Loài kiến và binh pháp
Duy Đoàn chuyển ngữ
Các trận đánh của loài kiến có thể tương đồng đến mức kinh ngạc với các chiến dịch quân sự của loài người.
Những kẻ tham chiến cuồng nộ hình thành một vệt mờ từ mọi phía, gần như không ai hiểu được mức độ bạo lực sẽ đến đâu, trận đánh trải dài vượt quá nhãn quan của tôi. Hàng chục ngàn con kiến càn quét lên trước chỉ chuyên tâm vào mục đích tự sát. Cống hiến hết mình cho nhiệm vụ, các chiến sĩ không bao giờ rút lui khỏi cuộc đối đầu – thậm chí khi đang đối diện với cái chết rõ ràng. Những cuộc giao chiến diễn ra ngắn ngủi và bạo tàn. Đột nhiên, ba tên lính bộ nắm lấy kẻ thù và giữ nó ở đó đến khi một trong những chiến binh to con hơn tiến lại và chẻ đôi cơ thể của kẻ bị bắt, để lại một mớ bầy hầy và rỉ máu.
Tôi cầm máy quay phim lùi lại, hít vào luồng không khí ẩm thấp của khu rừng nhiệt đới Malaysia, và tự nhắc mình rằng đối thủ là bọn kiến, chứ không phải con người. Tôi đã tốn hàng tháng trời thu thập tài liệu về việc chết chóc này bằng một cái máy quay phim thực địa mà tôi dùng như kính hiển vi, dù vậy tôi vẫn thấy là thật dễ dàng quên đi rằng tôi đang quan sát bọn côn trùng nhỏ bé này – trong trường hợp này là một chủng loài được biết với tên Pheidologeton diversus, bọn kiến cướp bóc (marauder ant).
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng những loài kiến (hay loài mối) nào đó đã hình thành nên các xã hội khắng khít với số thành viên lên đến hàng triệu và những loài côn trùng này hình thành nên các hành vi phức tạp. Những thông tục bao gồm quản lí giao thông, các chương trình về sức khoẻ cộng đồng, việc thuần hoá cây trồng và, có lẽ là gây tò mó nhất, là chiến tranh: cuộc chiến tập trung của nhóm này chống nhóm khác mà trong đó cả hai phía đều liều lĩnh để thực hiện những đợt phá huỷ trên qui mô lớn. Thật vậy, trong những lĩnh vực này và những thứ khác, loài người hiện đại chúng ta có mối tương đồng gần gũi với loài kiến hơn là giống loài họ hàng gần nhất với ta, loài khỉ hình người, là loài sống trong những xã hội nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ dạo gần đây, thì các nhà nghiên cứu mới bắt đầu đánh giá đúng các chiến lược chiến tranh của loài kiến phản chiếu giống với của loài người chúng ta gần đến mức nào.
Kinh hoàng và nể sợ
Điều gây kinh ngạc là tồn tại những đặc điểm tương đồng như thế trong chiến tranh mặc dù có sự khác biệt sâu sắc giữa loài kiến và loài người cả về sinh học lẫn cấu trúc xã hội. Những bầy kiến bao gồm hầu hết những con kiến cái vô sinh thực hiện chức năng như kiến thợ hay kiến lính, thỉnh thoảng một vài con đực có tuổi thọ ngắn giữ vai trò là drone [để giao phối với kiến chúa], và có một hay nhiều hơn một kiến chúa có khả năng sinh sản. Các thành viên vận hành mà không cần thang bậc quyền lực nào hoặc không cần có con nào làm lãnh đạo mãi mãi. Mặc dù kiến chúa là trung tâm của đời sống bầy kiến bởi vì nó sinh sản, nhưng nó không lãnh đạo đoàn quân hay tổ chức lao động. Thay vì vậy thì những bầy kiến theo dạng phi tập trung, với những con kiến thợ tự mỗi con biết rất ít về việc đưa ra quyết định trong các trận đánh, dù vậy lại tỏ ra hiệu quả khi chúng tập hợp thành nhóm – đó là quá trình được gọi là trí thông minh của bầy đàn [swarm intelligence]. Nhưng mặc dù loài kiến và loài người có lối sống tách bạch nhau, thì cả hai đều chiến đấu với kẻ thù cùng vì những nguyên nhân kinh tế, bao gồm đường vào những khu đất, những vùng lãnh thổ đã có người sinh sống, thức ăn, và thậm chí cả nhân lực lao động – một số loài kiến nào đó còn bắt đối thủ của chúng về làm nô lệ.
Những chiến thuật loài kiến dùng trong chiến tranh tuỳ thuộc vào những gì đang diễn ra. Một số loài kiến thành công trên chiến trường bằng việc thực hiện những đợt tấn công liên tục, làm ta gợi nhớ đến lời khẳng định của vị tướng Trung-hoa Tôn Tử trong cuốn sách thế kỉ thứ sáu trước Công nguyên, cuốn “Binh pháp,” rằng “tốc độ là điều cốt lõi của chiến tranh.” Trong số bọn kiến quân đội (army ants), có những loài sinh sống tại những vùng ấm áp trên khắp thế giới, và một số nhóm, như bọn kiến cướp bóc của châu Á, hàng trăm và thậm chí hàng triệu những con kiến cứ tiến công một cách mù quáng trong đội hình kiểu phalanx, tấn công con mồi và kẻ địch khi đi ngang qua chúng. Tại Ghana, tôi chứng kiến được cả một tấm thảm kiến thợ cuồng nộ, thuộc loài kiến đánh trận Dorylus nigricans đang cùng nhau lục soát trên một diện rộng 100 feet [304.8cm]. Những loài kiến quân đội châu Phi – mà trong đó có một số loài như D. nigricans di chuyển thành từng dải rộng được gọi là loài kiến driver (driver ants) – chúng xẻ thịt bằng cái hàm hình lưỡi kiếm và có thể triệt hạ những con có kích thước hơn chúng cả ngàn lần. Mặc dù những sinh vật có xương sống thường có thể tháo chạy khỏi lũ kiến, nhưng tại Gabon, tôi có một lần thấy cảnh một con linh dương bị mắc bẫy và bị bầy kiến driver ăn sống. Cả hai loài kiến quân đội và kiến cướp bóc đều khiến những con kiến kình địch của mình tránh khỏi thức ăn – một lượng quân lính hùng hậu đủ để đè bẹp bất kì đối thủ nào và sau đó thì khống chế phần cung cấp thức ăn của chúng. Nhưng bọn kiến quân đội hầu hết đều đi săn ồ ạt theo từng bầy và có mục tiêu hung hãn hơn, càn qua những nhóm kiến khác để chiếm giữ mấy con ấu trùng và nhộng làm thức ăn.
Đội hình tiến quân dạng phalanx của bọn kiến quân đội và kiến cướp bóc gợi nhớ về đội hình chiến đấu mà loài người đã dùng từ thời Sumer cổ đại cho đến những mặt trận của cuộc nội chiến Mĩ. Hành quân cùng nhau theo lối này, mà không có mục tiêu rõ rệt, như loài người thỉnh thoảng vẫn làm, sẽ khiến cho mọi cuộc đột kích trở thành một canh bạc: bọn kiến có thể tiến qua khu đất khô cằn và chẳng tìm thấy gì cả. Những loài kiến khác gửi đi một lượng nhỏ kiến thợ được gọi là quân trinh sát để tự mỗi con tìm kiếm thức ăn. Bằng cách trải rộng xuyên suốt một vùng rộng lớn hơn trong khi bầy kiến còn lại ở nhà, chúng sẽ tiếp cận được nhiều con mồi và nhiều kẻ thù hơn.
Tuy vậy, những bầy kiến dựa vào kiến trinh sát có thể giết ít quân thù hơn bởi vì kiến trinh sát phải quay trở về tổ và hợp thành đội quân chiến đấu – thường bằng cách nhả ra một chất hoá học gọi là pheromone để bọn kiến dự bị đi theo. Lúc mà kiến trinh sát tập hợp quân lính cho chiến trận, thì kẻ thù lẽ ra nên tái hợp hoặc rút lui. Trái lại, bọn kiến thợ của lũ kiến quân đội và kiến cướp bóc có thể ngay lập tức triệu tập bất kì sự giúp đỡ nào chúng cần bởi vì một binh đoàn hỗ trợ đang hành quân trực tiếp ngay phía sau. Kết quả là một sự kinh hoàng và nể sợ tột độ.
Cấp phát quân lính
Không chỉ số lượng lớn mới khiến bọn kiến quân đội và kiến cướp bóp trở nên nguy hiểm chết người đến vậy. Nghiên cứu của tôi về bọn kiến cướp bóc đã cho thấy rằng quân lính được triển khai theo cách có thể làm tăng tính hiệu quả và giảm thiểu việc trả giá đối với bầy kiến. Một con kiến được triển khai ra sao tuỳ vào kích cỡ con kiến cái. Bọn kiến thợ cướp bóc có kích cỡ khác nhau so với bọn kiến thợ của những loài kiến khác. Bọn kiến thợ nhỏ bé “cấp thấp” [minor] (bọn lính bộ theo mô tả ban đầu của tôi) di chuyển nhanh đến tiền tuyến – khu vực nguy hiểm hơn cả, là nơi tiếp cận trước hết những bầy kiến đánh trận hoặc con mồi. Một con kiến đơn lẻ không có cơ hội chống lại kẻ thù, cũng như một con vật trinh sát của một loài săn mồi đơn độc. Nhưng số lượng hùng hậu ở mặt trận tấn công đã tạo nên một hàng rào oai vệ. Mặc dù một số có thể chết khi đang trên đường tiến công, những bọn kiến cấp thấp này làm chậm đi hoặc làm thương tích kẻ thù cho đến khi những con kiến thợ to lớn hơn, được biết với chức danh cấp trung và cấp cao [media & major], đến và ban phát những cú huỷ diệt. Mấy con cấp trung và cấp cao có số lượng ít hơn nhiều so với những con cấp thấp nhưng chúng có khả năng sát thương cao hơn nhiều, với một số con nặng gấp 500 lần con cấp thấp.
Sự hi sinh của những con cấp thấp ở tiền tuyến đảm bảo tỉ lệ tử ở mức thấp đối với mấy con cấp trung và cấp cao, mấy con này tốn nhiều tài nguyên của bầy hơn để nuôi dưỡng chúng. Đặt những chiến binh có thể được thay thế dễ dàng ở mức nguy hiểm cao nhất chính là kĩ thuật đánh trận đã đi vào truyền thống. Những bộ lạc cổ đại ở thung lũng sông đã thực hiện điều giống như thế đối với những nông dân nhập ngũ, vốn là những kẻ dễ dàng có được với giá rẻ mạt và luôn có sẵn ở số lượng lớn, những kẻ sẽ lãnh cái tồi tệ nhất trong cuộc chiến. Trong khi đó quân lính tinh nhuệ, những người có được sự huấn luyện tốt nhất với những vũ khí và áo giáp tuyệt hảo nhất, vẫn khá an toàn bên trong những đám lính. Và giống như quân đội của loài người có thể đánh bại quân thù bằng cách tấn công dồn dập, triệt hạ từng đơn vị một thay vì tấn công vào nguyên một đội quân cùng lúc – một chiến thuật được biết đến trong giới chiến lược quân đội với tên gọi “đánh từng phần” (defeat in detail) – bọn kiến cướp bóc cũng chỉ hạ sát kẻ địch mỗi con một lần khi đợt càn quét tiến lên trước thay vì lao vào toàn bộ nguyên đội quân của kẻ địch.
Thay vì giết những chủng loài địch thủ hoặc con mồi, loài kiến cướp bóc bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực xung quanh tổ và thức ăn trước những bầy kiến khác cùng loại. Những con cấp trung và cấp cao giữ vị trí phía sau trong khi mỗi con cấp thấp nắm lấy một chi của đối phương. Những cuộc chạm trán này kéo dài hàng giờ đồng hồ và gây chết chóc còn hơn những trận đánh tranh giành xảy ra giữa bọn cướp bóc và những đối thủ khác. Hàng trăm con kiến nhỏ lọt vừa khít vào một khoảng chỉ vài bộ vuông [a few square feet] khi chúng đang từ từ xé nát lẫn nhau thành từng mảnh.
Cái biến thể của trận đánh giáp lá cà của loài côn trùng đại diện cho kiểu giết chóc thường thấy ở loài kiến. Tử vong là gần như chắc chắn, điều này phản ánh sự rẻ mạt của lực lượng lao động trong một bầy lớn. Loài kiến là loài vốn có ít thờ ơ hơn về sự mất mát quân lính nên chúng đã dùng những vũ khí tầm xa cho phép chúng tổn thương quân địch với những cái bình xịt giống bình xịt hơi cay, như loài kiến rừng Formicaở châu Âu và Bắc Mĩ đã dùng, hoặc thả những hòn đá nhỏ vào đầu quân thù như bọn kiến Dormyrmex bicolor ở vùng Arizona sử dụng.
Cuộc nghiên cứu do Nigel Franks tiến hành, ông hiện đang ở trường University of Bristol tại Anh, cùng với những đồng nghiệp, họ trình bày tính bạo lực có tổ chức được thực hành bởi bọn kiến quân đội và kiến cướp bóc có cùng một kiểu của định luật bình phương của Lanchester, một trong những phương trình do Frederick Lanchester phát triển vào thời chiến tranh thế giới thứ nhất nhằm thông hiểu những chiến lược và chiến thuật tiềm năng của lực lượng đối địch. Toán học của ông cho thấy rằng khi nhiều trận đánh diễn ra đồng thời trong cùng một đấu trường, số lượng nhiều hơn sẽ đánh gục sức mạnh chiến đấu cá nhân. Chỉ khi tình hình nguy hiểm lên cực điểm thì những con kiến cướp bóc lớn hơn mới liều mình – ví dụ, những kiến thợ đủ mọi kích cỡ sẽ tấn công một nhà côn trùng học làm trò ngốc bằng cách đào tổ của chúng, với những con cấp cao sẽ gây ra những vết cắn khủng khiếp nhất.
Tuy thế, giống như định luật bình phương Lanchester không áp dụng được cho mọi tình huống đối với con người trong trận chiến, nó cũng không mô tả mọi hành vi con loài kiến trong trận chiến. Loài kiến chuyên đi bắt nô lệ đưa ra một ngoại lệ kì thú. Bọn này ăn trộm lũ con trong bầy kiến được nhắm đến và nuôi bọn nô lệ này trong tổ của bọn bắt cóc nô lệ. Bộ giáp cứng rắn của bọn bắt cóc nô lệ, hay bộ xương ngoài, như cái tên được đặt, và cái hàm dạng giống dao găm đã cho chúng khả năng chiến đấu thượng đẳng. Thế mà bọn chúng lại bị áp đảo bởi số lượng kiến ở trong bầy chúng tấn công để bắt nô lệ. Để tránh bị thảm sát, một số kẻ bắt cóc nô lệ nhả ra chất hoá học “tuyên truyền” khiến bầy kiến đang bị tấn công kia rơi vào tình trạng lộn xộn và chất hoá học đó ngăn mấy con kiến thợ hợp nhau lại. Bằng cách làm thế, như Franks và một người lúc đó là sinh viên tốt nghiệp trường University of Bath Lucas Patridge đã cho thấy, họ đang theo một chiến lược Lanchester khác thỉnh thoảng cũng áp dụng được cho con người. Cái gọi là định luật tuyến tính này cho rằng khi các trận đánh được tiến hành theo kiểu chạm trán một đối một – là cái mà chất hoá học tuyên truyền kia cho phép – thì chiến thắng được đảm bảo cho những chiến binh thượng thặng thậm chí cho dù chúng có bị kẻ thù áp đảo quân số. Thật vậy, một bầy kiến bị bao vây bởi đám kiến bắt nô lệ sẽ thường cho phép kẻ xâm lược thực hiện hành vi cướp bóc này mà không có bất kì đánh nhau hay giết chóc nào.
Trong loài kiến, giá trị của một chiến binh đối với bầy đàn chứa đựng mối hiểm hoạ mà nó phải chịu: vai trò của nó càng thừa thãi thì càng có khả năng nó kết thúc bằng thương tích. Bọn lính gác xếp thành hàng dọc theo con kiến cướp bóc đang lần tìm dấu vế, ví dụ, thường là những con kiến thợ lớn tuổi và thương tật, chúng thường nỗ lực đứng thẳng lên trong lúc tấn công đột ngột kẻ xâm nhập. Như Deby Cassill của trường University of South Florida báo cáo trong tập san Naturwissenschaften năm 2008, chỉ những con kiến lửa già (vài tháng tuổi) mới tham gia trận đánh, trong khi đó những con kiến thợ vài tuần tuổi thì chạy đi mất và mấy con vài ngày tuổi thì giả vờ chết bằng cách nằm bất động khi đang bị tấn công. Nhìn từ góc độ loài kiến thì việc loài người có thông lệ tuyển quân gồm những thanh niên khoẻ mạnh dường như là vô ích. Nhưng các nhà nhân chủng học đã tìm ra chứng cứ cho rằng, ít nhất trong vài thế kỉ nữa, thì những chiến binh thành công của loài người có xu hướng có nhiều con hơn. Khía cạnh sinh sản có thể khiến cho trận đánh trở nên đáng liều mạng mình đối với những người đang ở thời sung sức nhất – một lợi thế mà những con kiến thợ không thể đạt được, vì chúng không sinh sản.
Kiểm soát lãnh thổ
Những chiến lược quân sự khác giống người được người ta biết đến từ việc quan sát loài kiến thợ dệt (weaver ant). Kiến thợ dệt chiếm phần lớn tán rừng nhiệt đới ở châu Phi, châu Á và Úc, nơi có những bầy kiến có thể trải dài khắp mấy cái cây và có đến 500,000 con – tương tự với dân số khổng lồ của một số loài kiến quân đội. Kiến thợ dệt tương tự kiến quân đội ở chỗ cực kì hung hăng. Tuy thế cả hai loài này có những phương pháp hoàn toàn khác nhau. Trong khi kiến quân đội không bảo vệ lãnh thổ chúng bởi vì chúng tụ lại thành đàn khi đi rảo vòng quanh kiếm những loài kiến khác để cướp thức ăn, còn những bầy kiến thợ dệt bám chặt vào một chỗ, phân tán kiến thợ rộng khắp bên trong chỗ đó để ngăn đối thủ không được xâm phạm vào đất đai của chúng.
Chúng khéo léo kiểm soát những vùng rộng lớn bên trong cây cối để bảo vệ những điểm khai thông như chỗ tiếp giáp giữa thân cây và mặt đất. Những “tổ trại lính” làm bằng lá được đặt theo chiến lược ở chóp đỉnh sẽ phân bố quân lính tới những nơi cần thiết nhất.
Bọn kiến thợ của loài kiến thợ dệt cũng độc lập hơn so với bọn kiến thợ của kiến quân đội. Các cuộc tấn công của kiến quân đội được vận hành bằng cách tước đi tính tự trị của kiến thợ. Bởi vì quân lính tự giới hạn chúng thành những nhóm sát nhau trong cùng một bầy tiến công, chúng cần một số tín hiệu giao tiếp. Chúng đáp trả quân thù và con mồi theo một lối khuôn phép vô cùng. Kiến thợ dệt thì ngược lại, chúng đi rảo đây đó tự do hơn và linh hoạt hơn khi phản ứng trước những cơ hội và những mối đe doạ. Sự khác biệt trong phong cách gợi nhớ sự tương phản giữa tính cứng nhắc của quân đội Frederick Đại đế và tính linh hoạt và linh động của quân lính Napoleon Bonaparte.
Giống như kiến quân đội, kiến thợ dệt thực hiện những đường lối hành động như nhau trong việc xử lí con mồi và tiêu diệt kẻ thù: trong cả hai trường hợp, kiến thợ dệt vận dụng chất pheromone tuyển quân ở phạm vị nhỏ có ở tuyến xương ức dùng để triệu tập tiếp viện gần đó để tiến hành giết chóc. Những bản tường trình khác của kiến thợ dệt đều nhắm cụ thể vào cuộc chiến. Khi một con kiến thợ quay về từ trận đánh với đàn kiến khác, nó cạ cơ thể nó vào mấy con kiến đi ngang qua để báo động cho biết về một trận đánh đang diễn ra. Cùng lúc đó, nó để lại một mùi khác dọc đường đi, một chất pheromone nhả ra từ tuyến trực tràng để đồng đội theo đó đến chiến trường. Hơn nữa, để đoạt được vùng đất chưa ai chiếm giữ trước đó, kiến thợ sẽ dùng một tín hiệu khác, chúng đại tiện ra ngay chỗ đó, như loài chó đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu.
Vấn đề về kích cỡ
Cả loài kiến và loài người thì cái khuynh hướng tham gia vào cuộc chiến thật sự có mối liên hệ ít nhất trong chừng mực nào đó với kích cỡ của xã hội. Những bầy đàn nhỏ hiếm khi tổ chức các trận đánh dài hơi ngoại trừ lúc phòng thủ. Giống như những người săn bắt-hái lượm, những người thường sống du mục và có xu hướng tay làm ra bao nhiêu thì miệng ăn hết, thì những xã hội kiến nhỏ bé, vốn chỉ có chừng vai chục con, chúng không xây dựng cơ sở hạ tầng cho đường sá, cho kho trữ lương thực hay nơi trú ngụ đáng để liều chết bảo vệ. Thỉnh thoảng xung đột căng thẳng giữa các nhóm thì bọn kiến này, cũng như loài người, sẽ chọn cách tháo chạy hơn là đánh nhau.
Những xã hội kích cỡ trung bình có thể sẽ có nhiều tài nguyên hơn để bảo vệ mình nhưng vẫn còn nhỏ nên phải cẩn trọng việc liều lĩnh sử dụng quân số của mình. Loài kiến mật ở tây nam nước Mĩ sống thành từng đàn cỡ trung gồm vài ngàn con là ví dụ về việc giảm thiểu nguy cơ bởi những loài côn trùng này. Để đi thu hoạch con mồi mà không bị chặn đứng lại, một đàn kiến mật có thể tổ chức một giải đấu giành quyền ưu tiên ở gần một tổ kiến lân cận để làm cho kẻ thù bận rộn thay vì đi liều mình vào một trận đánh chỉ tử ngay lập tức. Trong suốt giải đấu, các đối thủ đứng thẳng bằng sáu chân và vây quanh vòng tròn một nhóm khác. Hành vi “đứng kiễng chân” này phản ánh những màn trình diễn sức mạnh hầu hết là máu lạnh và theo nghi thức thường thấy ở những bộ tộc nhỏ của con người, như các nhà sinh vật học Bert Hölldobler ở trường Arizona State University và E. O. Wilson của Havard University ban đầu cho biết vậy. Với may mắn thì bầy đàn có những con kiếng nhỏ bé đang kiễng chân – tiêu biểu cho đàn kiến yếu hơn – có thể rút lui mà không bị mất mạng, nhưng bên thắng cuộc sẽ tàn phá kẻ thù nếu có cơ hội, nuốt chửng bầy kiến con và bắt cóc mấy con kiến thợ được gọi là kiến tích trữ (repletes), mấy con này phồng to lên vì chứa đầy thức ăn mà chúng sẽ nhả ra lại theo yêu cầu cho mấy con đồng bọn đang đói bụng trong tổ. Những con chiến thắng sẽ kéo lê bầy kiến tích trữ trở lại tổ chúng và giữ mấy kho dự trữ sống động này làm nô lệ. Để tránh số phận này, thì mấy con kiến thợ do thám phải quan sát giải đấu để đánh giá liệu phe của chúng có bị phe kia áp đảo về số lượng hay không, và nếu cần thì chuẩn bị động thái rút lui.
Những mâu thuẫn tột độ xuất hiện rất thường ở những loài kiến có các bầy đàn trưởng thành bao gồm hàng trăm ngàn con trở lên. Các nhà khoa học có xu hướng coi những xã hội côn trùng sống thành đàn với qui mô lớn như thế này là vô tích sự bởi vì chúng sản sinh ít kiến chúa hơn và số lượng kiến đực theo đầu kiến cũng ít hơn những nhóm nhỏ. Tôi thấy chúng thay vào đó năng sản đến mức chúng có sự lựa chọn để đầu tư không chỉ ở mặt sinh sản mà còn về mặt lực lượng lao động vốn vượt quá nhu cầu công nhân thường dùng – rất giống với việc cơ thể chúng ta đầu tư vào các mô mỡ để ta có thể tận dụng trong những thời điểm nguy nan. Nhiều nhà nghiên cứu khác nhau cho rằng những con kiến đơn lẻ có ít việc làm hơn khi đàn kiến phát triển qui mô lớn hơn và cho rằng điều này sẽ khiến thêm nhiều con trở nên bị động vào một thời điểm bất kì. Sự phát triển của đàn kiến do vậy sẽ thổi phồng lên sự bành trướng của lực lượng quân dự bị tận tâm, và lực lượng này có thể tận dụng tối đa định luật bình phương của Lanchester khi tiếp cận quân thù. Tương tự thế, hầu hết các nhà nhân chủng học hình dung cuộc chiến của loài người hiện ra chỉ sau khi những xã hội của ta trải qua sự bùng nổ dân số đến từ sự phát minh nền nông nghiệp.
Siêu cơ quan và siêu bầy đàn (superorganism and supercolony)
Rốt cuộc thì khả năng gây ra những hình thái cực độ của cuộc chiến tranh giữa các loài kiến nổi lên từ sự thống nhất xã hội vốn rất tương đồng với sự thống nhất tế bào trong một cơ quan. Các tế bào nhận diện nhau bằng chất hoá học trên bề mặt; một hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh tấn công bất kì tế bào nào có tín hiệu khác. Trong hầu hết các bầy đàn khoẻ mạnh, kiến cũng nhận diện nhau bằng chất hoá học trên bề mặt cơ thể chúng, và chúng tấn công hay tránh né những kẻ xa lạ có mùi khác. Loài kiến mang mùi trên mình giống như lá cờ quốc gia được xăm trên cơ thể chúng vậy. Cái mùi này tồn tại mãi mãi có nghĩa là các trận chiến của loài kiến có thể sẽ không bao giờ kết thúc khi một bầy kiến này chiếm đoạt bầy kiến khác. Thay đổi đột ngột lòng trung thành giữa dòng chiến sự là điều không thể xảy ra đối với những con kiến trưởng thành. Có lẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, còn lại thì mỗi con kiến thợ là một phần của nơi sinh ra nó cho đến chết. (Không phải quyền lợi của kiến và bầy đàn lúc nào cũng trùng khớp nhau. Những con kiến thợ của một số loài kiến có thể cố sinh sản – và bị cản trở – cũng như xung đột lợi ích giữa các gene xảy ra trong một cơ quan.) Gắn bó chặt chẽ với bầy đàn là toàn bộ những gì loài kiến có được bởi vì chúng hình thành những xã hội ẩn danh: ngoài việc phân biệt đẳng cấp như giữa kiến binh lính với kiến chúa, thì những con kiến thợ không nhận ra nhau như những con kiến đơn lẻ. Sự gắn kết bầy đàn tuyệt đối của chúng là đặc điểm sống còn nền tảng trở thành một phần của một siêu cơ quan, trong đó cái chết của một con kiến thợ không khác gì việc đứt tay. Đàn kiến càng lớn, thì vết cắt càng nhỏ.
Một ví dụ ngoạn mục nhất cho sự trung thành bầy đàn trong thế giới loài kiến là ví dụ về loài kiếnLinepithema. Mặc dù gốc gác từ Argentina, chúng tản ra khắp mọi nơi trên thế giới bằng cách đi quá giang trên những chuyến hàng của loài người. Ở California một trong những đàn kiến lớn nhất thuộc loại “siêu bầy đàn” này rải rác khắp từ San Francisco đến biên giới Mexico và có thể có tới một ngàn tỉ con, đoàn kết xuyên suốt nhờ có cùng một bản sắc “dân tộc”. Mỗi tháng, hàng triệu con kiến Argentina này chết dọc tiền tuyến trải dài hàng mấy dặm xung quanh San Diego, nơi có những cuộc chạm trán xảy ra với ba đàn kiến khác trong những cuộc chiến ắt hẳn đã diễn ra từ lúc những loài kiến đó đến đất nước này cách đây một thế kỉ. Định luật bình phương Lanchester áp dụng trong các trận đánh này ở mức độ cao hơn bình thường. Nhỏ bé, rẻ mạt và liên tục bị thế chỗ bởi nguồn tiếp viện dồi dào mỗi khi chúng ngã xuống, những con kiến thợ Argentina đã đạt đến mật độ vài triệu con trung bình từng mét đất ngoại thành. Bằng cách áp đảo số lượng một cách vượt trội so với bất kì loài kiến địa phương nào chúng tiếp cận, những siêu bầy đàn này kiểm soát toàn thể các vùng lãnh thổ, giết hết mọi đối thủ chúng tiếp xúc.
Cái gì đã khiến những kẻ Argentina đó có khả năng đánh nhau không ngừng? Nhiều loài kiến, cũng như một vài sinh vật khác, bao gồm loài người, đã trưng ra một “hiệu ứng kẻ thù thân mến” (dear enemy effect), là hiệu ứng xảy ra sau một thời gian xung đột, tỉ lệ tử vong giảm mạnh khi hai phe dàn hoà nhau ở vùng biên giới – thường là ở một vùng không người ở chưa ai chiếm được nằm giữa chúng. Dù vậy, ở vùng đồng bằng dễ ngập nước nơi khởi nguồn của bọn kiến Argentina, những bầy kiến đang chiến tranh với nhau phải ngưng đánh nhau mỗi khi nước dâng lên, buộc chúng lên vùng đất cao hơn. Xung đột không bao giờ được giải quyết ổn thoả; trận chiến không bao giờ kết thúc. Do đó, những cuộc chiến tranh của chúng cứ tiếp tục không hề suy yếu chút nào, từ thập kỉ này sang thập kỉ nọ.
Những cuộc bành trướng mãnh liệt của những siêu bầy đàn gợi nhớ đến việc nhữn siêu cường quốc thực dân của loài người đã từng tiêu diệt những nhóm người nhỏ hơn như thế nào, từ những người châu Mĩ bản địa đến những người thổ dân châu Úc. May mắn thay là loài người không hình thành những siêu cơ quan theo nghĩa tôi đã mô tả: lòng trung thành của ta có thể chuyển đổi qua thời gian để cho dân nhập cư vào đất nước mình, để cho phép các quốc gia có thể thay đổi để tự xác định mình. Mặc dù chiến tranh là điều không thể tránh khỏi ở nhiều loài kiến, nhưng nó có thể tránh khỏi đối với loài người chúng ta.
Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20120219
20120219
Nguồn:
Moffet, Mark W. “Ants and the Art of War.” Scientific American Mind, December, 2011: 84-89.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét