Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Sự khác biệt văn hóa:PHƯƠNG ĐÔNG - PHƯƠNG TÂY

 Sự khác biệt văn hóa: PHƯƠNG ĐÔNG – PHƯƠNG TÂY


Nhiều người phương Tây đánh giá rằng, người phương Đông với nét mặt nặng nề. Đúng vậy, đó là "nét mặt phòng thủ." Nguyên nhân là bởi vì người phương Đông quen phải chịu đựng sống trong môi trường tương tác quyền lực, khác với phương Tây sống trong môi trường coi trọng lý tính, cần diễn đạt bằng mọi cách thức khác nhau, thậm chí tận dụng ngay cả nét mặt, điệu bộ...

Sức mạnh của phương Đông là sức mạnh của tinh thần sinh hoạt ràng buộc tập thể trên cơ sở khế ước bất thành văn của xã hội (các chuẩn mực đạo đức xã hội - cam kết với nhau bởi trái tim). Sức mạnh của phương Tây là sức mạnh của tinh thần độc lập sáng tạo cá nhân và hợp tác lẫn nhau trên cơ sở khế ước thành văn của xã hội (luật, hiến pháp - cam kết với nhau bởi khối óc).

Có những "điểm mạnh" mà mạnh hơn cả giá trị duy lý mà người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng ý thức được, chính vì vậy họ bất chấp duy lý (ý tưởng) để trông cậy vào "điểm mạnh" (ý đồ) của mình. Đó chính là tình cảm với sự sống, giữa con người với nhau, tình yêu thương gia đình, bạn bè; tình yêu quê hương đất nước..tất cả nó dường như là phi lý tính, phi quy luật mà họ có thể ý thức để tuân theo (họ không biết nó là cái gì nên gọi nó là "Đạo lý").  Cũng chính vì vậy, thứ văn hóa "phi lý tính" đã ăn sâu vào trong máu và tâm trí của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Thứ văn hóa đó đang được "gọt giũa" thông qua việc cọ xát với nền văn hóa phương Tây. Cũng chính vì họ quá trông cậy vào "điểm mạnh" đó mà họ thường có xu hướng bất chấp các quy luật khách quan (duy lý trí) và phải trả giá bởi đời sống vật chất khó khăn (đời là bể khổ!). Nhưng với "tình yêu" hướng tới khiến họ có niềm tin vào cuộc sống và sẵn sằng đối diện với mọi hậu quả có thể xảy ra. Ngược lại, người phương Tây coi trọng "ý tưởng" để thực hiện "ý đồ" - coi trọng phương tiện để đạt mục đích (thực dụng theo kiểu của phương Tây). Văn hóa xếp hàng là một thứ văn hóa thực dụng theo kiểu phương Tây. Cũng chính vì không tôn trọng quy luật khách quan nên người phương Đông (Việt Nam)  không giỏi vận dụng quy luật khách quan để thiết lập một xã hội "kỹ trị", thay vào đó, họ xây dựng nên một nền xã hội "Đức - Lễ - Pháp trị". Một số đất nước phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) trở nên giàu mạnh về vật chất là vì họ biết học hỏi tư duy "tôn trọng khách quan" của phương Tây. Tuy nhiên, nguy cơ có thể đối với một số nước khác là đánh mất đi giá trị truyền thống quý giá (giúp cho sự sinh tồn) của chính mình. Chúng ta có một hệ thống công nghệ chiến tranh hiện đại cũng chưa chắc đã giúp cho chúng ta sinh tồn tốt hơn là những giá trị truyền thống của chính mình.  Mọi thứ đều có giá của nó. Có rất nhiều cái bên ngoài chúng ta cần học, tuy nhiên, khi muốn học hỏi một điều gì từ bên ngoài hãy cân nhắc "cái phí" mình phải trả. Nhưng cũng tránh để điều đó lại trở thành một cái cớ cho cái lười học hỏi (tư duy) của ta (cái lười vốn do thói quen khoái cảm quy định).

Người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, vốn ít nói "cảm ơn" và "xin lỗi". Vì trong ý niệm văn hóa phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thì sự sở hữu mang tính cộng đồng – mọi thứ trở nên tất yếu thuộc về mọi người chứ không rạch ròi thứ này thuộc về ta, thứ này thuộc về người. Vì vậy không có gì phải cảm ơn và xin lỗi. Thứ nữa là nếu có đòi hỏi trả nợ thì người ta cần trả ơn, trả nợ vật chất chứ không cần lời nói.

Nguyên nhân chính khiến người Việt Nam có khả năng tư duy logic (tư duy trừu tượng) nhưng không mang lại những kết quả hiện thực là bởi vì thiếu đam mê đối với những gì mình làm hoặc có đam mê (mang tính cá nhân) lại có nguy cơ bị dập tắt trong xã hội có tính cộng đồng. Người ta sẵn sàng từ bỏ đam mê nhằm duy trì giá trị quan hệ cộng đồng. Thiếu đam mê đối với công việc dẫn tới khả năng tư duy logic không được vận dụng và rèn luyện thường xuyên, mà chỉ vận dụng để đạt những mục đích cụ thể trước mắt.

Trong thời đại hội nhập, phương Đông và phương Tây trở thành hai cộng đồng có tính biệt lập và không ngừng đi tìm ra một "tiếng nói chung".


TƯ TƯỞNG ĐÔNG - TÂY

Quyền lực và lý lẽ là hai mặt biện chứng. Đối với xã hội phương Tây: triết lý (triết học) là tiếng nói chung về tư tưởng giữa các cộng đồng vốn có tính biệt lập với nhau. Do vậy, từ "tiếng nói chung" về tư tưởng (lý lẽ), họ đi tới giải phóng (tự do) về hành động (quyền lực). Đối với xã hội phương Đông: các chuẩn mực đạo đức là tiếng nói chung về hành động giữa các cộng đồng vốn có tính biệt lập với nhau. Do vậy, từ "tiếng nói chung" về hành động (quyền lực), họ đi tới chi phối (ràng buộc) lẫn nhau về mặt tư tưởng. Vấn đề không phải là đúng-sai, vấn đề là ngôn ngữ (tiếng nói chung) không giống nhau.

Cống hiến của các triết gia phương Tây là để lại cho xã hội phương Tây một cấu trúc vật chất mạnh. Ngược lại, phương Đông mang lại một cấu trúc tinh thần xã hội mạnh. Mỗi nơi đều có một thứ vũ khí sức mạnh riêng để cùng tồn tại.

Phương Tây xuất phát từ mục đích cái Tôi, dẫn đến câu hỏi cơ bản về bản thể. Phương Đông xuất phát từ quan hệ "con người là tiểu vũ trụ", dẫn đến câu hỏi cơ bản về nguyên lý. Sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây còn được thể hiện ngay trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản (vấn đề chung): Phương Đông (thiên dục tính, cái Tôi thường ẩn vào trong đám đông): "Lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Phương Tây (thiên lý tính, cái Tôi mong muốn khẳng định mạnh mẽ trong đám đông): Ai cũng muốn đưa ra phương án giải quyết của riêng mình.

Hành động của con người tuân theo hai cơ chế: cơ chế khoái cảm (hưng phấn-ức chế) và cơ chế lý trí (đúng-sai). Ý tưởng và ý đồ là hai mặt biện chứng. Người phương Tây họ đưa ra nhiều phương án giải quyết khác biệt nhau và tranh biện nhau kịch liệt (cứ như là họ tự ý thức rằng mình mới là người nắm được "chân lý") nhiều khi không phải vì giữa họ có năng lực nhận thức khác nhau về thế giới mà đơn giản chỉ là họ luôn có sự thôi thúc mãnh liệt bởi nhu cầu khẳng định cái Tôi của mình.

Nguy cơ đối với người trí thức phương Đông là càng hiểu biết thì cái Tôi của họ càng nổi lên. Bởi vì đối với người trí thức dục tính, cái họ tìm kiếm không phải là tìm kiếm giải pháp cho một cuộc sống thực dụng vật chất mà là tìm kiếm phương tiện, tri thức cho việc hiện thực hóa cái Tôi của mình. Người phương Đông thường sống ẩn cái Tôi của mình đi để thích nghi vào cộng đồng, xong họ luôn khao khát tiềm ẩn giải pháp an toàn cho việc làm nổi bật cái Tôi đang bị "ức chế" trong cộng đồng. Ở phương Tây, do văn hóa phản biện về đời sống thực dụng đã tự nó đập tan mọi ý đồ hư danh. Với môi trường như vậy họ sẵn sàng đấu tranh với cộng đồng để thể hiện sức mạnh và vai trò của cái Tôi đối với đời sống thực dụng chung.

Người ta sợ hãi những gì người ta ít hiểu biết về nó nhất.  Những người thiên dục tính không dám suy tư triết học và khám phá khoa học, đó giống như việc trốn chạy của trẻ thơ trước sự sợ hãi bóng tối của chúng. Sự trốn chạy khiến người ta dần trở thành người phụ thuộc, nô lệ vào cảm giác sợ hãi (do thiếu hiểu biết) ngay trong chính bản thân.  Triết học (lý lẽ) phương Đông khác phương Tây bởi cách thức đối diện (ý đồ) khác nhau trước các mối đe dọa trong cuộc sống của họ, dần dẫn tới các nghiệp quả khác nhau.


TƯ DUY ĐÔNG - TÂY

Điểm khác biệt cơ bản giữa tư duy phương Đông và phương Tây là ở TẦM NHÌN: tầm nhìn phương Đông gần, trong khi tầm nhìn phương Tây xa. Sự khác biệt là từ trong quá trình "tiến hóa". Quá trình "tiến hóa" thì không thể tách khỏi nguyên nhân của điều kiện sinh tồn. Chính vì vậy, nguyên nhân của sự khác biệt trên không ở đâu khác là do thói quen cuộc sống - lao động, sản xuất. Người phương Đông chủ yếu là hoạt động trồng trọt nên luôn phải quan sát những cái diễn bày ngay trước mắt, công việc ổn định, đều đặn, dựa vào kinh nghiệm về tự nhiên, ít cần đến tính toán làm ăn. Trong khi người phương Tây chủ yếu là hoạt động chăn nuôi thì trái ngược lại. Về mặt xã hội, tư tưởng. Vì tầm nhìn gần nên gặp vấn đề gì xảy ra, người phương Đông nhanh chóng đi tới giải quyết một cách đại khái, tổng thể những vấn đề thiết thực cuộc sống, bàn thẳng vào vấn đề, không phân tích vòng vo. Ngược lại với người phương tây, càng phân tích thì càng mở ra vấn đề mới, đôi khi vấn đề mở ra đi xa hơn vấn đề cần giải quyết nhưng người ta đủ kinh nghiệm để hiểu rằng giữa các vấn đề mặc dù xa nhau đó đều có mối liên hệ. Tạo hóa vốn không phân biệt, do vậy, mỗi sự khác biệt đều có mạnh yếu của riêng nó, giúp nó tồn tại chung bên dưới một bầu trời.

Ưu thế của người phương Tây là sức mạnh "thông suốt" lý lẽ tự nhiên - giá trị bản thân; ưu thế của người phương Đông là sức mạnh "chịu đựng, bền bỉ, nhẫn nại" - thấm nhuần giá trị cuộc sống trong các mối quan hệ. Ưu thế đó vốn ngay trong triết lý - tâm khảm thường trực của xã hội. Trong cuộc sống, người ta thường suy nghĩ (chú ý) nhiều tới ưu thế và tìm cách phát huy nó. Để cân bằng lại sự thiên lệch này thì trong hoạt động lại thường chú tâm nhiều hơn đến điều vốn là ưu nhược. Nên trong hành động của người phương Tây chú ý nhiều những cái thiết thực, còn trong hành động của người phương Đông thường hướng tới những điều cao xa. Đó là lẽ tự nhiên (hợp lý tính) chứ không phải là vấn đề đúng sai.

Tư duy phương Đông nghiên cứu về các hiện tượng nảy sinh bên trong (hướng nội) thể hiện qua sự "biến dịch" của thế giới bên ngoài; ngược lại, tư duy phương tây, nghiên cứu về các hiện tượng diễn ra bên ngoài (hướng ngoại) diễn ra trước sự "quan sát" của chủ thể (con người). Bản thân cách tiếp cận khác nhau đó tất yếu đi tới kết luận về bản thể của cái "ta-thế giới" là khác nhau. Hay nói cách khác, chính cách tiếp cận hay chính phương thức hoạt động sống đã là tiền đề đi tới kết quả của hoạt động nghiên cứu triết lý (triết học) - bản chất của cái "ta-thế giới". Như vậy, bản chất của cái "ta-thế giới" (nói ngắn gọn là thế giới) gắn chặt chẽ với con người, hoạt động sống của con người. Tự bản thân ta-thế giới chẳng có bản chất, ý nghĩa.

Người ta nói: Logic học là khoa học nghiên cứu những quy luật của tư duy nhằm đạt tới chân lý. Thực ra: Logic học là khoa học nghiên cứu những quy luật của tư duy trong mối quan hệ biện chứng giữa "ý đồ" và "ý tưởng" của chính con người (Quy luật chỉ tồn tại trong hệ có đặt giới hạn; giới hạn lại vốn là phạm trù thuộc lý lẽ của con người). Tất cả những gì con người đã và đang làm đều là nhằm "ý đồ" cho việc định vị mình trong thế giới (quen thuộc mà lạ lẫm) - duy trì sự tồn tại của mình (một cách tự phát hay tự giác). Cũng chính vì lẽ đó, cách thức tư duy của con người cũng "vận hành" theo "quy luật" hướng tới "ý đồ" đó. Người phương Tây khi nghiên cứu "cái thế giới" mà con người đang "thấy", họ cố gắng tách con người ra để đạt được cái tri thức mà họ gọi là "khách quan". Logic học của họ cũng không ngoại lệ nghiên cứu theo "hướng" như vậy: họ xuất phát từ những "tiền đề" mà tất cả mọi người đều thừa nhận "hiển nhiên đúng", từ đó sử dụng những lý lẽ "hiện tượng-bản chất" đi tới những lý lẽ mới (thống nhất cùng ý đồ với lý lẽ tiền đề). Họ không biết rằng cái mà mọi người "hiển nhiên đúng" đó có một lịch sử hình thành trên cơ sở của "ý đồ" của cả loài người từ khi mà chính bản thân họ cũng chưa sinh ra. Ngược lại, người phương Đông đi thẳng vào "ý đồ" rồi sau đó đi tìm những "căn cứ thuyết phục" "minh chứng" cho cái "ý đồ" cần thuyết phục của mình đối với chính mình và đối với người khác. Logic học của họ cũng không ngoại lệ nghiên cứu theo hướng như vậy: họ xuất phát từ những mệnh đề đạo đức mà phần lớn mọi người (cũng muốn hướng tới ít nhiều), từ đó sử dụng những lý lẽ "bản chất-hiện tượng" để gia cố niềm tin cho chính mình và những người khác. Điều đó không có nghĩa là ai đúng, ai sai mà đó chỉ là những cách thức khác nhau cho cùng một mục đích (hướng tới ý đồ chung của nhân loại).

Ý tưởng và ý đồ là hai mặt biện chứng. Ý tưởng của logic học phương Tây (logic học Aristotle) gắn với ý đồ đi tìm "chân lý" - phục vụ cho cơ chế lý trí (đúng-sai) trong hành động một cách thông suốt, nhất quán (thanh thản). Ý tưởng của logic học phương Đông (logic học Phật giáo) gắn với ý đồ chỉ ra cái giả tạo ("sai lầm", vô minh) trong nhận thức về thế giới bên ngoài của con người - phục vụ cho cơ chế khoái cảm (hưng phấn-ức chế) trong suy nghĩ (một dạng hành động) ấm áp, bình an (an lạc). Ý tưởng của con người nảy sinh nhằm phụng sự ý đồ của con người, do đó, mục đích tối thượng của con người cần vươn tới là trạng thái ấm áp-thanh thản (ấm áp trong cảm nhận và thanh thản trong tư duy), chứ không phải là vấn đề phụng sự cho "chân lý" (đúng-sai) hay cho Thượng Đế, lý tưởng. Chúng ta hướng đến cái "tối hậu" này cũng chỉ vì hướng tới mục đích tối cao của cuộc sống, hoạt động sống.


KHOA HỌC ĐÔNG - TÂY

Phương Tây coi trọng tư duy khoa học, phương Đông coi trọng chuẩn mực đạo đức (hành động hướng đạo của công dân - hướng tới cái lý của xã hội). Do đó, phát triển tư duy của phương Đông chỉ mang tính tự phát xét ở bình diện xã hội; nó chỉ trở thành tự giác khi vấn đề trải nghiệm gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Cũng vì lẽ đó, điểm mạnh của nền khoa học phương Tây là họ cùng nhau làm; còn phương Đông là mạnh ai đó làm. Ngược lại, khi gặp tình cảnh an nguy, sinh tồn, phương Tây phát huy tính độc lập tự chủ của từng cá nhân; phương Đông phát huy sức mạnh của tính đại đồng.

Phương Tây có nền khoa học tự nhiên và triết học (luận lý) vì người ta hành động thiên về cơ chế lý trí, không ngừng đi tìm phương hướng, giải pháp hướng đến tương lai. Phương Đông thì chẳng cần phương hướng vì người ta hành động thiên về cơ chế khoái cảm – họ cần xây dựng các "chuẩn mực khoái cảm". Vượt qua các chuẩn mực đó đã khó chứ nói gì đến chuyện đi tìm phương hướng mới, trong khi bản thân xã hội cũng không khuyến khích. Do vậy, nền khoa học tự nhiên và triết học mang tính luận lý không có cơ sở để phát triển (thay vào đó là việc đi tìm những "mệnh đề" vốn có để duy trì những gì "tốt đẹp" đã và đang có), ngoại trừ trong những hoàn cảnh xã hội khủng hoảng nghiêm trọng khi mà các "chuẩn mực xã hội" bị đặt trong tình trạng hoài nghi và phá vỡ. "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt." (Trịnh Công Sơn).

Sự khác biệt giữa phương Tây và phương Đông thể hiện ở ngay cả sự khác biệt về phương pháp, cách thức "ý phân biệt" trong việc nhận thức thế giới xung quanh. "Ý phân biệt" có mối liên hệ chặt chẽ với mục đích quan tâm: người phương Tây quan tâm đến đối tượng (thế giới) cần được chinh phục, khai thác; người phương Đông quan tâm đến mối quan hệ giữa bản thân ta và thế giới (con người là tiểu vũ trụ). Vì sao người ta lại quan tâm khác nhau như vậy? Nó có nguyên nhân xuất phát từ ngay trong đặc điểm hoạt động sản xuất của con người. Cũng chính vì lẽ đó, hệ thống khoa học (ý phân biệt) của phương Tây bắt đầu từ tiền đề là "nguyên tử" - quan tâm đến các khái niệm và mỗi khi họ gặp giới hạn trong nhận thức thì lại bắt đầu tìm kiếm, nảy sinh ra những ý tưởng về những "khái niệm" (thuyết) mới để tiếp tục giải quyết các vấn đề nhân thức. Người phương Đông thì ngược lại, hệ thống khoa học (ý phân biệt) bắt đầu từ tiền đề là "âm-dương" - quan tâm đến nguyên lý của các cặp phạm trù đối lập và mỗi khi người phương Đông gặp giới hạn trong nhận thức thì họ quan tâm xem xét lại mối quan hệ giữa các cặp phạm trù đối lập, xác định lại vai trò mỗi phạm trù trong mối quan hệ đó.


CHÚA JESUS & PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Chúa Jesus và Phật Thích Ca Mâu Ni là hai biểu tượng thể hiện rất rõ nét về cách thức tư duy khác nhau của người phương Đông và người phương Tây. Sự hiểu của người phương Tây gắn với phương pháp "ý phân biệt" với tiền đề xuất phát là "nguyên tử" trong cái "vô cùng tận"; sự hiểu của người phương Đông gắn với phương pháp "ý phân biệt" với tiền đề xuất phát là "nguyên lý âm-dương" trong cái "thái cực" (hư không: không không, có có). Sự "hiểu" vốn thuần túy là hoạt động nhận thức (tuân theo cơ chế lý trí), trong khi sự "tin" vốn là một dạng hành động (tuân theo hai cơ chế: cơ chế khoái cảm và cơ chế lý trí). Sự hiểu và niềm tin là hai mặt biện chứng: sự "hiểu" là sự "tin" có cơ sở (hiện thực làm chứng); sự "tin" là sự "hiểu" ở giới hạn cuối cùng của nó, với cơ sở hiện thực mờ ảo nhất mà con người vẫn có thể nhận ra và được thống nhất với mong muốn của chính con người. Chính vì vậy, với phương pháp "nguyên tử" của người phương Tây thì tất yếu sẽ đi tới biểu tượng về một "Đức sáng thế" phải là một con người cụ thể và chứa đựng trong đó tất cả những phẩm chất mong muốn của con người cần đạt đến - Đức Jesus. Ngược lại, với phương pháp "nguyên lý âm-dương" của người phương Đông thì tất yếu sẽ đi tới biểu tượng "hư hư, thực thực" về sự hợp nhất cũng của một con người rất thực hướng tới và hòa nhập vào thế giới "không, vô thường, vô ngã". Chân lý mà con người hướng tới là đạt tới cảnh giới "giác ngộ" như biểu tượng hành động hướng tới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cũng vì lẽ đó, đối với niềm tin của người phương Tây, hướng tới Đức Chúa Jesus là hướng tới "chân lý"; còn đối với niềm tin của người phương Đông, hướng tới nhận thức và hành động của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - đó là chân lý. Một đằng hướng tới "nguyên tử" và một đằng hướng tới "nguyên lý âm dương" vận động. Với một nền giáo dục (sự hiểu) định hướng tin theo chân lý khoa học tự nhiên - đó là cơ sở mở đường cho niềm tin - tin theo Đức Chúa Jesus.

                                      ================================
                                       TĨNH THÔNG LINH - Triết Lý Về Sự Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét