Rảnh rỗi tâm sự
1. Hồi trước khi học triết, thú thật, tôi điên loạn với đủ thứ mọi trường phái, sách vở mà đọc được. Cơ bản, là mình chẳng có nền tảng và phương pháp cm gì để mà tiếp cận. Thời điểm đó, do vấn đề của lịch sử, trong trí óc mình chỉ có mấy cuốn sách về Marx-Lenin để làm bước khởi đầu. Do đó, khi tiếp cận nhiều thể loại khác, do rào cản ngôn ngữ, do rào cản phương pháp mà rút lại chả hiểu gì, ngoài những câu hỏi cứ đặt ra liên tục và cũng ko có câu trả lời.
2. Khi vào học triết sau khi trải qua sư phạm mầm non, lại cứ nghĩ rằng môi trường đang học toàn là những thiên tài và triết học Marx-Lenin có vị trí khá to lớn trong tâm thức những người theo ngành. Nhưng vỡ mộng hoàn toàn, vì có những thứ cơ bản mà mình nghĩ hiển nhiên nó là như vậy, lại hoàn toàn không tìm được sự đồng cảm từ những người học chung. Từ đó, bắt đầu có những hoài nghi thực sự về vị trí của Triết học Marx, vì thực sự thấy rằng, toàn bộ lý thuyết mà sinh viên được học trong cuốn giáo trình Marx-Lenin hoàn toàn là 1 sự tổng hợp, 1 sự nhồi, nén rất chặt toàn bộ kiến thức, tri thức Triết học toàn nhân loại chứ không phải chỉ riêng Triết học Marx. Do đó, thú thật, đọc cuốn giáo trình Marx-Lenin không khác gì một cuốn thánh kinh. Toàn những điều đúng đắn mà không có 1 nền tảng nhất định, bạn sẽ chẳng hiểu cm gì.
3. Mải đến năm phân chuyên ngành, nhờ vào sự giảng dạy của thầy trong chuyên ngành, đặc biệt tiếp cận thầy Dương Ngọc Dũng thì bắt đầu mới hình thành 1 tư duy rành mạch và phương pháp học tập Triết học đúng đắn. Nghiêm túc mà nói, thời gian học với thầy tuy rất ít nhưng mang lại hiệu quả siêu cao vì gần như khai thông tất cả những gút mắc gặp phải suốt từ năm 16 tuổi đến 23 tuổi. Mãi đến lúc đó, sau khi trải qua giai đoạn hoài nghi, mình mới thực sự nhận ra tính sâu sắc và nghiêm túc của Triết học Marx là như thế nào.
4. Từ đó, bắt đầu hiểu được tại sao Triết học buộc phải có tính Đảng, tức là tính trường phái. Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được sự đồng cảm nếu không tìm được người cùng trường phái với mình. Bạn sẽ chẳng tiến bộ được nếu không tìm được người cùng quan điểm và tiền giả định đối với minh. Kiến thức là thế giới quá rộng để mà ảo tưởng rằng bạn có thể thu gom toàn bộ tinh hoa nhân loại. Con người cần phải biết giới hạn của mình để gom mình lại trên 1 con đường đi duy nhất mình chọn và rồi tinh thông. Cái ảo vọng gọi là "yêu mến sự thông thái" là cái thứ huyễn hoặc và là trò cười đáng khóc nhất khi bạn bắt đầu nghiêm túc việc học triết. Việc xác định tính trường phái của bạn hết sức quan trọng. Dựa vào tính trường phái và lập trường đó, mà bạn mới có thể đấu tranh cho chính kiến của mình. Nếu không, bạn sẽ chỉ là 1 cái thùng nước chứa đầy các chất lỏng, vừa là cái thùng rác chứa đầy mọi thứ trên đời, thành 1 kẻ ba phải không hơn không kém. Vì vậy, tôi khá oải khi nói chuyện với những người quá tinh thông mọi thứ, chủ đề gì cũng có thể bàn trong khi mức độ hiểu biết về sự việc chỉ ở mức đại cương.
5. Từ đó, việc có 1 người thầy, người huynh, người dẫn dắt trong quá trình đi trên con đường là hết sức quan trọng. Để rồi từ đó mà có nền tảng phát triển và lật đổ tượng đài mà mình đã theo đó. Lật đổ ở đây không phải là phản bác mà là xây dựng, bổ sung cho hoàn thiện con đường mình đi. Mặt khác, nếu không xác định con đường đi ban đầu thì làm sao bạn biết những lằn ranh giữa các con đường khác nhau để mà bạn nhảy qua nhảy lại khi có nhu cầu? Nghiêm túc mà nói, nếu không có 1 điểm xuất phát ban đầu để đi trên con đường triết học thì thú thật con đường bạn đã đi suốt thời gian qua chỉ là công cốc và vô bổ.
6. Do đó mới có thể khẳng định, học triết chẳng vui vẻ gì như mọi người tưởng tượng. Việc đọc hằng trăm cuốn sách không quan trọng bằng việc bạn xác định bạn là ai trong hằng trăm cuốn sách đó. Để làm được điều đó, cũng không phải bạn kiếm đại 1 người bất kì, mà trước hết bạn phải tự xác định được bạn cần gì đã. Bạn cần hiểu thế giới này như thế nào đã. Xét đến cùng, triết học, khoa học, tôn giáo hay bất kì mọi thứ gắn liền với tư duy, tri thức, bản chất đều 1 cộng đồng tự "thủ dâm" nhau bằng những điều họ cho là đúng đắn.
7. Từ đó, đẻ ra 1 hệ quả là, việc đọc và truy vấn điểm khởi thủy của 1 nguồn tư tưởng nếu không phục vụ cho 1 công tác nghiên cứu cụ thể thì toàn bộ công trình vất vả đó chỉ là 1 việc dở hơi. Triết học, khoa học, hay bất cứ bộ môn gì cần phải mang hơi thở của thời đại. Việc bạn cần làm là nhận thức được cái thế giới đang chuyển động quanh bạn, xem cả cộng đồng bạn đang nói gì về nó, và cách lý giải của bạn là như thế nào. Tìm kiếm những luận điểm chắc chắn để mà lý giải nó. Vì thế, tôi khá mệt khi cứ phải nghe những câu hỏi mang tính giáo khoa và mang tính "nguyên thủy" từ một số người đã dấn thân vào ngành triết một thời gian cứ hay nhai đi nhai lại.
8. Cuối cùng thì cái cần làm tốt nhất hiện nay đối với người học triết chính là bồi dưỡng về mặt ngôn ngữ. Về cả tiếng nước ngoài, về cả tiếng mẹ đẻ. Tác dụng tốt nhất là đọc chính văn thì khỏi bàn rồi. Nhưng tác dụng quan trọng nhất đó là việc bạn có thể diễn tả rành mạch ý tưởng của bạn cho người khác hiểu và cả việc hiểu những gì người khác nói. Những lớp rào cản về mặt ngôn ngữ là trở ngại to lớn nhất dành cho những người học Triết. Chỉ trong tiếng mẹ đẻ của nhau thôi, bạn đã hiểu sai, hiểu lầm lẫn nhau. Huống gì những kiến thức Đông Tây mà bạn đang đọc hằng ngày lại được diễn dịch qua hàng trăm, hàng ngàn người khác nhau?
9. Thành ra, việc nhận thức tầm vóc nhỏ bé của bản thân là hết sức cần thiết. Bạn nên học cách lắng nghe ý kiến người khác trước khi bảo vệ quan điểm mình. Và chỉ bảo vệ quan điểm của mình khi cần thiết. Thế giới này quá rộng lớn đối với con người cụ thể. Mục đích cuối cùng của Triết học, theo tôi thấy, không phải làm cho bạn thông thái, đa năng, đa nhiệm hơn đâu, mà là khiến bạn phải có thái độ khiêm tốn và khiêm nhường trong mọi lãnh vực.
10. Thế giới hiện nay không cần bạn làm 1 lãnh tụ có thể xoay chuyển nhật nguyệt nên dẹp bỏ mấy cái ước mơ làm lãnh tụ này nọ đi. Thế giới hiện nay cần bạn hiểu nó, sống chung với nó, và đồng hành cùng nó, để cuộc sống của bạn và của cả nó bình yên, tốt đẹp từ trong những việc làm cụ thể hằng ngày. Nên tôi hoàn toàn trân trọng những người đang cố gắng hết sức họ làm đẹp bản thân họ và rồi là những người xung quanh họ hằng ngày, hơn là những tay suốt ngày gào thét về những thứ to tát mang tầm vóc nhân loại
Nguyễn Chiến Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét