận diễn dịch là khi, giả sử có những phát biểu nào đó (được gọi là những tiền đề), những phát biểu khác (được gọi là những kết luận) được bao hàm một cách không thể tránh khỏi. Các quy tắc suy diễn từ những tiền đề gồm phương pháp thông dụng nhất, modus ponens [dạng thức khẳng định], ở đó giả sử “A” và “Nếu A thì B”, thì “B” phải được kết luận. Một quy ước chung cho luận cứ diễn dịch là phép tam đoạn luận. Một luận cứ được coi là có giá trị hiệu lực nếu kết luận của nó quả thực rút ra từ những tiền đề của nó, cho dù những tiền đề ấy đúng hay không đúng, trong khi đó một luận cứ [được coi là] vững chắc nếu kết luận của nó rút ra từ những tiền đề đúng đắn. Logic mệnh đề sử dụng những tiền đề là các mệnh đề, những mệnh đề ấy là những lời tuyên bố hoặc đúng hoặc sai, trong khi đó logic vị từ sử dụng những tiền đề phức tạp hơn được gọi là biểu thức chứa các biến. Các biến này có thể được gán các giá trị hay có thể được định lượng ở chỗ khi chúng áp dụng với lượng từ phổ quát (luôn luôn áp dụng) hay lượng từ tồn tại (áp dụng ít nhất là một lần). Lập luận quy nạp đưa ra những kết luận hay những sự khái quát hóa dựa trên lập luận xác suất. Ví dụ: nếu “90% con người đều thuận tay phải” và “Joe là con người” thì “Joe có thể thuận tay phải”. Các lĩnh vực trong logic học gồm: logic toán học (logic ký hiệu hình thức) và logic triết học.
NHẬN THỨC LUẬN
Nhận thức luận bàn về bản tính và phạm vi của nhận thức, như các quan hệ giữa chân lý, lòng tin và các lý thuyết về biện minh.
Thuyết hoài nghi là lập trường truy vấn khả thể của việc biện minh đầy đủ bất cứ chân lý nào. Luận cứ quy thoái, một vấn đề nền tảng trong nhận thức luận, diễn ra khi, để chứng minh đầy đủ bất cứ phán đoán P nào, bản thân sự biện minh của nó cần được nâng đỡ bằng một biện minh khác. Chuỗi này có thể thực hiện ba sự lựa chọn có thể có, mà theo thế tam nan Münchhausen thì cả ba lựa chọn này đều không thỏa mãn. Lựa chọn thứ nhất là vô tận luận: chuỗi biện minh này có thể đi đến vô cùng tận. Lựa chọn thứ hai là duy căn luận: chuỗi biện minh rốt cuộc phải lấy những lòng tin cơ bản hay những tiên đề không thể chứng minh làm căn cứ. Lựa chọn cuối cùng, như ở cố kết luận, là tạo ra chuỗi vòng luẩn quẩn sao cho một phát biểu được bao gồm trong chuỗi biện minh của chính nó.
Thuyết duy lý là sự nhấn mạnh đến lập luận như là một nguồn suối của nhận thức. Thuyết duy nghiệm là sự nhấn mạnh đến bằng chứng quan sát qua kinh nghiệm của giác quan hơn so với bằng chứng khác như là nguồn suối của nhận thức. Thuyết duy lý yêu sách rằng mọi đối tượng khả hữu của nhận thức có thể được rút ra từ những tiền đề mạch lạc, không cần đến sự quan sát. Thuyết duy nghiệm yêu sách rằng ít ra một nhận thức nào đó chỉ là một vấn đề quan sát. Đối với yêu sách này, thuyết duy nghiệm thường dẫn ra khái niệm tabula rasa: con người ta được sinh ra thì trong đầu chưa có nội dung nào cả, và nhận thức hình thành từ kinh nghiệm hay tri giác. Thuyết duy ngã nhận thức luận là ý niệm cho rằng sự tồn tại của thế giới ở bên ngoài tinh thần là một vấn đề không thể giải quyết.
Parmenides (khoảng 500 TCN) cho rằng điều không thể nghi ngờ là tư duy đang thực sự diễn ra. Nhưng tư duy phải có một đối tượng, do đó cái gì đó vượt khỏi tư duy đang tồn tại thực. Parmenides suy ra rằng cái tồn tại thực phải có những thuộc tính nhất định – chẳng hạn: nó không thể xuất hiện hay mất đi, nó là một cái toàn bộ cố kết, nó vĩnh viễn vẫn là như vậy (quả vậy, nó hoàn toàn nằm ở bên ngoài thời gian). Điều này được ta biết đến với tên gọi luận cứ đệ tam nhân. Platon (427-347 TCN) kết hợp thuyết duy lý với một hình thức của thuyết duy thực. Công việc của triết gia là phải xem xét cái tồn tại và bản chất (ousia) của các sự vật. Nhưng các bản chất có đặc trưng: chúng là phổ quát. Bản tính của một người, một hình tam giác, một cái cây, áp dụng cho mọi người, mọi hình tam giác, mọi cái cây. Platon cho rằng các bản chất này là “các mô thức” độc lập với tinh thần, rằng con người (nhất là các triết gia) có thể đi đến chỗ biết [các mô thức ấy] bằng lý tính và bằng cách bỏ qua những phiền lụy của tri giác cảm tính.
Thuyết duy lý hiện đại bắt đầu với Descartes. Khi suy ngẫm về bản tính của kinh nghiệm của tri giác, cũng như những phát hiện của khoa học trong sinh lý học và quang học, Descartes (cũng như Locke) đi đến chỗ quan niệm rằng ta ý thức trực tiếp về các ý niệm, chứ không phải các đồ vật. Quan niệm này làm nảy sinh ba vấn đề:
(1). Một ý niệm có phải là bản sao đúng thật của cái thực tồn mà nó trình bày? Cảm giác không phải là sự tương tác trực tiếp giữa các đối tượng hữu hình và giác quan của ta, mà là một quá trình sinh lý học có bao hàm biểu tượng (chẳng hạn, một hình ảnh trên võng mạc). Locke cho rằng một “tính chất hạng hai” như cảm giác về màu xanh lá cây có thể không hề giống với sự sắp xếp của các phân tử trong vật chất vốn là cái đi đến chỗ tạo ra cảm giác này, cho dù ông nghĩ rằng “các tính chất hạng một” như hình dạng, kích thước, con số đều thực sự ở nơi các đồ vật.
(2). Làm thế nào các vật thể vật lý như bàn, ghế hay thậm chí các quá trình sinh lý học trong bộ não, tạo ra các đơn vị tinh thần như các ý niệm được? Đây là một phần của cái mà ta gọi là vấn đề tinh thần-thể xác.
(3). Nếu mọi nội dung của ý thức đều là các ý niệm, làm thế nào ta có thể biết được cái gì đó tồn tại tách biệt với các ý niệm?
Descartes cố gắng bàn luận vấn đề thứ ba bằng lý tính. Ông bắt đầu, mang hơi hướng Parmenides, với nguyên lý mà ông nghĩ là không thể bị bác bỏ một cách mạch lạc: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại (Cogito ergo sum). Từ nguyên lý này, Descartes đã đi đến chỗ xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh về nhận thức (gồm cả việc chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế, bằng cách sử dụng một phiên bản của luận cứ bản thể học). Quan niệm chỉ có lý tính mới có thể mang lại những chân lý trọng yếu về thực tại ở nơi ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các triết gia thường được coi là các nhà duy lý hiện đại (như Baruch Spinoza, Gottfried Leibniz, và Christian Wolff), trong khi đó lại gây ra sự phê phán từ các triết gia khác, những người mà ngày nay ta tập hợp lại gọi là các nhà duy nghiệm.
II. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ CƠ BẢN
Thực tại là trạng thái của các sự vật xét như là chúng đang tồn tại thực sự, chứ không phải như là chúng có thể xuất hiện ra hay có thể được hình dung ra. Theo nghĩa rộng, thực tại bao gồm tất cả những gì đã và đang tồn tại, cho dù chúng có thể được quan sát hay lĩnh hội hay không. Theo nghĩa còn rộng hơn nữa, thực tại bao gồm tất cả những gì đã, đang và sẽ tồn tại.
Luận cứ là sự cố gắng thuyết phục ai đó về điều gì đó, bằng cách nêu ra những lý do hay bằng chứng để người ta chấp nhận một kết luận riêng biệt.
Tam đoạn luận là một loại luận cứ logic trong đó một mệnh đề (kết luận) được rút ra từ hai hay nhiều mệnh đề khác (các tiền đề) của một dạng suy luận cụ thể.
Lượng từ hóa phổ quát là một kiểu lượng từ, một hằng số logic được diễn giải như là “bất cứ cái nào” hay “với mọi”. Nó phát biểu rằng một hàm mệnh đề có thể được thỏa mãn bởi mọi phần tử trong miền đề cập (domain of discourse). Nói cách khác, nó là vị từ hóa của một thuộc tính hay quan hệ của bất cứ phần tử nào trong miền. Nó khẳng định rằng một vị từ trong phạm vi của một lượng từ phổ quát đúng với mọi giá trị của một biến vị từ. Nó thường được biểu thị bằng ký hiệu tác tử logic là chữ A viết ngược (∀), ký hiệu này, khi được sử dụng cùng với một biến vị từ, được gọi là lượng từ phổ quát (“∀x”, "∀(x)", hay đôi khi chỉ mỗi một chữ “(x)”). Lượng từ hóa phổ quát khác với lượng từ hóa tồn tại (“tồn tại”) vốn là cái khẳng định rằng thuộc tính hay quan hệ chỉ đúng ít nhất cho một phần tử trong miền
II. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ CƠ BẢN
Thế tam nan Münchhausen (gọi theo tên của Bá tước Münchhausen, theo truyền thuyết, là người cầm tóc kéo mình và ngựa ra khỏi bãi lầy), còn được gọi là thế tam nan Agrippa (gọi theo tên của triết gia phái hoài nghi là Agrippa), là một thuật ngữ triết học được đề ra để nhấn mạnh cái được gọi là tính bất khả trong việc chứng minh bất cứ chân lý nào ngay cả trong lĩnh vực lôgíc học và toán học.
Lòng tin là trạng thái tâm lý trong đó một cá nhân cho một mệnh đề hay tiền đề nào đó là đúng.
Luận cứ đệ tam nhân (thường gọi tắt là TMA), được đưa ra đầu tiên bởi Platon trong đối thoại Parmenides, là một sự phê phán triết học về lý thuyết các Mô thức của chính Platon. Luận chứng này được Aristoteles, người đã lấy một con người làm ví dụ (do đó luận cứ mới có cái tên này) để giải thích cho lối bác bỏ lý thuyết của Platon nói trên, cải tiến thêm; ông nêu thành định đề rằng nếu một người là một người vì anh ta thông dự vào mô thức con người, thì ắt ta sẽ phải cần đến mô thức thứ ba để giải thích làm thế nào con người và mô thức con người đều là người được, và vân vân, cứ thế đến vô tận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét