Sách đen về chủ nghĩa cộng sản
(The Black book of Communism: Crimes, Terror, Repression)
Nhà xuất bản Harvard University Press 1999.
( Nguyên bản tiếng Pháp: Livre noir du communisme: Crimes, Terreur, Répression. Nhà xuất bản: Robert Laffont, Paris 1997).
Nhà xuất bản Harvard University Press 1999.
( Nguyên bản tiếng Pháp: Livre noir du communisme: Crimes, Terreur, Répression. Nhà xuất bản: Robert Laffont, Paris 1997).
Các chủ biên (editors) của cuốn sách:
- Stéphane Courtois – Giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm khoa học quốc gia Pháp, chủ biên tờ tạp chí Cộng sản (Journal d’ Communisme).
- Nicolas Werth chuyên viên nghiên cứu tại viện lịch sử đương đại (Institude d’Histoire du Temps Présent).
- Jean-Louis Panné đồng tác giả cuốn “Từ điển lịch sử các phong trào cách mạng Pháp”.
- Andrzej Paczkowski Phó giám đốc, giáo sư tại viện nghiên cứu khoa học chính trị, Viện hàn lâm khoa học Ba Lan.
- Karel Bartosek nhà sử học Czech, chủ biên tờ La nouvelle alternative.
- Louis Margolin giảng viên khoa lịch sử thuộc trường đại học tổng hợp Provence, cộng tác viên của viện nghiên cứu Đông nam á CNRS.
- Nicolas Werth chuyên viên nghiên cứu tại viện lịch sử đương đại (Institude d’Histoire du Temps Présent).
- Jean-Louis Panné đồng tác giả cuốn “Từ điển lịch sử các phong trào cách mạng Pháp”.
- Andrzej Paczkowski Phó giám đốc, giáo sư tại viện nghiên cứu khoa học chính trị, Viện hàn lâm khoa học Ba Lan.
- Karel Bartosek nhà sử học Czech, chủ biên tờ La nouvelle alternative.
- Louis Margolin giảng viên khoa lịch sử thuộc trường đại học tổng hợp Provence, cộng tác viên của viện nghiên cứu Đông nam á CNRS.
Phần 1: Một Chính Quyền Chống Lại Nhân Dân: Bạo Lực, Đàn áp và Khủng Bố ở Cộng Hoà Liên Bang Xô Viết
(A State against Its People: Violence, Repression, and Terror in the Soviet Union)
(Tác giả: Nicolas Werth)
(trang 37-268 cuốn The Black Book of Communism)
(người dịch: MọtSáchGià)
(trang 37-268 cuốn The Black Book of Communism)
(người dịch: MọtSáchGià)
Lời giới thiệu của người dịch: Phần 1 của cuốn Black Book of Communism bao gồm 15 chương sách với tổng cộng hơn 230 trang viết với rất nhiều các tư liệu lịch sử về cái mà các tác giả gọi là “tội ác của CNCS ở Liên Xô”. Bạn đọc sẽ được thấy những thủ đoạn tinh vi và tàn bạo của một chính quyền mang danh của nhân dân nhưng không được lòng dân nên luôn phải tìm đến bạo lực và các biện pháp khủng bố để duy trì quyền lực của mình. Từ những trận đói cố tình, cuộc nội chiến tự tạo ra nhằm thâu tóm quyền lực của Lenin, cho đến những cuộc thanh trừng tàn bạo, những trại tập trung (gulag) khủng khiếp, những cuộc dồn dân vào nông trang, diệt kulak,.... thời Stalin.
Đây có lẽ là phần chính yếu và đầy đủ tư liệu lịch sử nhất của cuốn sách. Nơi tác hại của CNCS trong lịch sử loài người được thấy rõ nhất. Nguyên nhân không hẳn là do Liên Xô là quê hương của chủ nghĩa CS ‘hiện thực’ mà chính là nhờ sự sụp đổ của CNCS ở đó đã cho phép các học giả, các nhà nghiên cứu LS có điều kiện tiếp xúc với đống tài liệu khổng lồ tại các tàng thư của nhà nước xô viết cũ, nơi mà chỉ chục năm trước đây còn là ‘mật’.
Về tác giả của phần 1: Nicholas Werth là chuyên gia nghiên cứu lịch sử tại viện lịch sử đương đại Pháp (Institut d’Histoire du Temps Present). Ông là một chuyên gia về lịch sử Liên Xô là tác giả của những cuốn sách như Etre communiste en URSS sous Staline (1981), La vie quotidienne des paysans russes de la Révolution à la collectivisation, 1917-1939 (1984); Histoire de l’Union soviétique, de l’Empire russe à la CEI (1992); Rapports secrets soviétiques. La societé russe dans ses rapports confidentiels, 1921-1991 (1995).
__________________
__________________
Chương 1: Những điều trái ngược và hiểu lầm xung quanh sự kiện cách mạng tháng Mười
(Paradoxes and Misunderstandings Surrounding the October Revolution)
(Paradoxes and Misunderstandings Surrounding the October Revolution)
“Với sự sụp đổ của chủ nghĩa CS, sự cần thiết phải chứng tỏ cách mạng tháng mười là một sự kiện mang tính ‘tất yếu của lịch sử’ đã không còn nữa. Và cuối cùng nó đã có thể quay trở lại thành một sự kiện lịch sử ‘bình thường’. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như tất cả những người khác trong xã hội ta hiện nay dường như vẫn chưa muốn chia tay với những huyền thoại xây nền cho sự kiện ở ‘năm số 0’, năm khởi đầu cho mọi thứ – hạnh phúc hay bất hạnh của người dân Nga”.
Lời nói trên của một nhà sử học Nga đương thời được trích dẫn ở đây để đưa ra một vấn đề. Đó là sau hơn 80 năm trôi qua, cuộc tranh luận giữa các cách diễn giải sự kiện tháng 10 năm 1917 vẫn diễn ra quyết liệt.
Nhóm các nhà sử học thứ nhất bao gồm những người đã đưa ra cách diễn giải mà chúng tôi tạm gọi là mang tính ‘giải phóng’ (khỏi khuôn phép cũ - ND). Đối với những người này, cuộc cách mạng tháng 10 đơn giản chỉ là một cuộc bạo loạn chính trị chớp nhoáng được áp đặt lên một xã hội thụ động lúc bấy giờ. Đối với họ, cuộc cách mạng tháng 10 là kết quả của một mưu đồ tinh vi được dệt nên bởi một nhóm những kẻ cuồng tín thâm hiểm và đa mưu, những kẻ vào lúc đó không có được bất cứ sự ủng hộ thực sự nào ở trong nước. Ngày nay cách diễn giải này được đa phần những nhà nghiên cứu LS ở Nga, những người có hiểu biết, và cả những lãnh đạo của một nước Nga hậu CS chấp nhận. Tước bỏ đi những sức nặng về mặt lịch sử và xã hội của nó, cách mạng tháng 10 được nhìn nhận lại như là một tai nạn lịch sử kéo một nước Nga cần cù, chịu khó và phồn thịnh đi chệch con đường dân chủ mà nó đang tiến lên trước khi cuộc cách mạng này xảy ra. Quan điểm nhìn nhận này luôn được bảo vệ một cách mạnh mẽ và triệt để tại Nga. Nếu có một sự liên tục trong cấu trúc quyền lực trong một nước Nga hậu CS (khi mà phần lớn những người lãnh đạo đều là những viên chức CS cũ) thì việc cách ly xã hội Nga hiện tại với ‘Con quái vật xô viết cũ’ mang lại những lợi ích nhất định. Rõ ràng là nó giúp cho xã hội Nga hiện tại (và những nhà lãnh đạo của nó) rũ bỏ những tội ác đã phạm phải thời Stalin mà rất nhiều trong số đó đã được phát hiện và đưa ra ánh sáng trong thời kỳ Petroika (đổi mới – ND). Nếu xem cuộc đảo chính của những người Bolsevic năm 1917 đơn thuần chỉ là một ‘tai nạn lịch sử’ thì có thể dễ dàng đi đến kết luận toàn bộ xã hội Nga (bao gồm cả các lãnh đạo của nó) sẽ chỉ là những ‘nạn nhân vô tội bắt buộc’ và hoàn toàn vô can những điều khủng khiếp xảy ra sau sự kiện này.
Quan điểm nhìn nhận sự kiện CM tháng 10 thứ hai là quan điểm trước đây của các nhà sử học xô viết. Những người này luôn muốn chứng tỏ rằng, sự kiện CM tháng 10 là một hệ quả logic, một sự kiện tất yếu của lịch sử là kết quả của một quá trình tập hợp tham gia một cách tự nguyện của đại đa phần quần chúng nhân dân. Bằng cách này hay cách khác, cách diễn dịch lịch sử này cố đưa ra sự liên hệ của sự kiện với tính chính thống của chính quyền Xô Viết được tạo nên sau đó. Bởi nếu xem cuộc ‘cách mạng xã hội tháng 10 vĩ đại’ là một bước tiến không thể cản nổi của lịch sử, và nếu coi đây là một cuộc cách mạng chuyển tải thông điệp giải phóng đến toàn thế giới, thì toàn bộ hệ thống chính trị, hiến pháp hình thành từ cuộc cách mạng tất nhiên mang tính chính thống, cho dù cũng có những ‘lỗi lầm’ trong thời kỳ Stalin cai trị. Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, đã kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn tính chính thống của cách mạng tháng 10 cũng như quan điểm nhìn nhận CM tháng 10 theo kiểu Macxit này. Nói một cách chính xác theo ngôn ngữ của chính những người Bolsevic, nó đã được cho vào “thùng rác của lịch sử”. Mặc dù vậy, cũng giống như những ám ảnh về xã hội xô viết thời Stalin, quan niệm nhìn nhận kiểu Macxit này vẫn tiếp tục tồn tại một cách sống động, mỉa mai thay ở các nước phương Tây (và cả ở VN –ND) hơn là ở chính tại nước Nga đương đại.
Có một trường phái thứ ba trái ngược hoàn toàn với hai trường phái nhận định nói trên. Trường phái này cố tách tính tư tuởng hệ ra khỏi lịch sử khi nhìn nhận sự kiện CM tháng 10. Nó cố đi tìm câu trả lời xác đáng cho câu hỏi, mà theo lời của Marc Ferro là:”Cuộc nổi dậy tháng 10 năm 1917, nếu là một sự kiện mang tính quần chúng rộng lớn, thì tại sao lại có một số rất ít những người thực sự tham gia?”. Rất nhiều các câu hỏi quan trọng khác về CM tháng 10 đã được nêu ra và các nhà sử học theo trường phái này cho rằng quan điểm nhìn nhận của phái ‘giải phóng’ là quá đơn giản hoá vấn đề. Ví dụ như vai trò của quá trình quân sự hoá nền kinh tế và những xáo trộn xã hội mà nước Nga phải gánh chịu khi tham dự đại chiến thế giới lần thứ nhất là như thế nào đối vơí CM tháng 10? Liệu những dòng bạo lực xuất hiện trong xã hội có dẫn đến bạo lực tổng thể đối với toàn xã hội? Làm thế nào mà một phong trào bình dân và quảng đại như vậy, với bản chất chống lại nhà nước lại tạo nên một thứ quyền lực nhà nước chuyên chế nhất, độc đoán nhất trong tất cả các nhóm chính trị? Và cuối cùng là liệu có mối liên hệ nào giữa việc sự tiến hoá cấp tiến mang tính tất yếu của xã hội Nga vào thời điểm năm 1917 và hiện tượng cụ thể là chủ nghĩa Bolsevic?
Cùng với thời gian và những cuộc tranh luận thú vị và sống động giữa các nhà sử học đã đưa đến nhận định: cách mạng tháng 10 là một sự hội tụ của hai quá trình vận động. Một mặt là quá trình giành quyền lực được tổ chức kỹ lưỡng, diễn ra trong hoà bình của một Đảng mà hệ tư tuởng, cương lĩnh hành động của nó khác hoàn toàn với những thành phần xã hội còn lại tham gia trong tiến trình của cuộc CM. Ở mặt khác là cuộc cách mạng xã hội rộng lớn của các thành phần khác diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cuộc cách mạng xã hội này có nhiều mặt này bao gồm những phong trào nổi dậy của nông dân có nguồn gốc xâu xa từ trong lịch sử của nước Nga, và sự nổi dậy này không chỉ đơn thuần được đánh dấu bởi sự thù nghịch của nông dân với tầng lớp địa chủ mà còn là sự ngờ vực giữa nông thôn và thành thị, giữa trong lòng nước Nga và thế giới bên ngoài, sự ngờ vực với bất cứ kiểu can thiệp nào từ phía nhà nước.
Mùa hè và mùa thu năm 1917 được xem như là đỉnh điểm của cao trào của các nỗi dậy bắt đầu từ năm 1902 mà những hậu quả nó gây ra chỉ bắt đầu thấy được vào khoảng thời gian 1905-1907. Năm 1917 là năm quyết định của cuộc cách mạng ruộng đất. Cuộc cách mạng mà sự đối đầu giữa một bên những người nông dân, những người muốn đất đai được chia theo đầu người, và một bên là những chủ đất. Và nó cũng chính là cuộc đối đầu giữa nông dân và chính quyền, là sự chống đối lại quyền lực của thành thị áp đặt lên nông thôn. Nếu nhìn nhận theo quan điểm này thì năm 1917 là một năm của một chuỗi các cuộc đối đầu kiểu này và chúng còn tiếp tục cho đến khoảng thời gian 1919-1922 và 1929-1933, kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn của phía nông thôn với việc dồn dân bắt buộc vào các nông trang tập thể.
Cũng trong năm 1917, trong lúc các phòng trào đấu tranh của nông dân lên cao thì trong quân đội lại diễn ra một quá trình thoái hoá. Lúc bấy giờ trong quân ngũ có đến hơn 10 triệu lính là nông dân bị bắt phải ra nhập quân đội để tham gia vào cuộc chiến thế giới lần thứ nhất. Một cuộc chiến mà rõ ràng những người nông dân Nga này chẳng hề quan tâm. Các tướng lĩnh trong quân đội Nga lúc đó thường xuyên phàn nàn về sự thiếu hụt về ‘lòng yêu nước’ của thành phần binh lính xuất thân từ nông dân, những người mà hiểu biết về thế giới văn minh của họ chưa bao giờ vượt ra khỏi cái ‘luỹ tre làng’ (ND).
Phong trào thứ ba diễn ra lúc bấy giờ là trong tầng lớp công nhân lao động chủ yếu tập trung ở các thành phố. Lúc đó tầng lớp này chỉ chiếm khoảng gần 3% dân số Nga. Môi trường thành thị lúc đó là nơi tạo ra những mâu thuẫn xã hội nảy sinh từ quá trình hiện đại hoá nền kinh tế diễn ra mới chỉ được một thế hệ. Chính từ môi trường này ra đời một phong trào đấu tranh với mục đích bảo vệ các quyền lợi của công nhân, với những khẩu hiệu chủ yếu như:”quyền lực của công nhân”,”quyền lực về tay các soviet”.
Phong trào thứ tư và cũng là cuối cùng chính là sự giải phóng nhanh chóng của các nước nhỏ khỏi sự cai trị của nước Nga to lớn và hùng mạnh. Rất nhiều nước ban đầu đòi tự trị và sau đó là độc lập.
Mỗi phong trào nói trên vận động, phát triển với những cấp độ khác nhau tuỳ vào những đặc điểm nội tại của phong trào và thành phần xã hội tương ứng. Mỗi phong trào đó có một nguyện vọng, một mục đích đấu tranh của riêng mình và không hẳn đồng nhất với hoạt động và khẩu hiệu chính trị của những người Bolsevic. Nhưng chính những phong trào như vậy lại trở thành những chất xúc tác cho quá trình phá bỏ thể chế truyền thống và quyền lực từ chính quyền trung ương. Sự kiện tuy ngắn nhưng mang tính chất quyết định diễn ra vào tháng mười năm 1917 đó là cuộc nổi dậy của những người Bolsevic. Nó được xem như là hành động của một nhóm thiểu số diễn ra trong thời điểm có khoảng trống về chính trị và quyền lực. Vào thời điểm đó nguyện vọng và mục tiêu trước mắt của nó trùng hợp với nguyện vọng của các phong trào đấu tranh xã hội khác, cho dù những mục tiêu xa hơn của nó thì không phải như vậy. Do đó có thể nói trong khoảnh khắc ngắn ngủi của lịch sử đó, cuộc ‘đảo chính chính trị’ của những người Bolsevic đã giao thoa với các luồng vận động của các phong trào cách mạng khác, trước khi nó tách ra đi con đường riêng của mình để đến với nền chuyên chính độc tài kéo dài nhiều thập kỷ sau đó.
Có thể nói các phong trào mang tính dân tộc và xã hội bùng nổ trong mùa thu năm 1917 là hệ quả của sự kết hợp rất nhiều sự kiện bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, sự đảo lộn của các quan hệ xã hội, sự bất lực của các cơ quan công quyền, và quan trọng nhất có lẽ là sự tham dự vào cuộc chiến của nước Nga đưa đến một bầu không khí mang nặng tính bạo lực trong nước.
Việc tham dự cuộc chiến thế giới lần thứ nhất không những không giúp làm phục hồi sức mạnh của chế độ quân chủ Sa Hoàng mà còn cho thấy rõ sự già nua và yếu đuối của nó mà thật ra đã bị làm cho lung lay từ cuộc cách mạng năm 1905-06. Cuộc chiến cũng cho thấy rõ nhưng yếu kém của một nền kinh tế èo uột chưa được hiện đại hoá một cách đầy đủ, một nền kinh tế phải thường xuyên phụ thuộc vào nguồn vốn, chuyên gia và kỹ thuật từ bên ngoài. Hơn thế nữa cuộc chiến làm sâu thêm hố ngăn cách giữa một nước Nga thành thị, nơi tập trung của quyền lực và nền công nghiệp, và nước Nga nông thôn, nơi sinh sống của những cộng đồng mang tính độc lập và truyền thống.
Cũng giống như các nước tham chiến khác, chính quyền Sa Hoàng đã nghĩ rằng cuộc chiến sẽ không kéo dài. Những khó khăn trong việc xử dụng đường biển và cấm vận kinh tế đã cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn cung cấp từ nước ngoài như thế nào. Ví dụ như việc sau khi các tỉnh phía tây rơi vào tay đế quốc Áo-Hung năm 1915 làm cho nước Nga không thể nhập các thành phẩm công nghiệp cao từ Balan. Nền kinh tế nội địa èo uột không chịu nổi sức nặng của cuộc chiến: sự thiếu hụt các bộ phận máy móc nhập khẩu từ phương tây đã làm cho hệ thống giao thông, tầu hoả của Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn vào năm 1915. Với việc chuyển đổi các nhà máy sang sản xuất các mặt hàng phục vụ cuộc chiến, lượng hàng hoá phục vụ nội địa giảm nhanh chóng dẫn đến thiếu hụt hàng hoá tiêu dùng, nạn lạm phát trở nên phi mã và tình trạng nghèo đói tăng vọt. Ở nông thôn tình trạng cũng nhanh chóng chở nên tồi tệ: những chương trình cho vay vốn nông nghiệp và phân phối lại đất đai bị gián đoạn, thanh niên nông thôn bị lùa vào quân đội, lương thực, gia súc bị trưng thu để phục vụ cho cuộc chiến, mạng lưới trao đổi hàng hoá giữa thành thị và nông thôn bị phá huỷ,... Tất cả những điều đó đã làm ngưng trệ hoàn toàn cuộc cải cách nông nghiệp của nước Nga, được khởi xướng từ năm 1906 bởi thủ tướng Pyotr Stolypin (bản thân ông này bị ám sát vào năm 1911). Thời gian ba năm liền tham gia vào cuộc đại chiến đã làm cho những người nông dân Nga xa rời và xem chính phủ của họ như một thế lực thù nghịch. Cuộc sống hàng ngày khó khăn thiếu thốn trong quân đội và kiểu đối xử như với nô lệ của các sĩ quan đối với binh lính càng làm tăng lên sự chống đối và căng thẳng trong quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên. Hơn thế nữa một loạt các thất bại quân sự cũng làm giảm đáng kể nhuệ khí của quân đội Sa Hoàng. Bạo lực vốn đã bắt rễ trong xã hội nông thôn Nga từ những cuộc nổi loạn trong những năm từ 1902 đến 1906 lại được dịp bùng lên mạnh mẽ.
Vào khoảng cuối năm 1915, hầu như hiệu lực của pháp luật và nhà nước đã không còn tồn tại. Đứng trước sự bất lực và thụ động của chính quyền trung ương, hàng loạt những hội, đoàn, uỷ ban đã được lập ra khắp nơi trên nước Nga đảm nhiệm các công việc mà chính quyền trung ương không còn có khả năng thi hành ví dụ như chăm sóc những người đau yếu bệnh tật, tiếp vận lương thực, thực phẩm cho người dân ở thành phố và quân đội. Trên thực tế lúc đó, khắp nơi trên nước Nga diễn ra một phong trào chuyển sang kiểu chính quyền tự trị mà phạm vi và sức mạnh của nó trước đó không ai ngờ được. Một phong trào như vậy không thể phát triển được nếu không có sự phân rã của quyền lực trung ương.
Sa hoàng Nicholas đệ nhị lúc đó thì luôn muốn tạo cho mình một hình ảnh của một quân vương vì dân, một nguyên thủ tối thượng của quốc gia, người cha của nông dân. Ông tự mình nắm quân đội và những thất bại liên tiếp của quân đội Sa Hoàng đã làm cho chính ông mất mặt với dân chúng. Từ mùa thu năm 1915, Nicholas chán nản tự giam mình trong đại bản doanh Mogilev và cuối cùng phải nhường lại quyền trị vì cho nữ hoàng Alexandra. Nhưng vì là người gốc Đức mà Alexandra không được lòng của dân chúng.
Bắt đầu từ năm 1916, chính quyền Sa Hoàng đã trở nên mất hết quyền lực. Viện Duma (quốc hội –ND), quốc hội đầu tiên được bầu ra ở Nga, chỉ họp có vài tuần trong một năm. Thủ tướng, các bộ trưởng trong chính phủ rặt toàn những kẻ vô danh và bất tài, ‘chóng lên, chóng xuống’. Cũng lúc đó có tin đồn rằng nữ hoàng Alexandra và phe của bà (bao gồm cả Rasputin) sẽ mở cửa đất nước để đầu hàng kẻ thù. Đối với tầng lớp quý tộc Nga lúc đó cuộc chiến mà nước Nga đang tham dự là một cuộc chiến không thể giành chiến thắng. Vào cuối năm 1916, nước Nga thực sự rơi vào tình trạng vô chính phủ. Bầu không khí chính trị trở nên căng thẳng được thổi bùng thêm bằng vụ ám sát Rasputin vào ngày 31 tháng 12. Liên tục diễn ra các cuộc đình công của công nhân và những cuộc nổi loạn của binh lính, hệ thống giao thông và mạng phân phối hàng hoá của đất nước trở nên rối loạn. Những sự kiện diễn ra trong tháng 2 năm 1917 báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của một chính quyền yếu đuối và bất lực.
Chính quyền Sa hoàng sụp đổ nhanh chóng chỉ năm ngày sau các cuộc biểu tình và đình công của công nhân và cuộc nổi loạn của hàng ngàn binh sĩ ở trại lính Petrograd. Sự sụp đổ này không những cho thấy sự rệu rã của chính quyền, sự rối loạn của quân đội (thậm chí những chỉ huy của nó còn không giám cắt cử các đơn vị đi đàn áp các cuộc biểu tình) mà còn dẫn đến sự chia rẽ giữa những phần tử tự do của của Đảng Dân chủ lập hiến và Đảng dân chủ xã hội Nga.
Trong khi những người của đảng dân chủ lập hiến lo ngại những cuộc nổi loạn của dân chúng thì những người của đảng dân chủ xã hội lại lo lắng sẽ có những phản ứng từ phía quân đội. Phe dân chủ lập hiến thì lo sợ các cuộc nổi loạn sẽ kéo dài và lan rộng, còn phe dân chủ xã hội thì lại cho rằng cuộc ‘cách mạng tư sản’ là bước đầu tiên trên con đường tiến tới một cuộc các mạng xã hội rộng lớn và toàn diện hơn. Sự thương lượng kéo dài giữa hai phe đã đi đến một thoả thuận chia xẻ quyền lực lỏng lẻo, tạm thời và không rõ ràng. Hai bên là đại diện cho hai hướng cách mạng xã hội trái biệt nhau. Một bên là chính phủ lâm thời, với mục đích tạo ra những giá trị như trật tự xã hội ổn định, nền dân chủ nghị trường, phấn đấu để xây dựng nước Nga thành một nước tư bản hiện đại, liên kết chặt chẽ với các đồng minh lúc đó của nó là Anh và Pháp. Phía bên kia là Soviet ở Petrograd được tạo ra bởi những công nhân có vũ trang theo mô hình soviet ở St. Petersburg năm 1905, đại diện cho ý chí và mục đích cách mạng của ‘quảng đại quần chúng’. Nhưng soviet này cũng biến đổi rất nhanh chóng (cả về cấu trúc lẫn tầng lớp xã hội mà nó tuyên bố là đại diện).
Ba nội các chính phủ kế tiếp nhau trong khoảng thời gian từ 2 tháng 3 đến 25 tháng 10 năm 1917 cho thấy những chính phủ mới đã không thể giải quyết được những vẫn đề xã hội còn tồn đọng từ thời Sa Hoàng như: cuộc khủng hoảng kinh tế, những thất bại quân sự trong cuộc chiến, những cuộc nổi dậy của các tầng lớp lao động chốn thị thành, vấn đề ruộng đất ở nông thôn. Những người chiếm đa số trong các nội các chính phủ này (những người thuộc phái tự do của đảng dân chủ lập hiến đối với hai nội các đầu, những người Melsevic và Dân chủ xã hội ở nội các thứ ba) đều là những tầng lớp xuất thân từ thượng tầng của xã hội ở đô thị, họ luôn bị giằng xé giữa một bên là sự tin tưởng ngây thơ và mù quáng vào ‘nhân dân’ và một bên là nỗi lo sợ rằng những con sóng của các phong trào quần chúng sẽ nhấn chìm chính họ. Trong những tháng đầu cuộc cách mạng diễn ra trong hoà bình với sự ngự trị của làn sóng dân chủ xuất hiện sau sự sụp đổ của chính quyền Sa Hoàng. Ngay như hoàng tử Lvov, người cầm đầu hai nội các chính phủ đầu tiên đã mơ sẽ ‘biến nước Nga thành một đất nước tự do nhất thế giới’. Trong bản hiến chương đầu tiên của mình ông viết:’Tinh thần của nhân dân Nga đã bộc lộ cho toàn thế giới thấy nó chính là tinh thần dân chủ phổ dụng trên trái đất này. Tinh thần này không những đã tự nó hoà mình vào dòng chảy dân chủ của nhân loại mà còn đưa đất nước đến con đường đã được vạch ra trong cuộc cách mạng Pháp trước đây đó chính là con đường đi đến 'Tự do – Bình Đẳng – Bác ái’.
Với những niềm tin về các giá trị dân chủ như vậy, chính phủ lâm thời Nga đã cố gắng tiến hành mở rộng dân chủ như công nhận những giá trị tự do cá nhân và bầu cử phổ thông đầu phiếu, chống mọi sự phân biệt đối xử dựa trên giai cấp, chủng tộc, tôn giáo; công nhận quyền tự chủ của Balan, Phần Lan, hứa trao thêm quyền tự trị cho các nước cộng hoà nhỏ nằm trong nước Nga. Chính phủ lâm thời lúc đó tin rằng bằng việc thực thi các giá trị dân chủ nói trên sẽ giúp làm tăng cao lòng yêu nước, tăng tính đoàn kết gắn bó của xã hội, tạo ra những chiến thắng quân sự bên cạnh những đồng minh trong cuộc chiến và xây dựng mối quan hệ vững chắc giũa nước Nga và các nước dân chủ phương Tây khác. Tuy nhiên ngoài những việc trên, chính phủ Nga lúc đó không biết áp dụng các biện pháp cần thiết khác, trong điều kiện thời chiến, để đảm bảo tương lai cho chính mình. Nó vẫn mang tính ‘tạm thời’ và cố tình lảng tránh không giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt của xã hội lúc đó là: cuộc chiến và vấn đề ruộng đất. Trong vài tháng cầm quyền, giống như các chính phủ trước, nó đã không thể giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng của xã hội như: cuộc khủng hoảng kinh tế chủ yếu do việc tham chiến gây nên, nạn nghèo đói, lạm phát, ngừng trệ của mạng lưới buôn bán trao đổi hàng hoá, sự phá sản của các nhà máy, xí nghiệp, nạn thất nghiệp đang làm cho bầu không khí xã hội trở nên vô cùng căng thẳng.
Trước sự thụ động trong việc giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách của chính phủ, xã hội Nga đã tiến đến một quá trình tự tổ chức, tự vận động của riêng mình. Chỉ trong vài tuần hàng ngàn xoviet, hội đồng, uỷ ban thường trực nhà máy, của các nhóm công nhân có vũ trang, của binh sĩ, nông dân, Cossacks,... được thành lập. Những tổ chức này cung cấp những diễn đàn chưa từng có cho mọi tầng lớp dân chúng bày tỏ quan điểm của mình, là nơi mọi người đưa ra những ý tưởng mới, những cuộc tranh luận. Đó thực sự như là ‘ngày hội của tự do’ nhưng ngày càng trở nên nhuốm màu bạo lực. Mitigovatine (những cuộc họp kéo dài bất tận) hoàn toàn trái ngược với quá trình dân chủ nghị trường được vạch ra bởi những chính trị gia trong chính quyền mới lúc đó. Quá trình cấp tiến hoá của xã hội Nga diễn ra liên tục trong năm 1917.
Những đòi hỏi của các phong trào công nhân ban đầu xuất phát từ những nhu cầu kinh tế như là: chế độ làm việc 8 tiếng một ngày, dừng ngay lập tức những hình thức trừng phạt hà khắc của giới chủ mỗi khi công nhân mắc lỗi, chế độ bảo hiểm xã hội, và tăng lương – đã nhanh chóng chuyển sang thành những đòi hỏi mang tính chính trị. Điều này chứng tỏ đã có một sự dịch chuyển đáng kể trong cân bằng quan hệ giữa giới chủ và tầng lớp công nhân làm thuê. Công nhân tổ chức ra những hội đoàn trong các nhà máy với mục đích chính là để tham gia vào quá trình tuyển chọn công nhân, chống lại việc đóng cửa nhà máy, và thậm chí cả việc tham gia cai quản các phương tiện lao động tại nhà máy. Để tồn tại những tổ chức này, rất cần có một dạng chính quyền mới, với “quyền lực xô viết”, có khả năng thực hiện những biện pháp mạnh, triệt để như thâu tóm và quốc hữu hoá nền kinh tế.
Những người lính-nông dân với lực lượng vào khoảng 10 triệu đã đóng một vai trò quyết định cho cuộc cách mạng năm 1917. Quá trình tan rã nhanh chóng của quân đội dẫn tới sự sụp đổ thế chế nhà nước. “Sắc lệnh số một” ban hành bởi chính phủ lâm thời huỷ bỏ những luật lệ đối xử hà khắc với binh lính trong quân đội đã góp phần nâng cao quyền lực của những ‘hội đồng quân nhân’. Họ có quyền bầu ra những sĩ quan chỉ huy của mình và thậm chí tham dự cả vào việc hoạch định chiến lược, chiến thuật ngoài mặt trận. Tướng Aleksei Brusilov, tổng tư lệnh quân đội Nga, đã gọi thứ ‘quyền lực binh lính’ này là thứ ‘chủ nghĩa bolsevic trong các chiến hào’. Tướng Brusilov nhận định:”Những người lính, họ chẳng có một tý ý niệm về thế nào là chủ nghĩa cộng sản, vô sản, hay hiến pháp. Đơn giản họ muốn thấy hoà bình, muốn có đất đai, và một cuộc sống tự do không bị ràng buộc bởi luật pháp, sĩ quan chỉ huy, chủ đất. Chủ nghĩa bolsevic trong họ không có gì khác hơn ngoài một thứ tự do lý tưởng –thực chất là tự do vô chính phủ!”.
Sau thất bại quân sự trong chiến dịch cuối cùng của Nga trong thế chiến lần thứ nhất vào tháng 6 năm 1917, quân đội Nga bắt đầu quá trình tan rã. Hàng trăm sĩ quan bị binh lính buộc tội là phản cách mạng, bị bắt, và bị hành quyết. Số lượng những binh sĩ đào ngũ tăng lên đến hàng chục ngàn người mỗi ngày. Những người lính xuất thân nông dân chỉ có một mục đích duy nhất lúc đó: trở về quê càng sớm càng tốt để tham gia vào quá trình giành lại đất đai và đàn gia súc từ tay các chủ đất. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1917, hơn 2 triệu binh lính, quá mệt mỏi với cuộc chiến cùng cuộc sống khó khăn và nguy hiểm trong các chiến hào, đã đào ngũ. Sự trở về của họ càng làm tăng thêm những căng thẳng tại các vùng nông thôn.
Cho đến tận mùa hè năm 1917, những điểm đóng của cuộc cách mạng ruộng đất vẫn mang tính cục bộ, đặc biệt nếu đem so sánh với những cuộc nổi dậy giành ruộng đất ở nông thôn những năm 1905-1906. Khi tin tức về sự thoái vị của Sa Hoàng lan rộng, hiệp hội nông dân nhóm họp và đưa ra thỉnh nguyện thư bày tỏ sự bất bình và những yêu cầu của họ: - đất dai phải được phân phát cho những người thực sự dùng nó để canh tác, những đất bỏ hoang không canh tác của các chủ đất phải ngay lập tức được thu hồi và phân phát lại cho nông dân, giảm đáng kể địa tô (giá thuê đất). Những phong trào nông dân ngày càng trở nên có tổ chức, những nông hội được lập ra ở cấp địa phương và cấp vùng được lãnh đạo bởi giới trí thức tại các địa phương, vùng tương ứng như các giáo viên, nhà nông học, bác sĩ, cha cố đạo, - những người luôn ủng hộ mục đích của cuộc cách mạng xã hội (đó là giả quyết vấn đề ruộng đất –ND). Từ tháng 5 trở đi, rất nhiều hội đồng ruộng đất của các nông hội đã tiến hành tịch thu đất đai, gia súc của những của chủ đất bao gồm cả rừng, đồng cỏ, và đất bỏ hoang.
Những nạn nhân trong cuộc chiến giành đất đai này không chỉ là những chúa đất mà cả những phú nông (kulak), những người nhờ chương trình cải cách của thủ tướng Stolypin đã trở nên có chút đất đai, của cải và gia súc. Ngay từ trước khi cuộc cách mạng tháng 10 nổ ra những người kulak đã trở nên yếu thế và là mục tiêu tấn công trong các khẩu hiệu của những người Bolsevic như là:”Bọn phú nông keo bẩn”, “Bọn tư sản nông thôn”, “Bọn phú nông khát máu”. Đến thời điểm đó rất nhiều của cải, gia súc đất đai của họ cũng đã bị tịch thu và được đem chia lại theo nguyên tắc dựa trên đầu người trong mỗi gia đình.
Cuộc cách mạng ruộng đất tại nông thôn trở nên bạo lực hơn với sự trở về của hàng trăm nghìn binh sĩ đào ngũ. Vào tháng tám, thất vọng vì sự chần chừ của chính quyền trung ương trong việc cải cách ruộng đất, những người nông dân đã đốt nhà và trục xuất các chủ đất. Riêng ở Ukraina và các tỉnh ở trung tâm nước Nga như Tambov, Penza, Voronezh, Saratov, Orel, Tula, Ryazan, hàng ngàn ngôi nhà đã bị đốt cháy hàng trăm chủ đất bị hành hình.
Đối mặt với sự lan rộng của cuộc cách mạng xã hội này, những người cầm quyền cũng như các đảng phái chính trị –trừ những người Bolsevic- đều dao động giữa một bên là mong muốn điều khiển và định hướng những phong trào này với một bên là dùng sức mạnh quân sự để đàn áp nó. Sau khi giành được chỗ trong chính quyền, những người Melsevic, vốn có uy tín trong các tầng lớp lao động, và những người thuộc phe cách mạng xã hội, vốn có cơ sở phong trào vững chắc ở Nông Thôn, đã không thể tiến hành được cuộc cải cách xã hội mà chính họ (đặc biệt là những người cách mạng xã hội), vẫn thường yêu cầu trước khi lên cầm quyền, đó là chương trình cải cách ruộng đất.
Nguyên nhân chủ yếu của việc này là họ hợp tác với chính quyền mà mục đích chủ yếu là thiết lập và duy trì trật tự xã hội và nền pháp trị. Khi họ trở thành những nhà quản lý hay lãnh đạo của giai đoạn cách mạng tư sản, những đảng xã hội trung dung này đã từ bỏ những lời kêu gọi cho một cuộc cách mạng cấp tiến hơn nữa vì họ không muốn điều này ảnh hưởng đến quyền lực chính quyền mà họ được tham gia nắm giữ dù chính quyền này đang dần mất đi quyền lực thực sự. Chỉ còn những người Bolsevic làm việc này.
Trước nguy cơ xã hội ngày càng rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, những nhà đại tư sản công nghiệp, chủ đất, lãnh đạo quân đội và một số người thuộc đảng giải phóng đã nghĩ đến việc tiến hành một cuộc đảo chính quân sự. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng này là tướng Kornilov. Tuy nhiên sau đó phần lớn trong số này quyết định không thực hiện ý tưởng đó vì một cuộc đảo chính quân sự lúc đó sẽ phá huỷ quyền lực hợp hiến của chính phủ lâm thời qua bầu cử do Aleksandr Kerensky cầm đầu. Cuộc nổi loạn chớp nhoáng của tướng Kornilov ngày 24-27 tháng tám đã đưa chính phủ lâm thời đến khủng hoảng không thể tháo gỡ. Trong khi những những viên chức dân sự của chính phủ và lực lượng lãnh đạo quân đội đang tiến hành những cuộc đàm phán không thể có kết quả thì hệ thống chính quyền trung ương, toà án, cơ quan phục vụ công cộng và quân đội bắt đầu quá trình tan rã.
Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi nhận định quá trình cấp tiến hoá của các thành phần xã hội ở thành thị cũng như nông thôn là quá trình Bolsevic hoá. Những khẩu hiệu chung như “quyền lực của công nhân” hay “quyền lực về tay các xô viết” có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau giữa những công nhân có vũ trang và những nhà lãnh đạo Bolsevic. Trong quân đội, “chủ nghĩa Bolsevic trong chiến hào” thực ra chỉ là khát vọng mong muốn hoà bình và đất đai của những người lính đã và đang lặn ngụp trong một cuộc chiến tranh đẫm máu chưa từng thấy. Cuộc cách mạng của nông dân ở nông thôn thì mang tính tự phát hơn theo chiều hướng đưa ra của đảng cách mạng xã hội, đó là chương trình chia đất đai theo bình quân đầu người. Cách giải quyết vấn đề đất đai của những người Bolsevic thật ra đối nghịch với mong muốn trên của nông dân. Họ muốn tiến hành quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất và sau đó tiến hành canh tác đại trà với những nông trang tập thể (hợp tác xã nông nghiệp). Ơ nông thôn, hầu như không ai biết đến những người Bolsevik, ngoại trừ những câu chuyện trái ngược được kể lại bởi những quân nhân đào ngũ trở về làng. Tất cả những câu chuyện này được gói gọn trong hai từ diệu kỳ:”đất đai” và ‘hoà bình”. Số lượng thành viên Bolsevic dường như không quá 2 nghìn vào đầu năm 1917, nhưng sự có mặt của những uỷ ban, xô viết, và những nhóm chính trị khác đã giúp tạo ra cái bóng mát xum xuê giữa mùa thu đang có khoảng trống về quyền lực. Đó là môi trường lý tưởng cho những nhóm chính trị nhỏ nhưng được tổ chức tốt có thể nhân đó giành lấy quyền lực lớn lao gấp nhiều lần so với kích thước của các nhóm chính trị đó. Và những người Bolsevic đã thực hiện thành công.
Từ khi được thành lập vào năm 1903, đảng Bolsevic luôn là một lực lượng đứng ngoài những dòng thác cách mạng dân chủ hoá xã hội diễn ra ở Nga cũng như Châu Âu. Nguyên nhân do sự khác biệt quá lớn giữa tư tưởng (cực tả - ND) của họ với những trật tự chính trị xã hội của xã hội hiện tại và bởi Đảng này luôn tự nhìn nhận mình như một Đảng có tổ chức cao, kỷ luật chặt chẽ và là tập hợp của những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Chính vì vậy những Đảng Bolsevic hoàn toàn đối lập với Melsevik cũng như các đảng phái dân chủ xã hội khác ở Châu Âu, những Đảng luôn chủ trương mở rộng cánh cửa ra nhập đảng cho số đông quần chúng và chấp nhận nhiều khuynh hướng và quan điểm khác nhau.
Cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất giúp đảng Bolsevik được tinh chế hơn nữa. Lenin ngày càng trở nên bị cô lập do từ chối hợp tác cùng với những phong trào dân chủ xã hội khác đang diễn ra. Điều đó giải thích vị trí, góc độ nhìn nhận mang tính lý thuyết về cách mạng của Lenin trong thời điểm này thể hiện qua những bài viết của ông như trong tiểu luận: ”Chủ nghĩa đế quốc: giai đoạn tận cùng của chủ nghĩa tư bản”. Lenin bắt đầu lý luận rằng cách mạng không nhất thiết nổ ra ở những nước tư bản phát triển cao mà ở tại những nước kinh tế kém phát triển hơn như là nước Nga, miễn là nó được lãnh đạo bởi một đảng cách mạng chuyên nghiệp, kỷ luật sắt, là tập hợp của những người tiên phong sẵn sàng hành động kể cả ở mức độ cực đoan. Trong trường hợp cụ thể ở nước Nga đó là tạo nên nền chuyên chính vô sản và biến ‘cuộc chiến của đế quốc’ thành một cuộc nội chiến.
Trong lá thư vào ngày 17 tháng 10 năm 1917 gửi cho Aleksandr Shlyapnikov, Lenin viết:
"Điều tệ hại nhất có thể xảy ra trong thời gian trước mắt chính là sự thất bại của Sa Hoàng trong cuộc chiến...Bản chất công việc của chúng ta (tất nhiên phải kiên định, hệ thống và có lẽ là lâu dài) là bằng mọi cách biến cuộc chiến thành một cuộc nội chiến. Khi nào điều này xảy ra? hiện còn chưa rõ. Chúng ta phải đợi cho đến thời điểm chín muồi hoặc có thể bắt nó phải chín muồi một cách có hệ thống...Chúng ta không chắc chắn là sẽ có một cuộc nội chiến, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng đó và phải cuơng quyết hành động hướng tới mục đích đó nếu chúng ta phải làm vậy."
Trong suốt giai đoạn cuộc chiến thế giới lần thứ nhất, Lenin luôn cho rằng những người Bolsevik phải luôn sẵn sàng cho một cuộc nội chiến bằng mọi giá. Tháng 9 năm 1916 ông viết:”Bất cứ ai tin tưởng vào cuộc đấu tranh giai cấp thì phải nhận thấy rằng cuộc nội chiến trong một xã hội có giai cấp là một tiếp nối tự nhiên, sự phát triển, là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp”.
Sau khi cuộc cach mạng tháng nổ ra (vào lúc mà phần lớn những nhà lãnh đạo Bolsevik đang bị lưu đày hay đang lưu vong ở nước ngoài), Lenin, trái với đại đa số các lãnh đạo Bolsevik khác đã dự đoán chương trình hoà hợp hoà giải của chính phủ lâm thời sẽ thất bại. Trong "bốn lá thư từ hải ngoại", được viết từ Zurich vào khoảng thời gian từ 20 đến 25 tháng 3 năm 1917, trong đó tờ nhật báo Bolsevik Pravda (sự thật) chỉ giám cho đăng lá thư thứ nhất (vì những ý kiến Lenin đưa ra lúc đó quá trái ngược với quan điẻm của những lãnh đạo Bolsevik tại Petrograd), Lenin kêu gọi sự tuyệt giao giữa Xoviet Petrograd và chính quyền lâm thời và tích cực chuẩn bị cho giai đoạn ‘vô sản ‘ của cuộc cách mạng. Trong sự nhìn nhận của mình, Lenin cho rằng sự xuất hiện của các Xoviet là dấu hiệu cho thấy giai đoạn “tư sản’ của cuộc cách mạng đã được hoàn thành. Những người Bolsevik cần nhanh chóng giành quyền lực bằng vũ lực và chấm dứt cuộc chiến của đế quốc, cho dù có phải trả giá bằng cuộc nội chiến liền sau đó.
Sau khi trở về Nga vào ngày 3 tháng 4 năm 1917. Lenin vẫn tiếp tục bảo vệ những quan điểm cực tả của mình. Trong bài viết nổi tiếng "Luận cương tháng tư", Lenin một lần nữa khẳng định sự đối nghịch không thể lay chuyển của mình với một nền cộng hoà nghị trường và quá trình dân chủ hoá của xã hội. Mặc dù rất nhiều những nhà lãnh đạo Bolsevik ở Petrograd không hiểu nổi hay phản đối kịch liệt quan điểm này của Lenin, quan điểm của Lenin dần đã giành được chỗ trong đầu của những người Bolsevik đặc biệt là những đảng viên mới gia nhập đảng, những người mà Stalin gọi là những nhà thực hành cách mạng (praktiki – practitioners - đối nghịch với những lý thuyết gia cách mạng -ND). Chỉ trong vài tháng sau đó, số lượng các đảng viên thuộc thành phần bình dân gia nhập đảng tăng nhanh và trở nên đại đa số so với những người thuộc tầng lớp trí thức trong Đảng. Những đảng viên có vũ trang này với thành phần xuất thân khiêm tốn mang theo mình vào đảng cả truyền thống bạo lực ở nông thôn nước Nga mới được thổi bùng lên trong cuộc đại chiến. Với kiến thức và hiểu biết về chính trị rất hạn chế, họ muốn biến đổi nhanh chóng những lý thuyết cách mạng được đưa ra bởi ‘chủ nghĩa Bolsevik trí thức’ để không còn bị hạn chế bởi những ràng buộc nhất định của hệ tư tưởng Maxit. Thực tế họ không quan tâm đến chuyện giai đoạn ’CM tư sản’ liệu có thực sự cần thiết trong quá trình tiến lên chủ nghĩa XH. Họ chỉ tin vào hướng của bạo lực và hành động, và ủng hộ những phe trong đảng mà lý thuyết đặt trọng tâm vào việc nhanh chóng giành quyền lực.
Lenin lúc đó bị mắc kẹt giữa hai bên: một bên là lực lượng cách mạng có xuất thân thấp, những người muốn hành động ngay lập tức, những người này gồm có những thuỷ thủ thuộc căn cứ hải quân Kronstadt gần Petrograd, một số trung đoàn tại thủ đô, những binh đoàn công nhân có vũ trang ở Vyborg; và một bên là nhóm những nhà lãnh đạo, những người luôn lo ngại rằng khởi nghĩa quá vội vàng dễ dẫn đến thất bại. Không giống với những gì được ghi trong tài liệu lịch sử xô viết ‘chính thống’, năm 1917 là năm của sự chia rẽ xâu sắc trong đảng Bolsevik giữa một bên quá rụt rè, cẩn trọng và một bên quá đỗi hăng hái, nhiệt tình. Vào tháng 7 năm 1917, sau những lộn xộn diễn ra tại căn cứ hải quân Kronstads và sự trạm chán với các lực lượng của chính phủ đã xuýt dẫn đến việc đảng Bolsevik bị huỷ diệt hoàn toàn. Sau những cuộc biểu tình, tuần hành đẫm máu từ ngày 3 đến ngày mùng 5 tháng 7 ở Petrograd, rất nhiều lãnh đạo của đảng Bolsevik đã bị bắt, bản thân Lenin buộc phải lưu vong ra nước ngoài.
Tuy nhiên đảng Bolsevik tái xuất trở lại vào khoảng cuối tháng 8 năm 1917 trong một hoàn cảnh khá thuận lợi cho việc giành quyền lực. Sự bất lực của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề lớn đã trở nên quá rõ ràng thể hiện rõ nhất qua sự tan rã của các cơ quan hành pháp và lập pháp. Sự lớn mạnh của các phong trào xã hội. Cuộc đảo chính quân sự bất thành của tướng Kornilov.
Một lần nữa, vai trò cá nhân của Lenin, dưới tư cách là một lý thuyết gia cũng như hoạch định chiến lược gia, mang tính quyết định. Vài tuần trước khi diễn ra cuộc đảo chính của những người Bolsevik, Lenin đã đích thân chuẩn bị các bước cần thiết cho một cuộc giành chính quyền bằng hành động quân sự. Không gì có thể lay chuyển ý chí giành chính quyền bằng bạo lực của Lenin lúc đó cho dù đó là những cuộc kháng cự trong tương lai của quảng đại quần chúng hay những người theo chủ nghĩa ‘cách mạng hợp pháp’ như Zioviev và Lev Kamenev, những người, rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu trong những ngày tháng 7, muốn tiến hành cuộc khởi nghĩa khi đã có đủ sự ủng hộ của những người xã hội dân chủ và cách mạng xã hội với mọi khuynh hướng khác nhau. Từ Phần Lan, Lenin liên tục gửi một loạt các bài báo và thư về Trung ương đảng Bolsevik kêu gọi cần lập tức tiến hành khởi nghĩa. Ông viết:”Bằng việc ngay lập tức đưa ra khẩu hiệu về hoà bình và đất đai về tay nông dân, những người Bolsevik chúng ta sẽ thiết lập được một cơ sở ủng hộ vững chắc mà không một ai có thể lay chuyển được. Những người Bolsevik chúng ta không cần thiết phải đợi một sự đồng thuận đa số của xã hội. Đừng bao giờ mong chờ những thứ đó! Lịch sử sẽ không tha thứ nếu chúng ta không ngay lúc này giành lấy quyền lực”.
Sự khẩn trương thúc dục của Lenin trong bối cảnh cách mạnng biến đổi ngày càng thuận lợi cho những người Bolsevik khiến những nhà lãnh đạo Bolsevik không khỏi hoài nghi và bối rối. Đối với họ, rõ ràng là cách tốt nhất là hãy bám chặt sau lưng của quảng đại quần chúng, kích động họ tham gia vào những hành động bạo lực của cách mạng và tăng ảnh hưởng của các phong trào xã hội. Do đó họ cho rằng cần phải đợi đến hội nghị lần thứ hai các Soviet toàn nước Nga dự định diễn ra vào ngày 20 tháng 10. Đối với họ nhiều khả năng những người Bolsevik sẽ chiếm đa số trong hội đồng điều hành các Soviet quốc gia vì họ có rất nhiều các đoàn đại diện đến từ các tầng lớp lao động và binh sĩ. Tuy nhiên Lenin thì lại sợ rằng nếu việc bầu cử tại hội nghị diễn ra, rất có thể sẽ dẫn đến việc những người Bolsevik phải chia xẻ quyền lực. Từ nhiều tháng trước đó, Lenin kêu gọi một cuộc CM giành quyền lực về tay chỉ những người Bolsevik và ông muốn bằng mọi giá thực hiện cuộc khởi nghĩa vũ trang trước khi đại hội toàn quốc lần thứ hai của các Soviet diễn ra. Ông thừa biết rằng các đảng phái khác chắc chắn sẽ lên án những động thái kiểu như vậy của những người Bolsevik và do đó tự buộc mình vào vị trí đối lập để lại tất cả quyền lực vào trong tay của những người Bolsevik.
Vào tháng 10 năm 1917, sau khi bí mật trở về Petrograd, Lenin đã cho nhóm họp mười hai trên hai muơi mốt thành viên của trung ương đảng Bolsevik. Sau mưòi giờ bàn luận và thương lượng, Lenin đã thành công trong việc thuyết phục đa số bỏ phiếu ủng hộ quyết định quan trọng nhất tính đến lúc bấy giờ của đảng Bolsevik – tiến hành khởi nghĩa vũ trang ngay lập tức. Tỷ lệ bỏ phiếu là 10 thuận, 2 chống. Những người bỏ phiếu chống là Zinoviev và Kamenev, những người vẫn muốn chờ đến đại hội toàn quốc lần thứ hai của các Soviet. Vào ngày 16 tháng 10, bất chấp sự chống đối của những người dân chủ xã hội thuộc thuộc phái trung dung, Trotsky đã tiến hành thành lập Hội đồng quân sự cách mạng Petrograd (PRMC), một tổ chức quân sự trên lý thuyết là nằm dưới sự điểu khiển của Soviet Petrograd, nhưng trong thực tế được điều hành bởi những người Bolsevik. Nhiệm vụ của nó là tổ chức khởi nghĩa vũ trang để giành quyền lực – và sắn sàng ngăn chặn những chống đối hay nổi loạn của những người theo phái vô chính phủ vẫn còn lần khuất trong đảng.
Thể theo ý kiến của Lenin, những người trực tiếp tham dự vào “cuộc cách mạng xã hội vĩ đại tháng 10” được hạn chế về mặt số lượng – bao gồm vài nghìn binh lính và thuỷ thủ ở Kronstadt, những hồng vệ binh tập trung dưới cờ của PRMC, vài trăm người Bolsevik có vũ trang đến từ các hội đồng công nhân ở các nhà máy. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng và không có sự kháng cự nào đáng kể, cuộc khởi nghĩa diễn ra trôi chảy với rất ít thương vong. Quan trọng nhất là nó được tiến hành dưới danh nghĩa điều hành của PRMC và do đó chỉ bằng một sự kiện này giúp cho những nhà lãnh đạo Bolsevik có thể giành hết quyền lực về tay mình mà không một ai bên ngoài có thể liên hệ nó với đại hội các Soviet.
Chiến lược của Lenin đã thành công. Bị đặt vào tình thế đã rồi, những người thuộc cánh xã hội trung dung tuyên bố: ”Có một hành động quân sự có tổ chức đang núp sau lưng các soviet” và bỏ ra ngoài đại hội. Chỉ còn một nhóm nhỏ thuộc phái cực tả của phái cách mạng xã hội là ở lại tham dự đại hội và tham gia phê chuẩn tính chính thống cho cuộc đaỏ chính quân sự của những người Bolsevik, tham gia bỏ phiếu chuẩn y văn bản do Lenin khởi thảo tuyên bố “tất cả quyền lực về tay soviet”. Nó chỉ là nghị quyết mang tính hình thức cho phép những người Bolsevik dệt nên một truyền thuyết có khả năng đánh lừa biết bao thế hệ cả tin sau đó - đó là họ nắm quyền lãnh đạo đất nước theo ý nguyện của nhân dân trong đất nước của các soviet. Ngay trước khi bế mạc, đại hội 2 các Soviet toàn liên bang phê chuẩn chính phủ mới của những người Bolsevik dưới tên gọi Hội đồng uỷ viên nhân dân Soviet đứng đầu là Lenin và phê chuẩn hai sắc lệnh về đất đai và ruộng đất.
Gần như ngay lập tức một loạt các mẫu thuẫn và bất hoà đã xuất hiện giữa chính quyền mới và các phong trào xã hội. Những phong trào mà cho đến thời điểm đó vẫn hoạt động độc lập với những người Bolsevik gây ra su phá huỷ trật tự chính trị, xã hội, kinh tế cũ. Mâu thuẫn đầu tiên chính là cuộc cải cách ruộng đất. Những nguời Bolsevik luôn chủ chương quốc hữu hoá ruộng đất. Tuy nhiên đứng trước các phong trào các mạng ruộng đất ở nông thôn hiên tại, họ buộc phải tạm nhân nhượng và vay mượn chương trình cải cách ruộng đất của những người cách mạng xã hội, theo đó phê chuẩn quá trình phân phối lại đất đai vào tay nông dân. Sắc lệnh ruộng đất ghi rõ: ” Tất cả quyền sở hữu ruộng đất cũ bị huỷ bỏ. Tất cả đất đai phải giao lại cho các hội đồng cải cách ruộng đất tại địa phương để phân phối lại”. Trên thực tế đó chỉ là hành động hợp thức hoá những gì đã xảy ra từ mùa hè năm 1917, khi tại nhất nhiều vùng nông thôn của nước Nga, những người nông dân nổi dậy cướp đất đai của chúa đất và phú nông về tay mình. Bị buộc phải chiều theo nguyện vọng của một phong trào cách mạng tự phát của nông dân và để dùng nó làm công cụ để giành quyền lực, những người Bolsevik phải đợi một thập kỷ sau mới có thể thực hiện ý đồ của mình về sở hữu đất đai. Cuộc dồn dân bắt buộc vào các nông trang tập thể – cuộc đối đầu quyết liệt nhất giữa chính thể Soviet và những người nông dân – là lời giải bi kịch cho mẫu thuẫn về quyền sở hữu đất đai năm 1917 này.
Mâu thuẫn thứ hai nảy sinh giữa đảng Bolsevik và tât cả các phong trào xã hội tưh phát khác, như là các hội đồng nhà máy, các tổ chức công đoàn của công nhân, các đảng xã hội, các tổ chức cộng đồng, những nhóm công nhân có vũ trang, và trên tất cả là các soviet, những tổ chức, phong trào xã hội đã góp phần phá bỏ hiến pháp và quyền lực nhà nước cũ nay phải đấu tranh để kéo dài quyền hạn của chính mình. Chỉ sau vài tuần tất cả các tổ chức xã hội này đều bị đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng Bolsevik hoặc bị đàn áp thẳng tay. Khẩu hiệu quỷ quyệt kiểu ‘lập lờ đánh lận con đen’ “tất cả quyền lực về tay các soviet”, khẩu hiệu có lẽ là nổi tiếng nhất trên toàn nước Nga vào tháng 10 nămk 1917, đã giúp tạo ra một cái áo khoác che đậy quyền lực thực sự trong tay của những người Bolsevik. Khẩu hiệu ‘quyền lực của công nhân’ thuộc giai cấp mà những người Bolsevik tuyên bố đại diện, cũng bị nhanh chóng dẹp sang một bên cho quyền lực của “nhà nước của công nhân”. Chính vì thế ở đây nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là những người công nhân, những người luôn bị ám ảnh bởi tình trạng thất nghiệp, giảm lương, nạn đói và một bên là chính quyền mà quan tâm chủ yếu là hiệu quả kinh tế. Ngay từ đầu tháng 12 năm 1917, chính quyền mới đã phải đối mặt với một lượng khổng lồ những yêu sách và các cuộc đình công từ phía công nhân. Chỉ sau vài tuần, những người Bolsevik đã nhanh chóng mất đi sự tin tưởng của tầng lớp công nhân, cái mà họ đã rất vất vả để có được trong cả năm trời.
Mâu thuẫn và hiểu lầm thứ ba là giữa những người Bolsevik và các quốc gia chư hầu của chế độ Sa Hoàng cũ. Cuộc đảo chính của những người Bolsevik càng làm nguyện vong của những nước này được độc lập hoàn toàn từ Nga. Họ cho rằng chính quyền mới sẽ ủng hộ điều này. Vì khi công nhận quyền bình đẳng và tự trị, quyền tự quyết của mọi người dân trên đất nước Nga, những người Bolseviks dường như tạo điều kiện để những nước này nhanh chóng tách ra khỏi vòng ảnh huởng của nước Nga. Chỉ trong vòng vài tháng lần lượt Phần Lan, Ba lan, các nước Bantic, Ukraina, Giogia, Amenia, và Azecbaijan tuyên bố độc lập. Bị sốc trước những tuyên bố độc lập liên tiếp này, chính phủ Bolsevik nhanh chóng đặt quyền lợi kinh tế của mình lên trên quyền lợi của các quốc gia trên, vì lúa mỳ từ Ukraina, dầu mỏ từ vùng Capcatdơ, và những nguồn lợi kinh tế từ các nước này là thứ không thể để mất đối với những người Bolsevik. Với quyền lực của mình, chính phủ mới muốn chứng tỏ rằng mình là người thừa kế tất cả những gì để lại của chế độ Sa Hoàng cũ.
Những mâu thuẫn và bất hoà này chưa bao giờ được giải quyết một cách thoả đáng, mà càng ngày càng lớn lên và sinh sôi thêm tạo nên hố sâu ngăn cách giữa chính thể Soviet mới và toàn bộ xã hội. Đối mặt với những lực cản và sự không khoan nhượng từ phía quần chúng, chính phủ Bolsevik nhanh chóng tìm đến biện pháp khủng bố, đàn áp và bạo lực để giữ vững quyền lực giành được của mình.
Sách đen về chủ nghĩa cộng sản
http:// webcache.googleusercontent. com/ search?q=cache%3AMRHRYp8-0o cJ%3Adiendan.vnthuquan.net %2Ftm.aspx%3Fm%3D362380+&c d=5&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
Đôi điều nhận xét về sách đen về ''chủ nghĩa cộng sản''
http:// www.tusachnghiencuu.org/ essay/vhq_sachden.htm
Đôi điều nhận xét về sách đen về ''chủ nghĩa cộng sản''
http://
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét