Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Sự Hình Thành Xã Hội, Nhà Nước Và Quyền Lực Chính Trị

Câu hỏi thảo luận
Qua các lý thuyết về sự phát triển xã hội bạn nghĩ gì về sự phát triển xã hội và căn bản của quyền lực chính trị trong xã hội Việt Nam từ khi lập quốc cho đến nay (bạn có thể bắt đầu từ thời phong kiến, hoặc từ khi nhà nước xã hội chủ nghĩa được thành lập).
I. Phần hình ảnh minh họa: dùng Flash, dùng javascript, dùng PowerPoint
II. Dẫn nhập
Ngày nay mỗi một người đều là công dân của một nước nào đó. Đa số chúng ta sinh ra, lớn lên và trở thành công dân của một nước một cách tự nhiên (không có lựa chọn), vì cha mẹ chúng ta cũng đã sinh ra, lớn lên và trở thành người dân của nước đó. Khi trưởng thành, và khi có điều kiện, nhiều người di cư sang nước khác để sinh sống và trở thành cư dân hay công dân của nước đó. Dù ở trường hợp nào đi nữa, người dân sinh sống trong một xã hội, một nước phải tuân thủ những luật lệ của đất nước đó, cũng như những quy phạm của xã hội mà họ sinh sống. Thế nhưng dựa trên căn bản nào mà nhà nước có quyền lực cưỡng bách công dân tuân phục luật lệ, và tại sao người dân có bổn phận tuân phục luật lệ là chủ đề của bài này.
III. Định nghĩa
A. Quốc gia: bao gồm một dân tộc sinh sống liên tục trong một thời gian dài trên một lãnh thổ có diện tích và biên giới nhất định,và cùng chia sẻ một nền văn hóa và lịch sử. Quốc gia vừa là một thực thể, cũng là một khái niệm.
B. Nhà nước: theo Công pháp Quốc tế (1933), Nhà nước là một pháp nhân có những đặc tính sau: (1) một dân tộc sinh sống liên tục trên (2) một lãnh thổ có biên giới nhất định, (3) một chính quyền, và (4) có khả năng quan hệ (ký kết và thi hành hiệp ước) với các nhà nước khác. Nói một cách khác, Nhà nước là một quốc gia [bao gồm các điều 1 và 2], có một chính quyền và khả năng quan hệ với các Nhà nước khác.
C. Chính quyền: gồm các cơ quan làm luật và thi hành luật trong việc quản trị và điều hành Nhà nước.
IV. Sự Tiến Hóa của Xã Hội

o 1. Thời kỳ man dã
a. Sơ kỳ man dã: con người trong thời này được các nhà nhân chủng học gọi là “người tiền sử” (Australopithecus), sống trên cây trong các vùng rừng nhiệt đới, ăn củ và rễ cây. Sự kiện con người sống trên cây chứ không phải trong hang có lẽ để tránh bị các loại thú khác tấn công. Điều này cũng tương tự như truyền thuyết Trung Hoa có họ Hữu Sào dạy cho dân cách làm tổ trên cây để sống. Cũng trong thời kỳ này loài người bắt đầu phát triển ngôn ngữ.
b. Trung kỳ man dã: khởi đầu bằng sự tìm ra lửa và biết dùng các loại cá, cua cho thực phẩm [Engels cho rằng cá chỉ ăn được khi nấu chín]. Thời kỳ này tương đương với thời kỳ họ Toại Nhân dạy dân làm lửa trong truyền thuyết Trung Hoa. Với sự phát minh ra lửa nhân tạo và các loại thực phẩm mới từ sông hồ, con người thời này bắt đầu men theo sông và bờ biển để đi đến các vùng xa lạ khác trên thế giới. Di tích khảo cổ trên các lục địa cho thấy con người đã trở thành “người khéo” (homo habilis) qua các dụng cụ thô sơ được chế tạo bằng đá. Con người cũng chế ra vũ khí như gậy và lao. Phát minh này đưa đến một nguồn thực phẩm nữa là thịt thú rừng.
c. Thượng kỳ man dã: khởi đầu bằng phát minh ra cung và tên. Trong thời kỳ này con người đã trở nên khéo léo rất nhiều so với các thời kỳ trước. Con người cũng từ từ tụ họp lại thành làng mạc và biết sản xuất các vật dụng thiết yếu cho đời sống, như tô muỗng bằng gỗ, rổ rá đan từ sợi gai hoặc từ các loại vỏ cây; cùng với sự phát minh ra lửa và rùi đá, con người cũng biết chế tạo ra xuồng độc mộc (nung lửa thân cây, rồi khoét chỗ bị cháy làm thành xuồng) giúp thêm phương tiện di chuyển.
o 2. Thời kỳ Man rợ: cũng chia làm sơ kỳ, trung kỳ và thượng kỳ, có thể được tóm tắt như sau:
Con người đã bắt đầu sống quần tụ thành những cộng đồng nhỏ và đã bắt đầu biết cách thuần hóa các loài động vật thành gia súc và canh tác đất đai. Dưới ảnh hưởng của địa lý và khí hậu, con người tại Đông Bán cầu (còn gọi là Cựu Thế giới) sinh hoạt chú trọng vào chăn nuôi, dẫn đến nếp sống du mục; trong khi đó tại Tây Bán cầu con người lại phát triển các kỹ thuật canh tác đất đai và trồng trọt hoa màu, bắp, bầu, bí được tìm thấy tại vùng Tây Bán cầu tại khu vực New Mexico ngày nay. Dinh dưỡng của con người ở hai vùng khác nhau dẫn đến sự phát triển thể chất khác nhau. Thổ dân Tây Bán cầu do thực phẩm chính là thực vật trở nên nhỏ con hơn so với dân ăn thịt và sữa ở Đông Bán cầu như sắc dân Aryan và Semite.
Nếp sống du mục đưa con người ở Đông Bán cầu đi xa dần khu vực Lưỡng Hà sang đến khu vực Âu châu, cộng với việc phát minh ra đồ sắt, con người bắt đầu định cư và khai phá rừng làm nơi trú ngụ. Có vùng đã có đến nửa triệu người cùng cư ngụ. Song song với sự phát minh và sử dụng đồ sắt con người đã có thể canh tác nông nghiệp trên quy mô lớn nhờ vào sức trâu bò và lưỡi cày sắt. Các phát minh khác đưa con người tiến vào thời kỳ văn minh.
Quá trình tiến hóa của nhân loại có thể được tóm tắt như sau: Thời kỳ Man dã: giai đoạn mà mối quan tâm hàng đầu của con người là thủ đắc sản phẩm từ thiên nhiên; các sản phẩm nghệ thuật của con người là những dụng cụ dùng để giúp thủ đắc các sản phẩm thiên nhiên. Thời kỳ Man rợ: giai đoạn mà con người đã biết cách thuần hóa súc vật và canh nông, cũng như các phương thức tăng gia sản phẩm thiên nhiên. Thời kỳ Văn minh: giai đoạn mà con người biết vận dụng các phương thức tân tiến hơn vào các sản phẩm thiên nhiên, giai đoạn của kỹ nghệ và nghệ thuật. Tóm lại, xã hội ngày nay phát triển từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình, đến bộ lạc gồm nhiều gia đình và tới quốc gia.
A. Quan điểm của Frederic Engels: Căn cứ theo chứng tích khảo cổ, loài người có mặt trên trái đất từ 5 tới 6 triệu năm trước đây, và tiến hóa theo 3 thời kỳ: man dã (savage), man rợ (barbarism), và sau cùng là văn minh. Mỗi thời kỳ lại chia làm 3 giai đoạn: sơ kỳ, trung kỳ, và thượng kỳ song song với sự tìm tòi và phát minh ra các phương tiện chế ngự thiên nhiên.[1]
B. Quan điểm của Aristotle và Rousseau:
Aristotle lập luận rằng con người là một sinh vật chính trị, nghĩa là từ bản năng đã có khuynh hướng quần tụ thành xã hội. Theo Aristotle mọi sự tụ họp của con người đều nhằm đạt đến một cái “tốt.” Trong trạng thái thiên nhiên khi mà mỗi cá nhân độc lập không những phải tự lo cho sự sống còn, mà còn cố gắng để đạt đến trình độ “tự túc;” nhưng điều này không thể xảy ra khi các cá nhân sống riêng lẻ, nhu cầu sống còn và tự túc khiến con người phải quần tụ và phát triển một cách tự nhiên, trước hết là gia đình, rồi đến bộ tộc, rồi đến thị thành và sau cùng là nhà nước (tiếng Hy lạp chỉ nhà nước là polis, từ đó có những từ dùng ngày nay như politics là chính trị–Aristotle gọi con người là một sinh vật chính trị, “political animal”, là hiểu theo nghĩa này).
Rousseau cũng đồng ý với lập luận của Aristotle về xã hội đầu tiên của con người là gia đình, nhưng theo ông sự thành lập gia đình chỉ một phần nào đó là do bản năng sống còn mà thôi, thí dụ, cha mẹ chăm sóc cho con cái khi sơ sanh đến lúc trưởng thành (nếu không thì chúng sẽ chết); sau đó, con cái còn ở với cha mẹ không còn do bản năng nữa mà do tập tục và truyền thống. Tuy nhiên, con người trong tình trạng thiên nhiên, theo Rousseau, hưởng sự tự do tuyệt đối, trước khi kết hợp với người khác phái để thành lập gia đình (ngay cả sự kết hợp này cũng có tính chất bản năng và ngẫu nhiên). Cho nên khi kết hợp, dù với một người hay với nhiều người để tạo thành xã hội, cả Aristotle và Rousseau lập luận là con người đã hy sinh sự tự do tuyệt đối của cá nhân để đổi lấy một sự tự do khác–tự do sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp đảm bảo an sinh và các nhu cầu khác của đời sống.
Nói cách khác, khi xã hội được thành lập, cần phải có một quyền lực nào đó để điều hành sinh hoạt của xã hội, nếu không thì con người vẫn luôn luôn ở tình trạng thiên nhiên, và sự hình thành xã hội cũng trở thành vô nghĩa.
V. Căn bản của Quyền lực
Khi xã hội được thành lập từ gia đình, quyền lực điều hành gia đình nằm trong tay người gia trưởng, khi sang đến bộ lạc, quyền lực điều hành bộ lạc nằm trong tay các trưởng lão. Engles khi nghiên cứu các bộ lạc Hy lạp trong quá trình tiến tới hình thành các quốc gia nhỏ, nhận ra các điểm: thẩm quyền vĩnh viễn nằm trong tay một hội đồng gồm trưởng các tộc; khi nghị sự, dân chúng đều được tham gia (các bộ lạc Iroquois ở Mỹ châu cũng áp dụng phương thức này) bằng cách đứng chung quanh hội đồng và trong những quyết định quan trọng có quyền giơ tay biểu quyết. Từ đó xã hội tiến hóa dần tới chế độ phong kiến và quân chủ. Theo quan điểm của chế độ phong kiến và quân chủ, quyền lực cai trị là do thiên định, cả Đông lẫn Tây phương đều dựa theo thuyết thiên định để duy trì quyền lực tuyệt đối của nhà vua trên nhân dân. Rousseau và các triết gia khác trước ông như Hobbes và Locke, lập luận rằng xã hội được hình thành trên căn bản một sự thỏa thuận giữa tất cả mọi thành viên. Thỏa thuận này chính là một khế ước xã hội giữa mọi người và mỗi người. Trên căn bản của khế ước này, tất cả quyền lực điều hành xã hội, để bảo đảm tự do dân sự mà mỗi người–nay gọi là dân–đã đổi bằng tự do vô hạn định để sống trong trật tự và an sinh xã hội, được trao cho chính quyền, như công bộc của dân để thực hành trách nhiệm được giao phó. Quyền lực chính trị, kể cả quyền cưỡng bức thi hành, luôn luôn thuộc về người dân, và sẽ bị người dân thu hồi khi cần thiết. Khế ước xã hội, hiểu theo nghĩa hiện đại, chính là bản hiến pháp được hình thành bởi sự đóng góp ý kiến cuả mọi tầng lớp dân chúng qua quốc hội lập hiến và được toàn dân thông qua. Một hệ luận quan trọng của khế ước xã hội là mỗi bên giao ước phải nghiêm túc thực thi trách nhiệm và bổn phận của mình. Nếu chính quyền không làm theo giao ước, nếu chính quyền lạm dụng quyền hành, thì quyền lực của chính quyền sẽ bị nhân dân thu hồi qua các cuộc bầu cử. Nếu chính quyền không chịu từ bỏ quyền lực đã bị nhân dân thu hồi (một cách hòa bình và trật tự) qua bầu cử, thì khế ước xã hội đương nhiên bị hủy bỏ và theo John Locke, người dân có quyền làm cách mạng bạo lực để thay thế chính quyền hiện hữu.
VI. Kết luận
Sự hình thành của xã hội là một quá trình tiến hoá dựa trên hai bản năng chính yếu của con người là quần tụ và sinh tồn. Khi từ bỏ trạng thái thiên nhiên nơi con người có được sự tự do vô hạn (tuỳ theo khả năng và thể chất của mỗi người) để sống với nhau trong một xã hội, con người đã đổi sự “tự do thiên nhiên” lấy “tự do dân sự” mà như Montesquieu đã nói: “ta được tự do vì ta sống trong luật pháp.” Xã hội dân sự cần có “người” điều tiết sinh hoạt của xã hội theo các luật lệ do xã hội ấn định: từ các trưởng lão của bộ tộc và các tục lệ của bộ tộc đó, đến các xã hội văn minh có luật pháp và chính quyền. Nói một cách khác, xã hội dân sự được lập nên bởi một khế ước giữa những người sinh sống trong xã hội đó, và quyền lực chính trị (gồm cả quyền cưỡng hành) được trao cho chính quyền để điều hành sinh hoạt xã hội. Khế ước xã hội có thể bất thành văn như trong các xã hội sơ khai (quyền lực chính trị nằm trong tay hội đồng trưởng lão) hay thành văn (hiến pháp) trong các xã hội văn minh. Dù trong trường hợp nào đi nữa, chủ quyền tối thượng (nói theo ngôn ngữ Rousseau) thuộc về toàn dân, chính quyền và quyền lực chính trị của chính quyền do toàn dân trao cho để điều hành xã hội theo các điều khoản của khế ước xã hội. Trong xã hội văn minh ngày nay, khế ước xã hội chính là hiến pháp của một nước đã được soạn thảo bởi một quốc hội lập hiến và được toàn dân thông qua.
Ghi chú:
[1] Federick Engels, Origins of the Family, Private Property, and the State
Copy right © Học Viện Công Dân 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét