Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

Giáo dục toàn diện


Hành động của con người tuân theo hai cơ chế: cơ chế khoái cảm (hưng phấn-ức chế) và cơ chế lý trí (đúng-sai). Giáo dục là giúp cho con người biết hành động. Do vậy, có 3 nội dung quan trọng trong giáo dục:

+ Thứ nhất (giáo dục thái độ): là giáo dục con người biết tìm kiếm động lực hành động, biết định hướng ý nghĩa hành động - giáo dục về giá trị cuộc sống, đạo đức, tư tưởng chính trị (mối quan hệ giữa bản thân với cuộc sống, với tha nhân, với thế giới).

+ Thứ hai (giáo dục năng lực tư duy): là giáo dục giúp con người có hệ thống kiến thức và năng lực tư duy (hoàn thiện cơ chế lý trí dẫn dắt hành động hiệu quả).

+ Thứ ba (giáo dục năng lực cảm xúc): là giáo dục giúp con người có năng lực cảm nhận cuộc sống, sự tinh tế, khả năng chịu đựng, hoàn thiện các giác quan (hoàn thiện cơ chế khoái cảm dẫn dắt hành động).

Ba nội dung này cần được coi trọng như nhau, không thiên lệch và cũng không nên tách biệt rạch ròi trong các hoạt động giáo dục.


GIÁO DỤC: TRÍ TUỆ & TÂM HỒN

Học vì nuôi dưỡng sự kỳ vọng của lòng tham chứ không học để nuôi dưỡng tâm sẽ sinh ra những con người thật khô khan và nghèo nàn tâm hồn. Nền giáo dục của chúng ta đang tạo ra các bộ óc chứ không phải trái tim và nếu có liên quan đến trái tim thì đó là trái tim của khối óc chứ không phải là từ chính nhịp đập tự nhiên của trái tim trước cuộc sống. Nền giáo dục đại học hiện nay trang bị cho người học được ít kỹ năng mà tạo ra ảo tưởng thì nhiều.

Hành động của con người bị chi phối bởi hai cơ chế: cơ chế khoái cảm (hưng phấn-ức chế) và cơ chế lý trí (đúng-sai). Giáo dục điều chỉnh hành động một con người không chỉ thông qua cơ chế lý lẽ - trang bị lý lẽ mà cần thông qua cả cơ chế khoái cảm – thực hành tâm lý, tình thương yêu. Cần có cả các nhà giáo lãng mạn, bay bổng, cảm tính và những nhà giáo lý tính, thực dụng. Bởi vì trong mỗi con người bao gồm hai con người: bản năng và lý trí. Cả hai con người này đều cần phải được giáo dục.


GIÁO DỤC: NĂNG LỰC TƯ DUY & NĂNG LỰC THẨM MỸ

Trong giảng dạy không cho phản biện nhiều chiều thì khác nào những gì giảng dạy đã được coi là "chân lý". Nếu đã là "chân lý" thì cần gì phải học khi bản thân chưa cảm thấy cần phải học, bởi "chân lý" thì vẫn còn đó, lúc nào có nhu cầu cần phải học thì ắt học sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề là đó có thật sự "chân lý"? Học theo kiểu "đọc chép" khiến cho lý tính cảm thấy bị coi thường. Thỏa hiệp với cảm giác bị coi thường kéo dài khiến cho dục tính trở nên tự ti trong việc tiếp tục hành trình khai sáng bản thân. Các trường học ngày nay có vẻ như đang dần hình thành các kinh viện kiểu mới. Nền giáo dục cũng là một cơ thể sống cần thay đổi mỗi ngày và cần làm các cuộc cách mạng khi cần thiết.

Một nền giáo dục (đặc biệt là giáo dục khoa học xã hội) "nhồi sọ" sẽ tạo ra những con người có kỹ năng (thói quen) tự "nhồi sọ" mà không biết cách phân biệt, chọn lọc. Trong thời đại công nghệ mới, mạng xã hội như hiện nay, với mấy năm bị "nhồi sọ" bị động trong trường học làm sao có thể "đào tạo" nên được những con người như mong muốn của nền giáo dục đặt ra khi mà người công dân luôn tự "nhồi sọ" hàng chục năm từ trước và sau khi rời trường thông qua các phương tiện mạng xã hội. Hợp lý tính thì tồn tại. Nền giáo dục cuối cùng sẽ không "đào tạo" ra cái gì thì cần tồn tại để làm gì. Muốn tồn tại được, nền giáo dục cần có một tư duy giáo dục mới: nền giáo dục cần tập trung trang bị cho người học khả năng tư duy, sáng tạo; kỹ năng, môi trường văn hóa ứng xử nhân bản..giúp người học có khả năng tự biết phân biệt đúng sai, biết chọn lọc những chân giá trị cuộc sống, biết tự xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống..thay vì sự "nhồi nhét" với bất kỳ ý đồ chính trị nào. Cần đào tạo ra những con người biết tự chèo lái cuộc sống của chính họ chứ không đào tạo ra những cỗ máy-người được lập trình.

Cái gì hợp lý tính thì tồn tại. Khi chúng ta không trau dồi năng lực để nhìn thấy được những điều tinh tế, dễ bị tổn thương thì chúng ta tất yếu sẽ trở thành một con người thô lỗ, cục cằn. Giáo dục là nhằm giúp cho người ta trở nên tinh tế hơn trong cảm nhận và nhạy bén hơn trong tư duy.

Trước đây, để nâng cao trình độ nhận thức của con người chúng ta đề cao việc phát triển khả năng tư duy từ cảm tính sang lý tính một cách chung chung. Đã đến lúc chúng ta phải chú trọng đến việc cụ thể hóa phát huy khả năng tư duy lý tính – đó chính là phát huy khả năng tư duy trừu tượng của con người, cần biết coi trọng siêu hình học.


GIÁO DỤC: KỸ NĂNG SỐNG & KỸ NĂNG TƯ DUY ĐỘC LẬP

Trong một tập thể, có người cảm thấy rất khó khăn, rất khổ sở vì phải thích nghi với các phong cách giá trị, môi trường giá trị (hệ thống hệ số an toàn tồn tại) cao hơn bản thân họ. Chính vì vậy, một trong những mục đích quan trọng của việc học tập, tu dưỡng nói chung là nhằm nâng cao năng lực hòa nhập cộng đồng, sống chung cùng mọi người. Điều đó đặt ra cho nền giáo dục một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là trang bị kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho mọi người, chứ không phải chỉ là trang bị cho họ về kỹ năng nghề nghiệp như hiện nay. Hiện nay, nền giáo dục chỉ tập trung vào nhiệm vụ trang bị kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và dường như quan tâm chưa thích đáng cho việc trang bị kỹ năng hòa nhập. Dân gian có câu “an cư lạc nghiệp”, trong khi bản thân người học còn đang loay hoay với việc hoà nhập tập thể, hòa nhập môi trường sống (an cư), thì nền giáo dục lại không ngừng “nhồi nhét” kiến thức chuyên môn. Điều đó là một mâu thuẫn dẫn tới không hiệu quả của nền giáo dục, đặt ra cho nền giáo dục một vấn đề cần phải suy ngẫm. Sống trong một nền giáo dục như vậy, mỗi con người phải biết tự trang bị, tự bồi dưỡng cho mình những kỹ năng hòa nhập cộng đồng thích hợp thay vì bỏ mặc bản thân cho xã hội nhào nặn. Tự giác "tôi luyện" mình hơn là để cho cuộc sống xã hội khắc nghiệt "nhào nặn" mình. Bản thân tự giác "tôi luyện" sẽ có định hướng để biến mình thành một sản phẩm có giá trị, còn nếu chỉ để xã hội "nhào nặn" rất dễ có thể biến mình thành phế phẩm.

Một trong những hạn chế lớn nhất đối với năng lực chuyên môn của sinh viên Việt Nam hiện nay là trong quãng thời gian mấy năm học thì già nửa thời gian và tâm lực của sinh viên dành cho việc thích nghi với môi trường mới.


GIÁO DỤC: ĐẠO ĐỨC & CHÍNH TRỊ

Học không chỉ là luyện tài mà còn phải tu luyện đức và vun đắp tình yêu với thế gian. Muốn làm việc lớn thì không chỉ cần có tài lớn mà cả đức lớn –trái tim rộng mở.

Sinh viên khó học các môn lý luận chính trị ở trường vì có một nguyên nhân rất quan trọng là trước khi đi học ở các trường Đại học, Cao đẳng có giảng dạy các môn lý luận chính trị thì bản thân người sinh viên đó không hề có ý niệm gì về những môn này cũng như tầm quan trọng, sự gắn kết của nó đối với nghĩa vụ làm người cũng như nghĩa vụ chính trị xã hội của họ.

Sự bá chủ, độc đoán của tư tưởng chính thống trong môi trường giáo dục chính trị thì khi người học sinh thoát ra khỏi môi trường giáo dục họ sẽ quay lại coi khinh tư tưởng chính thống. Sự thẳng thắn, mạnh mẽ thuyết phục của tư tưởng chính thống trong môi trường giáo dục thì khi người học sinh thoát ra khỏi môi trường giáo dục, họ sẽ quay lại nể trọng tư tưởng chính thống. Thái độ của người học sau khi ra trường chính là những nhà tuyên huấn đắc lực nhất cho nền tư tưởng chính thống : đó là sự phủ định hay khẳng định. Sự thống nhất tư tưởng là nhằm cho việc đoàn kết dân tộc từ ngay trong tư tưởng, tuy nhiên, đó là một con dao hai lưỡi: sự đoàn kết có thể làm nên sức mạnh của con dao, song nó cũng có thể làm cho cùn đi con dao.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét