Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

''10 MÔ HÌNH DÂN CHỦ'' VÀ ''CÁC TRỤ CỘT CỦA NỀN DÂN CHỦ'' (Tinh Thần Khai Minh)

MƯỜI MÔ HÌNH DÂN CHỦ:
1. MÔ HÌNH DÂN CHỦ CỔ ĐIỂN ATHENS xuất hiện ở thành phố Athens, Hi Lạp vào thế kỷ V trCN. Theo mô hình này, mọi công dân đều có quyền tham gia trực tiếp vào các quá trình lập pháp, xét xử và điều hành các công việc chung của cộng đồng.
2. MÔ HÌNH DÂN CHỦ CỘNG HÒA xuất hiện tại các thành phố Bắc Ý vào cuối thế kỷ XI. Lúc này, công dân được quyền bầu người đại diện vào hội đồng chấp chính. Những người đại diện trong hội đồng chấp chính đến lượt mình lại sẽ bầu quan chấp chính – tức người đứng đầu thành quốc.
3. MÔ HÌNH DÂN CHỦ TỰ DO xuất hiện ở Mỹ và châu Âu từ cuối thế kỷ XIII. Công dân trong mô hình dân chủ tự do có quyền bầu những người đại diện trong hội đồng lập pháp và những người đại diện trong hệ thống hành pháp. Luật pháp được những người đại diện thiết kế và thực thi sao cho người dân được tự do mưu cầu hạnh phúc, không bị cưỡng bức bởi đồng loại và bởi nhà nước.
4. MÔ HÌNH DÂN CHỦ TRỰC TIẾP là mô hình kinh điển cuối cùng trong phân loại của Held. Mô hình này được thử nghiệm lần đầu tiên tại Công xã Paris giữa thế kỷ XIX. Công xã Paris cũng chính là cảm hứng để Marx và Engels xây dựng các nguyên lý cho mô hình dân chủ này. Nét đặc trưng của mô hình dân chủ trực tiếp là công dân trực tiếp ủy nhiệm việc điều hành các công việc chung, từ công việc sản xuất cho đến công việc xã hội, cho các đại diện của mình tại các hội đồng nhân dân địa phương. Đối với các công việc ở phạm vi rộng hơn, các hội đồng địa phương sẽ lại ủy nhiệm trực tiếp cho các hội đồng cấp cao hơn. Những người đại diện ở hội đồng nhân dân cấp trên sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình cho những người bầu mình ở hội đồng nhân dân cấp dưới, và đến lượt những người đại diện ở hội đồng nhân dân cấp địa phương phải chịu trách nhiệm giải trình trước những công dân mà họ đại diện.
5. MÔ HÌNH DÂN CHỦ TINH HOA CẠNH TRANH nhấn mạnh vai trò của giới tinh hoa trong đời sống chính trị. Chỉ có giới tinh hoa mới có khả năng xây dựng luật pháp và tổ chức bộ máy để điều hành các việc công một cách hiệu quả. Các nhóm tinh hoa cạnh tranh để giành sự ủng hộ của dân chúng. Theo mô hình này, quá trình bầu cử dân chủ thực ra chỉ có ý nghĩa hợp pháp hóa một nhóm tinh hoa nào đó vào vị trí quản trị nhà nước, còn bản thân người dân về cơ bản bị mất quyền kiểm soát các công việc công cộng.
6. MÔ HÌNH DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN nhấn mạnh đến tính đa nguyên của xã hội hiện đại. Khác với mô hình dân chủ tinh hoa cạnh tranh, mô hình dân chủ đa nguyên nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức/nhóm xã hội bên cạnh các đảng phái chính trị. Theo quan điểm đa nguyên, các tổ chức xã hội luôn luôn biến đổi. Người dân có thể tham gia hoặc ngừng tham gia vào nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Để duy trì sự tồn tại của mình, các nhóm xã hội sẽ liên tục gây áp lực đối với các đảng phái chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của các hội viên, khiến cho hoạt động của các đảng phái chính trị trở nên công khai và dễ dàng được người dân giám sát hơn.
7. MÔ HÌNH DÂN CHỦ HỢP PHÁP lại nghi ngờ về khả năng của giới chính trị tinh hoa trong việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, thông qua việc dàn xếp lợi ích giữa các nhóm trong xã hội. Theo quan điểm của mô hình này, chỉ các cá nhân mới có thể biết họ muốn gì và vì vậy nhà nước càng ít can thiệp vào cuộc sống của họ càng tốt cho họ. Hoạt động của chính phủ phải được luật hóa và giới hạn vào việc cung cấp các quy tắc mà các cá nhân có thể sử dụng như là công cụ cho việc theo đuổi các mục tiêu khác nhau của mình. Chính phủ chỉ nên can thiệp một cách hợp pháp vào xã hội dân sự bằng cách buộc người ta phải tuân thủ các điều luật chung, những điều luật bảo vệ “đời sống, quyền tự do và điền sản”.
8. MÔ HÌNH DÂN CHỦ THAM GIA là một nỗ lực trong việc đưa lý tưởng của mô hình dân chủ trực tiếp vào trong đời sống dân chủ hiện đại. Mô hình này nhấn mạnh đến sự tham gia trực tiếp của các công dân trong việc điều chỉnh các thiết chế chủ yếu của xã hội, cả ở nơi làm việc lẫn tại cộng đồng địa phương. Để đạt được mục đích này, việc tái phân phối ở một mức độ vừa phải các nguồn lực vật chất nhằm cải thiện đời sống của tầng lớp nghèo khổ và của phụ nữ là điều cần thiết. Tự do chỉ thực chất nếu như có sự bình đẳng nhất định về vật chất và cơ hội. Bên cạnh đòi hỏi về sự cần thiết phải có sự tái phân phối của cải vật chất, mô hình này cũng đòi hỏi sự cần thiết phải hạn chế đến mức tối đa những bộ phận của bộ máy quan liêu không có khả năng giải trình, cả trong lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư.
9. MÔ HÌNH DÂN CHỦ THẢO LUẬN. Đây là mô hình mới xuất hiện trong khoảng 20 năm gần đây. Mô hình này nhấn mạnh đến chất lượng tham gia của dân chúng vào các hoạt động chính trị. Không chỉ đơn thuần là người dân được quyền tham gia lựa chọn người đại diện hoặc tham gia đề xuất giải pháp cho các vấn đề chung mà quan trọng là họ có thể đưa ra lựa chọn một cách duy lý hay không. Muốn vậy, các vấn đề tập thể cần phải được bàn luận công khai và không thiên vị bởi chính người dân. Một lựa chọn chính trị chỉ hợp pháp nếu như kết quả của sự bầu chọn được hình thành từ một quá trình bầu chọn có sự hiện diện của những cuộc thảo luận công khai, duy lý và không thiên vị bởi chính người dân.
10. MÔ HÌNH TỰ TRỊ DÂN CHỦ: Điểm cốt lõi trong mô hình dân chủ mà Held đề xuất cho giai đoạn hiện nay là khái niệm “tự trị dân chủ” (democratic autonomy). Theo Held, tự trị vừa hàm nghĩa tự do cá nhân vừa hàm nghĩa các cá nhân có quyền và trách nhiệm ngang nhau trong việc tổ chức cộng đồng để đảm bảo họ có đủ điều kiện theo đuổi các kế hoạch của mình. Tự trị theo nghĩa này hàm ý bình đẳng chính trị chứ không chỉ là bình đẳng về mặt đạo đức hoặc bình đẳng trước pháp luật. Tự trị dân chủ, do vậy, sẽ đòi hỏi phải có những thiết chế để không những giới hạn quyền lực của kẻ mạnh, bao gồm cả nhà nước, theo đòi hỏi của những nhà dân chủ tự do mà còn phải đảm bảo các cá nhân được bình đẳng tham gia vào quá trình tranh luận và thảo luận công khai về các vấn đề cấp bách của xã hội như những nhà dân chủ thảo luận đòi hỏi.
(Trích trong lời giới thiệu cho quyển Các mô hình nhà nước hiện đại)
Tinh Thần Khai Minh
 http://khaiminhvn.org/
------------------------------------------------------------------------
CHỦ NGHĨA TỰ DO CỔ ĐIỂN DẠY RẰNG:
_ Cá nhân quan trọng hơn nhà nước và trở thành công dân của nhà nước chỉ thông qua sự đồng thuận.
_ Cá nhân là duy lý và có khả năng đưa ra các quyết định riêng của mình, điều này làm cho cá nhân có khả năng tự trị và tự quản.
_ Sự tiến bộ là có thể đạt được trong các vấn đề chính trị, vì vậy không cần phải sự hãi sự thay đổi.
_ Quyền lực nhà nước phải bị giới hạn.
_ Sự bất bình đẳng kinh tế không nhất thiết là điều xấu xa.
_ Sự tự do trong lĩnh vực kinh tế quan trọng hơn bình đẳng.
--------------------------------------------------------------------------
CÁC CỘT TRỤ CỦA NỀN DÂN CHỦ
_ Quyền tối cao của nhân dân.
_ Chính phủ được thành lập dựa trên sự nhất trí của nhân dân.
_ Nguyên tắc đa số.
_ Các quyền thiểu số.
_ Đảm bảo các quyền cơ bản của con người.
_ Bầu cử tự do và công bằng
_ Bình đẳng trước pháp luật.
_ Thực hiện đúng luật
_ Hiến pháp đặt ra các giới hạn quyền lực của chính phủ.
_ Đa nguyên về chính trị, kinh tế và xã hội.
_ Thúc đẩy các giá trị của dung hòa, thực dụng, hợp tác và thỏa hiệp
Tinh Thần Khai Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét