Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Sách hay (khoinguontrithucvn.wordpress.com)

PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI là quyển sách best-seller tại Mỹ của giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard. Sách bàn về vấn đề đạo đức dưới cái nhìn triết học. Tác giả đưa ra các vụ việc gây tranh cãi về vấn đề đạo đức để mổ xẻ dưới nhiều góc độ, theo quan điểm của các học thuyết triết học khác nhau, mỗi chương trình bày sâu về một học thuyết. Nhờ vậy, tư tưởng của Aristotle, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Robert Nozick, và John Rawl được trình bày với sự rõ ràng và gần gũi, mà theo New York Times là “hiếm khi được giải thích dễ hiểu đến như vậy”. 
Làm việc đúng
Mùa hè năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người chết và tổn thất 11 tỷ đô la mà còn gây ra một cuộc tranh luận về giá cắt cổ.
Một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá 2 đô la với giá 10 đô la. Do thiếu điện chạy tủ lạnh hay điều hòa vào giữa tháng tám, nhiều người chỉ còn cách móc hầu bao ra trả. Cây cối bị bão giật đổ dẫn đến nhu cầu cưa cây và sửa mái nhà tăng cao. Nhà thầu ra giá 23.000 đô la để dọn hai cây đổ ra khỏi mái nhà. Các cửa hàng bình thường bán máy phát điện nhỏ giá 250 đô la bây giờ hét giá 2.000 đô la. Một cụ bà bảy mươi bảy tuổi chạy bão với người chồng cao tuổi cùng cô con gái khuyết tật phải trả 160 đô la một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 đô la.
Nhiều người dân Florida đã tức giận vì giá tăng vọt. Tờ USA Today chạy tít “Kền kền sau bão”. Một cư dân, khi được báo giá 10.500 đô la để dọn một cây sập xuống mái nhà của mình, đã cho rằng thật là sai trái khi ai đó “cố trục lợi trên khó khăn và đau khổ của người khác”.
Chưởng lý bang Charlie Crist cũng đồng ý: “Tôi thật kinh ngạc vì mức độ tham lam trong suy nghĩ của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong cơn siêu bão”. Florida có luật chống giá cắt cổ và sau siêu bão, văn phòng chưởng lý bang nhận được hơn hai nghìn khiếu nại. Một số đã dẫn đến những vụ kiện thành công. Nhà trọ A Days Inn ở West Palm Beach đã phải trả 70.000 đô la tiền phạt và bồi thường cho việc tăng giá quá mức.
Nhưng ngay cả khi Crist bắt đầu thực thi luật chống giá cắt cổ, một số nhà kinh tế cho rằng pháp luật và sự phẫn nộ của công chúng đang bị hiểu sai. Thời Trung cổ, các nhà triết học và thần học tin rằng việc trao đổi hàng hóa phải được điều chỉnh bởi “giá chính đáng” – được xác định bởi truyền thống hoặc giá trị nội tại của đồ vật. Nhưng trong xã hội theo cơ chế thị trường, các nhà kinh tế thấy rằng giá cả được thiết lập bởi cung và cầu. Không tồn tại cái gọi là “giá chính đáng”.
Nhà kinh tế trường phái thị trường tự do Thomas Sowell gọi giá cắt cổ là “một cách diễn tả mãnh liệt về cảm xúc nhưng vô nghĩa về mặt kinh tế, hầu hết các nhà kinh tế không quan tâm đến bởi vì nó có vẻ quá rắc rối khi dính vào”. Trong bài báo đăng trên tờ Tampa Tribune, Sowell tìm cách giải thích “giá cắt cổ” giúp người dân Florida như thế nào. Ông viết “Giá cắt cổ là khi giá cao hơn nhiều so với mức giá mọi người quen thuộc”. Tuy nhiên, mức giá mà bạn quen trả không phải là thứ bất di bất dịch về mặt đạo đức. Chúng cũng chẳng đặc biệt hay hợp lý hơn các mức giá khác do hoàn cảnh thị trường tạo ra, gồm cả hoàn cảnh của cơn bão này.
Sowell lập luận việc tăng giá nước đá, nước đóng chai, chi phí sửa chữa mái nhà, máy phát điện, và giá thuê phòng trọ đem lại lợi ích là hạn chế người tiêu dùng sử dụng những thứ đó và tăng động cơ để các nhà cung cấp từ những nơi xa xôi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết nhất sau cơn bão. Nếu túi nước đá có giá 10 đô la khi dân Florida phải đối mặt với sự cố mất điện trong cái nắng tháng Tám thì các nhà sản xuất nước đá sẽ thấy thật bõ công sản xuất và vận chuyển thêm nước đá đến. Sowell giải thích mức giá này không bất công, đơn giản chúng chỉ phản ánh thỏa thuận giữa người mua và người bán về giá trị những thứ trao đổi.
Jeff Jacoby – nhà bình luận theo xu hướng kinh tế thị trường – sử dụng những lý lẽ tương tự chống lại luật giá cắt cổ khi viết trên tờ Boston Globe: “Không phải giá cắt cổ là mức giá thị trường phải gánh chịu. Chẳng có sự tham lam hay trắng trợn gì cả. Đó là cách phân bố hàng hóa và dịch vụ trong xã hội tự do”. Jacoby thừa nhận rằng “giá leo thang gây ra căm giận, đặc biệt khi cuộc sống mọi người bỗng rơi vào tình trạng khốn quẫn do cơn bão khủng khiếp gây ra”. Nhưng cơn giận dữ của công chúng chẳng thể biện minh cho việc can thiệp vào thị trường tự do. Bằng cách ưu đãi nhằm thúc đẩy các nhà cung cấp sản xuất thêm hàng hóa cần thiết, giá cắt cổ là “ưu nhiều hơn khuyết”. Kết luận của ông là: “Chỉ trích các nhà cung cấp [“kền kền”] cũng không đẩy nhanh được tốc độ phục hồi của Florida. Hãy để tinh thần kinh doanh của họ làm điều đó”.
Chưởng lý Crist (đảng viên Đảng Cộng hòa, sau được bầu làm thống đốc Florida) đã viết bài trên tờ Tampa bảo vệ luật chống giá cắt cổ: “Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền không thể lừng chừng để người dân phải trả giá trên trời khi họ phải bỏ của chạy lấy người hoặc tìm kiếm nhu yếu phẩm cho gia đình sau siêu bão”. Crist bác bỏ quan điểm coi mức giá “táng tận lương tâm” phản ánh sự trao đổi thật sự tự do: “Đây chẳng phải thị trường tự do bình thường nơi người mua tự do lựa chọn tham gia thị trường và gặp gỡ người bán, khi giá cả được thỏa thuận dựa trên quan hệ cung cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, người mua bị ép buộc, không có tự do. Họ bắt buộc phải mua những thứ thiết yếu như chỗ ở an toàn”.
Cuộc tranh luận về giá cắt cổ phát sinh sau siêu bão Charley đặt ra câu hỏi khó về đạo đức và pháp luật: Việc cho phép người bán hàng hóa và dịch vụ lợi dụng hoàn cảnh thiên tai để đưa ra bất cứ mức giá nào mà thị trường chấp nhận có sai không? Nếu sai, luật pháp nên xử lý vấn đề này như thế nào? Liệu chính quyền có nên ngăn chặn tình trạng giá cắt cổ, ngay cả khi làm vậy là can thiệp vào sự tự do lựa chọn thương vụ của người mua và kẻ bán?
Phúc lợi, tự do, và đạo đức
Các câu hỏi trên không chỉ đề cập đến cách con người đối xử với nhau, chúng còn liên quan đến pháp luật và cách tổ chức xã hội. Đó là những câu hỏi về công lý. Để trả lời, trước hết chúng ta phải khám phá ý nghĩa của công lý. Thật ra, chúng ta đã bắt đầu làm điều này. Nếu theo dõi cuộc tranh luận về giá cắt cổ, bạn sẽ nhận thấy các lập luận ủng hộ hay chống đối luật chống giá cắt cổ xoay quanh ba ý tưởng: tối đa hóa phúc lợi, tôn trọng tự do, và đề cao đạo đức. Mỗi ý tưởng chỉ ra một cách suy nghĩ về công lý khác nhau.
Lý lẽ chung ủng hộ thị trường tự do dựa trên hai yếu tố – phúc lợi và tự do. Thứ nhất, thị trường thúc đẩy phúc lợi của toàn xã hội bằng cách tạo ra động cơ để mọi người làm việc chăm chỉ, tạo ra hàng hóa mà người khác muốn (theo cách nói thông thường, chúng ta thường đánh đồng phúc lợi với sự giàu có về mặt kinh tế, mặc dù phúc lợi là một khái niệm rộng hơn, bao gồm cả yếu tố phi kinh tế là sự giàu có về mặt xã hội). Thứ hai, thị trường tôn trọng tự do cá nhân; thị trường không áp đặt một giá trị nhất định cho hàng hóa và dịch vụ mà để mọi người tự do lựa chọn giá trị trao đổi. Không ngạc nhiên, phe phản đối luật chống giá cắt cổ viện dẫn hai lý lẽ quen thuộc về thị trường tự do này.
Phe ủng hộ điều luật này phản ứng ra sao? Đầu tiên, họ lập luận rằng lợi ích của toàn thể xã hội không thể được đáp ứng bởi mức giá quá cao trong thời kỳ khó khăn. Ngay cả khi giá cao tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn, lợi ích này phải được cân nhắc trước nỗi khổ của những người không đủ khả năng trả mức giá cao như thế. Đối với người giàu, trả nhiều tiền cho xăng hoặc nhà trọ trong cơn bão có thể gây ra một ít phiền toái; nhưng đối với những người không giàu, giá cao như thế có thể gây ra nỗi khổ thực sự, có thể khiến họ ở lại nơi nguy hiểm chứ không thể chạy trốn đến nơi an toàn. Những người ủng hộ luật chống giá cắt cổ cho rằng bất kỳ tính toán nào cũng phải xét tới nỗi đau đớn và bất hạnh của nhóm người không đủ tiền trả cho những nhu cầu cơ bản trong trường hợp khẩn cấp.
Thứ hai, phe ủng hộ luật chống giá cắt cổ cho rằng trong điều kiện nhất định, thị trường tự do không thực sự tự do. Như Crist đã chỉ ra: “Người mua không có tự do mà bị cưỡng ép. Họ bắt buộc trả tiền cho nhu cầu thiết yếu như chỗ ở an toàn”. Nếu bạn cùng gia đình đang chạy bão, việc trả giá “cắt cổ” cho nhiên liệu hoặc nơi trú ẩn không thực sự là trao đổi tự nguyện. Điều này hơi giống tống tiền. Vì vậy, để xem liệu luật chống giá cắt cổ có công bằng hay không, chúng ta cần xét các đánh giá đối nghịch nhau về phúc lợi và tự do.
Nhưng chúng ta cũng cần phải cân nhắc một số lập luận khác. Đa số công chúng ủng hộ luật chống giá cắt cổ vì một điều gì đó có tính bản năng hơn là phúc lợi hoặc tự do. Mọi người bị lũ “kền kền” – những kẻ kiếm chác trên sự tuyệt vọng của người khác – xúc phạm và mong muốn chúng phải bị trừng phạt, chứ họ chẳng được lợi lộc gì. Tình cảm như vậy thường bị gạt đi vì bị xem là những xúc cảm cơ bản, không nên xen vào chính sách chung hoặc pháp luật. Như Jacoby viết, “Chỉ trích các nhà cung cấp [“kền kền”] cũng không đẩy nhanh được tốc độ phục hồi của Florida”.
Nhưng cơn phẫn nộ với những kẻ bán giá cắt cổ không chỉ là sự tức giận vô thức. Nó gợi lên một lập luận về mặt đạo đức rất đáng quan tâm. Phẫn nộ là cảm giác tức giận đặc biệt khi bạn tin rằng những kẻ đó nhận được điều chúng không xứng đáng được hưởng. Phẫn nộ là sự tức giận với điều bất công.
Crist đã chạm vào ngọn nguồn đạo đức của sự phẫn nộ khi ông mô tả “mức độ tham lam trong suy nghĩ của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong cơn siêu bão”. Ông không kết nối quan sát này với luật về giá cắt cổ một cách rõ ràng. Nhưng ẩn trong nhận xét của ông là điều gì đó giống lập luận sau đây, lập luận về đức tính:
Tham lam là tính xấu của loài người, đặc biệt khi nó khiến con người không quan tâm đến đau khổ của đồng loại. Không chỉ là tính xấu, tham lam còn đi ngược lại đạo đức công dân. Trong thời kỳ khốn khó, một xã hội tốt kéo mọi người lại gần nhau. Thay vì ra sức kiếm lợi, con người quan tâm đến nhau. Một xã hội mà ai cũng lợi dụng hàng xóm của mình để trục lợi lúc khó khăn không phải là xã hội tốt. Do đó quá tham lam là tính xấu mà xã hội tốt nên loại trừ nếu có thể. Luật chống giá cắt cổ không loại bỏ lòng tham, nhưng ít nhất hạn chế lòng tham thể hiện trắng trợn, và biểu hiện việc xã hội không chấp thuận nó.
Bằng cách trừng phạt chứ không ban thưởng cho hành vi tham lam, xã hội khẳng định đức tính hy sinh vì lợi ích chung. Việc ghi nhận sức mạnh của đạo đức trong lập luận về đức tính không có nghĩa là khăng khăng đạo đức luôn được đặt trước các tiêu chí khác. Bạn có thể kết luận trong một số trường hợp là một cộng đồng bị siêu bão ảnh hưởng có thể cho ác quỷ hưởng lợi – cho phép giá cắt cổ – với hy vọng thu hút một đội quân những người sửa mái nhà và các nhà thầu từ xa đến, thậm chí với cái mất về mặt đạo đức là không trừng phạt được lòng tham. Sửa chữa mái nhà trước và kết cấu xã hội sau. Tuy nhiên cần hết sức chú ý rằng, tranh luận quanh luật chống giá cắt cổ không chỉ đơn giản về phúc lợi và tự do mà còn là về đạo đức, về việc tu dưỡng thái độ, tính tình, phẩm chất của cá nhân – nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Một số người, kể cả những người ủng hộ luật chống giá cắt cổ, không hoàn toàn đồng tình với lập luận về đạo đức ấy vì lập luận này mang tính phán xét nhiều hơn lập luận về phúc lợi và tự do.
Việc xem xét liệu một chính sách có đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không liên quan đến việc đánh giá sở thích của người dân. Có thể giả định mọi người đều thích thu nhập tăng chứ không giảm, và không nên phán xét cách họ chi tiêu tiền của mình. Tương tự thế, để xem xét trong hoàn cảnh bị ép buộc liệu người dân thực sự có quyền tự do lựa chọn hay không không đòi hỏi phải đánh giá lựa chọn của họ. Câu hỏi đặt ra chỉ là liệu, hoặc ở mức độ nào, mọi người tự do hơn là bị cưỡng ép.
Ngược lại, lập luận đạo đức dựa trên phán xét rằng tham lam là tính xấu mà chính quyền nên ngăn chặn. Nhưng ai sẽ đánh giá điều gì là đạo đức và điều gì là xấu xa? Chẳng phải là công dân của các xã hội đa nguyên đều không đồng ý về những điều như vậy sao? Và phải chăng thật nguy hiểm khi áp đặt các phán xét đạo đức vào trong luật pháp? Khi đối mặt với những lo lắng như vậy, nhiều người cho rằng chính quyền nên trung lập trong vấn đề cái tốt và thói xấu, chính quyền không nên cố gắng cổ vũ thái độ tốt hay ngăn cản thái độ xấu.
Vì vậy, khi thăm dò phản ứng về giá cắt cổ, chúng ta thấy mình bị kẹt giữa hai hướng: Chúng ta bị tổn thương khi có những kẻ có được thứ chúng không xứng đáng được hưởng; chúng ta nghĩ lòng tham kiếm chác trên đau khổ của con người nên bị trừng phạt, chứ không phải là khen thưởng. Tuy nhiên chúng ta lo lắng khi phán xét về đạo đức được thể hiện trong luật.
Điểm khó xử này chỉ ra một trong những vấn đề lớn trong triết học chính trị: Một xã hội công bằng có nên tìm cách thúc đẩy đạo đức các công dân không? Hay pháp luật cần giữ vai trò trung lập giữa các quan niệm đạo đức đối nghịch nhau, để công dân tự do lựa chọn cho mình lối sống tốt nhất?
Theo các lý lẽ trong sách giáo khoa, vấn đề này chia rẽ tư tưởng chính trị cổ đại và hiện đại. Ở một khía cạnh quan trọng, sách đúng. Aristotle viết rằng công lý có nghĩa là cho mọi người những gì họ xứng đáng có được. Và để xác định xem ai xứng đáng với cái gì, chúng ta phải xác định những đức tính nào có giá trị về mặt đạo đức và xứng đáng được tán dương. Aristotle cho rằng chúng ta không thể xác định đâu là một thể chế công bằng nếu không phản ánh được ngay từ đầu cách sống đáng ao ước nhất. Với ông, pháp luật không thể trung lập với vấn đề cách sống tốt đẹp.
Ngược lại, các triết gia chính trị hiện đại – từ Immanuel Kant thế kỷ thứ 19 đến John Rawls thế kỷ 20 – lại cho rằng các nguyên tắc công lý nhằm xác lập quyền của chúng ta không nên dựa trên bất kỳ quan niệm cụ thể nào về đạo đức, về lối sống nào là tốt nhất. Thay vào đó, xã hội công bằng tôn trọng quyền tự do lựa chọn quan điểm sống của bất kỳ công dân nào.
Vì vậy, bạn có thể nói các học thuyết công lý cổ đại bắt đầu bằng đạo đức, còn các lý thuyết hiện đại bắt đầu bằng tự do. Và trong những chương tới, chúng ta khám phá ưu nhược điểm của các lý thuyết này.
Nhưng ngay từ đầu nên nhận thấy là tương phản này có thể làm chúng ta lạc lối. Vì nếu chúng ta xem xét các lập luận về công lý trong các vấn đề chính trị đương đại – các lập luận từ những người bình thường chứ không phải từ các triết gia – chúng ta sẽ thấy một bức tranh phức tạp hơn.
Đúng là hầu hết các lập luận của chúng ta đều liên quan đến việc thúc đẩy sự thịnh vượng và tôn trọng tự do cá nhân, ít nhất là ở bề ngoài. Nhưng bên dưới những lập luận này, và đôi khi xung đột với chúng, chúng ta thường xuyên nhìn thấy một hệ thống niềm tin rất khác – về những đức tính nào đáng được tôn vinh và tưởng thưởng, và lối sống nào một xã hội tốt đẹp nên khuyến khích.
Mặc dù coi thịnh vượng và tự do là quan trọng nhất, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn các phán xét về công lý. Niềm tin rằng công lý liên quan đến đạo đức đã ăn sâu. Khi nghĩ về công lý dường như ta không thể không nghĩ về cách sống tốt nhất.
Thương tích nào xứng đáng với huân chương Tử tâm?
Trong một số tình huống, vấn đề đức tính và tôn vinh đã quá rõ ràng không thể phủ định được. Hãy xét cuộc tranh luận gần đây về việc ai đủ điều kiện nhận huân chương Tử tâm (Purple Heart). Từ năm 1932, quân đội Hoa Kỳ trao tặng huân chương này cho binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng trong chiến trận. Bên cạnh sự tôn vinh, người nhận huân chương được ưu đãi đặc biệt tại bệnh viện cựu chiến binh.
Kể từ đầu cuộc chiến hiện nay ở Iraq và Afghanistan, ngày càng nhiều cựu chiến binh bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn do stress hậu sang chấn (post-traumatic stress disorder) và được điều trị bệnh trạng này. Triệu chứng là ác mộng định kỳ, trầm cảm nặng và tự tử. Ít nhất ba trăm ngàn cựu chiến binh được báo cáo bị chấn thương tâm lý hoặc trầm cảm nặng. Một số người ủng hộ đề xuất rằng các cựu chiến binh này cũng nên được nhận huân chương Tử tâm. Lý do là chấn thương tâm lý cũng gây suy nhược như những vết thương trên thân thể, nên những binh sĩ chịu tổn thương kiểu này phải được nhận huân chương.
Sau khi vấn đề được Ủy ban Tư vấn nghiên cứu, năm 2009, Lầu Năm góc công bố rằng huân chương Tử tâm sẽ chỉ dành cho binh sĩ bị thương. Cựu binh bị rối loạn tâm thần và chấn thương tâm lý không đủ tiêu chuẩn, mặc dù họ hội đủ điều kiện được miễn phí điều trị y tế và nhận hỗ trợ tàn tật từ chính quyền. Lầu Năm góc đưa ra hai lý do: rối loạn do stress hậu sang chấn không phải do hành động cố ý từ phía quân địch, và triệu chứng khó chẩn đoán một cách khách quan.
Quyết định của Lầu Năm góc có đúng không? Lý do không thật thuyết phục – chính họ cũng cho như vậy. Trong chiến tranh Iraq, một trong những thương tích phổ biến nhất khiến binh sĩ được nhận huân chương Tử tâm là thủng màng nhĩ, xảy ra do nổ ở gần. Nhưng không giống như trúng bom đạn, tiếng nổ không phải là chiến thuật có chủ ý của đối phương nhằm gây tổn thất. Kiểu bị thương này (giống như stress hậu sang chấn) là hậu quả phụ của các hoạt động chiến trường. Và mặc dù các rối loạn tâm lý khó chẩn đoán hơn gãy chân tay, nhưng thương tổn do chúng gây ra có thể để lại hậu quả nặng nề và lâu dài hơn.
Khi cuộc tranh luận về huân chương Tử tâm lan rộng, người ta thấy vấn đề thực sự nằm ở ý nghĩa của huân chương và đức tính nào mà huân chương tôn vinh. Không giống các huân chương quân sự khác, huân chương Tử tâm tôn vinh sự hy sinh, chứ không phải lòng dũng cảm. Nó không yêu cầu phải có hành động anh hùng, mà chỉ cần vết thương do quân địch gây ra. Vấn đề là nên xem xét loại vết thương nào.
Một nhóm cựu chiến binh có tên Huân chương quân công Tử Tâm phản đối việc trao huân chương cho chấn thương tâm lý, họ cho rằng điều này “làm giảm giá trị” của danh dự cao quý này. Phát ngôn viên của nhóm nói rằng “đổ máu” phải là yếu tố cốt lõi. Ông không giải thích lý do tại sao không nên xét thương tích không đổ máu.
Nhưng cựu đại úy thủy quân lục chiến Tyler E. Boudreau – người ủng hộ việc nên tặng huân chương cho các chấn thương tâm lý – đã có một phân tích thuyết phục cho cuộc tranh luận này. Ông quy tội phe đối lập là có thái độ coi căng thẳng tâm lý thể hiện sự yếu đuối – một thái độ thâm căn cố đế trong quân đội. “Chính nền văn hóa đòi hỏi tính cách cứng rắn cũng khuyến khích mọi người nghi ngờ rằng bạo lực chiến tranh có thể làm tổn hại những bản lĩnh mạnh mẽ nhất… Đáng buồn thay, chừng nào văn hóa quân đội của chúng ta còn coi thường – dù kín đáo – những vết thương tâm lý trong chiến tranh, thì không chắc những thương binh đó sẽ được nhận huân chương Tử Tâm”.
Vì vậy, cuộc tranh luận về huân chương Tử tâm không chỉ là tranh cãi mang tính y tế quanh cách làm thế nào để xác định tính xác thực của thương tích. Trung tâm của bất đồng là quan niệm đối nghịch về đạo đức cá nhân và lòng dũng cảm trong chiến tranh. Những người khăng khăng chỉ nên công nhận vết thương đổ máu tin rằng chấn thương tâm lý thể hiện tính cách yếu đuối, không xứng đáng được tôn vinh. Những người tin rằng chấn thương tâm lý cũng đạt yêu cầu lập luận rằng các cựu chiến binh chịu chấn thương dai dẳng và trầm cảm nặng cũng đã hy sinh vì tổ quốc của họ, và hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như những binh sĩ bị cụt chân tay.
Cuộc tranh luận quanh vấn đề huân chương Tử tâm minh họa logic về mặt đạo đức trong học thuyết công lý của Aristotle. Chúng ta không thể xác định xem ai xứng đáng được nhận huân chương nếu không hỏi huân chương tôn vinh giá trị gì. Và để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đánh giá những quan niệm đối lập về tính cách và sự hy sinh.
Có thể lập luận huân chương quân công là trường hợp đặc biệt, có nguồn gốc từ đạo lý về danh dự và phẩm giá của thời cổ đại. Bây giờ, hầu hết các lập luận về công lý của chúng ta nói về cách thức phân phối của cải, hay những gánh nặng của thời kỳ khó khăn, và làm thế nào để xác định các quyền công dân cơ bản. Ở khía cạnh này, yếu tố phúc lợi và tự do chiếm ưu thế. Nhưng lập luận về cái đúng và cái sai của các lý lẽ kinh tế thường dẫn chúng ta quay trở lại câu hỏi về mặt đạo đức của Aristotle: con người xứng đáng với điều gì, và lý do tại sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét