Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Thuật ngữ quan hệ quốc tế

Thuật ngữ quan hệ quốc tế - Chương trình 14 điểm (Fourteen Points)
Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Chương trình 14 điểm là bài diễn văn mà Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã trình bày trong một phiên họp tại Quốc hội Mỹ vào ngày 8 tháng 1 năm 1918. Nội dung bài diễn văn bàn về mục đích chiến tranh và phương cách duy trì hòa bình sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mặc dù ra đời 10 tháng trước khi quân Đức đưa ra thỏa thuận ngừng chiến nhưng Chương trình 14 điểm vẫn được xem như là một kế hoạch chi tiết cho nền hòa bình thế giới, và được sử dụng rất nhiều trong Hội nghị hòa bình Paris 1919 cũng như Hiệp ước Versailles – đưa ra các quy định và điều khoản hậu chiến cho các nước tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Chương trình 14 điểm đưa ra các nguyên tắc dựa trên chủ nghĩa tiến bộ, vốn đã được áp dụng để cải cách nội bộ nước Mỹ và sau đó đưa vào chính sách đối ngoại (thương mại tự do, các thỏa thuận mở, dân chủ và quyền tự quyết). Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Wilson đã trực tiếp đề cập đến những gì mà ông cho là nguyên nhân của cuộc chiến tranh thế giới, bằng cách kêu gọi hủy bỏ các hiệp ước bí mật, giảm lượng vũ khí, điều chỉnh quyền yêu sách cho các thuộc địa và quyền tự do trên biển. Wilson còn đề cập đến những kế hoạch có thể đảm bảo hòa bình thế giới trong tương lai.

Nhóm “The Inquiry”
Chi tiết bài diễn văn Chương trình 14 điểm của tổng thống Wilson dựa trên các báo cáo của nhóm “The Inquiry”, gồm khoảng 150 nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực xã hội và chính trị Mỹ, đứng đầu là cố vấn đồng thời là người bạn lâu năm của Wilson, Đại tá Edward M. House. “The Inquiry” hoạt động dưới hình thức của một hội kín. Công việc của nhóm là nghiên cứu về phe Đồng minh và chính sách Hoa Kỳ ở hầu khắp các vùng trên toàn cầu.
Hiện nay, “The Inquiry” được phát triển thành Hội đồng ngoại giao (Council on Foreign Relations) và là đơn vị phát hành tạp chí Foreign Affairs chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế.

Chương trình 14 điểm bao gồm nội dung vắn tắt như sau:

Hủy bỏ các thương lượng bí mật;
Đảm bảo tự do đi lại trên biển trong thời kỳ hòa bình cũng như chiến tranh;
Gỡ bỏ các hàng rào kinh tế giữa các nước;
Đảm bảo giảm thiểu trang bị quân sự đủ đáp ứng nhu cầu an ninh nội địa;
Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa, đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan tới yêu sách;
Các đạo quân ngoại quốc rút ra khỏi đất Nga và phục hồi các miền đất bị người Ngachinh phục;
Phục hồi nền độc lập cho nước Bỉ;
Trao trả 2 miền Alsace và Lorraine về cho nước Pháp;
Điều chỉnh lại biên giới của nước Ý;
Phát triển quyền tự trị cho các dân tộc Áo-Hung;
Phục hồi các xứ Rumani, Serbiavà Montenegro; Serbia được tự do và đảm bảo an ninh các con đường thông ra biển; đảm bảo về độc lập chính trị, kinh tế và toàn vẹn lãnh thổ cho một số quốc gia vùng Bancăng.
Phát triển quyền tự trị dân tộc cho Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo eo biển Dardanelles từ Biển Đen dẫn tới Địa Trung Hải phải được mở thường xuyên cho tàu thuyền qua lại;
Đảm bảo một xứ Ba Lanđộc lập do dân tộc Ba Lan cư ngụ và có đường tiếp cận ra biển;
Thành lập một tổ chức của các quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ cho các nước thành viên.
Chương trình 14 điểm của Wilson được cho là nhằm làm suy yếu bước tiến của phe Liên minh trung tâm (nòng cốt là Đức, Áo – Hung) và cổ vũ chiến thắng cho phe Đồng minh (Anh, Pháp, Nga và sau này có thêm Mỹ). Hàng ngàn bản in Chương trình 14 điểm đã được thả bên phần chiến tuyến của Đức để thuyết phục quân đội và dân chúng Đức rằng các quốc gia Đồng minh đang cố gắng vận động một nền hòa bình công bằng và vĩnh cửu. Một bức điện từ Hoàng tử Miximilian của xứ Baden, lãnh đạo hoàng gia Đức, sau đó đã được gửi đến cho tổng thống Wilson vào tháng 10 năm 1918, đề nghị một thỏa thuận ngừng chiến ngay lập tức và các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên nội dung của Chương trình 14 điểm.

Tuy nhiên, khi phe Đồng minh đến Versailles để thành lập một hiệp ước kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với Đức và Áo – Hung thì hầu hết các điểm trong Chương trình 14 điểm của Wilson đã bị Anh và Pháp bác bỏ. Người Anh phản đối tự do trên biển, người Pháp phản đối bồi thường chiến phí. Lúc này, Wilson nhận ra rằng Anh, Pháp và Ý chỉ quan tâm đến việc lấy lại những gì mình đã mất và gom góp thêm lợi ích thông qua việc trừng phạt nước Đức. Còn người Đức cũng nhanh chóng nhận thấy rằng kế hoạch hòa bình thế giới của Wilson không thể áp dụng cho họ. Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của Wilson trong việc vận động, Thượng viện Mỹ cũng đã không thông qua chương trình này cùng Hiệp ước Versailles, do những bất đồng giữa chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa biệt lập trong nội bộ nước Mỹ, đồng thời cho rằng Wilson đã quá lý tưởng hóa tình hình thực tế. Lần bỏ phiếu cuối cùng cho Hiệp ước này tại Thượng viện diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1920 và đã thất bại với 2/3 phiếu chống.

Cuối cùng, Hiệp ước Versailles đi ngược lại rất nhiều nội dung chính trong Chương trình 14 điểm. Thay vì đi đến một “nền hòa bình chung không chiến thắng”, Hiệp ước đã đưa ra những mức phạt nặng nề cho Đức, cả về kinh tế lẫn lãnh thổ. Chính kết quả “cay đắng” này đã góp phần tạo nên cơn suy thoái kinh tế cho nước Đức vào thập niên 1920 và là mầm mống dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít vào những năm 1930.

Thắng lợi được cho là to lớn nhất của Chương trình 14 điểm chính là sự thành lập của một tổ chức quốc tế, có thể đảm bảo một hệ thống an ninh và cơ chế giải quyết mâu thuẫn cho các quốc gia thành viên, sau này được biết đến với tên gọi Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, một lần nữa, Tổng thống Wilson lại tiếp tục thất bại trong việc thuyết phục Thượng viện Mỹ đưa nước này gia nhập Hội Quốc Liên. Các thượng nghị sĩ cho rằng cam kết với Hội Quốc Liên nghĩa là Mỹ sẽ phải đưa quân đội của mình tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể nổi lên trên thế giới. Wilson sau này từng nói, việc Mỹ vắng mặt ở Hội Quốc Liên sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới khác trong vòng một thế hệ. Và Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã chứng minh điều đó.

Nhờ những nỗ lực tạo dựng hòa bình của mình, đặc biệt là thông qua Chương trình 14 điểm, Tổng thống Wilson đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1919.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

-------------------------------------------------------------------------------------
Thuật ngữ quan hệ quốc tế -Giải trừ quân bị (Disarmament)
Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi

Giải trừ quân bị là việc cắt giảm, hạn chế hoặc xoá bỏ vũ khí. Cần phân biệt khái niệm giải trừ quân bị (disarmament) với khái niệm “kiểm soát vũ khí” (arms control). Kiểm soát vũ khí chủ yếu liên quan tới việc kiềm chế sự phát triển về số lượng của các loại vũ khí chứ không nhất thiết bao gồm việc cắt giảm hoặc xóa bỏ các loại vũ khí mà một quốc gia sở hữu. Việc giải trừ quân bị chủ yếu dựa trên nhận định cho rằng bản thân các loại vũ khí cũng là một nguồn dẫn tới các loại xung đột.

Giải trừ quân bị thường áp dụng cho các quốc gia quân sự, hay nói cách khác là các quốc gia có tiềm năng quân sự mạnh với đa dạng các loại hình vũ khí. Việc giải trừ quân bị thường diễn ra theo nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất, các quốc gia có thể bị buộc phải giải trừ quân bị, nhất là sau các cuộc chiến tranh. Ví dụ, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hiệp ước Versailles buộc nước Đức giữa quân số ở mức dưới 100.000 người, hạn chế phát triển lực lượng hải quân hay không được xuất nhập khẩu vũ khí. Các quy định tương tự cũng được áp dụng cho Đức và Nhật sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thứ hai, các quốc gia có thể tự nguyện giải trừ quân bị. Theo đó các quốc gia có thể thương lượng với nhau về một khung pháp lý chấp nhận được cho phép các quốc gia cùng nhau cắt giảm quy mô quân đội và lực lượng vũ khí. Ví dụ tại Hội nghị thượng đỉnh Reykjavik, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra một đề xuất được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ủng hộ nhằm xóa bỏ toàn bộ số tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào năm 1996. Đáng tiếc là kế hoạch này đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên Mỹ và Nga ngày nay vẫn đang theo đuổi các cuộc đàm phán tự nguyện giải trừ quân bị tương tự và đã đạt được một số kết quả như các Hiệp ước START I và II, SALT I và II….

Trong những thập kỷ qua, cộng đồng thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm giải trừ quân bị. Các nỗ lực phổ biến nhất bao gồm việc giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt, giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ, và giải trừ vũ khí thông thường.

Giải trừ quân bị toàn diện và triệt để

Giải trừ quân bị toàn diện và triệt để được Liên Hiệp Quốc khởi xướng từ năm 1959 và được coi là mục tiêu tối cao của các nỗ lực giải trừ quân bị. Nhiều đề nghị đã được các nước thành viên đưa ra nhằm giải trừ quân bị theo từng giai đoạn với những nội dung đa dạng (các chủng loại vũ khí, lực lượng vũ trang cần phải cắt giảm trước hết, số lượng cho phép tồn tại, thời hạn và phương thức thanh sát…). Mặc dù vấn đề này đã được bàn cãi nhiều năm tại Liên Hiệp Quốc, nhưng do quan điểm của các nước còn rất khác nhau, nên cho tới nay vẫn chưa đạt được bất cứ một thoả thuận nào về chất có liên quan tới vấn đề này.

Đại đa số các nước nhận thức rằng vấn đề giải trừ quân bị toàn diện và triệt để là mục tiêu khá xa vời, khó có thể đạt được. Vì vậy, từ những năm 1960 trở đi, các nước này chuyển sang tìm cách nhấn mạnh vào các biện pháp giải trừ quân bị từng phần. Tuy nhiên, các nước nói chung vẫn tìm cách duy trì nội dung đấu tranh trên trong các chương trình nghị sự tại Liên Hiệp Quốc. Chủ đề chương trình giải trừ quân bị toàn diện được thông qua năm 1969 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khoá 24 nằm trong những nỗ lực đó. Nội dung chính của chủ đề trên là soạn thảo một chương trình toàn diện đề cập tới mọi khía cạnh của vấn đề chấm dứt chạy đua vũ trang, thực hiện giải trừ quân bị toàn diện và triệt để dưới sự kiểm soát quốc tế hữu hiệu. Đến năm 1978, Uỷ Ban Giải trừ Quân bị của Liên Hiệp Quốc đã thông qua được văn bản “Những yếu tố cấu thành chương trình toàn diện về giải trừ quân bị”. Tuy nhiên cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa có tiến bộ gì đáng kể.

Giải trừ vũ khí hạt nhân

Giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Vấn đề này cũng đã được thảo luận ở nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết. Nhìn chung, nội dung chủ yếu của giải trừ vũ khí hạt nhân được tập trung vào một số lĩnh vực sau:

Chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân;
Không sử dụng vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân;
Ngưng sản xuất vũ khí hạt nhân;
Cấm sản xuất nguyên liệu nhiệt hạch vào mục đích sản xuất vũ khí;
Không sản xuất vũ khí neutron;
Ngừng thử vũ khí hạt nhân;
Cấm thử vũ khí hạt nhân từng phần;
Cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân;
Không phổ biến vũ khí hạt nhân;
Đảm bảo an ninh cho những nước không vũ khí hạt nhân;
Sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân;
Hình thành các khu vực hoà bình phi vũ khí hạt nhân như ASEAN, Mỹ La-tinh, Nam Á….
Giải trừ các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác

Nỗ lực này tập trung vào việc thủ tiêu hoàn toàn hai loại hình vũ khí huỷ diệt hàng loạt chủ yếu là vũ khí sinh học và vũ khí hoá học. Ngoài ra, còn phải kể tới những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ra đời và phát triển của các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác có thể có do sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến như vũ khí phóng xạ, vũ khí có tác dụng làm thay đổi môi trường. Đây là lĩnh vực đạt được nhiều thành công nhất về giải trừ quân bị với ba văn kiện quan trọng được đại đa số các nước tham gia ký kết nhằm thúc đẩy việc thủ tiêu hoàn toàn một số loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt (Nghị đinh thư Geneva 1925 cấm sử dụng trong chiến tranh hơi độc, hơi ngạt và các loại hình vũ khí sinh học; Công ước Cấm sử dụng vào mục đích quân sự hoặc thù địch các kỹ thuật làm thay đổi môi trường; Công ước 1972 cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí sinh học và độc hại và về việc thủ tiêu các loại vũ khí trên; Công ước 1993 về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí hoá học và về việc thủ tiêu các loại vũ khí trên).

Giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ

Nỗ lực giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ tập trung vào hai nội dung chính là sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hoà bình và ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Lĩnh vực này đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng như Hiệp ước năm 1966 về các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của các quốc gia trong việc thám hiểm và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm cả mặt trăng và các thiên thể khác do Liên Xô và Mỹ đồng soạn thảo và được Liên Hiệp Quốc thông qua cùng năm, bắt đầu có hiệu lực năm 1967. Nhóm làm việc về ngăn ngừa chạy đua vũ trang trong vũ trụ cũng đã được thành lập.

Giải trừ vũ khí thông thường

Các quy định về vũ trang và giải trừ vũ khí thông thường đã được Liên Hiệp Quốc quan tâm nghiên cứu song song với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và được thảo luận tại nhiều cơ quan khác nhau trong hệ thống Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng chi phí quân sự ngày càng tăng ở các nước vì mục tiêu thực hiện giải trừ quân bị toàn diện và triệt để. Nội dung trọng tâm là việc giải trừ các lực lượng và vũ khí chiến lược thông thường. Ngoài ra, trong lĩnh vực này, các nước đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề cụ thể như giải trừ vũ khí gây sát thương quá đáng hoặc bừa bãi (gần đây là vấn đề mìn sát thương); giảm quân số ở Trung Âu; tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin; kiểm soát việc buôn bán và chuyển giao vũ khí, trong đó có súng nhỏ và vũ khí nhẹ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

-----------------------------------------------------------------------------
Lịch Sử Quan Hệ Quốc Tế - History of International Relations

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét