Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Lịch sử phát triển của sách

Sách là gì? Ban đầu sách chỉ được coi là một thiết bị/công cụ để lưu trữ thông tin. Rất lâu sau đó, sách mới được coi là công cụ để truyền tải và thể hiện ý tưởng của loài người.
Yếu tố đầu tiên cần quan tâm về lịch sử của sách đó chính là động lực nào đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của sách? Một quy luật chung được tìm thấy cho những cột mốc phát minh trong lịch sử của sách nói chung và các phát minh ở mọi lĩnh vực khác nói riêng là nó đều được khởi tạo và thúc đẩy bởi nhu cầu xã hội.
Những ký hiệu, nét vẽ đầu tiên được tìm thấy trong lịch sử loài người là một di chỉ trên đá có niên đại vào khoảng 75,000 năm TCN. Những hình vẽ như vậy trong các hang động, trên xương động vật hay trên đá được tìm thấy tương đối phổ biến cho đến tận khoảng năm 10,000 TCN. Nhưng việc thay đổi lớn trong cơ cấu xã hội, kinh tế dẫn đến một cách sống mới, một xã hội với những vấn đề mới về quản trị, thương mại và sản xuất mới là động lực chính dẫn đến việc lưu trữ thông tin một cách có ý thức và hệ thống. Sách ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đó.
Khoảng 10,000 TCN, trái đất bước vào thời kỳ kết thúc của kỷ băng hà cuối cùng. Băng tan, đất đai đã bắt đầu có thể trồng trọt. Con người bắt đầu kết thúc thời kỳ săn bắt, hái lượm với cuộc sống du canh du cư vốn là cách tồn tại duy nhất trong thời kỳ băng hà và chuyển sang thời kỳ định canh và trồng trọt. Khoảng 8500 năm TCN đã xuất hiện những bộ lạc từ bỏ lối sống du canh du cư và định cư làm nông nghiệp; hình thành nên các nền văn minh sơ khai đầu tiên ở dọc những lưu vực sông lớn và gần xích đạo. Nổi tiếng nhất là những nền văn minh ở lưu vực sông Nile ở Ai Cập; Lưỡng Hà ở Ả rập, sông Hằng ở Ấn Độ và Hoàng Hà/Trường Giang ở Trung Quốc 
Có 7 cột mốc lớn trong lịch sử phát triển của các thiết bị lưu trữ thông tin. Thiết bị lưu trữ thông tin đầu tiên được sử dụng là tablet làm bằng đất sét ra đời vào khoảng 2500 TCN ở vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia). Trong khi đó ở Ai Cập, người Ai cập lại sử dụng cuộn giấy papyrus (tên một loại cây chỉ có ở Ai Cập) làm thiết bị để viết. Đột phá lớn thứ ba đó là sự ra đời của sách ở dạng lật trang như thời hiện đại thay vì là một cuộn giấy dài. Sau đó là sự ra đời của máy in sử dụng khuôn là các chữ cái Latin bằng kim loại do Gutenberg phát minh vào năm 1450. Tiếp đó, máy in của Gutenberg được cải tiến và sử dụng đầu máy hơi nước thay vì sức người vào năm 1800. 2 phát minh gần đây nhất chính là kỹ thuật in offset (máy in hiện đại) và sự ra đời của sách điện tử.
——————————————————–
Tablet đất sét
Vào khoảng 3700 năm TCN, người Summer ở vùng Lưỡng Hà (nơi vốn rất thiếu gỗ và đá, tài nguyên phổ biến nhất chính là đất sét) đã chế tạo ra những tablet bằng đất sét kích thước khoảng một bàn tay để làm thiết bị lưu trữ thông tin đầu tiên. Họ nặn đất sét, tạo ra một mặt phẳng, và khi đất sét vẫn còn ướt dùng những đầu nhọn để gạch lên đó. Sau đó đem miếng đất sét đó đi phơi hoặc cho vào lò nung.
Thời kỳ này, các nhà nước cổ đại đã hình thành, xã hội đã phân hóa ra các tầng lớp khác nhau. Nông nghiệp và kinh tế đã sản xuất ra của cải vật chất dư thừa đủ để một bộ phận người không cần tham gia vào sản xuất mà có thể làm những công việc khác như quản trị hay thương mại. Các ký hiệu trên những tablet đầu tiên được tìm thấy chủ yếu để đếm số lượng con vật trong đàn, những đồ đã trao đổi hay ai nợ của ai bao nhiêu thực phẩm. Với người Summer, tablet chỉ để ghi lại những thương vụ làm ăn hay luật lệ.
Thời này, người ta vẫn vẽ một cách tùy hứng lên các tablet, không có quy chuẩn thống nhất nào, mỗi người vẽ theo một cách khác nhau.
Đến năm 3100 TCN, người Summer đã bắt đầu quy chuẩn những hình vẽ của mình, và đó được coi là chữ viết đầu tiên của loài người với tên gọi pictograph. Chữ viết ngày càng được đơn giản hóa giúp dễ dàng hơn cho cả người đọc và người viết.
Tuy vậy các ký hiệu trên vẫn còn phức tạp và khó để vẽ. Tablet đất sét có một nhược điểm lớn đó là không hề dễ dàng để sử dụng một vật nhọn kim loại vẽ ra được các đường cong phức tạp trên bề mặt. Do đó đến năm 2500 TCN, một loại chữ viết mới có tên cuneiform chủ yếu sử dụng các đường thẳng đã ra đời để phù hợp với việc viết trên tablet đất sét. Việc sử dụng các đường thẳng cũng giúp việc quy chuẩn chữ viết trở nên dễ dàng hơn, khi người nào cũng có thể viết na ná giống nhau, chứ khó có thể giống nhau như khi sử dụng pictographic. Do đó năm 2500 TCN được coi là dấu mốc cho việc ra đời chữ viết quy chuẩn.
Sau 2000 TCN, người Babylon và Assyrian tìm cách học hỏi những nền văn minh lân cận và tìm cách cải tiến cuneiform theo hướng đơn giản hóa. Nếu ở năm 2500 TCN, số lượng ký hiệu quy ước trong chữ cuneiform là khoảng 2000 ký tự thì đến những năm 1500 TCN số lượng này đã giảm xuống khoảng 570 ký tự, trong đó khoảng 200 ký tự được sử dụng phổ biến. Việc đơn giản hóa và giảm thiểu số lượng ký tự cần biết khiến cho việc viết trên tablet đất sét được phổ biến rộng rãi hơn và đòi hỏi ít trí năng hơn; giúp việc ghi nhớ truyền tải đúng thông điệp dễ dàng hơn.
Bản đồ, loại hình “nonverbal writing” cũng bắt đầu xuất hiện khoảng 1500 TCN ở Lưỡng  Hà, chứng minh cho việc người thời này đã bắt đầu có khả năng tư duy trừu tượng tốt và đòi hỏi một hệ thống tư duy mới ra đời để có thể đọc và hiểu được các tấm bản đồ này. Cách tư duy trừu tượng dựa trên hình ảnh bắt đầu xuất hiện.
Trường học đầu tiên ra đời khoảng 2500 TCN dưới thời người Summer, có tên “tablet house”. Mục đích của các trường này là để đào tạo ra đội ngũ trẻ biết đọc biết viết thường được biết với cái trên “scribe”. Với việc xã hội hình thành và ngày càng phát triển, nhu cầu với những người biết đọc biết viết ngày càng cao để xử lý/tính toán những tài liệu về thu nhập, thuế má, thiết bị, vũ khí, nguyên vật liệu các công trình xây dựng. Thường chỉ con cái tầng lớp tinh hoa được học những trường này, và chúng được đào tạo ra cũng để trở thành các nhà quản trị, lãnh đạo, thầy tu hay kế toán; vốn là những nghề rất được coi trọng trong xã hội thời đó.
Bắt đầu vào khoảng 2500 TCN, người Summer bắt đầu dùng tablet để nhằm mục đích truyền tải tư tưởng và thơ văn thay vì chỉ sử dụng nó vào mục đích thương mại và luật lệ như thời gian trước. Những thần thoại, truyện huyền bí, thơ ca, bài cầu khấn thần linh đã bắt đầu xuất hiện tương đối nhiều. Trong khoảng 2100-1800 TCN, số lượng tablet về thơ ca, thần thoại được tìm thấy là khoảng 5000. Hệ thống toán học ở Lưỡng Hà cũng phát triển rất mạnh, đặc biệt là so với các nền văn minh khác tồn tại cùng thời kỳ. Người Summer đã biết tính toán những phương trình bậc hai, số thập phân chứ không chỉ những phép tính số học đơn giản.
Số lượng tablet được sản xuất ra nhiều dẫn đến nhu cầu xây dựng những kho chứa để lưu trữ những văn bản này. Thư viện chứa tablet đất sét lớn nhất được tìm thấy dưới thời vua Ashurbanipal, vị vua cuối cùng của Assyria (650 TCN). Hiện có hơn 20,000 tablet lấy từ thư viện này được lưu trữ tại Bảo tàng Anh Quốc. Thư viện này cũng đã bắt đầu phân loại tablet theo các nhóm.
Sự đi xuống của tablet đất sét khi hệ thống chữ alphabet đầu tiên xuất hiện và ngày càng phổ biến suốt thời kỳ 1500-1000 TCN. Sự giao lưu mạnh mẽ giữa các nền văn minh, trao đổi những phát kiến ở thời kỳ này, du nhập của những thiết bị lưu trữ tiên tiến hơn đã khiến tablet đất sét hoàn toàn được ngừng sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 2 SCN.

Giấy papyrus ở Ai Cập
Ai Cập, một nền văn minh rực rỡ khác, cũng tự phát triển một hệ thống chữ viết và thiết bị lưu trữ hoàn toàn khác so với người Lưỡng Hà. Vào khoảng 2500 TCN, xã hội Ai Cập cũng đã hình thành và phát triển thịnh vượng theo cách thức tương tự với nền văn minh Lưỡng Hà, cho dù 2 nền văn minh này rất ít có sự giao lưu với nhau do vị trí địa lý cách biệt.
Ai Cập vốn nổi tiếng với chữ tượng hình (hielogryphic) của mình. Vào khoảng 2600 năm TCN, người Ai cập đã phát triển tương đối hoàn thiện chữ tượng hình, nhưng chủ yếu họ cũng khắc trên những hang động hay phiến đá mà thôi.
Tuy vậy, chữ tượng hình của người Ai cập lại đi theo một con đường khác, chứ không phải theo hướng đơn giản hóa cả về hình thức lẫn số lượng ký tự tương tự như chữ cuneiform của người Summer. Ra đời vào khoảng 3400 năm TCN, vào thời kỳ khoảng 2500 năm TCN, số lượng ký tự của người Ai Cập sử dụng đã lên đến 800. Nhưng không giống với người Summer, số lượng ký tự của chữ viết Ai Cập tiếp tục tăng lên, và đến công nguyên, con số này đã lên đến 5000. Tuy vậy chữ tượng hình của Ai cập có 3 loạị trong đó có một loại được cải tiến theo hướng tối giản hóa cho số đông người dân có thể sử dụng. Và đến khoảng năm 700 TCN, hình thức đơn giản nhất của chữ Ai Cập là chữ Demotic ra đời. Tuy vậy cả 3 vẫn tồn tại song song và bổ sung cho nhau, ví dụ chữ được viết trên giấy papyrus chủ yếu là Demotic; còn chữ tượng hình gốc chủ yếu được sử dụng trong các văn bản chính thống hay chạm khắc trên lăng miếu, đền đài hay những đồ vật quý, linh thiêng.
Trong khi đó loại chữ tượng hình còn lại được coi là động lực chính để ra đời loại chữ alphabet đầu tiên sau này ở Lưỡng Hà. Loại chữ này bao gồm 23 ký tự được sử dụng như các chữ để bắt đầu biểu diễn cho một từ, giống với vai trò của các phụ âm trong ngôn ngữ hiện đại. Người Ai Cập phát mình và sử dụng loại chữ này song song với 2 loại còn lại từ khoảng năm 2700 TCN. Tuy vậy người Ai Cập lại không tiếp tục cải tiến và sử dụng loại chữ tượng hình này nhiều (lý do khiến số lượng ký tự tượng hình chỉ có tăng lên chứ không giảm xuống).
Thiết bị viết chính của người Ai Cập là giấy papyrus. Đây là một loại giấy được làm từ cây papyrus vốn chỉ tồn tại ở dọc bờ sông Nile của Ai Cập. Cây papyrus sau khi được lột vỏ sẽ được cắt thành từng lát mỏng, ngâm vào nước để các chất đường hoàn toàn được loại bỏ, sau đó ghép nối với nhau thành tấm và được phơi khô dưới áp lực của những tảng đá lớn trong khoảng 7 ngày để thành sản phẩm hoàn chỉnh. Cách thức sơ chế giấy papyrus có thể xem tại video sau
2 tấm giấy papyrus cổ nhất được tìm thấy ở Ai Cập trong một lăng mộ hoàn toàn chưa được sử dụng và có niên đại khoảng 3000 năm TCN. Sau đó giấy papyrus được cải tiến, và tồn tại phổ biến dưới dạng cuộn. Giấy papyrus tồn tại dưới dạng cuộn cổ nhất được tìm thấy có niên đại khoảng 2000  năm TCN.
Để viết trên giấy papyrus này, người Ai Cập sử dụng mực và bút lông. Ai cập có 2 loại mực, màu đen làm từ muội than và màu đỏ làm từ hoàng thổ. Mực được đúc thành bánh và khi sử dụng thì được trộn với nước và nghiền đều ra tương tự như mực được sử dụng ở Trung Quốc. Chữ màu đỏ được sử dụng nhằm nhiều mục đích : như là để nhấn mạnh, hay được dùng với vai trò tương tự dấu ngoặc đơn trong ngữ pháp hiện đại. Các chữ cái hay từ đầu tiên, chữ trên tiêu đề, các ký hiệu hay dấu chấm ngắt câu đều sử dụng màu đỏ.
Một văn bản trên giấy papyrus dạng tấm, chữ demotic và dùng 2 loại mực
Cũng tương tự vùng Lưỡng Hà, ban đầu chủ yếu giấy papyrus được sử dụng vào mục đích ghi chép những văn bản thương mại, trao đổi hay luật pháp rồi sau đó đến văn thơ, những truyền thuyết, thần thoại hay khoa học dần dần xuất hiện. Có nhiều văn bản trên giấy papyrus viết về toán học ở Ai Cập được tìm thấy, sớm nhất vào khoảng 1650 TCN nhưng chỉ giải quyết những bài toàn số học tương đối sơ khai. Người Ai Cập cũng sử dụng hệ đếm thập phân chứ không phải thập lục phân như người Babylon; và cách thể hiện số tương tự cách viết của số La Mã. Tuy vậy y học là một lĩnh vực phát triển và được người Ai cập ghi chép rất nhiều. 2 cuộn giấy papyrus về y học đầu tiên được tìm thấy có niên đại khoảng 1900 TCN. Trường học cũng được mở ra ở Ai Cập vào khoảng năm 2000-1800 TCN.
Ưu điểm của giấy papyrus đó là việc viết trên giấy dễ dàng hơn nhiều trên tablet đất sét, và cũng hơn trong việc vẽ những đường cong, do đó chữ demotic của người Ai Cập có rất nhiều đường cong, thay vì chỉ toàn gạch và nét thẳng như cuneiform như của người Summer. Chính việc này đã dẫn đến việc tranh, ảnh xuất hiện rất nhiều trong các văn bản của người Ai cập, thậm chí có nhiều cuộn giấy papyrus chỉ toàn là tranh. Bản đồ đầu tiên được tìm thấy ở Ai Cập có niên đại khoảng 1300 năm TCN.
Chính vì ưu điểm đó của giấy papyrus mà khi các nền văn minh có sự giao lưu trao đổi cả về thương mại, buôn bán cũng như khoa học, kỹ thuật bắt đầu từ 1500 TCN đã dẫn đến việc giấy papyrus của Ai cập được biết đến và sử dụng rộng rãi ở những vùng đất, nền văn minh khác.Đặc biệt nó được coi là công cụ viết và trao đổi thông tin, tư tưởng chính để làm nên một nền văn minh Hy Lạp – La Mã vô cùng rực rỡ. Tuy vậy giấy papyrus cũng có nhược điểm chung là dễ rách, dễ bị phá hủy bởi thiên tai hay chiến tranh hay từ các vi sinh vật. Do đó không có một thư viện giấy papyrus nào được tìm thấy, mà hầu hết là những bản thảo nhỏ lẻ.

Châu Âu không có những nền văn minh cổ đại nổi tiếng và rực rỡ như 2 vùng đất láng giềng; tuy vậy thông qua việc giao thương và học hỏi, họ đã dần dần nắm bắt được những sự ưu việt của 2 nền văn minh kia. Qua một thời kỳ hấp thu và sáng tạo lâu dài, họ đã cho ra đời một nền văn minh Hy Lạp – La Mã rực rỡ nhất, vượt qua cả những nền văn minh cổ đại láng giềng; mà cho đến 2000 năm sau, Châu Âu mới tìm thấy lại một thời kỳ rực rỡ tương tự như thế.
Châu Âu thời Hy Lạp – La Mã (1000 TCN đến 400 SCN) có một số đóng góp cho lịch sử của chữ viết. Trong đó có một phát minh lớn, đặc biệt quan trọng đó là việc cho ra đời một hệ thống chữ alphabet hoàn chỉnh, chính là các con chữ Latin được sử dụng ngày nay. Ngoài ra nền văn minh Hy-La cũng biết dùng giấy da để thay thế cho giấy papyrus vốn dần khan hiếm vào thời kỳ công nguyên.
Chữ viết đầu tiên được tìm thấy ở Châu Âu là vào khoảng năm 2200 TCN ở vùng đảo Crete của người Minoan. Cũng tương tự như Ai Cập hay Lưỡng Hà, chữ viết thời kỳ này đều là dạng pictographic. Tuy vậy người Minoan nhanh chóng rút gọn chữ viết của mình còn 57 ký tự vào khoảng năm 1700 TCN. Và các văn bản đầu tiên cũng chủ yếu là những ghi chép về thương mại hay quản trị.
Văn bản thơ ca, văn chương được tìm thấy đầu tiên ở châu Âu là những bài thơ của Homer vào năm 850 TCN với những tác phẩm nổi tiếng như Odyssey hay Illiad.
Công lớn của người Hy Lạp với lịch sử phát triển của sách đó chính là việc sáng tạo ra một hệ chữ alphabet hoàn chỉnh đầu tiên. Gọi là “hoàn chỉnh” vì so với các chữ alpabet ra đời trước đó, chữ alphabet của người Hy Lạp có chia ra nguyên âm và phụ âm, là cơ sở để phân biệt giữa các từ sau này.
Nguồn gốc của chữ alphabet hiện tại vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi, tuy vậy một học thuyết được nhiều người ủng hộ nhất cho rằng nguồn gốc của chữ alphabet xuất phát từ loại chữ gồm 23 ký tự tượng hình của Ai Cập cổ đại. Các nhà nghiên cứu cho rằng Proto-Sinaitic, chữ của người ở Canaan, một vùng nằm giữa Ai Cập và Lưỡng Hà chính là chữ alphabet đầu tiên. Chữ của người Canaan mang nhiều dáng dấp của chữ tượng hình Ai Cập, tuy vậy nó được cải tiến theo hướng đơn giản hóa tương tự như chữ ở vùng Lưỡng Hà. Đến năm 1850 TCN, chữ Proto-Canaanite đã chỉ gồm có 27 ký tự.
Người ta tin rằng chữ Proto-Canaanite chính là trung gian giữa chữ tượng hình Ai Cập và chứ alphabet tương đối hoàn chỉnh của người Phoenician ở Lưỡng Hà sau này. Chữ của người Phoenician cũng là loại chữ alphabet không phải tượng hình đầu tiên mà dùng những ký hiệu tương đối vô nghĩa. Nó bao gồm 22 ký tự, ra đời vào khoảng 1050 TCN và viết từ phải sang trái.
Rồi sau đó người Hy Lạp đã học hỏi rất nhiều từ chữ viết của người Phoenician. Một ví dụ minh chứng rõ nét cho việc giống nhau giữa chữ alphabet của người Hy Lạp và Phoenician là các từ alpha, beta, gamma, delta là các từ vốn không có nghĩa trong tiếng Hy Lạp, nhưng lại có những chữ tương ứng alef, bet, gimel, and dalet trong tiếng Phoenician. Người Hy Lạp phát minh ra cách thức dùng nguyên âm và phụ âm vào khoảng 700 TCN, thêm 4 ký tự biến ngôn ngữ của mình thành 26 ký tự và được coi là hệ chữ alphabet hoàn thiện đầu tiên.
Lúc đầu người Hy Lạp cũng sử dụng cách viết của người Phoenician, đó là viết từ phải qua trái, sau đó dòng tiếp theo lại từ trái qua phải, cứ luân phiên như vậy. Rồi đến khoảng năm 400 TCN đều chuyển sang cách viết từ trái qua phải như ngày nay.
Khi cuộc chinh phục của người La Mã kết thúc vào năm 146 TCN, người La Mã đã học hỏi, tiếp thu rất triệt để những tinh hoa của nền văn minh Hy Lạp, trong đó có cả hệ thống chữ viết. Người La Mã đã cải tiến hệ thống chữ viết của người Hy Lạp để trở thành hệ thống chữ viết Latin chuẩn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Tuy vậy, việc viết một vài nét, đường thẳng trên giấy là một việc khá buồn tẻ. Đến khoảng 400 SCN, người La mã sáng tạo ra kiểu chữ nét cong gọi là hệ thống chữ viết uncial giúp việc viết nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tuy vậy, chữ uncial này có nét rất to và tốn giấy, sau đó được kiểu chữ cỡ nhỏ “minuscule” ra đời vào khoảng 800 SCN thay thế. Chữ cỡ nhỏ có thể giúp viết nhiều từ trên một diện tích giấy hơn, giúp tiết kiệm chi phí vào thời điểm giá của giấy khá đắt đỏ.
Như đã nói ở trên, người Hy Lạp – La Mã cũng đã sáng tạo ra giấy da (parchment) để sử dụng thay thế cho giấy papyrus. Với việc nền văn minh phát triển rực rỡ, nhu cầu viết lách và trao đổi thông tin, tư tưởng rất lớn đã dẫn đến nhu cầu về giấy của Hy Lạp rất cao. Trong khi đó giấy papyrus; vốn được làm từ cây papyrus chỉ sống ở Ai Cập và đã được khai thác đến mức gần như tuyệt chủng vào khoảng năm 100 TCN đã khiến cho các loại thiết bị lưu trữ thông tin mới giá thành rẻ hơn và phổ biến hơn phát triển. Người ta từ lâu đã biết dùng da động vật để làm quần áo, túi đựng hay các vật phẩm khác; tuy vậy da thú lần đầu tiên được sử dụng như giấy là vào khoảng 1600 TCN và dần dần thay thế giấy papyrus bằng những ưu điểm của mình.
Giấy da có thể có kích thước lớn hơn, khó rách, đàn hồi và bảo quản được lâu hơn so với giấy papyrus; và do bề mặt tốt hơn và ít ăn mực hơn nên có thể viết trên cả 2 mặt hoặc có thể xóa chữ đi để viết lại nếu cần. Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy so với giấy papyrus nhưng phải nhờ đến sự xuất hiện của sách dạng lật trang (codex) thay phương thức cuộn cổ điển vào khoảng năm 100 SCN mới thực sự thúc đẩy việc dùng giấy da. Giấy papyrus dần dần ít được sử dụng và biến mất vào 600 SCN.
Người Hy lạp cũng sử dụng một loại bút làm từ cây sậy với một đầu vót nhọn để làm công cụ viết thay thế cho bút lông của người Ai Cập giúp nét chữ nhỏ hơn và có thể viết được nhiều chữ trên cùng một diện tích bề mặt hơn.
Thời Hy-La là thời kỳ thịnh vượng cả về mặt kinh tế, chính trị, quân sự cũng như văn chương, thơ ca, khoa học, y học, lịch sử, tôn giáo, triết học, nghệ thuật với rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại.
Các trường học đã tồn tại rất lâu ở các nền văn minh trước, tuy nhiên mục đích nó lập ra chỉ nhằm đào tạo cho tầng lớp quý tộc. Hy Lạp vào những năm 800-600 TCN là nơi đầu tiên có hệ thống trường học đại trà nơi mở cửa cho tất cả những ai có khả năng đến học; vốn nằm trong khả năng chi trả của hầu hết giới trung lưu. Rồi tiếp đó xuất hiện nhu cầu về đào tạo bậc cao và những trường như của Plato hay Aristotle ra đời  nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Khoảng năm 300 TCN, tỷ lệ biết đọc biết viết của người Hy Lạp là khoảng 5-10% dân số. Cho đến năm 200 SCN, dưới thời La Mã, con số này là khoảng 20-30% với nam và 10% với nữ.
Hy Lạp cũng chứng kiến một hệ thống sản xuất, phân phối sách đầu tiên xuất hiện. Các cửa hiệu bán sách, cũng như các thư viện công cộng nở rộ trên khắp đất nước. Tiệm bán sách thời kỳ này có rất nhiều sách từ cũ đến mới, và có liệt kê giá cả của từng quyển. Các thư viện cũng được xây dựng, có nơi chỉ dành cho giới học thuật, nhưng cũng có rất nhiều thư viện công cộng, nơi người dân được đọc miễn phí. Có 3 thư viện công cộng lớn nổi tiếng đó là : thư viện Alexandria (năm 284 CN), Serapeum (246 TCN), Pergamum (220 TCN). Thư viện Alexandria là một thư viện cực kỳ nổi tiếng, được coi là chứa đến 700,000 cuộn giấy papyrus, trong khi con số của Pergamum là khoảng 200,000 cuộn. Thời La Mã thế kỷ thứ 4 SCN có khoảng 28 thư viện hoạt động trên toàn đế chế.
Tuy vậy sự suy yếu của thành Rome từ những năm 200 SCN và trước những cuộc xâm lấn liên tiếp của các tộc người ở miền Bắc đã dẫn đến sự sụp đổ của đế chế La Mã vào năm 476. Sự sụp đổ này kéo theo theo hệ thống trường học, thư viện và hiệu sách bị đình trệ hoàn toàn. Số lượng sách sản xuất ra giảm sút rất đáng kể. Thế kỷ thứ 3 TCN, số sách được sản xuất chỉ bằng 2/3 thế kỷ thứ 2 và thế kỷ thứ tư chỉ bằng 1/3 thế kỷ thứ 3. Châu Âu rơi vào thời kỳ Trung Cổ đen tối.
——————————————————–
Sách dạng lật trang (codex) ra đời
Sách dùng phương thức lật trang (codex) thay vì phương thức cuộn ra đời vào khoảng năm 100 SCN và được coi là một phát minh vĩ đại; tồn tại hơn 2000 năm cho đến tận ngày nay đã biến sách thành một thiết bị lưu trữ, tra cứu và truyền tải thông tin cực kỳ hữu dụng và phổ biến.
Người ta không biết ai là người đầu tiên phát minh ra cách thức làm sách hoàn chỉnh như vậy. Tuy nhiên ý tưởng về việc ghép nối những trang giấy lại với nhau lại tương đối phổ biến.
Ý tưởng đầu tiên là ghép các miếng giấy lại với nhau thông qua một sợi dây và được thúc đẩy bởi động lực viết ra những văn bản dài. Tablet đất sét là một thiết bị mà thông tin lưu trên đó rất hạn chế, và không dễ để ghép nối hay tìm lại thông tin trên các tablet đó. Giấy papyrus theo dạng cuộn giải quyết tốt hơn vấn đề đó, nhưng vào thời kỳ đó, chữ viết dùng ký tự tượng hình và bút lông cũng khó có thể viết nhiều thông tin trên một cuộn giấy. Giải pháp đầu tiên được ra đời vào khoảng năm thứ 4 TCN với một dạng sách khá lạ ở các nước Ả rập
Trong khi đó vào khoảng năm 500 TCN ở Hy Lạp cũng có một thiết bị có vai trò tương tự là tablet bằng sáp. Thiết bị này có chức năng như tấm bảng cho học sinh tiểu học tập viết thời kỳ trước; hoặc cũng có vai trò như một cuốn sổ tay ghi chép thường được dùng để ghi chép trong các buổi họp. Lượng thông tin viết trên đây có thể tương đối lớn.
Ai Cập, Pompeii và Romania là những nơi mà số tablet bằng sáp được tìm thấy nhiều nhất. Pompeii là nơi có đến 200 tablet xưa với niên đại 131-167 được khai quật.

Book of Psalms được coi là quyển sách hoàn chỉnh có niên đại cổ nhất (350 SCN) được tìm thấy, sách dày đến 490 trang. Các nhà khảo cổ cũng tìm thêm được khoảng 15 quyển sách khác dày trên 100 trang có niên đại khoảng 200-400 SCN. Hầu hết các sách tồn tại dưới dạng codex ở thời kỳ này đều là những quyển sách liên quan đến Thiên chúa giáo hay Kinh Thánh. Do đó có người cho rằng chính những người theo Thiên chúa là những người đã phát minh ra sách dạng codex và truyền bá tôn giáo cũng như công nghệ của mình khắp Châu Âu như là một cách để đạo Thiên chúa được lan tỏa rộng rãi hơn.

Do Hy Lạp đến thế kỷ thứ 6 bắt đầu bước vào thời kỳ đen tối trong lịch sử của mình, khi mà lượng sách sản xuất ra giảm sút đáng kể, số người biết đọc biết viết giảm hẳn, các thư viện và hiệu bán sách không tồn tại được nữa. Nhà thờ và tu viện là nơi sản xuất gần như tuyệt đối số sách ở châu Âu thời kỳ này; và hầu hết cũng là để đáp ứng nhu cầu sách tự thân của mình. Tình hình như vậy kéo dài cho đến tận đầu thế kỷ 13. Trong suốt thời kỳ đen tối đó, vùng đất của người đạo Hồi lại nổi lên như là trung tâm tri thức của phương Tây và Cận Đông.

Trong suốt 400 năm phát triển rực rỡ nhất, từ năm 800 đến 1200. Trong 400 năm này, số sách mà người đạo Hồi đã sản xuất ra là khoảng 600,000 cuốn; vượt xa số sách của cả Chấu Âu thời kỳ trước và đế quốc Byzantine phía đông có thể làm ra được. Sách trong thời kỳ này chủ yếu là theo dạng codex. Vật liệu ban đầu người đạo Hồi sử dụng là giấy da, nhưng sau đó giấy hiện đại; một phát minh của Trung Quốc du nhập đến vùng của người đạo Hồi vào những năm 600 và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi để thay giấy papyrus và giấy da. Đến năm 900, giấy Trung Quốc gần như đã thống trị hoàn toàn.
Người đạo Hồi có một số đóng góp lớn cho lích sử phát triển của sách. Họ là người du nhập và cải tiến giấy và kỹ thuật làm giấy từ Trung Quốc để cho phù hợp với thực tế của họ và tiếp tục truyền bá nó sang châu Âu. Giấy của Trung Quốc chủ yếu là được làm từ gỗ cây dâu tằm, một loại cây mà ở Cận Đông hay Châu Âu không hề có. Người đạo Hồi đã sử dụng gỗ và sợi của cây lanh để thay thế. Họ cũng cải tiến khuôn và dùng búa để cán mỏng và ép các tấm bột gỗ thay vì sử dụng tay như người Trung Quốc. Phương thức đóng sách của họ cũng tương đối khác so với Châu Âu hay người Byzantine khi họ sử dụng keo dán để dán gáy sách thay vì đục lỗ và dùng kim để khâu như các thời kỳ trước. Đó cũng là cách thức đóng sách hiện đại.
Họ cũng là nơi tiếp tục duy trì, bảo tồn và cải tiến những thành tựu của nền văn minh Hy-La để lại. Khoa học hay y học, vốn chẳng thể tồn tại được ở Châu Âu mãi cho đến tận thế kỷ 13 với những công trình toán học đầu tiên của Fibonacci thì lại rất phát triển ở những nước Hồi giáo. Người Hồi giáo thời kỳ này có đến 10 phát minh khoa học lớn, trong đó có 2 phát kiến quan trọng về quang học làm tiền đề cho việc sản xuất ra thủy tinh và kính; có tác động rất lớn tới việc đọc sách của những người lớn tuổi thời kỳ sau. Những kiến thức của người đạo Hồi là tiền đề quan trọng khi chúng được truyền bá và sử dụng trong các trường đại học đầu tiên ở Châu Âu sau này.
Người Hồi giáo rất thích sách cũng như việc sưu tập chúng. Hệ thống thư viện công cộng, cửa hàng bán sách và trường học như thời Hy-La không thể tồn tại ở Châu Âu nhưng lại rất phát triển ở các nước đạo Hồi thời kỳ này vì nhu cầu về sách và tri thức rất lớn. Riêng ở Baghdad vào thế kỷ thứ 10 có đến hơn 100 cửa hiệu bán sách tồn tại.
Những quý tộc Hồi giáo thời kỳ này thường đầu tư rất lớn vào sách và sở hữu một số lượng sách khổng lồ. Bộ sưu tập lớn nhất là của Ibn Abbad với một kho sách mà phải cần đến 400 con lạc đà mới tải hết, ước chừng khoảng 4000 quyển. Có những quý tộc sẵn sàng bỏ ra tới 10,000 dirhem để mua và sở hữu sách; số tiền tương đương với việc họ đầu tư vào trang thiết bị; vũ khí hay lạc đà và vật nuôi. Điều đó chứng tỏ giới quý tộc và trí thức sẵn sàng chi nhiều tiền thế nào để trả công cho những người sao chép sách cho họ. Tuy vậy họ cũng bị chỉ trích vì việc dựa dẫm quá nhiều vào thư viện sách thay vì trí nhớ của mình.
Thời kỳ rực rỡ của người Hồi giáo chấm dứt vào khoảng đầu thế kỷ 13, khi quân đội Mông Cổ đánh chiếm và phá hủy nền kinh tế; các công trình kiến trúc hay giết hàng trăm nghìn người đạo Hồi. Thời kỳ vàng của người đạo Hồi coi như chấm dứt.

Trong khi đó ở Châu Âu thời kỳ đầu thế kỷ 13 xã hội đã có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tri thức và những cải tiến nhanh chóng diễn ra. Trong suốt 700 năm, từ 500-1200, nhà thờ là nơi có quyền lực tuyệt đối, ảnh hưởng và quyết định mọi mặt đời sống của người dân khắp Châu Âu. Một trong số những sự kiểm soát đó chính là sự kiểm soát việc sản xuất sách và truyển bá thông tin trong xã hội.
Thời kỳ này, nhà thờ và tu viện là nơi duy nhất sách được làm ra. Một trong các công việc chính của các tu sĩ là việc chép lại các bản thảo tôn giáo, tín ngưỡng hoặc một số ít các tài liệu khác. Giáo hội là nơi quyết định quyển sách nào được chép ra; tu sĩ nói riêng và mọi người nói riêng không có quyền tự sao chép theo những quyển sách mà mình mong muốn. Tu sĩ cũng không được trao đổi bản thảo chép tay cho người khác hay từ chối khi nhận được lệnh. Nếu không họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trong sự quản lý nghiêm ngặt đó của nhà thờ, không nhiều phát minh liên quan đến tri thức được ra đời ở thời kỳ này. Đột phá lớn nhất chính là sự chuyển dịch dần từ văn hóa nói; diễn thuyết và truyền miệng trong một nhóm người sang đọc sách một một cách yên tĩnh và một mình. Sự chuyển dịch này bắt nguồn từ sự ra đời của dấu cách trong khi viết.
Thừa hưởng từ nền văn minh Hy-La, sách của thời kỳ trước là những chuỗi ký tự dài lê thê, không biết bắt đầu và kết thúc khi nào, được gọi dưới một cái trên đặc trưng “Scriptio continua – Continuous script” vốn được thừa hưởng từ kiểu viết cuneiform của người Summer và sau đó là hệ chữ alphabet chỉ toàn phụ âm của người Phoenician. Đọc sách thời kỳ trước là kiểu đọc thành tiếng to cho nhiều người cùng nghe; vì văn hóa lời nói rất phát triển.
Tuy nhiên vào thế kỷ thứ 7, một tu sĩ người Ai Len đã phát minh ra cách thức viết có dấu cách để phân biệt rõ từ nọ và từ kia. Ai Len hay nước Anh nói chung vốn chưa bao giờ là thuộc địa của Hy Lạp hay đế chế La Mã, ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa nói của nền văn minh Hy-La nên việc phải đọc to một văn bản toàn chữ dài lê thê, vừa đọc vừa phải đoán từ này kết thúc ở đâu, câu này kết thúc ở đâu là một cực hình và cũng tốn nhiều trí năng. Tuy nhiên cũng phải đến tận thế kỷ 11 phát minh này mới được áp dụng phổ biến trong cách viết sách trong các nhà thờ trên toàn bộ châu Âu. Và việc đọc sách yên lặng này cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến nhu cầu sách ở châu Âu tăng lên rất nhiều, dẫn đến việc nhà thờ không thể kiểm soát hết được việc sản xuất và mua bán sách.
Thêm một yếu tố chủ chốt khác đó là sang thế kỷ 12, với rất nhiều biến động về kinh tế chính trị đã khiến đời sống cư dân châu Âu bắt đầu thay đổi. Những thành phố lớn bắt đầu được hình thành, giai cấp giàu nghèo cũng bắt đầu được phân chia rõ rệt hơn. Các thành phố lớn nhất thời kỳ này phải kể đến Venice và Genoa có khoảng 100 nghìn người; Florence có khoảng 90 nghìn; Palermo và Pisa khoảng 50 nghìn; Paris khoảng 80 nghìn; Bruges và London khoảng 35 nghìn.
Nền kinh tế mới đòi hỏi một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới, có khả năng đào tạo ra những người làm trong các ngành y dược, thương mại, luật hay nhà thờ. Các trường đại học đầu tiên được ra đời. Mở đầu là trường Bologna năm 1088 rồi đến Paris và Oxford. Sang thế kỷ 13, xuất hiện thêm nhiều trường có tiếng khác như Cambridge, Montpellier, Toulouse, Angers, Padua, Naples, Salamanca, Valladolid. Rất nhiều trường trong số này vẫn tồn tại đến tận bây giờ. Việc ra đời trường học khiến các sinh viên và giáo sư rất cần sách trong việc dạy và học. Các hiệu sách  nằm gần trường đại học được ra đời nhằm cung cấp sách cho 2 đối tượng trên, mặc dù giá và nội dung vẫn do trường học kiểm soát. Từ khi trường đại học đầu tiên ra đời, một làn sóng kiến thức từ các nước Hồi giáo tràn vào Châu Âu,và trong 2 thể kỷ; đã có vài trăm đầu sách tiếng Do Thái và Ả rập được dịch ra và lưu hành trong các trường đại học.
Việc văn hóa đọc sách yên lặng phổ biến đã dẫn đến rất nhiều cải tiến trong cấu trúc của sách được ra đời ở thể kỷ 14 theo chiều hướng cải thiện hiệu năng và tốc độ đọc. Ở thể kỷ 13, sách đã bắt đầu được phân chia thành các chapter, và mục lục cũng đã được ra đời. Dấu chấm, dấu phẩy và dấu ngoặc đơn đều ra đời trong thời kỳ này. Dấu ngoặc đơn được sử dụng thay cho phương thức sử dụng mực đỏ để gạch chân đoạn cần ghi chú là một điều rất được chào đón, nhất là với công nghệ in ra đời sau này. Rồi tiếp đến là tiêu đề của chương, mục lục về nội dung của chương hay tiêu đề từng trang sách tiếp tục được sinh ra. Đến năm 1400, cấu trúc của sách đã hầu như giống với cấu trúc của sách hiện đại. Sách tham khảo cũng bắt đầu xuất hiện. Văn hóa đọc mới cũng khiến kiến trúc của thư viện phải thay đổi. Nếu như trước đây, thư viện phải chia làm nhiều phỏng nhỏ để việc diễn thuyết của nhóm nọ không ảnh hưởng đến nhóm kia thì nay thư viện đã được thiết kế theo hướng có không gian chung rất lớn và thoáng.
Có 2 yếu tố quan trọng nữa cần đề cập đến ở Châu Âu thời kỳ này chính là sự du nhập của giấy hiện đại từ Trung Quốc thông qua thế giới Hồi giáo và việc ra đời của kính mắt. Kính mắt là một công cụ nâng cao đáng kể thời gian đọc sách cho những người lớn tuổi; ra đời ở Châu Âu vào năm 1280.  Ở các thời kỳ trước, việc đọc sách dành cho những người tuổi trên 45, vốn mắt đã bị lão hóa và viễn là điều rất khó khăn. Với việc sử dụng kính đã có thể giúp những người đó có thêm được khoảng 15 năm đọc sách. Đó cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu đọc sách tăng lên, mặc dù không nhiều. Lý do chủ yếu là giá thành của kính vẫn quá đắt và chỉ những tầng lớp giàu có mới có thể sử dụng. Theo thống kê, vào năm 1384, London trung bình nhập 384 chiếc hàng tháng. 1 thế kỷ sau con số này là 480.
Yếu tố quan trọng thứ hai là một kiểu giấy mới. Được sử dụng bắt đầu ở vùng Hồi giáo những năm 600 nhưng phải đến năm 1074, xưởng chế tạo giấy đầu tiên sử dụng cối xay gió thay cho sức người mới được xây dựng ở Tây Ban Nha. Cái thứ 2 được xây gần Rome năm 1270. Ở Pháp, Đức, Anh lần lượt là 1326, 1390 và 1490. Giấy Trung Quốc ít được chuộng ở châu âu thời kỳ này, và ưu điểm duy nhất của nó so với giấy da chỉ là giá thành rẻ hơn. Nhược điểm chính của nó là hút quá nhiều mực, và điều này đã được cải thiện bằng quy trình làm khô giấy tốt hơn giúp tăng chất lượng của nó lên đáng kể. Động lực chính của việc sử dụng rộng rãi loại giấy mới là từ việc ra đời công nghệ in mới của Gutenberg vào năm 1450.
—————————————————
Công nghệ in hàng loạt của Gutenberg
Ý tưởng về việc sản xuất hàng loạt và nhanh chóng một văn bản, thông tin đã có từ rất lâu. Người Summer đã chế tạo ra những bản khắc bằng gỗ hay đá để ấn lên những miếng đất sét vẫn còn đang ướt để sản xuất hàng loạt một văn bản nào đó, thông thường liên quan đến văn chương và thơ ca.
Công nghệ in tiếp theo đó là bôi mực lên một bản khắc bằng gỗ hoặc kim loại, rồi sau đó in lên mặt một tờ giấy. Kỹ thuật này được người Trung Quốc phát minh vào khoảng năm 200 SCN. Kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi khắp thế giới cổ đại, chủ yếu nhằm in ra các bức tranh hay hình minh họa.
Công nghệ in sắp chữ (movable type) cũng được phát minh lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1040 SCN dưới thời Bắc Tống. Vật liệu để làm khuôn in là ban đầu bằng gỗ, sau đó được chuyển sang là gốm. Khuôn in làm bằng kim loại đầu tiên được Hàn Quốc sử dụng vào năm 1234 và sau đó được nhà Tống sử dụng để in tiền giấy. Ở châu Âu, Gutenberg là người sử dụng công nghệ in sử dụng khuôn kim loại đầu tiên vào năm 1450. Mặc dù phát minh ra công nghệ in ấn rất sớm trước Gutenberg nhưng việc in ấn ở các nước Á Đông không thể phát triển mạnh và nhanh được bởi lý do chủ yếu là trong khi châu Âu sử dụng hệ thống ký tự Latin gồm 26 chữ cái thì các nước Châu Á hầu hết sử dụng chữ tượng hình với hàng nghìn ký tự. Việc in ấn đại trà sử dụng công nghệ in dùng khuôn và sắp chữ là một việc rất khó khả thi với các nước Châu Á.
Gutenberg, vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề rèn và chế tác kim loại đã phát triển một công nghệ in hoàn chỉnh vào những năm 1450. Ông có 3 đóng góp lớn, đó là việc phát minh ra khuôn in các chữ cái bằng kim loại; phát hiên và sử dụng mực gốc dầu để thay mực gốc nước vốn được sử dụng hơn 3000 năm nhưng lại vô tác dụng trong việc bám lên bề mặt kim loại, và thiết kế ra một chiếc máy sắp chữ hoàn chỉnh. Kim loại mà Gutenberg sử dụng là một hợp kim giữa chì, thiếc và antimony được phát triển vào khoảng những năm 1439 và tiếp tục được sử dụng giữ nguyên thành phần cho đến tận những năm 1800.
Mặc dù là một kỹ sư lành nghề và nhà phát minh xuất chúng, nhìn ra được tiềm năng to lớn từ phát minh của mình nhưng Gutenberg lại chẳng giỏi trong việc kinh doanh. Thời điểm 1450 ông có vay của Fust, một gia đình giàu có thời đó một số tiền lớn tương đương với 1 triệu $ Mỹ vào những năm 1990; hay tương đương với 10 năm lương của một công chức cao cấp thời kỳ đó để phát triển công nghệ của mình. Năm 1455, tình hình kinh doanh không khả quan và bị Fust siết nợ, Gutenberg đã phải bán toàn bộ máy móc và công nghệ của mình cho Fust tiếp quản.
Ra đời vào đúng thời điểm nhu cầu sách đang rất cao, phát minh của Gutenberg nhanh chóng được khắp Châu Âu đón nhận và sử dụng. 30 năm sau, 1480 có đến 110 thị trấn ở Châu Âu đã sử dụng máy in của Gutenberg mà tập trung nhất là ở Venice với 156 đầu sách được in ra. Con số này của các thành phố khác là Milan (82), Augsburg (67), Nuremberg (53), Florence (48), Cologne (44), Paris (35) và Rome (34). Trong 3 năm từ 1495-1497, có 1821 đầu sách được in, trong đó có 24.5% là từ Venice. Đến năm 1500, đã có 236 thị trấn có máy in và 35 nghìn đầu sách đã được xuất bản. Trước năm 1500, hầu hết sách đều không có đánh số trang. Nhưng đến năm 1600, đã có 4/5 số sách có sử dụng số của người Ả rập ở cuối trang sách của mình.
Nhu cầu thông tin của con người ngày càng cao. Đến khoảng đầu những năm 1600 đã xuất hiện những tờ báo in để cung cấp thông tin nhanh chóng đến người dân. Báo Nieuwe Tijd-inghen xuất bản năm 1605 là tờ báo đầu tiên. Khoảng 1650, các thành phố lớn đều đã có những tờ báo của riêng mình. Trong khi đó các tạp chí chuyên ngành bắt đầu được in vào 1660.
Máy in sử dụng động cơ hơi nước ra đời năm 1814 và công nghệ sản xuất giấy mới ra đời năm 1802 càng khiến việc in ấn dễ dàng với chi phí rẻ hơn. Trong vòng 20 năm từ 1820 đến 1840, ở Anh đã có đến 2000 tờ báo và tạp chí mới xuất hiện. Cùng với đó là tỷ lệ biết chữ tăng lên đáng kể. Đến năm 1840, ở Anh đã có khoảng 68% đàn ông và 52% phụ nữ biết đọc biết viết.
Phát minh của Gutenberg đã được đánh giá là một trong những phát minh quan trọng của lịch sử loài người, ra đời rất đúng thời điểm và là động lực chính dẫn đến các cuộc cách mạng Phục Hưng, Khai sáng hay cách mạng công nghiệp sau này; đưa nền văn minh châu Âu bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng mới tương tự như nền văn minh Hy-La trước đó 2000 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét