Chương I
MỞ ĐẦU
Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ học luôn luôn có quan hệ mật thiết với lôgích học.
Nhu cầu nhận thức khách quan là một tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Khi quan sát các sự vật và hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan, khi quan sát các thuộc tính, các tác động qua lại, chi phối lẫn nhau của chúng, con người đã hình thành các khái niệm. Con người nhận thức mối liên hệ giữa các sự vật và hiện tượng thông qua các phán đoán. Công cụ ngôn ngữ để thể hiện tư duy, để phản ánh các khái niệm và phán đoán, là từ và câu. Chúng tương ứng với hai yếu tố cơ sở của lôgích là khái niệm và phán đoán. Đối tượng của lôgích hình thức là những cấu trúc khái quát nhất của tư duy chính xác, là tính chân lí của các phán đoán, mối liên hệ của chúng và các dạng thức suy luận. Trong lôgích, người ta xây dựng các phương pháp tiếp cận để nhận thức thế giới, các thao tác tư duy chính xác như các phương pháp suy diễn, chứng minh, kiểm nghiệm, bác bỏ… Người ta tư duy thông qua ngôn ngữ. Trong các ngôn ngữ tự nhiên luôn có các dạng thức để thể hiện các thao tác dư duy. Vì vậy ngôn ngữ và lôgích có những điểm chung cơ bản.
Sự hiểu biết của con người ngày càng chính xác hơn, càng gần tới chân lí tuyệt đối hơn. Nhận thức của con người là một quá trình phát triển biện chứng. Mặt khác, ngôn ngữ cũng luôn luôn phát triển, chuẩn mực ngôn ngữ mỗi thời mỗi khác, cái chuẩn ngày hôm nay có thể được hình thành từ những cái phi chuẩn ngày hôm qua. Sự phát triển của nhận thức và sự phát triển nội tại của ngôn ngữ làm cho hệ thống lôgích của ngôn ngữ tự nhiên rất năng động. Chính vì vậy, bên cạnh rất nhiều điểm chung, giữa lôgích hình thức và ngôn ngữ tự nhiên cũng có nhiều điểm khác nhau.
Một trong những mục đích của cuốn sách này là nêu lên những cái chung của lôgích và tiếng Việt, đồng thời nêu lên những đặc điểm của tiếng Việt trong sự so sánh với lôgích.
Nếu như trong lôgích, phán đoán “cái bàn này không vuông” có thể dùng để miêu tả thuộc tính âm “không vuông” của cái bàn mà cũng có thể dùng để bác bỏ, phủ định một phán đoán khác thì trong tiếng Việt, câu tương tứng “cái bàn này không vuông” được gọi là câu phủ định, cũng có thể dùng để miêu tả hoặc để phủ định, bác bỏ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt chúng ta còn những phương thức khác để diễn đạt nội dung trên: “Cái bàn này mà vuông!”; “Cái bàn này đâu có vuông”; “Cái bàn này vuông thế nào được”; “Cái bàn này vuông đâu mà vuông?”; “Cái bàn này vuông sao lại cạnh dài cạnh ngắn?”… Những dạng thức ngôn ngữ ấy được dùng để thể hiện các hành vi ngôn ngữ khác nhau, dùng vào những mục đích khác nhau và trong những tình huống khác nhau. Thế là có những điểm chung giữa lôgích và tiếng Việt; nhưng trong cấu tạo câu và mục đích dùng của nó ở tiếng Việt có những đặc thù không có ở lôgích.
Trong lôgích luôn luôn có quan hệ suy diễn giữa một hay một số phán đoán khác. Trong tiếng Việt cũng có quan hệ suy diễn giữa các câu. Tuy nhiên cũng có những suy diễn trong lôgích không thể áp dụng vào ngôn ngữ tự nhiên. Trong lôgích, phán đoán hội có tính đối xứng , nghĩa là chúng ta có quan hệ suy diễn a ^ b b ^ a. Trong tiếng Việt, câu phức tương ứng dùng từ và lại không có tính chất ấy. Từ câu “Anh ấy lúng búng nói và mọi người cười ầm lên” không thể suy ra câu “Mọi người cười ầm lên và anh ấy lúng búng nói”. Thế là, phép hội lôgích và từ nối và của tiếng Việt, tuy cùng dùng để tạo một phán đoán phức và một câu phức đẳng lập, nhưng từ và có những sắc thái nghĩa chứ không chỉ thuần tuý có chức năng cú pháp. Các từ nối khác trong tiếng Việt cũng vậy, ngoài chức năng cú pháp, chúng còn có chức năng ngữ nghĩa. Có những phép suy diễn lôgích áp dụng được cho ngôn ngữ. Từ phán đoán, từ câu “Một số thanh niên mê bóng đá” chúng ta suy ra phán đoán, ra câu “Có những người mê bóng đá là thanh niên”. Nhưng có những suy diễn chỉ tìm thấy trong ngôn ngữ. Từ câu “Ba lại trược đại học” chúng ta suy ra “Ba đã từng trượt đại học”, còn từ câu “Ba đâm ra huênh hoang” chúng ta suy ra “Trước đây Ba không huênh hoang”. Do tiền giả định của các từ lại và đâm mà chúng suy ra được như vậy. Vì thế, cùng với chương “Phép suy luận” trình bày phương thức suy luận trong lôgích, chúng tôi cũng trình bày chương “Tiền giả định”, nhằm giới thiệu một khái niệm hết sức quan trọng trong nghiên cứu ngữ nghĩa và cú pháp, đặc biệt cần trong việc xác lập quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu.
Ngoài đặc điểm chung của mọi ngôn ngữ tự nhiên, tiếng Việt còn những lôgích đặc thù, nhờ đó tạo ra các lối nói mang các chức năng ngữ nghĩa xác định. Chẳng hạn, trong ngữ pháp, đó là hiện tượng có những câu mang hình thức nghi vấn nhưng lại chứa đựng nội dung khẳng định, như “Ớt nào là ớt chẳng cay?”. Hoặc để thể hiện một câu khẳng định tổng quát như “Mọi loại ớt đều cay”, ngoài cách dùng lối chất vấn trên đây, người ta còn có thể dùng những câu không chứa lượng từ tổng quát mọi, mà chỉ chứa từ phiếm định, như “Loại ớt nào cũng cay”. Đó cũng là hiện tượng mà đứng riêng thì hai từ trên và dưới là trái nghĩa, nhưng có những câu chúng được dùng như là đồng nghĩa “Thuyền chạy trên sông” và “Thuyền chạy dưới sông”. Những hiện tượng đó đều cần thiết và có thể giải thích được trên cơ sở lôgích nội tại của tiếng Việt. Trong sách này, chúng tôi cũng trình bày một số hiện tượng lôgích đặc thù của tiếng Việt mà các công trình nghiên cứu xưa nay thường bỏ qua hoặc có nhắc tới thì lại coi là những “lệ ngoại”, là những kết cấu mang tính võ đoán.
Tuy có sự khác biệt, nhưng lôgích vẫn cần thiết và có thể dùng để miêu tả, phân tích và giải thích các hiện tượng trong ngôn ngữ tự nhiên. Giữa một câu tường thuật và một phán đoán lôgích có sự tương ứng như sau: động từ làm vị ngữ của câu tương ứng với vị từ của phán đoán; các danh ngữ giữ các chức năng ngữ pháp như chủ ngữ, bổ ngữ tương ứng với các đối trong các phán đoán. Vì thế, nếu như trong lôgích mệnh đề đã nghiên cứu mối quan hệ giữa các câu, giữa một câu phức với các câu thành phần nhưng đã miêu tả các câu đơn nhất loạt bằng một kí hiệu thì dùng phép tính lượng tử (còn gọi là phép tính vị từ) sẽ cho phép ta miêu tả phân biệt hai câu “Ba biết việc đó” và “Mọi người biết việc đó”. Trong ngôn ngữ lại có những câu chứa yếu tố tình thái như có thể, cần phải… Phép tính lượng từ không cho phép miêu tả phân biệt hai câu “Ba biết việc đó” và “Ba có thể biết việc đó”. Lúc đó người ta lại phải dùng một công cụ mạnh hơn để miêu tả, đó là lôgích tình thái. Những lôgích trên đây không đủ mạnh để miêu tả các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan tới thời gian. Trong những trường hợp ấy cần dùng tới lôgích thời gian. Lại có những câu không thể gán cho nó giá trị đúng hoặc sai, cần phải gán cho nó giá trị thứ ba. Người ta dùng lôgích đa trị để miêu tả và giải thích các hiện tượng này. Những kiến thức lôgích được dùng rộng rãi trong các công trình ngôn ngữ học, trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ ngôn ngữ, ngày càng nhiều và đa dạng. Đã tới lúc không thể lảng tránh được nữa khuynh hướng đó trong nghiên cứu ngôn ngữ.
Trong sách này, chúng tôi sẽ trình bày những kiến thức cơ bản về lôgích như phép tính mệnh đề, phép tính lượng từ, lôgích tình thái, các phép suy luận và một số phương pháp miêu tả ngôn ngữ tự nhiên để bạn đọc có một công cụ tối thiểu cho phép nắm bắt được các công trình ngôn ngữ học hiện đại, đồng thời có thể vận dụng chúng trong khi nghiên cứu. Khuôn khổ có hạn của quyền sách không cho phép chúng tôi trình bày những vấn đề lôgích hiện đại đang có nhiều ứng dụng đầy hiệu quả trong ngôn ngữ học gần hai thập kỷ qua. Đó là lôgích đa trị và lôgích mờ, là lôgích nội hàm và ngữ pháp Montague. Cũng lý do đó, trong sách này không trình bày các mô hình ngôn ngữ của N. Chomsky, ngữ pháp cách của Ch. Fillmore hoặc cơ sở lôgích trong hội thoại theo cách tiếp cận của P. Grice.
Ở nước ta chưa có cuốn sách nào đề cập tới những khái niệm cơ bản về lôgích và mối liên quan của nó với ngôn ngữ mà nhiều nhà nghiên cứu, các giáo viên và sinh viên ngôn ngữ quan tâm. Chúng tôi viết sách này với mong muốn góp phần đáp ứng nhu cầu đó. Một phần trong sách này là nội dung chuyên đề mà chúng tôi trình bày cho sinh viên ngôn ngữ những năm cuôi của trường Đại học tổng hợp Hà Nội từ 1982 tới nay. Phần đầu của cuốn sách có thể dùng làm cơ sở cho các bài giảng lôgích cho sinh viên ngữ văn các trường đại học tổng hợp và sư phạm. Chúng tôi cố gắng trình bày vấn đề thật đơn giản, nhưng không tránh khỏi những điều bạn đọc thấy rắc rối khó hiểu.
Lần đầu đề cập đến một vấn đề rộng, liên quan tới lôgích và ngôn ngữ, lại không có những công trình đi trước để tham khảo, rút kinh nghiệm cho nên những thiếu sót trong sách này là không tránh khỏi. Tác giả mong được ban đọc thông cảm và góp cho nhiều ý kiến để cuốn sách được hoàn hảo hơn.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đồng chí Lương Văn Đang, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Tac giả đặc biệt cảm ơn đồng chí Vũ Thúy Anh đã góp nhiều ý kiến bổ ích để hoàn thiện bản thảo.
Hà Nội 21-4-1986
Nguyễn Đức Dân
-------------------------------------
*Tên sách: Lô gích - Ngữ nghĩa - Cú pháp
*Tác giả: Nguyễn Đức Dân
*Năm xuất bản: 1987
~ trích [Chương IV - Tiền Giả Định]
Xét câu:
(4) Kepler đã chết trong cảnh nghèo khổ.
Khi phủ định câu (4) chúng ta được câu (7)
(7) Kepler đã không chết trong cảnh nghèo khổ.
Cả 4 lẫn 7 đều có một phần giống nhau: Kepler là tên riêng trỏ sự tồn tại của một người nào đó. Vậy thì sự "tồn tại một người tên là Kepler" cũng là tiền giả định của câu 4 và câu 7.
Như vậy, theo Frege các điều tiền giả định của một mệnh đề là các điều kiện cần để có thể xác định được giá trị chân lý (đúng hoặc sai) của mệnh đề đó. Sự tồn tại của người mang tên Kepler là điều kiện cần để xác định giá trị đúng của câu 4.
Lại xét câu 8:
(8) Người đầu tiên bay vào vũ trụ là Titốp.
Đây là một câu sai, vì người đầu tiên bay vào vũ trụ là Gagarin. Nhưng cũng như câu 4, ở câu 8 có sự tồn tại của một người đã bay vào vũ trụ đầu tiên. Vậy đó cũng là tiền giả định của câu 8, là điều kiện cần để xác định câu 8 có giá trị sai hay đúng.
Có những câu không thể biết được nó đúng hay sai. Thật vậy, xét câu 9:
(9) Người đầu tiên bay lên sao Kim đã chết.
Không thể nói được 9 là câu đúng hay sai, vì 9 theo mô hình của 4, cũng có một tiền giả định là tồn tại một người đã bay lên sao Kim, nhưng đây là một điều sai vì chưa có ai bay lên sao Kim cả. Thế thì câu 9 nhận giá trị gì?
Người ta phải dùng tới logic đa trị: ở đây là logic ba trị. Câu A nhận giá trị trung hòa, còn lại là giá trị zero hay là giá trị rỗng, ký hiệu bằng "#". Lúc đó, người ta cũng nói rằng A vô nghĩa. Điều trên đây được miên tả thành bảng 1.2 là bảng định nghĩa của quan hệ tiền giả định:
A → B
---------
đ → đ
s → đ
# → s
*Nếu bạn quan tâm đến cuốn sách này, hãy cùng chúng tôi dành ra mỗi ngày 30 phút để đánh máy giúp đưa nó đến cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét