Lao động là sự tổn hao về thời gian, sức lực, trí lực và cả tâm lực. Không có ai lao động mà không mất thời gian, không có quá trình lao động nào diễn ra trong khoảng thời gian bằng không. Không có người nào không mệt mỏi sau một thời gian lao động năng nhọc và căng thẳng. Nhiều công việc không chỉ đòi hỏi về kỹ năng lao động mà còn đòi hỏi người lao động phải có cả tình yêu và sự say mê đối với lao động. Lao động là quá trình chuyển hoá các giá trị của bản thân người lao động và những giá trị mà người lao động tiếp nhận từ bên ngoài thành giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động được thực hiện bằng sức lao động. Sức lao động là có hạn, do đó nếu không có những yếu tố khác bổ xung thì giá trị sức lao động cũng bị giới hạn. Sự bổ xung này là sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động. Sự chuyển hoá các giá trị khác nhau thành giá trị sức lao động đã tạo ra các mức rất khác nhau trên những sức lao động tương đương nhau. Bản chất của giá trị sức lao động là sự chuyển hoá các giá trị của tự nhiên, giá trị của nhân loại và giá trị của mỗi con người vào trong các sản phẩm của lao động. Nghiên cứu về sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động sẽ làm rõ được ý nghĩa của sức lao động và vai trò của từng cá nhân trong xã hội. Những giá trị sau có thể chuyển hoá thành giá trị sức lao động:
I. Giá trị thời gian.
Mọi quá trình, mọi sự vận động đều diễn ra trong thời gian. Quá trình lao động cũng của con người cũng diễn ra trong thời gian. Sức lao động của con người cũng không thể giải phóng đột ngột trong một khoảng thời gian cực ngắn. Nếu không có thời gian thì không thể thực hiện được một công việc nào, kể cả việc xuất hiện một ý tưởng mới trong trí não. Người có giá trị thời gian là người dùng một khoảng thời gian trong cuộc đời của mình để lao động. Lao động làm hao phí thời gian. Quá trình lao động là quá trình chuyển giá trị thời gian vào giá trị sức lao động, biến sự hao phí thời gian thành giá trị. Thời gian không phải là giá trị sức lao động. Giá trị thời gian được chuyển hoá thành giá trị sức lao động thể hiện ở chỗ thời gian là một chiều của mọi sự vận động trong vũ trụ và trong đời sống của mỗi con người. Khoảng thời gian hao phí cho lao động chính là giá trị thời gian. Thời gian là điều kiện tiên quyết cho mọi quá trình lao động và do đó nó cũng là điều kiện tiên quyết cho mọi quá trình chuyển hoá các giá trị khác thành giá trị sức lao động. Thời gian có đặc tính là nó bị tiêu hao liên tục và không thể lấy lại, vì vậy thời gian chỉ thực sự có giá trị khi nó được dùng cho lao động và nó chỉ được chuyển hoá bởi những người thực sự có và thực sự còn khả năng lao động.
II. Giá trị năng lực cá nhân.
Để lao động, con người không chỉ huy động hệ thống cơ bắp, mà còn huy động cả bộ não. Lao động của con người vì vậy không chỉ là sự tổn hao về sức lực, mà còn là sự tổn hao về trí lực, là sự mệt mỏi của cơ thể, của đầu óc sau một quãng thời gian lao động. Sự tổn hao về sức lực, về trí lực nhằm tạo ra một sản phẩm của lao động. Sản phẩm của lao động đó chứa đựng sức lực, trí lực của người lao động. Sức lực và trí lực là năng lực của người lao động. Khi sức lực và trí lực được chuyển vào sản phẩm và sản phẩm có giá trị thì có nghĩa là năng lực cá nhân đã chuyển thành giá trị, giá trị năng lực cá nhân nằm trong sản phẩm. Giá trị năng lực cá nhân biểu hiện trong những dạng sau:
1. Khả năng sinh công
Đây là khả năng chuyển hoá năng lượng trong hoạt động của hệ thống cơ bắp thành các thao tác có ích trong lao động để biến các đối tượng của lao động thành các sản phẩm có giá trị. Khả năng sinh công phụ thuộc vào thể lực của từng cá nhân cụ thể. Người có thể lực tốt tạo được nhiều công hơn so với người có thể lực yếu. Với những công việc đòi hỏi nhiều về sức lực thì người có khả năng sinh công cao sẽ chuyển được nhiều giá trị vào sản phẩm hoặc tạo ra nhiều sản phẩm. Quá trình sinh công là quá trình chuyển hoá năng lượng do cơ thể tích luỹ từ quá trình tiêu hoá. Sự chuyển hoá năng lượng thành công làm tổn hao năng lượng. Năng lượng là một đại lượng vật lý có thể đo được. Do đó khả năng sinh công cũng có thể xác định được, và như vậy giá trị sức lao động, xét trên khả năng sinh công, cũng là một yếu tố có thể định giá được. Thông thường, khả năng này được định giá trên cơ sở khối lượng công việc được thực hiện trong một đơn vị thời gian.
2.Sự linh hoạt của cơ thể trong lao động.
Sự linh hoạt của cơ thể trong lao động là sự mềm dẻo, uyển chuyển, nhanh nhạy của cơ thể để đáp ứng yêu cầu của công việc, nhằm thực hiện công việc một cách tốt nhất, tốn ít sức lực nhất và giảm các chi phí khác một cách thấp nhất. Sự linh hoạt của cơ thể là biểu hiện khả năng điều khiển hệ vận động của bộ não. Mỗi người được sinh ra với bộ não riêng biệt. Mỗi bộ não lại có một khả năng điều khiển hoạt động cơ thể ở mức độ nào đó. Sự điều khiển vận động cơ thể của não bộ là một trong những chức năng của bộ não và mức độ, phương thức điều khiển thể hiện năng lực của bộ não. Do đó sự linh hoạt của cơ thể trong lao động là biểu hiện của năng lực thần kinh. Sự khéo léo của đôi tay có nguồn gốc từ bộ não. Sự khéo léo giúp cơ thể thực hiện được những động tác phức tạp một cách chính xác, kịp thời, đúng mức, đúng yêu cầu. Trong nhiều công việc, sự phức tạp của sản phẩm đòi hỏi phải có sự linh hoạt của cơ thể trong lao động. Sự linh hoạt của cơ thể được hình thành do năng lực thần kinh hoặc do rèn luyện, hoặc bao gồm cả hai. Quá trình lao động cần đến sự linh hoạt sẽ làm hao tổn không chỉ sức lực và trí lực. Do đó giá trị năng lực cá nhân được chuyển vào sản phẩm bao gồm cả khả năng sinh công và năng lực của hệ thần kinh. Với những sản phẩm khác nhau nhưng có sự tổn hao về sức lực như nhau thì những sản phẩm phức tạp hơn. đòi hỏi sự linh hoạt của cơ thể cao hơn thì giá trị sức lao động trong sản phẩm đó cũng cao hơn. Việc định giá giá trị sức lao động trong trường hợp này thường được thực hiện thông qua hình thức phân chia cấp bậc công việc, mỗi cấp bậc côngviệc xác định một mức giá trị sức lao động tương ứng.
3.Năng lực tư duy của hệ thần kinh.
Hoạt động tư duy cũng là một chức năng của hệ thần kinh, nhưng nó chỉ có trong các hệ thần kinh phát triển. Đây là một dạng hoạt động đặc biệt bởi những lý do dưới đây:
a- Sự hoạt động phụ thuộc nhiều yếu tố:
- Cấu trúc của hệ thần kinh.
Sự tiến hoá của sinh giới đã làm hình thành trong cơ thể các loài động vật đa bào một cơ quan đặc biệt, đó là hệ thần kinh. Hệ thần kinh đảm nhiệm nhiều chức năng hơn so với các cơ quan khác trong cơ thể. Hệ thần kinh càng phát triển thì chức năng mà nó đảm nhiệm càng nhiều. Để thực hiện được nhiều chức năng thì hệ thần kinh phải có cấu trúc tương ứng. Cấu trúc của hệ thần kinh không chỉ bao gồm các bộ phận chức năng mà còn bao hàm về thành phần hoá học, tỷ lệ giữa các bộ phận chức năng, tỷ lệ thành phần hoá học, phương thức liên hệ giữa các tế bào thần kinh và giữa các tế bào thần kinh với các tế bào khác, các bộ phận khác trong cơ thể, số lượng các bộ phận chức năng. Cấu trúc của hệ thần kinh có ảnh hưởng mang tính quyết định đến khả năng tư duy thể hiện ở khả năng tư duy trực quan, tư duy lô gích hay tư duy hình tượng. Tuỳ thuộc cấu trúc của hệ thần kinh mà các khả năng tư duy được thể hiện mạnh hay yếu và do đó sản phẩm của tư duy có giá trị cao hay thấp trong cuộc sống. Sự hình thành các hệ thần kinh với một sự khác biệt không nhiều về cấu trúc cũng có thể tạo nên những bộ óc siêu phàm với việc tạo nên những giá trị đặc biệt cho nhân loại.
-Môi trường nhận thức.
Môi trường nhận thức là điều kiện về tiếp nhận tri thức. Khối lượng tri thức mà một cộng đồng, một quốc gia có thể cung cấp cho một thành viên của mình, phương pháp truyền thụ và tiếp nhận tri thức làm tăng khả năng tư duy và một phần tác động đến phương thức tư duy, do đó làm tăng một phần giá trị của khả năng tư duy. Ngược lại, ở những nơi mà các cá nhân không có điều kiện tiếp nhận tri thức, hay nói cụ thể hơn là không hoặc ít được học hành thì khả năng tư duy cũng giảm sút, giá trị sức lao động ở khả năng tư duy cũng thấp mặc dù có cùng một mặt bằng về cấu trúc hệ thần kinh.
-Môi trường hoạt động.
Môi trường hoạt động là điều kiện về việc kích thích hay kìm hãm sự bộc lộ khả năng tư duy. Môi trường dành cho hoạt động của tư duy rất đa dạng và nhiều khi là tập hợp của rất nhiều yếu tố. Các yếu tố của môi trường hoạt động có thể chia thành hai nhóm sau:
-Môi trường tự nhiên.
Môi trường tự nhiên là môi trường chứa đựng các yếu tố vật lý, hoá học liên tục tác động lên hệ thần kinh. Các yếu tố vật lý có thể là nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, các va chạm cơ học, các yếu tố hoá học là các chất dinh dưỡng, các chất kích thích hay nói chung là tất cả các chất có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh. Sự tác động của môi trường tự nhiên có thể làm cho hệ thần kinh hoạt động mạnh hay yếu, nhanh hay chậm, do đó các sản phẩm của hoạt động tư duy nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp. Một môi trường tự nhiên tốt sẽ kích thích hệ thần kinh hoạt động có hiệu quả, do đó kết quả lao động cũng tăng lên.
-Môi trường xã hội.
Môi trường xã hội là cộng đồng nơi người lao động sống và làm việc có những mối quan hệ với người lao động đủ để có những tác động nào đó tới người lao động. Giống như môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực tới hoạt động tư duy của người lao động. Trong một cộng đồng, một quốc gia, khi các sáng kiến, các sáng chế, các phát minh luôn được cổ suý và tôn vinh thì mọi thành viên đều có niềm hứng khởi trong tư duy sáng tạo và tích cực tham gia đổi mới trong lao động, giá trị sức lao động được nâng lên. Nếu người lao động không được tôn trọng và trong đầu óc họ xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực thì có thể dẫn họ đến những hành vi gây hậu quả xấu trong lao động, giá trị sức lao động sẽ thấp hoặc làm triệt tiêu các giá trị đã có.
Tác động của môi trường hoạt động không chuyển hoá thành giá trị sức lao động, Nhưng nó làm phát sinh hoặc triệt tiêu giá trị sức lao động tuỳ thuộc vào sự tác động theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực của nó.
b.Kết quả của hoạt động tư duy được thể hiện dưới nhiều hình thức:
-Trực tiếp: Tư duy của cá nhân nào do cá nhân đó trực tiếp thể hiện thông qua hành vi của họ hay các sản phẩm do họ tạo ra.
-Gián tiếp: Kết quả tư duy không được thể hiện ra bên ngoài cùng hoặc sau một khoảng thời gian ngắn sau tư duy hoặc kết quả tư duy của người này được thể hiện thông qua hành vi hoặc sản phẩm lao động của người khác.
-Là sản phẩm cụ thể hoặc trừu tượng. Sản phẩm cụ thể của hoạt động tư duy có thể là các vật phẩm hoặc các hành động, nói chung là những sản phẩm được cảm nhận và nắm bắt thông qua các cơ quan cảm giác hay cảm nhận trực quan như các sản phẩm vật chất ra đời từ một sáng kiến, một sáng chế hay một phát minh mới, một động tác nghệ thuật hay một động tác mới điều khiển trái bóng... Sản phẩm trừu tượng là sản phẩm mà những người tiếp nhận phải sử dụng hệ thống cơ quan cảm giác và cả tư duy của mình mới nắm bắt, mới hiểu được. Sản phẩm cụ thể được cảm nhận và được hiểu đúng đắn hơn so với các sản phẩm trừu tượng. Các sản phẩm trừu tượng đưa đến nhiều cách cảm nhận, cách hiểu khác nhau nhưng cũng vì vậy nó mở ra được nhiều hướng tư duy mới, hướng hoạt động mới cho hệ thần kinh.
cTuổi thọ của sản phẩm tư duy không phụ thuộc vào chất liệu chứa đựng sản phẩm mà phụ thuộc vào nhu cầu của con người. Các sản phẩm bằng vật chất có tuổi thọ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, do đó nó có giới hạn về thời gian sử dụng, còn các sản phẩm của hoạt động tư duy có thể được truyền từ bộ não của người này sang bộ não của người khác, do đó chúng có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có thể trường tồn theo thời gian. Nhiều sản phẩm của hoạt động tư duy như một số phát minh trong khoa học cơ bản là những sản phẩm tồn tại vĩnh cửu trong lịch sử của nhân loại.
d -Tính chất của hoạt động tư duy được thể hiện trên các bậc sau:
-Sự thành thục công việc.
Sự thành thục công việc là việc rèn luyện kỹ năng để thực hiện một công việc theo một quy trình định trước hay đơn giản hơn , là một thao tác. Yêu cầu của sự thành thục dành cho người thực hiện công việc là thực hiện đúng những thao tác, những trình tự đã được quan sát, đã được chỉ bảo, áp dụng đúng những kiến thức đã được tiếp thu một cách thành thạo nhằm mục đích tạo ra sản phẩm có chất lượng cao với chi phí thấp. Sự thành thục công việc là kết quả của quá trình học tập và rèn luyện. Học tập giúp cho việc hình thành các mối liên hệ mới trong tư duy về các công việc phải thực hiện. Rèn luyện làm cho các mối liên hệ đó rõ ràng và bền vững. Sự thành thục công việc thể hiện ở khả năng rút ngắn được thời gian thực hiện công việc và do đó nâng cao được giá trị sức lao động. Mức độ của giá trị sức lao động phụ thuộc vào mức độ thành thục công việc và phụ thuộc vào sự phức tạp của công việc.
-Tự rút ra được kinh nghiệm, bài học trong hoạt động.
Việc đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động của bản thân là khả năng tự nhận xét, định giá những cái hợp lý và bất hợp lý trong hoạt động của bản thân, của những người có hoạt động tương tự với mình, từ đó chọn lọc, xắp xếp, tổ chức lại hoạt động của mình một cách hiệu quả nhằm mục đích hao tổn ít nhất thời gian và sức lực mà vẫn thu được kết quả của hoạt động. Việc đúc rút kinh nghiệm, bài học trong hoạt động đòi hỏi phải có sự hoạt động của tư duy. Đây là bước đầu tiên thể hiện khả năng độc lập về tư duy của mỗi người lao động và cũng là bước đầu tiên mà người lao động tự nâng cao giá trị sức lao động của bản thân mình. Nếu sự thành thục là yêu cầu của công việc thì giá trị sức lao động chỉ thực sự nâng lên khi sự thành thục vượt mức yêu cầu. Tự rút kinh nghiệm và bài học là hình thức chủ động nâng cao giá trị sức lao động, còn rèn luyện để thành thục công việc là hình thức thụ động và nó chủ yếu giúp cho việc nâng cao giá trị sức lao động bắt đầu từ con số 0. Sự thành thục chỉ giúp làm tốt những sản phẩm quen thuộc, còn việc rút kinh nghiệm giúp cho việc làm quen với sản phẩm mới một cách nhanh chóng và có thể không cần có sự học hỏi và hướng dẫn.
- Sáng kiến, cải tiến
Đây là sự đổi mới về phương thức trong một hoạt động nào đó nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động một cách rõ rệt hoặc thay đổi một vài cấu trúc, bổ xung thêm một số tính năng cho một sản phẩm đang đáp ứng nhu cầu trong xã hội. Sáng kiến có tầm ảnh hưởng rộng hơn so với khả năng tự rút kinh nghiệm bởi nó có thể tác động đến nhiều người và nhiều yếu tố khác nhau. Sáng kiến xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả đáp ứng nhu cầu của sản phẩm. Sáng kiến là sự vận dụng hay ứng dụng phương thức hay một phần của phương thức hoạt động này vào một hoạt động khác, ứng dụng tính năng, tác dụng của sản phẩm này vào một sản phẩm khác. Nói chung, sáng kiến là khả năng sử dụng những cái đã có, đã xuất hiện một cách hợp lý vào một hoạt động, vào một sản phẩm hiện tại. Sáng kiến đòi hỏi người lao động phải có một số kiến thức và một số kinh nghiệm nào đó trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, đồng thời cũng phải có khả năng phân tích và định giá các kiến thức, các kinh nghiệm đó, biết định giá hoạt động hiện tại, những ưu nhược điểm của sản phẩm đang có để tìm ra những yếu tố có thể áp dụng cho hoạt động tiếp theo hoặc cho loạt sản phẩm sau. Điều này cũng có nghĩa không phải cứ có kiến thức, có kinh nghiệm là có thể để đề xuất được sáng kiến. Người có khả năng đề xuất sáng kiến nhưng không có kiến thức và kinh nghiệm thì cũng không có sáng kiến; ngược lại, người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng hoạt động tư duy theo cách máy móc thì cũng khó có sáng kiến. Do đó khả năng đề xuất sáng kiến mang giá trị bản thân của người lao động. Sáng kiến là biểu hiển ban đầu của khả năng sáng tạo trong hoạt động tư duy.
- Sáng tạo
Là việc tạo ra một phương thức hoạt động mới, một sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, tiêu dùng và hưởng thụ của con người trong một cộng đồng hay toàn xã hội. Hoạt động sáng tạo bao gồm sáng chế trong kỹ thuật, công nghệ, sáng tác trong văn học, nghệ thuật. Nhu cầu có thể là nhu cầu đang có mà chưa được đáp ứng tốt hoặc là nhu cầu mới phát sinh. Do đó sáng tạo có nguồn gốc từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng đa dạng của con người. Nếu như sáng kiến chỉ có phạm vi ảnh hưởng trong một lĩnh vực hoạt động nào đó thì sáng tạo ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, tác động đến nhiều yếu tố khác nhau của cuộc sống. Sáng tạo giúp thoả mãn được một hoặc một số nhu cầu nào đó của xã hội. Do phạm vi ảnh hưởng của sáng tạo là khá rộng cho nên giá trị sức lao động của việc tạo nên sáng chế cũng rất nhiều. Giá trị sức lao động của sáng tạo giảm dần và chấm dứt khi các sản phẩm của sự sáng tạo bắt đầu trở nên lạc hậu hoặc xã hội không còn nhu cầu về sản phẩm đó nữa.
Hoạt động sáng tạo không chỉ đòi hỏi người lao động có kinh nghiệm hoạt động, có một lượng kiến thức thích hợp, biết định giá hiện thực mà còn có khả năng phát hiện nhu cầu tiềm tàng của cuộc sống. Phát hiện nhu cầu tiềm tàng và tiến hành các bước chuẩn bị để khi nhu cầu xuất hiện là đáp ứng được kịp thời có ý nghĩa quan trọng cho sự thành công của người lao động. Khả năng phát hiện nhu cầu tiềm tàng là khả năng của hoạt động tư duy, do đó nó mang giá trị của bản thân người lao động và nó sẽ chuyển hoá thành giá trị sức lao động khi người lao động tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu. Để có kinh nghiệm thì người lao động phải thực sự trải qua hoạt động, thực sự trải qua cuộc sống về lĩnh vực cần sáng tạo. Một nhà văn sinh ra và sống ở thành thị, không trải qua cuộc sống ở thôn quê, không hiểu về phong tục, tập quán, nếp ăn, nếp nghĩ của những người nông dân thì tác phẩm của anh ta không thể coi là sáng tạo khi anh ta áp đặt cách sống,lối nghĩ của người thành thị cho nhân vật nông dân. Trái lại, nếu anh ta có thái độ sáng tác không nghiêm túc thì kiểu sáng tạo này trở nên lố bịch, giá trị sức lao động sáng tạo của anh ta trở nên vô nghĩa và có thể chuyển sang trạng thái tiêu cực. Một nhà khoa học nghiên cứu chế tạo ra một chiếc máy phục vụ sản xuất nhưng do chỉ nghiên cứu theo yêu cầu về tính năng tác dụng trên lý thuyết mà không nghiên cứu về điều kiện sử dụng, cho nên chiếc máy ra đời mà không thể đưa vào hoạt động do không phù hợp. Giá trị sức lao động của nhà khoa học cũng không xuất hiện mặc dù sức lao động đã được bỏ ra. Lý thuyết dạy ta cách làm, còn thực tế dạy ta sáng tạo. Mức độ phát huy giá trị sức lao động từ sáng kiến và sáng chế, ngoài sự phụ thuộc lĩnh vực của công việc, còn phụ thuộc vào phạm vi phổ biến hay phạm vi áp dụng chúng. Phạm vi phổ biến càng rộng thì giá trị sức lao động càng cao. Cùng một sáng kiến được đề xuất khi áp dụng ở một cơ sở tạo ra số lượng không nhiều sản phẩm sẽ có giá trị sức lao động thấp hơn khi được áp dụng cho cơ sở tạo ra nhiều sản phẩm. Việc phổ biến rộng rãi các sáng kiến, các sáng tạo có ý nghĩa thiết thực cho xã hội vì giá trị mới sẽ được tạo ra nhiều hơn do giá trị sức lao động tăng khi các sáng kiến, sáng tạo được áp dụng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
-Khám phá và phát minh.
Hoạt động khám phá và phát minh là hoạt động không xuất phát từ yêu cầu thoả mãn các nhu cầu về vật chất hay tinh thần của con người mà xuất phát từ nhu cầu thoả mãn nhận thức về thế giới tự nhiên, về sự vận động và phát triển của xã hội. Khám phá và phát minh nhằm tìm ra các quy luật vận động của vật chất, các quá trình hình thành và tan rã, các quá trình biến đổi của các cấu trúc vật chất, của sự sống, các quy luật vận động của xã hội loài người v.v... Về bản chất, hoạt động khám phá và phát minh cũng nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Nhưng để đáp ứng thì những sản phẩm của hoạt động khám phá và phát minh còn phải thông qua một hoạt động nữa là tạo ra các sản phẩm cụ thể bằng hoạt động sáng tạo. Trong thực tế, hoạt động sáng tạo là hoạt động ứng dụng các nguyên lý do hoạt động khám phá và phát minh tìm ra để tạo ra các sản phẩm cụ thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Khám phá và phát minh có thể tạo ra các sản phẩm đơn lẻ hoặc một nhóm các sản phẩm về một hoặc một số lĩnh vực có quan hệ với nhau. Mặc dù xuất phát từ nhu cầu nhận thức, nhưng do khả năng nâng cao sự hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, về xã hội và về bản thân con người, từ đó giúp con người có thể tìm được cách tạo ra được các sản phẩm đáp ứng tối đa nhu cầu của con người cho nên giá trị sức lao động của hoạt động khám phá, phát minh là rất cao. Những định luật, những nguyên lý cơ bản được áp dụng trong nhiều sản phẩm, nhiều lĩnh vực và giá trị ngày càng được phát huy qua mọi thời đại đã trở thành thứ tài sản vô giá của nhân loại
-Xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng
Xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng là bậc hoạt động cao nhất trong hoạt động tư duy của con người. Xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng là việc tập hợp, tìm ra các mối liên hệ từ các khám phá, các phát minh rời rạc, riêng rẽ và hệ thống hoá thành sự nhận thức cơ bản, sâu sắc của con người về thế giới tự nhiên, về xã hội, đồng thời định hướng cho các nghiên cứu khám phá, phát minh tiếp theo, định hướng và dự báo khả năng phát triển xã hội. Hoạt động xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng không chỉ đòi hỏi một vốn tri thức nhất định mà còn đòi hỏi một khả năng đặc biệt về tư duy lô gích và tư duy trừu tượng. Tư duy trừu tượng giúp cho sự khái quát, phán đoán, dự báo những vấn đề, những sự kiện, những hiện tượng có thể xuất hiện những mối liên hệ với nhau, đồng thời dự báo những vấn đề, những sự kiện, những hiện tượng có thể xảy ra từ những mối liên hệ đó. Tư duy lô gích giúp tìm ra và khẳng định các mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề, các sự kiện, các hiện tượng khác nhau, từ đó xác định được bản chất của chúng, xác lập tính hệ thống của chúng trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Bản thân các học thuyết, các hệ tư tưởng là những khám phá, những phát minh. Nhưng nếu hoạt động khám phá, phát minh nhiều khi phải có sự hỗ trợ về vật chất, phải có các phương tiện kỹ thuật, nhiều khám phá và phát minh là tình cờ hoặc cần điều kiện từ bên ngoài thì hoạt động xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng là hoạt động mà trong đó năng lực tư duy là yếu tố quyết định.
Học thuyết và hệ tư tưởng ra đời trên cơ sở các khám phá, các phát minh, nhưng nó không đơn giản chỉ là việc ghép các khám phá, các phát minh để tạo nên một hệ thống. Giá trị của học thuyết và hệ tư tưởng do đó cũng không phải là việc cộng các giá trị của các khám phá, các phát minh mà là phép nhân các giá trị đó. Học thuyết và hệ tư tưởng làm gia tăng giá trị cho các phát minh, khám phá. Nhưng điều này không có nghĩa là giá trị của học thuyết và tư tưởng là không có giới hạn. Khi các khám phá, phát minh chưa đầy đủ hay cơ sở của học thuyết và tư tưởng chưa chắc chắn, quá trình xây dựng chịu sự chi phối của một số yếu tố không đúng từ bên ngoài thì học thuyết và hệ tư tưởng có thể sai lệch hoặc chỉ là gần đúng, do đó nó chỉ có giá trị trong phạm vi hẹp hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, thậm trí có thể có những học thuyết, những tư tưởng trái ngược với các quy luật vận động khách quan của tự nhiên, của xã hội cũng được ra đời. Những học thuyết, những hệ tư tưởng này không những không làm tăng giá trị cho con người mà có thể huỷ hoại những giá trị mà loài người đã tạo ra. Nói chúng, những học thuyết, những hệ tư tưởng không phản ánh đúng các quy luật khách quan sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ bị thay thế. Chỉ có những học thuyết, những tư tưởng phù hợp với quy luật khách quan mới trường tồn và đem lại giá trị mãi mãi cho loài người.
Hoạt động khám phá, phát minh và hoạt động xây dựng học thuyết, hệ tư tưởng là những hoạt động tạo ra nguồn tri thức cho nhân loại. Tri thức là cái không thể thiếu cho sự phát triển của nhân loại và là nguồn sống chủ yếu trong tương lai của con người. Khi tri thức được mọi người sử dụng, khi các học thuyết, các tư tưởng đúng đắn trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động hữu ích của con người trong toàn xã hội thì các giá trị mới tạo ra ngày càng lớn, giá trị sức lao động của hoạt động khám phá, phát minh, xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng càng được phát huy mạnh mẽ, nhân loại càng có nhiều giá trị để sử dụng cho cuộc sống tốt đẹp.
Việc phân chia thành các bậc trong hoạt động tư duy của con người không có nghĩa là giá trị sức lao động của các bậc sau luôn cao hơn các bậc trước do các giá trị được tạo ra còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Ngay trong bản thân mỗi bậc cũng còn rất nhiều nhiều mức khác nhau tuỳ thuộc mức độ phức tạp mà hoạt động phải thực hiện. Việc phân chia thành các bậc thể hiện tính chất của hoạt động tư duy, còn mức thể hiện cường độ hoạt động. Mức thể hiện bằng số lượng sản phẩm tư duy được tạo ra, còn bậc thể hiện chất lượng của sản phẩm đó. Có thể xảy ra tình trạng lượng giá trị sức lao động của bậc tư duy thấp nhiều hơn lượng giá trị sức lao động của bậc tư duy cao. Một người bình thường cũng có thể tìm được cho mình một tư tưởng hành động được gọi là triết lý sống của riêng mình. Nhiều tư tưởng được thể hiện chỉ bằng một câu châm ngôn nhưng cũng có những tư tưởng hay hệ tư tưởng được thể hiện bằng cả chồng sách dày. Giá trị sức lao động được chuyển hoá từ năng lực tư duy bao gồm số lượng các sản phẩm tư duy được tạo ra và chất lượng của mỗi sản phẩm.
III.Giá trị đạo đức.
Đạo đức là một phẩm chất cá nhân. Đạo đức của mỗi cá nhân được hình thành từ nhiều yếu tố bao gồm tính cách bẩm sinh, tính cách mới tiếp nhận từ môi trường sống, việc học tập và tu dưỡng đạo đức...Đạo dức trong mỗi con người không trực tiếp tạo ra giá trị sức lao động nhưng nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm, làm tăng hoặc giảm quá trình chuyển hoá và sự chuyển hoá các giá trị khác thành giá trị sức lao động, do đó nó cũng được chuyển hoá thành giá trị sức lao động . Giá trị sức lao động được chuyển hoá từ giá trị đạo đức mang giá trị dương hay âm tuỳ thuộc vào tính chất của đạo đức. Đạo đức thường kết hợp với năng lực cá nhân trong quá trình chuyển hoá thành giá trị sức lao động. Đạo đức tốt hay đạo đức xấu đều có khả năng phát huy năng lực cá nhân. Đạo đức tốt phát huy năng lực cá nhân theo hướng tạo ra nhiều giá trị mới có ích, còn đạo đức xấu làm mất trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội, làm tăng tính ích kỷ và khi kết hợp với năng lực cá nhân cao, nó không tạo ra được nhiều giá trị mới mà trở thành những thứ xấu xa, thậm trí nguy hiểm cho cộng đồng, cho xã hội thể hiện ở các mánh khoé, các thủ đoạn, các mưu mô làm hại người khác, làm hại xã hội, mưu cầu lợi ích cá nhân không bằng con đường tạo ra giá trị mà bằng con đường chiếm đoạt giá trị.
IV.Giá trị của công cụ, phương tiện lao động.
Công cụ, phương tiện lao động là các yếu tố hỗ trợ cho sức lao động của con người trong nhiều trường hợp đòi hỏi khả năng sinh công vượt quá sức lực của con người, tính chất lao động là nặng nhọc, phức tạp, nguy hiểm, độ chính xác cao mà con người không có khả năng trực tiếp thực hiện được. Công cụ, phương tiện giúp cho năng xuất, chất lượng sản phẩm nâng lên rất nhiều lần, do đó khả năng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu khi có sự hỗ trợ của công cụ, phương tiện lao động là rất cao. Thời nguyên thuỷ, con người tận dụng các sản phẩm sẵn có trong thiên nhiên như cành cây, hòn đá, mảnh xương thú làm công cụ. Sau đó con người đã biết chế tác ra công cụ với những tính năng, tác dụng phù hợp với từng công việc cụ thể và ngày càng tinh xảo. Ngày nay, nhiều công cụ, phương tiện tự động đã thay thế cho lao động của con người. Con người không chỉ tạo ra các công cụ, phương tiện để hỗ trợ, thay thế cho hoạt động cơ bắp, mà còn hỗ trợ, thay thế cho cả hoạt động trí óc của mình. Công cụ, phương tiện lao động là sản phẩm do con người tạo ra do đó nó chứa đựng giá trị sức lao động. Tuy nhiên trong khi giá trị của các sản phẩm tiêu dùng bị tiêu hao dần trong quá trình sử dụng thì giá trị của các công cụ, các phương tiện lao động lại không mất đi mà được chuyển hoá vào trong các sản phẩm mới được tạo ra trên các công cụ, phương tiện đó. Sự ra đời của các công cụ, phương tiện lao động là kết quả của các quá trình tìm tòi, nghiên cứu, là sự vận dụng, tập hợp của nhiều sự hiểu biết trong các lĩnh vực khác nhau và những quá trình lao động. Giá trị của các công cụ và phương tiện lao động không chỉ chứa đựng giá trị sức lao động của người sáng tạo tạo ra chúng, mà còn chứa đựng giá trị tri thức và các giá trị khác. Sự chuyển hoá giá trị công cụ lao động thành giá trị sức lao động là sự chuyển hoá giá trị sức lao động của người sáng tạo ra công cụ hay phương tiện. Thực chất, công cụ hay phương tiện đã làm thay phần công việc của những người đã tạo ra chúng. Một người sáng chế ra một công cụ giúp tạo ra được nhiều sản phẩm hơn mà người trực tiếp sản xuất không phải hao phí thêm thời gian và sức lực thì phần tăng năng suất lao động là giá trị sức lao động của những người đã sáng tạo ra công cụ và xa hơn, là những người đã tạo nên những cơ sở cho sự sáng tạo. Giá trị của công cụ, phương tiện được chuyển hoá trong mối quan hệ với sức lao động của người sử dụng chúng. Giá trị của công cụ lao động trong sản phẩm là giá trị lao động được Mác xác định là lao động quá khứ, nó là giá trị sức lao động quá khứ.
V.Giá trị tri thức
Sự xuất hiện của tiếng nói và phát minh ra chữ viết là những sự kiện đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Sự tiến hoá của loài người, sự phát triển và tiến bộ của xã hội gắn liền với sự ra đời của tiếng nói và thực sự có bước tiến dài khi xuất hiện chữ viết. Tiếng nói làm cho việc giao tiếp của loài người thay đổi căn bản về chất, khả năng giao tiếp tăng lên rất nhiều. Sự giao tiếp dễ dàng nhờ tiếng nói không chỉ giúp cho mỗi người nâng được việc nhận thức mà quan trọng hơn, đó là giúp cho con người nâng được sức mạnh của mình lên được nhiều lần nhờ việc hợp tác và hợp đồng trong thực hiện các hoạt động sống. Với bản tính tò mò, con người luôn muốn tìm hiểu mọi sự vật, mọi sự việc, mọi quá trình diễn ra xung quanh, diễn ra trong cuộc sống của mình. Thông qua tiếng nói, con người lại chuyển tải được những sự hiểu biết của mình cho người khác. Việc trao đổi sự hiểu biết giúp cho nhận thức của mỗi người tăng lên rất nhiều mà họ không cần phải trực tiếp tìm hiểu, khám phá. Sự hiểu biết sâu sắc dần đã trở thành tri thức. Ngoài sự giao tiếp, trao đổi bằng tiếng nói, loài người còn tìm ra, sử dụng và phát triển nhiều hình thức giao tiếp khác như tín hiệu, ký hiệu, báo hiệu bằng âm thanh, ánh sáng... Đỉnh cao của những hình thức này là chữ viết. Chữ viết là một loại ký hiệu giúp con người ghi lại sự hiểu biết, ghi lại suy nghĩ, và nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển và truyền lại mọi sự hiểu biết, mọi vấn đề liên quan đến sự sống từ đời này sang đời khác. Vai trò này của chữ viết vượt trội hơn hẳn tiếng nói. Chính nhờ chữ viết mà kho tàng tri thức của nhân loại ngày càng phong phú và đồ sộ. Tri thức của con người càng rộng lớn, càng sâu sắc thì mọi nhu cầu của con người ngày dễ được đáp ứng, cuộc sống của con người ngày càng phát triển, ngày càng văn minh. Tri thức là một loại giá trị đặc biệt của con người, do con người tạo ra bằng sức lao động, nó là giá trị sức lao động. Nhưng nó không phải là sản phẩm dành cho tiêu dùng mà là sản phẩm dành cho nhu cầu nhận thức. Giá trị của nó là giá trị tiềm tàng. Nó được chuyển hoá thành giá trị sức lao động khi người lao động tiếp thu nó và dựa vào nó để lao động tạo ra sản phẩm mới. Nói cụ thể hơn, giá trị sức lao động mới được tạo ra khi lao động sử dụng tri thức là giá trị bao gồm giá trị của sức lao động mới và giá trị của sức lao động cũ (lao động quá khứ). Giá trị sức lao động trong tri thức là giá trị được tái tạo. Vì vậy nó là giá trị lớn khi tri thức được phổ biến rộng rãi và được áp dụng nhiều lần, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Giá trị này càng lớn khi tri thức dùng để tạo ra các sản phẩm tri thức mới. Có thể nói rằng giá trị sức lao động trong các tri thức dùng để tạo các tri thức mới là giá trị có thể được phát huy theo cấp số nhân. Những tri thức đúng đắn sẽ trường tồn và tạo ra những giá trị rất lớn cho loài người. Tri thức là một nguồn tài nguyên do chính con người tạo ra. Biết khai thác và khai thác một cách hợp lý nguồn tài nguyên này loài người sẽ không chỉ làm gia tăng giá trị xã hội mà còn làm phong phú thêm cho kho tàng tri thức của mình.
VI.Giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Con người và các loài sinh vật đều sống dựa vào thiên nhiên. Loài người khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu sống của mình. Nhu cầu của con người rất đa dạng và tuỳ theo nhu cầu mà con người khai thác và sử dụng loại tài nguyên tương ứng. Giá trị tài nguyên được định giá ở hai dạng : giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị của tài nguyên thường được xác định dựa trên chi phí khai thác, giá trị sử dụng và nhu cầu của con người cho nên thường bất ổn. Sự bất ổn của giá trị tài nguyên kéo theo sự bất ổn của giá trị sức lao động khai thác, chế biến tài nguyên. Trong điều kiện thuận lợi, sự hao phí sức lao động không cao vẫn có thể thu được nhiều nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên, còn trong trường hợp bất lợi thì có khi sức lao động bỏ ra rất nhiều nhưng không thu được kết quả. Giá trị sức lao động trong những trường hợp này là bằng không. Giá trị sức lao động của người lao động khi họ khai thác thiên nhiên là giá trị tài nguyên thiên nhiên mà họ khai thác được. Một nhà khoa học tạo ra một giống cây trồng mới cho năng xuất rất cao so với giống cũ trong cùng một điều kiện canh tác. Phần năng suất gia tăng chính là giá trị sức lao động của nhà khoa học. Nhưng giống cây mới này làm cho đất rất nhanh bị bạc màu, có nghĩa là giống cây mới chỉ có tác dụng làm tăng tốc độ khai thác giá trị của đất. Mà phần giá trị khai thác tăng thêm này như trên đây đã xác định đó là giá trị sức lao động. Như vậy bản chất giá trị sức lao động của nhà khoa học trong trường hợp này là giá trị tài nguyên chuyển hoá thành. Giá trị này bị suy giảm dần theo tốc độ bạc màu của đất. Giá trị tài nguyên thiên nhiên là đa dạng, vì vậy cũng có nhiều phương thức chuyển hoá thành giá trị sức lao động và tất nhiên không phải mọi giá trị tài nguyên đều có thể chuyển hoá thành giá trị sức lao động. Khi con người gán giá trị cho một tài nguyên và trả giá cho giá trị đó bằng giá trị sức lao động của mình là con người đã thực hiện việc chuyển hoá ngược từ giá trị sức lao động thành giá trị tài nguyên thiên nhiên.
VII.Giá trị văn hoá xã hội.
Các giá trị văn hoá xã hội do con người tạo ra từ sự giao thoa của các tư tưởng hay ý thức hệ. Mỗi cộng đồng dân cư, mỗi quốc gia có một nền văn hoá. Trong môi trường giao lưu văn hoá rộng rãi thì các nền văn hoá lại tiếp tục có những sự giao thoa mới làm phong phú thêm hoặc làm mất đi một số giá trị văn hoá. Trong các giá trị văn hoá thì cũng có các giá trị mang tính trường tồn, cũng có những giá trị bị mai một dần, có những giá trị mới được hình thành nhưng không phù hợp sẽ bị đào thải. Các giá trị văn hoá giúp hình thành nhân cách, nếp sống, nếp suy nghĩ, thái độ và phong cách làm việc, giao tiếp v.v... Vì vậy các giá trị văn hoá cũng tham gia vào sự hình thành các giá trị mới thông qua sức lao động và chuyển hoá thành giá trị sức lao động của từng cá nhân. Sự chuyển hoá các giá trị văn hoá xã hội thành giá trị sức lao động thể hiện ở những dạng sau.
1. Các di sản văn hoá
Các di sản văn hoá của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc do thiên nhiên ban tặng hay do các thế hệ đi trước tạo ra có một tính chất giống như những liều thuốc kích thích tác động lên hệ thần kinh của người lao động. Khi tiếp xúc với một di sản văn hoá và có những hiểu biết nào đó về di sản văn hoá và mình đang chiêm ngưỡng, trong mỗi con người không chỉ trào dâng cảm xúc, mà ý thức con người được nâng lên cao hơn. Điều này càng đậm nét khi những di sản đó do các thế hệ cha ông của người lao động tạo ra. Những cảm xúc đó, những ý thức đó kích thích tinh thần làm việc của người lao động và giúp họ nâng cao giá trị sức lao động. Giá trị văn hoá được chuyển hoá thành giá trị sức lao động là đại lượng khó được lượng hoá và thậm trí khó được nhận thấy. Vì vậy chúng thường không được chú ý đến trong lao động.
2. Các kiến thức, kinh nghiệm dân gian.
Các kiến thức, kinh nghiệm dân gian là những tri thức không thành văn của loài người. Chúng là tri thức và đặc biệt hơn ở chỗ chúng là những tri thức rất thiết thực và cụ thể cho từng người lao động. Các kiến thức, các kinh nghiệm dân gian do con người tạo ra, có thể là từ một người, nhưng thông thường, chúng là sự tổng hợp, đúc kết từ nhiều người, nhiều thế hệ. Vì vậy chúng không còn mang tính sở hữu cá nhân mà mang tính xã hội và là giá trị xã hội. Quá trình người lao động sử dụng các kiến thức, các kinh nghiệm đó trong lao động là quá trình chuyển hoá giá trị xã hội thành giá trị sức lao động. Các kiến thức, kinh nghiệm dân gian do được lưu truyền qua các thế hệ nên chúng tạo nên các nét văn hoá, chúng là thành phần của truyền thống văn hoá của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Chuyển hoá các kiến thức, các kinh nghiệm dân gia vào trong mỗi sản phẩm hiện tại không chỉ là khai thác các giá trị của nền văn hoá, mà còn là giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá.
Khi xã hội loài người phát triển, sự lao động của mỗi cá nhân trong xã hội không còn là độc lập và không thể không dựa vào tri thức thì việc thực hiện và phát huy các giá trị sức lao động không còn là của mỗi cá nhân. Giá trị sức lao động được thực hiện trong mối quan hệ lao động phức tạp, có nhiều lớp giá trị sức lao động trong một sức lao động mới và cũng có nhiều giá trị mặc dù có thể rất lớn nhưng chỉ được thực hiện qua nhiều lần tái tạo. Có những giá trị dễ được xác định như giá trị thời gian, giá trị của sự hao tổn sức lực. Nhưng cũng có những giá trị khó xác định hoặc không xác định được ngay như những giá trị của lao động khám phá, phát minh, lao động xây dựng học thuyết và hệ tư tưởng. Định giá được đúng đắn giá trị sức lao động là định giá giá trị của mỗi người trong xã hội, ghi nhận được sự đóng góp của họ vào sự phát triển của loài người
Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động
http://
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét