Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

KHUYẾN HỌC - PHẦN IX: MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VẤN LÀ GÌ?

PHẦN IX: MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VẤN LÀ GÌ? 

Nếu khảo sát cụ thể các hoạt động ở mỗi con người thì sự hoạt động đó có thể chia thành hai loại như sau:
- Thứ nhất là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập.
- Thứ hai là hoạt động với tư cách của một thành viện trong xã hội con người.
Có những người cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến:
Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.
Mọi sự vật trong thế giới tự nhiên xung quanh ta, không có vật nào lại không có ích cho con người. Một hạt giống gieo xuống có thể cho ra cả hai ba trăm quả. Cây cối, tự mọc trong rừng sâu. Gió, làm quay cối xay. Biển, tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Con người vào rừng đào hầm lò lấy than; ra sông xuống biển lấy nước; nhờ biết lợi dụng sức nước, sức lửa mà chế tạo ra tàu hỏa, tàu thủy chạy bằng hơi nước. Không sao kể xiết những ích lợi tuyệt vời của thế giới tự nhiên bao la.
Con người nhận được ơn huệ từ thế giới tự nhiên, tác động thêm một chút vào nó, tạo ra nguồn lợi cho chính mình. Chỉ cần thêm một phần trăm công sức vào những thứ sẵn có trong tự nhiên là con người đã có thể có được cái ăn, cái mặc và chỗ ở của mình. Điều này giống như nhặt được của do người khác vứt trên đường vậy. Tức là, tự bản thân con người chẳng phải khó nhọc gì cho lắm, vẫn kiếm sống được. Mà đã thế thì không có gì đáng để tự phụ.
Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng... tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.
Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.
Tôi lấy một ví dụ để mọi người cùng thấy.
Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu.
Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí.
Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo. Sẽ nhầm lẫn nếu dư luận xã hội đánh giá nhân vật này như tôi viết ở trên. Thực ra, anh ta chỉ lập lại những gì mà loài kiến đã và đang làm không hơn không kém. Tôi thừa nhận rằng không phải tự nhiên mà anh ta có được cuộc sống ổn định, có được căn nhà riêng. Anh ta đã phải nỗ lực và vất vả lắm mới có được như vậy. Vả lại, tự anh ta tạo ra cho mình và đình mình cuộc sống độc lập chứ có dựa dẫm vào ai đâu. Ở điểm này thì anh ta hoàn toàn không phải hổ thẹn trước lời dạy của người xưa.
Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người – với tư cách là chúa tể của muôn loài – mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.
Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lồng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị tấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.
Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống.
Người châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không khác gì khi mới có loài người”.
Thỏa mãn, toại nguyện có nhiều kiểu. Vì thế cần phải phân biệt và lưu ý về sự khác biệt đó. Lòng tham của con người giống như cái thùng không đáy, được cái này lại muốn ngay cái khác, vừa mãn nguyện đất nhưng lại bất mãn ngay. Đó là dục vọng, là dã tâm. Phải biết chế ngự chúng.
Như tôi đã nói ở trên, những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không hướng tới mục đích cơ bản của con người, chỉ có thể gọi là lũ lười biếng ngu đần không khác gì loài sâu bọ có hại.
Học tập, làm việc vì xã hội:
Thứ hai, đặc tính của con người ta là luôn có khuynh hướng tập hợp lại thành nhóm, thành hội và thường né tránh các “bước tiến” với những nỗ lực đơn độc, lẻ loi. Con người ta cảm thấy nếu chỉ có các mối liên hệ hẹp giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái thôi thì không đủ. Ngược lại càng mở rộng được mối quan hệ với người ngoài thì con người lại cảm thấy tự tin, chắc chắn là yên ổn. Nhờ các mối liên kết với người ngoài đã tạo ra quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, và cả lý do để hình thành xã hội nữa.
Một khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với mọi người thì bản thân mỗi con người vẫn còn là một thành viên trong xã hội. Cho nên lẽ đương nhiên là phải có nghĩa vụ với xã hội. Ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp... không có cái nào là không cần thiết để cho con người sống trong xã hội, tất cả những thứ này sinh ra là vì xã hội con người.
Luật pháp mà chính phủ thực thì là để bảo vệ quyền cơ bản của con người, để mối quan hệ giữa con người với con người diễn ra trôi chảy. Các học giả viết sách, giáo dục con người cũng để xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nâng cao tri thức, đưa những cái mới vào cuộc sống, nhằm làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Người Trung Hoa xưa có câu: “Cai trị thiên hạ cũng giống như việc biết chia đều, chia công bằng miếng thịt cho mọi người ở chốn hội hè vậy”. Và họ còn có câu “Hãy dọn sạch cỏ ở vườn thiên hạ trước rồi mới dọn cỏ trong sân nhà mình”. Cả hai câu nói đều thể hiện ý chí mong muốn làm cái gì đấy có ích cho xã hội trước khi nghĩ tới mình.
Con người ta, bất kỳ ai, hễ có chút ít “sở trường” là đều muốn đem ra giúp ích cho đời. Đó âu cũng là lẽ thường. Nhiều khi tưởng chừng như con người không có ý thức vì xã hội, nhưng rồi không biết bằng cách nào mà con cháu họ vẫn nhận được ơn huệ. Đó là vì trong con người có thiện tâm, nên các nghĩa vụ trong xã hội rồi cũng đều được thực hiện.
Nếu trong xã hội từ xa xưa mà không có những con người như vậy thì chúng ta ngày nay đâu có được hưởng thành quả của văn minh đang tràn đầy khắp nơi trên thế gian.
Được thừa hưởng “di sản vĩ đại” mà không biết tạ ơn ai:
Tài sản nhận từ tổ tiên được gọi là di sản. Thế nhưng, cái di sản, mà không khéo thì chỉ vung tay một vài đời là tiêu tán sạch sẽ chẳng còn lại chút dấu vết gì.
Di sản của nền văn minh thì hoàn toàn ngược lại.
Cứ tạm coi toàn bộ tổ tiên của chúng ta là một người cụ thể thì di sản đã được người đó để lại cho hết thảy mọi người. Di sản này cực kỳ to lớn, đến mức nhà cửa, đất đai, gia tài cũng không thể so sánh được. Trước ơn huệ đó, chúng ta dù có muốn cũng không sao tìm thấy ai ở đâu để mà cảm tạ. Nó cũng giống như việc con người đã không phải trả một đồng bạc nào để có được ánh sáng và không khí, những thứ không thể thiếu cho sự sống của chúng ta. Di san này rất cao quý và không phải từ một con người cụ thể nào để lại cho chúng ta. Mà chúng ta chỉ có thể nói rằng đó là ơn huệ, do công đức người xưa để lại.
Phải vất vả lắm nhân loại mới có được lịch sử của mình. Ở thủa còn chập chững của lịch sử nhân loại – là thời kỳ mà trí tuệ con người chưa phát triển đầy đủ - trí tuệ của con người chỉ giống như đứa trẻ sơ sinh mới chào đời, chưa được thừa nhận.
Tôi lấy ví dụ việc giã lúa mạch thành bột để minh họa.
Thủa sơ khai, loài người chỉ biết lấy cục đá có sẵn trong thiên nhiên giã nát hạt lúa mạch. Thế rồi, trải qua biết bao khó nhọc, công phu, người ta đã biết đục đẽo đá thành phiến, rồi tạo thành hai khối tròn, phẳng, làm ra cái cối xay bột. Lúc ban đầu, con người dùng sức mình để quay cối xay. Theo thời gian, hình dáng cái cối xay cũng được cải tiến. Có người còn biết lợi dụng sức nước, sức gió thay cho sức người để xay bột. Ngoài ra có người còn dùng cả tới máy móc chạy bằng hơi nước nữa. Cứ như vậy, việc xay bột trở nên dễ dàng, tiện dụng như ngày nay.
Mọi sự vật càng ngày càng tiến bộ. Đà phát triển của kỹ thuật diễn ra từng ngày. Mới hôm qua, có cái còn được xem như là phát minh rất tiện lợi thì hôm sau đã trở thành lạc hậu, lỗi thời. Những tiến bộ của nền văn minh phương Tây nhanh tới chóng mặt. Kỹ thuật điện tín, máy hơi nước, kỹ thuật ấn loát... theo nhau ra đời, ngày càng được cải tiến và hoàn thiện.
Mà không chỉ riêng lãnh vực kỹ thuật với những cỗ máy tân kỳ, tri thức của con người càng sâu thì mối giao tiếp giữa họ lại càng rộng. Sự giao tiếp càng rộng thì lòng người cũng cởi mở hơn, bao dung hơn và độ lượng hơn.
Và trên thế giới, nếu công pháp quốc tế được phổ cập rộng rãi và có hiệu lực thì các mưu mô gieo rắc chiến tranh cũng sẽ tự biến mất. Những tranh luận trong lãnh vực học thuật càng sâu rộng thì thể chế chính trị và kinh tế cũng sẽ thay đổi. Chế độc giáo dục và nhà trường, việc in ấn và phát hành, hình thức của sách, báo, tạp chí, phương châm của chính phủ, quyết sách tại nghị viện... tất cả đều được cải cách, trình độ tiêu chuẩn được nâng cao. Những tiến bộ đó không thể kể hết ra đây.
Để kiểm nghiệm, các bạn hãy cùng tôi giở thử cuốn ‘Lịch sử phát triển của phương Tây” ra xem. Nào hãy đọc thử giai đoạn từ khi bắt đầu của nhân loại đến thế kỷ 17. Sau giai đoạn đó chúng ta hãy bỏ qua hai trăm năm kế tiếp, lật ngay tới những trang viết về thế kỷ 19. Tôi đồ rằng không một ai trong chúng ta mà không cảm thấy kinh ngạc trước sự phát triển chóng mặt của tiến bộ và văn minh. Và tôi cũng tin chắc là không ít người phải thốt lên một cách ngỡ ngàng “Tiến bộ của nền văn minh là thực hay mơ?”.
Vậy nguyên nhân của các tiến bộ đó là gì? Đó chính là di sản của biết bao thế hệ đi trước. Đó chính là ơn huệ của những người đã khuất để lại cho chúng ta.
Nền văn minh của Nhật Bản, vốn dĩ có nguồn gốc từ Triều Tiên, Trung Hoa. Nền văn minh của chúng ta là thành quả, là sự đúc kết của tổ tiên và truyền lại tới tận bây giờ. Nhất là ngàng “Tây học”, đã được du nhập vào nước ta từ những năm 1751 – 1764. Các bạn hãy giở cuốn “Nhập môn Hà Lan học” ra coi sẽ rõ.
Những năm qua, từ khi Nhật Bản mở cửa giao thương bới quốc tế thì học vấn, tư tưởng phương Tây dần dần được mọi người biết đên, và những người theo học ngành “Tây học”, những dịch giả sách phương Tây ngày một tăng.
Nhờ thế, cách suy nghĩ trong xã hội cũng có nhiều chuyển biến, chính phủ cũng đã thay đổi, chế độ phong kiến chuyên chế Mạc phủ bị xóa bỏ và thời thế trở nên như hiện nay.
Công cuộc khai hóa văn minh bắt đầu mở ra trên đất nước ta cũng nhờ vào di sản, công đức do các bậc tổ tiên để lại.
Đừng để mai một tài năng:
Như tôi đã nói ở trên, từ xa xưa có biết bao nhân tài lao tâm khổ tứ, đem hết sức mình cho sự phát triển của xã hội. Trong tâm khảm của họ, tiền bạc, công danh không phải là mục đích, là lẽ sống duy nhất. Họ coi trọng nghĩa vụ của con người với xã hội. Họ mang trong lòng lý tưởng to lớn và ngày đêm nỗ lực thực hiện hoài bão đó.
Hiện nay, các bạn – những người đang cố gắng học hành – tất cả đều đang thừa hưởng di sản của tổ tiên, của những người đi trước. Hơn nữa, các bạn đang đứng trên tuyến đầu của sự tiến bộ nên lại càng phải gắng sức cho sự phát triển của nền văn minh. Vì lẽ đó, các bạn hãy tự nhủ rằng sự phấn đấu có nhiều mấy đi nữa cũng sẽ vẫn luôn chưa đủ.
Mất chục năm sau, chúng ta cũng muốn nhận được lòng biết ơn của những người đời sau, giống như lòng biết ơn mà chúng ta hiện đang dành cho các bậc tiền bối.
Nói tóm lại, trách nhiệm của chúng ta là phải để lại một cách sống động dấu tích của các hoạt động xã hội, phải tiếp tục truyền bá nó cho muôn đời sau.
Trách nhiệm này thật nặng nề. Không hề đơn giản là đọc vài chục cuốn sách lý thuyết, trở thành thương nhân, trở thành quan chức, trở thành thợ, có đủ tiền nuôi được gia đình con cái, thế là xong. Như thế thì mới chỉ dừng lại ở chỗ không làm ảnh hưởng đến người khác, chứ không mở ra, không đem lại con đường làm thế nào để sống có ích cho xã hội, cho con người.
Khi làm bất cứ việc gì, bao giờ cũng có một vấn đề rất quan trọng. Đó là thời cơ. Nếu không gặp thời thì người tài giỏi đến mấy cũng không thể phát huy được khả năng. Từ cổ kim đông tây, không út ví dụ chứng tỏ điều đó. Ngay tại Nakatsu quê hương tôi cũng có không ít những nhân tài. Đứng trên góc độc của nền văn minh hiện nay mà đánh giá thì có nhiều điều trong hành động và phát ngôn của họ khiến chúng ta phải đặt thành vấn đề. Nhưng thời đại lúc đó buộc họ phải hành động như vậy chứ bản thân họ không có lỗi. Ở họ tràn trề dũng khí trong hành động. Nhưng tiếc vì họ không gặp thời. Kết cục là cuộc đời họ chấm hết cùng với tài năng vô ích. Họ đường đầu với đời nhưng không thể cống hiến được gì cho xã hội. Tiếc thay!
Nhưng, hiện nay thời đại đã đổi khác. Nền học vấn và tư tường của phương Tây phổ biến khắp mọi nơi. Chính quyền cũ đã bị lật đổ, chế độ phong kiến Mạc phủ đã tan rã. Những biến đổi trong xã hội, không đơn giản là kết quả của cuộc nội chiến duy tân mang lại. Sức mạnh của nền văn minh không phụ thuộc và một vài cuộc chiến tranh. Và càng không phải do một hoặc vài cuộc chiến tranh dã mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nền văn minh. Mà phải thấy rằng, chính sức mạnh vốn có của nền văn minh đã làm thay đổi nhận thức trong con người và nhờ đó mới có những biến đổi trong xã hội như hiện nay. Cuộc chiến tranh năm Canh Thìn (*) mới kết thúc cách đây bảy năm đã không còn sót lại bất kỳ vết tích nào nữa. Vậy mà ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục tác động lên nhận thức của người Nhật Bản chúng ta..
Đối với những vật thể bất động, hoàn toàn không có biện pháp nào để dẫn dắt cho chúng. Nhưng con người thì khác, con người vẫn đang hoạt động hàng ngày.
Để trở thành người dẫn đường chỉ lối, để đưa tinh thần của mọi người trong xã hội lên tầm cao hơn, để dạy được những điều hay trong học vấn cho mọi người, thì hơn hết thảy mọi việc nào khác, trước hết các bạn phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập.
Cơ hội tuyệt vời cho việc học tập chính là lúc này.
Tháng 5 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)
__________________________________
Chú thích:
(*) Chiến tranh năm Canh Thìn: Nổ ra năm 1868 (năm Minh Trị thứ nhất). Kết thúc năm 1869 (năm Minh Trị thứ 2). Kéo dài một năm năm tháng. Ngay sau khi chính phủ mới Minh Trị vừa ra đời, các thế lực còn sót lại của chính quyền phong kiến Mạc phủ, do mất hết quyền lợi, đã tập hợp lại dấy binh đánh quân đội chính phủ. Cuộc chiến tranh đã kết thúc với thằng lợi thuộc về quân chính phủ mới, đồng thời chấm dứt hoàn toàn 265 năm chính quyền phong kiến Mạc phủ cai trị Nhật Bản. Chính phủ mới đã thông nhất và mở ra một chương mới trong lịch sử Nhật Bản với công cuộc Minh Trị Duy tân, hiện đại hóa Nhật Bản.

Khuyến học
Khuyến học - Phần IX: Mục đích của học vấn là gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét