Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Phạm trù là những khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định.Mỗi bộ môn khoa học đều có các phạm trù riêng của mình phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học đó nghiên cứu. Ví dụ: trong toán học có các phạm trù như “số”, “hình”, “điểm”...Trong kinh tế học có các phạm trù như “hàng hóa”, “giá trị”, “giá cả”, “tiền tệ”, “lợi nhuận”...Các phạm trù của phép biện chứng duy vật như “vật chất”, “ý thức”, “vận động”, “mâu thuẫn”, “nguyên nhân”, “kết quả”...là những khái niệm chung nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến của cả tự nhiên, xã hội và tư duy, tức là của toàn bộ thế giới hiện thực.Mối liên hệ giữa các phạm trù của phép biện chứng và các phạm trù của các khoa học cụ thể là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Với tư cách là khoa học về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển, phép biện chứng khái quát những mối liên hệ phổ biến nhất bao quát các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy vào các cặp phạm trù cơ bản, đó là các cặp phạm trù: cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực.
1. Cái chung và cái riêng
a. Khái niệm
Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình nhất định.
Ví dụ:
- Cái bàn học, cái bàn ăn, cái bàn làm việc
- Ngôi nhà ở, ngôi nhà để học (giảng đường), ngôi nhà để vui chơi (câu lạc bộ).
- Cây cam, cây quýt, cây bưởi, cây hồng.
- Người Việt Nam, người Pháp, người Châu Phi
- Ngành khai thác thủy sản, ngành nuôi trồng thủy sản, ngành cơ khí tàu thuyền và các ngành khác ở trong trường.
Mỗi sự vật, hiện tượng, mỗi ngành nghề trên được gọi là một cái riêng
Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những thuộc tính, những mặt, những yếu tố, những quan hệ… tồn tại phổ biến ở nhiều sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Những ví dụ nêu ở trên đều là những sự vật hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta thường gặp là những cái riêng lẻ (là cái riêng) nhưng chúng lại có những mặt giống nhau.
+ Những cái bàn, cái nhà được làm bằng những vật liệu giống nhau: gỗ, đinh, gạch, ngói, xi măng…
+ Các loại cây: có mặt chung là cây ăn quả, là thực vật, là quang hợp với ánh sáng mặt trời.
+ Các ngành tuy khác nhau nhưng có điểm chung đối tượng tác động vào là thủy sản, phát triển nền kinh tế thủy sản, nền kinh tế biển.
+ Con người là cái riêng: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi hay màu da khác nhau nhưng đều có cái chung: biết lao động có mục đích, có trí tuệ, biết sáng tạo.
Trong mối sự vật, ngoài cái chung còn tồn tại cái đơn nhất. Cái đơn nhất là những đặc tính, những tính chất chỉ tồn tại ở một sự vật, một hiện tượng nào đó mà không lặp lại ở các sự vật, hiện tượng khác.
Ví dụ:
- Thành phố Quy Nhơn: là một “cái riêng” ngoài những đặc điểm giống các thành phố khác ở Việt Nam còn có những nét riêng mà các thành phố khác ở Việt Nam không có: có tháp đôi, cầu đôi,có bãi trứng, có lầu ông Hoàng,ghềnh Ráng, bãi tắm Hoang Hậu, có những nét văn hóa truyền thống chỉ có Quy Nhơn mới có.
- Giai cấp vô sản Việt Nam là một “cái riêng” ngoài những điểm giống như giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển, còn có những nét riêng: nó ra đời cùng với sự khai thác thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp, không gắn liền với nền đại công nghiệp cơ khí, xuất thân từ giai cấp nông dân… chỉ có giai cấp Việt Nam mới có.
- Sinh viên Đại học Quy Nhơn là một “cái riêng”, ngoài những điểm giống với sinh viên ở các trường khác, nó còn có cái đặc thù chỉ ở sinh viên đại học Quy Nhơn mới có mà thôi đó là những ngành truyền thống như các ngành sư phạm mà các trường kinh tế không có
- Các ngành ở trong trường là “cái riêng”.
b. Quan hệ biện chứng giữa cái riêng với cái chung:
b.1 Các trường phái triết học trước Mác về mối quan hệ giữa “cái riêng” và “cái chung”.
- Phái duy thực: Cho rằng “cái riêng” chỉ tồn tại tạm thời thông qua, không phải là cái tồn tại vĩnh viễn, chỉ có “cái chung” mới tồn tại vĩnh viễn thật sự đối lập đối với ý thức của con người.
+ “Cái chung” không phụ thuộc vào “cái riêng” sinh ra cái riêng.
+ Đại diện: Platon
+ Ví dụ: Bên cạnh cái cây riêng lẻ có ý niệm cái cây nói chung tồn tại mãi mãi, còn cái cây riêng lẻ có ra đời tồn tại tạm thời rồi mất đị.
Bên cạnh sinh viên riêng lẻ vào trường nhập học tạm thời ở trong trường 4,5 năm rồi ra trường, sinh viên khác lại vào và ra như vậy. Còn có khái niệm sinh viên nói chung tồn tại mãi mãi gắn với trường.
Như vậy có nghĩa là “cái riêng” do “cái chung” sinh ra.
- Phái duy danh cho rằng:
+ Chỉ có “cái riêng” mới tồn tại thực sự, còn cái chung là những tên gọi trống rỗng, do tư tưởng con người bịa ra, không thừa nhận nội dung khách quan của các khái niệm.
Ví dụ:
+ Khái niệm con người
+ Đấu tranh giai cấp
+ Cách mạng xã hội, vật chất, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm
+ Khái niệm sinh viên nói chung
=> Không có ý nghĩa gì trong cuộc sống.
Đại biểu:
Quan điểm của chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy danh đều sai lầm, họ tách rời cái riêng ra khỏi cái chung, tuyệt đối hóa cái riêng, phủ nhận cái chung hoặc ngược lại.
b.2 Chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Cho rằng cái riêng, cái chung, cái đơn nhất đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối liên hệ hữu cơ với nhau được thể hiện:
- Thứ nhất: “cái chung” chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu thị sự tồn tại của mình (Không có cái chung thuần túy, tồn tại độc lập bên cạnh cái riêng).
Ví dụ:
+ Không có một cái cây nói chung nào tồn tại bên cạnh cây cam, cây quýt, cây đào cụ thể; những cây trên đều có những đặc tính chung, có rễ, có thân, có lá, có quá trình đồng hóa, dị hóa để duy trì sự sống.
+ Không có một khái niệm chung “động vật có xương sống” nào tồn tại bên cạnh những con “chim”, “con cá”, “con rắn”, “con bò” cụ thể; những loại con này đều có đặc điểm chung: có bộ xương vững chắc, vận động, có quá trình đồng hóa, dị hóa để duy trì sự sống.
- Thứ hai: Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung (không có cái riêng tuyệt đối).
Ví dụ:
+ 1 động vật nào đó là một cái riêng, nó chỉ tồn tại trong mối quan hệ với cái chung đó là quy luật đồng hóa và dị hóa.
+ Một con người là một cái riêng (không thể tồn tại độc lập được mà phải gắn liền với thế giới tự nhiên (vật chất hữu cơ) và xã hội loài người (quan hệ với mọi người).
+ Một nền kinh tế của một quốc gia nào đó không thể tồn tại một cách độc lập mà phải gắn liền với quy luật chung (quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất), quy luật cung cầu, quy luật giá trị… )
- Thứ ba: Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung, cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc hơn cái riêng.
+ Cái riêng là cái toàn bộ phong phú hơn cái chung vì: ngoài đặc điểm giống với nhiều cái khác, cái riêng còn có cái đơn nhất, cái đặc thù chỉ nó mới có.
Ví dụ:
Giai cấp công nhân Việt Nam là “cái riêng” bên cạnh cái chung với giai cấp công nhân ở các nước trên thế giới bị bóc lột của giai cấp tư sản, giai cấp không có tư liệu sản xuất… lao động gắn liền với máy móc và có tính chất xã hội… Giai cấp công nhân Việt Nam còn có những những đặc điểm riêng: xuất thân từ giai cấp nông dân, ra đời gắn liền với việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cho nên gần gũi với giai cấp nông dân, bị chủ nghĩa đế quốc thống trị. Những đặc điểm đó khác với giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa.
- Cái chung sâu sắc hơn cái riêng là cái bộ phận: vì cái chung chỉ là một bộ phận của cái riêng.
+ Cái chung chỉ phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ ổn định, tất nhiên lặp lại ở nhiều cái riêng cùng loại.
+ Do cái chung gắn liền với cái bản chất, quy định phương hướng tồn tại phát triển của cái riêng.
Ví dụ: đồng hóa dị hóa là cái chung nằm trong tất cả ở thế giới sinh vật: nó mang tính chất bản chất tất nhiên của cái riêng, một sinh vật là cái riêng nó còn tính đặc thù, đơn nhất của nó nữa.
- Thứ tư: cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật vì:
+ Trong hiện thực cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay, mà lúc đầu nó ở dạng đơn nhất và hoàn thiện dần và thay thế cái cũ trở thành cái chung, cái phổ biến.
+ Cái cũ lúc đầu là cái chung, cái phổ biến nhưng về sau do không phù hợp với điều kiện mới dần trở thành cái đơn nhất (trang 231 giáo trình sđd)
+ Quá trình chuyển hóa từ cái đơn nhất thành cái chung là biểu hiện quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ, còn chuyển hóa từ cái chung thành cái đơn nhất thì ngược lại biểu hiện cái cũ lỗi thời bị phủ định.
Ví dụ:
- Sự thay đổi một đặc tính nào đó của sinh vật xuất hiện ở một cá thể riêng biệt. Do phù hợp với điều kiện mới cho nên đặc tính nó được bảo tồn ở nhiều cá thể và nhiều thế hệ.
- Một sáng kiến của một anh hùng lúc đầu là cái đơn nhất được nhiều người học tập trở thành cái phổ biến.
- Khoán sản phẩm tới người lao động lúc đầu chỉ ở một vài tỉnh sau trở thành cái phổ biến.
- Vận động cơ chế thị trường ở Việt Nam lúc đầu mới là tư tưởng chỉ đạo thực hiện ở một số ngành kinh tế - sau trở thành chung.
KẾT LUẬN:
- Cái riêng và cái chung đều tồn tại khách quan, vì nó là biểu hiện tính hiện thực tất yếu, độc lập với ý thức con người.
- Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình; cái chung không tồn tại biệt lập, tách rời cái riêng mà nó phải tồn tại trong từng cái riêng cụ thể, xác định.
- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Không có cái riêng tồn tại độc lập, tuyệt đối tách rời cái chung mà tất yếu phải tồn tại trong mối liên hệ với cái chung.
- Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú, đa dạng hơn cái chung; còn cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc, bản chất hơn cái riêng bởi vì cái riêng là tổng hợp của cái chung và cái đơn nhất, còn cái chung biểu hiện tính phổ biến, tính quy luật của nhiều cái riêng.
- Cái riêng và cái đơn nhất có thể chuyển hóa lẫn nhau trong những điều kiện nhất định: Cái mới ra đời: đi từ cái đơn nhất - cái đặc thù - cái phổ biến. Cái cũ mất theo con đường chuyển hóa ngược lại.
c. Ý nghĩa phương pháp luận:
- Vì cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung nên không được tuyệt đối hóa cái riêng (lợi ích riêng của cá nhân, gia đình, tôn giáo, dân tộc, v.v..)
- Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng, nên muốn tìm ra cái chung (bản chất, quy luật, chính sách, v.v..) phải thông qua việc nghiên cứu cái riêng. Mặt khác, khi áp dụng cái chung vào cái riêng cần phải tính đến đặc điểm và những điều kiện tồn tại cụ thể của cái riêng.
Ví dụ:
- Muốn nhận thức được một quy luật phát triển nào đó của nền sản xuất của một nước nào đó phải nghiên cứu phân tích so sánh quá tình sản xuất thực tế ở một giai đoạn khác nhau, ở những khu vực khác nhau mới tìm ra được mối liên hệ chung.
- Xem xét một phong trào nào đó của một đơn vị nào đó phải xem xét tinh thần thi đua đó ở từng tổ, từng người sau đó liên hệ lại với nhau
- Tôn trọng tính đa dạng phong phú của cái riêng, đồng thời phải tôn trọng những nguyên tắc chung.
- Tạo điều kiện để cái riêng và cái đơn nhất chuyển hóa đúng quy luật để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của mới và sự tiêu diệt cái cũ, cái lỗi thời.
2. Nguyên nhân và kết quả
a. Khái niệm
Nguyên nhân là phạm trù dùng để chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau tạo ra một sự biến đổi nhất định.
Kết quả là phạm trù dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do những tác động giữa các mặt, các yếu tố trong một sự vật hoặc giữa các sự vật, hiện tượng tạo nên. Nguyên nhân khác với nguyên cớ và điều kiện. Điều kiện là những yếu tố giúp nguyên nhân sinh ra kết quả, nhưng bản thân điều kiện không sinh ra kết quả. Nguyên cớ là cái không có mối liên hệ bản chất với kết quả.
Ví dụ:
- Đấu tranh giai cấp, giai cấp vô sản mâu thuẫn giai cấp tư sản -> Cách mạng vô sản (khách quan).
- Sự biến đổi mầm mống trong hạt lúa (nguyên nhân) -> Cây lúa (kết quả).
- Bão (nguyên nhân) -> thiệt hại mùa màng (kết quả xấu)
- Thực hiện đường lối đổi mới là nguyên nhân, mục tiêu dân giàu … là kết quả.
- Chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân của chiến tranh xâm lược
b. Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả.
- Nguyên nhân sinh ra kết quả nên nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau nguyên nhân. Mối quan hệ nhân quả không chỉ đơn thuần là sự đi kế tiếp nhau về thời gian (cái này có trước cái kia), mà là mối liên hệ sản sinh: cái này tất yếu sinh ra cái kia. Chỉ có mối quan hệ tất yếu về mặt thời gian mới là quan hệ nhân quả.
Ví dụ:
+ Cuộc đấu tranh giai cấp vô sản mâu thuẫn giai cấp tư sản (là nguyên nhân bao giờ cũng có trước để dẫn đến cuộc cách mạng vô sản với tính chất là kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau)
+ Sự biến đổi của mầm mống trong hạt lúa bao giờ cũng phải xuất hiện trước còn cây lúa là kết quả nó xuất hiện sau.
+ Bão (nguyên nhân) xuất hiện trước, sự thiệt hại của hoa màu, mùa màng do bão gây ra thì phải xuất hiện sau.
+ Người bị ô tô chèn chết đấy là kết quả xấu nhất nguyên nhân của nó là do việc thực hiện luật lệ giao thông không đúng (không nghiêm chỉnh thực hiện luật lệ giao thông).
Chú ý: Tuy nhiên không phải mối liên hệ nối tiếp nào cũng đều biểu hiện mối liên hệ nhân quả.
Ví dụ:
- Ngày không phải là nguyên nhân của đêm
- Mùa xuân không phải là nguyên nhân của mùa hè.
(Nguyên nhân của ngày và đêm là do quả đất quay một trục và quả đất tự quay xung quanh mặt trời 365 ngày và hình thành 4 mùa xuân, hạ, thu đông…)
Một kết quả thường không phải do một nguyên nhân và một nguyên nhân cũng có thể nảy sinh ra nhiều kết quả.
- Nguyên nhân thế nào thì sinh ra kết quả thế ấy. Cùng một nguyên nhân sinh ra nhiều kết quả và ngược lại, một kết quả do nhiều nguyên nhân sinh ra. Do đó, mối quan hệ nhân quả rất phức tạp .
Ví dụ:
Công cuộc cách mạng của chúng ta thắng lợi, giải phóng miền nam thống nhất đất nước nó là kết quả của nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân chính là do dân tộc ta quyết tâm (thà quyết hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ).
Dưới sự ủng hộ của các nước, các dân tộc xã hội chủ nghĩa và các nước, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Thầy giáo truyền đạt kiến thức cho học sinh (một nguyên nhân) là nguyên nhân dẫn đến nhiều kết quả học tập đạt được của họ.
Cùng một nguyên nhân như vậy nhưng lại dẫn đến nhiều kết quả khác nhau đối với từng học sinh. Có những học sinh đạt kết quả học tập giỏi, khá, trung bình, yếu kém.
Đốt lửa vào ngọn đèn dầu (Nguyên nhân) nó sinh ra kết quả.
Kết quả thứ nhất: có ánh sáng để cho mọi người học tập và làm việc.
Kết quả thứ hai: Bấc ngắn, dầu cạn đi.
Kết quả thứ ba: làm tăng nhiệt độ môi trường..
Trong trường hợp nhiều nguyên nhân cùng tham gia sinh ra một kết quả, người ta chia ra các loại nguyên nhân:
Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài;
Nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp;
Nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân không cơ bản;
Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu;
Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
- Nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hóa lẫn nhau trong những điều kiện nhất định. Nguyên nhân sinh ra kết quả, rồi kết quả lại tác động đến sự vật, hiện tượng khác và trở thành nguyên nhân sinh ra kết quả khác nữa. Do đó, sự phân biệt nguyên nhân với kết quả chỉ có tính chất tương đối. Chẳng hạn, sự phát triển của vật chất là nguyên nhân sinh ra tinh thần, nhưng tinh thần lại trở thành nguyên nhân làm biến đổi vật chất.
Trong sợi dây chuyền vô tận của sự vận động của vật chất, không có một hiện tượng nào được coi là nguyên nhân đầu tiên và cũng không được xem một kết quả nào là kết quả cuối cùng. (Đọc Ăng Ghen trang 174 giáo trình)
Ví dụ:
Lực lượng sản xuất -> Quan hệ sản xuất = Phương thức sản xuất mới được nguyên nhân phá bỏ quan hệ sản xuất cũ (kết quả) thể hiện lực lượng sản xuất mới mâu thuẫn quan hệ sản xuất cũ.
Quả trứng -> Gà con -> Quả trứng
c. Ý nghĩa phương pháp luận
- Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan nên cần phải tìm nguyên nhân của các sự vật, hiện tượng dẫn đến kết quả trong thế giới hiện thực khách quan chứ không phải ở ngoài thế giới đó.
- Do mối liên hệ nhân quả rất phức tạp, đa dạng nên phải phân biệt chính xác các loại nguyên nhân để có phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp với mỗi trường hợp cụ thể trong nhận thức và thực tiễn.
- Vì một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều kết quả, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân nên trong nhận thức và thực tiễn cần có cách nhìn toàn diện và lịch sử cụ thể trong phân tích, giải quyết và ứng dụng quan hệ nhân quả.
3. Tất nhiên và ngẫu nhiên
a. Khái niệm
Tất nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái do nguyên nhân cơ bản, bên trong của sự vật, hiện tượng quyết định và trong những điều kiện nhất định, nó phải xảy ra như thế chứ không thể khác.
Ví dụ:
+ Xã hội có sự phân chia ra thành giai cấp đối kháng thì nhất định phải có đấu tranh giai cấp.
+ Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản tất nhiên dẫn tới cuộc cách mạng vô sản và dẫn đến nền chuyên chính vô sản là điều tất yếu.
+ Là nhà Tư bản thì nhất thiết phải bóc lột công nhân đó là tất yếu.
+ Giống tốt, mạ khỏe, nước đủ, đủ phân, chăm sóc chu đáo thời tiết thuận lơi thì năng suất lúa cao đó là tất nhiên.
Ngẫu nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái do nguyên nhân bên ngoài quyết định, cho nên nó có thể xuất hiện hay không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này hoặc như thế khác.
Ví dụ:
+ Lấy lại ví dụ nhà tư bản nhất thiết phải bóc lột (đó là điều tất nhiên). Cái ngẫu nhiên ở đây là: nhà tư bản có thể bóc lột công nhân sản xuất vải sợi, có thể công nhân sản xuất ra bóng đèn… thì đó lại là ngẫu nhiên.
+ Những yếu tố làm cho năng suất lúa tăng cao cũng có thể do sâu rầy, bão tố ập tới thì mất trắng đó lại là ngẫu nhiên.
+ Học tập chăm chỉ, phương pháp học tốt, nắm chắc kiến thức cơ bản ứng dụng nhiều trong thực tế thì sẽ đạt được kết quả tốt đó là điều tất nhiên. Nhưng đến mùa thi ở nhà lại báo một vài tin buồn gì đó làm ảnh hưởng tới tư tưởng … Kết quả kém đi (điều này là ngẫu nhiên).
Chú ý: So sánh phạm trù tất nhiên với bản chất, với cái chung, cái phổ biến
Như vậy, tất nhiên và ngẫu nhiên đều có nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản, bên trong gắn với tất nhiên còn nguyên nhân bên ngoài gắn với ngẫu nhiên.
b. Quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên:
- Quan điểm siêu hình tuyệt đối hóa cái tất nhiên hoặc cái ngẫu nhiên, hoặc tách rời hai cái với nhau. Nếu tuyệt đối hóa cái tất nhiên sẽ dẫn đến thuyết định mệnh. Nếu tuyệt đối hóa cái ngẫu nhiên, sẽ dẫn đến phủ nhận quy luật khách quan, phủ nhận khoa học.
- Quan điểm duy vật biện chứng khẳng định rằng:
+ Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan trong hiện thực và đều có vai trò nhất định đối với sự phát triển của sự vật và hiện tượng, trong đó tất nhiên giữ vai trò quyết định.
+ Tất nhiên và ngẫu nhiên là hai mặt vừa thống nhất, vừa đối lập. Không có tất nhiên thuần túy và ngẫu nhiên thuần túy. Tất nhiên vạch đường đi cho mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên là biểu hiện một mặt, một khía cạnh của cái tất nhiên.Trong tất nhiên có ngẫu nhiên, trong ngẫu nhiên có tất nhiên.
Ví dụ: Ăng Ghen đưa ra ví dụ: Sự xuất hiện của các nhân vật xuất sắc trong lịch sử đó là điều tất nhiên… nhưng những nhân vật lịch sử đó là ai lại là ngẫu nhiên, không phát hiện được người này thì phát hiện được người khác.
Phân nhiều, nước đủ, giống tốt… tất nhiên sẽ được mùa. Ngược lại gặp thiên tai như bão, hạn hán… mất mùa đó lại là ngẫu nhiên.
+ Tất nhiên quy định ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên bổ sung cho tất nhiên. Tuy nhiên, ranh giới giữa tất nhiên và ngẫu nhiên có tính chất tương đối. Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hóa lẫn nhau trong những điều kiện nhất định.
Ví dụ:
+ Một anh hùng nào đó xuất hiện trong một phong trào của quần chúng => đó là ngẫu nhiên đối với phong trào nhưng đối với bản thân người đó thì lại là tất nhiên qua quá trình rèn luyện, học tập, tu dưỡng gắn liền với những hoạt động thực tiễn.
+ Tất nhiên và ngẫu nhiên chuyển hóa cho nhau:
* Trong xã hội cũ những phong tục tập quán hủ bại như ma chay, cưới xin… cái đó là tất nhiên đối với xã hội cũ. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếp sống văn minh mà còn phong tục hủ bại ở nơi nào đó thì nó mang tính chất cá biệt ngẫu nhiên mà thôi.
c. Ý nghĩa phương pháp luận
Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cần phải căn cứ vào cái tất nhiên chứ không phải căn cứ vào cái ngẫu nhiên. Tuy nhiên không được bỏ qua cái ngẫu nhiên, không tách rời cái tất nhiên khỏi cái ngẫu nhiên. Cần xuất phát từ cái ngẫu nhiên để đạt đến cái tất nhiên và khi dựa vào cái tất nhiên phải chú ý đến cái ngẫu nhiên.
Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau vì vậy cần tạo ra những điều kiện nhất định để cản trở hoặc thúc đẩy sự chuyển hóa của chúng theo mục đích nhất định.
4. Nội dung và hình thức
a. Khái niệm
Nội dung là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật, hiện tượng.
Hình thức là phạm trù triết học dùng để chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng đó, hình thức là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của nó.
Ví dụ:
+ Nội dung cơ thể sống là toàn bộ yếu tố vật chất (tế bào, khí quan, quá trình tạo nên cơ thể đó). Hình thức: là cách sắp xếp trình tự các tế bào của cơ thể để tạo thành con hay cây gì đó.
+ Một tác phẩm văn học thì nội dung là toàn bộ phần cuộc sống mà tác phẩm phản ánh. Hình thức là kết cấu bút pháp thể hiện (loại hình nghệ thuật: hát dân ca, tuồng, cải lương, chèo hay kịch nói…)
+ Phương thức sản xuất xã hội, lực lượng sản xuất là nội dung. Quan hệ sản xuất là hình thức (Cơ sở hạ tầng là nội dung, kiến trúc thượng tầng là hình thức).
+ Một cái bàn học: toàn bộ những vật liệu gỗ, đinh… là nội dung còn hình thức là sự sắp xếp nguyên vật liệu đó
+ Quá trình nhận thức thế giới khách quan được phản ánh vào óc là nội dung,. Tiếp thu những hình ảnh đó bằng cách nào (khái niệm, phán đoán, suy luận) đó là hình thức.
b. Mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức
- Nội dung và hình thức gắn bó chặt chẽ với nhau, thống nhất biện chứng với nhau. Không có nội dung nào lại không có một hình thức nhất định. Cũng không có một hình thức nào lại không chứa đựng một nội dung nhất định. (Không có nội dung nói chung, chỉ có nội dung cụ thể. Không có hình thức thuần túy mà chỉ có hình thức cụ thể của một nội dung nhất định).
Giải thích: Nội dung và hình thức là sự thống nhất của 2 mặt đối lập, liên hệ tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Nội dung và hình thức cũng chỉ là sự phân biệt tương đối, có cái ở mối liên hệ này là nội dung, ở mối liên hệ khác lại là hình thức
- Cùng một nội dung có thể biểu hiện trong nhiều hình thức, cùng một hình thức có thể chứa đựng nhiều nội dung.
Ví dụ: Thạch Sanh và Lý Thông: Khen ngợi người hiền, dũng cảm, trung thực, được nhiều người yêu quý. Với nội dung đó được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau: dân ca, cải lương, phim…
Hình thức kịch nói: Vở kịch: Tôi và chúng ta-Lưu Quamg Vũ, (chống cửa quyền, mối quan hệ giữa quyền lợi của cá nhân và tập thể).
- Nội dung quyết định hình thức và hình thức tác động trở lại nội dung.
Khuynh hướng chủ đạo của nội dung là khuynh hướng biến đổi, còn hình thức là mặt tương đối ổn định trong mỗi sự vật, hiện tượng.
- Nội dung thay đổi bắt buộc hình thức phải thay đổi theo cho phù hợp nhưng không phải lúc nào cũng có sự phù hợp tuyết đối giữa nội dung và hình thức. Nội dung quyết định hình thức nhưng hình thức có tính độc lập tương đối và tác động trở lại nội dung. Hình thức phù hợp với nội dung thì thức đẩy nội dung phát triển và ngược lại, hình thức không phù hợp với nội dung sẽ kìm hãm sự phát triển của nội dung.
Ví dụ: Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: lực lượng sản xuất là nội dung, quan hệ sản xuất là hình thức. Thời gian đầu nó phù hợp với nhau nên lực lượng sản xuất đã phát triển mạnh mẽ. Sau đó lực lượng sản xuất nó mang tính chất xã hội mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng gay gắt. Đến một lúc nào đó lực lượng sản xuất (nội dung) đòi hỏi phải phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa để thay thế quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (là hình thức) phù hợp với nó, mở đường cho nó phát triển hơn nữa.
c. Ý nghĩa phương pháp luận
- Nội dung và hình thức luôn thống nhất với nhau nên trong hoạt động thực tiễn, cần tránh sự tách rời giữa nội dung và hình thức hoặc tuyết đối hóa một trong hai mặt đó.
- Nội dung quyết định hình thức cho nên khi xem xét sự vật, hiện tượng, trước hết cần căn cứ vào nội dung của nó, muốn thay đổi sự vật, hiện tượng thì trước hết phải thay đổi nội dung của nó.
Vì nội dung quyết định hình thức cho nên khi xét đoán sự vật trước hết phải căn cứ vào nội dung, đồng thời phải thấy vai trò của hình thức đối với nội dung.
Ví dụ: Công cuộc đổi mới của chúng ta:
+ Nội dung về kinh tế: xây dựng kinh tế nhiều thành phần.
+ Hình thức được biểu hiện: + Kinh tế nhà nước : giai cấp công nhân
+ Kinh tế tập thể: Giai cấp nông dân
+ Kinh tế tư sản nhà nước: Giai cấp tư sản dân tộc.
+ Kinh tế tư sản nước ngoài: Giai cấp tư sản
+ Kinh tế tư nhân
+ Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Trong hoạt động thực tiễn, cần phát huy tính tích cực của hình thức đối với nội dung trên cơ sở tạo ra tính phù hợp của hình thức với nội dung; mặt khác cần thay đổi những hình thức không còn phù hợp với nội dung, cản trở sự phát triển của nội dung.
5. Bản chất và hiện tượng.
a. Khái niệm
Bản chất là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong quy định sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng đó.
Hiện tượng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ đó trong những điều kiện xác định.
Hiện tượng là những biểu hiện ra bên ngoài của bản chất.
Chú ý:
- Phạm trù bản chất gắn liền với phạm trù cái chung, cái tạo nên bản chất của một lớp các sự vật hiện tượng.
Ví dụ: Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Điều đó đúng với mọi người (bản chất cũng là cái chung) tuy nhiên không phải cái chung nào cũng là cái bản chất. Ví dụ bên trên thuộc tính của con người là có đầu, mình và chân tay, cái đó cũng là thuộc tính chung của mọi người những không tạo nên bản chất của con người.
- Phạm trù bản chất thuộc cùng loại với phạm trù quy luật: nói đến bản chất có nghĩa là nói tới quy luật, hay là nói tới quy luật có nghĩa là nói tới cái bản chất. Nhưng mỗi quy luật chỉ biểu hiện được một mặt, một khía cạnh, còn bản chất được biểu hiện bằng quy luật.
Ví dụ:
+ Bản chất của giai cấp tư sản là bóc lột giai cấp công nhân và người lao động bằng nhiều quy luật: Quy luật giá trị thăng dư, quy luật lợi nhuận…
+ Những quy luật biểu hiện của sự bóc lột này của giai cấp tư sản bằng quy luật giá trị thăng dư (nó chỉ biểu hiện được một mặt)
+ Quy luật giá trị thăng dư cũng chỉ thể hiện được một mặt.
Lênin: “Quy luật và bản chất là những khái niệm cùng một loại (cùng một bậc) hay nói đúng hơn là cùng một trình độ”
b. Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng:
- Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan, là hai mặt vừa thống nhất, vừa đối lập trong mỗi sự vật.
Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng biểu hiện ở chỗ:
Bản chất bao giờ cũng biểu hiện ra thành những hiện tượng nhất định.Còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của một bản chất nhất định.Không có bản chất tách rời hiện tượng cũng như không có hiện tượng lại không biểu hiện của một bản chất nào đó.
- Bản chất quyết định hiện tượng. Bản chất như thế nào thì hiện tượng như thế ấy. Bản chất thay đổi thì hiện tượng cũng thay đổi theo.
Sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng thể hiện ở chỗ:
Bản chất là cái chung, cái tất yếu, còn hiện tượng là cái riêng biệt, phong phú và đa dạng.
Bản chất là cái bên trong, hiện tượng là cái bên ngoài.
Ví dụ:
* Bản chất của xã hội tư bản là sự mâu thuẫn giữa tính xã hội lực lượng sản xuất mâu thuẫn với tính chất chiếm hữu tư nhân tư bản đối với tư liệu sản xuất -> Giữa người bị bóc lột (giai cấp vô sản) mâu thuẫn với người bóc lột (giai cấp tư sản).
Bản chất đó được biểu hiện bằng những hiện tượng vô cùng phong phú và phức tạp: đó là cuộc khủng hoảng chu kỳ:
+ Nạn thất nghiệp thường xuyên xảy ta .
+ Cuộc sống xa hoa trụy lạc của giai cấp tư sản.
+ Đời sống cực khổ của giai cấp vô sản và người lao động.
* Năm 1930: Bản chất xã hội nước ta là chế độ thuộc địa và nửa phong kiến. Cho nên đế quốc Pháp đã xây dựng bộ máy cai trị (hình thức) -> Bản chất được biểu hiện bởi hình thức: Nam kỳ bảo hộ (Bộ máy do Pháp cai trị).
+ Ở Trung kỳ: nó giữ nguyên bộ máy của giai cấp phong kiến làm bù nhìn để phục vụ cho công việc xâm lược của chúng.
+ Ở Bắc kỳ: Chúng xây dựng chế độ tự trị (Bên cạnh đó có quan thầy của chủ nghĩa thực dân đế quốc).
Đây chính là sự thể hiện bản chất nào thì hiện tượng đó.
Bản chất là cái tương đối ổn định, hiện tượng là cái thường xuyên biến đổi.
c. Ý nghĩa phương pháp luận
- Trong nhận thức, không được dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu tìm ra bản chất của sự vật. Phải thông qua nhiều hiện tượng khác nhau mới nhận thức đúng được bản chất.
- Bản chất phản ánh tính tất yếu, tính quy luật nên trong nhận thức và thực tiễn cần phải căn cứ vào bản chất chứ không căn cứ vào hiện tượng mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác về sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Bản chất của chủ nghĩa đế quốc là xâm lược, bóc lột nhân dân các nước, gây mất trật tự an ninh về mặt chính trị. Bản chất đó được biểu hiện bằng nhiều hình thức phức tạp: viện trợ kinh tế, viện trợ có tính chất nhân đạo, hợp tác văn hóa, du lịch… Những hình thức đó không biểu hiện đầy đủ bản chất của sự vật và vấn đề. Có khi còn xuyên tạc bởi vẻ bề ngoài. Cho nên xem xét một sự vật phải thật cặn kẽ để từ hiện tượng đến tận cội nguồn của bản chất để có biện pháp phòng ngừa. Chúng thường mang tính chất nhân quyền một cách trừu tượng, áp đặt cho từng nước để gây mất ổn định đối với một quốc gia.
6. Khả năng và hiện thực
a. Khái niệm
Khả năng là phạm trù triết học dùng để chỉ là cái chưa có, chưa tới, nhưng sẽ có, sẽ tới trong những điều kiện nhất định.
Hiện thực là phạm trù triết học dùng để chỉ cái đang tồn tại trong thực tế.
Hiện thực có hiện thực vật chất và hiện thực tinh thần. Khả năng có khả năng tất nhiên và khả năng ngẫu nhiên. Khả năng còn được chia ra: khả năng gần và khả năng xa.
+ Khả năng tất nhiên (khả năng thực tế): Nó hình thành do quy luật vận động nội tại của sự vật (hay là khả năng do những mối liên hệ tất nhiên quyết định, nó xuất hiện do bản chất bên trong sự vật)
Ví dụ:A học giỏi (rất giỏi) năm 2012 A thi đại học=> đậu
- Khả năng ngẫu nhiên (khả năng hình thức): là khả năng do những mối liên hệ ngẫu nhiên, do sự kết hợp của những hoàn cảnh bên ngoài quyết định.
Ví dụ:
Người công nhân bình thường trở thành một nhà tư sản trong xã hội tư bản.
* Tán tỉnh, lấy con gái của nhà tư sản (lấy của hồi môn, trở thành người giàu sang).
* Mua xổ số trở thành triệu phú. Sử dụng số tiền đó mua sức lao động, tlsx => sản xuất hàng hóa => T’ > T (Trúng sổ xố…)
b. Mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực
- Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ thống nhất, không tách rời, luôn chuyển hóa lẫn nhau.
- Khả năng trong những điều kiện nhất định thì biến thành hiện thực.
Hiện thực mới lại mở ra khả năng mới và trong những điều kiện nhất định lại chuyển hóa thành hiện thực.
Ví dụ:
Những năm 86, 87, 88, 89 là những năm nhân dân ta gặp rất nhiều khó khăn về cuộc sống sinh hoạt (tiền mất giá, giá hàng tăng…) => Đây là hiện thực.
Đại hội Đảng lần thứ VI trước hiện thực như vậy đã khắc phục những khó khăn, Đảng ta đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó có vấn đề đổi mới tư duy (trước tiên là tư duy kinh tế) dần dần từng bước đổi mới toàn diện, thay đổi tình trạng kinh tế của xã hội: bảo đảm trật tự an ninh xã hội, nâng cao, ổn định đời sống. => Khả năng
Để khả năng này biến thành hiện thực Đảng ta đã đề ra kèm theo một số chính sách: thay đổi tiền lương, tăng phụ cấp, mở cửa đối với các nước, xây dựng cơ chế mở. => Điều kiện
Hiện thực mới => Kinh tế phát triển, dân số nội dung ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm được sự lạm phát… hàng hóa dồi dào
Tạo ra khả năng mới => Mở rộng nền kinh tế nhiều thành phần, giao lưu, buôn bán với các nước, củng cố địa vị đất nước ta. Mở rộng quan hệ ngoại giao, bắt tay hữu hảo với các nước lớn có nền kinh tế mạnh.
Hiện thực mới để có điều kiện xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
- Với cùng một điều kiện nhất định có thể tồn tại một hoặc nhiều khảnăng: khả năng thực tế, khả năng tất nhiên, khả năng ngẫu nhiên, khả năng gần, khả năng xa…
Ví dụ: Tổng khởi nghĩa năm 1945 ở Việt Nam có hai thời điểm:
+ Khởi nghĩa vào dịp 9/3/1945 có hai khả năng: (Pháp đầu hàng Nhật)
* Cách mạng gặp tổn thất (Nhật càng mạnh)
* Vì vậy không thành lập được chính quyền.
+ Nhật đầu hàng đồng minh (Ta không nổi dậy kịp, trông chờ đồng minh vào cướp khí giới quân Nhật)
* Chính phủ bù nhìn lại quay đầu với Anh
* Pháp ngóc đầu dậy.
- Khả năng biến thành hiện thực, không phải chỉ một vài điều kiện mà một tập hợp những điều kiện.
- Khả năng biến thành hiện thực cần phải có những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nhân tố chủ quan là tính tích cực xã hội của ý thức chủthể con người để chuyển hóa khả năng thành hiện thực. Điều kiện khách quan là sự tổng hợp các mối quan hệ về hoàn cảnh, không gian, thời gian để tạo nên sự chuyển hóa đó.
Ví dụ: Khi phân tích thời thế cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Lênin chỉ ra 4 yếu tố: Giai cấp thống trị, giai cấp bị thống trị, tầng lớp trung gian (tính tích cực của quần chúng cách mạng tăng), giai cấp cách mạng có đủ khả năng. Thiếu một trong các điều kiện ấy thì cách mạng không nổ ra.
c. Ý nghĩa phương pháp luận
- Khả năng và hiện thực không tách rời nhau, nên trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cần dựa vào hiện thực để nhận thức và hành động. Cần phân biệt khả năng với cái không khả năng; khả năng với hiện thực để tránh rơi vào ảo tưởng.
- Trong đời sống xã hội, để khả năng biến thành hiện thực cần phát huy tối đa tính năng động chủ quan của con người trong việc nhận thức và thực tiễn để biến khả năng thành hiện thực theo mục đích của mình.
PHỤ LỤC:
Giải thích từ, cụm từ, định nghĩa:
Giá trị thặng dư (trang 11):
Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản trả cho người lao động. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư.
Có thể lấy một ví dụ như sau để giải thích: Giả sử một người lao động trong một giờ làm ra được giá trị sản phẩm là 1000 đồng. Đến giờ thứ hai trở đi, trên cơ sở sức lao động đã bỏ ra ở giờ thứ nhất, người lao động đó sẽ làm ra được 1100 đồng. Số tiền chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư sức lao động.
Học thuyết giá trị thặng dư là phát minh quan trọng thứ hai sau biện luận duy vật lịch sử của Marx. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.
Trong học thuyết này Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Bởi tất cả giá trị được tạo thành trong quá trình biến đổi thông qua sản xuất hàng hóa là do lao động (theo Thuyết giá trị về lao động), mà chủ yếu là lao động của người làm thuê, nên giá trị thặng dư ΔT cũng là giá trị do lao động kết tinh. Tuy nhiên, giá trị này không được chia đều cho những người trực tiếp làm ra nó, mà thuộc quyền sở hữu của chủ tư bản.
Khác với công thức H-T-H (hàng hóa-tiền-hàng hóa) phản ánh chức năng trung gian của tiền trong trao đổi, công thức T-H-T’ phản ánh sự luân chuyển và tự phát triển của tư bản. Tư bản dưới dạng tiền trở thành một chủ thể tự thân, đối lập với sức lao động, bóc lột sức lao động để nuôi lớn mình lên. Marx chỉ ra rằng đó là quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Theo công thức đã dẫn thì tư bản có khả năng lớn lên vô giới hạn. Tuy nhiên Marx cũng chỉ ra giới hạn nhất định của phát triển tư bản do chi phối của quy luật lợi nhuận trung bình. Lợi nhuận trung bình xảy ra do sự cạnh tranh tư bản giữa các ngành kinh tế khác nhau. Mặc khác, do khả năng chi trả trong thị trường cho nhu cầu tiêu dùng là có hạn, nên điều đó cũng kìm hãm tốc độ vận động của tư bản.
Hình thức cao nhất của sự phát triển tư bản là cho vay lãi. Chủ nhân của tư bản vay lãi có cảm giác rằng tiền đẻ ra tiền và công thức vận động của tư bản biến thành T-T’.
Chuyển nội dung giữa mọi người:
Phần giới thiệu (trình bày) của tôi đến đây là hết,
Tiếp theo tôi xin giới thiệu bạn abc sẽ trình bày(báo cáo) cho chúng ta về 2 cặp phạm trù “cái chung và cái riêng-nguyên nhân và kết quả”, xin mời bạn.
Kết thúc:
Kính thưa các bạn vừa rồi là phần thuyết trình của nhóm chúng tôi, tuy chúng tôi đã cố gắn hết khả năng của mình nhưng nhận thức về nhiều mặt còn hạn chế, vì vậy trong quá trình thuyết trình còn nhiều thiếu sót, mong các bạn đóng góp thêm về nội dung cũng như cách trình bày để chúng tôi rút kinh nghiệm và hoàn thiện thêm nội dung của mình. Các bạn có thắt mắc hay nội dung gì cần giải thích thêm thì mọi người cứ hỏi nếu nằm trong khả năng thì nhóm tôi xin giải đáp nếu không được thì nhóm sẽ tổng hợp nội dung và sẽ đề nghị giáo viên bộ môn giải đáp dùm… xin cảm ơn!!!
su-35MB
ai thuyết trình phần này thì chia sẻ về mà học
bài mình làm dc 10đ đó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét