Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Xếp hạng làm gì?

Xếp hạng làm gì?
Xếp hạng làm gì khi sinh viên ra trường không có việc làm?
--------------------------
Sao không quan tâm đến chất lượng giảng dạy, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm và làm đúng ngành hay không mà lại đi quan tâm đến bảng xếp hạng? Xếp hạng để làm gì? Tăng thứ bậc để làm gì khi những “đứa con” của mình không có việc làm sau khi ra trường?
LTS: Quacquarelli Symonds Ltd. (QS) vừa công bố bảng xếp hạng cho 600 trường đại học trên toàn thế giới cùng danh sách 250 đại học hàng đầu châu Mỹ Latin và 300 đại học hàng đầu châu Á năm 2012. Trong bảng danh sách này, Việt Nam chỉ có duy nhất một trường là Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ở trong danh sách từ 201-250 của châu Á. Vấn đề này đang được dư luận và những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà hết sức quan tâm. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được phản hồi của độc giả với những nhận định, đánh giá nhiều chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết của độc giả Hoàng Dương. Theo bạn Hoàng Dương thì tại sao chúng ta phải quan tâm nhiều đến thứ bậc trong khi hàng loạt sinh viên ra trường không có việc làm?
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của bất cứ trường đại học hay cao đẳng nào, ở bất cứ quốc gia nào là việc sinh viên của mình được đào tạo như nào? Chất lượng đào tạo ra sao? Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là bao nhiêu? Bao nhiêu % sinh viên làm đúng với chuyên ngành của mình được học? Bao nhiêu % phải chuyển sang ngành khác? Chứ đừng chăm chăm vào cái việc vô bổ như: xếp hạng thứ bao nhiêu trên thế giới? Năm nay tăng bao nhiêu bậc so với năm trước? Xin hỏi xếp hạng để làm gì? Tăng thứ bậc để làm gì khi những “đứa con” của mình không có việc làm sau khi ra trường?

Xếp hạng để làm gì khi sinh viên ra trường không có việc làm?
Không hiểu những người đứng đầu các trường đại học có hiểu được rằng, để bước được chân vào cái trường mà các "ngài" đang quản lý, để được ghi cái tên vào danh sách và trở thành sinh viên của trường "ngài" thì các em học sinh phải cố gắng, phấn đấu, rèn luyện vất vả đến như nào?
Không hiểu những người đứng đầu các trường đại học có hiểu được rằng, để có tiền chi phí cho việc học hành mà nhiều em phải đi làm thêm cả ngày lẫn đêm, phải đi làm những việc mà đáng ra cái tuổi của các em chưa phải làm. Các "ngài" thử sáng ra chen nhau trên xe buýt đi học, chiều lại vội vàng gặm cái bánh mỳ để đi phục vụ quán cà phê 8 tiếng/ngày với 30 nghìn đồng tiền công nhận được xem sao? Các "ngài" có chịu được không? Có sức để làm không?
Không hiểu những người đứng đầu các trường đại học có hiểu được rằng, có bao nhiêu gia đình đặt niềm tin vào những đứa con của mình khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng. Vậy mà, sau 4 đến 5 năm miệt mài phấn đấu, con cái của họ lại về làm những công việc hàng ngày bố mẹ chúng vẫn làm cách đây mấy chục năm mà có cần học hành gì đâu?
Không hiểu những người đứng đầu các trường đại học có hiểu được rằng, khi con cái đỗ đại học thì các bậc phụ huynh lại lo hơn mừng không? Một đống tiền bỏ ra cho con cái đi học mấy năm trời, đến khi ra trường không có việc làm thì lấy tiền đâu ra mà trả nợ đây?
Có khi nào các "ngài" ngồi lại mà ngẫm, mà nghĩ rằng, các chuyên ngành mở ra thì sinh viên học ra trường có thất nghiệp không? Các em có kiếm đủ nuôi sống bản thân mình với chuyên ngành mà các em được học? Hay các "ngài" chỉ nghĩ đến việc thu lại lợi nhuận từ việc mở thêm khoa, mở thêm chuyên ngành, mở thêm lớp để tăng lượng sinh viên và tiền học phí?
Có khi nào các "ngài" ngồi lại mà thống kê xem sinh viên của mình ra trường đang làm những công việc gì không? Có bao nhiêu em thất nghiệp không? Có bao nhiêu em vướng phải vòng lao lý chỉ vì kiến thức chuyên ngành và kiến thức xã hội còn quá non kém?

Xếp hạng để làm gì khi những bữa cơm sinh viên đạm bạc muốn rơi nước mắt?
Có khi nào các "ngài" ngồi lại mà điểm xem trường các "ngài" đang quản lý có bao nhiêu thầy cô giáo "ăn" tiền của sinh viên? Có bao nhiêu người thường xuyên bỏ tiết? Có bao nhiêu người đi dạy mà kiến thức còn chưa thể sánh ngang với trò không?
Không biết các bạn nghĩ như thế nào, chứ tôi tin rằng, chắc chưa "ngài" nào dám phát biểu ở các hội thảo hay trước công chúng số liệu về sinh viên của mình ra trường đang làm việc gì? Thu nhập ra sao? Có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng không? Vậy khoe xếp hạng thứ bao nhiêu trên thế giới để làm gì khi họ dựa trên những tiêu chí “dở hơi”, không phù hợp với thực trạng nền giáo dục của đất nước còn bao bộn bề cần giải quyết như chúng ta?

Xếp hạng đại học để làm gì khi thầy giảng bài còn sinh viên ở dưới ngủ gật?
Cái gì làm nên danh tiếng? Cái gì làm nên đẳng cấp của các trường đại học? Phải chăng cứ được xếp một thứ bậc nào đó trong bảng xếp hạng nào đó thì trường đó sẽ danh tiếng hơn, sẽ đẳng cấp hơn?
Danh tiếng, đẳng cấp được làm nên bởi chính đội ngũ giảng viên có trình độ cao, chính là phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả, chính là lượng kiến thức sinh viên thu được không chỉ bằng lý thuyết mà còn bằng cả thực hành, chính là mỗi lần bế giảng lại có hàng loạt các doanh nghiệp đến để đăng ký nhận sinh viên của trường về làm...
Khi nào, các trường cảm thấy xấu hổ với chính mình, với chính sinh viên khi chất lượng đào tạo kém, khi lượng sinh viên ra trường còn bị thất nghiệp, khi đó sinh viên mới có cơ hội được nghĩ mình "sung sướng".
Còn khi nào, các trường vẫn quan tâm đến việc thứ bậc trên bảng xếp hạng thì khi đó sinh viên còn khổ, còn thất nghiệp dài dài. Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh cũng như những nhà tuyển dụng sẽ còn đau đầu, chóng mặt khi phải đón nhận những “sản phẩm” nửa mùa buộc trên tay tấm bằng đại học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét