Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

TỔNG QUAN VỀ TÁC PHẨM NỀN DÂN TRỊ MỸ!

TỔNG QUAN VỀ TÁC PHẨM NỀN DÂN TRỊ MỸ!
Dự án mà Tocqueville cam kết khi viết Nền dân trị Mỹ là cực kì tham vọng. Với việc chứng kiến những nỗ lực thất bại của chính quyền dân chủ ở nước Pháp quê hương ông, ông muốn nghiên cứu một nền dân chủ ổn định và thịnh vượng để hiểu nó hoạt động như thế nào. Các nghiên cứu của ông dẫn ông đi đến kết luận rằng phong trào hướng đến dân chủ và sự bình đẳng của các điều kiện [trong khi đã phát triển rất xa ở Mỹ] là một hiện tượng phổ quát và là một tiến trình lịch sử lâu dài không thể đảo ngược. Và vì xu hướng dân chủ này là không thể tránh được, nên Tocqueville muốn phân tích để xác định điểm mạnh và điểm yếu của nó từ đó xây dựng các thiết chế để củng cố điểm mạnh trong khi chống lại điểm yếu của nó. Dù chúng ta thấy Nền dân trị Mỹ như là một tập hợp các quan sát và suy nghĩ khá lộn xộn về nền dân chủ Mỹ, tuy nhiên vô số những quan sát và suy nghĩ đó của Tocqueville đều hướng đến một chủ đề duy nhất đó là: duy trì sự tự do trong hoàn cảnh sự bình đẳng của các điều kiện ngày một gia tăng. Tập 1, phần lạc quan hơn của cuốn sách, tập trung chủ yếu vào cấu trúc chính quyền và các thiết chế giúp duy trì sự tự do của xã hội Mỹ. Tập 2 tập trung nhiều hơn vào cá nhân và ảnh hưởng của tinh thần dân chủ đến tư tưởng và tập tục phổ biến trong xã hội.
Nếu xem tác phẩm như một tổng thể, thì chúng ta thấy rằng các vấn đề chính của nền dân trị là như sau: quyền lực tập trung quá nhiều vào nhánh lập pháp, sự lạm dụng hoặc sự thiếu tự do, đam mê quá mức cho sự bình đẳng, chủ nghĩa vật chất, và chủ nghĩa cá nhân. Những yếu tố mà Tocqueville tin là có thể chống lại một cách thành công những xu hướng dân chủ nguy hại này là: sự độc lập của tư pháp, nhánh hành pháp mạnh, sự tự trị địa phương, phi tập trung hành chính, tôn giáo, người phụ nữ được giáo dục tốt, tự do lập hội, và tự do báo chí.
Trước tiên, chúng ta hãy khảo sát những nguy cơ mà Tocqueville thấy khi tìm hiểu nền dân chủ Mỹ. Hầu hết các vấn đề nằm trong các thái độ và các khuynh hướng xã hội, nhưng cũng có một số vấn đề liên quan đến thể chế. Đầu tiên trong số này là sự thống trị của quyền lực lập pháp. Bởi vì ngành lập pháp là đại diện trực tiếp nhất cho ý chí của người dân, nên các xã hội dân chủ có xu hướng trao cho nó nhiều quyền lực nhất trong các nhánh quyền lực. Tuy nhiên, nếu không có một sự kiểm soát đủ đối với quyền lực này, nó dễ dàng trở thành chuyên chế. Một vấn đề liên quan về mặt thể chế làm suy yếu sự độc lập của nhánh hành pháp, do đó gián tiếp gia tăng quyền lực của nhánh lập pháp là khả năng tổng thống tái cử. Thoạt nhìn sẽ không thể thấy rõ tại sao đặc điểm này của chính quyền Mỹ có thể làm suy yếu quyền lực của tổng thổng. Trong thực tế dường như làm gia tăng ảnh hưởng của ông vì cho phép ông tại vị lâu hơn. Vấn đề nằm ở chỗ là nếu tổng thống có hi vọng được tái cử, thì ông ta sẽ đánh mất đi khả năng để đưa ra các quyết định độc lập dựa trên phán quyết của mình. Thay vào đó, ông ta sẽ chạy theo ý muốn nhất thời của nhân dân, và liên tục cố gắng để làm cho họ cảm thấy hạnh phúc dù họ luôn không có đủ tri thức để phán đoán đâu là hành động tốt nhất cho đất nước. Do đó, cho phép tổng thống chạy đua để tái cử làm gia tăng một cách dán tiếp mối đe dọa của sự chuyên chế của đa số. Một vấn đề khác liên quan về mặt thể chế của nền dân chủ Mỹ là sự lựa chọn trực tiếp người đại diện và thời gian phục vụ ngắn ngủi của họ. Những quy định này đưa đến việc lựa chọn ra một tập thể gồm những người đại diện tầm thường cũng như làm cho người đại diện không thể hành động theo phán đoán tốt nhất của họ, vì họ phải liên tục lo lắng về công luận. Trái lại, thượng viện, gồm các thành viên được lựa chọn gián tiếp và phục vụ trọng một nhiệm kì dài hơn, bao gồm các công dân có trí tuệ và được giáo dục tốt hơn. Có lẽ cần phải chuyển sang một hệ thống bầu cử gián tiếp những người đại diện [hạ viện]. Nếu không như vậy, các bộ luật sẽ tiếp tục trở nên tầm thường và thường có sự mâu thuẫn. Và nếu tình trạng này tiếp tục, người dân có thể mệt mỏi với sự yếu kém của hệ thống và hoàn toàn rời bỏ nền dân chủ.
Nguy cơ quan trọng hơn nhưng ít thể hiện rõ hơn mà các nền dân chủ gặp phải là tình yêu quá mức cho sự bình đẳng. Trong thực tế, ngay cả các vấn đề về thể chế cũng chỉ là những biểu hiện của tình cảm này, tình cảm mà tất cả các dân tộc dân chủ đều có. Nguyên lý nhân dân tối thượng và quyền lực của công luận là hệ quả tất yếu của tư tưởng bình đẳng. Nếu tất cả bình đẳng, thì không ai có bất cứ cơ sở nào để tuyên bố quyền cai trị đối với người khác. Do đó, cách đúng đắn duy nhất để điều hành một xã hội là các quyết định phải dựa trên ý chí của đa số. Tuy nhiên vấn đề mà ý tưởng này gặp phải là nó có thể dễ dàng dẫn đến sự chuyên chế.
Chuyên chế có thể xảy ra khi quyền lực nằm trong tay một người, một nhóm người hoặc đa số. Trong trường hợp của nền dân chủ, có một nguy có tiền tàng là đa số sẽ trở thành chuyên chế. Nếu không có sự kiểm soát đối với quyền lực của đa số, thì nó sẽ có một quyền lực tuyệt đối và những người thuộc về thiểu số sẽ không thể chống lại.
Có lẽ còn nguy hiểm hơn nữa là sức mạnh đạo đức tuyệt đối mà ý kiến của đa số có đối với xã hội. Như đã từ nhận xét, nếu tất cả bình đẳng thì không ý kiến của ai có trọng lượng hơn ai. Kết luận logic là ý kiến của đa số phải là ý kiến tốt nhất. Và vì vậy, có một xu hướng rời bỏ tự do tư tưởng trong các xã hội dân chủ. Việc chống lại ý kiến của đa số được xem như là một yêu sách gián tiếp đối với sự ưu việt hơn ý kiến riêng của cá nhân so với ý kiến đa số, điều này mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc bình đẳng. Do đó, dạng chuyên chế này có thể được xem như tồi tệ hơn các dạng chuyên chế trong quá khứ vốn liên quan đến sự cưỡng ép và sự tàn bạo về mặt vật chất. Trong một đoạn văn hùng hồn ở Chương 7, Tocqueville viết, “trước đây, những kẻ chuyên chế sử dụng những vũ khí thô sơ như xiềng xích và đao phủ; thì ngày nay nền văn minh đã tinh chế cho hoàn hảo tới cả nền bạo quyền, tưởng như chẳng còn gì để học thêm nữa. Sự chuyên chế trong các xã hội dân chủ đi thẳng vào tâm hồn. Nó nguy hiểm hơn bởi vì nó được che dấu và không thi hành sự ràng buộc đối với thể xác bên ngoài; do đó không ai có thể nhận ra và không ai phản ứng chống lại. Bên cạnh đó, đa số người dân được lợi từ nó, nên không ai muốn phản đối nó.”
Hai mặt ảnh hưởng khác của sự bình đẳng cũng làm gia tăng sự chuyên chế là chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất. Như Tocqueville chỉ ra, “Chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc dân chủ, và có nguy cơ gia tăng khi các điều kiện ngày càng bình đẳng hơn”. Lý do cho điều này là sự bình đẳng làm cho sự quan tâm của người dân tập trung vào chính họ. Không có sự ràng buộc xã hội như trong nền quý tộc trị vốn liên kết con người với nhau và buộc họ thừa nhận sự phụ thuộc của họ vào nhau. Chủ nghĩa cá nhân có thể đóng góp làm gia tăng sự chuyên chế bởi vì nếu các công dân trở nên quá cá nhân họ sẽ không bận tâm đến việc hoàn thành các bổn phận dân sự hay thực hành sự tự do của mình. Chủ nghĩa vật chất bắt nguồn từ niềm đam mê cho sự bình đẳng bởi vì mọi người nghĩ rằng họ phải có nhiều sự giàu có như mọi người. Một cách gián tiếp, chủ nghĩa vật chất cũng đi từ xu hướng triết học được thúc đẩy bởi nền dân trị đó là coi thường các tư tưởng cao quý. Ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất đó là người dân bị cuốn vào việc theo đuổi sự giàu có của bản thân từ đó lờ đi việc sử dụng sự tự do chính trị của mình. Ngoài ra, người dân có thể thực sự sẵn lòng rời bỏ sự tự do của họ để chấp nhận một sự chuyên chế khoan dung, vốn cung cấp một xã hội trật tự và đảm bảo sự thịnh vượng vật chất.
Tuy nhiên, thật may mắn, Tocqueville nhận ra sự tồn tại của các thiết chế có thể giúp duy trì sự tự do ngay ở giữa những xu hướng chuyên chế này. Về mặt thế chế, tư pháp độc lập với quyền giám sát tư pháp là cực kì quan trọng. Bởi vì nó có thể tuyên bố bộ luật nào không hợp hiến, tòa án tối cao cung cấp sự kiểm soát duy nhất đối với sự chuyên chế của đa số. Các thẩm phán được bổ nhiệm, mà không phải được bầu chọn, và vì họ phục vụ nhiệm kì dài hạn, nên họ có nhiều sự độc lập để đưa ra các quyết định mà họ nghĩ là tốt nhất mà không cần lo lắng về ý kiến của công luận. Một thiết chế khác đó là bồi thẩm đoàn. Trong khi bồi thẩm đoàn không luôn là phương tiện tốt nhất để đạt được công lý, thì chúng phục vụ một chức năng tích cực khiến người dân nghĩ về các vấn đề của người khác và giáo dục họ sử dụng sự tự do của họ. Từ những lý do này, Tocqueville tin rằng hệ thống tư pháp là “một trong những phương tiện hiệu quả nhất của sự giáo dục phổ thông”. Giống với hệ thống tư pháp, sự phi tập trung hành chính cho phép sự tự trị địa phương là một phương tiện có ý nghĩa quyết định để giữ cho sự tự do sống động bằng cách cho phép người dân thực thi sự tự do thường xuyên. Sự tồn tại của sự tự do địa phương là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa Pháp và Mỹ. Tocqueville quy sự thất bại của Cách mạng pháp chủ yếu do sự tập trung hành chính quá mức khiến người dân không còn khả năng thực thi sự tự do của họ, làm họ mất đi tình yêu tự do và quên mất cách thực hành sự tự do.
Các yếu tố phi thể chế giúp duy trì sự tự do ở Mỹ là quyền lập hội, tự do báo trí, và quan trọng nhất là tôn giáo. Đoàn hội là một công cụ tuyệt vời chống lại chủ nghĩa cá nhân và cho phép người dân thực hành sự tự do của họ bằng cách tham gia vào chính trị. Báo chí có sự nối kết trực tiếp với đoàn hội trong đó đoàn hội cần báo trí để truyền thông cho các thành viên của mình và cũng là phương tiện để truyền đi các thông điệp của họ đến công chúng. Ở Mỹ, tôn giáo quan trọng hơn tất cả.Tôn giáo dạy người dân sử dụng sự tự do một cách đúng đắn. Vì chính quyền không cung cấp các tiêu chuẩn tuyệt đối, nên tôn giáo cần phải cung cấp một số ranh giới đạo đức. Như Tocqueville nhận xét “Chuyên chế có thể tồn tại mà không cần đức tin, nhưng tự do thì không …. Làm thế nào một xã hội không bị phá hủy nếu, khi các quan hệ chính trị bị nới lỏng, mà các quan hệ tôn giáo không được thắt chặt lại? Bằng cách mang người dân lại gần nhau trong một cộng đồng với niềm tin chung, tôn giáo cũng chống lại chủ nghĩa cá nhân. Ngoài ra, tôn giáo còn là phương tiện duy nhất cân bằng lại xu hướng vật chất của con người dân chủ. Tôn giáo hướng tinh thần con người ra ngoài khía cạnh vật chất tới những gì bất tử vĩnh cửu. Tocqueville nhận thấy một sức mạnh như vậy là rất cần thiết trong xã hội dân chủ đến nỗi ông cảnh báo những người lãnh đạo đừng cố cản trở đức tin của người dân, vì sợ rằng “ngay khi tâm hồn trống rỗng niềm tin thì tình yêu sự hài lòng vật chất sẽ đến và lan tran rồi lấp đầy tất cả”.
Chúng ta có thể thấy rõ ràng là hầu hết, không phải tất cả, những khuynh hướng đa dạng của nền dân chủ Mỹ tụ lại cùng nhau khi khảo sát mối quan hệ giữa tự do và bình đẳng trong xã hội. Trên tất cả, Tocqueville có một tình yêu đầy đam mê cho sự tự do và muốn chỉ ra những xu hướng nguy hại đe dọa phá hủy nó cũng như phương tiện qua đó có thể bảo vệ nó. Trong dòng cuối cùng của cuốn sách, ông viết” các dân tộc thời nay không còn cách gì để làm cho trong lòng mình không còn bình đẳng bình quyền nữa; nhưng tùy các dân tộc đó mà quyền bình đẳng có thể dẫn đến nô lệ hoặc dẫn đến tự do, đến sáng láng hay đến man rợ, đến thịnh vượng hay khốn cùng. Tocqueville hi vọng là thông qua những hiểu biết ông trình bày trong cuốn sách này, thì con người sẽ có thể hướng dẫn họ tốt hơn hướng đến tự do, tri thức và thịnh vượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét