Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Vì sao nước biển lại mặn? (Khoa học)

Vì sao nước biển lại mặn?

Nức lòng về với biển xa

Chia tay biển vẫn còn ngà ngật hương

Em nghe mặn cả nỗi buồn

Dường như vị muối đã luồn vào tim.

(Biển mặn- Huỳnh Hữu Võ)

Từ lúc bé qua những trang sách, qua lời bài giảng của thầy cô giáo chúng ta đã biết nước biển có vị mặn, nước biển mặn như là một điều hiển nhiên khi ta nhắc đến. Nhưng nguyên nhân tại sao làm cho nước biển có vị mặn thì còn là một câu hỏi khó dành cho các nhà khoa học. Tuy nhiên cũng có những giả thiết, và kiểm nghiệm để đi tìm nguồn gốc gây ra nước biển mặn.

Các giả thuyết khoa học về nguồn gốc của muối trong nước biển đã bắt đầu có từ thời Edmond Halley vào năm 1715, người cho rằng muối và các khoáng chất khác đã được đưa ra biển bởi các con sông, do chúng được lọc qua các lớp đất nhờ mưa. Khi ra tới biển, các muối này có thể được giữ lại và cô đặc hơn nhờ quá trình bay hơi của nước (xem Chu trình thủy học). Halley cũng lưu ý rằng một lượng nhỏ các hồ trên thế giới mà không có các lối thoát ra đại dương (như biển Chết và biển Caspi) phần lớn đều có độ chứa muối cao. Halley đặt tên cho quá trình này là "phong hóa lục địa".

Có ý kiến khác cho rằng từ bao đời nay, mưa đã rơi trên Trái Đất. Trong mưa có chứa CO2 hoà tan đến từ không khí bao quanh hành tinh, khiến cho nước mưa mang tính acid nhẹ có nguồn gốc từ acid carbonic – được tạo thành từ CO2 và nước. Mưa rơi trên đá và acid trong nước mưa phân huỷ đá hoặc mỏ muối (Hình 2), tạo ra dạng hòa tan của các muối (ion). Những ion này được những con suối, dòng sông mang ra các đại dương.

Theo ông Galen McKinley, giáo sư khoa học đại dương và khí quyển, thuộc Trường Đại học UW-Madison (Mỹ), độ mặn của nước biển đến từ các muối khoáng hòa tan, chủ yếu là sodium (Na), chloride (Cl‑), sulfur (S), calcium (Ca), magnesium (Mg) và potassium (K). Trong đó, hai ion hiện diện nhiều nhất trong nước biển là chloride và sodium, chiếm tỉ lệ lên đến 90% trong tổng số ion hòa tan trong đại dương.

Một phần lớn những ion hòa tan này được các sinh vật trong đại dương tiêu thụ và bị loại ra khỏi nước. Số còn lại được tích tụ trong một thời gian rất dài và nồng độ của chúng trong nước biển tăng dần. Nhờ đó, độ mặn (tức nồng độ muối) trong nước biển hiện nay ở vào khoảng 35 phần ngàn. Nói cách khác, 3,5% trọng lượng nước biển là các muối hòa tan, và trong một dặm khối (khoảng 1.600 m3) nước biển có khoảng 120 triệu tấn muối.

Tuy nhiên, theo giáo sư McKinley, “hàng năm, lượng ion do nước mưa mang xuống đại dương chỉ làm lượng muối sẵn có trong đó tăng ở tỉ lệ cực thấp, chỉ 0,00005% mà thôi”. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu lấy tất cả muối trong đại dương rải đều lên mặt đất thì người ta sẽ có một lớp muối dày đến 166 mét, tức bằng chiều cao của một tòa nhà 40 tầng. Theo giáo sư McKinley, “có những chứng cứ địa chất học cho thấy tính mặn của nước biển đã có lịch sử ít nhất là 1 tỉ năm”.

Theo một số nhà khoa học đặt ra 2 giả thuyết:

- Giả thuyết thứ nhất cho rằng ban đầu nước biển cũng ngọt y hệt nước sông, nước hồ. Sau đó, muối từ trong nham thạch và các lớp đất xói mòn, theo mưa chảy ra các dòng sông. Rồi các dòng sông đổ về biển cả. Nước biển bốc hơi, trút xuống thành những cơn mưa. Mưa lại đổ ra các dòng sông... Cứ như vậy, theo thời gian, muối đã lắng đọng dần xuống biển, khiến biển ngày càng mặn hơn. Theo đó, dựa vào hàm lượng muối trong nước biển, người ta có thể tính ra tuổi của nó.

- Giả thuyết thứ hai cho rằng, ngay từ đầu nước biển đã mặn như vậy. Lý do là các nhà khoa học thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển không tăng lên đều đặn theo tuổi của trái đất. Khi nghiên cứu những lớp đất đá trong các hang động bị nước biển tràn vào, người ta thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển luôn thay đổi, khi lên khi xuống chứ không cố định. Đến nay, người ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy.

(emyeukhoahoc, nguồn: Wikipedia, Khoahoc.com)

http://gen.humg.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=469&Itemid=306

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét