Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI!

HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI!
Đó là phương châm sống quan trọng nhất, không phụ thuộc vào tuổi tác, thời gian, không gian, địa vị xã hội. Khát vọng muốn biết nhiều hơn, tiến xa hơn, làm tốt hơn, sống có ích hơn, thôi thúc con người không ngừng học hỏi. Có câu: “Đường đời là cái thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối”. Đó là điều quyết định sự hơn hay kém, thành công hay không, có hạnh phúc hay không ở con người. Ansalus de Insulis từng khuyên: “Hãy học tập không ngừng như thể bạn sẽ trường sinh bất tử; nhưng hãy sống nhiệt thành như thể ngày mai bạn không còn cơ hội nữa”.
Sự hoàn thiện bản thân là một hành trình tích lũy kiến thức và kỹ năng có chủ đích. Jack Welch, CEO nổi tiếng của General Electric cho rằng: “Khi tôi ngừng học tập những cái mới mẻ và khi bắt đầu đàm luận về quá khứ mà không phải là tương lai, thì tôi nên rời khỏi”. Những người biết không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức để tiến kịp nhu cầu của cuộc sống chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng, vì điếu đó mở ra cho họ cơ hội để thăng tiến và thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo.
Sự học trên ghế nhà trường, kể cả trường đại học, chỉ là một con đường trong muôn vạn nẻo đường đời. Vì vậy chính năng lực tự học là chìa khóa để chủ động phát triển tự thân, mở rộng các chân trời kiến thức mới, giúp tiếp cận những ý tưởng mới, kinh nghiệm mới để không tụt hậu. Trong cả cuộc đời cần cò ý thức học hỏi từ mọi người, mọi thứ xung quanh và áp dụng những điều học được khi có điều kiện. Thử tưởng tượng chúng ta đang sống ở 20 năm sau, trong một thế giới không ngừng thay đổi và kiến thức của nhân loại phát triển ngày càng nhanh. Làm sao để không trở nên lạc lõng trước xã hội và cả trước con cháu bạn? Làm sao để có thể luôn tiến về phía trước? Làm sao để cuộc sống ngày càng có ý nghĩa?
Theo con số thống kê, năm 2003 ở Mỹ có 20% triệu phú chưa từng học đại học, 21 tỉ phú chưa có bằng đại học, 2 trong số đó chưa tốt nghiệp phổ thông. Các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới dù có may mắn đã học qua đại học thì cũng chỉ học một lĩnh vực khoa học hẹp, nhưng trên cương vị của mình, hàng ngày họ lại phải giải quyết những việc liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ thành công vượt bậc nhờ họ có năng lực tự học tuyệt vời trong cuộc sống.
Tỷ phú Sean Parker thành công nhờ Facebook với tài sản trị giá 2,1 tỷ USD cho rằng :"Khi những công cụ hùng mạnh về kiến thức và học hỏi luôn sẵn có ở mọi nơi trên thế giới, cách giáo dục truyền thống ngày càng trở nên ít quan trọng hơn. Những người ham học hỏi có cơ hội học tập từ những kho kiến thức, tư liệu đa dạng và khổng lồ trên Internet, miễn là bạn đủ kiên trì. Người học cũng có cơ hội trao đổi, trò chuyện với những người giỏi giang trong mọi lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới. Vì thế, chắc chắn sẽ xuất hiện một thế hệ những doanh nhân mới, những người đạt được thành công nhờ những kiến thức tự khám phá".
Theo GS. Trần Phương: “ Học bao giờ và lúc nào cũng chủ yếu là tự học, tức là biến kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của nhân loại thành kiến thức của mình, tự cải tạo tư duy của mình và rèn luyện cho mình kĩ năng thực hành những tri thức ấy”.
Thời đại thông tin với số lượng sách báo, đài phát thanh, truyền hình và đặc biệt là internet cùng các thiết bị nghe nhìn ngày càng phong phú là điều kiện thuận lợi chưa từng có cho việc tự học, tự hoàn thiện bản thân mình. Tuy nhiên có tận dụng được cơ hội hay đi xa đến đâu là tùy thuộc vào nhận thức, ý chí và niềm tin của từng người. Rào cản đối với hiệu quả tự học và sự phát triển tự thân nằm trong đầu óc ta. “Học kiến thức phải giỏi suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ lại. Chính bằng cách ấy tôi đã trở thành nhà khoa học.” - A. Einstein
Trong buổi nói chuyện với học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Giám đốc NASA Charles Bolden có lời khuyên: “Các bạn không được sợ thất bại, không được sợ thách thức những người khác. Hãy thách thức các thầy cô. Tôi là thầy giáo không có nghĩa là lúc nào tôi cũng đúng. Ở NASA cũng vậy, tôi là sếp ở đó, nhưng không phải lúc nào tôi cũng đúng. Trường học dạy các bạn, nhưng tự các bạn phải phát triển tư duy phản biện, phải tìm các thức mới trong công việc và những cách thức giúp các bạn cạnh tranh được khắp thế giới”.
Cuộc sống là một trường học lớn đối với người khiêm tốn, luôn có tinh thần để học bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, từ bất cứ ai. Người có học thức dù rộng đến đâu cũng phải không ngừng học hỏi. Có một nhà thông thái kể rằng: Ông ta thấy một đứa bé cầm trên tay một cây nến dã thắp sáng chuẩn bị đặt lên bàn thờ. Ông ta bèn hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?” Đứa bé đáp: “Thưa phải.” Đoạn ông ta hỏi tiếp: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?” Đứa bé cười to, rồi thổi tắt phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?” Cái tôi ngạo nghễ của ông ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ông ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ông ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ông ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Không nên hiểu cứng nhắc câu “Không thầy đố mầy làm nên” để rồi cứ trong chờ vào các lớp học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét