Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Nguồn gốc giá trị thặng dư...

Nguồn gốc giá trị thặng dư...
Phân tích nguồn gốc giá trị thặng dư trong xã hội tư bản.
ý nghĩa vấn đề nghiên cứu đối với xã hội ta hiện nay.
Chủ nghĩa tư bản ra đời nguyên nhân sâu xa là do tác động của quy luật giá trị, nguyên nhân trực tiếp là quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản. Quá trình ra đời đó đánh dấu bằng sự ra đời của hàng hóa sức lao động. Những thành tựu, tài sản của xã hội tư bản đặc biệt là giai cấp tư sản có được về cơ bản có nguồn gốc từ lao động của toàn thể giai cấp công nhân tạo ra, thực chất là giá trị trặng dư do lao động của công nhân làm thuê tạo ra trong các xí nghiệp nhà tư bản toàn bộ giai cấp tư sản chiếm đoạt.
Giá trị thặng dư là giá trị mới do công nhân lao động làm thuê tạo ra trong sản xuất ngoài giá trị sức lao động bị nhà tư bản chiếm không, đó chính là lao động không công của công nhân.
Sở dĩ, toàn bộ giai cấp tư sản chiếm đoạt được toàn bộ giá trị thặng dư là dựa trên cơ sở của nó. Đó là, nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Đó không phải là nền sản xuất hàng hóa thông thường mà là nền sản xuất hàng hóa có chứa giá trị thặng dư, là nền sản xuất thống nhất giữa giá trị, giá trị sử dụng, và giá trị thặng dư.
C. Mác đã vạch ra rằng, tư bản không hề phát minh ra lao động thặng dư, rằng: "Nơi nào mà một bộ phận xã hội chiếm độc quyền về những tư liệu sản xuất thì nơi đó người lao động, tự do hay không tự do, đều buộc phải thêm vào thời gian lao động cần thiết để nuôi sống bản thân mình một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu tư liệu sản xuất".
Quy luật kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất bóc lột người lao động không có tư liệu sản xuất, được thực hiện dưới những hình thức và cơ chế khác nhau trong những hình thái xã hội khác nhau. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp nô lệ bị lệ thuộc hoàn toàn về thân thể vào giai cấp chủ nô, thì ngoài việc bị bóc lột lao động thặng dư, nô lệ còn bị chiếm một phần lớn sản phẩm cần thiết của giai cấp nô lệ. Trong chế độ phong kiến, giai cấp nông nô đã có một phần tự do về thân thể đối với giai cấp địa chủ và chế độ bóc lột lao động thặng dư biểu hiện dưới hình thức bóc lột địa tô, lao động thặng dư và lao động cần thiết được phân chia rõ ràng. Bởi vậy, theo C. Mác cơ chế bóc lột thời phong kiến có nhiều tiến bộ hơn chiếm hữu nô lệ. Giai cấp tư sản bước lên vũ đài lịch sử cũng là giai cấp độc chiếm tư nhân những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Khác với cơ chế bóc lột trong hai hình thái kinh tế - xã hội trước chủ yếu dựa trên quan hệ hiện vật, cơ chế bóc lột tư bản chủ nghĩa dựa trên quan hệ giá trị; nói cách khác là quan hệ trao đổi những vật ngang giá (tức là tuân theo quy luật giá trị). Quan hệ này che dấu sự bóc lột trong một cơ chế trao đổi với vẻ bề ngoài như là tự do và bình đẳng, chính vì vậy mà các nhà kinh tế học trước C. Mác đã không thành công trong việc lý giải bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa, đồng thời không lý giải được nguồn gốc của giá trị thặng dư trong xã hội tư bản.
Cụ thể là không phân biệt được việc mua bán hàng hóa sức lao động, chỉ có thể nhận thức mua bán giữa tư bản và công nhân hình như là mua bán lao động nên gặp bế tắc trong việc lý giải một cách khoa học bản chất và nguồn gốc của lợi nhuận, cũng như nguồn gốc bản chất của giá trị thặng dư. Cũng từ đó không thể giải quyết được mâu thuẫn của công thức chung tư bản.
Và với bản chất của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa hình thành hai giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản đó là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Để sản xuất ra giá trị thặng dư thì nền sản xuất đó phải có hai yếu tố cơ bản là tư liệu sản xuất và sức lao động của công nhân, trong đó sức lao động của công nhân là yếu tố quyết định của quá trình sản xuất và tạo ra giá trị thặng dư trong xã hội tư bản. Trong xã hội, công nhân là lực lượng đông đảo nhất, lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất trong các xí nghiệp nhà tư bản. Như vậy, nguồn gốc giá trị thặng dư trong xã hội tư bản là giá trị mới ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra trong quá trình sản xuất và bị toàn bộ giai cấp tư sản chiếm không, mà không phải do giai cấp tầng lớp nào khác, thông qua quan hệ hàng hóa - tiền tệ với quá trình mua bán một loại hàng hóa đặc biệt – hàng hóa sức lao động.
Thông qua lý luận về lợi nhuận bình quân cho thấy, toàn bộ giai cấp công nhân chiếm đoạt giá trị thặng dư hay bóc lột lao động không công toàn bộ giai cấp công nhân, thậm chí một người công nhân cũng bị toàn thể giai cấp tư sản bóc lột. Chính vì vây, giai cấp công nhân phải biết liên kết lại trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cả trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, không thể đơn thuần chỉ đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế và không đoàn kết thống nhất như hiện nay.
Nền kinh tế nước ta hiện nay là nền kinh tế nhiều thành phần, tồn tại nhiều hình thức sở hữu. Chính vì vậy, một số thành phần kinh tế vẫn dựa trên hình thức sở hữu tư nhân, mang bản chất bóc lột như; thành phần kinh tế tư nhân, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… cho nên vẫn có yếu tố bóc lột giá trị thặng dư.
Tuy nhiên, để chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, khai thác mọi nguồn lực, giải phóng sức lao động, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân thì phải chấp nhận bóc lột, phải tạo ra nhiều giá trị mới cho xã hội hơn nữa. Các sản phẩm thặng dư đó phải mang lại ý nghĩa xã hội, phục vụ cho tái sản xuất và tiêu dùng của xã hội, giảm dần chiếm hữu tư nhân và sở hữu tư nhân, chiếm hữu phần lớn những sản phẩm thặng dư do xã hội sản xuất ra. Để làm được phải phát huy vai trò định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước, dựa trên sức mạnh kinh tế nhà nước và hệ thống chuyên chính vô sản xã hội chủ nghĩa. Đó chính là quá trình đấu tranh giai cấp lâu dài trên lĩnh vực kinh tế.
Đồng thời với quá trình phát triển lực lượng sản xuất thì phải hoàn thiện quan hệ sản xuất, xóa bỏ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Đây là một quá trình lâu dài, chuyển biến từ nền sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, không thể thực hiện ngay một lúc. Hiện nay, việc đấu tranh chống tăng ca, đòi tăng lương các doanh nghiệp FDI ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương…cần phải theo pháp luật, phát huy vai trò của Công đoàn, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công nhân đối với doanh nghiệp.
Tóm lại, nguồn gốc giá trị thặng dư trong xã hội tư bản là do lao động của toàn thể giai cấp công nhân tạo ra bị toàn thể giai cấp tư sản chiếm đoạt. Để xóa bỏ sự chiếm đoạt giá trị thặng dư trong xã hội tư bản thì toàn thể giai cấp công nhân phải liên hiệp lại, đấu tranh cả về kinh tế và chính trị. Nước ta trong thời kỳ quá độ, đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu không phải kinh qua chủ nghĩa tư bản thì sản xuất thật nhiều sản phẩm thặng dư là khách quan. Chúng ta cần phải học tập chủ nghĩa tư bản về khoa học công nghệ, phương pháp quản lý hiện đại để thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều giá trị mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.
---------------------------------------------
Trong quá trình lao động, sức lao động tạo ra một lượng giá trị mới lớn
hơn giá trị của bản thân nó; phần giá trị dôi ra so với giá trị sức lao động là giá trị thặng dư. Đó chính là đặc điểm riêng có của giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động. Đặc điểm này là chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản. Quá trình nhà tư bản tiêu dùng hàng hóa sức lao động và tư liệu sản xuất để sản xuất giá trị thặng dư có hai đặc điểm: một là, công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản; hai là, sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao
động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. C. Mác viết:
"Bí quyết của sự tự tăng thêm giá trị của tư bản quy lại là ở chỗ tư bản chi phối được một số lượng lao động không công nhất định của người khác"
Nếu quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa là quy luật giá trị thì quy luật kinh tế cơ bản của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản bởi vì nó quy định bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, chi phối mọi mặt đời sống kinh tế của xã hội tư bản. Không có sản xuất giá trị thặng dư thì không có chủ nghĩa tư bản. Theo C. Mác, chế tạo ra giá trị thặng dư, đó là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Quy luật giá trị thặng dư là nguồn gốc của mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản: mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Quy luật giá trị thặng dư đứng đằng sau cạnh tranh tư bản chủ nghĩa. Với mục đích là thu được ngày càng nhiều hơn giá trị thặng dư, các nhà tư bản cạnh tranh với nhau, tiêu diệt lẫn nhau để có được quy mô giá trị thặng dư lớn hơn, tỉ suất giá trị thặng dư cao hơn.
Để sản xuất ngày càng nhiều giá trị thặng dư, các nhà tư bản ra sức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến sản xuất. Từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, nền sản xuất có tính chất xã hội hoá ngày càng cao, mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng gay gắt. Tất cả những yếu tố đó đưa xã hội tư bản đến chỗ phủ định chính mình.

3 nhận xét: