Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Vai Trò của Tự Do Báo Chí

Vai Trò của Tự Do Báo Chí
John W. Johnson
"Khi người ta nhận ra rằng thời gian đã làm đảo lộn nhiều niềm tin mà vì nó họ đã từng tận tình tranh đấu, thì lúc đó họ sẽ tin rằng . . . điều tốt đẹp tối hậu mà họ mong muốn có lẽ chỉ có thể đạt được một cách tốt hơn bằng sự tự do trao đổi tư tưởng; và sự thử thách tốt nhất của sự thật chính là sức mạnh của tư tưởng đã được chấp nhận sau khi trải qua một cuộc gạn lọc với các tư tưởng khác trên thị trường [tư tưởng]. . . Dù sao thì quan điểm đó cũng là lý thuyết cho Hiến pháp của chúng ta. Nó chỉ là một cuộc thí nghiệm vì chính cả cuộc sống cũng chỉ là một thí nghiệm."
Thẩm phán toà Tối cao Hoa kỳ
Oliver Wendell Holmes (1919)
Một xã hội muốn được coi là thực sự dân chủ thì phải có một hệ thống bảo vệ rất cao cho việc trình bày tư tưởng một cách rộng rãi qua các phương tiện như nhật báo, tạp chí, sách vở, tập sách nhỏ, phim ảnh, truyền hình hay liên mạng như trong thời gian gần đây. Kinh nghiệm của Hoa kỳ trong hơn hai thế kỷ cho ta một thí dụ rõ ràng về nỗ lực của một quốc gia trong việc ấn định các nguyên tắc cho quyền tự do phát biểu. Lẽ dĩ nhiên những kinh nghiệm này mang những nét đặc thù của văn hóa và lịch sử của Hoa kỳ, nhưng các kinh nghiệm đó cũng cho thấy những nguyên tắc tổng quát có thể áp dụng cho các xã hội dân chủ khác.
Hiến pháp Hoa kỳ, nền tảng của hệ thống chính quyền Mỹ, chắc sẽ không được 13 tiểu bang sáng lập liên bang phê chuẩn năm 1791 nếu không có 10 điều tu chính, gọi là Đạo luật về Dân quyền, nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân. Không phải là một điều ngẫu nhiên mà quyền tự do phát biểu của báo chí đã đứng hàng đầu trong số các khoản tu chính này. Một phần trong khoản Tu chính Thứ nhất được viết như sau: "Quốc hội sẽ không được đưa ra một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí." Đối với các nhà Lập quốc, tức là những người soạn thảo Hiến pháp và Đạo luật về Dân quyền, những tài liệu in - thường là nhật báo và tập sách nhỏ - lúc đó là các phương tiện truyền thông. Vì vậy trong khoản Tu chính Thứ nhất đã dùng từ "press" (máy in). Trong suốt lịch sử Hoa kỳ, tự do ngôn luận và báo chí, vì đã được đề cập tới cùng với nhau trong khoản Tu chính Thứ nhất, đã luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau trong tâm trí của công chúng cũng như của các thẩm phán khi phải xét xử những vụ liên hệ tới vấn đề phổ biến các điều phát biểu.
Có lẽ cách hay nhất để nhận rõ được sự tiến hóa và phức tạp của vai trò của tự do báo chí tại Hoa kỳ là bằng cách khảo sát sự phát triển lịch sử của quan niệm này qua các phán quyết của các tòa án Mỹ. Tuy khoản Tu chính Thứ nhất bảo đảm rất nhiều quyền tự do báo chí, nhưng chính nền tư pháp Hoa kỳ mới là hệ thống định rõ một cách chính xác quan niệm đó có ý nghĩa như thế nào trên thực tế. Chính các toà án đã đưa cái ý tưởng bắt nguồn từ thông luật của nước Anh trong thế kỷ 18 để áp dụng và bảo vệ quyền đó chống lại các thế lực trong xã hội Mỹ, khi các thế lực này này cảm thấy khó chịu vì báo chí có quá nhiều tự do.
Vụ xử Zenger và tội phỉ báng có tính cách phản loạn
Vụ xử John Peter Zenger, chủ bút của một tờ nhật báo tại New York, năm 1734 là một thí dụ cho thấy quan niệm khái quát về tự do báo chí tại các thuộc địa Bắc Mỹ của nước Anh vào thời đó không giống bây giờ. Chính quyền thuộc địa tại New York khép Zenger vào tội phỉ báng có tính cách phản loạn vì đã cho in một bài đả kích kịch liệt toàn quyền đại diện cho hoàng gia tại thuộc địa. Từ điển luật pháp của Black định nghĩa phỉ báng là văn bản "có khuynh hướng làm cho người khác bị công chúng thù ghét, sỉ nhục, ... khinh bỉ, nhạo báng ... hay coi thường..." Một trong những điều nêu ra trên báo của ông Zenger là vị toàn quyền đã lập ra các tòa án mà không có sự thỏa thuận của viện lập pháp và đã độc đoán quyết định không cho các người dân thuộc địa được hưởng quyền xét xử bằng bồi thẩm đoàn.[1] Qua luật sư đại diện, Zenger không phủ nhận là bài báo đã đăng những điều khiến toà truy tố. Ông ta chỉ khẳng định là ông có quyền đăng các lời chỉ trích viên chức chính quyền dù lời chỉ trích đó có khiến cho viên chức bị chê cười, miễn là lời chỉ trích đó đúng sự thật. Trong một phán quyết có tính cách quyết định quan trọng, bồi thẩm đoàn đã tha bổng ông Zenger và do đó đã đưa ra nguyên tắc là sự thật là một yếu tố biện hộ cho các truy tố về tội phỉ báng. Nhưng lời phán quyết của bồi thẩm đoàn trong trường hợp này không làm thay đổi nguyên tắc pháp lý của nước Anh đã được nhà luật học nổi tiếng William Blackstone phát biểu một cách mạnh mẽ rằng "những điều có tính cách ác ý" là một tội có thể bị trừng phạt.
Năm 1798, sợ rằng các tư tưởng cực đoan của cuộc cách mạnh Pháp có thể lan tràn qua Đại tây dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua bằng đa số phiếu Đạo luật Phản loạn quy định "việc viết, in, phát biểu hay phổ biến ... mọi văn bản sai sự thực, có tính cách xúc phạm hay ác ý" chống chính quyền đều là tội. Một số cá nhân và toà báo đã bị kết tội theo đạo luật này. Năm 1800, một chủ bút báo là James Thomson Callender, bị truy tố về tội phỉ báng có tính cách hình sự vì mô tả tổng thống John Adams "là tên đầu bạc hét ra lửa... có bàn tay đẫm máu." Callender, vốn đã là một người ít được ưa thích vì hay có những luận điệu được coi là có tính cách thô lỗ ngay cả trong cái thời đại lúc đó thường có những luận điệu đả kích chính trị khá mạnh, bị kết tội và bị tù nhiều năm. Về sau ông được Thomas Jefferson ân xá sau khi Jefferson lên chức tổng thống năm 1801.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét