Sự sinh tồn của sinh giới, của các loài động vật nói chung và của con người nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào một hoạt động là kiếm ăn. Với các loài động vật bậc thấp thì hoạt động kiếm ăn chiếm gần hết thời gian của cuộc đời. Các loài động vật bậc cao hơn có nhiều dạng hoạt động hơn cho nhu cầu sinh tồn ngoài hoạt động kiếm ăn như hoạt động cho mục đích sinh sản, hoạt động bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nguồn thức ăn, hoạt động mang tính xã hội. Trong các hoạt động đó thì hoạt động kiếm ăn vẫn là quan trọng nhất chi phối các hoạt động khác. Để thực hiện các hoạt động sinh tồn, các loài động vật sử dụng các bộ phận trên cơ thể phát triển trong quá trình tiến hoá như hệ vận động, móng vuốt, răng, sừng,v.v... Một số loài đã biết sử dụng những vật sẵn có trong thiên nhiên để hỗ trợ cho hoạt động như tinh tinh dùng cành cây hoặc hòn đá làm công cụ đập vỡ hạt cây, quạ dùng cành cây nhỏ để bắt sâu trong thân cây. Loài người được tự nhiên ưu ái cho phát triển một bộ phận đặc biệt là bộ óc. Sự phát triển của bộ óc đã giúp con người tự đẩy nhanh thêm quá trình tiến hoá của mình. Để thực hiện các hoạt động sinh tồn, loài người không chỉ thực hiện các hoạt động như một số loài động vật cao cấp, mà còn vượt lên hơn hẳn khi con người còn biết chế tác ra các công cụ phục vụ cho các hoạt động của mình. Biết chế tác và thường xuyên sử dụng công cụ trong các hoạt động sinh tồn, con người đã thực hiện một việc mà về tính chất đã vượt lên trên hoạt động kiếm ăn thông thường của các loài sinh vật nói chung, đó là lao động. Việc sử dụng công cụ trong lao động đã giúp cho con người thu được nhiều sản phẩm hơn, nhu cầu ngày càng dễ được đáp ứng hơn. Hoạt động tìm kiếm thức ăn đã không còn chiếm nhiều thời gian nên con người có điều kiện thực hiện nhiều hoạt động khác. Việc mở rộng thêm nhiều hình thức hoạt động lại thúc đẩy sự phát triển trí óc. Một sản phẩm của quá trình phát triển trí óc là tiếng nói. Tiếng nói ra đời đã giúp cho con người tăng cường và mở rộng khả năng giao tiếp. Khả năng giao tiếp được nâng cao giúp cho con người lao động và phối hợp với nhau trong lao động ngày càng tốt hơn, hiệu quả của lao động vì vậy ngày càng được nâng cao hơn, trí tuệ của con người hình thành và ngày càng phát triển. Trí tuệ phát triển giúp con người sáng tạo được nhiều công cụ tinh xảo có thể làm thay cho con người trong nhiều công việc. Cứ như vậy, sự phát triển và quá trình phát triển của loài người ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Lao động đã làm thay đổi về chất hoạt động sinh tồn và sự tiến hoá cho loài người. Lao động từ mục đích ban đầu là đáp ứng nhu cầu kiếm ăn đã chuyển sang đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Khả năng đáp ứng nhu cầu được nâng lên kích thích sự phát sinh các nhu cầu mới. Nhu cầu của con người không còn chỉ là đủ ăn khi đói, đủ uống khi khát, đủ ấm khi rét mà đã phát triển đến mức cần được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi, được hiểu biết... Sự phát triển nhu cầu thúc đẩy lao động phát triển. Lao động đã không chỉ có lao động sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng mà còn có lao động nâng cao nhận thức của con người về tự nhiên, về xã hội, về bản thân con người, lao động nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp. Lao động không còn chỉ dùng cơ bắp mà xuất hiện lao động trí óc. Lao động trí óc ngày càng phát triển và thay thế dần cho một số dạng lao động chân tay. Lao động chuyển dần từ lao động giản đơn sang lao động phức tạp với yêu cầu kiến thức và kỹ năng lao động cao. Lao động mang tính công nghệ cao, hợp tác chặt chẽ, tập trung, phân công lao động rõ ràng thay thế dần cho lao động nhỏ lẻ, manh mún và thiếu hợp tác. Sự thay thế này làm cho năng suất lao động và chất lượng sản phẩm được nâng cao rõ rệt, đồng thời nó cũng tạo ra nguy cơ làm mất cơ hội có việc làm cho nhiều người lao động có trình độ lao động thấp. Trong xã hội có nền sản xuất nhỏ và lạc hậu, cơ hội việc làm cho mọi người có nhiều nhưng năng suất lao động rất thấp nên khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của lao động cũng không cao. Trong nền sản xuất phát triển, cơ hội có việc làm chỉ dành cho những người có kiến thức, có trình độ, có tay nghề vững vàng. Lao động đảm bảo cho sự sinh tồn phát triển và hoàn thiện con người.
Xã hội loài người ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao và càng đa dạng, các sản phẩm phục vụ cho con người ngày càng phong phú. Nhu cầu của con người không còn chỉ là các sản phẩm tiêu dùng, mà còn có các sản phẩm hưởng thụ. Giá trị của các sản phẩm không chỉ là giá trị sử dụng, mà còn có giá trị hưởng thụ. Để đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu, lao động của con người ngày càng phát triển và đa dạng về loại hình. Lao động đã có rất nhiều loại hình từ lao động giản đơn đến lao động phức tạp; lao động chân tay đến lao động trí óc; lao động nặng nhọc hay nhẹ nhàng, lao động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến lao động trong các lĩnh vực tổ chức, xây dựng và quản lý xã hội và quản lý sản xuất; lao động tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ như trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao; lao động quảng bá và truyền thụ tri thức trong các lĩnh vực thông tin văn hoá, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo. Lao động cũng được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi. Môi trường lao động có thể là môi trường thiên nhiên hay môi trường nhân tạo. Với môi trường thiên nhiên, con người chịu mọi sự thay đổi về nhiệt độ, về độ ẩm, về mức độ ô nhiễm, chịu mọi biến động về thời tiết, ảnh hưởng của mưa nắng. Môi trường nhân tạo có thể khắc phục được mọi tác động tiêu cực của môi trường làm việc nhưng chi phí cho môi trường nhân tạo cũng là một khoản đáng kể. Khoảng không gian lao động của con người đã trải dài từ độ sâu hàng trăm mét trong các hầm lò hay trong lòng biển cả đến khoảng không bao la của vũ trụ nơi có các con tàu vũ trụ có người lái bay đến. Các sản phẩm do con người tạo ra không chỉ dừng ở việc thu lượm những sản vật sẵn có trong thiên nhiên mà đã phát triển đến mức đòi hỏi phải có công nghệ cao mới thực hiện được. Có sản phẩm được tạo ra trong thời gian ngắn và cần ít người tham gia, nhưng cũng có sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian trải qua rất nhiều thời kỳ, nhiều công đoạn, không gian sản xuất rộng lớn và với sự tham gia của rất nhiều người. Mối liên hệ giữa những người lao động ngày càng mở rộng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người lao động trong quá trình lao động ngày càng chặt chẽ.
Một yếu tố rất cần cho lao động là tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất giúp cho lao động được thực hiện. Trước đây quan niệm tư liệu sản xuất chỉ bao gồm các thành phần vật chất như đất đai, công cụ, phương tiện lao động, nguyên vật liệu...Quan niệm như vậy sẽ không đầy đủ bởi trong quá trình lao động, người lao động còn phải sử dụng cả những sự hiểu biết của họ. Những sự hiểu biết đó là tri thức. Vì vậy tri thức cũng phải được coi là tư liệu lao động, là dạng tư liệu sản xuất phi vật chất. Khác với tư liệu vật chất có thể tách rời khỏi người lao động, tri thức do người lao động tiếp nhận hoặc xây dựng và gắn liền với người lao động. Nói cách khác, người lao động được sở hữu một loại tư liệu lao động là tri thức về dạng lao động mà mình thực hiện. Còn các loại tư liệu lao động vật chất có thể hoặc không phải là sở hữu của họ. Tri thức tạo nên sức lao động với giá trị cao.
Để có tư liệu sản xuất, người lao động có thể tự tạo hoặc trao đổi, mua bán. Nhưng với những tư liệu có giá trị lớn thì việc tự tạo hay trao đổi là khó hoặc không thực hiện được. Lúc này vai trò của đồng tiền với sự tập trung cao của nó được thể hiện. Đồng tiền giúp cho sự hình thành những khối tư liệu sản xuất lớn và với những khối tư liệu này, lao động có thể tạo được nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Đồng tiền quan hệ với lao động thông qua tư liệu sản suất và sức lao động. Đồng tiền trở thành điều kiện của lao động và là môi trường cho lao động. Vai trò của đồng tiền không còn chỉ dừng ở chỗ làm thay đổi về chất việc trao đổi sản phẩm, hàng hoá mà đã nâng lên với việc giúp lao động có thể tạo ra số lượng lớn sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao. Bản thân đồng tiền không tạo ra được bất kỳ sản phẩm , hàng hoá nào nhưng nó giúp cho lao động được thực hiện. Lao động sẽ không thực hiện được nếu không có tư liệu sản xuất và không phát triển dược nếu không có sự tập trung của đồng tiền. Đồng tiền tạo môi trường cho lao động được thực hiện và phát triển. Lao động được thực thực hiện và phát triển tạo ra nhiều giá trị và do đó làm gia tăng số lượng cho đồng tiền. Vì vậy mối quan hệ giữa lao động và đồng tiền đã trở thành mối quan hệ giữa hai mặt của một sự thống nhất. Con người không thiết lập nên hoặc xoá bỏ được mối quan hệ giữa đồng tiền và lao động. Sự hình thành mối quan hệ đó là tất yếu trong sự phát triển của xã hội loài người. Nhưng mối quan hệ này không phải là mối quan hệ tự nhiên bởi lao động là của con người, đồng tiền do con người tạo ra. Vì vậy con người có thể tác động vào mối quan hệ này. Sự tác động hợp lý sẽ làm cho mối quan hệ phát triển, ngược lại, sự tác động không hợp lý sẽ đẩy đồng tiền và lao động vào mối quan hệ đối lập, đấu tranh không khoan nhượng khiến mối quan hệ có thể bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả lao động và đồng tiền.
Sự đa dạng các loại hình lao động cũng tạo nên sự đa dạng về sức lao động. Có lao động không đòi hỏi sức lao động phải có nhiều sự hiểu biết hay sự khéo léo, nhưng cũng có lao động đòi hỏi người lao động phải có tri thức sâu sắc, phải có quá trình rèn luyện lâu dài. Sự hao phí sức lao động cũng không giống nhau, có lao động đòi hỏi rất nhiều công sức với cường độ lao động cao, nhưng cũng có lao động mà phần lớn thời gian chỉ dành cho việc chờ đợi. Có lao động khiến người lao động luôn trong trạng thái căng thẳng thần kinh vì dễ sai sót hoặc nguy hiểm. Sự tổn hao sức lao động phụ thuộc vào loại hình và tính chất của lao động, vì vậy không phải người lao động nào cũng có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu của lao động. Sự tổn hao sức lao động chỉ thực sự có hiệu quả và có ý nghĩa khi sức lao động phù hợp với loại hình và tính chất của lao động.
Quá trình lao động đòi hỏi mỗi cá nhân không chỉ thành thục trong công việc mà còn phải biết sắp xếp, tổ chức công việc hợp lý nhằm thu được kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Đây là yêu cầu về kỹ năng lao động. Kỹ năng lao động không chỉ là một khái niệm về kỹ thuật, công nghệ, về năng lực, trình độ mà cần hiểu nó còn bao hàm cả nội dung tổ chức lao động sản xuất. Cơ sở của sự bao hàm này là việc tổ chức lao động sản xuất cũng do con người thực hiện. Việc con người sử dụng năng lực, trình độ, công cụ, phương tiện để tổ chức, điều hành lao động sản xuất cũng là lao động. Kỹ năng tổ chức, điều hành tốt cũng có nghĩa là kỹ năng lao động cao. Yếu tố này rất là quan trọng trong điều kiện nền sản xuất hàng hoá phát triển, yêu cầu hợp tác cao và cạnh tranh gay gắt. Xây dựng và phát triển kỹ năng lao động là một quá trình từ đào tạo, rèn luyện và thường xuyên rút kinh nghiệm, tích luỹ và bổ xung tri thức về công việc. Quá trình này chỉ kết thúc khi con người không còn phải làm việc.
Trong quá trình lao động, người lao động sử dụng sức lực kết hợp với trí lực của mình để tác động lên đối tượng lao động. Tuỳ theo mục đích lao động và đối tượng lao động mà con người có hoặc cần có sự hỗ trợ của các công cụ, phương tiện lao động. Một đặc tính đặc biệt của lao động trí óc mà lao động sức lực không có là nó có thể chuyển từ người này sang người khác thông qua giao tiếp. Điều này có nghĩa người lao động không chỉ kết hợp được giữa sức lực và trí lực của mình mà còn kết hợp được sức lực của mình với trí lực của người khác. Sự kết hợp giữa trí lực và sức lực trong mỗi cá nhân tạo nên sức lao động. Đây là sự kết hợp cần thiết bởi lao động của con người là việc thực hiện nhiều động tác phức tạp và sự hiểu biết. Quá trình lao động là quá trình tổn hao sức lao động. Con người sẽ thấy mệt mỏi sau một chu kỳ lao động. Nhưng sự tổn hao sức lao động không phải là sự mất đi của sức lực và trí lực mà chúng được chuyển hoá vào các sản phẩm được tạo ra trong quá trình lao động, chúng tạo nên giá trị cho sản phẩm. Phần giá trị của sản phẩm do sức lao động chuyển hoá thành là giá trị của sức lao động, gọi tắt là giá trị sức lao động. Nói cách khác, quá trình lao động là quá trình chuyển hoá sức lao động thành giá trị sức lao động. Sức lực và trí lực của mỗi người là khác nhau, công việc và điều kiện lao động có thể không giống nhau cho nên sự chuyển hoá sức lao động của từng người thành giá trị sức lao động sẽ không giống nhau. Lao động nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho mọi người trong xã hội. Giá trị sức lao động là mức độ đáp ứng nhu cầu xã hội của sức lao động. Nhu cầu xã hội càng cao thì yêu cầu về lượng giá trị sức lao động càng lớn. Nếu sức lao động có giá trị cao thì sự tổn hao sức lao động cho đáp ứng nhu cầu hạ xuống. Xã hội càng phát triển, nhu cầu ngày càng tăng cao thì sức lao động không chỉ gia tăng một phần về số lượng mà cái cần gia tăng mạnh mẽ là khả năng tạo ra giá trị cao của mỗi sức lao động. Sức lao động là có giới hạn và có thể đo được. Vì vậy việc tính toán về sức lao động là có thể thực hiện được. Giá trị sức lao động phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu của sức lao động. Khả năng đáp ứng càng cao thì sức lao động càng có giá trị. Giá trị sức lao động chỉ được thực hiện bởi sức lao động. Sức lao động được phục hồi khi người lao động thu được giá trị sức lao động. Điều này nói lên rằng giữa sức lao động và giá trị sức lao động có mối quan hệ biện chứng. Sức lao động sẽ được phục hồi nhanh khi giá trị sức lao động cao. Việc phục hồi nhanh sức lao động sẽ làm tăng chu kỳ lao động và như vậy giá trị sức lao động càng được tạo ra nhiều. Giá trị sức lao động kích thích sức lao động. Trong xã hội có sự phân công và phân hoá lao động, những người tạo ra sản phẩm mà xã hội có nhu cầu lớn thì có giá trị sức lao động cao hơn những người lao động tạo ra những sản phẩm mà xã hội không có nhiều nhu cầu mặc dù sức lao động của họ có thể giống nhau. Sự phân công lao động xã hội khiến cho mọi người lao động có những mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc vào nhau trong việc tạo ra và hưởng thụ thành quả lao động. Một sức lao động trong giai đoạn hiện nay không chỉ thực hiện một giá trị sức lao động mà có thể thực hiện nhiều giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động của người này nhiều khi phải thông qua sức lao động của người khác mới được thực hiện hay sức lao động của người đó chỉ có giá trị bởi lao động của người khác. Nếu không có ca sỹ thể hiện bài hát thì sức lao động của nhạc sỹ trong việc sáng tác bài hát cũng không có giá trị. Nhưng nếu bài hát được nhiều ca sỹ hát và được hát đi hát lại rất nhiều lần theo yêu cầu thính giả thì giá trị sức lao động của nhạc sỹ sẽ là rất nhiều. Đây là biểu hiện của sự kết hợp giữa sức lực của người này với trí lực của người khác, giữa sức lực của ca sỹ với trí lực của nhạc sỹ. Như vậy ngoài biểu hiện có mối quan hệ biện chứng, giữa sức lao động và giá trị sức lao động còn biểu hiện rằng mối quan hệ giữa chúng không phải là tuyến tính. Đây là mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa sức lao động và giá trị sức lao động. Mâu thuẫn này xác định sức lao động và giá trị sức lao động là hai mặt của lao động. Điều này cho thấy khi xem xét, định giá về lao động cần phải xem xét, định giá cả hai mặt của lao động là sức lao động và cái mà sức lao động đem lại là giá trị sức lao động. Nếu định giá lao động chỉ riêng về sức lao động là không đầy đủ. Sự định giá như vậy sẽ dẫn đến kết quả của sự định giá chỉ mang tính định tính mặc dù có thể tìm được những số liệu cụ thể về sự tổn hao thời gian và sức lực. Định giá giá trị sức lao động là sự lượng hoá lao động về mặt giá trị, định giá lượng giá trị mà mỗi người lao động tạo ra, là định giá giá trị của một con người.
Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động
http://
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét