Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Năng lực phản tư của một con người, một đời người

Năng lực phản tư của một con người, một đời người.
Năng lực phản tư ( critism ) tức là khả năng tự phủ định, nghĩ đi nghĩ lại của mỗi người, biết đặt mình vào vị trí của kẻ khác của huynh trưởng một gia đình, lãnh đạo một tập thể đến xã hội nói chung, từ nhiều đời nay …của nước ta rất hạn chế. Nghìn vạn người chưa chắc đã có một và nhiều khi rất muộn mằn, đến cuối đời mới hé lộ, nhất là đối với nhóm nắm quyền lực cao. Ta chưa có những công trình nghiên cứu mổ xẻ sâu về chủ đề này mà thường thường chỉ nằm trên những khẩu hiệu “ phê và tự phê”, từ trên dội xuống, từ những đòi hỏi đối với kẻ khác, còn mình thì nhanh chóng cho qua. Nguyên do từ đâu ? Theo tôi, chủ yếu là do trình độ dân trí, sự kém cỏi vê tư duy triết học của cả dân tộc. Tính bảo thủ cố hữu, chậm đổi mới( innovation), it tính sáng tạo (creation) do ảnh hưởng của Nho giáo đã kìm hãm chúng ta từ hàng nghìn năm nay. Tình cộng đồng, nhân bản, sự vị tha và hòa giải…của chúng ta nói chung kém, do ta thường xuyên phải cảnh giác và đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nó đã khoét sâu hố ngăn cách của nhiều con người, nhiều bộ phận, nhiều thế hệ, không khác gì sự chênh lệch giàu nghèo hiện nay. Do đó sự áp đặt càng ngày càng tăng lên.
Trong lịch sử dân tộc, tư duy cách tân sớm như của Nguyễn Trường Tộ chỉ là những tia sáng sao băng, còn như của cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…dù sao cũng chỉ là ánh nắng hoàng hôn mà thôi.
Đời một con người so với lịch sử dân tộc là hữu hạn, là rất ngắn. Nhưng nó lại là những bước chân tiếp nối, tuy “đường là lối mòn do con người đạp mãi mà nên”, nhưng nếu cứ giẫm mãi lên vết chân, vết xe của người đi trước… thì sẽ sa lầy! Có ai dám vạch ra một lối tư duy khác? Mà điều đó phải bắt đầu bằng những nhận thức, tư duy triết học khoa học- tư duy của mọi tư duy. Biết phủ định, kế thừa và dung nạp cái mới giống như rừng cây cổ thụ tái sinh trên sự phân hủy. Mà phân hủy bao giờ cũng lớn hơn tái sinh vì từ hàng triệu năm nay năng lượng sống duy nhất của quả đất là do măt trời cung cấp.
Tại sao có thể khẳng định khả năng tư duy triết học của chúng ta thấp? Vì tư duy là sản phẩm của bộ não, một bộ phận mẫn cảm nhất, quyết định nhất, để con người thoát khỏi lốt thú. Chắc ai cũng dễ dàng nhận thấy sau một đêm ngủ say, sau một mùa đông lạnh giá…sang xuân, tư duy chúng ta như có đổi mới hoặc sẵn sàng tiếp thu cái mới. Có ai có thể nằm dưới cái nắng chang chang của xứ nhiệt đới để suy nghĩ chuyện sợi tóc xẻ tư như triết học? Cũng có ai có thể suy nghĩ chuyện cải thiện đời sống lao động nông thôn nước ta mà ở trong phòng máy lạnh suốt năm suốt tháng? Đã nói hoạt động của não là nói tới hoạt động có xung, có cộng hưởng, có thức có ngủ. Với nước ta, , kể từ một thế kỷ nay- quãng thời gian nhận thức và chiêm nghiêm của hơn một đời người, nói khác đi là của tư duy cá nhân chưa bị khúc xạ, nhào nặn, méo mó đi theo quyền lực- thì hệ tư tưởng chúng ta chưa thoát ra khỏi chủ nghĩa thiên mệnh của Khổng Tử đã bị những cơn bão của chủ nghĩa thực dung, thực dân đế quôc và chủ nghĩa quốc tế hóa, tập thể hóa làm tha hóa đi. Nền tảng gia đình và xã hội bị những trận cuồng phong của chiến tranh, đấu tố, loại trừ bất đồng … tàn phá nặng nề mà di chứng để lại (chủ yếu là sự giả trá) có thể kể đến vài ba thế hệ. Thật đúng như Lão Tử đã nói: “Thiên hạ giai tri mỹ vi mỹ tư ố hĩ, giai tri thiện vi thiện tư bất thiện hĩ” nghĩa là khi mọi người đều thấy cái đẹp là đẹp thì nó đã xấu rồi , thấy cái tốt là tốt thì nó đã không tốt rồi.
Do vậy có thể nói đổi mới tư duy, như sự chọn giống, chỉ có thể thành công từ trẻ mới bắt đầu biết nhận thức. Nghĩa là ta phai phá bỏ sự giáo dục nhồi nhét một chiêù để đi lên theo đa chiều ngay từ trẻ lên ba. Không hy vọng cải cách tư duy ở bậc đại học mà phải từ giáo dục mầm non. Từ bố mẹ, ông bà, cô bảo mẫu… đến toàn xã hội, từ lời nói đến việc làm..ta phải nghĩ sao đây? Một mình trường học, một Bộ không thể làm được! Đã cấp tiết lắm rồi, đã đến lúc ta phải sàng lọc kinh nghiệm của thế giới để cho ra đời đồng loạt sách mẫu giáo đến cấp I cho cô giáo các trường, cho bố mẹ …thậm chí phải phát không sách tham khảo cho các anh công an, bác đạp xích lô, chị bán hàng rong …trong việc nêu gương tốt cho các em ở tuổi ấu thơ …thì may ra dăm mười năm sau, ta mới có lứa hạt giống đầu tiên miễn dich, sạch bệnh, biết tự điều chỉnh trong xã hội tiêu dung!
Sự nhàm chán đối với tư duy lối mòn hiện nay không riêng gì của khá đông bộ phận người già đã xế chiều mà cả với lớp trẻ, thậm chí rất trẻ mới chập chững biết đi.
Một con én chưa báo hiệu mùa xuân. Phải có từng đàn én bay về. Mà loài này không bao giờ có thể sống trong lồng nuôi nhốt. Chúng cần có khoảng trời và biển bao la để bay lượn theo mưa xuân. Nay dù ta có làm máy giả tiếng kêu của chim con để dụ chúng về thì chúng cũng chỉ nhả ra được những yến sào giả mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét