Có một điều hơi lạ là, dưới ánh sáng của lịch sử mới đây, quyền lực có tính quyết định này của nhóm những người môi giới trung gian chuyên nghiệp về tư tưởng (the professional secondhand dealers in ideas) vẫn chưa được thừa nhận ở một qui mô rộng lớn hơn. Diễn tiến chính trị của thế giới phương Tây trong một trăm năm qua là một minh họa sáng tỏ nhất. Lúc đầu chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ và chẳng ở đâu là một phong trào của tầng lớp lao động. Nó chẳng hề là một phương thuốc hiển nhiên cho một hiểm họa hiển nhiên nhất thiết đòi hỏi bởi các lợi ích của tầng lớp ấy. Nó là một kiến tạo của các nhà lí luận, bắt nguồn từ các xu hướng nhất định của tư duy trừu tượng mà chỉ giới trí thức mới tỏ tường được sau một khoảng thời gian dài; và nó đòi hỏi những nỗ lực dài hơi của giới trí thức trước khi các tầng lớp lao động bị thuyết phục để chấp nhận nó như là cương lĩnh của họ.
Trong mọi quốc gia đã chuyển sang hướng chủ nghĩa xã hội, trước pha phát triển trong đó chủ nghĩa xã hội có vai trò quyết định đối với hoạt động chính trị là một giai đoạn nhiều năm trong đó các lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã chi phối tư duy của nhóm trí thức hoạt động tích cực hơn. Tại Đức giai đoạn này đã đạt được vào cuối thế kỉ trước; ở Anh và Pháp, vào khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Đối với nhà quan sát tình cờ, thì dường như Hoa Kì đã tiến tới pha này sau Chiến tranh Thế giới lần II và sức hấp dẫn của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa và chỉ huy đối với giới trí thức Mỹ giờ đây mạnh mẽ giống như là nó đã từng hấp dẫn các đồng nghiệp Đức hay Anh của họ. Kinh nghiệm gợi ý rằng, một khi đã chuyển sang giai đoạn này thì việc các quan điểm do giới trí thức nắm giữ bây giờ trở thành xung lực chi phối hoạt động chính trị chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vì thế, đặc điểm của quá trình theo đó các quan điểm của giới trí thức ảnh hưởng đến hoạt động chính trị ngày mai khiến chúng ta cần lưu tâm trên cả sự quan tâm học thuật. Bất kể chúng ta muốn chỉ đơn thuần nhìn thấy trước hay chỉ muốn thử tác động đến diễn tiến của các sự kiện thì đặc điểm trên là một nhân tố có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với thường được hiểu. Cái đối với người quan sát đương thời có vẻ như là cuộc đấu tranh giữa các lợi ích mâu thuẫn nhau thì thực ra thường là cái đã được quyết định trước từ lâu trong một cuộc đụng chạm giữa các tư tưởng diễn ra trong các nhóm hẹp. Tuy vậy, khá ngược đời là nhìn chung các đảng phái cánh tả một mặt đã nỗ lực nhiều nhất để truyền bá niềm tin rằng chính sức mạnh về lượng của các lợi ích vật chất đối ngược nhau mới là cái quyết định các vấn đề chính trị, thì mặt khác trong thực tiễn chính các đảng phái này lại thường xuyên hành động và thành công cứ như thể họ hiểu được vị trí then chốt của giới trí thức. Dù là do có chủ định hay do hoàn cảnh bắt buộc, họ đã luôn luôn nỗ lực hết mình để tranh thủ sự ủng hộ của giới élite (giới tinh hoa) này. Trong khi các đảng phái bảo thủ hơn thì lại hành động, cũng đều đặn nhưng không thành công, trên một quan điểm ấu trĩ hơn về dân chủ số đông và thường nỗ lực một cách vô vọng để tiếp cận và thuyết phục trực tiếp cử tri cá nhân.
II
Tuy nhiên, thuật ngữ “trí thức” không truyền đạt ngay tức thì bức tranh trung thực về cái tầng lớp rộng lớn mà chúng ta nhắc đến và thực tế rằng việc chúng ta không có được một cái tên tốt hơn để mô tả cái mà chúng ta gọi là nhóm những người môi giới trung gian về tư tưởng không phải là lí do quá tầm thường vì sao quyền lực của họ lại không được hiểu đúng. Ngay cả các cá nhân vốn dùng từ “trí thức” chủ yếu theo cách lạm dụng vẫn có thiên hướng loại bỏ nhiều người rõ ràng thực hiện chức năng đặc trưng đó. Chức năng này chẳng phải là chức năng của nhà tư tưởng khai nguồn (original thinkers), cũng không phải của học giả hay chuyên gia về một lĩnh vực tư duy cụ thể nào. Người trí thức điển hình không phải là một trong hai loại đó: anh ta không cần có tri thức đặc biệt về bất cứ cái gì cụ thể, thậm chí chẳng cần quá thông minh, để thực hiện vai trò của mình với tư cách người môi giới trong việc truyền bá tư tưởng. Cái làm cho anh ta đủ tư cách thực hiện công việc của mình là anh ta có thể dễ dàng nói và viết trên một dải rộng các chủ đề, và có một vị trí hay các thói quen mà qua đó anh ta đón nhận các tư tưởng mới sớm hơn những người anh ta truyền đạt cho.
Thật khó có thể hình dung được tầng lớp này rộng lớn đến cỡ nào, phạm vi hoạt động của nó liên tục gia tăng ra sao trong xã hội hiện đại, và vì sao tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nó chỉ đến khi chúng ta bắt tay vào liệt kê tất cả các ngành nghề và các hoạt động thuộc về tầng lớp này. Tầng lớp này không chỉ gồm các nhà báo, các nhà giáo, các mục sư, các giảng viên, những chuyên gia thời sự, các nhà bình luận radio, các nhà viết tiểu thuyết, những người vẽ tranh biếm họa, và các nghệ sĩ – tất cả những người này có thể là các bậc thầy về kĩ thuật truyền đạt các tư tưởng nhưng thường là những người nghiệp dư xét ở chừng mực liên quan đến thực chất vấn đề mà họ truyền đạt. Tầng lớp này cũng gồm nhiều nhà chuyên môn và người làm kĩ thuật, chẳng hạn các nhà khoa học và các bác sĩ, những người mà thông qua sự tiếp xúc thường xuyên với các ấn phẩm trở thành những người truyền tải các tư tưởng mới không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ và những người mà, vì tri thức uyên thâm của họ về các chủ đề riêng của họ, được mọi người lắng nghe với sự kính trọng khi họ bàn về hầu như mọi thứ khác. Ngày nay, người bình thường hiểu biết về về các sự kiện hoặc các tư tưởng hầu như thông qua tầng lớp này; và ngoài các lĩnh vực chuyên môn của mình hầu như tất cả chúng ta xét trên khía cạnh này đều là những người bình thường, những người vốn có nhu cầu về thông tin và kiến thức phụ thuộc vào những người biến nhu cầu này thành việc làm theo sát dư luận của họ. Chính giới trí thức theo nghĩa này mới là những người quyết định quan điểm và dư luận nào đến với chúng ta, những sự thực nào đủ tầm quan trọng mà chúng ta nên biết, và chúng được trình bày dưới dạng nào và từ góc cạnh nào. Liệu chúng ta có biết được các kết quả nghiên cứu của chuyên gia và của nhà tư tưởng khai nguồn nào đó hay không chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của giới trí thức này.
Người bình thường có lẽ không ý thức đầy đủ được đâu là mức độ ảnh hưởng của tầng lớp này ngay cả đối với việc hình thành danh tiếng đại chúng (popular reputation) của các nhà khoa học và các học giả và sự chi phối không thể tránh khỏi bởi các quan điểm của tầng lớp này về các chủ đề vốn chẳng mấy liên quan đến các nội dung của các thành tựu thực sự. Và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề của chúng ta là mỗi học giả có lẽ đều có thể nêu ra được nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về những người đã đạt được danh tiếng đại chúng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học lớn chỉ bởi lẽ họ bám giữ cái mà giới trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng có lẽ tôi vẫn nên điểm qua một thí dụ nơi kiểu hư danh khoa học (scientific pseudo-reputation) như vậy lại được ban cho học giả vốn có thiên hướng bảo thủ hơn. Việc tạo ra danh tiếng kiểu này bởi giới trí thức là đặc biệt ảnh hưởng trong các lĩnh vực nơi các kết quả nghiên cứu chuyên môn không được các nhà chuyên môn khác sử dụng, mà lại đa phần phụ thuộc vào quyết định chính trị của công chúng. Quả thực về điều này hiếm có minh họa nào tốt hơn thái độ mà các nhà kinh tế học chuyên nghiệp dành cho sự phát triển của các học thuyết như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa bảo hộ. Có lẽ đa số các nhà kinh tế học, những người có danh tiếng được công nhận bởi các đồng nghiệp trong giới của họ, chưa khi nào lại đi ưa thích chủ nghĩa xã hội (hay với cả chủ nghĩa bảo hộ). Thậm chí hoàn toàn có thể đúng khi nói rằng không có nhóm các nhà nghiên cứu tương tự nào lại có một tỉ lệ các thành viên của mình cao đến vậy dứt khoát chống chủ nghĩa xã hội (hay chủ nghĩa bảo hộ). Một điều còn có ý nghĩa hơn là, trong thời gian gần đây, người ta có khuynh hướng chọn kinh tế học làm nghề của mình không phải là do sự quan tâm ban đầu đến những kế hoạch cải cách theo thiên hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, không phải là các quan điểm đa số của các chuyên gia mà là các quan điểm của một thiểu số, phần lớn thường có vị trí khá đáng ngờ trong nghề nghiệp của mình, lại được giới trí thức vớ lấy và truyền tụng.
Ảnh hưởng lan tỏa khắp của giới trí thức trong xã hội đương thời còn được củng cố thêm bởi tầm quan trọng ngày càng gia tăng của “tổ chức”. Một niềm tin phổ biến, nhưng có lẽ sai lầm, rằng sự gia tăng của tổ chức làm tăng ảnh hưởng của chuyên gia hay nhà chuyên môn. Điều này có thể đúng đối với chuyên gia hành chính và chuyên gia tổ chức, nếu có những người như vậy, nhưng hầu như là không đúng đối với chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực tri thức cụ thể nào. Đúng hơn là điều này làm tăng quyền lực của người mà có kiến thức chung đủ để đánh giá lời phát biểu của chuyên gia và để so sánh đánh giá giữa các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, điểm quan trọng đối với chúng ta là, một học giả mà trở thành hiệu trưởng trường đại học, một nhà khoa học mà chịu trách nhiệm về một viện hay một quỹ, một học giả mà trở thành một nhà biên tập hay người bảo trợ tích cực của một tổ chức phục vụ một sự nghiệp đặc biệt nào đó, tất cả mau chóng không còn là các học giả hay chuyên gia nữa và trở thành các trí thức theo định nghĩa của chúng ta ở đây, những người mà đánh giá tất cả các vấn đề không phải bằng các phẩm tính đặc thù của chúng, mà, theo cách thức đặc trưng của những người trí thức, chỉ dựa theo ánh sáng của các tư tưởng thời thượng chung nhất định. Số lượng các tổ chức như vậy, nơi sản sinh ra các trí thức và làm tăng số lượng và quyền lực của họ, tăng lên mỗi ngày. Hầu như tất cả các “chuyên gia” chỉ về kĩ năng làm cho tri thức luân chuyển, liên quan tới chủ đề mà họ xử lí, là các trí thức chứ không phải là các chuyên gia.
Theo nghĩa mà chúng ta sử dụng thuật ngữ, thì giới trí thức thực ra là một hiện tượng khá mới mẻ của lịch sử. Dẫu rằng chẳng ai còn tiếc nuối việc giáo dục đã không còn là một đặc ân của các tầng lớp giàu có, thì sự thực rằng các tầng lớp giàu có đã không còn là những người được giáo dục tốt nhất nữa, và sự thực rằng đa phần những người mà có địa vị [trong xã hội] chỉ đơn thuần nhờ giáo dục phổ thông là những người không có loại kinh nghiệm về sự vận hành của hệ thống kinh tế vốn có được từ việc quản lí tài sản là những điểm đáng lưy ý để hiểu được vai trò của giới trí thức. Giáo sư Schumpeter, người đã dành một chương sáng sủa trong cuốn Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, và dân chủ (Capitalism, Socialism, and Democracy) của mình để bàn về một số khía cạnh của vấn đề của chúng ta, đã nhấn mạnh không phải không công bằng rằng chính cái sự thiếu vắng trách nhiệm trực tiếp đối với các công việc thực hành và hệ quả là sự thiếu vắng tri thức trực tiếp về chúng mới là cái để phân biệt người trí thức điển hình với những người khác mà cũng nắm được quyền lực của lời nói và chữ viết. Tuy vậy, sẽ là đi quá xa ở đây để xem xét kỹ càng hơn sự phát triển của tầng lớp này và một tuyên bố lạ kì được cổ vũ gần đây bởi một trong những nhà lí luận của nó, rằng chỉ những ai có các quan điểm dứt khoát không bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế mới là người trí thức. Một trong những điểm quan trọng cần được xem xét đối với một thảo luận kiểu như thế có lẽ là: luật bản quyền đã gây ra một kích thích nhân tạo đối với mức độ tăng trưởng của tầng lớp này như thế nào [9] ?
III
Không ngạc nhiên rằng học giả hay chuyên gia thực sự và người làm các công việc thực tiễn thường coi khinh người trí thức, không thích thừa nhận quyền lực của anh ta, và cảm thấy phẫn nộ khi khám phá ra điều đó. Xét từng cá nhân một, họ thấy giới trí thức hầu hết là những người chẳng có hiểu biết gì đặc biệt sâu sắc và đánh giá của họ về các vấn đề họ hiểu cho thấy ít dấu hiệu của sự uyên thâm đặc biệt. Nhưng sẽ là sai lầm chết người khi đánh giá thấp quyền lực của họ vì lí do này. Cho dù kiến thức của họ thường hời hợt và trí tuệ của họ có hạn thì điều này không làm thay đổi sự thực rằng chính đánh giá của họ mới là nhân tố chủ yếu quyết định quan điểm mà xã hội sẽ hành xử trong tương lai không quá xa. Không cường điệu khi nói rằng, một khi bộ phận tích cực hơn của giới trí thức đã ngả theo một tập hợp các niềm tin thì điều tiếp theo sẽ là một quá trình hầu như tự động và không thể cưỡng lại được, theo đó những niềm tin này nói chung sẽ được [quần chúng] chấp nhận. Những trí thức này là những phần tử hữu cơ mà xã hội hiện đại đã sản sinh ra để truyền bá tri thức và tư tưởng, và chính các xác tín (convictions) và ý kiến của họ mới là bộ phận hoạt động giống như một chiếc sàng mà tất cả các quan niệm mới phải lọt qua trước khi có thể đến được với quần chúng.
Bản chất công việc của người trí thức là anh ta phải dùng tri thức và xác tín của riêng mình để thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Anh ta duy trì được địa vị của mình bởi vì anh ta sở hữu, hoặc hàng ngày phải sử dụng, loại tri thức mà người chủ của anh ta nói chung không có, và vì thế những người khác chỉ có thể chi phối các hoạt động của anh ta ở mức độ giới hạn. Và chính vì giới trí thức hầu hết là những người trung thực về mặt trí tuệ nên một điều không thể tránh khỏi là họ sẽ theo các xác tín của chính mình bất cứ khi nào họ được tự do làm theo ý mình và họ sẽ đưa ra một định kiến tương ứng đối với mọi thứ qua tay họ. Ngay cả khi việc định hướng chính sách nằm trong tay các nhà hoạt động thực tiễn với những quan điểm khác nhau thì nói chung việc thực hiện chính sách vẫn sẽ nằm trong tay các trí thức, và thông thường thì quyết định về chi tiết là cái xác định kết quả cuối cùng. Chúng ta thấy điều này được minh họa hầu như trong tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời. Các tờ báo do chủ “tư bản” sở hữu, các đại học do các hội đồng quản trị “phản động” chỉ huy, các hệ thống truyền thông do các chính phủ bảo thủ sở hữu, đều được biết đến như là những cơ quan tác động đến dư luận theo hướng chủ nghĩa xã hội, bởi vì đấy đã là xác tín của nhân viên. Điều này thường xảy ra không chỉ bất chấp, mà thậm chí có lẽ bởi vì, các nỗ lực của những người ở trên đỉnh muốn kiểm soát dư luận và áp đặt các nguyên tắc chính thống.
Ảnh hưởng của việc sàng lọc các tư tưởng thông qua các xác tín của một tầng lớp mà tự gắn mình vào những quan điểm nhất định chẳng hề bó hẹp chỉ trong phạm vi quần chúng. Ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, chuyên gia nói chung cũng không kém phụ thuộc vào tầng lớp này và hiếm khi tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của họ. Kết quả của việc này là, ngày nay trong hầu hết các thành phần của thế giới phương Tây, ngay cả những người chống đối chủ nghĩa xã hội quyết liệt nhất, cũng tìm thấy nguồn gốc tri thức của mình từ các nguồn xã hội chủ nghĩa về hầu như mọi chủ đề mà họ không có thông tin trực tiếp. Việc càng có nhiều định kiến chung thuộc tư duy xã hội chủ nghĩa thì càng có nhiều mối quan hệ giữa hệ tư tưởng này với các kiến nghị thực tiễn chẳng hề hiển nhiên ngay lập tức, và hậu quả là nhiều người mặc dù tin mình là những người chống đối kiên quyết đối với hệ tư tưởng đó thực ra lại trở thành những người truyền bá hữu hiệu các tư tưởng đó. Ai mà lại không biết việc những người hành động thực tiễn, trong lĩnh vực riêng của mình thì lên án chủ nghĩa xã hội là “thối tha độc hại” nhưng, khi bước ra khỏi chủ đề của mình thì lại tuôn ra chủ nghĩa xã hội như bất cứ nhà báo cánh tả nào?
Không ở trận tuyến nào mà ảnh hưởng vượt trội của giới trí thức xã hội chủ nghĩa lại mạnh mẽ suốt trong một trăm năm qua bằng ảnh hưởng lên các mối quan hệ giữa các nền văn minh dân tộc khác nhau. Sẽ vượt quá giới hạn của bài viết này để truy tìm các nguyên nhân và tầm quan trọng của sự thực rất quan trọng rằng trong thế giới hiện đại giới trí thức hầu như là chiếc cầu nối duy nhất để hình thành một cộng đồng quốc tế. Đây mới chính là nhân tố chủ yếu để giải thích cảnh tượng lạ thường rằng, trong nhiều thế hệ, phương Tây – nơi được xem là “tư bản chủ nghĩa” – lại đi ủng hộ vật chất và tinh thần hầu như chỉ riêng cho các phong trào ý thức hệ ở các nước tít tận phương Đông, nơi mong muốn làm xói mòn nền văn minh phương Tây; và rằng, đồng thời, thông tin mà công chúng phương Tây nhận được về các sự kiện ở Trung và Đông Âu hầu như không thể tránh khỏi bị một thiên kiến xã hội chủ nghĩa tô vẽ. Nhiều hoạt động “giáo dục” của các lực lượng Mĩ đóng tại Đức đã cung cấp các ví dụ rõ ràng và mới mẻ về xu hướng này.
IV
Vì thế, việc hiểu đúng các lí do khiến cho nhiều người trong giới trí thức có xu hướng ngả theo chủ nghĩa xã hội là hết sức quan trọng. Ở đây, điểm đầu tiên mà những người không chấp nhận khuynh hướng tư tưởng này phải thẳng thắn đối mặt là, chẳng phải các lợi ích bản thân cũng chẳng phải các ý định xấu xa, mà chủ yếu là các xác tín trung thực và các ý định tốt đẹp mới là những cái quyết định quan điểm của giới trí thức. Quả thực, cần phải công nhận rằng, xét về tổng thể, người trí thức điển hình ngày nay càng dễ trở thành một người xã hội chủ nghĩa nếu anh ta càng được dẫn dắt bởi thiện ý và trí tuệ, và rằng trên bình diện lí lẽ trí tuệ thuần túy anh ta nói chung sẽ có khả năng chứng tỏ mình giỏi hơn đa số các đối thủ của mình bên trong tầng lớp mình. Nếu chúng ta vẫn nghĩ rằng anh ta sai thì chúng ta phải thừa nhận rằng đó có lẽ phải là sự sai lầm đích thực (genuine error) khiến cho những người có ý tốt và thông minh, nắm giữ các địa vị then chốt trong xã hội của chúng ta lại đi truyền bá các quan điểm mà đối với chúng ta là một mối đe dọa đối với nền văn minh của nhân loại [1] . Không có gì quan trọng hơn là phải cố gẳng hiểu được những nguồn gốc của sai lầm này để chúng ta có khả năng chống lại nó. Thế mà những người nói chung được coi như là các đại diện của trật tự hiện hành và những người tin rằng họ hiểu được các mối nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội lại thường còn rất xa mới nắm bắt được điều này. Họ có khuynh hướng coi giới trí thức xã hội chủ nghĩa chẳng là gì hơn một lũ mọt sách cấp tiến thay vì đánh giá cao ảnh hưởng của họ và, bằng toàn bộ thái độ của mình đối với họ, lại có khuynh hướng đẩy họ lún sâu hơn vào việc chống đối trật tự hiện hành.
Muốn hiểu được khuynh hướng tư tưởng lạ kì này của một phần lớn giới trí thức, chúng ta phải làm rõ hai điểm. Thứ nhất, thông thường họ xét đoán tất cả các vấn đề cụ thể chỉ dưới ánh sáng của các tư tưởng chung nào đó; thứ hai, các sai lầm đặc trưng của bất cứ thời đại nào thường xuất phát từ một số chân lí mới đích thực được khám phá ra ở thời đại ấy, và chúng là các áp dụng sai lầm của những khái quát hóa mới vốn được chứng tỏ là có giá trị trong các lĩnh vực khác. Kết luận của chúng ta sau khi cân nhắc đầy đủ các thực tế này là: việc bác bỏ thuyết phục các sai lầm như vậy sẽ thường đòi hỏi sự tiến bộ trí tuệ hơn nữa, và thường là sự tiến bộ về các điểm rất trừu tượng và có vẻ rất xa các vấn đề thực tiễn.
Có lẽ nét đặc trưng nhất của người trí thức là: anh ta phán xử các tư tưởng mới không phải bằng các phẩm tính cụ thể của chúng mà bằng sự sẵn sàng ăn khớp của chúng với những quan niệm chung của anh ta, với bức tranh về thế giới mà anh ta cho là hiện đại hay tiên tiến. Thông qua ảnh hưởng của chúng đối với anh ta và đối với sự lựa chọn ý kiến của anh ta về các vấn đề cụ thể, quyền lực của các tư tưởng đối với cái thiện và cái ác tăng lên tỉ lệ thuận với tính tổng quát, tính trừu tượng, và thậm chí tính mơ hồ của chúng. Khi anh ta biết ít về các vấn đề cụ thể, tiêu chuẩn của anh ta phải nhất quán với các quan điểm khác của anh ta và phải phù hợp để gắn kết được vào một bức tranh mạch lạc về thế giới. Thế nên, việc lựa chọn này từ vô số tư tưởng mới phô bày ra ở mọi thời điểm tạo ra bầu không khí đặc trưng về quan điểm, cái Weltanschauung(thế giới quan) thống lĩnh của một thời kì, cái sẽ thuận lợi cho sự chấp nhận một số quan điểm và không thuận lợi cho các ý kiến khác, và cái sẽ làm cho người trí thức sẵn sàng chấp nhận một kết luận và bác bỏ kết luận khác mà không cần phải có hiểu biết thật sự về các vấn đề.
Trong một số khía cạnh người trí thức thực ra gần với triết gia hơn là với bấy cứ nhà chuyên môn nào, và theo một nghĩa sâu xa hơn triết gia là một loại ông hoàng trong giới trí thức. Tuy ảnh hưởng của ông ta là xa vời với công việc thực tiễn và vì thế chậm hơn và khó lần ra dấu vết hơn ảnh hưởng của người trí thức thường, nó cùng loại và về dài hạn thậm chí có tác động mạnh hơn ảnh hưởng của người trí thức thường. Đối với cả hai người, chính cùng nhiệt huyết hướng tới một sự tổng hợp, nhưng với triết gia thì được theo đuổi một cách có phương pháp hơn, cùng sự đánh giá về những quan điểm cụ thể ở chừng mực mà chúng khớp với một hệ thống tư duy chung thay vì bằng các phẩm tính cụ thể của chúng, và cùng là sự cố gắng vì một thế giới quan nhất quán, là những cái tạo cơ sở chính yếu để chấp nhận hay bác bỏ các tư tưởng. Vì lí do này triết gia có lẽ có một ảnh hưởng mạnh hơn đối với giới trí thức so với bất cứ học giả hay nhà khoa học nào khác và, hơn bất cứ ai khác, là người xác định phương thức theo đó giới trí thức thực hiện chức năng sàng lọc của mình. Ảnh hưởng đại chúng của chuyên gia khoa học chỉ bắt đầu kình địch với ảnh hưởng của triết gia khi ông ta không còn là nhà chuyên môn nữa và bắt đầu triết lí về sự tiến bộ của lĩnh vực của mình – và thường chỉ sau khi ông ta được giới trí thức đẩy lên vì các lí do chẳng liên quan mấy đến thành tựu khoa học nổi tiếng của ông ta.
Vì thế, “không khí dư luận” của bất cứ thời kì nào về cơ bản là một tập các định kiến chung theo đó giới trí thức phán xử tầm quan trọng của các hiện tượng và ý kiến mới. Các định kiến này chủ yếu là những ứng dụng mà theo anh ta thì có vẻ là các khía cạnh quan trọng nhất của các thành tựu khoa học, một sự chuyển giao sang các lĩnh vực khác cái đặc biệt gây ấn tượng với anh ta khi quan sát công việc của các nhà chuyên môn. Ta có thể đưa ra một danh mục dài về các mốt và khẩu hiệu trí tuệ, mà trong diễn tiến của hai hay ba thế hệ đã lần lượt chế ngự tư duy của giới trí thức. Dù đó là “cách tiếp cận lịch sử” hay lí thuyết tiến hóa, quyết định luận thế kỉ mười chín và niềm tin vào ảnh hưởng áp đảo của môi trường đối lại với di truyền, lí thuyết tương đối hay lòng tin vào sức mạnh của vô thức – mỗi một trong những khái niệm chung này đã được biến thành hòn đá tảng để thử nghiệm các phát kiến mới trong các lĩnh vực khác. Dường như là các tư tưởng này càng ít cụ thể hay chính xác (hay được hiểu càng kém thấu đáo), thì ảnh hưởng của chúng có lẽ lại càng rộng. Vì thế đôi khi chính cái không hơn một ấn tượng mơ hồ, hiếm khi được biểu đạt bằng ngôn từ, lại là cái có được một ảnh hưởng sâu sắc. Những niềm tin kiểu như sự kiểm soát có chủ ý hay sự tổ chức có ý thức đối với cả các quá trình xã hội thì luôn cho kết quả ưu việt hơn các quá trình tự phát không được điều khiển bởi đầu óc của một con người, hay kiểu như bất cứ trật tự nào dựa trên một kế hoạch được đưa ra trước đó hẳn phải tốt hơn trật tự do sự cân bằng của các lực lượng đối trọng nhau tạo ra, thông qua con đường này đã tác động sâu sắc đến diễn tiến chính trị.
Vai trò của giới trí thức chỉ có vẻ khác hẳn khi mà người ta quan tâm tới sự phát triển của các lý tưởng xã hội đúng đắn hơn. Ở đây các thiên hướng lạ kì của họ tự biểu lộ trong việc hình thành các khẩu hiệu của các quá trình trừu tượng hóa, trong duy lí hóa và đẩy đến cực đoan những hoài bão nhất định nào đó nảy sinh từ sự giao tiếp bình thường của con người. Vì dân chủ là một điều tốt nên nguyên lý dân chủ càng có thể được đẩy xa hơn thì đối với họ càng có vẻ đưa đến kết cục tốt hơn. Lý tưởng mạnh nhất trong các tư tưởng chung này, những cái đã định hình sự phát triển chính trị trong thời gian mới đây, tất nhiên là lý tưởng về bình đẳng vật chất. Nó, một cách đặc trưng, không phải là một trong những xác tín đạo đức phát triển một cách tự phát, được áp dụng đầu tiên trong quan hệ giữa các cá nhân cụ thể, mà là một kiến tạo trí tuệ được thai nghén dưới dạng trừu tượng và có ý nghĩa cũng như khả năng ứng dụng mù mờ trong các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nó đã hoạt động một cách mạnh mẽ như là một nguyên lý chọn lọc giữa các phương án khác nhau của chính sách xã hội, gây ra một áp lực dai dẳng lên quá trình tổ chức các công việc xã hội mà chẳng ai hình dung ra được một cách rõ ràng. Rằng một biện pháp cụ thể có khuynh hướng dẫn đến sự bình đẳng lớn hơn thì có xu hướng được xem như là một kiến nghị mạnh đến mức hiếm còn biện pháp nào khác được cân nhắc đến. Do đối với mỗi vấn đề cụ thể chính đây là một khía cạnh mà những người định hướng dư luận có một xác tín rõ ràng nên lý tưởng bình đẳng đã quyết định sự thay đổi xã hội thậm chí còn mạnh hơn mức độ mà những người chủ trương nó dự định.
Tuy nhiên, các lí tưởng đạo đức không chỉ vận động theo cách này. Đôi khi thái độ của giới trí thức đối với các vấn đề về trật tự xã hội có thể là hệ quả của những tiến bộ về tri thức khoa học thuần túy; và trong các trường hợp này, các quan điểm sai lầm của họ về các vấn đề cụ thể trong một thời gian dường như chứa đựng tất cả uy tín của các thành tựu khoa học mới nhất đứng đằng sau chúng. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi một tiến bộ đích thực về tri thức tự bản thân nó thỉnh thoảng lại trở thành nguồn gốc của một lỗi lầm mới theo cách thức này. Nếu không có kết luận sai nào tiếp sau những khái quát hóa mới thì chúng sẽ là những chân lí cuối cùng và chẳng bao giờ cần hiệu chỉnh lại. Mặc dù, như là một qui luật, một khái quát hóa mới như vậy sẽ chỉ đơn thuần chứa đựng các hệ quả sai mà có thể rút ra được từ khái quát hoá đó cộng với các quan điểm đã được chấp nhận trước đây, và như thế sẽ không dẫn tới sai lầm mới, nhưng rất có khả năng là một lí thuyết mới, chỉ vì giá trị của nó được chứng tỏ bởi những kết luận mới hợp lệ có được từ nó, sẽ tạo ra những kết luận mới khác mà sẽ bị chứng tỏ là sai lầm bởi sự tiến bộ tiếp theo. Song trong trường hợp như vậy một niềm tin sai lạc sẽ xuất hiện với tất cả uy tín của tri thức khoa học mới nhất ủng hộ nó. Mặc dù trong một lĩnh vực khoa học cụ thể mà niềm tin [sai lạc] đó được gắn với mọi bằng chứng khoa học có lẽ đều chống lại niềm tin đó, nhưng trước tòa án của giới trí thức và dưới ánh sáng của các tư tưởng chi phối tư duy của họ thì nó vẫn được lựa chọn như là quan điểm phù hợp nhất với tinh thần thời đại. Vì thế, các nhà chuyên môn có được danh tiếng trong công chúng và có ảnh hưởng rộng rãi sẽ không phải là những người được các đồng nghiệp trong giới của họ công nhận mà thường là những người bị các nhà chuyên môn khác coi là chơi nổi (crank), nghiệp dư, thậm chí là lừa lọc, nhưng dưới con mắt của công chúng nói chung thì họ lại trở thành những nhân vật nổi tiếng nhất trong lĩnh vực của họ.
Cụ thể là, hầu như không còn nghi ngờ gì nữa rằng cách thức mà con người học được để tổ chức các lực lượng tự nhiên trong vòng một trăm năm qua đã góp phần đáng kể vào việc tạo ra một thứ niềm tin rằng một sự kiểm soát tương tự các lực lượng xã hội sẽ mang lại những tiến bộ tương đương trong điều kiện [xã hội] loài người. Một kết luận rằng, với việc áp dụng những biện pháp kĩ nghệ (engineering techniques), việc điều khiển tất cả các hình thức hoạt động của con người trong xã hội theo một kế hoạch thống nhất sẽ mang lại thành công như nó đã thành công trong vô vàn nhiệm vụ kĩ thuật, có vẻ là một kết luận không phải là không quá hay để quyến rũ được hầu hết những người phấn chấn bởi thành tựu của lĩnh vực khoa học tự nhiên. Có hai điểm quả thực phải thừa nhận là, [thứ nhất], để bẻ lại cái giả định chắc chắn dẫn đến việc ủng hộ một kết luận như vậy thì sẽ cần phải có những lí lẽ mạnh mẽ và [thứ hai], các lí lẽ này vẫn chưa được đưa ra một cách thỏa đáng. Việc chỉ ra những khuyết điểm của các đề xuất cụ thể dựa trên loại lập luận này là không đủ. Cái lí lẽ đó sẽ không mất đi sức mạnh của nó cho tới khi chúng ta có thể chỉ ra một cách thuyết phục vì sao cái đã tỏ ra thành công vang dội đến vậy trong việc đem lại những tiến bộ trong vô vàn lĩnh vực lại vẫn có những giới hạn đối với tính hữu ích của nó và sẽ trở nên cực kỳ nguy hại nếu được mở rộng quá các giới hạn này. Đây là một nhiệm vụ vẫn chưa được theo đuổi tới nơi tới chốn và nó cần phải được hoàn thành trước khi nghĩ tới việc có thể loại bỏ được động lực hướng tới chủ nghĩa xã hội.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp nơi cần thêm tiến bộ trí tuệ để bác bỏ các tư tưởng có hại trong trào lưu hiện thời, và công cuộc mà chúng ta sẽ tiến tới, xét đến cùng, sẽ được quyết định bởi việc thảo luận về những vấn đề rất trừu tượng. Sự tin tưởng của một người làm công việc thực tiễn dựa trên những hiểu biết sâu sắc của anh ta về một lĩnh vực cụ thể rằng các lí thuyết về chủ nghĩa xã hội mà được suy ra từ những tư tưởng tổng quát hơn sẽ không thể hoạt động được trong thực tiễn là chưa đủ. Anh ta có thể hoàn toàn đúng, thế nhưng sự chống đối của anh ta sẽ bị lấn át và tất cả những hậu quả đáng tiếc mà anh ta phỏng đoán từ trước sẽ vẫn diễn ra trừ phi anh ta nhận được sự ủng hộ từ một bác bỏ thuyết phục đối với idées mères (các tư tưởng thuần tuý [của chủ nghĩa xã hội]). Chừng nào mà người trí thức có được loại lí lẽ chung tốt hơn, chừng đó những chống đối hợp lệ nhất đối với một vấn đề nhất định nào đó sẽ bị gạt sang một bên.
http://
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét