Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

(Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy NLP cho người Việt Nam)

Kinh nghiệm chủ quan
Còn câu chuyện vui dưới đây cũng cho thấy con người thường ứng xử theo quan điểm hay kinh nghiệm chủ quan của họ.
Một hôm người chủ nông trại nuôi heo đang làm việc trong sân nông trại thì có người xuất hiện kiểm tra nông trại và chất vấn: “Ông thường cho heo ăn loại thức ăn gì?”
Người chủ nông trại trả lời: “Chủ yếu là bã mía và đồ ăn thừa khác từ nông trại.”
“Ồ! Thật là nhục nhã! Tôi đến từ Hội Bảo vệ động vật và tôi quyết định phạt ông 5.000 đô la. Thật là vô nhân đạo khi cho động vật ăn thức ăn thừa!”
Hai tháng sau có hai người đàn ông khác đến kiểm tra nông trại và chất vấn ông với cùng câu hỏi.
Người chủ nông trại dè dặt trả lời: “À, nói chung, thức ăn của heo ở đây rất giàu đạm và ít chất béo. Một bữa ăn trưa kiểu mẫu cho heo thường bắt đầu bằng với món tôm hùm và cá hồi xông khói. Tiếp đó là món thịt bò cuốn, kèm với sà lách xanh. Và cuối cùng là món tráng miệng với bánh làm bằng sữa chua cùng quả mâm xôi ít dầu mỡ."
Hai người đàn ông bỗng nhiên giận dữ. “Sao mà ông dám làm như vậy? Đó là tội ác. Khắp nơi trên thế giới người ta đang chết đói còn ông lại cho heo ăn những thứ như vậy. Chúng tôi đang đại diện cho tổ chức từ thiện mang tên ‘Tái phân phối thực phẩm toàn cầu’ . Và chúng tôi quyết định phạt ông 10.000 đô la.”
Chừng một, hai tháng sau nữa, có một người phụ nữ xuất hiện tại nông trại với một xấp giấy tờ trên tay. Bà ta cũng chất vấn: “Ông thường cho heo ăn loại thức ăn gì?”
Người chủ nông trại nhìn người phụ nữ hồi lâu rồi mới trả lời: “Hàng ngày tôi cho mỗi con heo một đô la và chúng tự mua đồ ăn cho mình theo ý thích.”
Người chủ nông trại rõ ràng đã rất bối rối vì không thể làm vừa lòng lòng những người đến kiểm tra thuộc những tổ chức khác nhau với những tấm bản đồ tâm lý khác biệt nhau đối với vấn đề thức ăn chăn nuôi heo.
------------------------------------------------------------------------------
Thực hành kỹ năng NLP
Thực hành các kỹ năng nào đó một cách thường xuyên sẽ dần dần biến chúng trở thành thói quen.
Câu chuyện về Trần Nghiêu Tư đã khẳng định điều ấy.
Trần Nghiêu Tư làm quan đời nhà Tống ở Trung Quốc có tài bắn cung rất giỏi, mười phát trúng cả mười. Thế là ông hay dương dương tự đắc. Có một ông lão khi xem Trần Nghiêu Tư biểu diễn đã lắc đầu tỏ ý không phục. Trần Nghiêu Tư thấy thế liền hỏi: “Ông bắn có được không?”
Ông lão trả lời: “Tôi không biết bắn cung. Còn anh tuy bắn cung rất giỏi, nhưng tôi thấy không có chi đặc biệt cả. Chỉ do quen tay mà thôi!”
Trần Nghiêu Tư tỏ ra tức giận, nhưng ông lão thản nhiên không chút sợ hãi. Ông nói: “Tôi là người bán dầu. Tôi có thể rót dầu mà không đổ mất gọi nào. Không tin, tôi sẽ làm cho anh xem.”
Nói rồi ông đặt một cái bầu xuống mặt đất rồi để đồng tiền lên trên miệng. Sau đó đổ dầu vào bầu qua lổ hổng giữa đồng tiền. Cứ như thế, ông lão đổ đầy dầu vào bầu, nhưng đồng tiền vẫn sạch nguyên, không dính một chút dầu nào. Ông lão ngẩng đầu lên cười nói với Nghiêu Tư: “Anh xem, để làm được điều này cũng chẳng có gì đặc biệt. Chẳng qua làm mãi thành quen. Thế thôi!”
Bắn cung mười phát trúng cả mười, quả là người giỏi. Nhưng rót dầu qua lỗ đồng tiền mà không dây bẩn đồng tiền tưởng thì cũng rất là giỏi. Ý ông lão muốn nói rằng: giỏi hay không giỏi, thường chỉ là do quen tay hay không mà thôi. Đó là "Trăm hay không bằng tay quen", như câu tục ngữ nước ta đã nói.
Thông điệp từ câu chuyện trên đây lý giải rất rõ về việc học tập và áp dụng NLP. Bạn cần thường xuyên thực hành NLP để áp dụng cho bản thân, để rồi sau đó mới có thể hướng dẫn người khác thực hiện thành công.
NLP không giúp bạn thay đổi thế giới; nó đơn giản chỉ giúp bạn thay đổi cách thức quan sát và nhận thức thế giới. Việc thực hành các kỹ thuật của NLP cho phép bạn tạo dựng cho mình những mô hình tâm lý mới với thêm nhiều chi tiết để giúp bạn trở nên thành công hơn.
----------------------------------------------------------------------------
Một phút suy ngẫm
Một ông bố dắt đứa con trai của mình đi dạo. Cậu bé ngước lên nhìn những dây điện và hỏi làm thế nào dòng điện có thể truyền được qua các dây dẫn mỏng manh kia.
Người bố trả lời:
– Bố không biết! Bố không hiểu về điện cho lắm.
Đi thêm một quãng, cậu bé lại hỏi bố điều gì tạo nên sấm chớp.
– Bố cũng không biết cái gì tạo nên sấm chớp nữa. – Người bố trả lời.
Trên suốt đoạn đường về, cậu con trai tiếp tục hỏi thêm nhiều câu hỏi. Và cũng như những lần trước, ông bố hầu như không thể trả lời được câu nào. Khi gần đến nhà, cậu bé ngước nhìn bố và nói:
– Bố ơi, con mong là bố không thấy khó chịu vì những câu hỏi của con.
Lúc này, người bố nhìn con trìu mến:
– Không đâu con à, đó là cách học hỏi rất tốt. Con có muốn học hỏi bằng cách nào nữa không?
– Speakers Sourcebook II
Ghi chú: Trong trường hợp này, nếu người bố không nhanh chóng tìm ra câu trả lời cho cậu con trai thì có thể sau này, cậu bé sẽ không còn muốn đặt câu hỏi với bố mình nữa. Khi đó, sự tò mò và óc sáng tạo của cậu cũng sẽ không còn.
-----------------------------------------------------------------------------------
Luật hấp dẫn
Shakti Gawain, tác giả cuốn "Hình dung sáng tạo" nói rằng "Tư duy và cảm xúc có năng lượng nam châm của chúng và có thể hút năng lượng cùng loại. Đây chính là quy luật gởi gì vào vũ trụ sẽ nhận lại được cái đó. Trên quan điểm thực tế thì điều này có nghĩa là chúng ta thu hút vào cuộc sống của mình cái mà mình hay nghĩ đến nhất, tin tưởng nhất hay mong đợi sâu sắc nhất hoặc tưởng tượng sống động nhất".
Richard Bach đã viết "Chúng ta hút vào đời sống của mình cái chúng ta nghĩ trong đầu".
Một ý nghĩ không thể "không là gì", mà là "một cái gì đó". Để nghĩ đến nó được thì nó phải tồn tại. Phải là điều gì hay vật gì đó. Vậy là nó sẽ có năng lượng của nó. Một ý nghĩ cũng sẽ tuân theo những quy luật hay nguyên tắc như tất cả những thứ khác trên đời này.
Có thể là do nhìn từ góc độ này, dễ xác nhận là quy luật hấp dẫn cũng có thật và mạnh mẽ như điện hay trọng lực vậy.
------------------------------------------------------------------------
Nếu bạn không thực hiện ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn thực hiện ước mơ của họ.
Một nguyên lý đơn giản nhưng sâu sắc - hãy sử dụng 2 ngày cuối tuần thật hiệu quả để xây nên giấc mơ của riêng mình nhé!
-------------------------------------------------------------------------
Hỏi: Có cách nào để chúng ta không cần phải làm việc không?
Trả lời: Có, hãy chọn công việc mà bạn đam mê.
------------------------------------------------------------------------------
Nói về nỗi sợ của bạn có thể giúp bạn thoát khỏi chúng
Tham khảo
The Power of Expressing Yourself
Published on September 19, 2012 by Sian Beilock, Ph.D. in Choke
Mọi người thường nói “thể hiện những cảm xúc của bạn thành lời” là điều tốt. Nhưng nó có đúng không? Lời khuyên này dường như vô lý. Nếu bạn đang sợ hãi hoặc lo lắng về 1 điều gì đó, liệu nó thực sự sẽ làm bạn cảm thấy tốt hơn khi đắm chìm vào nỗi lo này bằng cách nói hoặc viết về nó?
Hóa ra câu trả lời là có. Nghiên cứu cho thấy, đối với những nỗi sợ chúng ta có, đơn giản chỉ cần NÓI về chúng đã giúp làm hạn chế những đáp ứng tiêu cực trước những thứ chúng ta sợ.
Các nhà khoa học Katharina Kircanski, Matt Lieberman và Michelle Craske đã chứng minh sức mạnh của từ ngữ đối với người mắc chứng sợ nhện. Thực nghiệm như sau: Trước tiên, những người sợ nhện được yêu cầu đứng bên ngoài cạnh 1 con nhện đen lớn Chile (con nhện ở trong 1 cái hộp). Những người đó được khuyến khích tiếp cận con nhện từ từ. Khi mọi người thực hiện bước đầu tiên, họ đứng cách con nhện 1.5m. Bước cuối cùng, họ phải chạm vào con nhện liên tục với đầu bịt của ngón tay trỏ của họ. Không thú vị gì với những người sợ nhện, nhưng thực nghiệm chỉ mới bắt đầu. Tiếp theo, mọi người được phân ngẫu nhiên để tham gia vào 1 trong 4 nhóm trị liệu trong khi họ đang ngồi cách con nhện 65 cm.
Ở nhóm gọi tên cảm xúc (diễn đạt những cảm xúc của bạn bằng lời), mọi người được hướng dẫn nói 1 câu bao gồm những từ tiêu cực về con nhện và những cảm xúc của họ - ví dụ, “Tôi sợ con nhện ghê tởm này sẽ nhảy vào người tôi.”
Những người ở nhóm đánh giá lại được yêu cầu nói về con nhện theo ngôn ngữ không –cảm xúc – ví dụ, “Nhìn con nhện bé nhỏ đó không gây nguy hiểm cho tôi.”
Những người được phân vào nhóm làm sao lãng phải nói điều gì đó không liên quan đến con nhện – ví dụ, “Có 1 cái tivi ở trước bộ salong ở nhà của tôi.”
Nhóm 4, nhóm kiểm soát, không nhận được hướng dẫn đặc biệt nào.
Mỗi người hoàn thành những bài tập với nhóm điều trị của họ nhiều lần kéo dài trong 2 ngày. 1 tuần sau, họ được mời quay lại để tương tác với 1 con nhện mới.
Vậy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy điều gì? Thật thú vị, không có sự khác nhau trong nỗi sợ nhện. Người từng sợ nhện, và nỗi sợ này không thay đổi qua quá trình thực nghiệm, bất kể kiểu điều trị họ đã hoàn thành. Tuy nhiên, có 1 sự khác biệt trong đánh giá về cơ thể của phản ứng sợ hãi và sự sẵn sàng lại gần con nhện. Nhóm gọi tên cảm xúc cho thấy ít phản ứng sợ hãi hơn và nhìn chung là sẵn sàng tương tác với con nhện hơn 1 tuần sau điều trị so với các nhóm khác. Và những người trong nhóm gọi tên cảm xúc càng sử dụng nhiều từ về sợ hãi và lo lắng để miêu tả nỗi sợ nhện của họ trong suốt quá trình thực nghiệm thì họ dường như càng vượt qua nỗi sợ nhện của họ.
Thật kì lạ khi nói về những lo lắng của bạn lại giúp làm giảm đáp ứng tiêu cực và giúp bạn hành động ít sợ hãi hơn. Trong 1 bài báo của tôi và Gerardo Ramirez, xuất bản năm 2011 trên tờ journal Science, chúng tôi cho thấy chỉ cần yêu cầu những học sinh phổ thông dành 10 phút trước 1 kỳ thi đầy stress để viết ra những lo lắng của họ sẽ nâng cao kết quả kiểm tra – nâng cao số điểm của những học sinh tự nhận là lo lắng nhất về bài thi, từ 1 điểm B- thành 1 điểm B+.
Thật trớ trêu, khi chúng ta gọi tên những nỗi sợ của chúng ta thì chúng ít có khả năng xuất hiện trong tâm trí chúng ta trong tương lai. Nói ra những nỗi lo sợ của chúng ta dường như giúp kiểm soát hành vi của chúng ta. Điều này là đúng cho dù chúng ta đang cố gắng để vượt qua nỗi sợ nhện hay sợ những bài kiểm tra.
Nguồn: PsychologyToday
------------------------------------------------------------------
Một phút suy ngẫm
“Nếu bạn thấy bị thôi thúc phải làm một điều gì đó khi đứng trước hoàn cảnh của một người đang vất vả mưu sinh thì điều duy nhất bạn nên làm là tìm cách cảm thông với nhu cầu phát triển độc lập và tự tạo đường đi riêng trong cuộc sống. Nếu họ cần đến sự trợ giúp của bạn, hãy nhiệt tình giúp đỡ. Thậm chí, bạn có thể chia sẻ con đường mà bạn đã chọn hoặc đưa ra những lời khuyên sáng suốt, chí tình. Và bạn cũng nên cho phép họ có cơ hội phạm sai lầm, trải nghiệm thành quả lao động của chính mình, say sưa với niềm vui chiến thắng và khám phá giá trị thực sự của bản thân.”
(Blog cho tâm hồn)
-------------------------------------------------------------------
Dù bạn không phải là người thông minh nhất hay tài giỏi nhất:
Bạn vẫn có thể thành công vượt bậc - chỉ cần bạn làm được điều này!
https://www.youtube.com/watch?v=n_-8dvEg0wc
--------------------------------------------------------------------
"Con tim tràn đầy có đủ chỗ cho mọi thứ, 
Con tim trống rỗng không có chỗ cho một thứ gì." 
-ANTONIO PORCHIA
"Tôi không nản lòng, vì sau mỗi lần thử bị hỏng. 
tôi đều tiến thêm được một bước" 
-THOMAS EDISON
--------------------------------------------------------------------
"Mọi cảm xúc của chúng ta không là gì khác hơn một chuỗi những cơn bão sinh học trong bộ não của chúng ta và chúng ta có thể để nó bộc phát bất cứ lúc nào. Nhưng trước tiên chúng ta phải học cách kềm chế chúng một cách có ý thức thay vì chỉ sống bằng phản xạ. Hầu hết phản xạ cảm xúc của chúng ta là những phản xạ đối với môi trường mà chúng ta học được. Chúng ta hình thành một số bằng ý thức của mình, số khác đến với chúng ta một cách vô thức."
- Anthony Robbins
----------------------------------------------------------------------
Một phút suy ngẫm
Khi chúng ta tự tìm cho mình động lực để sống hạnh phúc, không có nghĩa là chúng ta cố tình xem nhẹ những khó khăn của chính mình. Cuộc sống là tổng hòa của những mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực…, chúng ta phải biết trân trọng và cảm nhận nó. Sẽ không ích gì khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình tệ hơn bằng cách chối từ sự hiện diện của những mặt tốt hoặc xem cuộc sống của mình là một thảm kịch.
(Hạnh phúc không khó tìm)
-------------------------------------------------------------------------
Có đối diện với những thử thách khó khăn, bạn mới thấy cuộc đời mình là một công trình lớn lao, một sự trưởng thành, và bản thân bạn hoàn toàn có khả năng đương đầu với số phận nghiệt ngã.” 
- Osho
-------------------------------------------------------------------------
Hãy dùng ngôn từ nhẹ nhàng trong giao tiếp
Ngôn từ chúng ta sử dụng trong giao tiếp với người khác có một tác dụng vô cùng to lớn. Chúng ta cần biết sử dụng những từ xoa dịu và những từ đánh động để diễn tả được một cách chính xác tối đa những cảm nghĩ của chúng ta trong giao tiếp, dù là giao tiếp tình cảm, xã hội, hay giao dịch kinh doanh.
Trước đây khá lâu, mỗi khi tôi gặp trục trặc gì trong việc làm ăn, tôi thường gọi người có trách nhiệm đến và nói: "Tôi thực sự khó chịu", hay "Tôi lo lắng về chuyện này". Bạn có biết kết quả thế nào không? Ngôn từ của tôi tự động gây phản ứng nơi người nghe, dù tôi không có ý đó. Thường thì những người này tìm cách chữa lỗi, chống chế và vì thế cả hai phía không có cơ hội để tìm ra giải pháp tháo gỡ.
(Anthony Robbins)
-----------------------------------------------------------------------------
Não của bạn như một máy tính siêu khổng lồ, siêu thân thiện. Nó mã hóa những suy nghĩ, cảm giác, quan điểm và kí ức của bạn bằng sự tái hiện giác quan- hình ảnh, âm thanh, cảm giác, vị, mùi, cũng như từ ngữ và ý nghĩa.
Sau đó nó thể hiện một phần có lựa chọn vào nhận thức. Không có kết nối phần cứng nào cả. Nó hoàn toàn được chạy bởi phần mềm. Đó có nghĩa là bạn có thể thay đổi bất kỳ phần nội dung nào bạn muốn.
Cách mà não bộ của bạn lựa chọn sự tái hiện là tuyệt đối duy nhất. Không ai có cùng cách thức chính xác giống nhau. Kết quả là sự tái hiện trong não bộ của bạn sẽ tạo ra một "bản đồ" nhận thức thế giới riêng có dành cho bạn.
Và bạn dùng tấm bản đồ này cho mọi việc bạn làm, mọi thứ bạn nghĩ và mọi điều bạn cảm thấy.
Vấn đề là, bản đồ có thể trở nên lạc hậu vì vạn vật thay đổi; và những tấm bản đồ cũ kỹ có thể bỏ sót những dấu chỉ đường mới và quan trọng, thậm chí bỏ sót cả một lục địa (như bản đồ thế giới thời cổ, chẳng hạn), hoặc nó chỉ ra một thứ gì đó trên bản đồ nhưng thứ đó đã không còn tồn tại.
Bạn hãy cập nhật tấm bản đồ của mình và cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
(Sưu tầm từ internet.
-Thuy Mai dịch và NLP Việt Nam tham gia biên tập)
-------------------------------------------------------------------------------
Các vị trí nhận thức
Hãy xem một câu chuyện ngắn của người Hồi giáo Sufi về người và hổ.
Một người đang bị một con hổ háu đói săn đuổi. Liều lĩnh và tuyệt vọng, ông quay lại đối diện với con hổ và hét lên: “Sao mi không chịu buông tha ta đi?”. Con hổ trả lời: “Tại sao ông cứ mãi trông ngon miệng thế kia?”
Câu chuyện cho thấy người đàn ông nói trên xem con hổ là một loài ác thú đã cố theo đuổi và có dã tâm muốn làm hại mình. Trong khi đó, đối với con hổ, người kia chỉ đơn giản là một miếng ăn không hơn không kém nhằm giải quyết cơn háu đói của nó mà thôi. Trong bất kỳ mối giao tiếp nào giữa con người với con người hay trong tình huống của câu chuyện trên, luôn tồn tại những cách nhìn khác nhau đối với cùng một vấn đề nào đó. Mỗi góc nhìn sẽ mang lại những ý nghĩa riêng cho người nhìn. Một người trong cuộc thường không có được giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề so với người ngoài cuộc. Do vậy, vị trí nhận thức là một công cụ cơ bản được sử dụng trong NLP để giúp một người có thể có được trải nghiệm ở nhiều góc nhìn khác nhau đối với cùng một vấn đề. Mỗi góc nhìn là một vị trí nhận thức. Các nhà nghiên cứu NLP đã phát triển đến 5 vị trí nhận thức, trong đó mỗi vị trí nhận thức có tầm quan trọng khác nhau, nhưng ba vị trí sau đây đang thông dụng nhất:
- Vị trí nhận thức thứ nhất, là vị trí nhận thức của bản thân;
- Vị trí nhận thức thứ hai, là vị trí nhận thức của người có liên quan trong vấn đề;
- Vị trí nhận thức thứ ba, là vị trí của người quan sát.
Những trải nghiệm qua các vị trí nhận thức có thể là trải nghiệm đối với một việc đã xảy ra trong quá khứ hoặc có thể xảy ra trong tương lai.
(Trích: Khơi dậy tiêm năng)
------------------------------------------------------------------------
Nhiều người trong chúng ta từng lớn lên với suy nghĩ: lầm lỗi là một điều tồi tệ và phạm sai lầm là biểu hiện cơ bản của sự thiếu năng lực. Lối suy nghĩ tiêu cực đó có thể tạo ra những định kiến hẹp hòi làm hủy hoại cả quá trình học hỏi của bản thân mỗi người. Để có thể đạt hiệu quả tối đa, bạn hãy luôn tự hỏi: “Làm thế nào để có thể rút tỉa được những bài học kinh nghiệm từ những sai lầm đã mắc phải?”.
Trích từ Lessons from the Art of Juggling của Michael Gelb và Tony Buzan
-------------------------------------------------------------------------
Một phút suy ngẫm
Ai đó đã nói rằng tâm trí chúng ta nằm ngay ở lưỡi. Điều đó có nghĩa là suy nghĩ có quan hệ mật thiết với lời nói. Chúng ta sẽ nói những gì mình suy nghĩ. Lời nói tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến người khác. Nếu ta nói những lời nặng nề hay chỉ trích, người khác sẽ phản ứng lại, họ sẽ trả lại chúng ta những gì họ nhận được. Có thể xem như đó là trò đánh bóng bàn về lời nói và cảm xúc. Có khi, lời qua tiếng lại trở nên dữ dội như một trận đấu võ đài chứ không còn đơn giản, nhẹ nhàng như một trận bóng bàn nữa.
(Trích: Tư duy tích cực- bạn chính là những gì bạn nghĩ?
Một phút suy ngẫm
Mỗi sáng, trước khi bắt đầu hành trình một ngày mới, chúng ta hãy dành một vài phút ngồi trong tĩnh lặng và gieo hạt giống bình yên. Bình yên là sự hài hòa và quân bình. Bình yên là sự tự do, thoát khỏi gánh nặng của sự tiêu cực và lãng phí. Bình yên là sức mạnh nguyên thủy vốn có trong ta, là sự tĩnh lặng bất tử cho sự tồn tại của chúng ta. Hãy để bình yên tìm thấy mái nhà của nó trong lòng chúng ta.
Hãy để suy nghĩ đầu tiên trong ngày của bạn đơn giản chỉ là được bình yên. Hãy gieo hạt giống này. Tưới cho nó bằng sự quan tâm, chăm sóc, và bạn sẽ thu họach được vụ mùa của sự điềm tĩnh.
(Trích: "Tư duy tích cực- Bạn chính là những gì bạn nghĩ)
Một phút suy ngẫm
Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì sẽ nhận thức như thế ấy, và chúng ta nhận thức như thế nào thì cuộc đời chúng ta sẽ như thế ấy. Hãy tưởng tượng chúng ta đang gieo một hạt giống suy nghĩ trong sáng và tích cực. Nếu chúng ta tập trung vào suy nghĩ này, dồn sức lực cho nó, tương tự như mặt trời trao năng lượng cho cây cỏ trên mặt đất, suy nghĩ đó sẽ thức giấc, chuyển mình và bắt đầu lớn lên. Khi ta có những lời nói và hành động tích cực, phẩm chất của ta - cũng như một hạt giống đủ điều kiện về dinh dưỡng và sự chăm sóc - sẽ thức dậy, chuyển mình và trưởng thành. Vì vậy, chúng ta hãy gieo những suy nghĩ tích cực.
(Trích: "Tư duy tích cực- Bạn chính là những gì bạn nghĩ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét