Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

MỘT NỬA SỰ THẬT KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THẬT

MỘT NỬA SỰ THẬT KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THẬT
Hàng ngày chúng ta tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên không ít trong số đó chỉ phản ảnh một phần nào của sự việc. Vì vậy nếu vội vàng tin hoặc dựa vào đó để đánh giá sự việc, dễ vấp phải sai lầm, nhất là khi đặt trọn niềm tin vào đó. Đó là một thách thức lớn trong việc tìm ra sự thật. Chỉ nói một nửa sự thật, dù cố tình hay vô ý, đều đồng nghĩa với xuyên tạc sự thật hay gian dối. Thành ngữ Nga có câu: "một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật".
Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán 2010 và đề nghị xử lý tài chính 21.700 tỉ đồng (hơn 1 tỉ đô-la, nếu số tiền đó được dùng để trang bị những phương tiện hiện đại cho ngư dân và hải quân thì sẽ hiệu quả biết bao!). Trước đó Thanh tra Nhà nước còn phát hiện những khoản chi sai còn khủng khiếp hơn con số đó nhiều. Những sai trái đó cùng với rất nhiều kết toán lỗ thành lãi, ít thành nhiều hoặc ngược lại, luôn được che đậy bằng những báo cáo “nửa sự thật”, dối trên lừa dưới để trục lợi. Đó mới là những phát hiện trong thời hạn một năm, vậy con số thất thoát trong nhiều năm là bao nhiêu, thiệt hại về nhiều mặt của dân, của nước lớn đến mức nào? Liệu có thể tin vào tính trung thực của những người đứng đầu các đơn vị báo cáo “nửa sự thật” đó, dù họ thường từ chối trách nhiệm? Một người có quyền, có chức không trung thực còn tệ hại hơn gấp trăm lần những kẻ lừa gạt ở đầu đường xó chợ.
Một khía cạnh khác là có những việc mà mình đã đặt trọn niềm tin trong quá khứ, nhưng thực tế cuộc sống lại dần cho thấy sự bất cập của niềm tin vào điều không hoàn toàn đúng sự thật. Trong trường hợp đó sự thay đổi niềm tin là điều không tránh khỏi. Để giữ được lòng tin của mọi người, việc làm và lý thuyết không thể bất nhất.
Đức Phật Cồ Đàm dạy rằng: “Mọi người đừng nên tin vào điều gì, do bất cứ thánh nhân nào thuyết giảng, ghi chép ở kinh sách, hay được thừa nhận bởi tập quán, trừ khi điều đó phù hợp với hiểu biết và lý trí”. Còn khi con gái hỏi K. Marx về câu châm ngôn mà Người thích nhất, Marx đã nói: "Hoài nghi tất cả!" Francis Bacon nhấn mạnh: “Một người khởi đầu bằng sự vững tin, anh ta sẽ kết thúc bằng sự nghi ngờ. Nhưng nếu anh ta bằng lòng khởi đầu với sự nghi ngờ, anh ta sẽ kết thúc bằng sự tin tưởng”.
Chân lý không phụ thuộc vào số đông hay người nói ra là ai, với danh nghĩa gì, mà phụ thuộc vào bản chất thật của sự việc khi được nêu ra. Trung thực là phẩm chất cao quý của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét